Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[261 - 270]

13/02/201217:42(Xem: 8561)
[261 - 270]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

261. HÉT TRỐNG ĐỊA NGỤC

Một samurai (chiến sĩ) phục vụ cho một người quyền thế trong tỉnh đến viếng Thiền sư Bạch Ẩn.

Sư hỏi chiến sĩ:

- Anh đã làm gì?

Chiến sĩ đáp:

- Tôi luôn luôn thích lắng nghe Phật giáo. Vì vậy mà tôi bị bịnh.

Bạch Ẩn hỏi:
- Anh bệnh như thế nào?

Chiến sĩ đáp:

- Ban đầu tôi gặp một Thiền sư và cầu tìm yếu lý của tâm. Rồi tôi gặp một luật sư Chơn Ngôn tông và học mật giáo. Nghi ngờ và rối loạn phát triển về hai tông phái, trong khi quán tưởng mẫu tự A, bỗng nhiên trong tâm tôi hình ảnh địa ngục xuất hiện. Tôi cố gắng chận chúng lại bằng cách dùng yếu lý của tâm, thì hai thị kiến va chạm nhau, vì vậy tâm tôi bị quấy rối. Lúc ngủ tôi thấy ác mộng, khi thức tôi lao nhọc vì suy nghĩ.

Bạch Ẩn chặc lưỡi và nói:

- Anh có biết cái gì làm cho địa ngục sợ hãi không?

Chiến sĩ đáp:

- Quan điểm tánh không! Tôi bị bịnh này.

Bạch Ẩn liền hét chiến sĩ nhiều lần, hét đến nỗi anh ta tháo lui, nói:

-Anh là một chú bé khờ! Chiến sĩ là kẻ trung thành với lãnh chúa đến nỗi y không chạy trốn bão lụt hay hỏa hoạn mà phơi mình ra trước gươm giáo, không run sợ và chớp mắt. Sao anh lại sợ quan điểm tánh không? Giờ đây, anh hãy rơi vào một trong các địa ngục đó đi, và chúng ta hãy kiểm tra các địa ngục!

Chiến sĩ phàn nàn:

- Sao một ông thầy lại có thể bảo người ta rơi vào cảnh giới xấu xa như thế?

Bạch Ẩn cười và nói:

- Số địa ngục mà tôi đã rơi vào có đến tám mươi bốn ngàn cái! Này -- không có nơi nào mà tôi không rơi vào!

Cuối cùng, thấy được ý sư, chiến sĩ tràn ngập vui mừng.

(Giai Thoại Thiền)

262. LỜI CUỐI CÙNG

O-San đã ngộ khi tham học với Thiền sư Tetsumon. Sau này, khi đại sư Bạch Ẩn đến tỉnh bà ở, O-San đến tham kiến sư.

Để trắc nghiệm, Bạch Ẩn hỏi bà về tiếng vỗ của một bàn tay.

O-San liền ứng khẩu đọc bài kệ sau đây:

Lắng nghe “Tiếng vỗ một tay,”

Chi bằng vỗ cả hai tay mà làm!

Khi O-San trong cơn bịnh cuối cùng, các con tập trung quanh bà, muốn biết những lời cuối cùng của bà. Bà mỉm cười và đọc bài kệ sau:

Trên thế gian này

Chỗ ngôn ngữ không còn gì cả

Còn gì hơn giọt sương

Trên lá,

Ta nói gì

Cho con cháu đời sau?

(Giai Thoại Thiền)

263. KINH MỘT CHỮ CỦA ĐẠI GIÁC

Người sáng lập chùa Kiến Trường ở Khiêm Thương vào thế kỷ thứ 13 là một Thiền sư Trung Hoa tên là Đại Giác. Sư được tướng quân Thời Lại [Tokiyori] mời đến truyền bá Thiền tông cho các khu vực phía đông Nhật Bản.

Một số tu sĩ và cư sĩ của các tông phái khác không hài lòng chuyện này chút nào. Lòng ganh tị lan truyền rằng Thiền sư là gián điệp do Mông Cổ phái đến Nhật và dần dần nhiều người tin như vậy. Lúc ấy, các quan hệ với Mông Cổ trở nên tệ hơn, và chính phủ của Tướng quân, do tin đồn hướng dẫn sai lầm, đã thuyên chuyển sư đến Koshu. Sư không những không phiền não chút nào mà còn vui mừng đi theo nghiệp lực dẫn đường.

Có một người chuyên trì các thần chú như Pháp Hoa và A-di-đà, đến gặp sư, nói:

-Thiền đọc Tâm Kinh vừa dài vừa khó, trong khi Nhật Liên Thượng Nhân dạy chú Pháp Hoa chỉ có bảy chữ và Nhất Biến Thượng Nhân chú A-di-đà chỉ có sáu chữ. Kinh Thiền thì dài hơn nhiều mà lại khó tụng.

Đại Giác lắng nghe rồi nói:

- Đệ tử Thiền muốn gì với kinh văn dài dòng? Nếu ông muốn đọc kinh Thiền, hãy đọc nó bằng một chữ thôi. Các thần chú sáu chữ, bảy chữ cũng dài lắm.

(Thiền và Đạo Thuật)

264. KINH KHÔNG CHỮ CỦA PHẬT QUANG

Tu sĩ của Tsurugaoka Hachiman đến gặp Thiền sư Trung Hoa tên là Phật Quang, người thừa kế Thiền sư Đại Giác, kể sư nghe câu chuyện kinh một chữ của Thiền sư Đại Giác và hỏi:

- Tôi không hỏi sáu chữ, bảy chữ các phái khác tụng niệm, chỉ muốn biết thế nào là kinh một chữ của Thiền?

Phật Quang đáp:

- Tông môn chúng tôi một chữ cũng chẳng lập, giáo lý truyền riêng bên ngoài kinh điển, đạo thì lấy tâm truyền tâm. Nếu ông muốn đi sâu vào đó, thì cả cuộc đời ông sẽ là một câu thần chú, cái chết của ông cũng sẽ là một câu thần chú. Ông còn muốn một chữ, nửa chữ làm gì? Lão sư Đại Giác đi vào rừng sâu đặt xuống đó một chữ, giờ đây cả thiền lâm đang xé nát nó thành nhiều mảnh trên gai nhọn, cố tìm nó. Nếu thượng tọa đứng trước tôi đây muốn nắm lấy một chữ đó, thì không mở miệng tụng kinh không chữ. Nếu thượng tọa không biết kinh không chữ, thì liền mất kinh một chữ đó vậy. Hãy đem một chữ này gửi đến từng trời thứ ba mươi ba; hãy chôn nó đi, nó ở dưới đáy đại địa ngục thứ tám. Bốn phương, trên dưới, chỗ nào có thể giấu được nó? Ngay giây phút này, ở trước thượng tọa! Có chữ nào hay không?

Kim vàng không thấu được (lớp vải thêu), tu sĩ im lặng rút lui.

(Thiền và Đạo Thuật)

265. ĐỊA TẠNG NGUYÊN HÌNH

Sakawa Koresada, tùy viên trực tiếp của dòng họ Uesugi, bước vào chánh điện chùa Kiến Trường và cầu nguyện trước Bồ-tát Địa Tạng Ngàn Tướng. Rồi ông ta hỏi vị tăng thị giả phụ trách chánh điện:

- Trong ngàn tướng của Địa Tạng, tướng nào là Địa Tạng nguyên hình?

Thị giả đáp:

- Trong ngực của quan hộ vệ ngay trước tôi đây là ngàn niệm, vạn tưởng; cái nào là niệm tưởng đầu tiên?

Chiến sĩ (samurai) lặng câm.

Thị giả lại nói:

-Trong ngàn tướng của Địa Tạng, Địa Tạng nguyên hình là Phật thế tôn, ngài luôn luôn dùng ngàn tướng.

Chiến sĩ hỏi:

- Phật thế tôn là ai?

Thị giả bất ngờ nắm mũi chiến sĩ vặn mạnh.

Chiến sĩ bỗng nhiên tỉnh ngộ.

(Thiền và Đạo Thuật)

266. THAM VẤN BAN ĐÊM

[Myotei là một góa phụ và là một người đàn bà có cá tính mạnh. Bà đã tu tập mấy năm dưới sự hướng dẫn của Kimon, vị sư thứ 150 của chùa Viên Giác. Vào một dịp viếng chùa, bà đã có một kinh nghiệm trong khi lắng nghe sư thuyết pháp về kinh Kim Cương. Vào năm 1568, bà tham dự tuần nhiếp tâm Lạp Bát (mồng tám tháng mười hai, kỷ niệm ngày Phật thành đạo].

Trước khi vào một trong những cuộc tham vấn ban đêm, bà cởi hết tất cả y phục của mình ra, và bước vào độc tham không một mảnh vải che thân. Bà nằm xuống trước mặt sư. Sư Kimon cầm gậy như ý bằng sắt thọc vào giữa hai đùi bà, nói:

- Bày trò gì đây?

Ni cô Myotei đáp:

- Bày cái cửa chư Phật ba cõi nhờ đó đến thế gian này.

Sư nói:

- Trừ phi chư Phật ba cõi vào, [nếu không] các ngài chẳng thể ra. Hãy cho vào cửa ngay đây và bây giờ.

Và sư ngồi dang hai chân qua ni cô.

Ni cô hỏi:

- Ai sẽ vào? Đó là Phật gì?

Sư đáp:

- Cái gì xưa nay vốn có, không có “sẽ.”

Ni cô nói:

- Ai không cho biết tên thì là kẻ cướp vô lại, không được phép vào.

Sư đáp:

- Phật Di Lặc, phải đản sinh để độ người sau khi Phật Thích ca nhập diệt, vào cửa.

Ni cô làm như muốn nói nhưng sư liền lấy tay bịt miệng cô lại. Sư đè chiếc gậy sắt giữa hai đùi cô, nói:

- Phật Di Lặc vào cửa. Hãy sinh ngay lập tức!

Ni cô do dự và sư nói:

Đây chẳng phải tử cung thật; làm sao sinh được Di Lặc?

Ni cô đi ra và trong cuộc tham vấn sáng hôm sau, sư hỏi:

- Đã sinh được Di Lặc chưa?

Ni cô hét lớn:

- Ổng đã lặng lẽ sinh ra tối hôm qua rồi!

Cô nắm đứng sư, hai bàn tay ôm đỉnh đầu sư, nói:

-Tôi mời ông Phật ấy dùng đỉnh đầu này làm Tòa Sư Tử. Hãy để ổng từ bi ở đó mà thuyết pháp.

Sư nói:

- Đạo chỉ là một, không hai, không ba.

Ni cô nói:

- Do căn cơ mà chúng sinh khác nhau vạn nẻo. Làm sao hòa thượng có thể gắn họ vào một đường?

Sư nói:

- Một tướng dẫn đầu vạn quân vào kinh đô.

(Thiền và Đạo Thuật)

267. BỨC TRANH NGƯỜI ĐẸP

Vào năm 1299, khi lãnh chúa Fukuda Sadatomo đến chùa Kiến Trường để dự lễ. Ông gặp sư Saikan trong một căn phòng, bất ngờ trong phòng ấy có một bức tranh vẽ Rei Shojo, một người đẹp đương thời của triều đại nhà Tống. Lãnh chúa hỏi sư:

- Đó là ai?

Sư đáp:

- Người ta nói không ngờ đó là Rei Shojo.

Sadatomo ngắm bức tranh một cách ngưỡng mộ và nói:

- Tranh đó được vẽ như có thần lực và còn cực kỳ hiến dâng. Người đàn bà đó có phải hiện giờ ở nước Tống không?

Sư đáp:

- Ở Tống, ngài muốn nói gì? Hiện giờ ở đây, tại Nhật này.

Nhà quí tộc hỏi:

- Ở đâu thế?

Sư hét to:

- Lãnh chúa Sadatomo!

Nhà quí tộc nhìn lên.

Sư nói:

- Ở đâu thế ?

Sadatomo lãnh hội được yếu chỉ, bái tạ.
(Thiền và Đạo Thuật)

268. TIẾNG HÉT CỦA TODEN

Yoriyasu là một samurai tự phụ và hiếu chiến. Vào mùa xuân năm 1314, anh ta được thuyên chuyển từ Kofu đến Kamakura, ở đây anh ta đến viếng Toden, vị sư thứ 45 ở chùa Kiến Trường, để hỏi Thiền.

Sư Toden nói:

- Ấy là trực tiếp biểu hiện Hành Động Vĩ Đại trong trăm mối quan tâm về cuộc sống. Khi nó trung như một samurai, ấy là trung của Thiền. Trung viết theo chữ Hán là kết hợp chữ “trung” và chữ “tâm”, vậy nó có nghĩa ông chủ ở giữa con người. Phải là không phiền não sai lầm. Nhưng hôm nay lão tăng đây nhìn chiến sĩ, có kẻ trung tâm nghiêng về danh và tiền, có kẻ nghiêng về rượu và sắc dục, và có kẻ nghiêng về quyền lực và can đảm. Tất cả bọn họ đều ở trên những cái dốc đó, và không thể có tâm trung. Làm sao họ có thể trung đối với quốc gia? Nếu ông, thưa Ngài, muốn tu Thiền, trước hết hãy tu trung, và đừng trượt chân vào dục vọng sai lầm.

Chiến sĩ nói:

- Trung của chúng tôi là Hành Động Vĩ Đại trực tiếp trên chiến trường. Chúng tôi cần sự thuyết pháp của nhà sư để làm gì?

Sư đáp:

- Ngài là một anh hùng trong tranh biện, tôi là kẻ thanh nhã hòa bình--chúng ta có thể không có gì để nói với nhau.

Lúc ấy chiến sĩ rút kiếm ra, nói:

- Trung ở trong lưỡi kiếm của anh hùng, nếu thầy không biết điều này thì chẳng nên nói đến trung.

Sư đáp:

- Lão tăng đây có kiếm báu Vua Kim Cương, nếu ông không biết nó, chớ nên nói đến trung.

Chiến sĩ nói:

- Trung của Kiếm Kim Cương -- thứ đó dùng làm gì trong chiến đấu thật sự?

Sư liền nhảy tới hét lên một tiếng Katsu!, khiến chiến sĩ hoảng hốt đến độ mất hết ý thức. Sau đó một chút, sư lại hét nữa và chiến sĩ liền bình phục.

Sư nói:

- Trung trong lưỡi kiếm của anh hùng, ở đâu rồi? Nói!

Kinh hãi quá, chiến sĩ xin lỗi rồi rút lui.

(Thiền và Đạo Thuật)

269. THANH KIẾM GIẤY

Vào năm 1331, khi Nitta Yoshisada đang đánh Hojo Sadatoki, một viên chức hộ vệ chính của dòng họ Bắc Điều tên là Sakurada, bị giết. Vợ của ông ta là Wasa muốn cầu nguyện cho người quá cố, bà cắt tóc vào chùa Đông Khánh làm ni cô pháp danh là Shotaku. Bà đã nhiều năm hiến mình cho Thiền dưới sự chỉ dạy của vị sư thứ 17 của chùa Viên Giác, và cuối cùng đã trở thành ni sư thứ ba của chùa Đông Khánh. Vào tuần nhiếp tâm Lạp Bát (mồng 8 tháng 12) năm 1339, sau cuộc tham vấn chiều với sư chùa Viên Giác, khi bà đang trên đường về nhà thì một người đàn ông cầm kiếm thấy bà, bị sắc đẹp của bà quyến rũ. Hắn dùng kiếm đe dọa và đến cưỡng hiếp bà. Ni sư liền lấy một tờ giấy ra, cuộn lại và đâm vào mắt người đàn ông như một lưỡi kiếm. Hắn không còn đánh được và hoảng sợ quá đỗi vì sức mạnh tinh thần của ni sư. Hắn quay đầu bỏ chạy và ni sư bồi thêm một tiếng hét Yaa!, đánh hắn bằng thanh kiếm giấy. Hắn té, rồi chạy trốn.

(Thiền và Đạo Thuật)

270. ĐẤT TRỜI TAN VỠ

Tadamasa, một viên chức hộ vệ lâu năm của quan nhiếp chính Bắc Điều Cao Thời, có pháp danh là An Sơn. Ông ta là một tín đồ mẫn nhuệ của Thiền, đã tới lui thiền đường dành cho nam cư sĩ ở chùa Kiến Trường trong hai mươi ba năm. Vào năm 1331, khi đánh nhau xảy ra khắp nơi, ông ta bị thương và chạy như bay đến chùa Kiến Trường để gặp Sosan, vị sư thứ 27 của chùa. Lúc đó chùa đang có Trà thang(Cha no yu). Sosan thấy người đàn ông mặc áo giáp đến, liền để một tách trà phía trước ông ta, nói:

- Cái này thế nào?

Chiến sĩ lập tức giẫm nát cái tách trà dưới chân và nói:

- Trời đất cùng tan vỡ.

Sư nói:

- Khi trời đất tan vỡ thì ông thế nào?

An Sơn đứng thẳng hai tay khoanh trước ngực. Sư đánh ông ta và ông ta miễn cưỡng kêu lên vì các vết thương bị đau.

Sư nói:

- Trời đất vẫn chưa hoàn toàn tan vỡ.

Tiếng trống vang lên từ trại lính phía núi bên kia và Tadamasa chạy thật nhanh về trại. Sáng hôm sau, ông ta trở lại chùa, mình dính đầy máu, để gặp sư. Sư bước ra, lại nói:

- Khi trời đất tan vỡ thì ông thế nào?

An Sơn nương mình lên thanh kiếm đẫm máu, hét một tiếng Yaa! lớn rồi chết đứng trước mặt sư.

(Thiền và Đạo Thuật)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/08/2020(Xem: 7672)
Thân phụ Ngài là một nhà Nho, nên Ngài đã được thụ giáo từ khi mới lên 5 tuổi. Đến 7 tuổi Ngài được vào học trường huyện. Nhờ bẩm chất thông minh, Ngài luôn chiếm ưu hạng. Sau một thời gian Ngài được chuyển lên học trường tỉnh. Đây là nơi Ngài có thể sôi kinh nấu sử để mai sau danh chiếm bảng vàng, làm rạng rỡ tông đường. Ngờ đâu ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) kinh đô Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi phải xuất bôn, và xuống chiếu Cần Vương. Vừa lúc đó có kỳ thi Hương tại trường thi Bình Định, các sĩ tử cùng nhau bãi thi, phá trường, hô hào tham gia phong trào Cần Vương, chống Pháp cứu nước. Ngài cũng xếp bút nghiên, gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Bình Định của các Ông Mai Xuân Thưởng, Bùi Điều.
14/08/2020(Xem: 5387)
Thuở trung học, tôi rất yêu môn toán. Những con số cộc lốc khô khan nhưng rõ ràng 1 với 1 là 2 đi vào đầu tôi êm ái nhẹ nhàng hơn những bài văn thơ trữ tình, ướt át. Tôi rất dốt, thường đội sổ môn Việt văn. Giữa khi một đề bài Thầy, Cô đưa ra: “Hãy tả tâm trạng cảm giác của em khi một ngày dự định đi chơi mà bị mưa không đi được„ Bạn tôi, đứa “sơ mi„ (nhất điểm) luận văn khi phát bài luôn được đọc cho cả lớp nghe, viết: “Thế là hôm nay em phải ở lại nhà vì một trận mưa như trút nước. Mưa càng lúc càng nặng hạt, dai dẳng suốt từ chiều hôm qua. Bầu trời vẫn còn u ám, xám xịt, không có dấu hiệu của một trận mưa sắp dứt, một ngày quang đãng. Em buồn nằm nhà, cuộn mình trong chăn nghe bên ngoài mưa rơi tí tách, gõ nhịp trên máng xối„ Thì bài của tôi: “Đùng...đùng...tiếng sét nổ vang. Nhìn ra bên ngoài bầu trời đen thui rồi nước ở đâu từ trên máng xối đổ xuống ào ào. Nước mưa chứ ai. Ghét dễ sợ. Không được đi chơi như dự định rồi. Buồn thỉu buồn thiu„ Bài viết cộc lốc khô cứng như cục đá. Ng
13/08/2020(Xem: 3250)
Chuyện đọc kinh sách (do cư sĩ Tường Dinh sưu tầm và diễn đọc)
10/08/2020(Xem: 4230)
Ngày xửa ngày xưa, dưới chân Hy Mã Lạp Sơn có một vương quốc trù phú tên gọi Thắng Man. Dù là một vương quốc giàu mạnh nhưng lòng người ở đây không thành thật, sống trên những giá trị giả dối, phù phiếm. Tại ngôi chợ bên ngoài hoàng thành có một người đàn ông sống bằng nghề bán mũ. Mũ của anh chàng này rất đẹp nhưng không hiểu sao hàng ế ẩm nên anh chàng toan tính bỏ nghề, tìm nghề khác sinh sống. Trên đỉnh núi quanh năm tuyết phủ có một nhà tiên tri, theo lời đồn có lẽ tu hành cả trăm năm và đã thành tiên. Nhân vương quốc cho mở đại hội để người dân vui chơi, ăn uống thỏa thích, nhà tiên tri chống gậy xuống núi để quan sát nhân tình, nhân đó tiên đoán vận mệnh của vương quốc. Trong dòng người hỗn độn, đủ thứ trò vui chơi vô cùng náo nhiệt, nhà tiên tri dừng lại bên cửa hàng bán mũ. Thấy một người đàn ông đang ngồi ủ rũ, nhà tiên tri hỏi:
09/08/2020(Xem: 7332)
Sáng nay vừa thức dậy, nhìn ra ngoài bầu trời trong thật đẹp, chim chóc hót ca vang, ríu rít gọi nhau nghe sao mà thanh bình quá, tiếng chim hót mà con rất ưa thích nghe từ thuở còn ấu thơ mỗi khi bình minh sắp trổi dậy cho một ngày mới. Hôm nay 28.6.2020 sinh nhật lần thứ 71 của Thầy, con xin kính đọc bài thơ của nhà thơ Hoàng Phong Linh tức ông Võ Đại Tôn, 1 chiến sỹ yêu nước, yêu Đạo, yêu Đời luôn dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc kính mừng sinh nhật Thầy:
02/08/2020(Xem: 11673)
Ấn Độ Một Hung tin Đẫm lệ Thượng tọa Tiến sĩ Bodhipala đã Viên tịch trong cơn Đại dịch Covid 19
27/07/2020(Xem: 10599)
Lương Hoàng Sám Pháp (Thi Hóa của Thích Linh Như)
27/07/2020(Xem: 2887)
Nhắc đến thuyết nhân duyên "trùng trùng duyên khởi" của nhà Phật. Trong cái này lại cài đặt liên kết với cái kia, nếu không quen cô bạn đạo Chúc Hảo, làm sao có cuộc đi chơi kiểu "Dế mèn phiêu lưu ký" mãi tận đến Orlando của xứ biển Florida, làm sao quen được những thiện hữu tri thức chủ nhân của ngôi nhà Thiền với hồ bơi được tôi đặt cho một cái tên thật ấn tượng: Hồ “Trường Lưu Thủy". Câu chuyện bắt đầu từ cú điện thoại của Chúc Hảo vào đầu năm: - Năm nay trường Nữ Trung Học Nha Trang của tụi mình tổ chức họp mặt tại Orlando, cũng có thể là lần cuối vì các Thầy Cô già yếu và rơi rụng hết cả rồi. Vậy mi có đi không? Vợ chồng con cháu đại gia của tao có nhà tại bãi biển sẽ cho tụi mình tá túc tha hồ tắm biển.
23/07/2020(Xem: 3003)
Giáo lý của Đức Phật rất cao siêu thâm thúy, nhưng người học có số hiểu giống nhau, có số hiểu khác nhau. Và thực hành thì mỗi người áp dụng càng khác nhau nữa, cố sao theo cái hiểu của mình để tâm an lạc. Riêng tôi, tôi cũng hiểu và áp dụng theo cách riêng của tôi. Và trong đạo Phật, Lý Nhân Quả tôi đặt làm trọng tâm tin tưởng tuyệt đối xem như kim chỉ nam hướng dẫn tôi suốt cuộc đời. Tôi không rõ lắm từ lúc nào, lý nhân quả đã thấm nhuần vào tâm trí tôi. Cũng có thể bắt nguồn từ khi tôi còn bé lúc tôi được mẹ và các chị đưa tôi vào sinh hoạt ngành Oanh vũ, ngành dành cho thiếu nhi từ 6 đến 12 tuổi của Gia Đình Phật Tử. Lý nhân quả thấm đượm hồn tôi rất sâu sắc từ bé đến bây giờ.
15/07/2020(Xem: 3841)
Người phụ nữ da đen ăn trộm 5 quả trứng, viên cảnh sát Mỹ không bắt mà xử trí đầy bất ngờ Cách đây 6 năm, ở Mỹ đã diễn ra một câu chuyện vô cùng cảm động giữa viên cảnh sát William Stacy và một người mẹ da đen Helen Johnson. Khi ấy là khoảng thời gian vô cùng tuyệt vọng của người phụ nữ này, nhưng vị cảnh sát đã cứu sống cuộc đời cô. Đó là vào một ngày thứ 7, khi Helen bị bắt gặp đang ăn trộm 5 quả trứng trong siêu thị. Cô đã rất hoang mang khi cảnh sát đến. Tuy nhiên, thay vì bắt giữ cô về đồn cảnh sát, viên cảnh sát đã dành tặng cô một bất ngờ thú vị. Hàng tuần, Johnson đều phải nuôi nấng hai cô con gái và hai đứa cháu mới lên 1 và 3 tuổi, trong khi phúc lợi xã hội của cô chỉ có 120 USD một tháng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]