Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Nhất tự vi sư

05/09/201103:08(Xem: 3767)
23. Nhất tự vi sư

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG
Huệ Trân 2008

Nhất tự vi sư

“Nhất tự vi sư. Bán tự vi sư”. Ai từng cắp sách đi học, dù có học chữ Hán hay không, thế nào cũng từng được một lần nghe câu đó. “Một chữ cũng là thầy. Nửa chữ cũng là thầy”, ý nói, người dạy ta, dù ít dù nhiều, ta đều phải tôn kính là thầy.

Thuở xưa, khi còn là thời của những cụ đồ nho, trao truyền chữ Hán cho học trò, thầy thường nghiêm minh lắm! Với lứa học trò nhỏ, lớp học không thể thiếu cái roi mây để răn đe những trò lười biếng. Với lớp tuổi lớn hơn chút thì cái roi mây dùng để đập mạnh xuống sàn, cùng với tiếng quát “Ra kia, quỳ xuống!” khi trò không thuộc bài! Thầy càng nghiêm khắc thì trò càng mau tiến bộ, và cha mẹ học trò thường thành tâm, khúm núm ôm trái dưa to nhất giàn, bó rau tươi nhất vườn, củ khoai ngọt nhất luống, mà họ chăm sóc, chờ ngày mang biếu thầy để tỏ lòng biết ơn.

Thời đó đã xa, ơn nghĩa và tình thầy trò nay đã khác, do môi trường và hoàn cảnh nên hình thức biểu lộ cũng khác theo.

Ấy thế mà trong thời gian an cư kiết đông ở Làng Mai, chúng tôi được sống lại với tình thầy trò xa xưa ấy.

Một, trong ba vị ni sư được mời từ Việt Nam sang dự Đại Giới Đàn là sư thầy Đàm Nguyện đã tình nguyện dạy chữ Hán cho những ai muốn học. Thời khóa của chúng tôi đã dầy kín nên muốn dự lớp này, chúng tôi phải thu xếp để có mấy tiếng đồng hồ vào sáng thứ hai, tức là ngày-làm-biếng, và buổi chiều thứ năm, sau khi hoàn tất ngày-quán-niệm.

Thầy đã sẵn sàng dạy, lý nào trò lại chưa sẵn sàng học. Lớp học này, cả thầy lẫn trò đều tự nguyện nên thoải mái lắm!

Địa điểm thầy trò cùng đồng ý là thiền đường Mây Thong Dong, ở trên lầu, xa khu nhà ăn, nhà bếp nên rất yên tĩnh.

Buổi học đầu có khoảng hơn hai mươi sư cô, như sư cô Trình Nghiêm, Nhẫn Nghiêm, Khiết Nghiêm, Trang Nghiêm, Thượng Nghiêm, Tạng Nghiêm, Hành Nghiêm, Hướng Nghiêm, Duệ Nghiêm, Huệ Hạnh, Liên Thanh v.v… Chúng tôi trải bồ đoàn, ngồi ngay ngắn, ôm tập, bút rồi nhìn nhau. Học chữ Hán, chắc chắn phải học viết nữa, không có bàn, làm sao viết? Chữ Việt còn viết thảo, viết ngoáy được chứ chữ Hán chưa biết đâu vào đâu mà viết ngoáy, chỉ thiếu hay sai một nét là sai hẳn nghĩa, nhiều hy vọng ăn roi mây ngay!

Vấn đề bảng thì dễ hơn vì chúng tôi có thể xử dụng cái bảng nhỏ, vẫn dùng để ghi những thông báo sinh hoạt. Cái bút để Sư Thầy viết bài cũng là loại bút mực dùng cho loại bảng đó. Nghĩa là lớp chữ Hán tùy cơ ứng biến, có gì xài nấy! Tội nghiệp Sư Thầy, khi viết bài cho trò, thầy gần như phải quỳ xuống vì cái bảng chỉ có thể kê trên hai cái ghế, chứ kê cao hơn cho vừa tầm người đứng thì không an toàn.

Buổi đầu tiên, tôi tưởng sẽ được học câu “Nhân tri sơ là sờ tí mẹ. Tính bản thiện là miệng muốn ăn”, nhưng không phải! Bài đầu tiên là học đọc và viết từ một đến mười, rồi sẽ suy ra từ mười một đến mười chín, rồi từ hai mươi đến chín mươi chín, rồi một trăm, một ngàn, một vạn, một ức …

Học trò phấn khởi lắm, vì cảm thấy tương đối dễ. Nhất là một, nhị là hai, tam là ba, thập nhất là mười một, thập nhị là mười hai, nhị thập là hai mươi, tam thập là ba mươi, cửu thập là chín mươi….

Khi Sư Thầy viết xong bài lên bảng, thầy phán:

- Cần cái thước dài.

Chúng tôi nhìn nhau, trong mắt ai cũng có hình bóng cái roi mây. Sợ quá! Có lẽ, cũng tâm trạng này nên sư cô Trình Nghiêm chạy quanh một lúc rồi mang về một cái que… ngắn ngủn! Sư Thầy bảo:

- Không được! Phải dài hơn mới chỉ từng chữ cho mà đọc được.

À, ra thế, cái thước dài để chỉ chữ cho đọc chứ không phải để đánh cho đau. Yên tâm thế rồi, sư cô Liên Thanh nhanh nhẹn đứng dậy, tìm ra ngay một cái thước dài, không khó khăn gì!

Sư Thầy chỉ thước vào từng chữ, trò đọc theo thầy, vang vang thiền đường Mây Thong Dong. Lúc đó, nếu có đám mây nào bay ngang, chắc mây cũng cảm thấy hào hứng mà đọc theo.

Khi bắt đầu chép bài trên bảng vào tập riêng, chúng tôi giải quyết vấn đề bàn viết bằng cách quỳ nửa người trên sàn để cái sàn trở thành cái bàn thì mới viết được. Khi nhìn chúng tôi hý hoáy, bặm môi, trợn mắt viết trong tư thế như vậy, chắc Sư Thầy buồn cười và cảm động lắm!

Đang viết ngon lành được nửa bài thì tôi bỗng có cảm tưởng cái lưng tôi đang được sư cô ngồi sau biến chế thành… cái bàn! Ối trời ơi, thật là một sáng kiến độc đáo.

- Thì đằng nào sư cô cũng đang nằm bò rồi, cái lưng để uổng làm chi, trở thành cái bàn có ích lợi hơn không?

Nghe hữu lý như thế, cái lưng nào phía trước mà từ chối thì thật là… vô lý! Nên dãy lưng của học trò hàng đầu, lập tức thành bàn viết của học trò hàng thứ hai; và dãy lưng hàng thứ hai trở thành bàn viết của học trò hàng thứ ba. Chỉ học trò ngồi hàng đầu là phải… hy sinh thôi! Tôi ở trong đoàn người dũng cảm hy sinh này vì đôi mắt đã mơ huyền (mờ), luôn ngồi phía trước để nhìn cho rõ chữ.

Rất tiếc, chúng tôi không mang máy hình lên lớp học, chứ không thì thầy Pháp Liệu thế nào cũng có hình ảnh độc đáo này cho Lá Thư Làng Mai.

Buổi học đầu, tương đối chữ không rắc rối lắm, vậy mà cũng có lúc thầy chỉ chữ nọ, chúng tôi xướng chữ kia! Đọc sai mà còn cười ầm lên! Sư Thầy bèn cảnh cáo:

- Hôm nay là buổi đầu tiên, cho cười. Từ buổi học sau là phải hết sức nghiêm túc, có nghiêm, chữ mới vào.

Quả thật, chúng tôi thuộc loại “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Nghe thầy răn thế thì dạ dạ, vâng vâng nhưng buổi học sau, chữ và nghĩa đều khó hơn, tha hồ mà lộn chữ nọ ra chữ kia, mà đã đọc sai thì tự cảm thấy buồn cười lắm, không thể nào nín được! (Những lúc đó, chắc sư cô Liên Thanh thầm hối hận, sao lại tìm cây thước dài và to vậy? Nếu phải ăn đòn, chắc cũng thấm thía đây!)

Chúng tôi tưởng lớp học tình nguyện thì cứ tùy duyên, học được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi, nhưng với kinh nghiệm từng giảng dạy, Sư Thầy khuyên là phải tự nghiêm túc với mình, đừng nghĩ đây là môn phụ thì mới cố gắng và quyết tâm học. Đằng nào cũng bỏ những thời giờ hiếm hoi để lên đây, chớ lơ là mà uổng phí.

Sư Thầy rất thương yêu mà nhắc nhở như thế nhưng môn học này quá mới mẻ đối với đa số chúng tôi nên tự nhủ cách mấy cũng không thể không cười khi Sư Thầy chỉ chữ Hoàn là Viên mà trò lại xướng Cửu là Lâu; hoặc Chỉ là Chưng lại trả lời thành Phạp là Thiếu! Rồi còn phải tập viết, thầy viết mẫu cho hai giòng vào tập của mỗi người, phải tập viết đầy trang, những chữ ấy và nộp vào buổi học sau để thầy cho điểm. Trong lớp, sư cô Chân Trang Nghiêm được điểm cao nhất là 6 điểm. Tôi cũng được Sư Thầy cho 6 điểm nhưng suy nghĩ lại, thầy bảo “Đưa tập đây” rồi thầy vừa sửa số 6 thành số 5, vừa nói “Chưa được, 5 điểm thôi!” Cũng có sư cô nộp bài, thầy bảo “Viết xấu quá, không có điểm! Về viết lại đi, tuần sau nộp!”. Tôi không dám điểm danh những sư cô nào không có điểm, sợ mai kia mốt nọ gặp lại nhau, các sư cô sẽ trách “Ai hỏi mà khai kỹ vậy?” (Hi! Hi! Hi! Cái tật hay đùa của con, các sư cô Xóm Mới biết rồi mà!)

Chỉ qua mấy buổi học, chúng tôi đã được Sư Thầy dạy cho biết đại cương một số chữ căn bản ở Bộ Nhất, Bộ Cổn, Bộ Chủ, Bộ Phiệt, Bộ Ất, Bộ Quyết, Bộ Nhị, Bộ Đầu, Bộ Nhân, Bộ Nhập, Bộ Bát. Mỗi buổi học mỗi khó hơn và chúng tôi phải tranh thủ thêm nhiều thì giờ hơn để học bài và tập viết. Hình thức trả bài cũng… đau tim lắm! Sư Thầy gọi đích danh từng trò lên bảng, đọc nghĩa bằng tiếng Hán và tiếng Việt bài học hôm trước xong, viết chữ lên bảng rồi tự cầm thước, chỉ chữ tới đâu, đọc tới đó! Có khi viết được chữ đúng thì lại đọc sai, hoặc ngược lại! Chúng tôi cố gắng “Leo đồi thế kỷ” (danh từ của Sư Ông Làng Mai) cho đến thời gian các sư cô bắt đầu phải chuẩn bị cho những ngày Lễ, Tết như Lễ giáng sinh, Tết dương lịch, Tết âm lịch, thì chúng tôi đành thưa với thầy xin… xuống đồi vì nhiều sư cô không thể tìm đâu ra thì giờ để học bài nữa! Riêng tôi, không tham gia một tiết mục văn nghệ nào trong các ngày lễ ấy (vì biết gì đâu mà tham gia), tiếc rẻ lớp học, nên ôm tập tới trước phòng Sư Thầy, rụt rè gõ cửa để… xin chữ. Sư Thầy hoan hỷ lắm, mở rộng cửa, bảo:

- Sư cô Huệ Trân hả? Vào đây, nào, muốn gì đây?

- Thưa Sư Thầy, xin Sư Thầy cho con thêm ít chữ để con tự học. Con không phải tập văn nghệ nên con cũng có chút thì giờ học tiếp. Nhưng mà, Sư Thầy có bận không?

Sư Thầy cười rất tươi và rất từ bi:

- Tôi mà bận gì! tới đây được Sư Ông nuôi ngày ba bữa, có phải làm gì đâu!

Tất nhiên, Sư Thầy nói thế cho vui chứ sự hiện diện của quý ni sư nơi đây là những bài-pháp-sống cho hàng hậu học, vô giá và vô hạn.

Có lẽ vị thầy nào gặp đứa học trò muốn học cũng hết lòng nâng đỡ. Tôi là đứa học trò dở, nhưng muốn học nên trong cuốn tập mầu xanh mua ở quán sách Xóm Mới đã được Sư Thầy viết đầy kín gần mười trang, chữ Hán bằng mực đỏ, nghĩa Hán Việt bằng mực xanh cho dễ thấy.

Khi tới nhận lại tập, tôi hoa cả mắt, không biết bao giờ mới thuộc nổi ngần này chữ! Vậy mà, sau khi nhận tách trà, Sư Thầy thản nhiên phán rằng:

- Về học đi, rồi hôm nào sang đây trả bài nhé!

Tôi nghe tiếng “Dạ” của mình như có nắm sỏi nhỏ, lăn lạo xạo trong cuống họng. Để trốn trả bài chữ Hán, chắc phải chạy sang Tầu mất thôi!

Ngày tạm biệt Sư Thầy, về lại Hoa Kỳ, tôi quỳ xuống, toan đảnh lễ tam bái để tỏ lòng biết ơn, nhưng Sư Thầy và ni sư Từ Nhu quyết liệt ngăn lại. Nhị vị cùng bảo, đừng làm thế, có nhớ tới các vị thì cố gắng tu học, đừng tưởng đời người trăm năm mà chỉ là chớp mắt thôi. Không bỏ phí phút giây nào, chính là trả ơn Thầy, Tổ đó.

“Nhất tự vi sư. Bán tự vi sư”, huống chi con đã nhận được cả một trời thương yêu mà ngàn trang sách cũng không ghi xuống hết, vì chữ nghĩa, dù bao nhiêu cũng vẫn còn giới hạn. Tình thương và lòng từ bi theo tinh thần Phật dạy mới vượt mọi biên cương để dẫn dắt chúng sanh đến bờ Giác Ngộ.

(Cốc Thảnh Thơi – Tháng Ba 2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2023(Xem: 3909)
Thưa các bạn, câu chuyện tôi muốn kể sau đây về sức vươn lên của cậu bé chăn trâu 11 tuổi tên Quảng. Quảng và tôi có một nhân duyên kỳ lạ có lẽ kết từ bao kiếp trước để run rủi kiếp này có những ràng buộc dù muốn hay không đã trở thành con nuôi của tôi. Quảng sinh ra và lớn lên tại núi đồi Yên Bái, vùng sâu và xa, nơi đa số toàn người sắc tộc thiểu số, đêm đêm chỉ có tiếng ếch nhái ểnh ương nỉ non hay khỉ ho cò gáy từ rừng xa vọng lại.
17/12/2022(Xem: 3888)
Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối, con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.
03/12/2022(Xem: 4493)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
21/11/2022(Xem: 5683)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 4361)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
11/11/2022(Xem: 3102)
Bút giả đến Mỹ cũng khá lâu, cách nay cũng trên 40 năm. Đầu tiên tôi sinh hoạt chính thức Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tiểu bang Colorado, thành phố Denver. Được hơn một năm, không chịu đựng với cái lạnh không quen ở đây nên về sinh hoạt với Phật Học Viện Quốc Tế và cũng là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Nghi lễ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, trụ sở là chùa Việt Nam Los Angeles bây giờ. Sau đó, quý thầy lớn : Đức Niệm, Thiện Thanh, Tịnh Hạnh . . . lớp quý thầy ngang lứa như chúng tôi (Tín Nghĩa), Nguyên Đạt, Pháp Châu, Nguyên Trí núi (tức là Hòa thượng Nguyên Trí chùa Bát Nhã bây giờ) và Nguyên Trí già (tức là Hòa thượng Đạo Quang bây giờ). Tôi là Phó Chủ tịch đặc trách Gia đình Phật tử. . . còn quý Trí thức Cư sĩ gồm có : Bác sĩ Tôn Thất Niệm, Dược sĩ Tâm Thường, Đạo hữu Thiện Bửu . . . còn một số nữa, lâu quá chúng tôi không nhớ hết.
02/11/2022(Xem: 19787)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
15/05/2022(Xem: 11208)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật. “Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên “Kinh Pháp Cú” còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy”.
01/05/2022(Xem: 16028)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]