Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 15

18/03/201201:48(Xem: 9926)
Chương 15

NGÕ THOÁT

tức Phương Trời Cao Rộng 3

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

flowerba

CHƯƠNG MƯỜI LĂM

Bên ngoài im lặng quá. Không có cả tiếng ếch nhái hay côn trùng kêu ra rả như mọi khi. Không có tiếng động cơ của xe cộ hay tiếng chuông nhỏ của chiếc xich lô nào. Cũng không có cả tiếng mớ đòi ăn của anh tù nhân bụng đói. Không có cả tiếng ngáy như sấm của ông Trọng. Cái im lặng ấy đánh thức tôi thì phải.

Tôi trở dậy đến bên cửa. Cửa gió hôm nay bị một anh lính gác khó tính nào đó cài then lại khi đi tuần tra. Nhưng dĩ nhiên là anh không thể nào bít được cái kẽ hở mong manh có hình dạng mặt trăng lưỡi liềm ở góc trái, bên dưới của cửa gió. Trong phòng giam có hai bóng đèn sáng, còn bên ngoài thì tối thui. Tôi chưa nhìn ra ngoài, nhưng có thể đoán được màn đen ấy qua cái im lặng đến sững người của không khí chung quanh. Cái im lặng ấy làm cho thế giới đặc quánh lại thành một toàn thể duy nhất, và làm cho trời đêm trở nên bát ngát, mang mang hơn. Tôi ghé mắt nơi lưỡi trăng mỏng ấy để nhìn ra ngoài. Đứng ngay người, nhìn xuống, tôi thấy lờ mờ cái nền xi măng của hành lang ướt đẫm sương đêm hay một cơn mưa nhỏ nào vừa lướt qua khi tôi đang còn ngon giấc. Nhìn xéo ngang bên trái, tôi thấy một phần bức tường của dãy nhà giam tập thể phía đối diện; bức tưòng ấy màu vàng nhạt, dưới bóng đêm trở thành một màu trăng trắng, úa héo. Khom người thấp xuống một chút với đôi mắt ngước lên, tôi có thể thấy được bầu trời đêm đen kịt với duy nhất một ngôi sao nhỏ xíu, phát ánh sáng còn yếu hơn con đom đóm. Ngôi sao ấy đang đứng im để trầm tư hay đang tọa thiền nơi cái tĩnh lặng bao la của hư không. Ngôi sao ấy dễ thương làm sao. Ừ, nếu được tự do đứng ngoài sân kia, hẳn tôi sẽ không nhìn thấy ngôi sao bé xíu ấy. Bao nhiêu ngôi sao to lớn, rực rỡ, nhấp nháy vui nhộn khác, sẽ lấn lướt, trùm lấp ngôi sao nhỏ khiêm nhường này. Tôi xúc động nhìn mãi ngôi sao ấy không biết chán. Rồi một nỗi vui lạ kỳ xâm chiếm con tim khiến tôi bỗng thấy lạc quan vô cùng. Tôi như đứa trẻ lần dầu tiên hiện hữu nơi trần gian với đôi mắt tinh khôi, nhìn ngắm từng khoảng không gian và sự vật trước mặt với nỗi ngạc nhiên sung sướng dường như bất tận. Ôi thú vị làm sao, kỳ diệu làm sao! Chỉ một khoảng không gian chật hẹp của hành lang, của khung trời hẹp ở giữa hai dãy nhà, nay cũng trở nên một cái gì mênh mông kỳ vĩ… Ồ, ngôi sao kia, đám mây mờ kia, sao tôi muốn tung người lên ôm chúng vào lòng quá! Ồ, cái vách tường vàng tróc một mảng vôi bên dãy phòng tập thể kia, cùng với nền xi măng ngoài cánh cửa sắt này, sao tôi muốn rờ chúng một cái quá! Tôi bồn chồn thụp lên, thụp xuống, xao xuyến, bồi hồi, cơ hồ muốn đạp tung cánh cửa sắt để nhảy từng bước dài ngoài kia. Tôi có cảm tưởng là nếu đựơc tự do rời phòng giam này, tôi có thể bay được bất cứ nơi nào tôi muốn, bay thong thả, nhẹ nhàng hơn những cánh chim, bay như một làn gió nhẹ vi vu, bay như chiếc lông tơ mỏng manh của con gà con vịt mới chui ra khỏi trứng…

“Cậu nhìn cái gì vậy?” ông Trọng nằm co, mở mắt nhìn tôi, hỏi với giọng ngái ngủ.

Tôi quay lại, cười:

“Có gì đâu, chỉ nhìn trời, nhìn đất… nhìn sao.”

“Lãng mạn!” ông lầm bầm nói trong miệng hai tiếng ấy xong, nhắm mắt ngủ tiếp.

Tôi lặng lẽ trở về chỗ của mình. Tựa lưng vào tường, ngồi im một lúc cho mọi xao động được lắng xuống, tan loãng vào cái tịch lặng mênh mông của không gian chung quanh. Dường như bản ngã của tôi đã bắt đầu tỏ thái độ phản kháng đối với sự tù hãm.

Thế giới này thật khùng điên. Cả tôi cũng khùng điên nữa. Đã có khi tôi bắt chước ai đó, nghĩ rằng tôi tỉnh giữa một đám người điên, hoặc điên một mình giữa đám người đang tỉnh táo. Nay tôi thấy cả hai trường hợp đều sai: tất cả đều điên. Lũ chúng ta, hiện hữu trên thế giới này, đều là những người điên. Khi nào ở tù mới thấy thấm thía ý nghĩa của tự do. Khi nào khổ đau mới mơ được hạnh phúc. Khi nào quá động mới cần đến yên tĩnh. Khi nào quá tĩnh mới yêu được động… Trái tim và khối óc của loài người y hệt quả lắc đồng hồ: hễ đi hết trớn về phía bên này thì lại trả về phía bên kia. Phải chăng những người điên chúng ta chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống qua sự nhảy dội nhịp ngàng của tim óc trên cái hành trình bất định một cách cố định giữa trùng vi chằng chịt của các đối cực, đối thể, đối vật, đối tượng, đối cảnh, đối lực, đối điểm, đối nhân, đối duyên, đối quả…? Và chúng ta có tìm thấy hạnh phúc thực sự bằng cái ý nghĩa cuộc sống kỳ cục như thế chăng? Tôi phải làm gì đây? Tôi đang muốn gì đây? Tôi chẳng biết. Nhưng tôi thấy thấm. Thấm vào tim tôi một khát vọng nào đó. Cái khát vọng này thực ra cũng chẳng lạ lùng gì đối với tôi đâu. Nó không phải lúc này mới từ bên ngoài mà xâm nhập tôi. Nó dấy lên từ bên trong, thấm từ bên trong, thấm từ những tiền kiếp cũ rích xa xưa nào đó. Nó như một cái gì to lớn bị thu nhỏ lại, bị nêm chặt, bị đóng kín, bị nhốt cứng vào một vật có dung tích bé xíu. Nó vùng vẫy tìm cách thoát ra. Nó muốn phá vỡ cái vật chứa đựng nó. Có hai cách phá vỡ hiệu năng của vật chứa: hoặc là tung mạnh lên bằng một tiềm lực khủng khiếp vĩ đại, hai là nhẹ nhàng thoát ra bằng cách tan chảy nhẹ nhàng, nhu hòa và thấm đượm. Có lẽ tâm thức và hoàn cảnh tôi đang thích hợp cho cách thứ hai. Và tôi nghe cái khát vọng giải thoát nhè nhẹ trôi trong tôi như một con lạch nhỏ. Êm đềm.

Tính theo âm lịch, hôm nay là ngày Phật đản. Buổi khuya ngồi thiền sớm, tôi nghe có tiếng tụng thần chú Lăng Nghiêm của Thiện Đắc từ phòng biệt giam số 2 vọng đến. Âm thanh như sóng biển. Hùng tráng. Bất tận. Âm vang của tiếng kinh đánh động cảm xúc thường lệ của tôi đối với sinh hoạt thiền môn, khiến tôi muốn vùng đứng dậy. Vâng, cho đến lúc này, tôi đã xuất gia được mười lăm năm, quen thuộc tiếng kinh kệ chuông mõ. Tôi mê tụng kinh lắm. Tu sĩ Phật giáo mê tụng kinh như ca sĩ mê hát. Tụng nhiều quá thì có khi cũng thấm mệt, muốn nghỉ ngơi. Nhưng bỏ tụng một ngày, nghe kẻ khác tụng, lại thấy nhớ, muốn cất cao giọng lên mà hòa theo. Từ nhiều tháng nay, bỏ chùa ở kinh tế mới, về Sài-gòn lánh nạn tại nhiều tư gia khác nhau, tôi đã không tụng bất cứ một thời kinh nào. Hơn một tháng ở tù, dĩ nhiên tôi cũng chưa hề tụng lấy một câu kinh ra thành tiếng nói chi cả một khóa lễ. Bây giờ, tôi thực sự muốn tụng. Mà hôm nay cũng là ngày lễ Phật đản, ngày kỷ niệm sinh nhật của đức Phật, tăng ni và tín đồ Phật giáo khắp nơi trên thế giới đang tập trung tại các chùa chiền, tu viện, tịnh xá… để cử hành lễ tưởng niệm một bậc giác ngộ siêu phàm. Tôi thực sự muốn tụng một thời kinh dâng lên đức Phật. Tôi không cần phải cầu nguyện cho tôi một điều gì. Tôi chỉ muốn nhân ngày Phật đản, cùng với những người con Phật khác trên thế giới, cất lời tán dương đức Phật để từ niềm kính ngưỡng đó, vực con người hèn mọn của mình đứng dậy.

Ông Trọng hãy còn ngủ ngon, tôi không dám tụng niệm gì để động phá giấc ngủ của ông. Tôi ngồi trầm tư nơi chỗ của mình, chờ đợi. Sáng sớm ông thức dậy làm vệ sinh, tập thể dục, tôi nói:

“Hôm nay Phật đản, cháu muốn tụng kinh, chỉ sợ phiền chú.”

“Tụng kinh à? Cậu biết tụng sao? Cậu thuộc kinh gì, dài hay ngắn?”

“À, cũng không dài lắm đâu. Chủ yếu là… lạy.”

“Giống như lạy sám hối đó hả?”

“Dạ.”

“Vậy thì cậu cứ lạy đi, sao phải hỏi ý tôi chớ?”

“Cháu sợ phiền chú nên chờ chú thức, thưa trước với chú, vì khoá lễ có thể kéo dài cả tiếng đồng hồ.”

“Không sao đâu. Tôi biết mà. Cậu cứ tự nhiên tụng kinh gì đó thì tụng, tôi đứng chơi ở cửa gió này được mà.”

Tôi cám ơn ông rồi mặc áo quần vào. Chiếc áo sơ mi trắng và cái quần tây đen xếp thẳng thớm, đặt mãi ở đầu giường của tôi trong phòng biệt giam này cũng trở nên trang nghiêm lạ thường. Dường như không có sự khác biệt nào trong việc mặc âu phục lúc này với việc khoác ca-sa để hành lễ lúc còn ở chùa.

Lúc đó khoảng năm giờ rưỡi sáng. Tôi đứng chắp tay hướng về bức vẽ Phật Thích Ca trên vách, nơi đầu nằm của tôi, bắt đầu ngân nga tụng bài tán dương Phật, rồi tụng kinh Lăng Nghiêm, sau đó, tôi bắt đầu xướng các bài kệ ngôn kèm theo danh hiệu mỗi vị Phật, cứ mỗi danh hiệu Phật hay Bồ tát thì lạy xuống một lạy (đây là nghi thức lễ tụng hàng ngày được áp dụng tại Tu viện Già Lam do Hoà thượng Trí Thủ soạn ra). Nghi thức này gồm 108 lạy. Nhưng tôi lạy thêm các câu xưng tán cuộc đời đức Phật Thích Ca nữa, thành ra hơn 120 lạy. Mà cách lạy của Phật giáo Bắc tông Việt Nam khác với cách lạy của Phật giáo Nam tông. Bên Nam tông chỉ quỳ mà lạy, Bắc tông thì mỗi lạy mỗi đứng dậy. Động tác đứng dậy quỳ xuống phải dùng nhiều sức, nhiều thời gian hơn. Hòa thượng Trí Thủ dạy rằng đó là một lối thiền tập hữu hiệu nhất vì nó tác động đến cả ba nghiệp: tâm thì nghĩ đến Phật, thân thì cúi lạy, miệng thì đọc tụng danh hiệu Phật. Thân cúi lạy không những là phương pháp dẹp trừ bản ngã và sự kiêu mạn, học hạnh khiêm cung, mà còn là một động tác thể dục rất tốt cho sức khỏe. Ban đầu, ông Trọng đứng né nơi cửa gió phía bên ông để hít thở không khí và xem tôi lễ tụng. Tôi lạy đâu chừng mười lạy thì bỗng dưng ông tự động mặc quần áo vào, đến quỳ lạy phía sau lưng. Ông lạy theo tôi từ khoảng cái lạy thứ hai mươi cho đến hết khóa lễ. Cả tôi và ông đều đổ mồ hôi, ướt đẫm cả quần áo, dù rằng lúc ấy mặt trời chưa mọc, hoặc đã mọc nhưng còn lẩn trong những đám mây dày đặc. Cởi quần áo ra, chúng tôi trải dưới dất chờ nắng hong khô. Dù vậy, tâm tôi bấy giờ vô cùng hoan hỉ. Mồ hôi tuôn ra, tôi tưởng chừng bao thứ phiên não, dục vọng của tôi cũng theo đó mà tiêu tan.

“Chưa bao giờ tôi lạy cả trăm lạy như vậy,” ông Trọng nói khi đưa tấm cạc-tông cho tôi làm quạt. “Kể cũng lạ, thằng con tôi đi tu, vậy mà nó chẳng bao giờ khiến tôi phải chắp tay cúi đầu trước nó hay trước Phật. Nói thiệt, tôi chỉ chắp tay cúi đầu trước bàn thờ đức Huỳnh giáo chủ, trước bàn thiên, chứ chưa chắp tay trước Phật. Trong khi đó… cậu, một thanh niên đời, lại làm tôi phát tâm cúi lạy Phật một cách tự nguyện, vui vẻ, chẳng biết mệt mỏi… Có lẽ tại cậu tụng kinh quá hay, hoặc vì cái vẻ thành tâm của cậu làm tôi xúc động… Chắc cậu phải đi chùa thường xuyên lắm mới tụng thuộc lòng nhiều đoạn kinh và tụng hay như vậy? Tôi cũng muốn nghe giáo lý Phật lắm, nếu cậu có biết giáo lý Phật, cậu nói tôi nghe khi nào cậu có hứng nhé.”

Tôi chỉ ậm ừ, không quên cảm ơn ông đã tôn trọng buổi lễ của tôi. Nhưng ông lại cám ơn tôi đã mang lại cho ông tín tâm đối với Phật giáo. Ông hiểu biết khá nhiều về thế sự, nhưng quả thật là mù tịt về vấn đề Phật giáo, dù ông là tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo, một tôn giáo xuất phát từ hệ thống giáo lý nhà Phật. Ông thực không biết rằng giáo chủ của ông cũng là đệ tử của Phật. Tôi giới thiệu cho ông nghe sơ về Phật giáo trong những ngày kế tiếp, nhưng vẫn không cho ông biết tôi là tu sĩ.

Xế chiều hôm đó, sau khi tôi kể ông Trọng nghe một câu chuyện cổ trong Phật giáo, ông rất vui. Ông bước qua bước lại trong phòng một lúc rồi ngồi xuống bên tôi, nói:

“Những ngày trước, tôi kể chuyện này nọ về tình cảm tình dục… chắc cậu không vui. Tôi cảm thấy như đã làm một điều gì thất lễ. Thành thật xin lỗi… nghe.”

Tôi cười, xua tay nói:

“Ô, có gì đâu. Trong tù rảnh rỗi, chú kể chuyện đời cho nghe thì vui chứ cháu đâu có phiền hà gì.”

Ông ngưng như để lựa lời. Một lúc, ông nói:

“Tôi muốn qui y Tam Bảo.”

Tôi rất ngạc nhiên, nhìn vẻ mặt thành khẩn của ông:

“Chú cứ lợi dụng thời gian ở tù, siêng năng tu tập và giữ tín tâm, rồi khi nào được tự do, hãy tìm đến một chùa nào đó gần nhà nhất. hoặc một vị thầy mà chú ngưỡng mộ, để xin làm lễ qui y.”

“Thầy có ở đây rồi, cần gì chờ đợi hay tìm kiếm đâu cho xa.”

“Ai nói chú như vậy!”

“Không, hồi đó chưa nhận ra nhưng bây giờ thì không thể nhầm lẫn đựơc nữa. Phải là tu sĩ thực thụ mới có cốt cách, ngôn ngữ, cách tụng kinh, nói pháp như thầy. Hèn gì cả tháng nay, tôi cứ thắc mắc hoài, không biết thầy là loại người nào trong xã hội. Thầy cho tôi qui y đi.”

Biết tông tích mình đã lộ, không thể che giấu và cũng không cần thiết để che giấu ông nữa, tôi nói:

“Thực ra, tin và tu học theo giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo cũng đủ rồi. Giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo cũng rút ra từ kinh điển Phật, áp dụng vào đời sống xã hội, rất thích hợp với tâm tình của người dân miền tây nam bộ. Lâu nay chú theo Phật giáo Hòa Hảo thì cứ giữ như vậy, đâu cần phải thay đổi. Điều quan trọng là biết tu tập, cải đổi tâm tính của mình mà thôi. Chú phát tâm như vậy thì đã trở thành đệ tử Phật rồi, không nhất thiết phải làm một lễ qui y hoặc phải bỏ Phật giáo Hòa Hảo…”

Tôi chưa dứt lời thì tiếng cái then cài cửa gió kêu “cạch” một tiếng, cửa gió mở, một cái mặt ló ra:

“Vĩnh Khang, có không?”

“Có,” tôi đáp và đứng dậy, bước đến cửa.

Tôi tưởng là một cán bộ, nào ngờ là anh nuôi. Anh nói nhanh:

“Cán bộ bảo anh chuẩn bị đồ đạc cá nhân, năm phút nữa cán bộ xuống là phải ra ngay, rời trại đó.”

Ông Trọng xen vào, hỏi người anh nuôi:

“Sao, được về hả?”

“Không biết,” anh nuôi đáp nhanh.

Tôi xoay vào, lấy áo quần. Đồ dạc cá nhân, ừm, có đồ đạc gì đâu mà chuẩn bị. Chỉ có áo quần mặc vào thân, tay thì cầm cái ca nhựa đựng cái muỗng nhựa, khăn mù-xoa thì nhét vào túi quần. Giày xăn-đan thì xỏ vào chân. Vậy là xong. Còn các thức ăn khô do sư cô Trí Hải gửi biếu cũng như thức ăn tươi do tôi và ông Trọng gởi mua được từ hợp tác xã của trại bằng phiếu tiền, tôi để lại hết cho ông Trọng. Phiếu tiền còn khoảng hai trăm, tôi cũng biếu ông Trọng nốt. Ông ấy không chịu, đòi gói ghém ít thức ăn cho tôi mang theo. Nhưng tôi biết tôi có thể chịu đựng được hơn ông, nên nhất quyết chỉ mang theo cái ca nhựa và cái muỗng, giống như các nhà sư nguyên thủy tu hạnh đầu đà khất thực ngày xưa, chỉ mang theo cái bình bát làm tài sản sống qua ngày.

“Chắc không phải được tự do đâu. Như tôi đoán hôm trước, thầy sẽ bị chuyển qua một trại giam nào đó của tỉnh Đồng Nai vì thầy liên can vào vụ án ở tỉnh đó. Thầy à, cám ơn tất cả những gì thầy đem đến cho tôi trong hơn một tháng qua. Tôi thực sự là mang ơn thầy lớn lắm, chẳng lời nào nói hết được. Mai sau, nếu còn nhớ đến tôi, còn có ý định vào Bảy Núi, thầy tìm đến nhà tôi, địa chỉ tôi cho thầy bữa trước rồi. Còn nếu như thầy về trước tôi mà muốn đi thẳng vào vùng Hòa Hảo, hãy xuống Long Xuyên, hỏi đường đến cù lao Ông Chưởng. Ở đó có ông Hai giữ miếu thờ Đức Ông, Đức Bà, thân phụ thân mẫu của đức Huỳnh giáo chủ. Thầy nói tên tôi, ông Hai sẽ giúp những gì thầy cần. Riêng phần tôi, xin hứa với thầy, nếu có dịp tái ngộ, sẽ hết lòng theo giúp thầy để thực hiện ý nguỵên mà thầy đeo đuổi…”

Tôi xúc động nhìn ông ấy. Ông ngập ngừng rồi bước sát lại, ôm lấy tôi một lúc. Khi ông buông tôi ra, tôi đưa tay cho ông bắt, nói:

“Chú giữ gìn sức khỏe. Hẹn ngày gặp lại. Địa chỉ của gia đình tôi, đã cho chú rồi, nếu chú về sau, nhớ đến đó hỏi tin tức của tôi. Đừng quên nha.”

“Còn điều này nữa, thầy ạ. Ở các trại tù khác mà bị nhốt chung trong phòng biệt giam với tù nhân nào, thầy phải hết sức cẩn thận mới được. Có khi tù nhân đó chỉ là một thằng công an, hoặc một thằng đặc tình của công an cài vào giả đò kết thân với thầy để khai thác tin tức đó. Thầy tin tưởng tôi là thầy xét đúng người, chứ với người khác, xin thầy đề phòng một chút. Đừng tiết lộ bất cứ cái gì của thầy cho họ nghe. Xin giữ lấy thân để còn tiếp tục đấu tranh cho đất nước. Đất nước khổ đau này, lúc nào cũng cần những người có lòng như thầy…”

Ông ứa nước mắt. Tôi không ngờ ông tình cảm đến thế. Tiếng ổ khoá đã vang lên. Cái then lớn được kéo ra. Rồi cánh cửa mở toang, ánh sáng lùa vào. Tôi đưa tay vẫy nhẹ với ông Trọng một cái, rồi bước thẳng ra ngoài. Cán bộ trực nhìn tôi, hỏi:

“Sao không mang đồ đạc cá nhân theo?”

“Có mang theo rồi,” tôi đưa cái ca bên trong có đựng cái muỗng lên.

“Chỉ vậy thôi à?” Cán bộ trực hỏi.

“Chỉ vậy thôi.”

Ở đầu dãy, nơi bàn trực, có Sơn và Hùng đứng sẵn. Có một anh công an khác. lạ mặt, dáng to cao, mặc đồ dân sự, mang mắt kiếng đen, đang nói chuyện với Sơn và Hùng. Thấy tôi từ phòng biệt giam bước ra, cả ba người cùng quay về hướng tôi, im lặng nhìn tôi chăm chú, có vẻ như quan sát.

“Chào anh Khang, bữa giờ cũng thường hả?” Sơn hỏi.

“Thường,” tôi đáp.

“Đây là đồng chí Dũng, cán bộ của trại B5, Biên Hòa,” Sơn chỉ người cán bộ lạ mặt, giới thiệu. “Hôm nay anh Khang đi theo anh Dũng qua trại B5 há. Bên đó cũng thoải mái lắm, phải không anh Dũng?”

Dũng chỉ cười nhạt, mắt dán vào tôi, từ đầu đến chân. Dũng nhìn tôi khá kỹ. Đôi mắt anh như ngờ vực, hoặc có một điều gì khó hiểu.

“Còn một người nữa hả?” Sơn hỏi Hùng.

“Kìa, ra rồi,” Hùng đáp.

Viên cán bộ trực dãy mở cửa phòng biệt giam số 2. Thầy Thiện Đắc từ trong bước ra, hai tay xách hai giỏ lát nặng trĩu. Hướng về chỗ bàn trực, thấy tôi, Thiện Đắc vui mừng, lo cười chào tôi, có vẻ như chẳng hề để ý đến những anh công an đang đứng chờ đợi. Dũng, anh công an của Biên Hoà, thấy vậy thì tự ái, mở lời thị uy:

“Cười cái gì! Cười với ai vậy hả? Anh có biết là anh đi đâu không?”

Thiện Đắc không trả lời, đứng lại một bên tôi. Sơn và Dũng lo làm một số thủ tục bàn giao nào đó rồi lệnh cho tôi và Thiện Đắc theo họ ra sân trước. Có Hùng đi sau lưng chúng tôi. Ngoài sân có một chiếc xe hơi màu trắng, loại bốn cửa. Dũng lục xét lại chúng tôi một lần nữa trước khi cho chúng tôi lên xe. Hai giỏ đồ của Thiện Đắc bị bày soạn ra đất. Bình nước tương hai lít của Thiện Đắc bị Dũng bắt trút hết xuống cái mương gần đó vì sợ mang theo sẽ bị đổ trên sàn xe. Xong phần khám đồ đạc, Dũng lại cẩn thận khám xét luôn cả chúng tôi, bắt tôi và Thiện Đắc đưa hai tay lên trời. Tôi và Thiện Đắc cứ nhìn nhau cười tủm tỉm. Hình như bị giam lâu, nay gặp bạn bè cũ, chúng tôi thấy mừng mừng tủi tủi, nhìn nhau không chán.

Khám xét rồi, Dũng lấy cái còng số 8, vừa còng hai tay tôi lại nói:

“Xin lỗi nha anh Khang, tôi không muốn làm điều này một chút nào.”

“Đâu có sao, anh lo phận sự của anh mà,” tôi nói.

Dũng tính còng hai tay tôi ra sau, nhưng nghĩ sao, anh lại cho tay tôi ra trước. Rồi anh mở cửa băng ghế sau, phía trái, sau lưng tài xế, bảo tôi bước lên xe trước. Thiện Đắc thì được đưa qua phía bên phải, cũng ngồi cùng băng sau với tôi. Dũng không còng tay Thiện Đắc, một phần vì anh chỉ mang theo có một cái còng, phần khác, có lẽ vì Thiện Đắc tội nhẹ hơn tôi. Tuy nhiên, cán bộ ở đây cũng đưa cho Dũng một sợi dây điện dài cỡ hai chục thước. Dũng bảo Thiện Đắc bước ra khỏi xe, lấy dây điện trói chặt lại hai tay Thiện Đắc nhiều vòng, rồi bảo Thiện Đắc lên xe trở lại. Khúc dây điện còn dư cỡ mười mấy thước từ hai tay bị trói của Thiện Đắc, Dũng quấn quanh người Thiện Đắc vài vòng, rồi kéo xuống trói luôn hai chân; dây vẫn còn dư, Dũng kéo qua phía tôi, trói cả hai chân tôi, xong lại kéo ngược lên, quấn quanh người tôi vài vòng, rồi lại xiết mấy gút thật chặt sau lưng tôi. Xong công việc ấy, Dũng đưa cái ca của tôi cùng hai giỏ đồ của Thiện Đắc lên xe, rồi xoa tay, thở phào.

Chỉ có mình Dũng lên xe, vừa là tài xế, vừa là cảnh sát áp tải chúng tôi từ trại giam Sài-gòn sang trại giam Biên Hòa. Hình thức dẫn độ không được kỹ lưỡng như vậy kể cũng khá đặc biệt, chẳng rõ lý do gì. Có lẽ vì tù nhân là hai ông thầy tu mà công an biết rõ là chẳng phải loại dữ dằn, bạo động.

Xe chuyển bánh rời sân trại. Cổng trại bít bùng được anh công an từ bót gát kéo ra hai bên. Thế giới bên ngoài với người xe tấp nập hiện ra trước mặt tôi như cảnh tượng trên một màn ảnh. Cảnh tượng của một cuốn phim mới được chiếu lần đầu. Tôi cơ hồ quên mất rằng tôi chưa được trả tự do nên được nhìn cảnh vật bên ngoài đã ham hố, thấy hân hoan tươi mát trong lòng vô cùng. Nhưng khi ngang chợ Bà Chiểu, nhìn đám đông đồng bào lam lũ chen chúc bán mua trên những ngã chợ bụi bặm, nỗi đau lòng trước cái khổ của người dân bất chợt quay trở lại, trùm lấp ngay ảo giác hạnh phúc được nhìn ngắm ngoại cảnh của tôi. Tôi biết, không có tôi, đời vẫn thế. Dù tôi đang ở chùa, ở nhà bà Bàng, trốn ra nước ngoài, hay chấp nhận vào tù, thì đời vẫn thế. Cái nghiệp dĩ nặng nề nào đó đè xuống thân phận của nước tôi, khiến cho nghìn năm, rồi trăm năm, rồi mấy chục năm nay, dân tôi cứ thế mà khổ. Phải chăng đó là một thứ định mệnh không thể chống trả, không thể hoán cải? Hừ, thực ra có cái gì trên thế gian này mà lại không thể chuyển dịch được đâu kìa! Sông cạn, núi mòn. Bao nhiêu dâu bể thăng trầm đã diễn ra. Bao nhiêu mây trắng mây đen đi ngang bầu trời này rồi hóa kiếp trên những núi thẳm, đồng xanh khác nhau. Thế mà, từ những năm gần đây, thời gian như cô kẹo lại Cái gì cũng có vẻ chết cứng. Xác thân, cảm giác, tư tưởng, ý chí và nhận thức của con người thời nay như bị đặc quánh lại thành một thứ hắc ín dẻo nhẹo. Cái màu đen của hắc ín, chỉ nhìn thấy thôi, đã có ngay cảm giác là khó gột rửa. Ừ, đất nước này, con người này, như vậy đó. Hình như họ không bao giờ được sống trong hiện thực. Họ chỉ sinh ra để sống cho một thứ lịch sử đã chết, hay sống cho một thứ tương lai xán lạn moi móc trong chính cái lịch sử đã chết đó. Tôi có cảm tưởng rằng, dù gì đi nữa, họ vẫn vất vả, nghèo đói, khổ đau. Vẫn nghi kỵ, che giấu, giả dối. Vẫn ẩn nhẫn chịu đựng để sống. Vẫn giả đò tin tưởng chế độ để được yên thân… Cái xã hội này sẽ vẫn như thế, dù mười năm hay hai mươi, ba mươi năm sau, khi tôi bước ra khỏi trại giam với cái lưng còng xuống và mái tóc bạc phơ.

Có ngõ thoát nào chăng? Tôi nhìn hai tay bị còng của mình và tủm tỉm cười một mình. Dũng đang lái xe, nhìn kiếng chiếu hậu, thấy tôi cười, liền hỏi:

“Cái gì đó anh Khang?”

“Không có gì,” tôi đáp.

Im lặng một lúc, Dũng nói:

“Anh Khang à, tôi thật tiếc là anh trở thành một can phạm của nhà nước đó nghe.”

“Sao vậy?” tôi cười hỏi lại.

“Cái vụ ở Long Thành, thực ra anh đâu có liên can gì nhiều đâu, phải không? Vậy mà anh lại bỏ chùa trốn về Sài-gòn, đi lang thang thế nào đó để rồi vào bót công an Sài-gòn. Thật đáng tiếc. Phải chi lúc đó, cùng với những người khác trong lực lượng Phục quốc, anh thành khẩn ra đầu thú trình diện với chúng tôi thì có thể giờ này anh được tự do rồi, mắc chi phải trốn tránh để rồi trở thành can phạm!”

“Ồ, tưởng anh nói gì chứ chuyện trở thành can phạm thì chẳng sao. Có làm có chịu, tôi chẳng ân hận gì. Còn nói rằng trình diện thì được tha sớm, chuyện đó chẳng có gì bảo đảm, mà cũng chẳng phải là nghĩa cử gì đẹp đẽ cho lắm. Xưa nay, chỉ có cái thiện bị cái ác bao vây tiêu diệt chứ có cái thiện nào lại đi đầu hàng cái ác đâu kìa! Huống chi lại được anh trói chung với một ông thầy tu như thầy Thiện Đắc, chở đi trên phố chợ để nhìn thiên hạ, giờ lại ngang qua những đồng lúa xanh ngát như thế kia, thì còn gì vui thú cho bằng chứ!”

Thiện Đắc bật cười:

“Phải rồi, thú vị quá đi chứ! Tôi thì chẳng làm gì, tôi bị bắt oan; nhưng bị trói chung với thầy Khang này trên một chuyến xe, tôi cũng hãnh diện lắm.”

“Anh nói gì mà vớ vẩn quá, chẳng trúng trật vào đâu cả!” Dũng nhăn mặt nói.

Thiện Đắc cười cười, tiếp tục nói giọng cợt:

“Này nhé, tôi nghĩ rằng các anh cứ bắt hết mấy ông thầy tu trên khắp đất nước, từ bắc vào trung, từ trung vô nam, cứ thầy tu là bắt bỏ tù, như vậy may ra đất nước yên bình ngay. Giống như thời ông Diệm đó mà, cứ việc bắt hết thầy tu, bắt tới đức Tăng thống và các vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo, thì tự nhiên đất nước phải có thay đổi.”

“Nói nhảm! Nhà nước ta có hiến pháp hẳn hoi, đâu phải muốn bắt ai thì bắt. Quyền tự do tôn giáo để đâu mà làm ba cái chuyện tào lao đó. Chúng tôi chỉ bắt mấy ông thầy chùa chống phá tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhà nước mà thôi.”

“Ồ, té ra là vậy! Nhưng sao lại có sự chống phá cái tiến trình xây dựng ấy nhỉ?” Thiện Đắc hỏi.

“Ai mà hiểu nổi mấy ông,” Dũng nói, “thôi cứ vào tù đi rồi biết tại sao. À, anh Khang, nếu cái còng nó xiết tay anh đau, anh cho tôi biết để tôi dừng xe lại, nới cho anh một chút. Đừng ngại nhé, đau cứ nói là đau.”

“Không sao,” tôi đáp.

Tôi có cảm tưởng là Dũng cố tình tỏ vẻ thân thiện với tôi và cũng thẳng thắn biểu lộ ác cảm đối với Thiện Đắc. Chẳng rõ có lý do hay âm mưu chính trị nào không. Hay chỉ vì tôi có số may mắn lâu nay? Cái số may của tôi nó lạ lùng như vầy: ít khi nào tôi bị người khác ghét. Đã có khi tôi làm cho kẻ nào đó giận, ghét, gây gổ… nhưng rồi trước sau gì họ cũng không còn ghét tôi nữa. Họ nhìn tôi, nói chuyện với tôi, rồi từ từ, họ cũng mến. Tôi có nhiều bạn bè, một phần cũng do cái may mắn này.

Xe chạy thêm một đoạn xa mà cả ba người trên xe chẳng nói một lời nào nữa. Nắng chiều có vẻ gay gắt, nhưng khi phủ xuống trên đồng ruộng bát ngát, lại trở thành một tấm lụa vàng mềm mại phất phơ, trôi lướt về hướng sau xe. Những cây bạch đàn và dương liễu cũng rũ xuống những cành lá dài lê thê, vui đùa trước gió và có vẻ như vẫy tay từ giã tôi để cuốn theo nắng lụa mà trôi về hướng nghịch chiều với chiếc xe. Bầy trẻ chơi diều vô tư chạy lơn tơn trên bãi đất rộng. Mấy cô thôn nữ lúi húi dọn cỏ hay cấy mạ non dưới ruộng, thấy xe chạy qua thì ngưng tay, ngước nhìn. Một chàng nông dân trẻ tuổi, giơ tay vẫy chào, chẳng cần biết người trên xe là ai. Từng dáng người, từng bụi lúa, từng bờ mương, từng nhánh lá, từng mảng mây, từng đốm nắng… lần lượt vụt qua, vụt qua, vừa thấy đó đã mất hút về phía sau. Tôi không rõ chúng đã từ bỏ tôi, hay chính tôi đã câm lặng giã biệt chúng.

Dù sao ngồi bên cạnh Thiện Đắc, tôi rất vui mà cũng vừa đau lòng cho anh ấy. Tôi muốn nói với Thiện Đắc nhiều điều, nhưng dĩ nhiên là không nói được. Tôi đành lấy ngón tay út, khoèo nhẹ đầu gối Thiện Đắc. Hai cườm tay bị còng nhưng các ngón được tự do, tôi lấy ngón tay trỏ phải, vẽ lên đầu gối Thiện Đắc một mặt trăng tròn. Thiện Đắc gật gù, chẳng rõ anh có hiểu đúng ý tôi không. Tôi không nhắn nhủ Thiện Đắc bất cứ điều gì thuộc về chuyện khai cung. Tôi chỉ muốn anh luôn được an lạc, sống trọn với lý tưởng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vẽ một mặt trăng chỉ là gởi đến anh một lời chúc tụng mà thôi. Nhưng Dũng lanh lắm: chỉ nhìn thái độ và ánh mắt của Thiện Đắc qua kiếng chiếu hậu mà anh biết ngay là tôi hoặc Thiện Đắc có ra dấu hiệu gì với nhau. Anh hỏi lớn:

“Gì vậy anh Khang?”

“Có gì đâu,” tôi đáp.

“Anh đừng làm dấu hiệu gì hết nghe anh Khang, như vậy tốt hơn. Hờ, tôi thật đáng tiếc là phải bắt anh trong hoàn cảnh này. Tôi đã nói với anh khi nãy rồi, anh Khang. Tôi nói thực đó. Tôi nghĩ, một người tuổi trẻ có học như anh, nếu góp sức với chúng tôi trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì hay biết mấy. Đàng này, anh lại đi con đường phản động quá. À, anh Khang, anh có biết là ngày 30-4 vừa qua, kỷ niệm mười năm giải phóng, tại quảng trường Biên Hòa có triển lãm và trưng bày hình ảnh các tổ chức phản động đã bị nhân dân phát hiện và công an phá vỡ trong mười năm qua tại tỉnh Đồng Nai không? Chậc, ở quảng trường có trưng bày vụ án Phục quốc mà anh liên can nữa đó. Ngôi chùa Long Quang của anh trên kinh tế mới lại được triển lãm như là một trong những cơ sở đầu não của lực lượng Phục quốc. Có điều là thiếu cái hình của anh thôi, nên người ta cứ đoán mò, nghĩ rằng anh là sư cụ nào đó ở Long Thành! Tôi thì biết tuổi anh trong hồ sơ truy nã rồi, có điều tôi vẫn chưa tin là thật. Cho đến khi nãy, gặp anh ở T20, tôi mới thực sự tin đó. Anh trẻ thật chứ hả? Vậy mà ông Lương tin tưởng, nghe lời anh quá cỡ nghen. Lâu nay anh có gặp ông Lương không? Trần Văn Lương đó. Không à, hừ, chứ không phải là anh và ông ấy sát cánh với nhau để bày thêm những trò chơi khác sau vụ Long Thành sao?”

Tôi im lặng. Lòng người phức tạp, phiền toái quá! Mới khi nãy nói anh đâu có liên quan gì nhiều đâu rồi bây giờ lại nghi ngờ là có quan hệ mật thiết với lãnh tụ Phục quốc. Tôi không muốn nói thêm một câu nào nữa, đưa mắt nhìn qua cửa kiếng.

Ruộng lúa mới cấy. Ngọn mạ vừa gượng đứng được đã ươm xanh cả một vùng loang loáng nước. Nắng chiều chọc thủng lớp mây mù, rơi xuống mương ruộng sóng sánh. Mấy con cò trắng thủng thỉnh nhón đưa những cẳng chân cao nghệu, bước qua bước lại trên ruộng lúa, đầu ngoắc bên này lại ngoắc bên kia. Một con cò ngóng cổ đưa cái mỏ dài ngoằng lên trời cao để nuốt mồi hay uống nước, trông như một đạo sĩ ngửa mặt mà cười với mây xanh. Bất chợt tôi nhớ hai câu thơ của thiền sư Không Lộ. Hữu thời trực thượng cô phong đảnh. Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.Đôi lúc ngầm lý hội cái vẻ nhiệm mầu của thể tính, sảng khoái vô cùng tận trong lòng mà chẳng biết tỏ cùng ai, chẳng biết nói câu gì với nhân gian mộng mị, bèn vạch gai vén cỏ, leo lên tận chóp núi hoang, gõ đầu những tảng đá trơ vơ phơi mình trong sương sớm, bật cười một chuỗi làm run lạnh cả hư không tịch mịch. Ôi thống khoái siêu tuyệt làm sao nụ cười vô ngôn hiu quạnh ấy.

Từ câu thơ của Không Lộ, tôi hứng cảm nhớ về ngôi chùa Long Quang trên vùng kinh tế mới. Ở đó tôi có một thảo am nhỏ đặt tên là Phương Thảo Am, nằm sát bìa rừng, giáp ranh một đồng lúa mênh mông của nông dân xã kế cận. Trên bờ ruộng có một cây tràm đã chết khô không còn chiếc lá nào, nhưng nó to lớn hùng vĩ quá, ai cũng kiêng dè, không dám đốn ngã. Cây tràm cách chỗ tôi chừng hai trăm thước. Khoảng đó ít người qua lại. Thỉnh thoảng mới có bầy chim hay vài con quạ đảo cánh lướt qua, nhưng cũng chẳng buồn đậu lên những nhánh cây quắt queo đó. Chỉ có một con cú mèo to lớn, như một con đại bàng ngạo nghễ, độc chiếm cây tràm. Chiều chiều, tôi thường ra đứng ở hiên sau, nhìn hoàng hôn phủ xuống ruộng những vệt hồng cuối ngày; và trong khi người trong làng nhìn cây tràm với kẻ kinh sợ thì tôi nhìn nó như một gã điên cô độc, đứng bên bờ cỏ biếc chờ đợi ai. Con cú đậu trên vai gã điên ấy cũng là một nhân vật khó hiểu. Hình như nó đến bên gã điên để thầm lặng an ủi gã, hoặc để được gã điên cảm thông niềm cô đơn kinh tợn của nó. Tôi thương cái gã điên ấy lắm và tôi cũng thương con cú mèo nữa. Nhưng một chiều nọ, khi nắng vừa tắt, sương lam buổi đầu đông sa xuống sớm, phủ khắp nơi, khiến cho rừng hoang và đồng rộng liền lạc nhau trong một thế giới mù mù mịt mịt. Tôi đứng nhìn một chốc thì thấy trước mắt mình, chỉ còn là một bãi sương hay một bãi sông lênh láng màu sữa. Thấp thoáng trong bãi sương, cây tràm vẫn đứng yên, con cú mèo vẫn đậu yên. Tôi chạy vù đến hướng cây tràm. Cỏ, gai chằng chịt níu lấy chân tôi. Tôi khó khăn lắm mới leo lên được một cái gò nhỏ, nhưng rồi cũng té lăn khỏi đó, lồm cồm ngước dậy. Cây tràm vẫn đứng yên. Con cú vẫn đứng yên. Không có lối đến gần cây tràm, tôi đứng lại giữa một khoảng đất trũng, sình lóp nhóp dưới chân. Tôi đứng đó, ngước nhìn lên. Cây tràm vẫn đứng đó. Con cú vẫn đứng đó. Bỗng dưng, một nỗi cô đơn hay một niềm hạo khí khó hiểu rùng rùng bốc dậy muốn tuôn thành lời, nhưng tôi chẳng biết phải nói gì, bèn hét lên một tiếng lớn, chọc thủng màn sương mù mịt. Cây tràm vẫn đứng đó, con cú vụt vỗ cánh bay đi. Tôi có thể nhìn thấy từng mảng sương loãng đi dưới sức đập cánh mạnh mẽ của nó. Chỉ thoáng chốc, con cú mèo chìm khuất giữa rừng sương. Còn lại cây tràm sừng sững đứng đó. Nó nhìn tôi. Tôi nhìn nó. Giữa chiều sương cô tịch. Nhưng càng nhìn nó, tôi càng thấy nó bé nhỏ làm sao! Lần đầu tiên tôi đánh đuổi được con cú mèo. Và lần đầu tiên, tôi thấy cây tràm không còn là một gã điên cô độc nữa. Nó có vẻ là một cụ già bi quan, an phận, lặng lẽ đếm từng ngày rơi xuống theo màn sương sớm chiều. Từ đó, tôi trở thành con đại bàng cao ngạo, độc chiếm khoảng rừng hoang, một mình xông lên tận chóp đỉnh của niềm cô tịch để sục tìm ý nghĩa của con đường giải thoát.

Nghĩ đến chuỗi cười Không Lộ, lại nhớ tiếng hét của mình dạo đó nơi bãi sương, trong tôi lại có một cái gì đó động đậy; ban đầu chỉ như một cành hoa lay mình trước cơn gió nhẹ trưa hè, nhưng càng lúc nó càng động mạnh hơn, như một khối nham thạch sùng sục trong lòng núi lửa. Tôi ý thức được, đó là một thứ khát vọng cuồng ngông của bản ngã, muốn bày tỏ cái bất toàn bất lực của nó. Nó không bằng lòng với sự tồn hữu của nó trong thế gian, hay sự tồn hữu của thế gian ở trong nó. Nó loay hoay muốn tìm một ngõ thoát trong khi chính nó lại tự giam nhốt nó bằng cái nhận thức sai lầm rằng: nó tự hữu một cách biệt lập với mọi sự mọi vật trên thế gian. Vung vẩy, lất lây trong cái vòng mâu thuẫn buồn cười đó, nó trở thành gã điên cô đơn, đi tìm cái gì không biết, chờ đợi cái gì không biết. Gã điên muốn nói một điều gì. Hoặc muốn viết ra một điều gì. Mà không làm được. Gã điên ấy không đủ bản lĩnh buông được một chuỗi cười thượng thừa như Không Lộ để xé toạc mọi thứ ngữ ngôn văn tự mà chạm đến thực tại tối hậu. Gã điên ấy chỉ biết lẩm ba lẩm bẩm vài thứ ngôn từ vụn vặt, què quặt, mà mỗi lời mỗi tiếng buông ra, chỉ khiến hắn thêm thất vọng, thất vọng…

Nhìn lại mình với hai tay bị còng và mười mấy thước dây điện quấn quanh, trói chung với một nhà tu có khuôn mặt khắc khổ, hiền lành, ẩn nhẫn, bất chợt, một cách vô thức, tôi buột miệng bật lên một tiếng cười khá lớn. Chẳng rõ Thiện Đắc hiểu gì về tiếng cười ấy, cùng cười theo tôi. Và chúng tôi cười nghiêng ngã.

“Cái gì vây? Các anh cười gì? Các anh muốn gì?” Dũng hỏi với giọng hơi hoảng hốt.

Thấy chúng tôi chẳng nói gì mà chỉ cười từng chuỗi dài, Dũng tấp xe vào lề đường, dừng hẳn, rồi quay lại nhìn kỹ tay chân chúng tôi, nhìn các gút dây điện.

“Các anh âm mưu gì đây? Đừng có hòng trốn thoát nghe. Có ra khỏi chiếc xe này cũng không thoát khỏi được màng lưới của chúng tôi đâu. Đừng có manh tâm trốn chạy mà thiệt thân!”

Nói rồi, Dũng rú ga cho xe chạy thật nhanh. Anh có vẻ bấn loạn trước những chuỗi cười khó hiểu của hai nhà tu bị trói.

Đúng, Dũng nói đúng. Có phá được cái vòng tay và sợi dây trói để thoát khỏi chiếc xe này, tôi cũng không thoát khỏi được cái thiên la địa võng của công an, của xã hội, của những bóng sắc dịu dàng quyến rũ liêu trai, của Như Như hay của Mộng Huyền, của nhân loại, của thế gian, của cõi luân hồi nghiệp chướng, và của chính những triền phược cột trói tự ngã tôi.

Đất nước và con người hôm nay là như thế: luôn luôn muốn tranh cãi, chống trái, chèn ép nhau; và cứ khi nào suy vi thống khổ cùng tận thì lại có những thầy tu Phật giáo bị bắt trói, giam vào tù. Thầy tu như tôi muốn gì đây? Tại sao cứ phải đứng dậy, cứ phải lên tiếng, cứ phải đòi hỏi sự thật và công lý… để rồi lần lượt hết thầy đến trò, hết người này đến người kia, thế hệ này sang thế hệ khác, hy sinh máu xương hoặc vướng vào vòng tù tội. Thầy tu chúng tôi đâu biết làm chính trị! Người ta làm chính trị bằng khối óc, chúng tôi làm chính trị bằng con tim. Chúng tôi chỉ có tấm lòng. Thấy thương thì phải hành động. Thấy bất bình thì phải can. Thấy ai làm một thì biết là một, nghe ai nói hai thì biết là hai. Đâu có ngờ thế sự rối rắm, chẳng phải chỉ đi theo một chiều giản đơn như tâm hồn ăn chay quét lá của người ở chùa. Cho nên mới có chuyện tôi là nạn nhân bị bội phản bởi Hân, hay bởi ông thầy Tư. Thật thà đến độ khờ khạo là con người của thầy tu. Con người đó không biết hại ai nhưng luôn luôn làm cho kẻ ác phải sợ và muốn hủy diệt.

Bởi thế, dù gì đi nữa, tôi vẫn cứ thấy thương và tội nghiệp cho những người đã vì lý do tồn tại của họ mà phải hại tôi: đồng thời cũng thấy rằng, tất cả những gì tôi từng làm và đang nhận chịu hôm nay, đều chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình dài vô hạn. Hành trình đó là lối thoát chung cho mọi người, nhưng mỗi người sẽ phải bước đi bằng, đôi chân trần với tất cả niềm cô đơn lặng lẽ của chính mình.

Và trong niềm cô tịch ấy, tôi biết rằng ngõ thoát duy nhất cho một con người để tiến đến sự toàn thiện và vượt khỏi những thống khổ, không phải chỉ là con đường nỗ lực đập vỡ tất cả những ước định ràng buộc của ngôn từ và biểu tượng trần gian, mà còn phải xóa sạch luôn cả những vết tích huyễn mộng đã tạo tác hoăc vẽ vời nên cái gọi là ngõ thoát nữa.

Dù tốc độ xe tăng nhanh hơn truớc, cảnh tượng hai bên đường, qua cửa kính trong ngần, như đựơc tinh lọc kỹ càng, đã hiện hữu trước mắt tôi một cách sắc nét, tinh xảo hơn. Bờ đất vàng. Ngọn lúa xanh. Cây dương rũ lá. Những nông phu cúi gập lưng xuống ruộng đồng. Mảng mây xa. Ráng nắng hồng. Tất cả vụt đến rồi vụt đi, nhưng luôn luôn tinh anh, mới mẻ, một cách tráng lệ, huy hoàng…

Tôi nhìn xuống hai cổ tay bị còng chặt của mình lần nữa. Không thấy buồn. Chỉ thấy một niềm bình yên lặng lẽ. Tôi tủm tỉm cười. Rồi bằng ngón tay trỏ tự do cử động, tôi vẽ thêm trên đầu gối của Thiện Đắc một mặt trăng thật tròn.

HẾT

(đăng xong trọn tác phẩm vào ngày 30.11.2011)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2021(Xem: 25669)
Thiền Sư Tịnh Thiền (1121 - 1193) đời 17 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Thời Vua Lý Cao Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 293 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 02/10/2021 (26/08/Tân Sửu): 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
28/09/2021(Xem: 24307)
Nam Mô A Di Đà Phật Kính bạch Sư Phụ, hôm nay Thứ Ba, 28/09/2021, chúng con được học về Thiền Sư Ni Diệu Nhân, đời thứ 17, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 291 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020). Bà tên Ngọc Kiều là trưởng nữ của Phụng Càn Vương. Thuở nhỏ bà thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, được vua Lý Thánh Tông nuôi trong cung. Lớn lên Vua gả cho người họ Lê, làm quan Châu mục ở Chân Đăng. Chồng mất, bà tự thệ thủ tiết không chịu tái giá. Sư Phụ giải thích: - Theo tài liệu của Hoà Thượng Thanh Từ quá ngắn gọn, Sư Phụ sưu tầm trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và những tài liệu về lịch sử Việt Nam được ghi rõ: *Ngài Phụng Càng Vương là Lý Nhật Trung là em ruột của thái tử Lý Nhật Tôn, là con vua Lý Thái Tông. *Thái tử Lý Nhật Tôn lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Th
25/09/2021(Xem: 24825)
1/Thiền Sư Đạo Lâm (? - 1203), đời 16, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 2/ Giải đáp thắc mắc: Thế nào là Ngoan Không ? Xây Tháp, Đúc Tượng có đúng với Chánh Pháp không ? Đây là Thời Pháp Thoại thứ 290 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy 25/09/2021 (19/08/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
23/09/2021(Xem: 27028)
Thiền Sư Chân Không (1046–1100, đời 16, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Thời Vua Lý Nhân Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 289 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Năm, 23/09/2021 (17/08/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Tu Viện Quảng Đức 85-105 Lynch Road Fawkner, VIC 3060 Australia Tel: 03. 9357 3544; 0481 169 631 Webs
21/09/2021(Xem: 25426)
Thiền Sư Trí Thiền, đời 16, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Thời Vua Lý Anh Tông & Lý Cao Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 288 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 21/09/2021 (15/08/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
19/09/2021(Xem: 7850)
Đầu thập niên sáu mươi tôi rời trường Chu-Văn-An khi Trường vừa mới chuyển xuống đường Minh-Mạng trong Chợ Lớn. Giã từ Thầy học, chia tay bạn bè để đi con đường mới. Dẫu có học chung trên Đại Học cũng không còn thân thiết như xưa. Hồi đó tôi chia các Giáo-Sư trong Trường Chu-Văn-An làm 2 loại: Một loại “khó đăm đăm”, luôn luôn nghiêm khắc, không bao giờ cười dù chỉ mỉm miệng. Điển hình là Giáo-Sư Đào Văn Dương. Loại thứ hai luôn luôn vui cười, hay đùa giỡn với học sinh. Điển hình là Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Quỳnh. Tôi rất kính trọng cụ Đào Văn Dương ở tính ngay thẳng, chừng mực. Tôi thân mật với cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh dĩ nhiên vì tính vui vẻ, cởi mở, dễ thân mật. Đặc biệt cụ còn là một Cư-Sĩ Phật-Giáo mà tôi thường được nghe cụ thuyết pháp ở chùa Phước-Hòa cuối thập niên năm mươi (Con trai cụ hiện là một vị Hòa-Thượng ở vùng Houston, Texas).
14/09/2021(Xem: 23992)
Thiền Sư Đạo Huệ, Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Triều Đại Vua Lý Anh Tông (1138-1175) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 285 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 14/09/2021 (09/08/Tân Sửu): 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
11/09/2021(Xem: 23911)
Thiền Sư Không Lộ, Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông Đây là Thời Pháp Thoại thứ 284 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 11/09/2021 (06/08/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
09/09/2021(Xem: 23126)
Thiền Sư Pháp Dung (? - 1174), Đời thứ 15 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi Vào thời Vua Lý Anh Tông (1136-1175) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 283 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Năm, 09/09/2021 (04/08/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Tu Viện Quảng Đức 85-105 Lynch Road Fawkner, VIC 3060 Australia Tel: 03. 9357 3544;
07/09/2021(Xem: 24093)
Thiền Sư Giới Không, Đời thứ 15 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vào thời Vua Lý Thần Tông, 1116 – 1138) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 282 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 07/09/2021 (01/08/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]