Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Dì Tư

16/09/201100:39(Xem: 7671)
03. Dì Tư

Thích Nhất Hạnh
TÌNH NGƯỜI
Truyện của tác giả khi còn là chú điệu
Lá Bối xuất bản

3. Dì Tư

Không biết dì Tư xuất gia từ độ nào. Chỉ nghe nói rằng dì vào chùa đã lâu lắm, hồi Hòa thượng chưa viên tịch. Năm nay dì đã già lắm, có lẽ trên 60. Răng của dì chỉ còn lại năm ba cái, nhưng dì còn mạnh khỏe lắm. Dì ở chung với dì Bang trong một cái liêu nhỏ, phía nhà Trù. Hai dì lo việc bếp núc để giúp đỡ phần nấu nướng cho chư Tăng. Dì Bang khó tánh hơn, nên chúng tôi ít gần, còn dì Tư thì luôn luôn hoan hỷ. Dì thương chúng tôi lắm. Chú Tâm Mãn và tôi khi có chuyện gì hay, thường đến thuật lại với dì. Bao giờ dì cũng đãi chúng tôi một nụ cười dễ dãi, hiền hậu. Mỗi khi cười nhiều, đôi mắt dì nheo lại gần như nhắm. Dì không biết quốc ngữ. Chứ Tâm Mãn dỗ ngon dỗ ngọt bảo dì học, nhưng dì vẫn nhứt quyết không chịu:

- Thôi, các chú nghĩ bi chừ tui học tiếng Tây mần chi? Tui già rồi. Các chú mới cần học cho hung để sau ni làm việc cho đạo. (Tôi xin dịch: Thôi! Các chú nghĩ: bây giờ tôi học tiếng Tây làm gì? Tôi già rồi. Các chú mới cần học cho nhiều, để sau này làm việc cho đạo).

Chú Mãn cười:

- Ấy, ai bảo dì học tiếng Tây dâu? Chúng tôi khuyên dì học chữ quốc ngữ mà. Chữ quốc ngữ là chữ của nước mình.

Nhưng dì không nghe. Bởi vì dì không thể tin rằng cái thứ chữ viết bằng bút sắt mà lại là cái chữ của mình được. Chữ của nước mình, theo dì, là chữ “an nam”, chữ viết bằng bút lông kia.

Về chữ “an nam” thì dì cũng biết vò vẽ. Nghĩa là dì có thể đọc chập chững được bài Thập phương hay bài Nhất tâm quy mạng. Dì rất siêng năng. Không có thời tịnh độ nào là dì không đi. Mỗi khi gần đến giờ tịnh là dì lo rửa mặt, rửa tay thật sạch sẽ. Dì mặc chiếc áo rộng màu lam, cổ đeo một tràng hạt huyền đen nhánh, chân đi đôi guốc lẹp kẹp. Dì kéo lê đôi guốc từ dưới bếp lên lầu chuông, rồi thì từ lầu chuông, dì đi chân không vào chùa đứng nép vào một góc để chờ đại chúng thăng đường hành lễ.

Dì rất ham học. Dì đã thuộc lòng Di Đà, Hồng Danh Khể Thủ và Quy Mạng. Dì muốn học Lăng Nghiêm. Chú Tâm Mãn và tôi sợ dì không thể nào thuộc được Lăng Nghiêm, bởi vì chú Lăng Nghiêm dài bằng năm sáu chú Đại bi. Làm sao mà dì học thuộc cho nổi, khi mà dì đã già rồi, trí óc dì đã lẩm cẩm hay quyên rồi! Nhưng dì tha thiết quá, thành khẩn quá. Chúng tôi đành phải chiều dì. Thế là chú Tâm Mãn lấy một xấp giấy vàng bạc, đóng cho dì một cuốn tập. Tôi dán thêm cho dì hai cái bìa cứng phết nước nâu. Mỗi ngày tôi viết trên sách ấy mấy câu, bắt đầu từ Diệu trạm tổng trì bất động tôn ... Chữ viết rất lớn, một chữ to gần bằng hộp diêm. Tôi nói:

- Bắt đầu từ hôm nay, chú Mãn chỉ cho dì học, mỗi ngày một câu. Dì siêng năng thì chừng ... năm tháng có thể học thuộc được kinh này.

Dì cười, mắt híp lại và hai hàm răng sún vẫn rất dễ thương:

- Năm tháng không xong thì bảy tháng. bảy tháng không xong thì một năm. Chú đừng lo tôi không thuộc.

Rồi dì học rất siêng năng, Chú Mãn cứ tiếp tục chỉ cho dì học, ba bốn hôm như thế. Cho đến hôm thứ năm, khi chú Mãn sắp sửa chỉ bài mới, tôi liền đến “khảo hạch”, bắt dì đọc lại bài cũ. Bị thầy bắt trả bài một cách bất ngờ, học trò luống cuống ngay. Thế là dì đọc không trôi tám câu đã học. Tôi nói:

- Không được. Học như thế này thì không bao giờ thuộc được Lăng Nghiêm, Rồi cứ học sau quên trước, học trước quên sau, đến bao giờ thuộc được.

- Rứa thì thưa chú, chú có cách chi học cho mau thuộc, chú chỉ biểu cho tui học với.

Tôi nói:

- Bây giờ thì thế này. Mỗi ngày học vài câu. Hôm nay chỉ bài, ngày mai dò lại. Mà dò không thuộc thì bắt học lại bài cũ. Cứ ba bữa thì học ôn một lần. Dì chịu không?

- Chịu.

- Vậy thì bữa nay bắt đầu học lại. Hôm nào không thuộc thì bị phạt.

- Phạt thì tôi cũng chịu phạt, bởi vì học mà không sợ phạt thì mần răng cho mau giỏi, nhưng mấy chú tính phạt mần răng? Quỳ hương thì tôi quỳ không nổi, bởi vì đầu gối yếu hung (yếu lắm) rồi.

Tôi cười:

- Ai bắt dì quỳ hương bao giờ. Để nghĩ ra cách khác.

Dì lại cười:

- Thưa các chú, các chú cứ nghĩ đi.

Tôi đang nghĩ đến các lối phạt ở trường học, nào “Cồng xin” (consigne), nào chép bài, nào quét lớp ... thì bỗng chú Mãn phá lên cười. Tôi vội mắng:

Ấy chết, không được cười lớn, chú Mãn! Quý Thầy nghe, quý Thầy rầy chết. Phải học hạnh trang nghiêm, chớ bao giờ cười lớn như thế.

Chú Mãn cố nín cười:

- Em đang nghĩ đến một lối phạt, mà đã nghĩ ra rồi nên bật cười không thể ngăn cản được.

Tôi hỏi:

- Chú nghĩ ra cách nào, nói thử xem.

- Thế này nhé, mỗi khi dì không thuộc, thì dì phải cung cấp cho hai anh em mình bốn khuôn đậu phụ chiên để ăn trong bữa cơm ngọ.

Dì Tư cười gần ngã sấp. nhưng tôi tán thành ngay:

- Phải đấy, tôi đồng ý với cái lối phạt đó.

Cái món ăn thích nhất của chúng tôi là đậu khuôn (đậu phụ) chiên. Chùa nghèo, thành thử phần lớn các bữa ăn đều là đạm bạc. Một bữa cơm có đậu phụ đối với chúng tôi, là một bữa cơm “lý tưởng” mà dì Tư lại có thể là tác giả của những bữa cơm lý tưởng ấy! Bởi vì dì giữ cái phần đi chợ, mua các thức ăn. Bốn khuôn đậu (hay hai thôi cũng quý rồi) dành riêng cho chúng tôi! Thật là một điều hy hữu. Chúng tôi thường chấp tác ngoài vườn chùa từ mười tới mười hai giờ, và thường trở về chùa ăn cơm sau đại chúng. Một mâm cơm nhỏ đợi hai chúng tôi ở trên ghế quá đường mỗi khi chúng tôi về muộn. Nếu trên mâm cơm ấy mà thỉnh thoảng “ngự” một đĩa đậu khuôn rán thì thú biết chừng nào!

Cái lối phạt mà chúng tôi mới phát minh ra, chúng tôi rất bằng lòng nó. Dì Tư cũng bằng lòng. Ấy thế là thỉnh thoảng chúng tôi được thưởng thức trong bữa cơm những miếng đậu phụ thơm tho và ngon lành. Chú Tâm Mãn còn ít tuổi nên có lúc không nhịn được cười, cứ vừa ăn vừa khúc khích. Tôi cũng muốn cười, nhưng thấy mình lớn hơn, đành phải “lập nghiêm”:

- À ra cái chú Tâm Mãn này, ăn cơm không quán “ngũ quán” mà cứ cười mãi nhé!

Có một độ, dì Tư thuộc bài luôn luôn. Chúng tôi không có dịp phạt và vì thế, đậu khuôn cũng vắng trên mâm cơm, tôi nói với chú Tâm Mãn trong một bữa cơm trưa:

- Lâu nay không có đậu khuôn chú Mãn nhỉ.

Chú Mãn ghé miệng vào tai tôi thầm thì. Tôi gật đầu và mỉm cười:

- Đồng ý với chú.

Thế là buổi chiều hôm đó, dì Tư phải học đến bốn câu. Tôi chắc thế nào ngày mai dì cũng “bị phạt”. Trưa ngày hôm sau, vào giờ “chỉ tịnh” tôi xuống bếp tìm mượn cây dao nhíp lên rọc giấy đóng sách, thì thấy dì đang dựa lưng vào thành cối ngủ gật, tay cầm quyển kinh. Nghe tiếng động, dì ngồi ngay dậy. Tôi hỏi:

- Sao dì không vào nghỉ trưa một chút kẻo mệt? Dì đi nghỉ đi, để chiều làm việc. Chiều nay còn đi kiếm thêm củi nữa nhé.

Dì nói nhỏ:

- Tui phải học cho thuộc không thì chiều ni bị chú Mãn phạt. Nguy lắm.

Tôi cười:

- Nguy gì! Chỉ tốn công chiên đậu phụ mà thôi.

Nhưng dì gọi tôi đến gần, hạ giọng:

Chiên đậu thì không tốn công mô, nhưng mà lâu nay tiền chợ hằng ngày thầy thủ khố (quản lý) phát chừng mực lắm. Năm nay lúa ruộng của chùa thâu được không bao lăm. Tiền không đủ mua rau cho đại chúng, thì lấy mô để mà mua đậu khuôn nộp phạt.

- Vì vậy mà dì cố học bài cho thuộc để khỏi bị phạt chớ gì?

Dì gật. Cái gật đầu có vẻ đăm chiêu, nhưng rồi dì lại cười. Nghe dì nói, và nhìn cái cười của dì, tôi thấy hơi hối hận. Rồi cảm thấy thương dì vô hạn. Tôi nói:

- Tôi và chú Mãn sẽ bỏ cái lối phạt ấy từ nay. Sẽ tìm cách phạt khác. Từ nay dì đừng chịu phạt đậu khuôn nữa nhé. Thôi dì cất sách mà đi nghỉ một lát kẻo mệt.

Dì Tư vui vẻ làm theo ngay. Tôi vào phòng chú Mãn, thầm thì với chú câu chuyện vừa xảy ra. Rồi tôi dí một ngón tay lên trán chú:

- Chỉ tại chú đấy nhé.

Chú Mãn nhìn tôi hơi trách móc, và nói như làm nũng:

- Thế ai bảo chú đồng ý với em?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/03/2011(Xem: 8656)
Theo đạo Phật, luật nhân quả không chỉ giới hạn trong một đời sống hiện tại này, mà là một quy luật chi phối trong suốt dòng thời gian...
13/03/2011(Xem: 10642)
Các chân sư thực hiện những kỳ công của các ngài mà không chút tự hào, với một thái độ giản dị hồn nhiên hoàn toàn như trẻ con. Các ngài biết rằng, năng lực của tình thương luôn che chở các ngài.
13/03/2011(Xem: 6606)
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này.
10/03/2011(Xem: 11806)
Trong lúc thiền quán, tôi tập trung suy nghĩ rất nhiều những lời thầy dạy. Tôi bừng tỉnh nhận ra quả thật điều mà tôi khổ công tìm kiếm không phải là việc say mê dành trọn thời gian cho việc tu tập thiền định.
09/03/2011(Xem: 11039)
Trong đạo Phật, hiếu hạnh được xem là đứng đầu trong tất cả các đức hạnh. Điều này đã được đức Phật chỉ dạy trong rất nhiều kinh điển.
04/03/2011(Xem: 5490)
Đã biết nhân quả theo nhau như bóng với hình, nên kể từ đây chúng ta hãy phát tâm dũng mãnh làm mới lại mình, sám hối, ăn năn những sai lầm đã phạm trước kia.
04/03/2011(Xem: 10732)
Đây là một bản kinh Phật đặc sắc, nêu bật lên ý nghĩa nhân quả bằng những truyện tích nhân duyên rất sống động, được thuật lại với nhiều chi tiết thú vị.
04/03/2011(Xem: 8273)
Một hôm, Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: Ở đời, có người đánh tôi, mắng tôi, làm nhục tôi, khi dễ tôi, dọa tôi, gạt tôi, chê tôi, khinh tôi, ăn hiếp tôi, cười ngạo tôi cho đến đối xử khắc nghiệt với tôi, thì phải xử trí như thế nào? Thập Đắc đáp: Chỉ cần nhịn nhục họ, kính họ, sợ họ, tránh họ, nhường họ, khiêm tốn với họ, không chống cự họ, không cần để ý đến họ, rồi chờ ít năm ông hãy nhìn họ xem.
04/03/2011(Xem: 7287)
Ngài Hàn-Sơn : Trong thế gian mà bị người phỉ báng, khi dễ , nhục mạ, cười chê, khinh khi , chà đạp, ghen ghét , đè bẹp, đố kị ta. Như thế, ta phải xử trị cách nào ? Ngài Thập-Đắc trả lời : Thản nhiên vì họ mà nhẫn, mà nhường,  mà cung kính, là trọng tự do của họ, mà tránh đi, cuối cùng đừng để ý tới họ nữa. Chờ vài năm sau sẽ gặp họ. Hàn-Sơn lại hỏi : Họ vẫn giữ quyết liệt như vậy ! Có thể trốn núp được chăng ? Ngài Thập-Đắc nói : " Tôi đã từng thuộc Bài Kệ của Bồ-Tát Di-Lặc. Bạn lắng nghe ! Tôi vì Bạn mà niệm bài kệ :
24/02/2011(Xem: 2851)
Cách đây 28 năm (1973), hồi đó tôi 16 tuổi (1945), nghe kinh Bát Nhã và pháp Bảo Đàn, bỗng nhiên lòng tôi không còn luyến tiếc gì bản thân và muốn xa lìa tất cả để lên non cao tu luyện. Tôi đem ý nguyện ấy thưa với Bổn sư là Hòa thượng Diệu Quang, Tổ thứ sáu của Tổ đình Thiên Ấn và là vị khai sơn chùa Viên Giác núi Thanh Thanh - nơi tôi đang tu học. Hòa thượng nhìn tôi và nghiêm trọng bảo - ông nên dẹp bớt lòng bồng bột ấy đi! Vì khi đang học đạo thì ai cũng tưởng mình có thể thực hành sáu pháp lục độ chẳng mấy khó. Nhưng khi va chạm vào thực cảnh, chịu đói lạnh vài ba tháng, những cơn sốt rét ở rừng sâu và biết bao cảnh trạng kỳ quái cứ đêm đêm lại hiện về như trêu cợt, như dọa nạt thì thối chí ngay. Nếu chí thoát trần mạnh mẽ có thể vượt qua được, thì bấy giờ cái "Động" ở nội tâm lại hiện ra. Tổ xưa đã dạy: "Cực tịnh sanh động". Ông nên tham cứu nghĩa lý ấy và nán lại năm sau, hay đợi khi thọ đại giới rồi sẽ cho ông đi cũng không muộn. Rồi Hòa thượng đưa tay chỉ về trảng núi phía tâ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]