Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4

18/03/201201:48(Xem: 9538)
Chương 4

NGÕ THOÁT

tức Phương Trời Cao Rộng 3

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

flowerba

CHƯƠNG BỐN

Năm 1980, thầy Tuệ Sỹ được Hòa thượng Thích Trí Thủ bảo lãnh ra khỏi tù để cùng giáo sư Lê Mạnh Thát (Trí Siêu) soạn thảo bộ Phật Học Bách Khoa Từ Điển. Lợi dụng công tác biên soạn từ điển cần nhiều phụ tá làm việc lâu dài, Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát yêu cầu Hòa thượng Thích Trí Thủ mở một khóa đào tạo tăng sinh viên hậu-đại-học ngay tại tu viện Quảng Hương Già Lam do Hòa thượng làm tu viện trưởng. Hòa thượng Thích Trí Thủ bấy giờ bị nhà nước vừa ve vãn vừa làm áp lực, phải lãnh trách nhiệm đứng ra vận động việc thống nhất giáo hội Phật giáo toàn quốc dưới sự kiểm soát của chính quyền cộng sản. Nhưng cũng nhờ thế mà việc mở một khóa học đặc biệt cho tăng sinh viên không bị nhà nước làm khó dễ. (Tưởng cũng nên nhắc ở đây rằng, từ khi người cộng sản cầm quyền trên cả nước, tất cả cơ sở trường lớp của giáo hội Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đều bị nhà nước sung công, chiếm dụng).

Trên bề mặt, đây là khóa học nhằm đào tạo các “chuyên viên” Phật học để phụ giúp hai vị giáo sư Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát soạn thảo bộ Phật Học Bách Khoa Từ Điển, nhưng có thể nói rằng lớp học của tu viện Quảng Hương Già Lam (thường gọi tắt là chùa Già Lam) được tăng ni và Phật tử trong nước mặc nhiên coi như là trường đại học Phật giáo duy nhất của giáo hội được sinh hoạt dưới chế độ cộng sản thời kỳ đó. Chương trình học được soạn thảo bởi chính thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, hai vị học giả uyên thâm lỗi lạc nhất của Phật giáo Việt Nam. Ngoài hai vị giáo sư này, ban giáo sư còn có các vị học giả uy tín khác của Phật giáo như Hòa Thượng Trí Thủ, Thượng tọa Minh Châu, Đại Đức Chơn Thiện, Đại đức Nguyên Giác và giáo sư Nguyên Hồng. Chương trình học đặc biệt này sẽ kéo dài bốn năm, tập trung vào các môn chuyên luận cao cấp của Phật giáo và các môn cổ ngữ Ấn Độ như chữ Sanskrit (còn gọi là Bắc Phạn), chữ Pàli (còn gọi là Nam Phạn), chữ Trung Hoa, (tân văn và cổ văn), tiếng Nhật và tiếng Anh.

Suốt năm năm (từ 1975 đến 1980) không có một trường lớp Phật học nào được mở ra dưới chế độ cộng sản, nay nghe chùa Già Lam sắp khai giảng khóa đào tạo sinh viên soạn thảo Phật học Bách khoa từ điển, nhiều tăng sĩ có trình độ đại học từ trước 1975 kéo đến xin nhập học. Rồi tin tức lan rộng đến các tỉnh khác để rồi mỗi tỉnh đều có vài tăng sĩ ưu tú do các giáo hội địa phương giới thiệu đến. Ban đầu, điều kiện nhập học đòi hỏi trình độ đại học, nhưng sau, điều kiện được nới rộng hơn để đón nhận luôn cả các tăng sĩ đã xong Tú tài II trước năm 1975, thậm chí cả những tăng sĩ ở cấp trung học đệ nhị cấp, tự học thêm sau 1975, có trình độ đặc biệt mà băng cấp học đường không thể đánh giá được.

Với tâm độ lượng và ý nguyện hoằng pháp, ai đến xin nhập học Hòa Thượng Trí Thủ (thường gọi là Ôn Già Lam hoặc Hòa thượng Già Lam– vì ngài là tu viện trưởng của tu viện Quảng Hương Già Lam) cũng vui vẻ chấp nhận, bảo thầy Nguyên Giác ghi danh. Vì vậy, khóa học chưa khai giảng mà nhân số chùa Già Lam đã tăng lên đến gần năm mươi vị. Phải có một buổi họp để thông báo điều lệ nội quy của khóa học, đồng thời tìm cách giải quyết vấn đề cư trú trước khi khóa học khai giảng. Một số tăng sĩ từ tỉnh xa đến, được tạm trú ngay tại chùa Già Lam (nội trú) nếu có giấy thông hành hợp lệ; còn không, họ phải tìm cách xin tạm trú ở các chùa khác trong thành phố Sài Gòn (ngoại trú) rồi đến học mỗi ngày. Trong buổi họp vào tối thứ bảy (trước buổi khai giảng hai ngày), chỉ gần một nửa nhân số sinh viên tăng xin nhập học được ghi danh nội trú.

Sau nhiều lần vượt biên thất bại, tôi được giới thiệu đến chùa Già Lam đúng vào sáng thứ bảy hôm ấy, tức buổi sáng trước khi có buổi họp về điều lệ nội quy của khóa học. Lúc tôi đến lạy Hòa thượng tại tịnh thất riêng của ngài, có hai vị tăng sĩ trẻ khác từ Phan Thiết đang lạy hòa thượng để được xin nhập học. Tôi bước vào sau, quỳ lạy Hòa thượng. Thầy Nguyên Giác, vừa là giáo sư tiếng Phạn, vừa là thư ký của ban giám học, ghi tên hai vị tăng sĩ kia xong, thấy tôi lạy mà chẳng thưa trình hay nói năng gì, bèn hỏi hòa thượng:

“Bạch Ôn, ghi tên thầy này vào khóa học luôn, phải không ạ?”

Hòa thượng ngồi nơi võng, nhìn tôi, cười nói:

“Thằng ni à? Không, hắn có xin học chi mô. Cho hắn xuống làm điệu.”

Điệuchỉ là chú tiểu. Lúc ấy, tôi không biết là có một khóa học đặc biệt sắp khai giảng. Mục đích của tôi đến chùa Già Lam lúc đó là để có được một chỗ yên ổn mà tu chứ không phải để xin nhập học. Vì vậy, tôi không thắc mắc hay buồn phiền gì về việc Hòa thượng khước từ không cho ghi danh tôi cả. Hơn nữa, khi Hòa thượng bảo “cho hắn xuống làm điệu” (tức là chỉ cho làm chú tiểu quét lá đa thôi), có nghĩa là trong mắt ngài, tôi vẫn còn là một chú tiểu nhỏ bé của nhiều năm trước mà ngài biết. Điều này, không những không làm tôi buồn phiền mà còn làm tôi sung sướng nữa là đàng khác. Sau hai năm tìm đường thoát ra nước ngoài, liên tục thất bại, dĩ nhiên khi đến đây với một tấm thân và tâm hồn rã rời mệt mỏi, tôi thích được làm chú tiểu gần gũi hầu hạ Hòa thượng hoặc quanh quẩn trong vườn chùa để được sai vặt hơn là được ngài cho ghi danh nhập học.

Tối thứ bảy hôm ấy, buổi họp mở ra không phải chỉ dành riêng cho những vị tăng sĩ đến xin nhập học mà còn liên hệ đến tất cả những người hiện có mặt trong chùa Già Lam để cắt chia công tác và sắp đặt phòng ở. Buổi họp không có Hòa thượng mà chỉ có thầy thư ký và thầy Tuệ Sỹ. Thầy thư ký cho biết là tu viện Già Lam sẽ chia tăng chúng nội trú thành hai: chúng của lớp học và chúng thường trú. Chúng của lớp học thì ở bên dãy lầu phía bên trái của chính điện (từ ngoài cổng tam quan nhìn vào), chúng thường trú (tức những vị lâu nay ở tu viện, không dính nhập gì đến lớp học) thì ở bên dãy lầu phía bên phải. Dãy lầu bên trái dành cho tăng sinh viên của lớp học thường được gọi là lầu xanh vì tường vách quét vôi màu xanh da trời để phân biệt với dãy lầu của chúng thường trú quét vôi màu vàng. Thầy thư ký yêu cầu những ai trong chúng thường trú (có cả tôi là người mới vào) muốn ghi danh vào lớp học thì ghi để thầy sắp xếp chỗ ở. Đọc đến tên tôi trong danh sách những người tham dự buổi họp, thầy thư ký quên mất là khi sáng đã gặp tôi nơi phòng Hòa thượng, nên quay qua hỏi thầy Tuệ Sỹ:

“Chú này có được nhập học không vậy?”

Thầy Tuệ Sỹ nhìn tôi, hơi giật mình. Dĩ nhiên thầy ấy đâu có quên được tôi là đứa học trò chưa đầy hai tháng của thầy vào năm 1976 – đứa học trò ngông đang học ngon trớn thì bỏ ngang để làm thơ! Từ ngày thầy bỏ Nha Trang vào Sài Gòn (năm 1977) hoạt động chính trị rồi vào tù, bây giờ là lần đầu tiên thầy và tôi thấy mặt nhau. Thầy có vẻ ngập ngừng một lúc rồi chẳng hiểu nghĩ sao, Thầy quyết định:

“Cứ ghi tên chú ấy vào đi. Chắc học được.”

Tôi định đứng dậy nói lời từ chối nhưng thầy Tâm Hải, cũng dân Nha Trang có biết tôi, kéo tôi ngồi xuống, nói nhỏ:

“Kệ mà, học cho vui chứ Khang được nội trú, lại được ghi danh học còn muốn gì nữa. Bao nhiêu người phải lặn lội từ xa đến, lạy lục năn nỉ xin được ghi danh không thấy sao!”

Tôi miễn cưỡng ngồi im, chấp nhận. Thế là tên tôi được ghi vào danh sách lớp học.

Hai ngày sau, lớp học khai giảng, tôi theo các đàn anh của mình vào học mà chính Hòa thượng cũng không hay. Hòa thượng có dạy môn Luật Tỳ Kheo cho lớp học, mà môn này thì chỉ dành cho những ai đã thọ giới tỳ-kheo, tôi chỉ là chú sa-di mười giới, đâu có vào lớp ấy được. Và vì tôi không vào lớp do Hòa thượng đảm trách, ngài không hề biết là tôi cũng tham gia chương trình học đặc biệt của tu viện Già Lam. Do sự không hay biết này mà mỗi ngày, khi dạo quanh vườn chùa để hướng dẫn các chú tiểu dọn quét hoặc làm công tác gì, Hòa thượng cứ gọi tên tôi:

“Khang! Khang mô rồi?”

Đang ngồi học hoặc làm bài trong phòng riêng, nhiều lúc tôi phải bỏ ngang để chạy xuống sân nghe Hòa thượng sai bảo. Công tác của tôi là đi theo Hòa thượng để lượm lá vàng! Sân chùa đã được quét dọn sạch sẽ từ sáng sớm. Trưa trưa, Hòa thượng chống gậy đi dạo, khoèo những chiếc lá vàng còn nằm trên đọt cây cho rơi hẳn xuống sân. Những lá vàng mới khoèo xuống ấy, chẳng có bao nhiêu, không cần phải quét; Hòa thượng chỉ việc bảo tôi bước theo, lượm lá bỏ vào giỏ rác. Có khi cần dọn dẹp hoặc phơi xác cây sương sáo ngoài sân để nhúm lửa bếp, Hòa thượng cũng cứ nhè tên tôi mà gọi. Lúc ấy ở chùa Già Lam có khoảng mười lăm chú tiểu, Hòa thượng chỉ nhớ tên vài chú, mà nhớ nhất là tên tôi. Chẳng qua Hòa thượng nhớ là vì đã biết tôi từ mười năm trước, lúc tôi mới xuất gia tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang, cũng như vì có vài chuyện gần đây liên quan đến tôi.

oOo

Năm ấy, lúc tôi mới xuất gia, do sự giới thiệu của thầy bổn sư tôi như thế nào đó mà Hòa thượng có gọi tôi đến để xem mặt xem tướng (trong thiền môn gọi là xét oai nghi), rồi Hòa thượng bảo thầy tôi cho tôi đi theo ngài vào Sài Gòn. Thầy tôi từ chối khéo, hứa sẽ cho tôi vào hầu hạ Hòa thượng khi nào học xong chương trình Trung đẳng Phật học. Tôi chưa kịp học xong Trung đẳng thì đất nước thay đổi, các Phật học viện trên toàn quốc đóng cửa.

Vài năm sau đó, bỏ Nha Trang vào Sài Gòn, tôi đã đến lạy Hòa thượng xin được ở lại tu học bên ngoài. Lúc ấy, Hòa thượng không giữ tôi bên ngài mà dạy tôi hãy tìm cách rời khỏi Việt Nam, ra nước ngoài tiếp tục học để giữ gìn mối đạo. Hòa thượng viết hai lá thư cho hai người đệ tử thân tín ở Nha Trang và Vạn Giã, bảo tôi mang đi, trao cho họ thì họ sẽ tận tình lo cho tôi vượt biển.

Tôi lạy tạ Hòa thượng rồi lại rời bỏ Sài Gòn, đi ngược về Nha Trang. Ở Vạn Giã, người đệ tử của Hòa thượng tổ chức một chuyến đi, thất bại. Sau đó, người đệ tử ở Nha Trang đưa tôi đi vài lần, cũng đều hỏng. Người ta bỏ cuộc. Tôi đâu cần nấn ná Nha Trang làm gì, bèn vào lại Sài Gòn; nhưng chẳng muốn đến quấy rầy Hòa thượng, tôi sống tạm một thời gian nơi nhà người anh ruột đã lập gia đình, và để thuận lợi hơn trong việc đi lại, tôi cải trang làm người thế tục, để tóc dài, mặc âu phục. Chẳng lâu sau đó, vì quen biết thêm nhiều mối, tuyến đường Sài Gòn – Nha Trang, tôi đi ra đi vào như đi chợ, chỉ tập trung vào mỗi việc là vượt biên. Cho đến mùa hè năm 1980, sau lần thất bại cuối cùng trong một chuyến tổ chức vượt biên tại Tu Bông – một làng đánh cá cách Nha Trang chừng 40 cây số -- bị bắt nhốt và bị đánh đập, qua ngày sau mới được thả ra, tôi buồn bã lê những bước nặng nhọc lên Phật học viện Hải Đức trên đỉnh đồi Trại Thủy, nơi mà năm xưa tôi xuất gia làm chú tiểu. Tôi đã rời bỏ nơi này hai năm trước đó, nay trở lại, tôi không muốn gặp lại bất cứ ai, chỉ muốn ngồi lặng lẽ ở một bóng cây mát mẻ nào đó trước sân chùa. Cái tháp trống trước kia là phòng riêng của tôi, nay đã có thầy nào đó dọn vào ở. Từ xa tôi có thể nghe được tiếng tụng kinh phát ra từ một cái máy thâu băng, vẳng ra khỏi khung cửa sổ hình lục giác của ngôi tháp ấy. Một vài kỷ niệm êm đềm và lãng mạn nào đó, bỗng hồi sinh trong tôi một lúc. Tôi nhớ dáng người thiếu nữ có tên Như Như đã từng làm tôi quay quắt nhớ nhung, mất hết chính niệm… Tôi nhớ một đêm nào hẹn hò với Như Như nhưng rồi tôi đã bỏ chạy ở phút cuối, để lại ngọn đồi Trại Thuỷ và thành phố Nha Trang thơ mộng có dấu chân nhỏ của người con gái yêu kiều ấy…

Tôi lảo đảo ngồi tựa lưng vào gốc cây sứ có tàng lá rậm mát. Tự để cho bao kỷ niệm tha hồ dâng dậy một lúc, rồi tôi tẩy xóa hết, chỉ còn lại một cái tâm trống rỗng mênh mang. Một cảm giác vừa thắt thỏm, vừa êm lành, tuôn nhẹ theo những làn gió núi trưa hè. Trong một phút bình an như gã cùng tử tìm lại được chỗ ngả lưng nơi căn nhà xưa yêu dấu, tôi bỗng cảm thấy mọi nỗ lực vượt biển của mình lâu nay thực là vô ích, lãng phí. Tôi không tin rằng tôi có thể tìm thấy được bất cứ thứ hạnh phúc nào đó to lớn hơn niềm an lạc được làm chú tiểu sống hồn nhiên trong cửa chùa… Tôi cảm thấy con đường vượt biển không phải là phương cách dấn thân có ý nghĩa và cũng không phải là phương cách hay nhất, thích hợp nhất cho tôi để giữ gìn mối đạo. Tại sao Hòa thượng dạy tôi thực hiện con đường đó trong khi tôi có thể bám lấy đất này, bám lấy những tủi nhục đau thương của dân tộc này để vun bồi và thể nghiệm hạnh nguyện cứu đời! Tôi thấy không cần thiết phải tìm kiếm con đuờng vượt biển nữa, và như vậy, cũng không cần thiết phải cải trang làm người thế tục nữa. Tôi muốn lấy lại những gì đã mất. Tôi phải trở lại với thiền môn. Nhưng trở lại với thiền môn bằng cách nào đây? Hai năm trước, tôi bỏ ngôi viện Hải Đức này để vào Sài Gòn mà không xin phép tắc gì với chính quyền, công an đã gạch tên tôi khỏi sổ hộ khẩu ở Nha Trang. Tôi không còn là cư dân (nói theo từ chính quyền mới là thường trú nhân) hợp pháp của Nha Trang nữa làm sao tôi có thể trở lại bất cứ ngôi chùa nào thuộc thành phố này! Vả chăng, khi quyết định từ bỏ Nha Trang, tôi muốn cắt đứt cái tình cảm ủy mị từng làm vương vấn, đày đọa tâm hồn mình; lý nào tôi quay trở lại khi hương tình năm ấy hãy còn phảng phất đâu đó, chưa thể nhạt phai! Chỉ còn con đường trở vào Sài Gòn. Nhưng ở phương ấy, tôi cũng chẳng biết có ngôi chùa nào vui vẻ đón nhận tôi chăng. Hai năm qua, tôi đã bị nhiều chùa từ chối vì bản thân tôi chẳng có giấy thông hành hay giấy tờ tùy thân nào ngoài cái thẻ cử tri và giấy chứng nhận căn cước tạm thời đã quá hạn. Trở lại với Hòa thượng thì ăn nói làm sao cái chuyện vượt biển? Hòa thượng lại viết thư gửi gắm ai đó, hoặc cho tiền, thúc tôi ra đi nữa!

Đang ngồi im lặng suy tính con đường quay về với cửa chùa, bỗng thấy thầy bổn sư của tôi đột ngột xuất hiện. Tôi giật mình, lúng túng đứng dậy chắp tay chào thầy. Thầy chẳng nói chẳng rằng, im lặng nhìn tôi một lúc từ đầu đến chân, quay nhìn xuống núi một lúc, rồi không nhìn tôi, thầy nói:

“Đã dấn vào nam, sao không tiếp tục bước tới, còn quay trở lại đây làm gì! Không có cái dĩ vãng nào có thể mang lại hạnh phúc cho con người cả. Vất hết đi. Đừng quay lui. Đừng bao giờ trở lại đây nữa. Đi, đi khỏi nơi này mau!”

Bàng hoàng không nói được một lời, tôi chắp tay cúi chào thầy, quay đi. Trên con đường Hoàng Hôn băng ngang ngọn đồi, nắng hè gay gắt đổ qua vai. Chân tôi như muốn quỵ xuống bởi sức nặng của mặc cảm tủi thân, bị hất hủi. Phải, sau những thất bại với xác thân rã rời và một tâm thức hoang mang hối tiếc, tôi chỉ muốn được nương tựa, được an ủi, được vỗ về, khuyên răn bằng những lời dịu ngọt của những người ở ngôi chùa cũ đã từng thương yêu và quen biết tôi. Nhưng tôi đã không tìm được những thứ ấy. Chỉ có sự xua đuổi của thầy tôi mà thôi. Năm xưa, lời nào thầy nói ra, tôi cũng lắng lòng mà nghe, mà ghi nhận. Tôi thường tìm ra những nghĩa lý sâu xa ẩn tàng sau những lời dạy đơn sơ của thầy tôi. Nay, tôi chỉ thấy lời thầy là sự xua đuổi. Nước mắt tôi bỗng rơi rớt trên con đường đất đá lởm chởm ấy. Đã từ lâu rồi, tôi mới khóc được một cách con nít như thế. Nhưng bỗng thấy một nỗi quyết tâm mạnh mẽ dâng lên. Tôi lau nước mắt, mím môi, tay nắm chặt lại, tự hứa: “Ta sẽ khởi sự lại từ đầu, kể từ ngày hôm nay.”

Vài hôm sau, tôi lại lên chuyến tàu lửa xuôi nam, vào Sài Gòn. Lần này, tôi không đến Hòa thượng Trí Thủ. Tôi tránh mặt Hòa thượng từ lâu, dù rằng đã có lúc Hòa thượng cho người nhắn tôi quay trở lại chùa Già Lam để gặp ngài. Hòa thượng đã hỏi thăm tôi qua vài người khác, biết tôi thất bại nhiều lần và chưa rời khỏi nước được. Dĩ nhiên Hòa thượng không chấp trách gì tôi trong chuyện thất bại ấy, nhưng tự dưng, tôi cảm thấy không muốn quay về bên ngài để rồi lại tiếp tục làm phiền ngài nữa. Tôi bèn đến lạy thầy Tịch Quang ở chùa Ấn Quang.

oOo

Thầy Tịch Quang đóng cửa nhập thất ngay từ khi cộng sản mới chiếm miền Nam. Ngài đóng cửa để không tiếp xúc với chính quyền mới, giới hạn những người khách đến thăm, chứ không phải tuyệt đối không tiếp khách. Tôi có cái diễm phúc là lúc nào đến cũng được thầy mở cửa cho vào. Thực ra, tôi chẳng là thứ gì quan trọng cả. Chẳng qua, thầy cũng như nhiều vị cao tăng khác của Phật giáo, đã biết tôi qua trung gian mẹ tôi, một nhà thơ Phật giáo nổi tiếng, thường có những bài thơ đạo đăng trên các báo Phật giáo từ những năm trước 1945 tại Huế. Năm đầu tiên vào Sài Gòn, tôi có đến lạy thầy để xin tìm cách giúp để tôi một chỗ yên ổn mà tu học. Thầy hứa sẽ giới thiệu một chùa. Nhưng vì không đủ giấy tờ hợp lệ, tôi phải sống lẩn tránh chính quyền, phải thay đổi chỗ ở liên tục, khiến thầy chẳng biết đâu mà gặp hay nhắn tôi đến.

Có hai ngả đi đến phòng thầy. Tôi chọn lối đi kín bên trong. Gõ cửa ba tiếng. Từ trong, thầy cất giọng hỏi:

“Khang đó phải không?”

“Dạ, con đây, bạch thầy.”

Thầy mở cửa, tôi lách vào. Cửa đóng lại ngay. Tôi lạy, thầy ngăn, bảo tôi ngồi xuống ở cái ghế thấp còn thầy thì nằm ở cái ghế bố.

“Bạch thầy, sao thầy biết con đến?”

“Ừ thì nghe tiếng gõ cửa tự dưng biết. Mỗi người có một cách gõ cửa khác nhau. Tiếng nặng, tiếng nhẹ, tiếng thưa, tiếng nhặt. Giống như giọng nói chứ khác chi. Sao con ăn bận như ri, lại để tóc nữa? Lâu nay con đi mô, ở mô?”

“Dạ… con phải cải trang như vầy để đi vượt biên. Nếu mang hình thức tu sĩ mà đi vượt biên thì bị bắt giam lâu lắm, chẳng biết lúc nào mới thả. Con đã đi nhiều lần nhưng không được. Bây giờ con chán ngán chuyện ấy lắm rồi, muốn ở yên một chùa nào đó để tu học, xin thầy giúp con.”

“Hôm trước thầy có tìm được chỗ tương đối yên ổn cho con, nhưng chẳng biết con đi đâu mà gọi. Nay, muốn hỏi lại chỗ đó thì phải chờ thầy liên lạc lại. Con có gấp không? Mà thôi, để thầy gởi con chỗ ni. Con biết chùa Già Lam chứ hỉ?”

“Dạ… biết.”

Tôi nghe nói chùa Già Lam thì e ngại trở lại gặp Hòa thượng Trí Thủ lần nữa, nhưng thầy dạy sao thì nghe vậy, đâu dám cãi. Huống chi, tôi đâu có lý do nào chính đáng để từ chối. Tôi im lặng. Thầy lấy giấy viết một lá thư ngắn.

“Con đến chùa Già Lam, lạy thầy Trí Thủ, đưa thư ni, rồi ở bên nớ mà tu học.”

Tôi cầm thư định đi ra thì thầy gọi lại.

“Khang, thôi đưa thư lại cho thầy. Con cầm thư đi như ri không tốt. Con hiểu không? Thầy không muốn có thư từ chi của thầy mang ra ngoài, đi trên đường… Chẳng hại chi cho thầy, nhưng bất lợi cho con. Thôi, để thầy điện thoại trực tiếp đến chùa Già Lam. Đi, theo thầy xuống văn phòng thầy nói chuyện với thầy Trí Thủ một chút.”

Tôi theo thầy xuống văn phòng trụ sở trung ương của giáo hội. Thầy gọi điện thoại đến chùa Già Lam, tôi đứng chờ.

“À, thầy đó hả, khoẻ không? Tôi có thằng điệu muốn gởi tới thầy, được không? Hắn chừng hai mươi, hai mốt tuổi… Hắn tu lâu rồi… Lâu nay hắn chạy lung tung… thôi không tiện nói mô. Tôi bảo hắn đến thầy hí? À, thứ năm sắp tới? Họp ban chỉ đạo à? Rứa cũng được. Tôi giao hắn cho thầy lúc nớ luôn hỉ?... Được rồi, thôi hí,” thầy quay qua tôi, “thầy xin cho con được rồi. Thứ năm ni con đến đây, thầy gởi con cho thầy Trí Thủ, rồi con theo thầy ấy về bên chùa Già Lam. Nếu bên nớ có chương trình gì cho con học được thì học, còn không thì đạp xe đến đây, thầy dạy kèm cho con.”

Hai ngày sau, tôi lại đến chùa Ấn Quang. Tôi chẳng hiểu sao lúc ấy tăng ni thành phố kéo đến rất đông, bu quanh ở văn phòng Viện Hóa Đạo tại chùa Ấn Quang. Tôi ngồi nơi phòng thầy Tịch Quang. Thầy dạy:

“Hôm nay Viện Hóa Đạo họp về chuyện thống nhất Giáo hội toàn quốc rồi cũng bàn luôn chuyện tổ chức lễ cúng kỵ cho thầy Thiện Minh bị chết trong tù. Chuyện ni tế nhị lắm, thầy không đồng ý, nhưng chưa biết góp ý ra răng. Thầy Thiện Minh đi rồi thì thầy Trí Thủ đâu có ai cố vấn, không làm răng mà từ chối được chuyện vận động thống nhất giáo hội do nhà nước hướng dẫn… Chao ôi, thống nhất giáo hội thì quý hóa quá, nhưng không phải thống nhất theo kiểu ni… Mà này, con qua chùa Già Lam thì lo ở yên mà tu học, đừng để ý chi ba cái chuyện nớ, nghe không. Con chỉ biết lo việc học tu thôi. Còn chuyện quý thầy lớn làm, mỗi người mỗi cách, ai cũng có lập trường, quan điểm và nỗi khổ riêng… Con xuống văn phòng xem thử thầy Trí Thủ đã đến chưa, đến rồi thì lên nói thầy biết để thầy đem con vào giới thiệu trước khi buổi họp bắt đầu. Con biết mặt thầy Trí Thủ chứ hỉ? Không biết thì cứ hỏi mấy thầy dưới đó.”

Tôi rời phòng riêng của thầy Tịch Quang để xuống dưới. Vây quanh văn phòng trụ sở của giáo hội, đông nghịt những thầy tu trẻ. Tôi phải khó khăn lắm mới xin chen vào được gần cửa sổ để nhìn vào trong. Thấy có mặt Hòa thượng Trí Thủ rồi, tôi vội trở lên phòng thầy Tịch Quang. Thầy nghe tôi thưa, liền mặc áo nhật bình lam vào, bảo tôi theo thầy xuống văn phòng. Tăng ni thấy thầy bước về hướng văn phòng thì vái chào rồi dạt ra hai bên để nhường lối. Nhưng cái lối đó khép lại rất nhanh sau lưng thầy, khiến tôi không làm sao bước theo được, đành đứng lại bên ngoài.

Tôi nghe tăng ni xầm xì bàn tán về việc xuất hiện đột ngột của thầy Tịch Quang:

“Thầy Tịch Quang hôm nay phá lệ hay sao mà cũng xuống họp Viện Hóa Đạo? Có lẽ từ nay thầy không đóng cửa nhập thất nữa.”

“Lâu nay thầy ấy đâu có nắm giữ bất cứ một chức vụ nào trong giáo hội đâu mà xuống họp?”

“Ừ thì giáo hội lâm nguy rồi, thầy phải có mặt chứ!”

Lời bàn tán chưa ngưng đã thấy một thầy từ văn phòng bước ra, đứng nơi cửa gọi lớn:

“Chú Khang đâu, chú nào đi theo Thượng toạ Tịch Quang đâu, vào trong mau lên.”

Tôi nghe vậy thì xin phép tăng ni, chen đến cửa. Vị thầy kia thấy tôi mang hình thức thế tục liền hỏi lại:

“Là chú đó à? Sao Thượng toạ Tịch Quang nói là một chú tiểu mà?”

“Dạ, con đây. Con đi theo thầy Tịch Quang.”

“ Vậy thì vào mau đi, quý thầy chờ ở trong.”

Bên trong, Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo đang ngồi đàm đạo trước buổi họp. Thầy Tịch Quang xoay qua chỉ tôi, nói với Hòa thượng Trí Thủ:

“Tôi gởi thầy thằng điệu ni. Lạy Ôn đi con. Ôn nhận con về chùa Già Lam rồi đó.”

Hòa thượng Trí Thủ ngó tôi, ngạc nhiên:

“Uả, thằng điệu ni à? Tưởng ai xa lạ chứ hắn thì tôi biết mà. Hắn ở Hải Đức Nha Trang chứ mô!”

“Rứa à, thầy biết hắn càng tốt, tôi khỏi phải giới thiệu chi dài dòng. Thôi hí, tôi giao hắn cho thầy. Tui lên à,” thầy Tịch Quang vừa nói, vừa dợm đứng dậy.

“Khoan cái đã, hôm nay tôi còn bận lắm. Hay thầy cứ giữ hắn cho đến thứ sáu tuần sau, đúng ngày vía Quan Âm, cũng là ngày sinh nhật tôi, và là ngày kỵ thầy Thiện Minh tổ chức tại chùa Già Lam, thầy đến thì mang hắn theo luôn, được không?”

“Thôi thì để hắn lên thẳng thầy luôn, tôi đâu có giữ hắn ở Ấn Quang được.”

Thứ sáu tuần sau, lễ lớn tổ chức tại chùa Già Lam. Với ba cái lễ dồn chung lại một ngày như thế, tôi đoán biết là tăng ni và Phật tử sẽ qui tụ rất đông đảo. Tôi không muốn đến vào ngày đó. Tôi muốn đến vào ngày kế tiếp, sau lễ.

Những ngày chờ đợi đến chùa Già Lam, tôi tiếp tục tá túc tại xưởng làm nước tương của Thiện, một người bạn học cũ của tôi ở Phật học viện Quảng Nam. Thiện đã hoàn tục sau một thời gian làm Đông y sỹ châm cứu, đổi qua kinh doanh, mở hãng nước tương. Tại đây, lúc đó còn có chú Hòa, chú Sâm, cũng là hai bạn học cùng lớp của tôi và Thiện. Tôi muốn đến chùa Già Lam bằng hình thức tu sĩ cho tiện, nên lo cạo tóc trước để mặc đồ tu trở lại. Ở xưởng nước tương không có dao cạo tóc. Tôi nói với các bạn:

“Thôi, để tôi ra tiệm hớt tóc nói thợ lấy tông-đơ ủi sạch là xong.”

Thiện nói:

“Í, Khang cạo đầu tu lại thì phải để cho mấy thầy cạo tóc giùm mới tốt chứ! Ai lại ra tiệm hớt tóc?”

“Tôi có bỏ tu hồi nào đâu mà nói là tu lại? Tôi có xả giới hay hoàn tục gì đâu! Tôi chỉ cải trang để đi vượt biên, bây giờ không đi vượt biên nữa thì cạo tóc, có gì quan trọng đâu mà phải chờ đến mấy thầy cạo giùm?”

Vậy là tôi cùng Sâm thả bộ ra tiệm hớt tóc. Sâm hồi trước ở Phật học viện Quảng Nam là chú tiểu nổi tiếng trong câu chuyện tình với cô gái Thiên Chúa giáo nơi quán bánh mì bà Đạo. Cộng sản chiếm miền Nam, Sâm hoàn tục, lo làm ăn sinh sống nuôi mẹ già. Rồi vì nằm trong tuổi quân dịch, chú bị nhà nước gọi đi bộ đội. Không muốn cầm súng, chú trốn vào Sài Gòn, đến ở tạm với Thiện và gặp tôi với chú Hòa ở đó. Nhờ chính quyền địa phương dễ dãi với ông chủ xưởng có bộn tiền, chúng tôi cùng ở chung với Thiện gần một năm trời mà không bị công an kiểm tra hay để ý đến. Nghe tôi cạo tóc trở lại chùa, Sâm mừng cho tôi nhưng cũng buồn vì không có bạn tâm đắc mỗi ngày để nói chuyện vui vẻ sau những giờ làm việc mệt nhọc nơi xưởng nước tương. Trong thời gian sống chung nơi xưởng nước tương ấy, Sâm chỉ chơi thân với tôi. Đáng ra chú Hòa và Sâm dễ gần gũi nhau hơn vì đã chơi thân từ nhỏ, nhưng Sâm đã hoàn tục còn chú Hòa thì vẫn còn giữ hình thức tu sĩ, vì vậy mà có chút khoảng cách. Còn Thiện thì tuy đã hoàn tục, và tuy chung lớp với chúng tôi những năm trước, nhưng tuổi tác lớn hơn, lại bận bịu chuyện làm ăn, chuyện tình cảm đôi lứa. Nên cuối cùng, ở xưởng nước tương, Sâm chỉ chơi thân được với tôi. Sâm rủ tôi ghé vào quán cà phê, nói rằng người ta chia tay nhau lấy rượu mà tiễn, bọn mình xưa nay ăn chay cữ rượu, thôi thì vào uống với nhau ly cà phê rồi mai Khang lên đường trở lại chùa. Trong quán cà phê, tôi hỏi Sâm có muốn trở lại chùa không. Sâm chỉ chúc may cho tôi. Sâm ứa nước mắt.

Ở tiệm hớt tóc, anh thợ trẻ hỏi tôi:

“Anh muốn hớt sao đây? Chà, tóc mềm mà nhiều sợi quá há, lại quăn nữa, tóc này để dài hip-pi, chải ra phía sau mới đẹp. Nhưng mà thanh niên để tóc dài thì bị mấy ông công an với tụi du kích chận lại ngoài đường, cạo trọc cho thì cũng phiền!”

Tôi cười nói:

“Ôi dào, caọ trọc cũng được chứ phiền gì đâu. Cạo trọc cho tôi đi.”

Anh thợ cười ha hả:

“Cái gì? Cạo trọc? Giỡn sao cha! Hớt sao đây, nói thiệt để tôi hớt.”

“Cạo trọc giùm đi,” tôi nói.

Sâm đứng cạnh người ngặt nghẽo, phụ hoạ:

“Cạo trọc đi anh thợ ơi, anh ấy nói thiệt đó. Ảnh nổi hứng rồi, muốn cạo trọc thôi, để tóc mất công sinh chí rận!”

Anh thợ hỏi lại một lần cho chắc, thấy tôi nghiêm giọng nhắc lại một ý y hệt, anh mới dám đưa tông-đơ lên, ủi những sợi tóc vương mùi trần tục của gần hai năm lăn lóc tìm đường xuất dương của tôi.

Sáng sớm hôm sau, tôi khoác áo nhật bình, đón xe xích lô máy đến chùa Già Lam. Đường khá xa. Và có lẽ vì thầy Tịch Quang đã gởi gắm tôi như gửi gắm một chú tiểu, nên Hòa thượng Trí Thủ cũng xem tôi như chú tiểu mà thôi.

oOo

Được trở lại với chùa, lại được tham gia khóa cao đẳng Phật học dưới sự đảm trách của nhiều giáo sư đại học nổi tiếng, tôi hứng thú say mê học thêm các môn ngoại ngữ, đọc sách,viết, quên hết những gì xảy ra chung quanh ngoài xã hội. Nội qui của viện lúc ấy cũng khá gắt gao. Tăng sinh viên chúng tôi suốt ngày chỉ ở trong chùa viện để chăm lo bài vở và tụng niệm, tham thiền; cuối tuần mới được cho phép ra ngoài với sự chấp nhận của vị quản chúng. Nhưng tôi chẳng muốn bước ra khỏi cửa chùa. Tôi không thiết đi đâu và cũng chẳng cần phải gặp gỡ bất cứ người nào ngoài khuôn viên chùa, ngoại trừ đôi lúc phải đến chùa Ấn Quang để thăm thầy Tịch Quang. Từ ngày rời Nha Trang rồi bị thầy bổn sư đuổi, dù không chính thức nói ra, tôi cũng đã bái thầy Tịch Quang như là vị thầy hướng đạo cho việc tu học của tôi. Thỉnh thoảng tôi phải đến thăm thầy để nghe lời chỉ dạy. Thường thì thầy tiếp tôi đâu khoảng một tiếng đồng hồ; thầy nói, tôi ngồi nghe, rồi không chờ tôi có ý kiến gì, thầy tự nói:

“Thôi con về, hôm nay nói chuyện với con như vậy đủ rồi. Thầy có việc phải làm. Khi mô rảnh con trở lại thầy nói chuyện tiếp.”

Chùa Già Lam chỉ đài thọ nơi ăn chốn ở cho tăng sinh viên chúng tôi, ngoài ra, tiền tiêu riêng đều phải tự túc. Hầu hết các thầy cùng lớp tôi đều có sự tài trợ của vị thầy bổn sư, của gia đình, hoặc phật-tử quen biết. Tôi đã xa quê hương Nha Trang, lại bị thầy bổn sư đuổi, nên quanh năm suốt tháng, chẳng có một món tiền nhỏ nào. Cũng may là tôi không có nhiều nhu cầu. Lâu lâu ở chùa có lễ trai tăng do Phật tử phát tâm thiết cúng, tôi có được chút tiền nhỏ để dành mua thêm sách đọc. Một số thầy cùng quê Nha Trang có biết tôi, thỉnh thoảng cũng chia sớt cho tôi một ít quà, tiền hoặc những món ăn nhỏ dặm thêm vào cái bao tử trống để có thể thức đêm học bài.

Vậy rồi một năm học cũng trôi qua.

Chúng tôi phải trải qua kỳ thi cuối năm học thứ nhất, nhằm vào dịp tháng bảy Vu Lan. Kỳ thi này khá quan trọng vì theo thông báo bằng miệng của ban giám học, tăng sinh viên nội trú chúng tôi, người nào bị rớt không những sẽ không được dự học chính thức mà còn phải rời khỏi chùa Già Lam để nhường chỗ cho những tăng sinh viên chính thức đang còn ở tạm các chùa bên ngoài. Điều an ủi cho những tăng sinh viên thi rớt là họ vẫn có thể đến học dự thính mỗi ngày.

Kỳ thi kéo dài gần một tuần lễ. Tình cờ, mẹ tôi từ Nha Trang vào thăm tôi đúng vào dịp thi này. Đang ngồi làm bài cho môn thi cuối cùng, tôi nhác thấy dáng mẹ đi ngang cửa sổ. Tôi làm vội bài thi xong, ra gặp bà. Mẹ tôi hỏi:

“Nghe nói chú đang thi mà, sao không làm bài cho xong rồi hãy ra?”

“Làm xong rồi. Me mới vào hở?”

Mẹ nhìn tôi sung sướng. Hai năm rồi, biết tôi vất vả tìm đường vượt biển phải cải trang làm người thế tục, bà buồn lo lắm. Nay thấy tôi đã trở lại với chùa mà còn được học nữa, bà vui vô cùng. Mẹ con tôi đang ngồi nói chuyện đâu được một lúc thì đến giờ làm lễ Vu Lan. Tôi phải chia tay mẹ, trở về phòng mặc y áo. Khi tôi bước ra khỏi phòng, bỗng thấy bốn thiếu nữ từ đâu dưới phòng khách bước đến, chận tôi lại bằng cách vây quanh. Tôi không làm sao bước đi được, phải đứng dựa vào tường. Các cô đòi cài hoa trên ngực áo tôi theo tục cài bông hồng vào lễ Vu Lan để tưởng nhớ đến mẹ. Các cô cười đùa hồn nhiên nhí nhảnh. Một cô nói:

“Phúc, bây giờ đến phiên mày rồi đó. Mày cài cho chú Khang đi.”

Cô gái tên Phúc e lệ một chút rồi cũng tiến tới, cài bông hồng cho tôi. Tôi đứng thẳng đuột, ngượng ngùng chờ đợi cái tục cài hoa. Xong, tôi nói lời cảm ơn rồi vội vã lên chính điện làm lễ. Đúng ra, việc cài bông hồng không diễn ra theo cách đó mà được tiến hành ngay trên điện Phật, sau khóa lễ Vu Lan. Chẳng hiểu sao các thiếu nữ này lại tự động đến cài hoa cho tôi ngay trước cửa phòng như vậy.

Sau khóa lễ, tôi thay áo y rồi lại xuống phòng khách tìm mẹ. Bà ngập ngừng một lúc rồi nói:

“Mấy cô nào hồi trưa đến đùa giỡn với chú vậy? Mẹ thấy cách các cô ấy nói chuyện, cười giỡn, không được bình thường.”

“Ôi chao, con có quen biết gì mấy cô ấy đâu. Các cô thường đi chùa, quen với mấy thầy ở đây. Hôm nay lễ, các cô đi cài bông hồng cho quý thầy cho vui vậy mà, chứ trên dãy lầu con ở, ngày thường đâu có khách tục nào được phép bước lên.”

“Không đơn giản như vậy đâu. Trước đám đông, có me ngồi dưới nhìn lên mà các cô còn làm vậy, thử hỏi khi không có ai thì các cô còn lộng hành đến mức nào. Me chỉ nhắc chú để phòng ngừa vậy thôi. Có lẽ tại chú hiền quá, không chịu la mấy cô nên mấy cô không sợ. Me nghe mấy người Phật tử ở đây khen rằng chú nghiêm lắm, khó có ai đến gần được, nếu chú dễ dãi một chút chắc chắn là Ma-đăng-già vây quanh còn nhiều hơn. Nhưng me nghĩ, có lẽ chú cần phải nghiêm hơn nữa mới được. Hễ mình nghiêm thì chẳng ai dám đùa giỡn với mình cả.”

“Ui cha, mấy cô đó ngày nào cũng lảng vảng ở chùa, có biết sợ thầy nào đâu. Thôi me đừng lo. Con biết được cái gì nên làm, cái gì nên tránh mà.”

“Chú đừng tự tin như vậy. Me nhắc là thương chú, muốn bảo vệ chú thôi. Tánh chú mẫn cảm, dễ tin người, nếu không cẩn thận thì có ngày vấp ngã không biết đường mà gỡ.”

Tôi nghe vậy thì giật mình. Tôi tưởng tôi đã xa gia đình khá lâu, mẹ tôi sẽ không hiểu gì về tôi. Vậy mà không phải. Cái mặt tâm lý hay tình cảm nào đó ẩn sâu trong tôi, cũng được bà nhìn ra bằng đôi mắt nghệ sĩ tinh anh, nhạy bén. Có thể tôi khinh bỉ những cám dỗ nào đó của thế gian, nhưng tim tôi không phải là gỗ đá trước những sắc đẹp. Tôi chỉ là kẻ phấn đấu bằng cách xa lánh, tảng lờ hoặc chạy trốn cái thực tại đầy sức mời gọi của nữ sắc mà thôi.

Buổi chiều cùng ngày, ban giám học họp tại thư viện để tổng kết kết quả kỳ thi. Nghe rằng, bảng kết quả đã có nhưng sau lễ Vu Lan mới được nêu lên ở bảng thông cáo của lớp học. Ban giám học không muốn tăng sinh viên chúng tôi bị xao động bởi kết quả kỳ thi này trong dịp vui của ngày đại lễ Vu Lan.

Buổi tối, có khoa cúng chẩn tế cô hồn tổ chức tại chùa.Phật tử tập trung đông đảo, nghẹt cả sân. Tiếng tụng niệm của ban kinh sư được hỗ trợ bởi mấy cái loa phóng thanh, vang khắp vùng. Tôi đứng một mình ở góc bao lơn trên lầu, nhìn trời đêm vằng vặc ánh trăng..Tự dưng, tôi thấy không khí ồn ào bên dưới hội trường, nơi chính điện, chung quanh sân, khu vực nhà bếp, khu vực nhà ăn, khu nhà khách, và các dãy phòng tăng, không có thứ gì dính nhập đến mình cả. Và hình như ngay chính tôi cũng không thuộc về thế giới nhộn nhịp này nữa. Trong cái vui rộn ràng của ngày hội Vu Lan, bỗng dưng tôi lại nghĩ đến niềm thống khổ của dân tôi. Niềm thống khổ ấy, không có thứ lễ lạc tưng bừng nào có thể khỏa lấp nổi. Vu Lan – ngày xá tội vong nhân, cũng không sao xả bỏ được gông cùm xiềng xích cho những tù nhân của chế độ, cho mấy chục triệu lương dân phải chịu oằn vai mình xuống để gánh hết nỗi nhục nhằn tủi phận của quê hương… Tự dưng tôi thấy một niềm uất nghẹn nào đó, chận ngang cổ họng. Tôi tự hỏi, tại sao mình lại có thể an phận cắm đầu cắm cổ ngồi ghế nhà trường trong giai đoạn khổ đau cùng tột của đất nước nhỉ? Cái học đó sẽ đóng góp được cái gì cho hiện tình quê hương? Chẳng phải là đất nước này, và cả giáo hội nữa, đang lâm nguy hay sao? Sách vở, nghiên bút, lúc này có nghĩa lý gì chứ? Chữ Phạn, chữ Hán, chữ Anh, chữ Nhật, luận đề Phật Pháp, A-tỳ-đạt-ma Câu Xá luận, Trung Luận, Kinh Dịch… Ôi, những môn học ấy, những buổi giảng ấy… có thứ nào chuyển dịch nổi vận mệnh đen tối của đất nước tang thương này chứ! Tôi phải làm một cái gì, hoặc ít nhất cũng phải bước ra khỏi cái trường lớp khoa bảng đang êm đềm yên phận lướt trôi từng ngày bên cạnh cái vực sâu khổng lồ chứa đầy nghiệp dĩ khổ đau của quê hương. Một lần nữa trên đời, tôi lại cảm thấy việc học hành chữ nghĩa chẳng có giá trị gì cả.

Đang đứng lặng lẽ một mình với những cảm xúc mạnh mẽ ấy, bỗng nghe có tiếng chân bước đến bên tôi nhè nhẹ. Tôi quay lại, bắt gặp thầy Tuệ Sỹ. Tôi mở một nụ cười để chào thầy. Thầy đến đứng bên cạnh tôi. Cũng ngước nhìn trời cao, nhìn cảnh vật chung quanh một lúc, rồi nói:

“Chú Khang đỗ thủ khoa trong kỳ thi này rồi đó nghe! Khá lắm.”

“Vậy hả thầy?”

Thấy tôi có vẻ không ngạc nhiên, không hứng thú gì trong việc đón nhận một tin vui như vậy, thầy im lặng một lúc, rồi nói:

“Dĩ nhiên đó chẳng phải là thành quả gì to lớn đáng để vui mừng, nhưng ít ra, trong khi chưa tìm được lối thoát nào, nó cũng là điều khích lệ cho một năm học khó khăn vừa qua, phải không?”

“Dạ, cám ơn thầy.”

Sáng hôm sau, bảng kết quả được treo lên ở trước cửa phòng học. Tin vui và tin buồn lan đi thật nhanh khắp các dãy phòng. Không những tăng sinh viên khóa học đi xem “bảng vàng ghi danh”mà phật-tử thành phố từng quen biết tăng sinh viên, cũng xúm xít chen coi. Tôi thì đã biết kết quả nên không chen đến chỗ treo bảng kết quả làm gì. Người ta thương xót đi an ủi những vị bị rớt, nhưng cũng không quên tìm tôi, ngỏ lời chúc mừng, hoặc chỉ đứng nhìn từ xa, chỉ trỏ, trầm trồ. Cứ bước ra khỏi phòng để xuống nhà ăn, hay đi tụng kinh, tôi đều bị người ta chặn lại giữa đường để chúc tụng, ngợi khen. Tôi mệt cái màn đó quá, trốn luôn trong phòng, khóa kín cửa lại.

Trong phòng riêng, ngồi nhìn đống sách vở trên bàn, tôi bỗng phì cười một mình. Cám ơn công khó của các vị giáo sư đã hướng dẫn giảng dạy, nhưng, xin thực tình mà nói, tất cả những gì mà tôi thu nhặt được sau một năm trời theo đuổi chương trình ấy, đến phút này, tôi thấy cũng chẳng ý nghĩa gì. Tôi đang vùng vẫy muốn thoát khỏi vùng hào quang của chữ nghĩa, khoa bảng, trường lớp… Tôi muốn lên đường.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/03/2011(Xem: 8719)
Theo đạo Phật, luật nhân quả không chỉ giới hạn trong một đời sống hiện tại này, mà là một quy luật chi phối trong suốt dòng thời gian...
13/03/2011(Xem: 10733)
Các chân sư thực hiện những kỳ công của các ngài mà không chút tự hào, với một thái độ giản dị hồn nhiên hoàn toàn như trẻ con. Các ngài biết rằng, năng lực của tình thương luôn che chở các ngài.
13/03/2011(Xem: 6662)
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này.
10/03/2011(Xem: 11930)
Trong lúc thiền quán, tôi tập trung suy nghĩ rất nhiều những lời thầy dạy. Tôi bừng tỉnh nhận ra quả thật điều mà tôi khổ công tìm kiếm không phải là việc say mê dành trọn thời gian cho việc tu tập thiền định.
09/03/2011(Xem: 11151)
Trong đạo Phật, hiếu hạnh được xem là đứng đầu trong tất cả các đức hạnh. Điều này đã được đức Phật chỉ dạy trong rất nhiều kinh điển.
04/03/2011(Xem: 5523)
Đã biết nhân quả theo nhau như bóng với hình, nên kể từ đây chúng ta hãy phát tâm dũng mãnh làm mới lại mình, sám hối, ăn năn những sai lầm đã phạm trước kia.
04/03/2011(Xem: 10800)
Đây là một bản kinh Phật đặc sắc, nêu bật lên ý nghĩa nhân quả bằng những truyện tích nhân duyên rất sống động, được thuật lại với nhiều chi tiết thú vị.
04/03/2011(Xem: 8426)
Một hôm, Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: Ở đời, có người đánh tôi, mắng tôi, làm nhục tôi, khi dễ tôi, dọa tôi, gạt tôi, chê tôi, khinh tôi, ăn hiếp tôi, cười ngạo tôi cho đến đối xử khắc nghiệt với tôi, thì phải xử trí như thế nào? Thập Đắc đáp: Chỉ cần nhịn nhục họ, kính họ, sợ họ, tránh họ, nhường họ, khiêm tốn với họ, không chống cự họ, không cần để ý đến họ, rồi chờ ít năm ông hãy nhìn họ xem.
04/03/2011(Xem: 7357)
Ngài Hàn-Sơn : Trong thế gian mà bị người phỉ báng, khi dễ , nhục mạ, cười chê, khinh khi , chà đạp, ghen ghét , đè bẹp, đố kị ta. Như thế, ta phải xử trị cách nào ? Ngài Thập-Đắc trả lời : Thản nhiên vì họ mà nhẫn, mà nhường,  mà cung kính, là trọng tự do của họ, mà tránh đi, cuối cùng đừng để ý tới họ nữa. Chờ vài năm sau sẽ gặp họ. Hàn-Sơn lại hỏi : Họ vẫn giữ quyết liệt như vậy ! Có thể trốn núp được chăng ? Ngài Thập-Đắc nói : " Tôi đã từng thuộc Bài Kệ của Bồ-Tát Di-Lặc. Bạn lắng nghe ! Tôi vì Bạn mà niệm bài kệ :
24/02/2011(Xem: 2908)
Cách đây 28 năm (1973), hồi đó tôi 16 tuổi (1945), nghe kinh Bát Nhã và pháp Bảo Đàn, bỗng nhiên lòng tôi không còn luyến tiếc gì bản thân và muốn xa lìa tất cả để lên non cao tu luyện. Tôi đem ý nguyện ấy thưa với Bổn sư là Hòa thượng Diệu Quang, Tổ thứ sáu của Tổ đình Thiên Ấn và là vị khai sơn chùa Viên Giác núi Thanh Thanh - nơi tôi đang tu học. Hòa thượng nhìn tôi và nghiêm trọng bảo - ông nên dẹp bớt lòng bồng bột ấy đi! Vì khi đang học đạo thì ai cũng tưởng mình có thể thực hành sáu pháp lục độ chẳng mấy khó. Nhưng khi va chạm vào thực cảnh, chịu đói lạnh vài ba tháng, những cơn sốt rét ở rừng sâu và biết bao cảnh trạng kỳ quái cứ đêm đêm lại hiện về như trêu cợt, như dọa nạt thì thối chí ngay. Nếu chí thoát trần mạnh mẽ có thể vượt qua được, thì bấy giờ cái "Động" ở nội tâm lại hiện ra. Tổ xưa đã dạy: "Cực tịnh sanh động". Ông nên tham cứu nghĩa lý ấy và nán lại năm sau, hay đợi khi thọ đại giới rồi sẽ cho ông đi cũng không muộn. Rồi Hòa thượng đưa tay chỉ về trảng núi phía tâ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]