BỤI ĐƯỜNG
tức Phương Trời Cao Rộng 2
truyện dài của Vĩnh Hảo
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996
CHƯƠNG HAI
Từ chỗ tôi, chùa Long Tuyền, đến chùa Phước Lâm, nếu đi trên lộ chính, vòng qua phố Hội An, cũng mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ mới đến. Cho nên chúng tôi chọn đường tắt, tức là sẽ băng ngang trại lính Đại Hàn bỏ hoang phía sau chùa, qua nhiều khoảnh ruộng nhỏ và những xóm nhà lụp xụp nép mình dưới những rặng dương xanh đàng xa. Chú Tửu gọi lối đi như vậy là “đi đường ruộng,” chỉ mất chừng hơn nửa giờ.
Trại lính hình như cũng được xây một cách dã chiến, cho nên khi nó bị bỏ hoang, chúng tôi đi ngang đó như ngang một bãi sa mạc, chẳng còn dấu hiệu gì rõ rệt chứng tỏ trước đây đã có mấy trăm quân nhân đồn trú. Lác đác đây đó một vài tấm ri đã rỉ sét. Trong vòng hai tháng đầu tiên miền Nam mất vào tay người cộng sản, đồng bào địa phương đã vào đây khuân, vác, lôi, kéo…tất cả những gì còn sót lại của trại. Từ tôn, gỗ, ván, cọc sắt, lưới chống đạn B-40, vỏ đạn đại bác, cho đến giây thép rào hay những chiếc giày không cùng cỡ…chẳng có thứ chi mà người ta phung phí bỏ qua. Thậm chí có những món mà khi nhặt về, người ta chưa nghĩ ra nó sẽ được sử dụng vào việc gì trong tương lai, nhưng cứ mang về cái đã; chắc chắn sẽ có một lúc nào dùng tới, còn hơn là không có gì hết – một bác phật-tử ở gần chùa đã nói như thế (làm như thể khi những người “vô sản” nắm chính quyền thì thiên hạ sẽ không còn có tài sản gì hết vậy!). Xa xa về hướng tây, ngoài vòng rào của trại lính, một cái đài liệt sĩ cao vút được dựng lên trên bãi cát khô cằn mà cỏ không chịu mọc. Có lẽ hồi trước đã có nhiều trận đánh lớn diễn ra tại đây và những du kích quân tấn công vào đồn lính này đã thất bại, chết thảm quanh vùng. Đài tưởng niệm được xây để ghi công những người đó. Như vậy, nhìn chung, khung cảnh bao quanh chùa Long Tuyền xác xơ, cằn cỗi, khô khốc, chỉ có những dấu hiệu của chiến tranh và chết chóc. Phản diện của cái xác xơ tiêu điều ấy chính là ngôi chùa Long Tuyền. Từ xa nhìn lại, tôi mới thấy được cái đẹp đơn sơ mà lại tráng lệ của ngôi chùa ấy – không phải là sự tráng lệ của một kiến trúc đồ sộ, nguy nga, mà là vẻ tráng lệ, huy hoàng của một bức tranh tuyệt sắc mà chỉ có cặp mắt và đôi tay của thiên nhiên mới tạo ra nổi. Vâng, quả là chùa Long Tuyền với mái ngói tường rêu, bao bọc bởi một số cây cao mọc không trật tự, không ngăn nắp, mới có được dáng vẻ hài hòa với thiên nhiên một cách đặc biệt như vậy. Bên cạnh tháp Đa Bảo là một cây bàng cổ thụ, tàng lá nửa xanh nửa đỏ, rộng như một cánh dù hay một tai nấm khổng lồ. Quanh bờ ao ở góc phải tam quan là mấy cây dương cao vút không hề bận tâm chuyện đứng thẳng hay ngay hàng: cây thì xiêu bên đông, cây thì vẹo bên tây. Lác đác quanh vườn chùa là những cây ăn trái như cây xoài, mận, ổi, ô-ma, sa-bô-chê… và những loại cây cảnh hay tạp lục khác như da, gòn, bồ đề, phượng vĩ, bạc hà, bạch đàn, so đũa, sầu đông… Cây nào muốn mọc ở đâu thì mọc, tự do như cỏ mùa xuân, miễn là không mọc ngay trên lối đi hay trong phòng tăng là được rồi. Vậy mà lại đẹp. Bước xa hơn, nhìn lại, Long Tuyền chỉ còn là một hải đảo xanh um, nổi bật lên giữa bãi cát trắng phau của xã Cẩm Hà.
Qua khỏi trại lính bỏ hoang, chúng tôi mới thực sự thấy được dấu hiệu của sự sống. Đồng ruộng với những lá lúa non mơn mởn mới cấy vài ngày, ánh lên dưới nắng mai một màu xanh mướt, mát dịu cả mắt. Nheo mắt mà nhìn, trước mặt tôi, những khoảng ruộng vuông đan kết với nhau trở thành một tấm lụa rộng, đẹp, gợn lên những đợt sóng lăn tăn mảnh mai khi có gió vờn qua.
Trong một phút bâng khuâng, tôi bỗng buột miệng nói với chú Tửu:
“Hồi xưa người ta vẫn mơ là khi có hòa bình rồi, trại lính và nhà tù sẽ biến thành bệnh viện và trường học. Những đất bỏ không sẽ được khai khẩn thành ruộng rẫy, xây dựng thành khu dân cư trù phú. Vui sướng biết bao! Phải chi… nước mình hòa bình mà không còn cộng sản hay quốc gia, không có chuyện phân biệt phe phái để trả thù, đày đọa nhau…”
“Chú mơ mộng quá. Giấc mơ hòa bình của chú hồi còn ở trường Bồ Đề trước kia, đến giờ vẫn y nguyên há! Hai bên vì phúc lợi dân tộc, cùng bỏ súng xuống để nói chuyện với nhau trong thương yêu, hiểu biết! Thực ra người quốc gia có thể làm được chuyện đó, nhưng mấy ông Việt cộng thì khó lắm. Tôi chẳng biết vì sao, chỉ cảm thấy là hình như họ không phải là loại người có thể nói chuyện mà không mang theo những hận thù, cố chấp.”
“Có lẽ vì họ được đào luyện để trở thành những người như vậy. Mà hình như khi mình có thành kiến, cho rằng họ cố chấp, không thể nào thay đổi, thì chính mình cũng là những người cố chấp rồi đó, phải không chú?”
Tửu cười:
“Cũng đúng… nhưng thực tế thì họ cố chấp thực đó chứ. Họ đang hăng say chuyện chiến thắng nên chỉ muốn trả thù, muốn ra lệnh, muốn làm mọi thứ theo ý họ, đâu cần phải nói chuyện hay hỏi ý ai nữa. Rồi kết quả là trường học, nhà thương giảm xuống, đồn công an và nhà tù tăng thêm…”
“Cho nên những người quốc gia đã bỏ súng, bây giờ muốn lượm lên, đánh lại. Và giấc mơ hòa bình vẫn cứ là giấc mơ. Chú thử nghĩ xem, làm sao tôi có thể hết ước mơ hòa bình được chứ!”
Chúng tôi cùng cười. Nụ cười chẳng mang theo một chút vui nào cả.
Ô
Đến chùa Phước Lâm, chúng tôi vào dãy hậu liêu tìm thăm vài người bạn, rồi tìm thăm thầy Thiện Phước, một giáo sư cũ của chúng tôi ở trường Bồ Đề cũng như ở Phật học viện. Phòng thầy nằm ở dãy nhà phía trái của chánh điện. Thấy chúng tôi, thầy vui mừng đưa vào phòng khách ngồi chơi, uống trà.
“Chú Khang độ này lớn hẳn đó nghe. Mới mấy tháng nghỉ học mà đã cao to quá, hơn tôi cả cái đầu. Năm này bao nhiêu rồi?”
“Dạ mười bảy.”
“Cha, mười bảy mà vậy đó, cao lớn trổ mã ra, mà đẹp trai nữa! Kiểu này thì chết chắc! Coi chừng…” thầy nói nhỏ giọng xuống, “coi chừng Ma-đăng-già bắt cóc chú đó!” rồi cười ha hả.
Tôi cũng cười theo chứ chẳng nói chi. Từ ngày vào chùa cho đến lúc đó, thỉnh thoảng nghe chuyện một tu sĩ sa ngã vì vấn đề tình cảm đến nỗi phải hoàn tục, tôi thường thấy tội nghiệp cho họ mà trong tôi cũng nẩy sinh chút khinh thường, ngạo mạn. Tôi cho rằng chỉ vì họ thiếu nghị lực, thiếu cương quyết. Có chút chuyện đàn bà, con gái mà không vượt qua nổi thì làm sao nói chuyện kiến tính thành Phật! Trong cửa chùa có thiếu gì phương pháp để xa lánh hay cắt tuyệt con đường ái dục. Nội bốn phép quán căn bản và thông dụng nhất là Tứ niệm xứ cũng đủ sức để chống lại cái nạn Ma-đăng-già rồi. Mà thật ra cũng chẳng cần dùng chi cả bốn pháp quán, chỉ cần một thôi, như quán thân bất tịnh chẳng hạn, là đủ. Bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu cái đẹp chim sa cá lặn, sắc nước hương trời, nghiêng thành đổ nước… cũng là thứ vất đi!
Pháp quán thân bất tịnhđược giải thích và triển khai thành nhiều cách. Nhưng tựu trung vẫn là phương pháp quán xét thân thể một cách tường tận để nhìn rõ mặt trái nhơ bẩn, xấu xí, vô giá trị của nó. Hồi xưa, đức Phật bảo các đệ tử mà sức định tâm quán tưởng còn kém, vào rừng tìm đến nơi những người nghèo hay giai cấp cùng đinh đem vất xác chết người thân của họ, ngồi nhìn và suy tưởng trước một tử thi từ ngày đầu tiên đến ngày thịt da rữa nát, từ từ chỉ còn bộ xương. Người đã quen việc quán tưởng (cũng gọi là niệm, hay quán niệm) thì chỉ cần ngồi xếp bằng chỗ thanh vắng, tự phân tích chi li về thực chất của từng bộ phận trong cơ thể của mình như da, thịt, mỡ, lông, tóc, móng tay, móng chân, máu, mủ, đờm, dải v.v… Trong khi thực hành pháp quán ấy, đương sự đâm nhờm tởm, khinh ghét, không say đắm vào thân nữa, đánh bạt đi sự mê chấp vào một cái thân đẹp đẽ thơm tho. Và khi sự quán sát hay quán tưởng thuần thục, đương sự có thể nhìn một người đang đứng trước mặt mình như nhìn một bộ xương khô, hay một cơ thể lở loét dơ bẩn.
Còn Ma-đăng-già (Matanga) thì được kể trong truyện tích Phật giáo như là một tấm gương rất sáng cho cả người tu bên nam phái lẫn nữ phái. Ma-đăng-già là một thiếu nữ thuộc giai cấp hạ tiện của Ấn Độ thời đức Phật. Một hôm Ma-đăng-già đang xách nước giếng, bỗng có nhà sư tên là A-nan (em họ của Phật) đi khất thực về ghé xin nước uống. Dâng nước cho nhà sư rồi, nàng phát giác rằng nhà sư này quá đẹp, từ diện mạo đến thân tướng đều sáng rỡ, uy nghiêm, thế gian khó có người sánh được. Về nhà, nàng đem lòng tưởng nhớ, tương tư. Mẹ nàng biết được bèn giúp con bằng cách nhờ một thầy phù thủy cho bùa chú để bắt cóc A-nan về làm chồng, vì biết rằng xin “cưới chồng” một cách chính thức sẽ không bao giờ được chấp nhận. Không rõ do vì bùa chú linh hiêng hay vì A-nan trong một phút yếu lòng, đã nghe lời mời của Ma-đăng-già, bước vào nhà của cô ta. Khi Ma-đăng-già đóng cửa lại, A-nan mới sực tỉnh, biết rằng mình là người tu, không được phép vào nhà nữ nhân theo cách đó, bèn tưởng nhớ đến Phật và tìm cách thoát về được. Những ngày kế tiếp, Ma-đăng-già thấy A-nan đi ngang nhà là cứ lò dò bám theo, chẳng làm gì, chỉ để nhìn ngắm và tìm cơ hội ôm thôi. A-nan sợ hãi mà chẳng biết làm sao, bèn thưa lên đức Phật, xin chỉ cách đối phó. Đức Phật bảo A-nan hãy mời Ma-đăng-già về tịnh xá để Phật nói chuyện. Ma-đăng-già nghe Phật mời thì đâm sợ, nhưng vì quá yêu A-nan nên cũng mạnh dạn đến tịnh xá. Đức Phật hỏi:
“Cô yêu A-nan thực sao?”
“Dạ… phải.”
“Cô muốn lấy A-nan làm chồng không?”
“Dạ… muốn.”
“Với một điều kiện, cô bằng lòng không?”
“Dạ mấy ngàn điều kiện cũng được.”
“Vậy cô hãy cạo tóc xuất gia, tu học đàng hoàng như một ni cô trong vòng một năm, sau đó ta sẽ cho phép cô lấy A-nan làm chồng.”
Ma-đăng-già mừng rỡ chấp nhận điều kiện duy nhất mà cô thấy có vẻ dễ thực hiện do đức Phật đưa ra. Nhưng đâu chừng nửa năm siêng năng và liên tục thực hành các pháp quán tưởng thiền định, trong đó có cả pháp quán thân bất tịnh, Ma-đăng-già giác ngộ, thấy được sự say đắm lố bịch của mình trước kia, quỳ lạy Phật sám hối. Lúc bấy giờ, A-nan vẫn chưa chứng đắc được Thánh quả nào. Ma-đăng-già là kẻ đến sau mà lại thành công trước. Và dưới đôi mắt giác ngộ của Ma-đăng-già lúc đó, chính A-nan, nhà sư có thân tướng đẹp đẽ và đức hạnh vẹn toàn ấy cũng chỉ là một gã phàm phu tục tử.
Ô
“Chú Khang, nghĩ gì vậy?” thầy Thiện Phước hỏi.
“Dạ, đâu có gì,” tôi đáp.
“Dạo này chú có sáng tác thơ văn gì không?”
Chú Tửu đáp thay tôi:
“Cuốc ruộng thì có. Văn thơ gì nữa thầy.”
“Cuốc ruộng à? Chú Khang cũng ra ruộng sao?” thầy Thiện Phước lại ngạc nhiên.
“Dạ, con cũng lớn rồi chứ đâu có nhỏ nhít gì nữa thầy,” tôi đáp.
“Làm ruộng thì làm chứ, bên này tụi tôi cũng ra ruộng hết chứ có ai ở không đâu. Khi nào rảnh thì cứ đọc sách, viết. Văn thơ phải luyện, chú à. Chẳng có thiên tài nào ngồi không mà thành tựu được sự nghiệp cả. Viết văn, ôi, cái nghề cao quý làm sao!” thầy Thiện Phước nói.
Tôi nhìn ra ngoài sân, chỗ mấy con chim sẻ đang nhảy, nói bâng quơ:
“Nhưng luyện văn rồi viết cái gì, viết cho ai đây?”
“Chú còn trẻ mà sao bi quan quá. Hễ mình có tài thì phải có chỗ dùng chứ. Viết hay thì ở xã hội nào mình cũng phục vụ được mà. Huống chi, đất nước đã hòa bình rồi.”
“Hòa bình? Thầy nghĩ rằng đất nước hòa bình rồi sao!” tôi hỏi.
“Chứ còn gì nữa. Không còn hai phe bắn giết nhau. Hết chiến tranh, không phải hòa bình thì là gì! Và bây giờ là lúc tuổi trẻ tụi mình đứng ra xây dựng và phục vụ đất nước.”
“Con thấy hình như thực tế không đơn giản như thầy nghĩ,” chú Tửu chen vào.
“Nghe chú Nguyện nói ở các tỉnh, người ta đã có chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy gì đó. Sách vở của chế độ trước phải đem giao nộp cho ban văn hóa địa phương; nếu không, ban văn hóa cũng vào từng nhà để lục xét, tịch thu. Sắp tới lượt thị xã Hội An trong một ngày gần đây,” tôi tiếp lời chú Tửu.
“Thì họ tịch thu những gì được liệt vào loại đồi trụy thôi, còn cái chi đẹp cũng được giữ lại. Làm vậy thì tốt chứ có sao đâu. Văn là vẻ đẹp mà. Cái gì không đẹp thì vất bỏ đi, dẹp cho sạch đi, để đất nước chỉ còn những gì tươi mát, trong sạch, đẹp đẽ. Không phải rằng đó cũng là một trong những ý nguyện mà người tu mình đeo đuổi, thực hiện sao?” thầy Thiện Phước lại say sưa giải thích.
Lời thầy ấy cũng làm tôi hoang mang không ít. Từ ngày có chế độ mới, tăng sinh chúng tôi đều bỏ học, chỉ ở trong chùa, vừa tu tập vừa làm ruộng rẫy mà sống, mọi tin tức sinh hoạt của xã hội bên ngoài đều mù tịt; có biết gì chăng thì cũng chỉ là “nghe nói”. Tôi đã nghe nói như vậy, như kia… Biết đâu là đúng, là sai. Nhưng, tôi bỗng sực nhớ ra một điều, và buột miệng nói liền:
“Nếu nói rằng dẹp đi những cái đồi trụy xấu xa, giữ lại cái đẹp thôi, thì tại sao các Phật học viện phải đóng cửa, không đào tạo tăng sĩ nữa? Nghe nói trường đại học Vạn Hạnh trong Sài Gòn cũng bị nhà nước tịch thu. Còn các trường Bồ Đề trên toàn quốc, không còn trường nào thuộc giáo hội nữa. Tất cả đều trở thành trường của nhà nước.”
Thầy Thiện Phước định nói gì đó, nhưng tôi cứ nói tiếp, nên thầy phải ngưng mà nghe:
“Còn chuyện viết văn làm thơ… có còn tờ báo nào nữa đâu mà viết. Nghe chú Nguyện nói tờ Thằng Bờm của bác Nguyễn Vỹ hay các tờ Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc v.v… của Duyên Anh, bây giờ cũng dẹp hết rồi. Chỉ nói các tờ báo dành cho thiếu nhi đó thôi, không cần phải đề cập đến những tờ báo tư tưởng, văn nghệ khác của người lớn, cũng đã thấy là có cái gì bất ổn rồi. Loại sách báo như vậy cũng đồi trụy, cũng xấu xa cả sao! Còn những tờ của Phật giáo như Tư Tưởng, Vạn Hạnh, Hải Triều Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ, Liên Hoa… đều đã đình bản. Các sách của thầy Nhất Hạnh, của thầy Phạm Công Thiện, sách của ông Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Doãn Quốc Sỹ và nhiều tác giả khác nữa, bất kể họ viết về chủ đề nào, đều bị tịch thu, đốt… Thầy từng cho con mượn các sách báo đó để đọc mà, có cái gì đồi trụy trong đó chăng? Trường học cũng lấy, sách báo cũng dẹp, cái gì thuộc về tư nhân là bị dẹp bỏ không cần biết nội dung đích thực của nó. Mọi thứ đều trở thành của nhà nước. Vậy thì còn cái gì để bàn hay làm nữa!”
Nghe tôi nói vậy, thầy Thiện Phước như giật mình, nhìn tôi một lúc, trầm ngâm suy nghĩ, rồi lắc đầu, cười cười, không phát biểu gì nữa. Chú Tửu thấy vậy bèn lấy chân đá vào chân tôi cho tôi im, rồi chú nói:
“Chắc cũng có sai lầm gì đó trong thời gian đầu, rồi sau sẽ sáng sủa hơn, phải không thầy?”
Thầy Thiện Phước gật gù nói ngay:
“Tôi cũng nghĩ vậy. Buổi giao thời tất phải có những lệch lạc, từ từ rồi người ta điều chỉnh lại hết.”
“Vậy rồi sau này, chuyện tu học của tụi con chắc cũng bình thường trở lại, phải không thầy?’ chú Tửu tiếp tục hỏi.
“Chắc chắn rồi,” thầy Thiện Phước trả lời rồi nhìn qua tôi.
Tôi hơi dịu xuống một chút, nhưng cũng hết muốn phát biểu điều gì. Chú Tửu thấy không khí im lặng quá, lại hỏi tiếp:
“Thầy nghĩ ngoài chuyện tu học ra, tăng sĩ có cần phải làm gì để đóng góp cho đất nước những ngày hết chiến tranh không?”
”Hay, câu hỏi hay. Dĩ nhiên là phải đóng góp rồi. Xưa nay, tăng sĩ Phật giáo chúng ta thiếu những đóng góp thực tiễn cho cuộc đời. Bây giờ là cơ hội tốt để chúng ta xăn tay lên, làm việc. Từ thành thị đến thôn quê, sau thời gian dài với bao tàn phá của chiến tranh, đất nước và cả lòng người nữa, cần được bồi đắp, hàn gắn những vết thương đó. Người tu sĩ Phật giáo phải có mặt khắp nơi để thực hiện hoài bão cứu người, giúp đời mà họ hằng ôm ấp.”
Tôi lại chen vào:
“Chuyện xăn tay làm việc là phải rồi, chẳng ai muốn từ chối. Nhưng con thấy hình như nó không đơn giản như thầy nghĩ. Hình như giữa những người tăng sĩ Phật giáo và những người cầm quyền của chính quyền mới có một khoảng cách rất xa, khó có sự cảm thông để có thể cùng làm việc xây dựng đất nước được. Hơn nữa… hình như cuộc chiến chưa chấm dứt. Con vẫn còn nghe phong thanh rằng có tàn quân đánh phá ở các vùng biên giới, hoặc thỉnh thoảng xuất hiện ở rừng Sát trong nam, hoặc ở các rừng già cao nguyên…”
“Đó chỉ là chuyện lẻ tẻ. Họ là tàn quân, không phải là một chính phủ hẳn hoi như trước. Tàn quân của một chính quyền sụp đổ hoàn toàn chỉ được nhìn như là quân phiến loạn thôi. Chỉ có chiến tranh giữa quân đội của hai chính phủ, hai quốc gia chứ làm gi có chiến tranh giữa một chính phủ và một đám tàn quân. Đất nước đã hòa bình.”
“Con không nghĩ vậy. Con có cảm giác là nửa phần đất miền Nam đang bị người cộng sản xâm chiếm, và người dân miền Nam bất mãn, muốn giành lại đất này,” tôi nói.
Thầy Thiện Phước cười phá lên:
“Làm gì có chuyện xâm chiếm. Nước Việt Nam của người Việt Nam. Tàu chiếm, mình chống; Pháp xâm lăng, mình đánh; Nhật và Mỹ xua quân vào, mình đuổi. Cái gì gọi là xâm chiếm chứ? Mình có chiếm nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật, nước Mỹ đâu! Mình giành lại đất Việt của mình thôi mà. Người cộng sản Bắc Việt là người Việt Nam chứ có phải người ngoại bang đâu! Cũng là anh em một nhà cả!”
“Nhưng…”
Tôi định nói điều gì đó mà chẳng nói được. Sự hiểu biết của tôi còn cạn cợt quá, không đủ để cãi lý với thầy ấy. Hình như trong tôi không nảy ra được ý niệm nào rõ rệt về những người cộng sản, về chính quyền mới. Chỉ có những hình ảnh là đọng rõ trong tâm tưởng. Vâng, đó là những hình ảnh đơn thuần là hình ảnh, chẳng phải ý niệm để có thể phát ra lời lẽ: hình ảnh những người bộ đội, công an cộng sản từ miền Bắc mang súng, mang cờ, mang biểu ngữ vào Nam, thay đổi đột ngột nếp sống xã hội, làm hãi sợ người dân miền Nam. Tù đày, xử tử, đốt sách báo… Những hình ảnh ấy kinh khủng quá, vượt quá sự tưởng tượng của tôi. Đâu phải tôi chưa từng đọc truyện, sách hay báo viết về chiến tranh, về những vụ đẫm máu trong những cuộc chiến trên thế giới. Tôi đã từng lên án chiến tranh, ghê tởm sự giết chóc trong những bài luận văn của mình. Nhưng ít nhất tôi cũng có thể chấp nhận, hay đúng hơn, có thể hiểu được tâm trạng và hoàn cảnh của hai kẻ đối địch cầm súng bắn nhau ngoài trận địa, chứ không sao nhìn nhận được sự kiện những kẻ nắm quyền lực trong tay, trấn áp, đày đọa những người cô thế không phương tự vệ. Bất kể những kẻ có vũ lực và uy quyền đó nhân danh ai, nhân danh chủ nghĩa nào, tôn giáo nào, ý thức hệ nào để chèn ép hay tước đoạt quyền sống và sự tự do của kẻ khác, tôi đều thấy kinh tởm và bất bình trong lòng.
Cho nên, tôi rất ngạc nhiên khi thấy thầy Thiện Phước có vẻ như đã dành nhiều thiện cảm cho chính quyền mới. Thầy cũng như một số người dân miền Nam khác đã đón nhận chính quyền mới như là đại diện của một lý tưởng rất gần gũi với dân tộc. Có lẽ là do sự lạc quan, tin tưởng thái quá vào một chế độ ở những lời rêu rao của nó mà không nhìn thấy cái thực tế cũng như bản chất sâu xa bên trong. Tôi chưa đủ trưởng thành về tuổi tác cũng như về kiến thức để có những nhận định đúng đắn về chế độ mới, nhưng tôi đã sớm thấy, bằng sự nhạy bén xúc cảm của mình rằng, cái gì thường được phô trương quá đáng về bề mặt thì thường ít có giá trị về bản chất; và tổ chức, đoàn thể nào được bành trướng, phát triển nhờ sự hỗ trợ của quyền lực để cưỡng bức kẻ khác theo mình thì thường không phải là tổ chức hay đoàn thể tốt đẹp, bất kể tổ chức đó trưng bày những lý tưởng thiêng liêng cao cả nào.
Tăng sĩ Phật giáo, không thể hời hợt như những thường dân trong sự nhận định và hợp tác với các thế lực chính trị thế tục. Huống chi, tôi vẫn có niềm tin rằng những người tăng sĩ Phật giáo khi đã chọn lý tưởng giải thoát giác ngộ làm sự nghiệp tất sẽ không còn chọn lựa một thứ lý tưởng thế tục tầm thường nào khác. Cho dù một chính quyền hay một thứ đảng phái nào đó đề ra những phương châm, những chính sách hay ho để cải thiện đời sống xã hội, con người, điều đó cũng không nói được rằng họ đã có lý tưởng quý giá đáng để người tăng sĩ Phật giáo bỏ lý tưởng của mình mà đi theo. Hai thứ lý tưởng đó khác nhau; một bên là lý tưởng thế tục, một bên là lý tương tôn giáo (cứ cho Phật giáo là một tôn giáo theo cách phân loại và định nghĩa đơn giản nhất). Nếu cho rằng con người tôn giáo cũng phải có những lối đi không thể thoát ly thế tục - chẳng hạn chuyện tham gia phục vụ xã hội, phục vụ con người – và tăng sĩ phải bắt tay vào việc xây dựng cuộc đời thì sự can dự vào cuộc đời ấy cũng đã được đề cập và được khích lệ bởi chính lý tưởng (Đại thừa) Phật giáo. Và như vậy, sự thay đổi của các chính quyền thế tục cũng không tăng thêm gì cho lý tưởng cứu đời của tăng sĩ Phật giáo. Chỉ có các chính quyền ngăn cản hay hỗ trợ cho tăng sĩ Phật giáo thực hiện con đường cứu khổ ban vui, chứ không hề có chính quyền nào “dạy” hay “ảnh hưởng” lý tưởng thế tục của họ vào lý tưởng của tăng sĩ Phật giáo cả. Từ lý tưởng giác ngộ đến phương châm nhập thế độ sanh của Phật giáo đều đã thể hiện đầy đủ những bước đi cao đẹp được truyền tiếp bởi nhiều thế hệ tăng sĩ thoát tục; qua đó, nững kẻ nối gót hiển nhiên đã tự gia nhập vào hàng ngũ ấy một cách cao cả, tuyệt vời, không cần phải vay mượn, mô phỏng, ngạc nhiên hay thán phục bất kỳ một chủ thuyết, ý thức hệ hay lý tưởng xã hội nào khác. Nếu có chăng một sự tán thưởng của tăng sĩ Phật giáo đối với một chính sách nào đó của một chính quyền thì sự tán thưởng này cũng chỉ nhằm khích lệ một đường hướng tốt đẹp mang lại lợi ích cho số đông, chứ không phải là một sự tán thưởng bởi sợ hãi, xu nịnh hoặc ngưỡng mộ đến nỗi phải sát nhập lý tưởng xuất trần cao đẹp của mình vào thứ lý tưởng thế tục của phe nhóm cầm quyền ấy.
Tăng sĩ, những kẻ trọn đời dấn mình vào sự nghiệp hoàn thiện nhân cách và mưu cầu hạnh phúc cho thế gian (mà không đòi hỏi gì cho mình về quyền lợi vật chất hay ngay cả những thứ quyền lợi tinh thần như danh tiếng, sự biết ơn, lòng ngưỡng mộ của kẻ khác) chính là những tấm gương đẹp cho những người thế tục tham cầu lợi dưỡng tự soi, phản tỉnh, chứ không phải là ngược lại.
Tháng trước, chú Phương từ Nha Trang ra cho tôi hay rằng những chú tiểu cùng học với tôi trước kia đa phần đã hoàn tục và hòa nhập vào xã hội mới. Tin đó đã làm tôi buồn bã nhiều ngày. Nhưng sau đó, tôi đã tự an ủi mình rằng, chỉ vì những chú tiểu ấy còn tùy thuộc vào gia đình nhiều quá nên không cưỡng lại được sự dẫn dắt của gia đình trước mọi hoàn cảnh - nhất là hoàn cảnh mới hiện nay, một xã hội với một chính quyền cũng do người Việt Nam nắm lấy nhưng rất xa lạ với tâm tư và nếp sinh hoạt truyền thống của đồng bào miền Nam. Nhưng nay, tôi biết thêm là có một vài người dù còn khoác mặc áo tăng sĩ, đã tỏ ý ngưỡng mộ một lãnh tụ thế tục, hay phấn khởi trước sự phô trương hào nhoáng lý tưởng cách mạng xã hội của một đảng chính trị cầm quyền. Điều này mới làm tôi giật mình và sửng sốt hơn. Có thể trước mắt tôi, thầy Thiện Phước, là một người điển hình cho số người ấy. Tôi không sao hiểu nổi. Tôi thấy không còn hứng thú để nói chuyện với thầy ấy, bèn nhắc chú Tửu đi gặp thầy trụ trì chùa Phước Lâm để mượn bộ kinh Pháp Hoa chữ Hán rồi ra về.
Ô
Cái bệnh chung của những người cuồng tín, mê tín là thích lý luận, thích rao truyền những điều mình đã học thuộc và hăng hái thuyết phục người khác theo mình mà chẳng cần biết, chẳng cần tìm hiểu gì về quan điểm và niềm tin của đối phương cả.
Một khi kẻ đi chinh phục tin chắc rằng cái gì của mình cũng đúng (và của kẻ khác tất nhiên là sai!) thì hắn sẽ không từ chối việc áp đặt niềm tin và quan điểm của mình lên kẻ khác. Sự áp đặt này là mầm mống của tai họa, gieo rắc chiến tranh khắp nơi. Lịch sử cho thấy nó còn khốc liệt hơn những cuộc chiến bắt nguồn từ tham vọng chiếm hữu đất đai, tài sản hay từ khát vọng quyền lực.
Tôi rất buồn khi biết thầy Thiện Phước có vẻ “thích” chính quyền mới một cách vô điều kiện. Nhưng tôi vẫn quý mến thầy, một phần vì thầy là một tăng sĩ trẻ có tài của giáo hội, một phần vì thầy là một người trí thức biết tôn trọng suy nghĩ và niềm tin của kẻ khác. Dù có ca ngợi chế độ mới, thầy ấy đã không có ý cố gắng thuyết phục tôi đi theo. Thôi thì đành đường ai nấy đi, miễn là làm được điều gì lợi ích cho cuộc đời là được rồi.
Đâu chừng tháng sau thì tôi nghe tin thầy Thiện Phước không còn ở chùa Phước Lâm nữa. Thầy đã tự nguyện hoàn tục để dấn thân vào công cuộc xây dựng đất nước mà chính quyền mới kêu gọi. Sức học của thầy cộng thêm đức khiêm cung, nhẫn nại, học được trong chùa, chắc hẳn là sẽ đóng góp được nhiều điều tốt đẹp cho xã hội. Tôi không dám nghĩ là thầy sai lầm. Tôi chỉ hy vọng rằng thầy đã có ý hướng dấn thân phát xuất từ niềm thương yêu đối với con người và cuộc đời thì sẽ chọn được phương cách tốt nhất để thực hiện ý hướng ấy, chứ không phải là để góp sức làm lớn mạnh một chính quyền, một đảng phái thế tục mà hiện nay, dù không tiếp xúc nhiều với đời, tôi cũng biết là người dân không mấy có thiện cảm và tin tưởng.
“Chú Khang, có khách tìm thăm kìa,” chú Tửu bước vào phòng nói với tôi mà miệng cười tủm tỉm như chế nhạo.
Quay nhìn về hướng cửa, tôi thấy một anh bộ đội ngả mũ bước vào. Tôi chưa nhận rõ anh là ai nhưng anh đã cười, nói thân thiện:
“”Khỏe không? Bộ nhìn không ra sao mà nhìn ngẩn người vậy?”
Khi anh ấy đến gần đưa tay bắt, tôi mới thực sự nhớ lại anh là một người bạn cũ không thân lắm. Anh ấy tên Tân, cũng là một chú tiểu, cùng thọ giới Sa-di với tôi ở giới đàn tổ chức tại Phật học viện Quảng Nam này. Anh lớn hơn tôi vài tuổi. Trước kia còn là chú tiểu, anh đã sạm đen, nay đi bộ đội, nước da càng đen sẫm và bóng lên. Chưa đầy một năm mà bây giờ Tân có vẻ vạm vỡ, chắc người ra. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ cười.
“Tôi tưởng chú về Nha Trang rồi chứ. Hôm qua ghé thăm chùa Phước Lâm, nghe quý thầy quý chú bên đó nói chú vẫn còn ở đây để lao động nên hôm nay lập tức qua thăm.”
Tân nói với tôi với giọng mừng rỡ, thân mật thực sự. Nhưng bỗng dưng, tôi thấy có một khoảng cách. Cái khoảng cách kỳ lạ, rất buồn, giữa hai người bạn, hai người quen. Tôi tự hỏi, phải chăng chúng tôi là bạn vì chiếc áo và trở nên xa lạ cũng chỉ vì màu áo?
Trong phòng không có ghế. Tân tự động ngồi trên cái giường nhỏ kê sát giường nằm của tôi. Phòng này hồi trước năm 1975 là phòng ngủ của chúng Ca Diếp. Phòng rộng, chứa mười tám cái giường ngủ nhỏ cho mười tám người nằm. Bây giờ chỉ còn bốn, năm người, nhưng mười tám cái giường cứ còn nguyên đó, chẳng ai buồn dọn đi bớt cho rộng. Chúng tôi ngồi trên hai cái giường đặt ở khoảng cuối gian giữa của phòng. Từ trong nhìn ra, tôi bỗng thấy những cái giường trống toát lên cái vẻ hoang lạnh dễ sợ của một bệnh viện hay một nhà xác. Hình như những hình ảnh lao xao, hốt hoảng, kinh sợ trên nét mặt mọi người trong cuộc di tản vĩ đại của các tháng tàn xuân vừa qua hãy còn tác động mạnh mẽ trong lòng tôi, mà đến lúc này, ngồi im lặng trước người bạn cũ vận quân phục xùng xình của quân đội cộng sản, tôi mới thực sự cảm nhận được. Tôi cười gượng gạo, và vẫn giữ im lặng. Một chặp, nhớ tới câu nói của anh ấy khi nãy, tôi buột miệng nói;
“Về lại Nha Trang cũng là tu học, ở lại đây cũng là tu học, nên tôi thấy không cần thiết phải về. Tôi ở lại đây để tiếp tục tu học, không phải để lao động.”
Nghe tôi nói vậy, Tân có vẻ hơi khựng một chút. Nhưng vốn là người mau mắn, anh cười, nói ngay:
“Chứ lao động có gì xấu đâu mà chối. Bây giờ ai cũng lao động hết. Cả nước lao động. Không còn ai ngồi không chỉ tay năm ngón, bóc lột sức lao động của người khác nữa. Bộ đội như chúng tôi cũng lao động đó, chứ không phải chỉ cầm súng đánh giặc thôi đâu.”
“Tôi đâu cần phải che giấu cái chuyện lao động. Có điều, đó không phải là mục đích khiến tôi ở lại đây. Hơn nữa, lao động chẳng bao giờ là mục đích cả. À, mà thôi, chuyện đó đâu cần thiết để bàn. Anh mới vào bộ đội hả?”
“Mới vào mấy tháng thôi.”
“Thầy Thiện Phước nói hòa bình rồi mà. Vậy mà vẫn còn cần thiết để đi cầm súng sao?”
“Vậy chứ chuyện tu cũng còn cần thiết sao?”
”Khi nào con người còn đau khổ thì chuyện tu còn cần thiết chứ. Chuyện tu đâu lệ thuộc vào sự đổi thay của các giai đoạn chiến tranh hay hòa bình. Cũng không phải khi gặp nạn thì vào chùa trốn nấp, đến khi thấy yên thì bỏ ra ngoài mà tung hoành ngang dọc.”
“Chú nói vậy là đụng chạm lắm đó nghe, tôi có trốn nấp trong chùa hồi nào đâu. Tôi đi tu, bây giờ thấy không cần thiết phải tu nữa, nên tôi ra ngoài, đi bộ đội, đóng góp đời mình cho đất nước. Chuyện đó hay quá trời, chú khuyến khích mới phải chứ.”
Tôi bật cười lên:
“Ủa, nói chơi vậy mà cũng đụng chạm sao? Vậy mà tôi tưởng… Thôi, xin lỗi…”
Lúc ấy, chú Tửu và Dũng bước vào. Tân ngồi yên, chào các chú kia bằng một nụ cười. Tôi nhớ lại hình như trước kia, khi còn ở chùa, tôi chưa thấy chú ấy chào người khác bằng cách chắp tay bao giờ. Tân ngông nghênh, nhìn người bằng nửa con mắt, chẳng muốn kết bạn với ai mà cũng chẳng ai muốn kết bạn với chú ấy. Nhưng hồi đó, chẳng hiểu sao Tân cứ tìm cách làm thân với tôi, mua sách tặng, rồi nói chuyện triết lý vu vơ. Tôi cũng trò chuyện với Tân như đã trò chuyện với nhiều chú khác trong khóa an cư và thọ giới năm ấy, nhưng không thể thành bạn thân được. Vậy mà sau khi thọ giới, trở về chùa Phước Lâm, Tân có viết thư, gởi sách đến tặng tôi, và vẫn ghi trong thư rằng tôi là người bạn thân nhất của anh ấy. Bây giờ, có lẽ vì vẫn còn coi tôi như người bạn “thân thiết” mà Tân đến thăm tôi bất kể tôi có vui vẻ tiếp đón hay không.
Có sự hiện diện của những người khác trong phòng, hình như Tân không còn nói chuyện được tự nhiên nữa, bèn rủ tôi ra sân. Tôi miễn cưỡng đi dạo với Tân qua hết khoảnh sân rộng trước chánh điện rồi qua hàng hiên mát của dãy phòng học. Đứng lại một lúc ở tam cấp, Tân nói:
“Hình như mấy chú ở đây nhìn tôi với con mắt lạ lắm, chẳng có chút cảm tình nào. Nhưng mà thây kệ mấy chú ấy. Tôi cóc cần tình cảm gì của mấy ổng. Tôi đến thăm Khang hôm nay vì nghĩ đến người bạn xưa. Chẳng hiểu sao, tôi chẳng bao giờ quên được Khang. Tôi biết Khang lúc nào cũng dửng dưng, chẳng thấy quan trọng gì ở cái tình bạn lỏng lẻo giữa hai tụi mình, nhưng nói thiệt, đâu phải mình tôi, phải không, hồi đó nhiều người khác tự dưng cũng muốn kết bạn với Khang. Mà rồi Khang cũng đâu có thân với ai. Không hiểu Khang nghĩ gì về những người bạn của mình, nghĩ gì về tôi? Hình như Khang coi thường tất cả vì nghĩ rằng mình vượt xa họ?”
“Tôi đâu có nghĩ gì. Tôi không hề thấy xa cách với bất cứ chú tiểu nào ở chung chùa, hay học chung khóa. Tôi không dám coi thường ai. Mình có cái gì mà coi thường người khác chứ. Tất cả các chú hồi đó đều là bạn thân của tôi.”
“Chính vì coi ai cũng là bạn thân, nên chẳng có ai thực sự là thân cả.”
“Tại sao phải cần sự thân thuộc như một thứ ràng buộc khác của tình cảm. Người xuất gia đâu cần sự gắn bó tình cảm với ai, cho dù sự gắn bó ấy là gắn bó của tình bạn. Có bạn hữu để nâng đỡ nhau, nương tựa nhau tu học. Tốt, rất cần. Nhưng đừng đặt vấn đề người này là bạn thân, người kia là bạn sơ. Bạn thân thì phải đối xử ra sao, bạn sơ thì phải đối xử thế nào! Tất cả là bạn, vậy chưa đủ sao! Cách suy nghĩ và tiếp xử đó cũng chẳng sai trái gì với chuyện tu học cả.”
“Bây giờ mà Khang còn nói chuyện tu với học, xuất gia với tại gia! Sao nghe xưa quá!”
“Vậy chứ chú nghĩ rằng… bây giờ không cần phải tu học nữa à?”
“Bỏ quách cho rồi. Mấy lá thư hồi đó tôi viết cho chú những gì bộ chú quên rồi sao?”
“Thư nào? Viết cái gì?”
“Trời đất! Hỏi vậy là biết chú chẳng thèm đọc thư của tôi gởi rồi.”
“À, mấy cái thư chú gởi đó hả… Thì nói chuyện triết lý nhức đầu quá, tôi đọc có hiểu cái chi đâu mà bảo nhớ! Nhưng chuyện thư từ hồi đó còn xưa hơn chuyện đang nói bây giờ. Trở lại vấn đề tu học. Chú nói chuyện nghiêm chỉnh đi. Chú ở chùa ra mà bây giờ nói chuyện tu học chẳng cần thiết nữa. Chú giải thích đi.”
“Thực ra, tôi đến thăm Khang cũng có mục đích chứ chẳng phải không. Nói thực, tôi thấy những năm ở chùa phí phạm tuổi trẻ quá. Chẳng làm gì giúp ích được cho đời. Mà cũng chẳng mang lại lợi ích cụ thể nào cho chính bản thân. Tôi muốn khuyên Khang nên bỏ sớm chừng nào tốt chừng nấy, như vậy sau này khỏi hối tiếc. Vì không bỏ bây giờ, sau này cũng phải bỏ thôi.”
“Xuất gia là để tu học, không tu học thì phí phạm tuổi trẻ. Xuất gia cũng là để giúp ích cho đời về mặt tinh thần, mình không tu học cho đàng hoàng, cho đến nơi đến chốn thì chẳng giúp ích gì cho bản thân cũng như cho cuộc đời. Điều này có thể áp dụng cho bất cứ con người nào, bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào. Không sống trọn vẹn với màu áo và lý tưởng mà mình đeo đuổi thì cuộc đời kẻ ấy coi như rỗng tuếch. Nếu kẻ nào không tìm được gì hữu ích trong thời gian xuất gia ở chùa thì đó là do kẻ ấy chưa thực sự tu học đàng hoàng. Ý tôi muốn nói kẻ ấy đã không lấy chuyện học đạo làm mục tiêu mà chỉ mượn chiếc áo để lẩn tránh một cái gì đó ngoài đời. Xuất gia theo kiểu đó thì phí phạm tuổi trẻ là phải rồi. Riêng tôi, tôi không dám nói tôi hiểu đạo nhiều hay đã làm lợi ích gì cho đời, cho người. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, tôi không bao giờ hối tiếc việc xuất gia học đạo của tôi cả. Bạn có thấy cần thiết phải khuyên một người từ bỏ cái gì mà kẻ ấy đam mê, thích thú và giốc trọn cả tâm tư vào đó không? Cũng như bạn bây giờ, đang say mê chạy theo một lý tưởng thế tục nào đó, tôi thấy đâu cần phải phủ dụ bạn rời bỏ để theo tôi. Bạn cứ giốc trọn cuộc đời của bạn vào đó đi sau khi đã tìm hiểu và xác quyết về giá trị của nó.”
“Nhưng ở đây, chuyện tôi khuyên không phải chỉ nhắm vào bản chất, vào giá trị của lý tưởng mà Khang đeo đuổi. Tôi còn nhắm vào cái hoàn cảnh thực tế ngoại tại nữa.”
“Nghĩa là sao?”
“Nghĩa là, như tôi nói khi nãy, nếu bạn không từ bỏ bây giờ thì sau này bạn cũng phải từ bỏ mà thôi. Sẽ không còn tôn giáo nào ngự trị trên mặt đất này nữa. Cái sự thực đó, tôi thương bạn nên muốn nói trước với bạn như vậy để bạn suy tính mà thôi.”
Tôi mỉm cười ngạo nghễ, tự tin:
“Nếu mai sau trên đường tu tập, tôi thất bại hoặc bỏ cuộc thì lý do chắc chắn không phải vì bất cứ kẻ nào hay thế lực nào cưỡng ép cả.”
“Chắc không đây?”
“Chắc chắn. Tôi đã tự do chọn lựa con đường xuất gia thì tôi cũng sẽ tự do chọn lựa con đường hoàn tục. Không ai cưỡng ép được.”
“Đáng tiếc! Để rồi coi,” Tân nói vậy, miệng cười cười. Tôi bỗng không kềm được sự bực bội, nói tiếp:
“Còn nói rằng ở chùa không làm lợi ích gì cho đời thì nông cạn quá. Lợi ích đâu phải lúc nào cũng phải thấy rõ ràng mới gọi là lợi ích. Đám mây bay ngang trời là vô dụng trong mắt anh, nhưng sẽ có ích cho một tâm hồn muốn được ngơi nghỉ nhìn ngắm, phải không? Nếu cứ nhắm vào cái cụ thể thì hiện nay, trong mắt tôi, hay trong mắt người dân miền Nam, bộ đội như anh đâu có làm lợi ích gì cho đất nước. Các anh nói là hòa bình rồi, hết chiến tranh rồi, nhưng quân đội cứ phát triển nhân số. Gần một triệu quân, phải không? Tôi nghe chú Nguyện nói vậy. Khiếp thật! Vậy rồi các anh ở không, tập luyện quân sự, để đánh ai trong tương lai thì chẳng biết, chỉ thấy trước mắt là nhân dân phải lo nai lưng ra mà nuôi các anh. Đưa cái lợi cụ thể mà các anh đóng góp cho đất nước này ra cho chúng tôi xem coi nào?”
“Bây giờ chưa thấy nhưng sau này sẽ thấy. Quân đội ta sẽ sang Campuchea làm nghĩa vụ quốc tế… Mặt khác, phải bảo vệ đất nước khỏi sự hăm he tấn công của bá quyền Trung quốc. Đó là những ích lợi sẽ có trong tương lai, khi nào đất nước cần đến.”
“Làm tăng sĩ cũng vậy. Khi nào con người cần đến, tự dưng họ sẽ thấy được cái lợi ích mà người tăng sĩ hiến tặng họ. Cái lợi ích đó không phải là cái cụ thể có thể phô bày ra được, và cũng không phải chỉ là chuyện cơm ăn áo mặc. Anh là kẻ cầm súng không trực tiếp tạo nên cơm áo thì anh hẳn biết điều đó mà, phải không?”
Chúng tôi im lặng một khoảng lâu rất nặng nề. Nắng lên cao. Bãi cát trắng trên khoảnh đất trống bên hiên dãy phòng học hắt lên một màu chói lòa. Có những dấu chân người, dấu chân chim, dấu chân gia súc, dẫm lên nhau, khỏa lấp nhau, trên mặt cát dợn sóng, tạo nên bức tranh với hai màu trắng đen, đậm nhạt, hỗn độn, không định tính, như tác phẩm của một chàng họa sĩ sáng tác trong tâm trạng không được bình tĩnh. Tôi không ngờ đã có những lúc trên đời, tôi phải nói chuyện không được hòa nhã với bạn bè của mình.
Và điều mà tôi thấy lạ nhất là dòng suy tưởng của tôi lúc này không còn thuần tính, đơn sơ, mộc mạc như bức tranh thiên nhiên, thiền vị nữa. Hình như dòng sông nào cũng vậy, có những lúc tĩnh lặng, nhưng không sao tránh khỏi những khi sóng gió. Không nhiều thì ít, tôi cũng đã để tâm đến thế sự, điều mà tôi và các bạn đồng tu cùng lứa hầu như không hề để ý đến từ nhiều năm trước.