Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5

05/09/201110:56(Xem: 3828)
Chương 5

HOA TRÔI TRÊN SÓNG NƯỚC
Nguyên tác: Journey In Search Of The Way-The Spiritual Autobiography Of Satomi Myodo
Nguyên Phong Việt dịch, Làng Văn xuất bản 1996

Chương 5

Người ta nói rằng làng tôi được dựng lên từ khi những người đi khẩn hoang đầu tiên đặt chân đến Hokkaido. Tuy nhiên phần lớn những người này không hề định cư tại đây, họ chỉ đến vì Hokkaido có nhiều rừng cây rất lớn. Họ phá rừng, xẻ núi để đốn gỗ, khai thác tối đa những hoa lợi này cho đến khi những rừng bao la biến thành bãi đất trơ trụi, hoang tàn, không còn gì để khai thác nữa thì bỏ đi. Chỉ còn những kẻ nghèo đói, tha phương cầu thực, những kẻ không thể sống ở đâu được, đành bám lấy mảnh đất này để mưu sinh. Mùa mưa đến, không có rừng cây giữ nước, nước lũ từ trên cao đổ xuống, cuốn sạch đi lớp đất mầu mỡ, chỉ còn trơ lại lớp đá sỏi khô cằn, việc trồng trọt đã khó khăn lại thêm khó khăn gấp bội. Dù cố gắng, dân làng chỉ có thể trồng trọt được ít rau trái qua loa trước mùa mưa lớn mà thôi, vì thế số người bỏ làng ra tỉnh kiếm ăn càng ngày càng nhiều, làng tôi đã nghèo lại càng tả tơi hơn trước. Sau nhiều năm lang thang, tôi trở về làng xưa với một tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Nhìn bãi đất cằn cỗi với lũ trẻ chăn trâu gầy còm, nhìn những người dân quê rách rưới cày cuốc lam lũ, nhìn những căn nhà dột nát hoang tàn, tự nhiên tôi động lòng và tự nhủ sẽ phải tìm cách khôi phục ngôi làng này.

Sau thời gian gặp gỡ thăm hỏi gia đình, tôi khởi sự hành nghề cô đồng (Miko) để kiếm sống. Đây là một thất vọng lớn cho gia đình tôi. Cha tôi giữ thái độ im lặng không nói gì nhưng nhìn mặt ông, tôi có thể đoán rằng ông không được vui lắm. Là người ít nói, mẹ tôi chỉ bày tỏ thái độ qua một câu ngắn ngủi: “Tưởng mày đi xa học được nghề nghiệp gì khá”. Đứa con gái của tôi cũng giống tính bà ngoại nó, nhẫn nhục, chịu đựng, nên chỉ tỏ thái độ tiêu cực nhưng chồng nó thì không như vậy. Đứa con rể đã phản đối quyết liệt: “Mẹ nên biết chúng ta đang bước vào thời đại văn minh kỹ thuật, cái trò đồng bóng quàng xiên này đâu còn lừa bịp được ai!” Tôi thấy không cần phải giải thích lôi thôi. Bản tính ương ngạnh và lạnh lùng cố hữu của tôi đã thúc đẩy tôi tiếp tục chương trình đã định. Muốn tránh phiền phức cho gia đình, tôi dựng một chòi nhỏ trước miếu thờ chư thần ở đầu làng để hành nghề. Tôi vừa cúng tế chư thần vừa hướng dẫn những người gặp hoàn cảnh khó khăn, chỉ cho họ cách sống làm sao cho thuận với ý chư thần. Kết quả khả quan không ngờ nên số người tìm đến xin tôi hướng dẫn mỗi ngày một nhiều. Chỉ một thời gian ngắn tôi đã kiếm được một lợi tức khá, có thể giúp đỡ gia đình đang lâm vào cảnh túng quẫn. Tuy thành công nhưng tôi vẫn không tin vào tài nghệ của mình bao nhiêu. Nhiều lúc tôi tự hỏi phải chăng các chư thần (Kami) đã nhập vào tôi, mượn miệng tôi để hướng dẫn mọi người hay là một cái gì khác? Nỗi nghi ngờ này ngày một gia tăng khiến tôi cảm thấy áy náy khó chịu. Vào lúc đó, trong những cô đồng, nổi tiếng nhất là bà Yamamoto, một người có nhiều kinh nghiệm và quyền năng lạ lùng nên tôi liên lạc với bà này nhờ giúp đỡ. Bà đồng Yamamoto sống tại Sapporo, trong một căn nhà nhỏ trưng bày rất đẹp. Biết tôi là học trò chân truyền của lão sư nên bà tiếp tôi một cách niềm nở. Bà im lặng nghe tôi bày tỏ nỗi thắc mắc rồi nói một cách nhẹ nhàng:

- Việc gì mà em phải khổ tâm nghi ngờ như vậy? Đúng hay sai, tốt hoặc xấu hãy cứ để cho các thân chủ của em quyết định. Em được huấn luyện để làm một việc thì cứ theo đúng như vậy mà làm, thắc mắc làm gì cho mệt tâm trí!

- Nhưng thưa chị, nhiều lúc em có cảm tưởng như điều em nói không hoàn toàn đúng sự thật.

- Cái đó không phải là việc của em. Đúng hay sai là việc của các thân chủ.

- Nhưng phải chăng chúng ta là nghề này để giúp đỡ mọi người, chỉ cho học thấy rõ cách hành xử làm sao cho đúng với ý muốn của chư thần?

- Đúng thế, nhưng trong thiên nhiên có hàng trăm hàng ngàn vị thần, mỗi vị lại chỉ dẫn một cách khác nhau, làm sao em có thể biết được. Chân lý có thể giải thích bằng nhiều lối, không nhất thiết chỉ có một lối duy nhất. Một khi em đã hoàn toàn thụ động để các thần linh sử dụng thể xác, mượn miệng của em để chỉ dẫn cho mọi người thì đó là việc giữa chư thần và mọi người, em không có trách nhiệm gì trong đó cả.

- Nhưng nếu mình không nói đúng…

- Em đâu có làm chủ được những câu nói đó! Khi thụ động hoàn toàn, em không có một trách nhiệm gì cả. Nếu em không thụ động mà còn có một chút ý chí nào đó thì dĩ nhiên các chư thần sẽ không nhập vào em nữa và khi đó vấn đề sẽ hoàn toàn khác hẳn.

- Nhưng làm sao em biết đâu là ý muốn của chư thần, đâu là ý chí của mình?

- Cái đó là do công phu tu tập. Phải tuyệt đối giữ mình trong sạch, sống đúng theo ý muốn của chư thần và lúc nào cũng ý thức rằng mình chỉ là một công cụ cho một quyền năng cao cả nào đó sử dụng, đừng để bất cứ một thứ gì khác ảnh hưởng đến việc này.

Tôi đàm đạo với bà Yamamoto một lúc rồi xin cáo từ ra về. Tuy bà đã xác nhận rõ trách nhiệm của một người đồng (Miko) nhưng trong tâm tôi vẫn có một cái gì ray rứt không ổn mà tôi không thể nói ra được.

Như đã nói, khi trở về làng nhìn những thửa ruộng khô cằn, những căn nhà mục nát, tôi đã có ý định sẽ khôi phục lại ngôi làng này. Tôi suy nghĩ cẩn thận và thấy việc đầu tiên phải làm là làm sao thay đổi được lòng người đang chán chường, mệt mỏi để họ trở nên hăng hái, phấn chấn hơn. Nhưng làm sao khôi phục được lòng người? Tôi thấy giải pháp tốt nhất là khôi phục lại niềm tin nơi con người qua một công cuộc chung, một kế hoạch chung mà tất cả mọi người đều góp phần xây dựng. 

Cuối làng tôi có hai ngọn suối nhỏ chảy xuống phía dưới tạo thành một thác nước mà dân làng gọi là thác Phu Thê. Ngọn thác này đổ vào sông Ashiribetsu, chạy dọc theo sườn núi rồi đổ vào một cái hồ hình bán nguyệt, chỗ đó gọi là thác Ashiribetsu, giòng sông còn uốn khúc qua một thung lũng nhỏ với nhiều ngọn thác nhỏ trước khi chảy ra biển. Ở cửa biển có một miếu thờ thần Fudo đã đổ nát hoang tàn. Tôi bèn nảy ra ý định lập miếu thờ chư thần ở quanh những ngọn thác đó cũng như trùng tu miếu thờ thần Fudo. Thứ nhất, việc lập miếu thờ sẽ đem lại niềm tin cho dân làng, giúp những người nghèo khó tuyệt vọng tìm được tương lai; việc xây dựng miếu thờ sẽ giúp nhiều người có cơ hội làm việc chung với nhau, góp phần tái tạo tình thân hữu tương trợ. Ý định quyên góp tiền bạc để lập miếu thờ chư thần của tôi đang nhen nhúm trong đầu thì một hôm mẹ tôi đi xem bói để hỏi về tình trạng gia đình. Vị thầy bói đã nói :

- Gia đình bà có một nấm mộ tổ tiên xây đè lên bộ cốt của một con ngựa khiến nó không siêu thoát được nên nó oán. Vì thế ruộng nương của bà không tốt, hoa mầu không thất thu cũng bị sâu bọ phá hoại; nhà cửa của bà có lớn lao đến đâu rồi cũng bị hỏa hoạn tiêu tan hết ; con cái bà dù thế nào cũng không thể ăn nên làm ra như những người khác. Con trai thì phải tha phương cầu thực, con gái thì chịu cảnh làm lẽ hoặc không chồng. Muốn thay đổi, bà phải đi lạc quyên đúng một ngàn người, mỗi người ít nhất một đồng, lấy tiền đó xây đền đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hàng ngày cúng kiếng hương hoa cẩn thận, nhờ oai lực của ngài mà con ngựa kia được siêu thoát. Có như thế thì vận hạn, tai ương của gia đình bà mới chấm dứt được.

Tôi không biết ông thầy bói nói có đúng không nhưng điều này không quan trọng vì nó phù hợp với sở nguyện thầm kín của tôi. Vừa nghe mẹ tôi nói xong, tôi quyết định sẽ thi hành chương trình phục hưng ngôi làng mình. Tôi hội họp những người trong gia tộc để bàn về việc này. Mấy năm nay gia đình nào cũng gặp khó khăn nên nghe nói có giải pháp, ai nấy đều hết sức đồng ý. Thế là một mặt tôi xin phép hội đồng kỳ mục trong làng để lập đền thờ, mặt khác tôi hô hào dân chúng quyên góp công của để xây đền thờ đức Quán Thế Âm trên đỉnh đồi Ganseki gần đó. Như đã nói, làng tôi rất nghèo, chỉ sống nhờ trồng trọt rau trái trong mùa khô; vào mùa mưa vì nạn nước lũ, không mấy ai trồng trọt được gì nên số người thất nghiệp rất đông. Dân làng vì nghèo đói nên sinh ra lắm tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp v.v..

Việc hô hào mọi người góp phần công quả xây nơi thờ phụng đức Quán Thế Âm là một việc hết sức mới mẻ, trọng đại đối với dân làng. Phần lớn đều tin rằng việc xây dựng đền thờ này sẽ đem lại cho họ những may mắn, những phước đức lâu dài, có thể cải thiện đời sống của họ. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, niềm tin dù là niềm tin gì chăng nữa cũng dễ khích lệ số đông nên chỉ cần một người kêu gọi, hàng trăm người đã hưởng ứng, người giàu góp của, kẻ nghèo góp công nên chỉ trong một thời gian ngắn, đền thờ đã hoàn tất. Một pho tượng đức Bồ Tát Quán Thế Âm đứng trên tòa sen được đắp rất đẹp. Bên dưới tòa sen có khắc những câu kinh trong Phổ Môn : « Quán Âm sức trí diệu, hay cứu đời thoát khổ, đầy đủ sức thần thông, rộng tu trí phương tiện, các cõi nước mười phương, không cõi nào chẳng hiện ». Trước cửa đền thờ còn có một bia đá lớn với những câu : « Chúng sinh bị khốn ách, vô lượng khổ bức thân, nhờ sức niệm Quán Âm, liền được tiêu tan cả ».

Đến ngày khánh thành, chúng tôi gửi giấy mời người trong làng và làng mạc kế cận đến tham dự. Dân làng tổ chức lễ dâng hoa rất long trọng, số người kéo đến xem rất đông và sau này thành lệ, hàng năm cứ khoảng tháng tám dương lịch, làng tôi lại mở hội kỷ niệm ngày thành lập này rất lớn. Ngày nay đền thờ đức Quán Thế Âm tại đồi Ganseki là một thắng cảnh nổi tiếng của Hokkaido, quanh năm số người đến lễ bái rất đông, dĩ nhiên họ phải nghỉ chân tại đây nên hàng quán và khách sạn được xây cất, đem lại việc làm cho một số người không ít trong làng.

Sau khi việc xây đền thờ đức Quán Thế Âm thành công, tôi bắt đầu khởi xướng việc xây cất đền thờ chư thần và trùng tu lại miếu thờ thần Fudo. Cũng như lần trước, số người hưởng ứng việc này rất đông. Vì sông Ashiribetsu chảy qua nhiều làng nên việc này lôi kéo dân chúng ba bốn ngôi làng quanh đó cùng chung sức làm việc. Tuy đây là chương trình do tôi vạch ra nhưng tôi đã khôn khéo mời hội đồng kỳ mục của mấy làng cùng đứng ra chủ xướng nên chỉ trong vòng một năm, hai đền thờ đã được hoàn tất tốt đẹp. Tôi mời các giáo sĩ Thần đạo đến làm lễ, tổ chức các khóa tu học và tẩy uế thân tâm bằng nước lạnh (Misogi) tại thác Fudo. Chỉ trong vòng vài năm, số người tham dự các khóa tu này đã lên đến cả ngàn người. Ngày nay nghi thức tẩy uế bằng nước lạnh tại thác Fudo đã trở nên một ngày hội lớn, lôi cuốn rất đông người tham dự. Sự thành công này vô tình đưa tên tuổi tôi lên một địa vị quan trọng. Tôi được quần chúng tín nhiệm như một vị thầy của Thần đạo (Shinto). Tôi hoạt động không ngừng, hết tổ chức các khóa lễ nơi này lại đến các khóa tu tại nơi khác. Số người đến nhờ tôi giúp đỡ ngày càng nhiều, dần dần tôi trở nên tự tin, bạo dạn hơn trước.

Vào lúc đó, sức khỏe của cha tôi đã suy kém nhiều nhưng vì bận rộn công việc nên tôi không có thì giờ chăm sóc cho cha tôi mấy. Mối quan hệ giữa tôi và gia đình càng trở nên lạnh nhạt. Đứa con rể tôi tỏ ra khó chịu và thường chống đối tôi ra mặt nhưng lúc đó tôi nghĩ : Mục đích của cuộc đời là gì nếu không phải để giúp đỡ người khác ? Dĩ nhiên khi làm việc lớn thì gia đình phải chịu hy sinh. Tôi đã phục hồi sinh khí cho ngôi làng nghèo nàn, lập đền thờ, chấn hưng kinh tế, giúp nhiều người tìm được công ăn việc làm, và tôi không thể làm gì khác hơn thế được. Tôi tiếp tục lăn xả vào các hoạt động xã hội, bất chấp một thiểu số người trong đó có con rể tôi, chê trách. Họ đã rêu rao là tôi «háo danh như loài chồn hoang, bất hiếu, bất nghĩa, đáng khinh», nhưng tôi thầm nghĩ: Bất cứ việc gì cũng đều có thử thách; việc càng lớn, thử thách càng nhiều. Khi làm việc lớn, phải biết bỏ qua các tiểu tiết, vấn đề chính là mình có thoải mái với chính mình không mà thôi.

Mặc dù nghĩ như thế nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nhen nhúm một điều gì khắc khoải kỳ lạ không thể diễn tả. Càng ngày nỗi ray rứt này càng gia tăng khiến tôi bắt đầu lo sợ. Ban ngày khi bận công việc, nó ít quấy rầy nhưng về khuya, trong lúc tĩnh tâm, nó là cả một trở ngại lớn cho việc tập trung tư tưởng. Nghĩ rằng mình đã xao lãng công phu, tôi quyết định dậy thật sớm, dành nhiều thì giờ để tĩnh tâm ; ngoài ra tôi còn cố gắng học hỏi thêm các sách vở, tài liệu về Thần đạo. Tôi nghiền ngẫm đủ thứ sách vở không thiếu cuốn nào vì nghĩ rằng cái khoảng trống vắng trong tâm đó chẳng qua chỉ là một thiếu thốn về trí thức mà người ta có thể lấp đầy bằng kiến thức được. Hàng ngày tôi lăn xả vào các hoạt động xã hội, xây trường học, tân trang bệnh xá, tổ chức các khóa tu học cho thanh thiếu niên... Tên tuổi của tôi càng ngày càng được nhiều người biết đến. Tôi được mời đi diễn thuyết về Thần đạo, lúc đầu trong các làng mạc kế cận, về sau ra đến tận tỉnh thành, cuối cùng chẳng có nơi nào tại Hokkaido mà tôi chẳng được mời đến. Nhưng dù hoạt động hăng hái thế nào, trong tâm tôi vẫn có một nỗi trống vắng, một cảm giác thiếu thốn kỳ lạ khiến tôi lo sợ không yên.

Sự khủng hoảng này mỗi ngày một thôi thúc dữ dội, lúc đầu còn ít về sau mỗi lúc một nhiều. Lúc trước nó xảy ra trong lúc tôi tĩnh tâm nhưng về sau nó quấy phá tôi ngay cả những lúc tôi bận rộn làm việc. Sau cùng chịu không nổi, tôi bèn rút vào một am thất trên núi, tập trung tư tưởng để quán sát chính mình. Tôi tập trung định lực tĩnh tâm suốt mấy ngày đêm rồi tự hỏi : «Mình muốn gì bây giờ? Liệu mình đã tìm được điều mình muốn chưa ?» Tuy thành công trong việc tu tập, đã trở nên một cô đồng nổi tiếng, đã phục hồi ngôi làng, đã giúp đỡ nhiều người nhưng tôi vẫn chưa giải quyết được động năng đã thúc đẩy tôi đi tìm đạo. Tôi chưa sống thoải mái được với chính mình. Đây là một khám phá bất ngờ vì tôi vẫn nghĩ mình đã sống thuận theo ý chư thần, đã sống một cách chính tâm, thành ý qua các phương pháp tu thân. Điều này đã được lão sư xác nhận rõ rệt thì lẽ ra tôi phải thoải mái, không thắc mắc mà an vui tự tại kia chứ? Phải chăng còn một điều gì khác nữa mà tôi chưa ý thức được? Tôi cố gắng quán xét mọi tư tưởng, hành động của mình trong thời gian qua. Tôi thấy mình đã áp dụng rất kỹ các phương pháp được lão sư chỉ dạy. Hiển nhiên nếu không như vậy thì làm sao tôi trở nên một cô đồng với các quyền năng đặc biệt được! Nhưng nếu đã sống hợp với lẽ đạo thì tại sao tôi vẫn cảm thấy bứt rứt, khắc khoải không yên? Tự nhiên một ý nghĩ kỳ lạ nổi lên trong trí tôi. Biết đâu lão sư đã chẳng dạy sai? Biết đâu con đường tôi đang theo đuổi không thực sự mang lại cho tôi sự bình an thoải mái như tôi muốn? Tôi cố gắng loại bỏ những ý nghĩ điên rồ này nhưng càng ngày tôi càng thấy con đường này không mang lại cho tôi sự an nhiên thảnh thơi như tôi vẫn nghĩ. Dần dần những giá trị mà tôi xây dựng bao lâu nay bỗng dưng sụp đổ nhanh chóng như một lâu đài trên cát ướt.

Nhờ công phu quán sát, tôi ý thức rằng nằm sâu trong tiềm thức, các tính xấu như tham lam, ích kỷ, sân hận vẫn tiếp tục chi phối tôi. Dù đã trở nên một bậc thầy của Thần đạo nhưng lòng tôi vẫn đầy rẫy những thắc mắc, hoài nghi dưới những hình thức tế nhị nhất. Dù đã tiên đoán được nhiều điều hung cát, dù đã biết được quá khứ vị lai của người khác nhưng tôi vẫn chưa thực sự biết gì về mình. Đối với mọi người, tôi là kẻ sáng suốt nhưng với chính mình, tôi vẫn chưa biết rõ mình như thế nào. Càng quán sát sâu xa tôi càng thấy rõ một sự thực rằng điều mà tôi mong muốn không phải là trở nên một cô đồng với các quyền năng đặc biệt mà là một cái gì khác. Tôi có cảm tưởng như mình bị cột vào một sợi dây dài, cứ chạy quanh quẩn trong phạm vi của sợi dây đó, tưởng mình tự do nhưng thực sự không phải. Tôi đã đi theo hết môn phái này đến môn phái khác, học hết lý thuyết này đến lý thuyết kia, theo hết thầy này đến thầy nọ, nhưng tôi vẫn chưa tìm được điều tôi muốn.

Cho đến lúc đó, danh từ « giải thoát », « tự do tuyệt đối » mới bắt đầu có ý nghĩa đối với tôi. Sống thuận theo ý chư thần, đặt tất cả vận mệnh vào vòng tay của chư thần là một quan niệm không rõ rệt của Thần đạo; nó khiến con người trở nên thụ động, nhu nhược và mù quáng. Thực hành các nghi thức cúng tế, áp dụng các quy tắc tĩnh tâm cũng chỉ đem lại những giải pháp nhất thời, xoa dịu các nỗi đau khổ, ưu tư trong chốc lát nhưng không chữa được gốc rễ căn bệnh. «Chính tâm, thành ý» (Makoto, Kokoro) là một lý thuyết rất hay nhưng người ta phải áp dụng như thế nào mới đúng ? Hiển nhiên mỗi vị thầy có một lối giải thích khác nhau, ai cũng cho mình đúng, và đến lúc đó tôi mới bắt đầu đặt câu hỏi về công phu tu tập của các vị thầy đó. Liệu họ đã thực sự đạt đến tâm trạng thoải mái, an nhiên bất động đó chưa ? Bề ngoài họ có tác phong của một vị thầy, ăn nói giảng giải như một vị thầy nhưng bên trong họ như thế nào? Ngay như tôi vẫn được quần chúng tín nhiệm như một vị thầy nhưng đã mấy ai biết rõ được lòng tôi bối rối hoang mang như thế nào đâu? Phải chăng đó chỉ là một «trò chơi» của trí thức? Một cuộc «thí nghiệm về tôn giáo» của những người được coi là học giả? Một sự dối gạt trắng trợn chính mình ?

Sau khi suy gẫm kỹ lưỡng, tôi quyết định: nếu con đường này không mang lại cho tôi sự thoải mái thì tôi phải thay đổi và tìm kiếm lại từ đầu. Dĩ nhiên việc này không dễ. Tôi đang là vị thầy về Thần đạo, đang được mọi người kính nể, đang là một cô đồng nổi tiếng tại Hokkaido, nếu từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu thì người ta sẽ nghĩ như thế nào? Tôi có thể tưởng tượng ra lời đàm tiếu của dân làng, những người từ trước đến nay không thích tôi, hiển nhiên họ sẽ vô cùng thỏa thích. Tôi nghĩ đến đứa con rể tôi, nó vẫn khó chịu với tôi và thường nói với mọi người rằng tôi chỉ là một «loài chồn hoang», một thứ «đồng bóng ăn nói quàng xiên», một người «lạnh lùng, ích kỷ, không có tình cảm», có lẽ nó cũng có lý phần nào. Càng suy gẫm, tôi lại càng không chịu nổi. Những nỗi khổ đau dằn vặt từ xưa vẫn nằm yên trong đáy lòng nay lại nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bất ngờ tôi ý thức được một sự thật rằng cái động năng đã thúc đẩy tôi làm tất cả những việc trên chẳng qua chỉ là một hình thức hết sức tế nhị của bản ngã. Tôi nghĩ rằng mình đã diệt được nó nhưng thực ra nó vẫn tiềm ẩn dưới một hình thức vi tế không ngờ. Cái công phu tu tập để diệt ngã, cái ý định quên mình tuyệt đối để vâng lời một quyền năng nào đó, đã không đánh tan được bản ngã mà chính là một hình thức che đậy của bản ngã, một thứ ngụy trang khéo léo của bản ngã dưới các danh xưng tốt đẹp. Rốt cuộc tôi vẫn bị bản ngã đánh lừa. Như được một tia sáng rọi vào tâm trạng hoang mang u tối, tôi nhận thấy người ta không thể đi tìm một lối thoát bằng các phương pháp tẩy uế tâm hay các hình thức bên ngoài được; vấn đề là ở bên trong nên người ta cần tìm một phương pháp tu tập nội quán hòng giải quyết những khắc khoải để đời sống không còn là một sự tranh đấu, mâu thuẫn nữa. Mọi sự áp chế nhằm kiểm soát thân tâm cũng như sở hữu một quyền năng nào đó chỉ là những giải pháp tạm thời, theo thời gian nó sẽ là những chướng ngại nhiều hơn là cứu cánh. Ý thức được điều này, tôi quyết định chấm dứt ngay việc hành nghề cô đồng, từ chối lời mời gọi của quần chúng và cắt đứt mối liên hệ với Thần đạo. Tôi tự nhủ đã đến lúc mình phải đi tìm một con đường khác, một con đường có thể giúp tôi chấm dứt cái tình trạng dằn vặt đầy đau khổ này.

Trong lúc đang tuyệt vọng, tôi được biết Hòa thượng Tomomatsu Entai vừa mở khóa tu học và giảng Kinh Pháp Cú (Dhammapala) tại chùa Kandadera. Tôi vội vã đáp xe lửa đi ngay đến đó với hy vọng sẽ tìm được lối thoát cho tình trạng hiện tại. Đó là một ngôi chùa mới được xây cất, kiến trúc rất đẹp. Trước chùa có một hồ sen lớn, hương thơm ngào ngạt. Muốn vào chùa phải đi qua một cây cầu uốn cong rất thẩm mỹ. Nghe tiếng gõ cửa, một vị tăng trẻ tuổi bước ra :

- Bà muốn gì?

- Tôi muốn ghi tên tham dự khóa tu của Hòa thượng Tomomatsu Entai.

- Sau các khóa lễ công cộng Hòa thượng thường thuyết pháp, đâu cần phải ghi tên.

- Không đâu, nghe nói Hòa thượng Entai mở khóa tu trong ba ngày, tôi muốn ghi tên vào khóa tu đó.

Vị tăng trẻ nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lắc đầu cười lớn :

- Này bà nội ơi, khóa tu chỉ dành cho những người trẻ thôi.

- Tôi không cần, trẻ hay già gì cũng được, tôi chỉ muốn tham dự khóa tu.

- Đâu được, đây là khóa tu học dành cho những người trẻ mà.

- Nhưng tôi muốn ghi tên tham dự.

- Bà già này lộn xộn quá! Những người như bà chỉ nên theo các khóa lễ và tụng kinh gõ mõ thôi. Làm sao bà có thể theo các khóa tu dành cho giới trẻ được! Bà biết gì mà tham dự! Ngoài ra đài truyền hình địa phương sẽ đến thu hình, một bà già gần xuống lỗ ngồi chung với tụi trẻ làm sao mà coi cho được !

- Đâu có sao, chú làm ơn giúp giùm.

- Không!

Chú tiểu đóng sập cánh cửa lại một cách tàn nhẫn. Tôi thất vọng bước ra về, bất chợt thấy bóng mình phản chiếu trên mặt hồ và bàng hoàng trước hình hài quá tiều tụy của mình. Hai tháng ẩn mình trong am thất trên núi để quán xét nội tâm đã biến tôi thành một con người khác. Dưới bóng nước phản chiếu lung linh, tôi thấy một người gầy gò, hai mắt quầng sâu, má hóp lại, mặt đầy những vết nhăn, lưng còng hẳn xuống, quần áo rách rưới như một bó giẻ. Dĩ nhiên hình ảnh một bà già hom hem như vậy không thể thích hợp với khóa tu dành cho những người trẻ tuổi được. Nước mắt tôi tự nhiên trào ra, tôi đã già đến vậy hay sao? Tôi khóc và khóc mãi không thôi, tôi tiếc cho thời gian mấy chục năm lang thang tìm đạo một cách vô ích của mình.

Lúc đó cha tôi đã già yếu lắm rồi. Ông thường nằm yên trên giường, hai mắt nhắm nghiền, thỉnh thoảng lại thở dài não nuột. Họ hàng thân thích đều xì xào rằng ông buồn và thất vọng vì có một đứa con bất hiếu không ra gì như tôi. Tôi không thể phủ nhận điều này. Một buổi sáng mùa đông, khí sắc của cha tôi bỗng trở nên tiều tụy thấy rõ, linh tính báo cho tôi biết một sự chẳng lành. Tôi bước lại ngồi bên cạnh ông. Nghe tiếng động, cha tôi mở mắt nhìn tôi và hỏi:

- Này Matsuno, hoa anh đào trên núi đã nở chưa?

- Thưa cha, hôm qua trời mưa tuyết, bông tuyết bám đầy những cành cây như những bông hoa thật đẹp.

- Không đâu, ta muốn hỏi những bông hoa anh đào kìa!

Tôi im lặng không biết phải nói gì. Cha tôi nhìn tôi rồi cố gắng thều thào :

- Này Matsuno, đôi khi có những bông hoa quên cả thời tiết nên không chịu nở, nhưng nếu hoa không chịu nở thì làm sao có trái... Thôi, sự thể đã như thế thì đành vậy...

Nói xong, cha tôi nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng. Tôi hiểu rõ điều ông muốn nói, cho đến khi chết ông vẫn nghĩ đến tôi. (Ghi chú : Truyền thống Nhật khi đó cho rằng người phụ nữ như một bông hoa phải nảy nở và kết trái; nói một cách khác, phải lập gia đình, thờ chồng và nuôi con, giữ gìn truyền thống thờ cúng tổ tiên. Việc một phụ nữ không có gia đình là một điều đáng xấu hổ). 

Sau khi chôn cất cha tôi xong, tôi dọn dẹp lại căn phòng của ông và bắt gặp chiếc áo nâu cũ đã sờn vai. Chiếc áo này nhắc nhở cho tôi một kỷ niệm thời thơ ấu. Đó là một ngày đẹp trời, cha mẹ tôi vừa đi ăn giỗ về, lúc đó tôi còn nhỏ nên cha tôi cõng tôi trên vai. Ngồi ngất ngưởng trên vai ông, nghe tiếng ông vui vẻ nói chuyện, thỉnh thoảng lại bật lên một tràng cười sảng khoái, đáng lẽ ra tôi phải cảm thấy thoải mái, hạnh phúc lắm mới phải. Không hiểu sao lúc đó tôi lại có cảm giác cô đơn kỳ lạ, một cảm giác như mình đang sống trong một thế giới nào khác, tách biệt hẳn với cái thế giới ấm áp, đầy tình thương yêu nồng nàn kia. Tại sao ngay từ khi còn nhỏ tôi đã có những ý nghĩ lạ lùng như vậy ? Phải chăng đó là số phận của tôi? Phải chăng đó là định mạng, một thứ định mạng khắt khe nào đó? Tôi có cảm tưởng như mọi người đều là những cây có cành, có rễ, bám chắc vào lòng đất nhưng riêng tôi lại là một thứ bèo bọt, nổi trôi trên sóng nước, mặc cho dòng đời lôi cuốn xô đẩy. Không thể được, tôi phải tìm cách bám chặt vào đâu đó, ít ra tôi cũng cần một hy vọng nào đó để sống còn. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/05/2021(Xem: 21102)
Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung, Tổ thứ 34 của Thiền Phái Lâm Tế, đến Việt Nam truyền giáo vào cuối thế kỷ 17, đệ tử nối pháp của Ngài là Thiền Sư Thiệt Diệu Liễu Quán, Sơ Tổ của Phái Lâm Tế Liễu Quán tại Việt Nam. Thời Pháp Thoại thứ 240 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 29/05/2021 (18/04/Tân Sửu) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ “Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ? (Muôn pháp về một, một về chỗ nào?) “ (Câu Thoại Đầu của Thiền Sư Minh Hoằng Tử Dung trao cho đệ tử Thiệt Diệu Liễu Quán tham cứu trong 8 năm ròng rã) 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼🌺🍀💐🌼 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼🌺🍀💐🌼 Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thí
03/05/2021(Xem: 4510)
Sư Giác Phổ định lấy vé cho tại hạ về Huế, nhưng ông bạn “nhong nhong”, buộc phải lên Daklak đi xe với anh em, đâu được ưu tiên biệt đãi thế! 6g chiều vừa xuống sân bay, sư đã đón tại sảnh; Tịnh xá Ngọc Quang lẳng lặng trong màn đêm; đại hồng chung tiễn nhân sinh vào cõi mộng.Bận rộn bao việc để chuẩn bị mai lên đường, thế mà đích thân sư bê lên ly bột.
14/04/2021(Xem: 10636)
Đã hơn 45 năm kể từ 1975, nhắc lại chuyện vượt biên quả là xưa như trái đất, xưa quá rồi diễm, nhiều người chẳng muốn nghe, đôi khi còn trách, chuyện qua rồi hãy cho vào dĩ vãng nhắc lại làm gì cho thêm buồn, “quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy nghĩ và sống với hiện tại”. Thế nhưng đâu ai hiểu cho rằng, hiện tại của tôi bây giờ chính là phải viết bài cho ngày 30/4 để đăng báo, mà 30/4 vấn đề tuy cũ kỹ nhưng muôn thuở vẫn luôn có giá trị vì đó là lịch sử và chuyện vượt biên cũng đóng góp trong phần lịch sử đó. Luẩn quẩn là như thế. Và biết đâu, giữa khi mọi người đã quên thì tôi nhắc lại cho mọi người nhớ, và biết đâu giúp các thế hệ sinh sau đẻ muộn hiểu chút ít về lịch sử nước nhà trong giai đoạn đau thương của đất nước, thống nhất lãnh thổ nhưng không thống nhất lòng người đã để lại hận thù, chia cách không biết khi nào mới hàn gắn được và là nguyên nhân tại sao cha mẹ ông bà chúng lại lưu lạc xứ người và ra đi làm sao. Cây có cội, nước có nguồn, là con người ai cũng muốn biết c
03/02/2021(Xem: 4114)
Sinh ra tại Edinburgh (Scotland) nhưng Scott Neeson đã chuyển tới Australia định cư khi mới 5 tuổi. Ông là con trai của một lao công và một quân nhân. Năm 17 tuổi, Scott quyết định bỏ học và sống dựa vào tiền trợ cấp thất nghiệp. Nhờ chương trình hỗ trợ của chính phủ, ông được nhận vào vào một rạp chiếu phim là nhân viên kỹ thuật phòng chiếu. Câu chuyện nhẽ ra sẽ kết thúc tại đây nếu không phải Scott là người khá tham vọng và tràn đầy nhiệt huyết. Người đàn ông này kiên trì leo lên từng bậc thang trong ngành điện ảnh, từ một nhân viên phát hành phim đến nhân viên kinh doanh phim. Cuối cùng, mọi công sức của Scott cũng được đền đáp khi ông được bổ nhiệm là Giám đốc Chi nhánh Australia của hãng 20th Century Fox (nay là 20th Century Studios thuộc Disney).
30/01/2021(Xem: 6065)
Thời gian gần đây có khá nhiều nhà văn quay về với đề tài lịch sử. Sự đi sâu vào nghiên cứu cùng những trang viết ấy, họ đã tái hiện lại một triều đại, hay một giai đoạn lịch sử với góc độ, cái nhìn của riêng mình. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng thành công với đề tài này. Gần đây ta có thể thấy, Hoàng Quốc Hải với hai bộ tiểu thuyết: Tám triều nhà Lý, và Bão táp triều Trần, hay Hồ Qúy Ly của Nguyễn Xuân Khánh…Và cách nay mấy năm, nhân kỷ niệm lần thứ 40, ngày thành lập Báo Viên Giác (Đức quốc) Hòa thượng Thích Như Điển đã trình làng cuốn tiểu thuyết lịch sử: Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa. Thật ra, đây là cuốn (tiểu thuyết) phân tích, lời bàn về lịch sử thì chính xác hơn.
28/01/2021(Xem: 7205)
Hòa thượng họ Hồ, húy Đắc Kế, Pháp danh Nguyên Công, tự Đức Niệm, bút hiệu Thiền Đức, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ bốn mươi bốn, sinh năm Đinh Sửu (1937) tại làng Thanh Lương, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận, nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nhờ túc duyên tiền kiếp, nên mặc dù không ai khích lệ thúc đẩy, Ngài vẫn một mình cố công tìm đường hướng về với đạo lý giác ngộ. Khởi đầu, Ngài xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Minh Đạo tại chùa Long Quang, Phan Rí năm 13 tuổi. Sau đó, trên đường tầm sư học đạo, Ngài cầu học với Hòa thượng Trí Thắng chùa Thiên Hưng và Hòa Thượng Viện chủ chùa Trùng Khánh ở Phan Rang, Hòa Thượng Thiện Hòa ở chùa Ấn Quang, Sàigòn, và Hòa Thượng Trí Thủ ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang. Vào năm 1962, Ngài tốt nghiệp Cao Đẳng Phật giáo tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang Sàigòn. Song song với Phật học, Ngài cũng c
27/01/2021(Xem: 14627)
Đức Đa Bảo Như Lai 🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Sáu, 17/07/2020 (26/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. 26/ ĐỨC ĐA BẢO NHƯ LAI Nhất thiết vô niết bàn Vô hữu niết bàn Phật Vô hữu Phật niết bàn Viễn ly giác sở giác Nhược hữu nhược vô hữu Thị nhị tắc câu ly. Nhất tâm đảnh lễ Quá khứ cửu viễn thành Phật Đa Bảo Như Lai. (1 lạy) Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
25/01/2021(Xem: 28157)
Đức Phật Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na 🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học bài kệ thứ 23, đảnh lễ Đức Phật Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na, trong Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bả Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Ba, 14/07/2020 (24/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. 23/ĐỨC PHẬT PHÁP THÂN TỲ LÔ GIÁ NA Chơn tánh hữu vi không Duyên sanh cố như huyễn Vô vi, vô khởi diệt Bất thật như không hoa. Nhất tâm đảnh lễ Thường tịch quang độ thanh tịnh diệu pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật. Nơi thể tánh chân như, Pháp hữu vi không thật, Duyên sinh, nên như huyễn; Vô vi không sinh diệt, Cũng không phải thật pháp, Như hoa đốm hư không. Một lòng kính lạy đức Phật Tì Lô Giá Na, Pháp Thân thanh tịnh nhiệm mầu, cõi Thường-tịch-quang. (1 lạy) Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thí
20/01/2021(Xem: 7360)
Bồ Tát Hộ Minh khi ở trên cung trời Đâu Suất, đã quan sát thấy nơi dục giới cõi Ta bà, nhất là nơi Ấn Độ với rất nhiều mối Đạo, phân chia giai cấp trầm trọng, để hòng nô dịch, bóc lột và cai trị người dân, họ chạy theo Ngũ Dục (Tài, sắc, danh, ăn, ngủ) khiến con người bị thiêu đốt bởi lục dục thất tình tiêu cực của chính bản thân mình. Vì vậy, lòng bi mẫn vô lượng thúc giục Bồ Tát Hộ Minh đản sinh vào hoàng tộc Tịnh Phạn vương (trở thành Thái Tử Tất Đạt Đa). Với cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, nhưng rồi cũng vì lòng Từ bi khi thấy, biết được “sanh. già, bệnh, chết” đang hoành hành gây khổ đau cho thế gian này, nhưng chưa ai giải cứu được, cả vua cha cũng đành bất lực. Ngài đành giả từ hoàng cung, để vào rừng sâu “tìm chân lý”. Mục đích đặc biệt là để “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” tức là “Mở bày cho mọi người sáng tỏ được tri kiến Phật”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]