Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

17. Mặc

05/09/201103:08(Xem: 3769)
17. Mặc

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG
Huệ Trân 2008

MẶC !

(tường thuật buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật
của Tuệ Sỹ tại Houston, Texas ngày 04.11.07)

Tựa bài viết này, đáng lẽ phải khá dài, chẳng hạn như: “Tường thuật buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ tại Houston, TX, ngày 04 tháng 11 năm 2007”.

Cái tựa khá dài, khi được thay thế lại quá ngắn. Chỉ còn một chữ “Mặc!”

Chữ này của diễn giả đầu tiên trong chương trình là triết-gia Phạm Công Thiện, người được ban tổ chức mời giới thiệu về tác giả và tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật.

Vâng, đây chỉ đơn giản là bài tường thuật một buổi ra mắt sách. Nếu nó được nhìn không đơn giản dưới nhãn quan nào thì đó chỉ vì tác giả và thời điểm ra mắt đang ở trong một bối cảnh đặc biệt, dưới nhãn quan đó.

Buổi ra mắt sách do Hội Dharma Wheel Corporation tổ chức. Hội trưởng là Thượng Tọa Thích Nhật Trí, trụ trì chùa Pháp Vũ, Florida, với sự đóng góp tham gia của các cư-sỹ đồng quan điểm với hội là yểm trợ và phát huy bốn lãnh vực Giáo dục, Văn hóa, Hoằng pháp và Từ thiện.

Địa điểm ra mắt là nhà hàng Kim Sơn, từng nổi tiếng về sự rộng rãi, khang trang. Phục vụ lịch sự, chu đáo.

Chúng tôi tưởng chỉ mình tới đúng giờ ghi trong thiệp mời là 5 giờ chiều chủ nhật 04 tháng 11, 2007. Ấy thế mà sau khi đậu xe, nhìn quanh bốn phía, hướng nào cũng có những giòng xe đang tiến vào và chủ nhân những chiếc xe đó, đa số là khách đến tham dự buổi ra mắt sách.

Trước cổng vào nhà hàng Kim Sơn không chỉ là những người Việt đứng chờ thân hữu mình để cùng vào mà chúng tôi còn thấy thấp thoáng dăm cảnh sát bảo vệ an ninh. Tôi hỏi nhỏ đạo hữu cùng đi:

- Ra mắt sách của một tu sỹ về một cuốn kinh Đại Thừa mà cần cảnh sát bảo vệ ư?

Câu trả lời là một nụ cười nhẹ:

- À, đó là sự cẩn trọng của ban tổ chức vì nhận được những cú điện thoại cho biết sẽ có biểu tình trước chùa Việt Nam, chống việc Hòa Thượng viện chủ sẽ tham gia, rồi sau đó kéo đến nhà hàng Kim Sơn phản đối buổi ra mắt sách. Ban tổ chức mướn an ninh chỉ để phòng hờ có sự can thiệp hợp pháp nếu những sự việc đáng tiếc này xảy ra.

Nụ cười nhẹ của đạo hữu vừa trả lời, quả là đầy ý nghĩa!

Phòng được chọn cho buổi ra mắt sách ở trên lầu. Bước vào phòng mới biết rằng, không chỉ chúng tôi đến đúng giờ mà nhiều người đã đến trước giờ. Sáu mươi bàn, dự trù mời sáu trăm quan khách, không bàn nào không đã có người ngồi. Và thật ngạc nhiên, chưa đầy ba mươi phút sau, sáu mươi bàn, dường như không còn ghế trống. Với bốn bàn trước sân khấu dành cung thỉnh Chư Tôn Đức Tăng, Ni, chúng tôi ghi nhận có Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa (viện chủ chùa Từ Đàm, Dalas, Texas), Hòa Thượng Thích Nguyên An (trụ trì chùa Cổ Lâm, Seattle), Hòa Thượng Thích Nguyên Trí (Trụ trì chùa Bát Nhã, Nam Cali), Hòa Thượng Thích Trí Đức (Trú xứ chùa Việt Nam), Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh (Trụ trì chùa Việt Nam, Houston), Thượng Tọa Thích Linh Quang (Nepal), Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu (Trụ trì chùa Phật Đà, San Diego, Nam Cali), Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn (Trụ trì chùa Trúc Lâm, Chicago), Thượng Tọa Thích Tâm Hòa (trụ trì chùa Pháp Vân, Canada), Thượng Tọa Thích Nhật Trí (Trụ trì chùa Pháp Vũ, Florida), Thượng Tọa Thích Thông Hải (Thiền viện Chân Không), Thượng Tọa Thích Chơn Lễ, Đại Đức Thông Đức, Đại Đức Tâm Bình, Đại Đức Minh Phước, Đại Đức Quảng Kim, Đại Đức Quảng Minh, Đại Đức Thiện Nhẫn, Đại Đức Nhuận Thành …

Chúng tôi cũng nhận thấy sự hiện diện của Quý Ni thuộc các ni-viện Hương Nghiêm, Hương Lâm, Huệ Lâm …

Về giới văn nghệ sĩ, ngoài hai diễn giả là nhà văn Doãn Quốc Sỹ và triết gia Phạm Công Thiện, còn có nhà thơ Tô Thùy Yên, nhà thơ Vũ Tiến Lập, nhà văn Vĩnh Hảo, nhà văn Liên Hoa, nhà văn Quỳnh My v.v… cũng có mặt, trong đó khá nhiều văn nghệ sĩ mà chúng tôi không nhớ hết tên. Các cơ quan truyền thông, truyền thanh, truyền hình, báo chí, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của tuần báo Việt Tide, bán nguyệt san Thế Giới, tạp chí Xây Dựng, chương trình phát thanh Tiếng Chuông Tỉnh Thức, đài phát thanh Saigon-Houston; cùng các Hội đoàn như Hội Văn Hóa Khoa Học, Hội ái hữu cựu nữ sinh Gia Long, An Giang, Sương Nguyệt Ánh… Chúng tôi phải xin lỗi, vì không thể nào ghi hết ra đây.

Theo đúng chương trình, sau phần chào cờ và giới thiệu thành phần tham dự, Thượng Tọa Thích Nhật Trí, Hội Trưởng Hội Dharma Wheel Corporation (DWC) đã long trọng khai mạc buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật (HTDMC) của TT Tuệ Sỹ và tiệc chay gây quỹ cho những chương trình hoạt động của DWC qua hình ảnh nhập thế đầy Trí Tuệ và Từ Bi của hành giả Duy Ma Cật.

Diễn giả đầu tiên được mời lên giới thiệu về tác phẩm và tác giả HTDMC là triết gia Phạm Công Thiện. Ngôn ngữ của một triết gia có thể có đôi chút xa lạ với số đông quần chúng nhưng nhân dáng thì gần gũi, thân thương với chòm râu bạc, mái tóc thưa phơ phất. Ông chậm rãi chia xẻ: “Đứng trước khung cảnh rất tinh túy nghệ thuật, rất tinh túy thi ca này, nhìn xuống là Quý Thầy, Quý Ni và đông đảo đồng hương, tôi cảm thấy như mình đang ở chùa, những ngôi chùa tôi từng thấp thoáng thấy bóng dáng hai chú tiểu cực kỳ thông minh, mới trên hai mươi tuổi đã nghiêm túc đứng trên bục giảng các giảng đường Đại Học. Hai chú tiểu đó chính là Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh đang có mặt trong buổi này, và Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ ở bên trời Quê Hương. Thầy Tuệ Sỹ, với đôi mắt rực sáng từ thuở ấu thơ cho đến tuổi già xế bóng không chỉ là sự rực sáng của nhãn quan mà phải là sự rực sáng từ Tâm Bồ Tát. Nên khi Thầy Tuệ Sỹ viết HTDMC, với tôi, là cuốn sách tuyệt vời nhất. Cuốn Kinh Đại Thừa này, tôi chỉ tóm gọn trong một chữ. Chữ MẶC.”

Tiếng vỗ tay không dứt khi triết gia kết luận như vậy. Ông buông lửng cho mỗi người tự cảm nhận.

“Mặc”, phải chăng là sự tĩnh mặc Vô Ngôn của Bậc Đại Trí Duy Ma Cật khi Ngài Văn Thù hỏi về Pháp Bất Nhị?

Diễn giả Doãn Quốc Sỹ đã rất khiêm nhường khi trích dẫn Kinh Pháp Cú để nói về ý vị cao siêu của Duy Ma Cật trong cuộc đời. Đó là hình ảnh đóa sen nở giữa bùn nhơ, là hình ảnh Đại-sỹ đứng thẳng giữa phàm phu sân, uế.

Diễn giả thứ ba bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, và những búp tay thầm lặng chắp lại, biểu tỏ lòng tôn kính. Đó là H.T. Thích Nguyên Hạnh, trụ trì chùa Việt Nam, Houston. Với nhân dáng nhu hòa, điềm đạm, giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng ẩn chứa âm thanh của đường gươm Bát Nhã Vô-Úy, H.T đưa ra hình ảnh vị Tăng-sỹ tài hoa thông tuệ 1600 năm trước đã viết Bát Nhã Vô Tri Luận khi mới hai mươi tuổi; và nhiều luận khác, tập thành Triệu-luận mà người sau coi như Trung Quán Luận của Trung Hoa. Vị Tăng-sỹ trí tuệ tuyệt luân đó đã hơn một lần ngẩng cao đầu trước bạo quyền, bình thản nhìn lưỡi gươm sẽ chém xuống đầu mình chẳng khác chi gươm chém ngọn gió Xuân!

Hòa Thượng đã mượn hình ảnh Ngài Tăng Triệu để nói về Thầy Tuệ Sỹ, mà theo H.T. nói về Thầy Tuệ Sỹ là nói về một Tăng-sỹ đã mang Đại Bi Tâm vào đời với hạnh Vô Úy.

Con người đó cũng đã bất khuất trước bạo quyền, đôi mắt sáng rực nhìn thẳng tử thần không chút nao núng.

Con người đó cũng là nhà tư tưởng, luôn nhìn sâu vào tận cùng nỗi thống khổ nhân gian nên tư tưởng đó không phải là son phấm điểm trang cho đời mà là những hoài bão gắn liền với khổ đau dân tộc.

Con người đó, vượt trên mọi tư duy Đời-Thường, đã lặng lẽ ngồi trong góc tối, trong cõi-riêng đời mình để hoàn thành Huyền Thoại Duy Ma Cật, chạm tới vĩnh cửu ngay trong khoảnh khắc ta-bà, tựa câu kinh Pháp Cú:

“Như tảng đá kiên cố

Không gió nào lay động

Cũng vậy, giữa khen chê

Người trí không giao động”

Diễn giả thứ tư là lời nhà xuất bản cuốn HTDMC, T.T Thích Nguyên Siêu. Thượng Tọa khẳng định rằng, con đường Giáo dục Phật-Việt là thành trì bảo vệ và tài bồi nền Văn hóa của dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua, và sẽ còn mãi mãi ngàn sau. Cũng theo TT, sự tham dự nồng nhiệt, đông đảo của Chư Tôn Đức Tăng, Ni và đồng hương, Phật tử hôm nay nói lên niềm ưu tư chung về trọng điểm phát huy nền Văn hóa tự trị.

Tới đây thì nhân viên nhà hàng đang tuần tự mang tới những món chay tinh khiết, được trình bầy mỹ thuật. Đây cũng là thời điểm bước sang phần hai của chương trình. Đó là phần Thơ Nhạc đạo vị.

Đêm nay, người nghệ sỹ mà đại đa số khán thính giả mong được thưởng thức tài nghệ là nam danh ca Tuấn Ngọc. Cảm nhận như thế nên anh là người mở đầu phần Thơ Nhạc.

Người nghệ sỹ nào cũng mang theo hành trang là những tác phẩm đắc ý quen thuộc và thường trình diễn, hoặc được yêu cầu những tác phẩm đó. Thật bất ngờ và thật cảm động khi Tuấn Ngọc tiết lộ rằng, bản nhạc đầu tiên anh sẽ trình bày là một bài thơ trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn của Thầy Tuệ Sỹ. Đó là bài Tống Biệt Hành mà nhạc sỹ Hoàng Quốc Bảo đã phổ thành ca khúc. Anh cũng xin phép khán thính giả cho anh được nhìn vào bản nhạc vì anh mới tập với ban nhạc có... mấy tiếng đồng hồ trước.

Âm thanh bát đũa im bặt khi người ca sỹ cất tiếng vút cao, chuyên chở giòng thơ bi tráng của một Người-Việt-Nam-Bất-Khuất:

“Một bước đường thôi, nhưng núi cao

Trời ơi mây trắng đọng phương nào

Đò ngang neo bến đầy sương sớm

Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?

Một bước đường xa, xa biển khơi

Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời

Thuyền chưa ra bến bình minh đó

Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi …”

Nói là mới tập, nhưng Tuấn Ngọc trình bày như đã từng trình bày từ muôn kiếp trước.

Phần ngâm thơ cũng xúc cảm vô cùng với giọng ngâm cô Bạch Hạc trong bài “Những năm anh đi”, giọng ngâm anh Vĩnh Tuấn trong bài “Phố trưa” và “Một bóng trăng gầy” giọng ngâm GS Kim Oanh trong bài “Tóc huyền” qua phần phụ họa đàn bầu, đàn tranh của Hải Yến, Kim Oanh và tiếng sáo réo rắt Hoàng Nhật Thành. Tất cả những bài thơ này đều trích từ thi phẩm GMTS của Thầy Tuệ Sỹ.

Trong khi khán thính giả còn bùi ngùi với âm thanh diễn tả như tiếng nấc của anh Vĩnh Tuấn ở câu thơ cuối, bài Phố Trưa “Người yêu cát bụi quê mình là đâu?” thì loáng thoáng đó đây có tiếng yêu cầu Thầy Tâm Hòa ngâm bài thơ Khung Trời Cũ, bài thơ mà ai biết đến thi phẩm GMTS không thể không thuộc dăm câu.

Tiết mục ngoài chương trình này là điều ngạc nhiên đối với tôi vì Thầy Tâm Hòa ngâm thơ “tuyệt” quá! (Thưa thầy, nói thế không phải vì con tưởng thầy ngâm không tuyệt, mà ngạc nhiên vì thầy đa tài quá). Muốn tận dụng sự thâu nhận của nhĩ căn nên tôi chỉ nghe mà không nhìn Thầy trình diễn. Chỉ nghe thôi, đã cho tôi nghe thấy tiếng mái chèo khua nhẹ trên giòng sông Nhị của thiền-sư Pháp-Thuận đời vua Lê Đại Hành, vị thiền-sư đã hóa thân làm ông lái đò đưa sứ Tầu qua sông, đem lại niềm ngưỡng phục của Bắc phương đối với đất phương Nam nhỏ bé.

Mái chèo khua nước năm xưa đang vỗ lên những đợt sóng bùi ngùi lịch sử:

“…Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn”

Trong khi khán thính giả đang bâng khuâng với hồn thơ bất tận thì Thầy Tâm Hòa kéo về thực tế hiện thực bằng cách giơ cao bao thư đã cầm sẵn trên tay. Đây là số tịnh tài mà Chư Tôn Đức hiện diện vừa đóng góp để yểm trợ vào quỹ sinh hoạt của Hội DWC. Kẻ viết bài không nhớ hết chi tiết “mạnh thường quân” nhưng hầu như Chư Tôn Đức đều đồng lòng yểm trợ. Con số có thể nhớ là mười lăm ngàn mỹ kim từ Hòa Thượng Nguyên Trí, chùa Bát Nhã. Bao thư “khá nặng” được trao thẳng tới tay thủ quỹ của DWC. Phía dưới, đồng hương Phật tử cũng noi gương, xôn xao ký tên yểm trợ vào những bì thư để sẵn trên mỗi bàn rồi tùy tâm, hoan hỷ bỏ vào.

Thầy Tâm Hòa bước xuống, nhưng sân khấu đã không bỏ trống một giây nào. Và đây lại là một tiết mục bất ngờ. MC thưa rằng, có một vài vị xin nêu đôi lời thắc mắc về tình trạng Phật Giáo Việt Nam. Ban Tổ Chức chấp nhận ngay, chỉ xin giới hạn thời gian vì chương trình còn dài. Không những chấp nhận ngay, BTC còn mời những vị muốn hỏi, lên sân khấu cầm micro, hỏi trực tiếp, và cung thỉnh HT Thích Nguyên Hạnh từ bi trả lời cho. HT cũng hoan hỷ nhận lời ngay. Sự việc xảy ra quá nhanh, sắp xếp quá gọn gàng trong tinh thần trong sáng, thẳng thắn, minh bạch khiến toàn hội trường đồng loạt vỗ tay.

Hỏi: Gần đây, dư luận có thư nặc danh thắc mắc rằng, trong Đại Hội Phật Giáo năm 2006 tại Việt Nam, tại sao HT Nguyên Hạnh lại gửi bài về tham dự?

Đáp: Không phải là Đại Hội Phật Giáo mà là cuộc Hội Thảo Quốc Tế về Phật Giáo trong thời đại mới. Ban tổ chức đã gửi thư mời nhiều tu sỹ, học giả, giáo sư trên khắp thế giới về tham dự. Tôi cũng nhận được thư mời nên chỉ gửi lá thư cám ơn và xin lỗi không thể tham dự được. Nhưng trong thư này, tôi cũng góp vài ý kiến. Một, trong những ý kiến đó là, một tôn giáo gắn bó với dân tộc trong 2000 năm mà không có được cơ cấu Giáo Hội độc lập để nói lên tiếng nói của mình thì đó là điều mà người Phật tử Việt Nam khó có thể cam tâm chấp nhận. Vì vậy, tôi hy vọng qua cuộc Hội Thảo này, quý vị sẽ cởi bỏ những sợi giây oan nghiệt từng trói buộc Phật Giáo bấy lâu nay.

Những lời nói như thế, CSVN không chống thì thôi, chứ những người nhân danh chống Cộng ở xứ Tự Do này lại chống là chống cái gì?

(Tiếng vỗ tay kéo dài, dù câu hỏi tiếp đã cất lên)

Hỏi: Xin Thầy cho biết về Đại Hội Phật Giáo Về Nguồn ở Canada. Có dư luận cho rằng quý Thầy là Đại Hội quốc doanh, họp để chống đối GHPGVNTN ở quê nhà.

Đáp: (cười nhẹ) Không có cái gì gọi là ĐHPG Về Nguồn cả, mà chỉ có Ngày Về Nguồn được tổ chức lần đầu ở Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân Canada. Ngày này cũng đã được sự đồng thuận của Chư Tôn Đức tham dự, là sẽ tiếp tục tổ chức hàng năm, tuần tự ở mỗi nơi trên khắp thế giới vì đây là niềm hoài vọng của Tăng lữ VN nói riêng, và đồng bào Phật tử, nói chung, từ khi lưu lạc xứ người, chưa định được một ngày cùng nhau trở về hàn huyên.

Đó là ngày về, cùng quỳ dưới chân Chư Phật, cùng ôn lời Phật dạy để soi sáng, sách tấn cho nhau. Đó là ngày về, cùng quỳ dưới chân Chư Tổ, cảm niệm ơn ân sư bao đời đã dìu dắt, che chở ta trên giòng nghịch lưu. Đó là ngày về của những đứa con trong gia đình, lưu lạc muôn nơi, hẹn nhau về ngôi Từ-đường để cùng ôn lại ơn đức Tổ Tiên, Ông Bà …..

Tôi thực không hiểu nổi, những việc làm như vậy, sao gọi là quốc doanh, là CS? Mình sống không có cội nguồn, Tổ Tiên, Ông Bà ư?

(Hội trường thinh lặng mấy giây khi Thầy nghẹn ngào, hỏi như thế, rồi tiếng vỗ tay mới đồng loạt vang lên)

Hỏi: Thưa Thầy, con đã đọc hầu hết những văn thư cùng các dữ kiện quanh vấn đề khủng hoảng trong GHPGVNTN. Trước thực trạng tả tơi như vậy, phải làm gì để hàn gắn, xóa dị biệt, hầu giúp Phật tử có niềm tin vào Giáo Hội?

Đáp: Cuộc khủng hoảng trong GHPGVNTN, xin để GH trả lời. Ngay tại Houston này, quý vị có thể đến hỏi HT Hộ Giác. Còn câu hỏi làm sao hàn gắn đổ vỡ thì theo tôi, người con Phật hãy trầm tĩnh lắng nghe lời Phật dạy. Phật từng dạy rằng:

Hãy đừng vội vàng tin vào bất cứ điều gì, dù điều đó đã được truyền tới cho hàng ngàn người nghe.

Hãy đừng vội vàng tin vào bất cứ điều gì, dù điều đó được nói ra từ người quyền uy tột đỉnh.

Hãy đừng vội vàng tin vào bất cứ điều gì, dù điều đó được loan truyền từ ngàn xưa.

Hãy thận trọng quán chiếu, gạn lọc, xét suy trong trạng thái sáng suốt của tâm rồi hãy lần tìm cho mình câu giải đáp.

Quả thật, ngay những lời Phật dạy, Phật cũng ân cần nhắc nhở, là chớ vội tin ta, hãy tự suy ngẫm đi đã.

Để chấm dứt phần thắc mắc, Thầy từ bi dặn dò, là Phật tử, hãy giữ niềm tin ở nơi Phật Pháp vì thế gian dù có điên đảo đến đâu, dù những khủng hoảng hôm nay có làm đỗ vỡ đến như thế nào thì Phật Pháp vẫn là Giáo pháp chân thật của muôn đời; là Phật tử hãy nên phát nguyện, xin cho chúng con không bao giờ đánh mất Bồ Đề Tâm, vì có Bồ Đề Tâm thì làm việc gì cũng là việc của Phật. Không có Bồ Đề Tâm thì việc nào cũng là việc của ma.

Thầy Nguyên Hạnh bước xuống trong sự cảm kích của cả hội trường. Những người đặt câu hỏi cũng chắp tay, cung kính.

Phần văn nghệ tiếp nối với một ngạc nhiên nữa cho người thưởng ngoạn là nhạc sỹ Duy Thành, vừa phổ bài thơ Nhớ Dương Cầm trong thi phẩm GMTS và vừa đàn, vừa hát, diễn tả trọn vẹn tinh thần giòng thơ:

“…Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi

Vùng đất đỏ, bàn chân ai bối rối

Đạp cung đàn, sương ứa đọng vành môi …”

Xen giữa chương trình thơ nhạc là những bao thư tới tấp gửi lên BTC. Vô danh, hữu danh, con số yểm trợ có khác từ hàng chục, hàng trăm, tới hàng ngàn, nhưng tấm lòng thì như MỘT. Giữa chương trình mà con số được loan báo đã lên tới hơn ba mươi bẩy ngàn. Trong khi nam danh ca Tuấn Ngọc “cúng dường” tất cả những bài được yêu cầu thì chị thủ quỹ túi bụi làm toán cộng, nâng con số lên gần năm mươi ngàn.

Tôi không nghĩ cần tường thuật thêm gì nữa. Những diễn tiến đêm nay đã tự nói lên những gì đáng nói.

Chỉ khi ra về, thấy mấy nhân viên bảo vệ an ninh còn lảng vảng quanh khu phố, tôi mới nhận ra là suốt chương trình, tôi đã quên hẳn họ. Vì như lời chị Viên Minh, đại diện BTC cảm tạ quan khách “Suốt mấy tiếng đồng hồ qua, không gian này đã tưới tẩm đầy ắp hương Đạo Vị …”

Hẳn là sau khi nhận thù lao mà chẳng phải làm gì, trên đường về, mấy nhân viên bảo vệ an ninh đều nghĩ “Sao những người Việt Nam này dễ thương thế!”

(Houston 04 tháng 11/2007)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2015(Xem: 4757)
Một trong tôn giáo cổ xưa Có thầy tu nọ rất ưa tế thần Tuy ông nổi tiếng xa gần Nhưng mà mê muội tâm thần nhiều thay. Một hôm ông chọn dê này Cho rằng thích hợp, giết ngay tế thần Nghĩ suy lầm lạc vô ngần:
25/01/2015(Xem: 6733)
Tác phẩm Một Đóa Sen, được diễn nói về vận hành tầm sư học đạo của Sư bà Thích Nữ Diệu Từ, thật là gian truân trăm bề, được thấy từ khi mới vào “Thiền Môn Ni Tự” ở các cấp Khu Ô Sa Di, Hình Đồng Sa Di, ứng Pháp Sa Di và Tỳ Kheo Ni ở tuổi thanh niên mười (10) hạ lạp rồi, mà vẫn còn gian nan trên bước đường hành hoạt đạo Pháp. Nhưng Sư bà vẫn định tâm, nhẫn nhục , tinh tấn Ba la mật mà tiến bước lên ngôi vị Tăng Tài PGVN ở hai lãnh vực văn hóa quốc gia và Phật Giáo Việt Nam một cách khoa bảng. Nếu không nói rằng; tác phẩm “Một Đóa Sen và Pháp thân” của Sư bà Diệu Từ, là cái gương soi cho giới Ni PGVN VN hiện tại và hậu lai noi theo…
24/01/2015(Xem: 4917)
Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân. Chẳng ai biết chắc lão có gia đình, nhà cửa ở đâu hay không. Nhưng người ta có thể đoán chiếc thuyền con ấy chính là nhà của lão, vì lão phơi thuốc, xắc thuốc, nấu thuốc ngay trên đó. Trên thuyền không còn ai khác. Ban đêm, thuyền của lão neo ở đâu không ai biết, nhưng sáng sớm thì thấy lù lù xuất hiện trên sông hoặc nơi bờ cát. Lão già đến và đi, một mình. Mỗi ngày xách cái túi nhỏ rời thuyền, thường là đi hái thuốc trên núi, ven rừng, bờ suối, có khi vào làng chữa bệnh cho bá tánh rồi ghé chợ mua vài thứ lĩnh kĩnh.
21/01/2015(Xem: 10169)
1. Chân như đạo Phật rất mầu Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân, Hiếu là độ được song thân Nhân là cứu độ trầm luân muôn loài. 5. Thần thông nghìn mắt nghìn tay Cũng trong một điểm linh đài hóa ra,
16/01/2015(Xem: 3674)
Sau 30-4-75, tất cả giáo chức chúng tôi đều phải đi học tập chính trị trong suốt 3 tháng hè mà họ gọi nôm na là "bồi dưỡng nghiệp vụ". Một buổi chiều sau mấy ngày "bồi dưỡng", tôi đạp xe lang thang qua vùng Trương minh Giảng, tình cờ gặp Báu - một người học trò năm xưa, rất xưa, đang ngơ ngẩn đứng trước cửa nhà. Dừng xe đạp, tôi chào: - Báu hả? Phải em là Trương thị Báu không? Có nhớ ra cô không? Báu giương mắt nhìn tôi, nhìn đi nhìn lại rồi nghiêng đầu lại nhìn...Em không nhớ nổi... Tôi đã thoáng thấy được một tâm thần bất thường qua thần sắc cũng như qua đôi mắt trống rỗng vô hồn!
16/01/2015(Xem: 4885)
Năm 1954 ông Thiện khăn gói đùm đề đưa mẹ, vợ và hai đứa con gái xuống con tàu há mồm vào Nam.Trên bờ, Thụ, người em trai của ông còn đưa tay vẫy vẫy. Đêm hôm qua, ông và người em trai bàn rất nhiều về chuyến ra đi này.Người em nói: - Đất nước đã hòa bình, độc lập, anh nên ở lại, dù gì cũng là nơi chôn nhau cắt rốn.Vào Nam xứ lạ quê người, chân ướt chân ráo trăm bề khổ sở... Ông Thiện đã trả lời em:
15/01/2015(Xem: 5102)
Trong cả thành phố này, anh chị chỉ có tôi là chỗ thân nhất, vừa là thầy vừa là bạn. Buổi sáng anh gọi phone bảo trưa nay đến đón tôi về nhà dùng cơm cho vui. Hôm nay là sinh nhật của thằng Alexander con một của anh chị.
14/01/2015(Xem: 7886)
Tiếng Hồng chung Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang nói riêng và các chùa trong thành phố Nha trang nói chung, sớm khuya ai cũng có thể nghe được, nhưng nghe để “Trí tuệ lớn” và “Bồ-đề sinh” thì tùy theo “phiền não” của đối tượng nghe có vơi nhẹ hay không? Riêng với nhà văn Võ Hồng, qua tác phẩm “Tiếng chuông triêu mộ” cho thấy Trí tuệ và Bồ đề của ông sanh trưởng tốt. Nhưng nhân duyên như thế cũng chưa đủ, ông là giáo sư của PHV, của trường Bồ Đề, là thiện tri thức của các bậc cao Tăng ở đồi Đông và đồi Tây non Trại Thủy. Có thế mới có truyện ngắn “Cây khế lưng đồi”, có tùy bút “Con đường thanh tịnh”. Thưa thầy Võ Hồng, chừng ấy đủ rồi, đủ cho PHV đi vào lịch sử văn học, đủ cho 100 năm sau, 1000 năm sau hay nhiều hơn thế nữa, nhìn thấy PHV uy nghi như một Linh Thứu thời Phật và cũng cho thấy các bậc cao Tăng Miền Trung nói riêng xứng đáng là những Sứ giả Như Lai đầy trách nhiệm đối với sự trường tồn của Phật giáo Việt Nam.
09/01/2015(Xem: 4286)
Tháng 10 năm 1962, TT Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái… nhờ Tôi đi công tác Vũng Tàu, Tôi đi chuyến xe đò lúc 8g30 sáng, xe chạy vừa khỏi hãng xi-man Hà Tiên, thì có 3 người đón xe. Anh tài xế nói với tôi : “Thầy vui lòng xuống hàng ghế phía dưới để cho “mấy cha”ngồi, vui nghen Thầy”! Tôi lách mình qua khoản trống thì có 2 vị đưa tay đón và đở nhường chỗ ngồi còn nói lớn: “Ngộ ha, cha quí hơn Thầy “! Tôi sợ gây chuyện không vui, nên đưa tay và lắc đầu xin yên lặng. Vì đương thời bấy giờ bóng dáng của các áo đen có nhiều sát khí thế lực! Nhưng, Mộc dục tịnh, nhi phong bất đình 木欲淨而風不亭.Xe chạy êm ả, gió lùa mát rượi.
26/12/2014(Xem: 13578)
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk". Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn đời, đời Thầy Yogavacara Rahula. Nhưng thay vì đọc lại, tôi quyết định dịch vì biết rằng dịch thuật là phương pháp hay nhứt để hiểu tác giả một cách trọn vẹn. Vả lại, nếu dịch được ra tiếng Việt, nhiều Phật tử Việt Nam sẽ có cơ duyên chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Thầy Rahula hơn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]