- 01. Những giọt thầm trong cơn mưa đêm qua
- 02. Tình cờ nắng phai
- 03. Vị đạo sư tối thượng
- 04. Đi tìm quê hương
- 05. Bên kia sông
- 06. Hành trình về phương đông
- 07. Vá áo chép kinh
- 08. Viết trên cát
- 09. Sân khấu lịch sử
- 10. Người đưa thư không trở lại
- 11. Lòng sông cạn
- 12. Người giao hàng cần mẫn
- 13. Cây lá và con người - thảnh thơi và phiền não
- 14. Đi ngang trời thái không
- 15. Ngát hương mùa khai hạ
- 16. Món quà của vua Ma-kiệt-đà hiến tặng đức Phật
- 17. Mặc
- 18. Thiên Nhị Bá Ngũ Thập
- 19. Dòng sông và giọt nước
- 20. Trăng Sao Xóm Mới
- 21. Hồ sen và ao rau muống
- 22. Đồi gió thơm
- 23. Nhất tự vi sư
- 24. Tâm Nguyệt
- 25. Con đường thăng hoa tâm linh
Huệ Trân 2008
California mới đầu tháng sáu mà nắng hè đã vội vã vàng rực, như chẳng thể đợi chờ, khi những cơn mưa nhẹ còn sót lại từ mùa xuân muộn, cứ nấn ná, nuối tiếc chưa đi.
Chúng tôi, tăng ni và Phật tử chùa Phật Tổ lái xe lên, xuống từ Long Beach tới chùa Phật Đà, San Diego để thỉnh ý Thượng Tọa viện chủ về hình thức trang trí hoa quả trong khóa An Cư Kiết Hạ sẽ được tổ chức tại chùa Phật Đà từ ngày 16 tháng 6 tới 22 tháng 6 năm 2008.
Tháng sáu, tại Ấn Độ là mùa mưa, các loài côn trùng phải trồi lên mặt đất để tìm sự sống, trong khi các tăng sỹ vẫn không ngừng đi khắp đó đây hoằng pháp. Chính tình trạng này đã khiến Đức Thế Tôn khởi lòng từ bi lân mẫn muốn cứu sự sống của bao côn trùng bé nhỏ, khỏi bị dẫm đạp, đồng thời, ấn định thời gian nghỉ ngơi cho tăng đoàn, mà An Cư Kiết Hạ đã trở thành Luật Phật.
Sự nghỉ ngơi của các trưởng tử Như Lai, tất nhiên không phải là sự nghỉ ngơi của đời thường. Sự nghỉ ngơi này quý từng phút giây vì đây chính là thời gian để tăng đoàn thúc liễm thân tâm, kiểm điểm quá trình tu tập và trao đổi những phương thức giúp nhau vượt qua nghịch duyên, khi gặp phải.
Qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, truyền thống đẹp đẽ này đã được các trưởng tử Như-Lai nghiêm chỉnh thực hành, dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào.
Năm nay, chùa Phật Đà thuộc thành phố San Diego miền Nam California do Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu trụ trì đã nhận lãnh vinh dự này, với sự bảo trợ của Như-Lai thiền tự, chùa Vạn Hạnh, tịnh xá Ngọc Minh và chùa Phổ Quang ở cùng thành phố.
Một ngày, trước khi khai hạ, chúng tôi đã hoàn tất trách nhiệm được giao phó, là hoa lan và trái cây được trang trọng trưng bầy khắp nơi. Thầy trụ trì rất hoan hỷ, ân cần bắt chúng tôi phải ăn cơm rồi mới cho ra về. Riêng tôi, không thể không hỏi Thầy một điều băn khoăn từ khi biết trường hạ năm nay sẽ ở chùa Phật Đà.
- Thưa Thầy, Chư Tôn Đức Tăng Ni về nhập hạ sẽ nghỉ ở đâu?
Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn vì nhập hạ ở đâu thì nghỉ ở đấy, sao phải hỏi! Nhưng tôi vẫn thường đến thăm chùa Phật Đà nên biết là ít phòng ốc lắm!
Thầy nhìn tôi, mỉm một nụ cười an nhiên tự tại:
- Con nhớ phẩm “Hóa Thành Dụ” trong kinh Pháp Hoa không?
Thầy chỉ nói thế.
Vâng, tôi nhớ. Đó là Phẩm Thứ Bẩy trong kinh Pháp Hoa.
Khi đoàn hành giả quá mệt mỏi trên đường cầu đạo, họ nản chí, sắp bỏ cuộc thì vị Đạo-sư hướng dẫn, có nhiều sức phương tiện đã an ủi rằng “Cố gắng đi, sắp tới một thành phố rộng rãi mát mẻ, có đầy đủ đồ ăn thức uống rồi.” Và, để biến lời an ủi thành sự thật, đi thêm một đoạn ngắn nữa thì Đạo-sư đã phương tiện mà biến hóa ra nơi chốn lý tưởng đó. Tuy thành phố đó chỉ hiện ra nhờ phương tiện, nhưng vì lòng tin sẽ được nghỉ ngơi mà đoàn lữ hành hăng hái đi tiếp.
Biết đâu, vị Đạo-sư năm xưa cũng đang trên đường tới chùa Phật Đà. Và ngày mai, phòng ốc sẽ đầy đủ để tiếp đón Chư Tôn Đức Tăng Ni khắp nơi về nhập hạ.
Sáng thứ hai 16 tháng 6 năm 2008, khi chúng tôi trở lại chùa Phật Đà thì mặt trời đã đứng bóng. Từ trước hai block đường, cư dân địa phương đã cảm nhận không khí của một ngày hội lớn. Từng đoàn xe nối nhau, quẩn quanh tìm chỗ đậu, từng nhóm Phật tử áo lam hớn hở chào nhau, cùng tiến về cổng chùa. Rồi những tình nguyện viên đi đón quý Chư Tôn Đức ở xa tới, tấp nập ngừng xe để quý ngài xuống, mang đến bao tiếng reo vui mừng rỡ của Phật tử khi được gặp lại những vị tôn túc khả kính.
Vốn không xa lạ với chùa Phật Đà, chúng tôi tự đi tìm xem chỗ nghỉ ở đâu.
Thì đây.
Sân sau đã được căng thành lều và giường sắt 2 tầng được sắp khít khao trong đó. Tôi nhẩm đếm cũng có đến hơn 50 giường.
A! thì ra “Hóa Thành Dụ” là đây rồi. Hôm qua mới là cái sân sau khiêm nhường, trơ trụi; hôm nay đã thành dẫy “nhà lầu” tươm tất.
Sau đó thì tôi được biết, những ngôi chùa và tự viện nhận lời tiếp tay chùa Phật Đà tổ chức trường hạ năm nay đều đã chuẩn bị chu đáo để tiếp đón một số Chư Tăng Ni về nghỉ ngơi, sau mỗi ngày sinh hoạt tại chùa Phật Đà, và sáng sớm hôm sau lại đưa quý ngài về lại trường hạ.
“Hóa Thành Dụ” cũng lại là đây! Thật là mầu nhiệm.
Danh sách Chư Tôn Đức Tăng Ni về nhập hạ, khởi đầu là 175 vị. Con số này tăng lên từng giờ, trong mấy ngày cuối, trước khi khai hạ. Và hôm nay, ngày đầu tiên của khóa hạ An Cư 2008 thì con số đã là 202 vi, gồm 16 Chư Hòa Thượng, 17 Chư Thượng Tọa và 169 Chư Đại Đức Tăng Ni.
Buổi chiều, sau khi dược thực thì buổi họp tăng Cung An Chức Sự đã được Chư Đại Tăng điều hợp ngay tại trai đường.
Chúng tôi ghi nhận kết quả sơ khởi:
Thiền chủ: H.T thượng Thắng hạ Hoan
Phó thiền chủ: H.T. Thích Trí Chơn, H.T. Thích Phước Thuận, HT Thích Minh Tuyên
Tuyên luật sư: HT Thích Trí Chơn
Hóa chủ: TT Thích Nguyên Siêu, HT Thích Minh Hồi
Chúng trưởng Tăng: TT Thích Hạnh Tuấn
Chúng trưởng Ni: NS Thích nữ Minh Huệ
Ban Nghi Lễ: HT Thích Phước Thuận (trưởng ban)
Ban Giáo thọ: HT Thích Thắng Hoan, HT Thích Trí Chơn, HT Thích Tín Nghĩa, HT Thích Nguyên An, HT Thích Nguyên Trí, HT Thích Minh Tuyên, TT Thích Minh Mẫn, TT Thích Hạnh Tuấn, TT Thích Minh Hạnh.
Tác bạch cúng dường: ĐĐ Thích Hạnh Đức, ĐĐ Thích Tín Mãn.
Đặc biệt, Thượng Tọa Thích Nhật Trí đã được Chư Đại Tăng đề cử làm Điều Hợp Viên, hầu như trong mọi chương trình của toàn khóa an cư.
Đồng thời, tất cả các Tiểu Ban cũng đều được Chư Tôn Đức Tăng Ni phối hợp trong tinh thần Lục Hòa nên đã đúc kết nhanh, gọn và vô cùng vui vẻ.
Ngày đầu tiên của khóa An Cư Kiết Hạ 2008 đã được toàn chúng tuân hành nghiêm chỉnh theo lịch trình tu học từ 4:30 sáng đến 10:00 tối với pháp thực sung mãn như tọa thiền, công phu, thảo luận Phật pháp, Lạy Hồng Danh, tụng Thủy Sám, thảo luận của Chư Tôn Đức Tăng Ni; và đặc biệt, theo lời thỉnh cầu của Phật tử, mỗi tối, lúc 8 giờ, Chư Tôn Đức sẽ thuyết pháp với những đề tài giúp người con Phật nhận ra bản tâm, chuyển hóa nghiệp chướng để tinh tấn, dũng mãnh đi trên Đường Trung Đạo.
Trước những giờ Quá Đường, Tụng Kinh, Tọa Thiền v…v… dân chúng địa phương lại sửng sốt, chứng kiến khung trời Phật Đà bỗng rực vàng vì những tà y Như-Lai tung bay trong gió. Phật tử thì chắp tay cung kính, tưởng đến phẩm “Tùng Địa Dũng Xuất” là phẩm đẹp nhất trong kinh Pháp Hoa khi các vị Bồ Tát phát nguyện trước Đức Thế Tôn là các vị sẽ tình nguyện ở lại Ta Bà để truyền thừa Kinh Pháp Hoa. Lời phát nguyện này chính là cơ duyên để Đức Thế Tôn cho chúng sanh biết là Ngài có mặt ở cõi Ta Bà chỉ là thị hiện; thực chất, Ngài bất sanh bất diệt nên hàng Bồ Tát mà Ngài đã giáo hóa từ vô lượng kiếp nhiều không thể tính đếm, nên không cần thêm nữa. Để chứng minh lời xác quyết này, Ngài đã dùng thần lực làm mặt đất rúng động, nứt ra; vô vàn vị Bồ Tát thân rực rỡ như vàng ròng từ đó trồi lên, trụ trên hư không, phát lời vi diệu tán thán Đức Thế Tôn.
Kinh Phật thường dạy “Giữ ý, buông lời”. Nếu biết nhìn bằng tuệ nhãn, có lẽ chúng ta cũng có thể thấy không ít Bồ Tát quanh ta vì Bồ Tát luôn vì khổ đau chúng sanh mà thị hiện.
Với sự hiện diện của hơn hai trăm Chư Tôn Đức Tăng Ni và đông đảo Phật tử khắp muôn phương vân tập về trường hạ, thì thời gian bẩy ngày sắp tới tuy ngắn ngủi nhưng chắc chắn sẽ làm sống dậy tinh thần An Cư Kiết Hạ mà Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết, để hàng trưởng tử Như Lai thể hiện tinh thần Lục Hòa, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giới đức và thể hiện tình thương nuôi lớn muôn loài.
NAM MÔ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT
16 tháng 6/2008 – 22 tháng 6/2008)