Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20. Trăng Sao Xóm Mới

05/09/201103:08(Xem: 3685)
20. Trăng Sao Xóm Mới

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG
Huệ Trân 2008

TRĂNG SAO XÓM MỚI

Mùa đông, dù ở trời Âu hay Á, ông mặt trời cũng thường làm biếng, thức trễ lắm! Hôm nay, cũng là ngày làm biếng trong tuần, theo lịch trình tu học khóa An Cư Kiết Đông ở Làng Mai nhưng chúng tôi vẫn thức dậy rất sớm, vì đã quen rồi. Gọi là ngày-làm-biếng, chỉ có nghĩa là không phải theo thời khóa nhất định chứ chẳng ai làm biếng cả vì chúng tôi trân quý từng phút giây hiện tại. Tối hôm qua, sư cô Chân Khế Nghiêm rủ tôi sáng sớm nay đi bộ lên đồi nho, đi và về khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Đây là vòng nhỏ, còn vòng lớn thì đi gần hai tiếng mới trở về lại xóm. Các sư cô đi vòng lớn đã khởi hành trước nửa tiếng rồi. Chu vi này được hoạch định nằm trong phạm vi giới trường của thời gian khóa tu.

Tôi ra điểm hẹn là phòng điện thoại thì thấy có thêm sư cô Chân Đẳng Nghiêm, đang đeo bao tay. Sư cô đến từ tu viện Lộc Uyển, California Hoa Kỳ. Tôi đã từng được gặp sư cô trước đây khi đưa người bạn từ tiểu ban khác, tới thăm Lộc Uyển. Sư cô từng là bác sỹ y khoa, nhưng khi được gặp Thầy Nhất Hạnh, cô nhận ra con đường cứu khổ mà sư cô có thể thực hiện, vượt xa ngoài phạm vi phòng mạch, thì sư cô đã quyết định xuất gia, mang Đạo Phật dấn thân để trị liệu cả thân và tâm cho đời.

Sáu giờ sáng mà trời còn tối như đêm ba mươi, đêm giao thời giữa năm mới và năm cũ đối với người Tầu, người Việt chứ người Tây phương luôn nhanh chân, đón năm mới trước rồi. Những dấu mốc thời gian này do quan niệm và cái nhìn của mỗi phương. Dân tộc nào đặt ra cái gì thì trân quý cái đó. Thời gian lặng im, có nói gì đâu! Ấy thế mà có khi thì được trọng, được coi là vô cùng thiêng liêng, người người cùng nao nức chờ đón; có khi bị hắt hủi rủa xả, sao không qua mau đi! Nếu thời gian có thể lên tiếng, có lẽ không thiếu chuyện để nói về sự tức cười này.

Chúng tôi cùng bước ra khỏi cổng xóm. Tôi nghe tiếng cô Đẳng hỏi cô Khế:

- Có đèn pin không, sư em?

Tiếng cô Khế dịu dàng:

- Không cần đâu, mình vẫn đi vậy mà.

“Mình”, ý nói các sư cô ở Xóm Mới thường đi bộ như thế. Dù từ xa tới, nhưng với tư cách là sư chị, cô Đẳng nhắc nhở:

- Tuy quen đường, nhưng trời còn tối quá, lần sau phải mang đèn cho an toàn nhé.

Cô Khế khẽ “Dạ”.

Cô Khế đi trước, tôi chậm bước, để cô Đẳng đi giữa, mình theo sau cho chắc ăn.

Trời lạnh lắm! Tôi đã độ mũ len, còn phải kéo mũ áo khoác phủ lên và đeo găng tay. Tạm ổn. Nhưng trời tối mà không đèn thì chỉ còn cách vừa bước, vừa niệm Quan Thế Âm. Từ xóm lên đồi nho phải băng qua chặng đường nhỏ khá dài, giữa hai hàng cây cao. Ban ngày thì chẳng có vấn đề chi, nhưng trời tối mù thế này, rừng cây hai bên bỗng mang vẻ bí hiểm đáng ngại. Đấy là với kẻ từ xa đến và nhát cáy như tôi mà thôi. Tôi không hề nhìn thấy mặt đường, cứ nương theo tiếng chân của hai sư cô mà bước theo thôi. Tôi biết, hai sư cô đang bước trong chánh niệm nên cũng giữ im lặng, quay về hơi thở, quán sát tâm hành và cảm giác an lạc đang chậm rãi đến với tôi. Bóng tối của rừng cây không còn bí hiểm nữa. Tôi băng qua đoạn đường đó không chút khó khăn.

Bỗng tôi có cảm tưởng cô Đẳng đang bước chậm lại. Hình như cô chờ tôi. Quả đúng thế. Khi tôi cùng bước ngang với cô thì cô lại bước chậm hơn nữa. À, tôi hiểu rồi. Cô muốn tôi đi giữa để cô có thể canh chừng cho tôi. Trước khi rẽ vào khúc quanh của rặng cây cuối, chợt có tiếng xe hơi đang tới, rồi ánh đèn loang loáng quét nhanh trong bóng tối. Cô Đẳng bước nhanh hơn, tới ngang tầm tôi, cô đẩy nhẹ tôi vào lề cỏ, và cô ở phía mặt đường. Phản ứng của cô nhẹ nhàng nhưng rất nhanh.

Cô đã làm rào cản, che chở cho tôi, nếu có gì bất trắc xảy ra.

Khi chiếc xe đã chạy qua, cô bước chậm, để lại là người đi sau.

Ba chúng tôi vẫn tiếp tục bước và hoàn toàn im lặng. Phải, chúng tôi không cần nói gì, bởi ngôn ngữ vong thân. Tình thương thể hiện dễ dàng khi lòng đã sẵn từ bi; gào thét và hì hục đánh bóng tình thương bằng ngôn ngữ suông thì tình thương đó chẳng bao giờ có mặt. Đó chỉ là vị kỷ, giả dối!

Cám ơn sư cô Chân Đẳng Nghiêm qua bài học tình thương thầm lặng mà tràn đầy, như bầu trời lóng lánh trăng sao khi chúng tôi vừa vượt qua bóng tối của rặng thông cuối.

Ủa, sao giờ này mà trăng chưa về ngủ? Nãy giờ trăng cùng đi bộ với chúng tôi đó ư? Trốn đâu kỹ mà tôi không thấy?

Từ hôm về Làng, tôi bỗng có một cái đồng hồ báo thức trong đầu, nghĩa là, dù ngủ say hay ngủ mệt, khi tôi bấm đèn pin xem giờ, đều là bốn giờ rưỡi sáng, thế mới lạ! Nhưng một lần, tôi vừa mở mắt, chưa bấm đèn mà đã thấy ánh sáng. Đó là ánh trăng dịu nhẹ len qua những ô vuông cửa kính, đang bước rất êm đềm trên sàn gỗ, lên thành giường, qua lò sưởi… Tôi khe khẽ xoay đèn pin, nhìn đồng hồ. Kim chỉ đúng bốn giờ.

Tôi nằm thật im, không dám nhúc nhích, sợ trăng tan! Hai phần ba cửa kính được che bằng màn vải mỏng. Từ đầu giường tôi nằm nhìn lên, tầm mắt ở ngay một phần ba những ô kính không che màn nên không phải điều chỉnh gì mà tôi được chiêm ngưỡng ánh trăng hiện ra toàn vẹn, toàn bích ngay đó. Tôi chỉ cần nằm im trong tư thế thiền-buông-thư là thấy trăng, có trăng ngoài trời và cả trăng trong lòng.

Không cần một ngón tay nào chỉ cả.

Liên tục một tuần lễ, trăng đến với tôi như thế. Tôi cũng có ý đợi trăng nên khi mở mắt, nằm im lặng trong bóng đêm, không cần coi đồng hồ, tôi cũng biết đã bốn giờ sáng.

Khi những đối tượng thật lòng với nhau thì cảm thông thế đấy, chứ không mơ hồ, hoài nghi như một thi sỹ thời Đường:
“Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”

Tạm dịch:

“Đầu thềm chênh chếch bóng trăng
Loang trên thềm đất, ngỡ rằng sương rơi
Ngẩng nhìn trăng tỏ sáng người
Cúi đầu luống những bồi hồi nhớ quê”

Tôi biết rất rõ đang được trăng đến thăm. Trăng không sáng vằng vặc mà rất nhẹ, rất êm, như bước chân mẹ hiền vào thăm giấc ngủ con thơ. Hay Mẹ đang theo trăng, về với tôi? Chỉ nhìn trăng thôi mà lệ chảy, có lạ không? Lệ chảy vì trăng đang hóa thân thành Quan Âm Bồ Tát, chỉ thinh lặng và lắng nghe.

Trăng ơi, có phải câu thư pháp trên vách tường chùa Viên Thông rất thơ, rất thiền hay không:

“Khách về bỏ giở chung trà nguội
Mới biết tri âm chẳng dễ là!”

Có lẽ, tìm tri âm khó đến thế nên Bá Nha mới đập đàn khi mất Tử Kỳ!

Đó là lòng thủy chung khi mất nhau.

Ngoài đời kia, đã và đang tiếp diễn bao cảnh huống mất nhau vì phản bội, ích kỷ, tỵ hiềm mà người trong cuộc vẫn vô minh tiếc nuối!

Sự khổ đau ở ngay nơi đây.

Đức Phật từng dạy, không ai có thể làm khổ ta, ngoài chính ta, vì hạnh phúc hay đau khổ do chính tâm ta tạo tác. Ta thất vọng, bởi ta đã từng kỳ vọng. Đối tượng do ta chọn. Kỳ vọng vào đối tượng cũng do ta mong như thế, rồi đặt vào. Tại sao ta chọn, ta mong? Bởi cái tâm mong cầu của ta nó muốn như thế, nên khi bản chất của sự việc phơi bầy không như những hào nhoáng do tâm vẽ thì ta thất vọng và đau khổ.

Hãy làm người lữ khách đứng bên lề, tự nhìn giòng đời mình trôi bằng tâm tĩnh lặng, trong sáng. Lữ khách với giòng đời là hai mà một, như khi ta soi gương, bóng với hình tuy một mà hai. Nếu ta không cười, bóng chẳng thể cười, nhưng bóng sẽ chẳng hiện ra nếu ta không còn đó. Vậy thì, lữ khách kia ơi, hãy quay về bản tâm, nhìn mình cho thật kỹ đi, những khổ đau tưởng trời long đất lở mà thực chất vô thường, đáng cho ta quăng xuống lề đường hay khệ nệ gánh lên vai mà đi???

Thôi, hỡi những lữ khách đang khổ lụy lần mò trong bóng tối, hãy dừng lại, thở thật sâu, bước chậm rãi, nhìn trời xanh mây trắng và ý thức là ta đang thở, đang bước, đang nhìn bông hoa nở, đang nghe tiếng chim ca. Ta đang sống và đang làm chủ mọi cảm thọ. Ta phải thông minh để biết mỉm cười với giây phút hiện tại, nhìn cái vui cái buồn đó như đối tượng bị nhìn, chứ vui buồn đó không phải là TA; bởi vì vui buồn nào, thủy chung nào, phản bội nào, tình đầy hay nghĩa vơi nào rồi cũng qua, bằng cách này hay cách khác. Chỉ có CÁI NHẬN BIẾT những trạng huống đó là còn đó và tồn tại mãi mãi để tiếp tục nhận biết những cái đến rồi đi.

Cái-nhận-biết này chính là CÁI TA mà khi mới chào đời, Đức Thế Tôn đã bước bẩy bước hoa sen rồi nói:

“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn”

Ấy thế mà ta thường không biết trân trọng bản chất cao quý sẵn có đó, lại chạy theo những cái chưa từng thực có, chỉ là sản phẩm của tâm vọng tạo ra, rồi bám chặt, giữ kỹ, nên khi bị hư hao hay bị kẻ khác cướp đoạt mất thì khổ đau, tủi hổ!

Thôi,
Lữ khách kia ơi,
Hãy chào vĩnh biệt những khổ đau.
Hãy chào vĩnh biệt những kẻ làm ta khổ đau.
Hãy chào vĩnh biệt những hoài vọng quá khứ.
Hãy chào vĩnh biệt những mơ tưởng tương lai.

Rồi hãy nhận biết là ta đã dừng lại. Ta đang đứng trên mặt đất. Ta cảm nhận bàn chân ta đang tiếp xúc với thảm cỏ. Mắt ta đang nhìn những bông hoa dại nhỏ xíu, mỉm cười với ta. Tai ta đang nghe tiếng đôi chim thăm hỏi, đậu trên cành sầu đông trụi lá. Và vầng trăng trên cao, thật xa, xa tít tận phương nào còn ân cần trở về ô vuông cửa kính của căn phòng nhỏ hẹp để lắng nghe ta, ôm ấp ta, nhắc nhở ta những vô thường tưởng là thường, vô ngã tưởng là ngã, khổ tưởng là lạc, không tưởng là tịnh.

Vậy mà ta còn chưa biết thương ta ư? Đó có phải là chân dung của kẻ-cùng-tử, vừa choàng tỉnh dậy sau giấc mộng dài!

Ngoài kia còn nhiều khổ đau lắm! Lữ khách ơi, hãy mang sự chuyển hóa - dù nhỏ nhoi - mà chia xẻ để cùng trị liệu những vết thương. Người cho và người nhận sẽ truyền năng lượng lẫn cho nhau. Lữ khách sẽ có thêm nhiều đồng hành, và trên con đường chuyển hóa, chúng ta sẽ gặp thêm nhiều đồng hành nữa. Từng bước, chúng ta sẽ cho và nhận, rồi nhận và cho, như ánh sáng những ngọn nến, nó tỏa chiếu chính nó và tỏa chiếu lẫn nhau.

Nhiều ngọn nến sẽ xóa tan bóng tối.

Cám ơn Trăng Xóm Mới đã đậu bên ô cửa, chia xẻ và lắng nghe. Cám ơn trăng đã rủ thêm muôn sao lấp lánh theo bước chân thiền hành để những sáng mùa đông không còn lạnh lẽo. Ta có mặt cho nhau, thế đã là quá đủ. Cảm nhận được nguồn năng lượng kỳ diệu của Im-Lặng-Bát-Nhã mới thấy thương những vọng động của ngôn-ngữ-vong-thân.

“Ta vẫn còn đến, đi thong dong
Có, không, còn, mất, chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn, không khuyết, một vầng trăng

Gió vẫn còn bay, con biết không?
Như mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong” (*)

Biết rằng trăng này tỏa sáng muôn nơi, vào ra ba cõi, chẳng thuộc riêng ai, nhưng trăng đã đến cùng tôi những phút giây mầu nhiệm, khiến tôi thấu hiểu và cực kỳ rung động khi cất tiếng ngâm những câu thơ trên, nên tôi nghe trong tôi thầm thì: “Cám ơn Trăng Sao Xóm Mới”.

(Tháng hai 2008 – Xóm Mới, Làng Mai)

(*) Thơ: Thiền-sư Nhất Hạnh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2010(Xem: 2986)
Hằng Nga trong cung trăng: Theo sách của Hoài Nam Tử, Hậu Nghệ xin thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu, Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ uống trộm...
27/10/2010(Xem: 20253)
Mục đích của chúng tôi trong khi sưu tập những mẫu chuyện kể này là để mọi người thưởng thức những tinh hoa hay đẹp của giáo – lý qua những câu chuyện tươi sáng đẹp đẽ. Nếu công việc sưu tập ca – dao là một việc khó thì công việc sưu tập và trình bày những mẩu chuyện cổ của đạo Phật cũng là một việc khó khăn và đòi hỏi sự hợp lực của nhiều người. Hàng chục ngàn mẫu chuyện đạo, nào thuộc loại tiền thân, nào thuộc loại lịch sử, nào thuộc loại thí dụ, nào thuộc loại triết lý. . . những câu chuyện đó thật là phong phú và chứa đựng những tinh hoa của giáo - lý, từ - bi và trí tuệ. . . Ðọc những mẫu chuyện đạo ấy, không ai thấy chán nản cả. Các em thiếu nhi thích đã đành, người lớn chúng ta cũng vẫn thích và hơn thế nữa, lắm lúc cũng phải suy nghĩ nhiều để có thể hiểu được triết – lý của một câu chuyện. Chúng tôi sức lực không bao lăm thành thử trông mong rất nhiều ở các vị học giả thâm uyên và dày công nghiên cứu. Chúng tôi chỉ muốn làm công việc nói lên những nguyện vọng, và tr
22/10/2010(Xem: 3859)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng, có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
21/10/2010(Xem: 8374)
Bị xổng một lần trong khóa tu học kỳ 6 tại Bỉ, vì chọn ngày hè trật đường rầy (hãng tôi làm việc phải chọn hè từ đầu tháng 2); năm sau, tôi quyết tâm canh ngày giờ cho đúng để tham dự cho bằng được khóa tu học kỳ 7 tại Đan Mạch, do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức.
19/10/2010(Xem: 7943)
Khi xe chúng tôi đến nơi, đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya. Phòng ốc dành cho 300 giường đã không còn chỗ trống. Ban Tổ Chức đành trưng dụng phòng họp, phòng học - một cho phái nữ, một cho phái nam - với các tấm nệm lót dưới đất cho chúng tôi ngủ tạm. Giải quyết một lúc cho phái đoàn Thụy Sĩ 30 người - chưa kể các nước khác - đâu phải dễ. Vả lại đi chùa thì phải chấp nhận "ăn chay nằm đất". Nằm "đất" còn phải chịu, lựa là nằm "nệm", nên chúng tôi vui vẻ nhận lời, không than van gì cả. Mà than van nỗi gì được khi đã hiểu giáo lý (dù chút chút) của đạo Phật. Mọi sự phải do "duyên" mà có. Và "duyên" này khởi từ "nhân" chiều nay.
17/10/2010(Xem: 9449)
Hơn 6 tiếng xe lửa từ Aschaffenburg, tôi trở về đến nhà gần 10 giới tối. Lục đục tắm rửa, ăn chén súp nóng (do chồng nấu cho) huyên thuyên kể chuyện, rồi đánh răng... mãi gần 12 giờ khuya tôi mới lên giường đi ngủ. Sáng sớm hôm sau 6 giờ thức dậy sửa soạn đi... cày. Công việc ứ đọng của 2 ngày thứ 5, thứ 6 (lấy hè, cộng với công việc của thứ 2 đầy ắp trên bàn. Tôi một mình chịu trách nhiệm một phòng không ai thay thế). Ông xếp trước khi về văn phòng còn đứng đó chờ đợi, vẻ lo âu. Tôi trấn an ông:
17/10/2010(Xem: 4716)
Tết Trung Thu ăn vào ngày rằm tháng 8. Nguyên cuối đời nhà Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Vương Mãng nhân được cầm giữ chính quyền...
17/10/2010(Xem: 2917)
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử. Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái: - Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
16/10/2010(Xem: 4073)
Hàng ngàn năm trước tây lịch, khi thổ dân Dravidian còn ngự trị khắp lãnh thổ Ấn Độ cổ thời, vùng phía tây Hy Mã Lạp Sơn là lãnh địa của rắn. Vốn là vùng rừng núi bạc ngàn nằm trên nóc nhà thế giới, Hy Mã Lạp Sơn là nơi thâm u bí hiểm với sơn lam chướng khí trùng trùng và vô số loài thú dữ cư ngụ sẵn sàng lấy mạng người để làm thức ăn. Thời đó, thổ dân Dravidian không có đủ vũ khí hùng mạnh để chống cự với các loài mãnh thú và tự bảo vệ mình. Từng người vào rừng săn tìm thức ăn đã không thấy trở về. Độc địa nhất không phải chỉ là những hổ, cọp, gấu, beo nằm lồ lộ chờ mồi bên bờ suối, dưới gốc cây hay trong khe đá, mà ngay bên dưới lớp lá khô mục của đường rừng là những loài rắn nguy hiểm chực chờ bước chân người.
16/10/2010(Xem: 3730)
Trong thiền không có đầu đuôi, khúc chiết, lý luận. Nó đập vỡ lý luận. Đó là thế giới lý tưởng của câu thơ lớp ba mồ côi luận lý. Thế giới của những câu cuối lấc cấc, mẹ gà con vịt. Đừng bắt tôi giải thích; hãy lang thang với tôi trong câu cuối của dăm ba chuyện thiền nổi tiếng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]