Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Hồ sen và ao rau muống

05/09/201103:08(Xem: 3856)
21. Hồ sen và ao rau muống

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG
Huệ Trân 2008

Hồ sen và ao rau muống

Trong thời khóa của Làng Mai, mỗi tuần có một ngày gọi là ngày-làm-biếng. Thật ra, trong ngày đó, các sư cô thường siêng năng hơn mọi ngày khác, nhưng cái tên gọi dễ thương này chỉ vì ngày đó không có thời khóa cho đại chúng, ai muốn làm gì tùy ý, miễn không đi ra ngoài nội quy, giới luật và giới trường.

Đã quen thức dậy lúc bốn giờ sáng nên dù là ngày-làm-biếng, tôi cũng chẳng thể ngủ thêm. Năm giờ, tôi vẫn ra khỏi phòng. Toàn xóm còn chìm trong tĩnh lặng, kể cả ông mặt trời. Ông mặt trời không chỉ làm biếng một ngày trong tuần mà hình như ông làm biếng suốt mùa đông. Không sao, tôi rất thích thiền hành một mình khi trời còn mờ tối như thế.

Ra khỏi phòng ăn, qua Phật-đường, qua thiền đường Mây Thong Dong, tôi rẽ phải. Tới lối đi trải sỏi, tôi rẽ trái, hướng về Thiền-Đường-Lớn. Dù tôi bước rất nhẹ vẫn làm những viên sỏi thức giấc. Âm thanh lao xao cho tôi biết những viên sỏi đang vui vẻ cất tiếng chào người thức sớm chứ không phải chúng càu nhàu vì mất ngủ. Cám ơn những viên sỏi đẹp đẽ.

Qua Thiền-Đường-Lớn, tôi đi sang phải, vòng qua hồ sen.

Tôi dừng lại nhìn mặt hồ. Không nghe thấy tiếng chào nào của những gương sen đã khô từ mùa sen năm trước nhưng tôi biết chúng còn đó. Khi xuống sinh hoạt ở Xóm Mới, trên đường dẫn chúng thiền hành, thỉnh thoảng Thầy cũng dừng trước hồ sen này. Không biết Thầy thấy gì?

Riêng tôi, dưới ánh sáng ban ngày, tôi nhìn những gương sen khô, cúi đầu trên cọng gầy khẳng khiu như những chứng nhân của lịch sử. Những chứng nhân lặng thinh nhưng vẫn biểu hiện sự hoành tráng rực rỡ cũng như sự điêu tàn khổ lụy của ngày qua; như thềm rêu bên hiên chùa cổ có nói gì đâu, nhưng nhìn những bực đá rêu phong bao mùa mưa nắng đó, khách lãng du nào mà không bùi ngùi, chạnh lòng tưởng tới bao bước chân tiền nhân đã in dấu nơi đây?

Có ai chối bỏ được lịch sử không? Có ai nhìn những gương sen khô hôm nay mà phủ nhận đó chính là những đóa sen ngát thơm mùa trước? Trong một bài pháp thoại ở thiền đường Hội Ngàn Sao, Xóm Hạ, vào ngày-quán-niệm, Thầy nhắc lại sự quán sát bông sen để giảng rộng hơn về sự vượt thoát những nhận thức hạn hẹp, sai lầm. Nhìn bông sen đầu tiên nhô lên khỏi mặt hồ, phải thấy, nó không phải chỉ là một bông sen, mà nó còn là bùn, đất, nước, ánh nắng…. và tất cả mọi chất từ hồ sen. Nhìn bông sen mà thấy cả hồ sen mới thực sự thấy bông sen. Khi nhìn được bông sen chứa đựng cả hồ sen thì hãy quay lại, quán sát cái TA, thấy thực chất không phải ta chỉ sinh ra từ khi lọt lòng mẹ mà TA ĐÃ SẴN từ muôn vàn yếu tố trong vạn hữu, để nhìn ra những ý niệm sai lầm về luân hồi.

Ta không đang luân hồi khắp cõi vì chính ta là khắp cõi.

Bông sen còn chứa đựng cả hồ sen thì cõi Ta-bà cũng chứa đựng mọi cõi khác. Nhìn sâu tự thân năm uẩn để thấy ta chính là mọi cõi thì không còn cõi nào cần vượt thoát nữa!

Chính khi đó, ta đã thoát!
Vì ta không còn nhu yếu vượt thoát nữa!

Đứng một mình bên hồ sen Xóm Mới trong buổi sáng trời còn mờ tối, tôi miên man nhớ lại những lời giảng thâm sâu mà tôi vừa lãnh hội được. Tôi ngước nhìn trời, thở thật sâu. Cả khung trời mênh mông chỉ có một Vì Sao. Vì Sao này ngủ muộn hay thức sớm, nào ai biết! Nhưng một cảm giác rất mạnh vừa dấy lên trong tôi là tôi thấy như Vì Sao đó đang nhìn tôi, mỉm cười. Chẳng phải chỉ cười nhẹ bằng miệng mà còn kín đáo cười bằng mắt nữa! Ồ, hình ảnh này thân quen quá! Ai rứa? Ai rứa hỉ? Tôi nhắm mắt, lắc nhẹ đầu. Khi mở mắt, Vì Sao không còn đó nữa! Vì Sao đã bay về phương trời nào rồi, chỉ còn âm hưởng mơ hồ phảng phất hơi sương:

“Tịnh Tâm sen nở thơm mùi đạo
Tây-Linh khuôn hội chốn môn thiền” (*)

À, thì ra nụ cười kín đáo bằng mắt, tôi tưởng nhìn thấy từ Vì Sao muộn chính là nụ cười của vị ni-sư trụ trì chùa tây Linh ngoài Huế. Ni-sư nhận lời mời qua Làng Mai tham dự Đại Giới Đàn Thanh-Lương-Địa và sau khi Đại Giới Đàn hoàn mãn thì ni sư đã trở về Việt Nam ngay vì bao nhiêu việc từ thiện đang chờ.

Thời gian ni-sư Như Minh ở Làng Mai, tuy rất ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng tôi những dấu ấn đậm nét. Khoảng một tuần trước khi Đại Giới Đàn khai mạc, các sư cô ở Xóm Mới vui mừng dọn dẹp căn phòng ấm cúng dưới lầu thiền đường Mây Thong Dong để đón tiếp ba ni-sư từ Việt Nam sang. Đó là sư-thầy Đàm Nguyện từ Hà-Nội, ni-sư Như Minh và ni-sư Từ Nhu từ Huế. Tôi đoán, có lẽ đây là ba vị ni thượng thủ vì các sư cô Xóm Mới không chỉ bận rộn chưng dọn phòng mà còn sắp đặt các thị giả luân phiên theo hầu quý ni sư trong thời gian ba vị ở đây.

Một vài ngày đầu, khi đến giờ thọ thực, các sư cô thị giả dọn thực phẩm trên bàn dành riêng, trong phòng ăn rồi mới mời quý ni-sư ra dùng bữa. Nhưng sau đó, có lẽ nhận thấy sự trang trọng khách sáo quá nên khi chuông báo giờ ăn, quý ni-sư cũng ra xếp hàng lấy thức ăn như đại chúng. Ai thấy quý ni-sư ra, cũng lùi lại, nhường chỗ nhưng các vị nhẹ nhàng khoác tay, đứng theo tinh thần ai tới trước, đi trước. Tuy nhận được sự thân ái đó nhưng năng lượng Từ Bi và Đạo Hạnh của quý ni-sư tỏa ra quá lớn khiến ai cũng rụt rè, không dám ngồi cùng bàn (mỗi bàn 4 người, hai bàn kê sát là 8 người). May thay, tình trạng xa cách đó không lâu, sau khi chúng tôi được đến phòng thăm quý ni-sư, được gần gũi và chia xẻ đạo tình. Sư thầy Đàm Nguyện người Bắc mà hát bài “Răng Ri Rứa” thiệt là Trung; ni sư Từ Nhu người Trung mà ngọt ngào “Vào cả đây, ngồi đây đi, các em, ngồi gần nhau cho ấm” thiệt là Nam; ni-sư Như Minh người Trung mà làm thơ đủ cả ba miền. Chẳng những ni-sư thuộc thơ mình mà còn thuộc thơ nhiều thi sỹ khác nữa. Trong Bài Tựa cho tập thơ Dấu Ấn Thời Gian của ni-sư, Sư Ông Làng Mai có chia xẻ “Ni-sư làm thơ rất dễ dàng, như lấy vần trong túi áo ra”. Ai ngờ, sau nhân dáng kín đáo, nhu hòa của vị nữ tu còn ẩn dấu cả một kho tàng thi ca đạo vị như thế. Kho tàng đó không chỉ long lanh tài hoa nghệ sỹ mà còn giầu có vì lòng Từ Bi, ngược xuôi trong bùn lầy nước đọng khổ đau.

Ni sư xuất gia từ năm mười bẩy tuổi với sư-bà Thể Quán, là người có trái tim Bồ Tát, phát nguyện xả hết thân tâm vào các công tác xã hội từ thiện. Ni-sư đã nhận được hạt giống đó ngay những ngày đầu xuất gia và tưới tẩm không ngừng trong suốt cuộc hành trình tải đạo giúp đời. Quê nghèo đùm bọc chùa nghèo, chùa nghèo lại đùm bọc dân nghèo. Suốt thời làm Điệu, cảnh bữa cơm bữa cháo hay công phu chiều với cái bụng rỗng là chuyện thường. Nhưng ni-sư chia xẻ là không hề buồn khổ vì nghèo đói mà chỉ buồn khi chứng kiến chúng sanh khổ mà thôi. Ngay khi thấy chuột đói, kiến đói, Cô Điệu nhỏ cũng sớt bớt vài muỗng cơm cho chúng, huống chi thấy người đói khổ! Tâm Từ Bi có hay không là thể hiện tự nhiên từ những việc rất nhỏ “Anh tu cho bạc tóc mai. Sao bằng em lượm cái gai giữa đường!” Thấy cái gai giữa đường, người có tâm từ bi sẽ tự động cúi nhặt để người sau, lỡ không thấy mà dẫm vào thì khổ! Chứ tu tới bạc tóc mà chỉ cầu giải thoát cho mình, e rằng chưa đi đúng đường Phật dạy!

Ngôi chùa nhỏ giữa làng quê nghèo chỉ có mẫu đất trồng các loại rau cải, bầu bí và một ao thả rau muống là những hoa mầu có thể đổi ra gạo muối nên Cô Điệu nhỏ phải tận dụng sự thông minh khi làm việc. Chẳng hạn, tới ngày hái rau muống, thay vì cứ thong thả hái, thong thả cột thành từng bó rồi thuê một chuyến xe ba bánh chở ra chợ thì Cô Điệu đã thức dậy khi trời còn mờ tối, xắn ống quần, cột hai vạt áo nhật bình quanh bụng rồi lội xuống ao. Mới lội xuống, nước ao lạnh buốt làm cô rùng mình, nhưng vì cô ra sức hái cho nhanh nên không thấy lạnh nữa. Lên bờ ao, cô cũng cố cột thật nhanh, bó thì to, bó thì nhỏ, cốt sao cho kịp chất rau thành đống bên lề đường để những bạn hàng ra chợ sớm nhìn thấy, sẽ mua cho. Như thế, Cô Điệu sẽ không phải tốn khoản tiền thuê xe chở rau và cũng không mất thì giờ đi giao rau cho bạn hàng ngoài chợ. Tiết kiệm được đồng nào, cô thưa với Sư Bà, xin mua kẹo bánh hay tập vở cho lũ trẻ nghèo trong làng.

Suốt phần đời tu hành đã trải qua, ni-sư Như Minh luôn sống trong tinh thần Ba Y Một Bát, mang hạnh-Bồ-Tát, hạnh-vô-úy vào đời cứu khổ chúng sanh. Năm Mậu Thân, một mình ni-sư đã chôn cất mười ba thi thể vô thừa nhận trong cuộc biến bi thảm của dân tộc. Cho đến bây giờ, nhiều người dân thành nội Huế cũng không thể quên hình ảnh một ni-cô trẻ, can đảm đi giữa vùng đất chết, niệm Phật cầu siêu cho những oan hồn bất hạnh, rồi bằng những phương tiện eo hẹp nhất như tấm vải cũ, manh chiếu rách, ni-cô đã lặng lẽ tẩm liệm, chôn cất họ.

Lòng Từ như biển cả, mà biển cả thì có bao giờ cạn nên tiếng kinh, tiếng mõ chưa từng ngừng âm vang tới mọi nơi cùng khổ. Lũ lụt, mất mùa, tật bệnh, chiến tranh, chết chóc, đói nghèo… không nơi đâu có thể đến mà thiếu vắng bước chân của người sư-nữ pháp danh Như Minh.

Chỉ cần bạn hội đủ duyên được ngồi với ni-sư năm, mười phút, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ năng lượng Từ Bi, An Lạc tỏa sáng một cách rất tự nhiên. Thế nào ni-sư cũng xuất khẩu thành thơ về một đề tài nào đó, rồi xen kẽ là tài kể chuyện vui. Thường là những mẩu chuyện ý nhị, đăng tải trên các tạp chí, cho dù bạn có đọc qua rồi, nhưng khi kể lại, nghe và nhìn ni-sư hồn nhiên diễn tả như một kịch sỹ độc diễn các vai, bạn sẽ bị cuốn hút vào câu chuyện một cách vô cùng hấp dẫn! Chưa hết, khi bạn còn đang thích thú, ôm bụng cười thì ai đó, bỗng vô tình hỏi về một chuyến đi, ni-sư thể hiện hạnh-vô-úy bằng lời bình thản: “Ồ, hôm đó ư? Đi cứu trợ về đến Đầm Dơi thì đò chết máy. Các em đi theo đoàn cứu trợ lo sợ cuống cuồng, cô đã trấn an là đừng sợ, đêm nay cô sẽ đãi các em nghỉ ở khách sạn Ngàn Sao. Các em ngơ ngác vì chỉ nghe 5 sao là sang lắm, cũng chưa từng được tới. Đêm nay, đò chết máy, lênh đênh trên sông nước, chỉ mong vào được bờ an toàn mà cô nói sẽ nghỉ ở khách sạn Ngàn Sao là ở đâu? Cô bèn chỉ lên bầu trời đầy sao sáng và bảo, ngàn sao kia kìa, các em không thấy ư? Các em đừng lo, đừng sợ vì Chư Phật, Chư Bồ Tát sẽ che chở cho chúng ta”.

Và ni-sư đọc ngay bài thơ Khách Sạn Ngàn Sao:

“Đoàn cứu trợ đi lên Quách Phẩm
Về Đầm Dơi vừa lúc thuyền hư
Giữa bưng biền, nhà cửa lưa thưa
Dừa nước, dừa xiêm trên bờ rủ bóng
Đoàn người đi, lòng đang nôn nóng
Khách sạn ngàn sao chờ đón đêm nay” (*)

Bước chân ni-sư in dấu khắp mọi nơi cùng khổ, thấp thoáng qua những vần thơ chia xẻ:

“Thiên tai tàn phá Trường Sơn
Nhà tan cửa nát xót thương dân nghèo
Đường đi cách trở cheo leo
Vượt qua ba thác hiểm nghèo gian nan
Đến Hồng Sơn, qua Tân Sơn
Long Liên Sơn đến Xuân Sơn năm làng
Bà con đói rách lầm than
Từ bi không ngại vượt ngàn băng sông …” (*)

“Giã từ Lục Sơn, Quảng Bình, Lệ Thủy
Một chặng đường gửi lại mấy vần thương
Thiên tai làm tan nát quê Hương
Tay trắng dân lành cơm không đủ bữa …” (*)

“Hỡi các bà con ở vùng lũ lụt
Rạch Giá, Kiên Giang cùng với Cà Mau
Tôi đến đây, lòng tràn ngập niềm đau
Khi thấy bà con màn trời chiếu đất …” (*)

“…Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Ngãi
Nào Phú Yên, Bình Định đến Quảng Nam
Bao dân lành thiếu áo, thiếu cơm ăn
Thiếu thuốc men, thiếu chiếu chăn đắp ấm!
Xin bà con hãy vì tình đồng loại
Xin thương nhau, giúp đỡ lúc tai nàn
Từ bi, bác ái cần thiết vô vàn
Mong tất cả góp bàn tay cứu khổ” (*)

Theo dấu chân ni-sư như theo dấu chân Bồ Tát, biết đến bao giờ là chặng cuối khi cõi ta-bà còn vô minh, tạo nghiệp chập chùng?! Ngay sát ngày lên đường sang Pháp dự Đại Giới Đàn mà ni-sư còn miên man công việc trong các trại cùi, suýt trễ cả chuyến bay!

Vị ni-sư ngồi hàng đầu phía ni-chúng trong Đại Giới Đàn đó, thường kín đáo mỉm cười với tôi bằng ánh mắt thân thương mỗi khi tình cờ gặp ở nhà ăn hay lúc thiền hành. Tôi cũng cảm thấy gần gũi quá, như đã từng gặp ở kiếp nào! Một buổi tối, tôi ra cột điện thoại bên ngoài, gọi về chùa ở Long Beach. Trời tối lắm, tôi phải mang theo đèn pin để bấm số. Đang nói chuyện với sư-huynh, chợt nghe tiếng chân sột soạt trên lối sỏi. Nghĩ là có người chờ máy, tôi bèn ngắn gọn thăm hỏi sư phụ và huynh đệ trong chùa rồi cúp máy. Ra ngoài, bước chân ai đó theo tôi ra tới vùng ánh sáng trước niệm- Phật-đường. Tôi kinh ngạc khi nhận ra đó là ni-sư Như Minh. Và càng sửng sốt hơn khi ni-sư trao tặng tôi tập thơ Dấu Ấn Thời Gian với giòng chữ đề tặng rõ ràng!

Giữa đại chúng đông đảo, tôi đến Làng Mai dự khóa tu, như một chú tiểu mới để chỏm vào chùa, sao ni-sư lại biết tên và còn đặc biệt quan tâm?

Câu hỏi áy náy trong lòng bấy lâu, bỗng không còn là câu hỏi nữa khi tôi vừa tiếp xúc được với nụ cười và ánh mắt của Vì Sao sáng nay. Đúng là ánh mắt và nụ cười của ni-sư Như Minh. Tôi tin chắc, giờ phút này, bên kia trời quê hương, ni-sư cũng đang đứng trước ao rau muống năm xưa, nhìn bùn đọng bờ ao mà chợt nhớ hồ sen Xóm Mới. Còn tôi, một mình đứng trước hồ sen Xóm Mới mà chạnh nhớ người từng lặn lội dưới ao! Sự liên tưởng này của tôi, có lẽ từ bài pháp vừa qua, Thầy nhắc về sự quán sát, nhìn bông sen phải thấy cả hồ sen mới là thấy bông sen. Nhìn tự thân phải thấy được cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bao tiền thân đang có mặt trong ta. Biết đâu, trong kiếp tiền thân nào, tôi đã từng là thị giả của ni-sư?

Tôi đang đứng trước hồ sen Xóm Mới, hướng lòng thương quý về ni-sư Như Minh đã khiến tôi nhìn hồ sen mà thấy ao rau muống xanh tươi, nơi đó, vị nữ tu thời thơ ấu từng cần mẫn hái rau, chính là hiện thân bông sen quý. Bông sen từng nở giữa ao rau muống là Đóa-Sen-Quan-Âm không ngừng lắng nghe và cứu khổ, đem hương thanh khiết chuyển hóa nhiễm ô, như Bồ Tát có mặt những nơi khổ đau để cứu giúp, không xá chi kẻ khổ đau đó là phe nào, nhóm nào! Vì khi đã khổ đau, mọi khác biệt về ý-thức-hệ đều trở thành mẫu số chung, mẫu số đẫm lệ của những tiếng kêu thương giữa biển lửa vô minh sân hận.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.

(Tháng hai/2008, Xóm Mới-Làng Mai)
(*) Thơ: Thích nữ Như Minh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2020(Xem: 4127)
Vào ngày 16/10/2020, một nam giáo viên Pháp dạy lịch sử đã cho học trò cả lớp xem những bức hý họa châm biếm Nhà Tiên Tri Mohammad để chứng tỏ quyền tự do ngôn luận đã bị chặt đầu ở một địa điểm gần trường học của ông ở ngoại ô Paris. Hung thủ là người gốc Chechen đối đầu với cảnh sát và bị bắn chết. Trước khi chết thanh niên này hô to, “Thượng Đế Vĩ Đại” bằng tiếng Ả Rập (Allahu Akbar). Mưởi hai người sau đó đã bị bắt trong đó có cả phụ huynh học sinh của trường này.
25/10/2020(Xem: 14580)
Thiền Sư Long Đàm Sùng Tín (TK 8-9) Người đặt nền móng cho Phái Vân Môn & Pháp Nhãn Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng từ 6.45am, Chủ Nhật 25/10/2020 (09/09/Canh Tý) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Điểm tâm bánh nướng thật no nê Con cháu đỡ phiền khỏi ủ ê Dâng cúng tâm thành đừng dụng tướng Giáo nhân chí cả phát bồ-đề Đắp y ăn uống bày chân pháp Tiếp khách đãi người rõ bến mê Sáng tỏ bản lai do thấu đáo Việc làm phương tiện vẫn đề huề. (Thơ tán thán công hạnh Thiền Sư Sùng Tín của HT Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch) 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼🌺🍀💐🌼 Múi giờ : pháp thoại mỗi ngày của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃
16/10/2020(Xem: 2064)
Sáng nay là ngày sinh nhật Ba, con nhớ Ba thật nhiều, giờ này con đang được nghỉ ăn trưa, con đi dọc theo con đường bên hông hãng nơi con thường đứng đó để gọi điện thoại thăm Ba, con mời Ba về xơi bánh mì và uống cà phê cùng con. Trời bây giờ đã vào thu, gió lành lạnh, con đường thật yên tĩnh thẳng tắp, màu xanh mùa hè của lá đã chuyển vàng, đỏ. Tuổi học trò lại quay về trong con, ngày đó con học lớp đệ tam, con giữ sổ đầu bài, ngồi bàn đầu nên các Thầy thường hay lấy vở con để xem giảng tới bài nào, Ba gọi một học trò nam lên trả bài, cậu đó không thuộc Ba cho ngay con 02 /20 to tướng vào vở con với lời phê "không thuộc bài", lúc Ba trả lại tập, con mở ra mới thấy, ngập ngừng con thưa: "thưa Thầy, đây là tập của con", Ba cười khà khà và kêu con lên bảng trả bài, con thuộc, Ba cho con 18 điểm, Ba thương con lắm thường khen con ngoan nhất lớp và có mái tóc đẹp, mỗi lần tới giờ Ba dạy là tim con hồi hộp cộng thêm vui mừng, câu thành ngữ Ba dạy cho đám học trò để dễ nhớ khi xài
01/10/2020(Xem: 21102)
33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa (HT Thanh Từ biên dịch, TT Nguyên Tạng giảng trong mùa dịch Covid-19 năm 2020)
20/09/2020(Xem: 4746)
Theo thống kê cho thấy, những tội phạm tuổi thiếu niên thường có cơ thể khỏe mạnh hơn những thiếu niên biết tuân thủ pháp luật ở cùng độ tuổi. Nhưng sau khi họ bước vào tuổi trung niên thì tình hình sức khỏe lại xuống dốc nhanh chóng, nguy cơ nằm viện và bị tàn tật cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Điều này khá dễ hiểu, rất có thể là có quan hệ tới thói quen sinh hoạt không tốt và trạng thái tâm lý tạo thành.
17/09/2020(Xem: 7914)
Thư viết lần cuối gửi Anh Bốn và Chị Năm Hôm nay là tuần một trăm ngày của Anh Bốn và cũng tiện thể Gia Đình làm lễ cầu siêu tuần 49 ngày cho Chị Năm. Từ xa xôi hơn nữa vòng trái đất Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi có mấy lời để tiễn đưa Anh Chị lần cuối
29/08/2020(Xem: 8628)
Trong hơn một tuần qua, theo “tintuc60giay.com” ngày 24/8/2020, đã có hơn 100.000 cư dân được sơ tản và lửa đã đốt cháy hơn 991.000 acres. Đây là trận cháy rừng lớn nhất tại California. Có hơn 13.700 lính cứu hỏa đang đấu tranh để cứu những người dân và nhà của học. Thành phố Vacaville là nơi bị thiệt hại rất nặng! Thật mầu nhiệm! Trung tâm tu học Phổ Trí, một ngôi chùa Việt tọa lạc tại số 7233 Pleasants Valley Road, thành phố Vacaville có diện tích 5 acres, được Thượng tọa Thích Từ Lực sáng lập vào năm 2012 làm nơi tu học cho tăng thân Việt - Mỹ còn nguyên vẹn.
27/08/2020(Xem: 5420)
Kính chiếu yêu ma bài viết của Cư Sĩ Huệ Hương (ở Melbourne, Úc Châu) Do Phật tử Diệu Danh (Hannover, Đức Quốc diễn đọc) Mười năm về trước khi đọc " CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI " của Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh tôi vẫn không hề nghĩ đến có ngày mình phải dùng kính chiếu yêu này ... không phải cho người khác bên ngoài mà chính là dùng để soi rọi vào những con ma đang ẩn núp trong rừng tâm của tôi quá chằng chịt và rậm rạp nơi mà tập khí được chôn vùi và đã trở nên hoang dại đến nỗi rất khó để tháo gở được những rễ dây đã bám sâu trong đất Tâm này
25/08/2020(Xem: 4210)
Lời người dịch: Thành phố Melbourne hiện vẫn còn trong thời gian phong tỏa giai đoạn 4 kéo dài đến giữa tháng 9 và cũng thuộc tiểu bang bị nhiễm bệnh cao nhất nước Úc hiện nay. Mỗi ngày thức dậy, người dân Melbourne lại được cập nhật với những tin tức số người bệnh, số người chết mỗi ngày... khiến nhiều người lo lắng, bất an. Những người thân gần xa cũng thăm hỏi, lo lắng cho người Melbourne. Cộng đồng người Việt dù có ý thức cao về việc tuân thủ các luật lệ và phòng ngừa nhưng vẫn nằm trong danh sách những cộng đồng sắc tộc có tỉ lệ mắc bệnh covid-19 cao. Tuần qua, khi đọc Facebook của Bệnh viện Western Heath, QT tìm thấy câu chuyện thú vị và cảm động của một cô gái Việt cũng là bệnh nhân covid-19 đã chia sẻ trên báo Herald Sun. QT hy vọng những tâm tình của Tina sẽ giúp mọi người hiểu thêm về những trải nghiệm của người bệnh để mình cố gắng tự bảo vệ và đề phòng cho mình và gia đình để không bị mắc phải căn bệnh này. Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tá
17/08/2020(Xem: 4494)
Nhớ lại thuở xa xưa khi tôi mới chỉ là cô bé 6,7 tuổi, thỉnh thoảng vào chiều thứ Bảy, Mẹ thường dẫn tôi về thăm ông Ngoại. Gần nhà Ngoại có Chùa Linh Quang và Khuông Tuệ Quang, nên lần nào về thăm Ngoại là tối đó Mẹ cũng dẫn tôi đến Khuông Tuệ Quang để tụng kinh, tôi rất thích mặc dù tôi chưa biết tụng kinh và tụng để làm gì. Tôi chỉ thích nghe âm vang lời kinh tụng hòa chung với tiếng mõ nhịp nhàng, cùng tiếng chuông thỉnh thoảng ngân vang, và thích nhất là được nghe tụng Chú Đại Bi, tuy không nghe ra được chữ gì, nhưng thích cái âm điệu dồn dập lúc trầm, lúc bổng của thời kinh. Không hiểu sao mà tôi rất mê nghe tụng chú Đại Bi, nên mỗi khi gần nhà có đám tang, là tôi luôn tìm cách đến xem lúc có ban hộ niệm cúng, để được nghe tụng Chú Đại Bi, và thầm thán phục, sao mà các bác ấy có thể thuộc làu những lời kinh như vậy!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]