Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Bức Tranh Phù Thủy

28/08/201117:10(Xem: 2698)
07. Bức Tranh Phù Thủy

Diệu Nga
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003

Bức Tranh Phù Thủy

Khuôn viên trường đại học Stanford miền Bắc tiểu bang California đang mở cửa đón khách yêu hội họa. Mùa thu vừa mới bắt đầu với nắng tơ tha thướt trong hơi lạnh còn nên thơ. Thiên nhiên đã tô màu lá nửa vàng nửa đỏ trên những hàng cây hai bên đường dẫn vào khu triễn lãm.
Thiều có cảm tưởng mùa Thu năm nay vừa biểu dương sự kiêu hãnh vừa bày tỏ nét sầu bi của nhân dân Mỹ sau vụ khủng bố kinh hoàng ở New York vào tháng chín vừa qua.
Khách đến đây chẳng phải chỉ để ngắm tranh suông. Đa phần tranh này sẽ được bán đấu giá vào tuần sau; tất cả số tiền thu được sẽ tặng cho American Red Cross và United Way, hai cơ quan từ thiện lớn của Mỹ đang dẫn đầu công tác cứu trợ, giúp đỡ gia đình các nạn nhân.
Mới 11 giờ, phòng tranh đã đông đặc người, những kẻ đến sau còn xếp hàng thật dài ngoài sân. Thiều công nhận con gái mình có lý khi nó bảo nên đi sớm nhưng thói quen thức dậy trễ vào cuối tuần đã khiến chàng còn đứng chôn chân nơi đây.
Trâm Anh đang là sinh viên năm thứ ba ngành y ở đây nên Thiều có dịp tham dự nhiều sinh hoạt thể thao, văn nghệ của trường. Con gái anh thật tế nhị trong cách săn sóc, nâng đỡ tinh thần của cha mình, người cha cô đơn, góa vợ sớm.
Bốn mươi tuổi, lứa tuổi dồi dào nhựa sống, nhiều nghị lực để phấn đấu với đời. Vậy mà nửa đường, nàng lặng lẽ ra đi. Chỉ khi nào phải đưa tiễn kẻ thân yêu ra nghĩa trang, người ta mới thấm thía sự vô thường của cuộc sống, của kiếp người. Đôi khi, Thiều muốn buông trôi tất cả: chức vụ, giàu sang nào có nghĩa gì đâu…
Nhưng dần dần rồi cũng nguôi ngoai, cũng quen với những buổi đi về vắng vẻ. Ba năm rồi còn gì! Trâm Anh khuyến khích và hướng dẫn cha trở lại những sinh hoạt trẻ trung của trường đại học, nơi một thời anh và vợ đã cùng gặp gỡ, gắn bó. Trâm Anh ngầm hi vọng nơi đây ba mình sẽ gặp được một người tri kỷ và ông sống vui hơn.
Song tự thâm tâm, Thiều biết mình không còn thích hợp nữa với những sinh hoạt thanh niên. Chàng cảm thấy lòng mình êm ả hơn vào những ngày đi lễ chùa, nhìn khói hương lan tỏa nhẹ nhàng nơi chánh điện, nghe tiếng chuông thanh thoát, giọng tụng kinh hòa điệu theo nhịp mõ thâm trầm…
Chàng thích tham dự những buổi giảng dạy Phật pháp, đây là một khung trời mới mẻ đầy kỳ hoa dị thảo. Trước đây, cũng nhờ Quang, người bạn học cũ vốn là cựu huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, hướng dẫn đến chùa cúng thất cầu siêu cho vợ vào mỗi chủ nhật nên anh được làm quen với cảnh chùa, những sinh hoạt Phật giáo và sách vở, giáo lý… Nhờ đó, Thiều biết đạo Phật không phải chỉ là hình thức nghi lễ tôn giáo. Càng khám phá, người ta sẽ càng kính ngưỡng hơn biển trí tuệ tuyệt vời không giới hạn của Như Lai…

… Hàng người với những gương mặt sáng sủa, hiền hòa, những cử chỉ khoan thai, từ tốn, lịch sự đang tiến thật chậm. Họ có thì giờ làm quen nhau, nói khe khẽ những câu chuyện nắng mưa thời tiết, sức khỏe. Họ không dám đề cập lại vết thương sâu hoắm ở New York, vết thương làm rúng động lương tâm loài người. Họ cũng không khoe khoang là vào đây xem tranh để chuẩn bị chi tiền trong cuộc đấu giá sắp tới. Họ làm việc thiện kín đáo, khiêm tốn khiến hành vi của họ trở thành cao cả hơn.
Cuối cùng rồi Thiều cũng vào đến bên trong. Phòng tranh chia làm ba khu vực: đầu tiên là những bức tranh cổ điển được vẽ lại trên nền canvas, vẽ rập khuôn theo những tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng: Claude Monet, Albert Bierstadt, VanGogh, Winslow Homer… Loại này được giới trung lưu trí thức ưa chuộng. Tiếp theo là khu dành riêng cho những họa phẩm Âu Mỹ hiện đại với những đường nét màu sắc bộc trực, trẻ trung và sau cùng là những tác phẩm Đông phương: những bức tranh Thiền vị Nhật Bản, Trung Hoa, những bức phong cảnh, chân dung mang màu sắc Á Đông.
Thiều vốn không có kiến thức nhiều về hội họa, chàng chỉ thưởng thức tranh theo cảm tính. Những bức tranh Thiền đơn sơ như đưa chàng về với sự thuần phác, giúp thần trí nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn…
Tiếp tục dòng thưởng ngoạn, chàng tiến đến góc bên trái, tận cùng của phòng triển lãm. Sự kinh ngạc làm tim chàng như lỗi nhịp trong một giây khi chàng vừa thoáng nhìn bức tranh.
Tranh vẽ người thiếu phụ yểu điệu trong chiếc áo dài Việt Nam màu tím hoa cà. Nàng đứng đó, như mơ mộng, tay vịn nhánh hồng đào nở rộ, thắm tươi trong khuôn viên chùa. Ánh sáng ấm cúng, vừa phải của những ngọn đèn trong phòng như tụ cả vào đây làm cho người mẫu linh động hơn; đôi mắt nàng thu hút một cách kỳ quặc, chôn chân khách.
Lạ hay quen? Hình ảnh nàng mơ hồ kỳ ảo như người trong mộng, tưởng chừng đã gặp nhau thuở nào… Họa sĩ hình như cố tình diễn tả những nét tương phản để tạo sự hấp dẫn: nàng không còn là thiếu nữ trẻ trung nhưng đôi môi xinh xắn mỉm cười và ánh mắt lóng lánh mùa Xuân khiến người ta không đoán được tuổi tác; màu tím đoan trang của tà áo làm dịu bớt sự rực rỡ của hoa anh đào. Mái tóc nâu nhạt được bới cao, khoe khuôn mặt trái xoan với một vài nét chấm phá của thời gian. Tóc mai rũ xuống, mềm mại như tơ liễu. Cảnh chùa tuy đông đảo, sống động với nhiều màu sắc của mùa Xuân nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm dưới nét bút của họa sĩ. Thiều tò mò cúi xuống đọc tên tác giả ký dưới bức tranh: Vân Du. “Chắc đây là một họa sĩ trẻ, mới xuất hiện.”
- Chào chú! Xin phép được tự giới thiệu, cháu là Vân Du.
- Ồ! Chính anh là tác giả của bức tranh “Ngày Xuân đi lễ chùa”! Tôi không ngờ họa sĩ trẻ đến thế! Thành thật khen ngợi.
Chàng thanh niên cười, hàm răng trắng phau, đẹp như con gái:
- Ở tuổi hai mươi thì ai cũng trẻ cả!
Biết anh chàng tránh né sự khen tặng, Thiều không tha:
- Nhưng tài năng thì không trẻ đâu nhé! Thế cậu vẽ được bao lâu rồi?
- Dạ, cháu còn đi học, chỉ vẽ nghiệp dư, tùy thích thôi, từ mấy năm nay.
- Tôi đoán cậu là sinh viên trường này.
- Dạ phải, ngành computer science.
Thiều gật gù khiến cho những sợi tóc ngả màu có dịp rủ xuống vầng trán rộng.
- Tôi hỏi câu này, nếu có hơi tò mò, cậu xí xóa cho nhé: Vì sao cậu lấy hiệu là Vân Du?
Đôi mắt trong sáng của chàng trai như ánh lên nụ cười:
- Cháu tên là Hải Vân. Ba cháu nói những nét vẽ của cháu lãng đãng như mây trong gió. Vì vậy cháu có bút hiệu Vân Du.
Thấy Hải Vân cởi mở, Thiều bậm gan hỏi dò:
- Trong bức họa có nhiều nhân vật nhưng hình như cậu chú tâm vẽ người thiếu phụ mặc áo dài tím.
- Vâng! Đó là hình ảnh của mẹ cháu. Bà hay đi chùa… Trí nhớ của Thiều chợt lóe lên một tia sáng. Thôi đúng rồi! Chàng đang tần ngần chưa kịp hỏi gì thêm đã có tiếng Trâm Anh léo nhéo sau lưng:
- Con tìm ba mãi! Ô hay, lại gặp anh Vân nơi đây! 
Chàng họa sĩ trẻ mỉm cười. Biết cô gái này lắm mồm, tốt hơn hết nên làm thinh. Nếu phác họa gương mặt cô này, Hải Vân sẽ vẽ một vòng tròn lớn với vành trăng lưỡi liềm cho nét môi.
Nàng liếng thoắng giới thiệu:
- Đây là anh Vân bạn cùng trường với con, một họa sĩ sẽ nổi danh.
Hải Vân lắc đầu chịu thua. Thiều biến câu đùa dai thành nghiêm chỉnh hơn:
- À, ba cũng nghĩ thế! Thôi nhé, xin chào cậu, chúc cậu sớm thành công. Bây giờ chúng tôi phải về.
Hai người đàn ông bắt tay từ giã. Khách dần dần tụ về góc phòng đông hơn, bức tranh khổ lớn của Vân Du có sức thu hút kỳ lạ. Tự nhiên Thiều cũng cảm thấy hãnh diện lây với chàng sinh viên Việt đáng mến.
… Mỗi tối thứ bảy, thay vì đi chơi ngoài cùng với các bạn trẻ, Trâm Anh thường rủ các bạn về nhà mướn phim, mời ba cùng tham dự. Nàng tuy liếng thoắng hay nói cười nhưng rất chú ý săn sóc cha.
Nhưng đêm nay Thiều than mệt, đi nghỉ sớm. Chàng muốn nằm im quay lại cuốn phim trong ký ức về hình ảnh kiều mị kia. Một chút xấu hổ thoáng qua.
“Sao lại thế? Người ta có chồng con!”
“Chẳng sao cả, chỉ là sự chiêm ngưỡng thuần túy vì cái đẹp thôi!”
Khoảng nửa năm trước, Thiều đã chợt thấy người thiếu phụ ấy thướt tha trong chiếc áo dài lụa màu khói lam ở sân chùa. Từ chánh điện ở trên cao nhìn ra, chàng có thể quan sát rõ. Dáng nàng thanh gầy như mai nhưng dịu dàng như liễu. Vạt áo lung linh nhuộm nắng vàng theo từng bước chân đài các. Nắng sớm mùa hạ soi sáng rỡ khuôn mặt xinh, tươi tắn.
Nàng xoay qua nói chi đó với người đàn ông đi bên cạnh - Thiều đoán là chồng - rồi hai người tiến về tượng đài Quán Thế Âm. Nhìn dáng điệu khoan thai và cử chỉ cung kính của nàng khi lễ lạy, Thiều biết đây là một Phật tử thuần thành.
Buổi thuyết pháp hôm ấy do hòa thượng L.T. chủ giảng, danh tiếng của người khiến giảng đường đông đảo khác thường. Nhưng tiếc thay, Thiều đã bị phân tâm vì cứ mong được nhìn thấy tận tường dung nhan ấy. Chắc chắn nàng đang cùng nghe, đang cùng thở không khí nơi đạo tràng này. Nhưng quả thật “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Hình ảnh mỹ miều ấy chỉ là một thoáng mây bay. Từ ấy đến nay, Thiều không hề được gặp lại, song một lần cũng đủ để nhớ mãi.
Chàng lại nghĩ đến bức tranh. Phải chăng đây là một sự tái ngộ đầy thú vị? Thiều quyết sẽ giành mua bức họa ấy cho bằng được. Cơ hội không đến hai lần.

***

Thiều run tay mở lớp giấy dầy phong kín bức tranh. Chàng nín thở, đứng lui lại để nhìn cho thật đã, như là đang khát, muốn ực hết ly nước lạnh trong veo.
Tự ái và lòng ước muốn thật thỏa thuê lúc người điều khiển đấu giá gõ búa xuống bàn tuyên bố Thiều thắng. Nhiều người đã giành mua bức họa này, đẩy giá lên cao mãi. Thiều sốt ruột trả đại mười ngàn, cách đối thủ một khoảng khá xa mức bình thường. Đây là số tiền lớn. Nếu con gái biết được, nó sẽ cằn nhằn lôi thôi.
“Mình có cách nói: tiền này đóng góp vào việc nghĩa!” Một chút xấu hổ thoáng hiện trong tâm: “ai ngờ từng tuổi này mà mình còn si mê người trong mộng!”
Có tiếng lách cách mở ổ khóa. “Trâm Anh về sớm quá, mình chưa kịp mang tranh lên phòng cho khuất mắt nó.”
Cô gái lên tiếng ngay khi vừa thấy Thiều:
- Con không ngờ ba thích bức tranh đến thế!
“Thôi rồi, nó biết hết mọi sự!” Thiều cố giữ im lặng, sự im lặng có tính cách dò xét và phòng thủ.
Trâm Anh vuốt mái tóc ngắn còn ướt mồ hôi. Nàng mệt lắm sau khi tập bóng rổ ở trường nhưng tin đấu giá tranh còn làm nàng mệt hơn. Vội chạy về nhà cho rõ trắng đen.
- Ba thích người mẫu hay thật sự thích tranh?
Thiều phóng một lối thoát:
- Ba nào quen biết với ai, sao con lại hỏi thế?
- Lúc sau này ba hay đi chùa, thế nào cũng có lần gặp! 
Buông một câu đùa, Thiều hi vọng không khí đổi khác:
- Ơ hay! Con gái ba hôm nay lạ nhỉ? Cứ như là thám tử điều tra.
Vốn sinh trưởng tại Mỹ, Trâm Anh có thói quen nói thẳng, cô không vì vị nể cha mà bỏ qua vấn đề khi mọi sự chưa sáng tỏ.
- Nếu quả ba chưa quen biết với bà ta, đó là cái may. Bà ấy lạ lắm! Ai mới quen mới gặp cũng mến mộ nhưng giao tiếp lâu ngày thế nào cũng mang họa vì bà. Nhóm bạn trẻ của con điêu đứng vì bà ấy đã nhiều. Tụi nó kêu là mụ phù thủy.
Thiều hơi chột dạ nhưng chưa vội tin:
- Sao có chuyện lạ vậy? Mà bà ta tên gì?
- Bà ấy tên K.X. Người ta quen gọi pháp danh D.M. hơn. Đến chùa nào trong vùng Bay Area này, hỏi D.M. ai cũng biết.
- Người hay đi chùa, tụng kinh, lễ Phật như bà, lẽ nào lại tệ?
Cô gái chắc lưỡi, rùn vai:
- Thật đó ba! Bà có bốn người con. Hải Vân là út. Bốn người con ấy có biết bao nhiêu là bè bạn, mà ai cũng sợ bà hết!
- Trong đó có con?
Cô gái hất mặt lên, đôi mắt long lanh cương quyết:
- Bả mà đụng con thì chưa biết thắng bại về ai. Tiếc là bạn thân của con đang đau khổ vì bà ta mà con thì không giúp được chi cả.
Thấy ba chú ý lắng nghe, cô cao giọng kể tiếp:
- Ba có thể tưởng tượng là các con của bà tuân lệnh mẹ vô điều kiện: vợ chồng đang ở với nhau – do chính bà cưới hỏi đàng hoàng - vậy mà bà bảo bỏ là phải bỏ; trai gái thương nhau, bà không hài lòng, phải chấm dứt ngay; bạn bè đang giao hảo thân thiện, hễ bà chen vào thì trở thành thù địch… Đại khái như thế đó, nên ai cũng ngán.
Dù biết tánh con không bao giờ đặt điều nói dối nhưng Thiều không thể tin ngay. Chàng nhướng đôi mày rậm, trề trề môi làm ra vẻ khôi hài để câu hỏi vặn của mình nhẹ nhàng hơn:
- Ái chà! Các con của bà đều có ăn học lại trưởng thành rồi, sao mù quáng tin nghe đến thế?
- Con sẽ chứng minh sự thật. Ba sẽ thấy tài năng quyền phép của bà, mặc ai đau khổ, mặc ai than van. Khi rõ ràng mọi sự, ba sẽ tính sao với bức tranh phù thủy ấy? Thật tình, con không muốn thấy “người hai mặt” ấy trong nhà, dù chỉ là hình ảnh thôi.
Thiều lặng thinh. Nếu sự thật quả y như thế, liệu chàng còn có thể yêu quí bức tranh này không? Người và ảnh, bên trong và bên ngoài, nghệ thuật và đạo đức, tôn giáo và con người… Những điều ấy có thể độc lập tách rời nhau không?
Liên tiếp những ngày sau đó, Trâm Anh mang về nhà nào là hình ảnh, thư từ, băng video để chứng minh lời nói của mình. Dù tin hay không, Thiều cũng bị ảnh hưởng. Chàng bị dằn vặt bởi những ý nghĩ mâu thuẫn, sinh ra bực dọc, không yên.

***

Ba tuần lễ trôi qua trong không khí ngột ngạt. Bức tranh vẫn còn im ỉm nơi góc phòng; Trâm Anh đã gói kín lại nhưng còn nể cha, không dám dẹp vào phòng trống dùng làm “kho” chứa các đồ vật linh tinh.
Dù sao nét vẽ của Hải Vân cũng đáng ngắm nhìn, nàng chỉ bực bội vì gương mặt, dáng dấp của bà ta thôi. Ba nàng thì lừ đừ như người bịnh, sau buổi cơm chiều là rút lên lầu. Bỗng nhiên ông trở nên im lặng, co ro. Cái già như đã rình rậm sẵn nơi đâu đó, nó ập tới vồ lấy ba lúc nào không ai hay. Những cơ thịt trên mặt đổ xuống, chảy dài sau làn da xám xịt. Đôi mắt đẹp đa tình của ông giờ đây quầng thâm với những tia đỏ xót xa. Môi thì trề xuống như một ông già lười ngậm miệng; tóc tai cũng không còn vén khéo, vài sợi tóc bạc chường ra ngoài một cách đắc thắng.
Có lần, trong bữa cơm, Trâm Anh ướm hỏi:
- Công việc trong sở làm của ba có bị trở ngại vì chiến tranh chống khủng bố không? 
- Ờ, thì ảnh hưởng chung mà, sở nào cũng giảm năng xuất.
- Ba liệu chừng cầm cự được không?
- Dù sao dược phẩm cũng thuộc về nhu yếu, không đến nỗi nào.
Vậy là đỡ một mối lo. Nhưng hình như bức tranh là tấm chắn ngăn cách hai cha con và làm ông xuống sắc thấy rõ…
Những cơn mưa cuối Thu gây ẩm ướt khó chịu thêm. Sự lạnh lẽo trùm lên cả hai người trong nhà. Trâm Anh mở nắp dương cầm, lướt nhẹ một bản nhạc quen thuộc nhưng nàng không thể chơi hết bài vì cảm thấy âm thanh rời rạc đến vô duyên.
Tình trạng này không thể kéo dài mãi được! Kỳ thi đã gần kề mà sự phân tâm khiến các công thức hóa học, những bài sinh vật dài lê thê không chịu ở yên trong trí nhớ. Trâm Anh nhắc điện thoại, kêu cứu với bác Quang nhờ bác rủ ba đi chùa như trước. Nơi bác Quang, nàng luôn luôn kính mến và tin cậy nên đã thổ lộ mọi điều. Bác là điểm tựa tinh thần, là liều thuốc giải sầu cho những ai trăn trở nỗi buồn riêng.

***

Sáng hôm nay trời nắng tốt, Thiều cảm thấy dễ chịu hơn. Chàng muốn chạy bộ một vòng, tắm mình trong nắng ấm để thấy mình vẫn còn sinh lực, vẫn còn sống… nhưng chợt nhớ lại cái hẹn với Quang, Thiều lo chuẩn bị sẵn ấm trà.
Quang là bạn cùng lớp với chàng ở Pétrus Ký, đang sửa soạn thi Tú Tài thì xảy ra biến cố 30 tháng 4. Mạnh ai nấy chạy tán loạn. Đâu ngờ rồi cũng gặp lại nhau chốn này. Quang sùng đạo lắm, thuở trung học, chàng đã vào Gia Đình Phật Tử, sang Mỹ vẫn tiếp tục hướng về con đường giải thoát. Đối với ai, Quang cũng niềm nở sốt sắng giúp đỡ và hễ có cơ hội, anh thường khuyên nhủ và hướng dẫn người khác đi vào Phật pháp.
Có tiếng chuông, Quang và một người bạn xuất hiện. Thiều đón họ bằng một nụ cười. Dáng người nhỏ nhắn, nét mặt hiền hòa, Quang lúc nào cũng tươm tất trong bộ quần áo đơn giản, thẳng nếp. Anh giới thiệu:
- Đây là anh Tâm, người bạn đạo thân nhất của tôi. Còn đây là anh Thiều, bạn học cũ, hiện là phó giám đốc công ty dược phẩm…
Thiều lắc đầu, ném cho Quang cái nhìn buồn:
- Anh biết tính tôi mà, sao hôm nay giới thiệu rình rang thế?
Tâm vừa bắt tay Thiều, vừa đở lời:
- Không giới thiệu thì tôi cũng đã biết, dù mới gặp anh lần đầu. Tôi nghĩ là anh Quang có dụng ý chi đây. Ông ấy “thâm” lắm anh ạ!
Sau câu nói đùa của Tâm, không khí trở nên tự nhiên thân mật hơn. Họ cùng tiến về phòng khách trang trí rất “formal” với bộ ghế da nâu đen, thật bóng, nằm trên tấm thảm Ba Tư sặc sỡ, dầy và mịn, hòa hợp với bộ màn vàng nâu sậm in bông tím li ti.
Quang chợt đưa đề nghị:
- Trời này mà được ra sân sau của anh, ngồi hưởng nắng ấm, ngắm vườn Nhật thì nhất!
Chủ nhà hớn hở ra mặt. Họ cùng mang bộ đồ trà, bánh ngọt bày trên cái bàn mây tròn có bốn ghế xây quanh. Tâm hơi ngẩn người. Anh lặng ngắm vẻ đẹp thanh tao của bụi trúc vàng óng ả trên nền sỏi trắng phau. Bãi cỏ vẫn xanh rờn trong tiết thu. Cây Japanese maple với dạng yểu điệu Phù Tang đang phơi bày những chòm lá đỏ tía còn nấn níu trên cành. Giòng thác trên hòn non bộ ở góc vườn đang tuôn nước trắng xóa, âm thanh êm đềm. Nắng tràn ngập, lọt qua mái nhà lục giác đan bằng trúc, chảy xuống thành những sợi ánh sáng ấm áp, dịu dàng. Cả ba đã yên vị dưới mái nhà lâm râm bóng nắng, Tâm buột miệng:
- Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu anh Thiều là một họa sĩ. Cảnh nhà anh đẹp quá, đầy nghệ thuật từ trong đến ngoài.
- Cám ơn lời khen của anh. Thú thật, thuở nhỏ, tôi đã có mộng làm họa sĩ nhưng vì nhà nghèo khó, tôi phải cố học để vươn lên. Nhất là ở xứ Mỹ này, nếu không khá về khoa học kỹ thuật thì…
Thiều chợt nín ngang; sợ vô tình làm mích lòng Quang, nhà văn nghèo. Nhưng Quang vẫn bình thản, anh tiếp theo câu nói của bạn:
- Ở đâu cũng vậy, ôm nghiệp văn chương nghệ thuật rất khó làm giàu. Nhưng giàu nghèo cũng do phần phước của mỗi người mà thôi.
Tâm gật gù biểu đồng tình. Mái tóc hoa râm của anh như trắng thêm dưới ánh nắng.
- Tôi đồng ý. Giàu nghèo đa phần do phúc đức nhưng sống hạnh phúc hay không lại do chính mình.
- Hay! Chính bản thân tôi đã kinh nghiệm điều ấy - Thiều xoa hai tay vào nhau, thói quen của anh khi gặp điều vừa ý - Hồi nhỏ, sống trong cảnh nghèo, mỗi khi đạp xe đi ngang qua các khu vực sang trọng với những biệt thự kín cổng cao tường, tôi cứ nghĩ là những người giàu chắc hạnh phúc, sung sướng lắm. Đến bây giờ, được sống trong sự khá giả sung túc, tôi mới biết rằng người giàu cũng khổ như thường.
Quang rót nước trà ra tách, mời một cách tự nhiên:
- Uống đi kẻo nguội mất ngon!
Ba người im lặng thưởng thức trà mạn sen, loại đặc biệt từ nội thành cố đô Huế. Hương sen theo hơi nóng tỏa nhẹ trong không khí thanh khiết đang bao phủ họ. Trong khoảnh khắc này trà sen như hóa thành chất nước cam lồ. Mọi người đều cảm thấy dễ chịu, lâng lâng.
Quang tiếp tục:
- Vật chất chỉ là phương tiện còn sống có hạnh phúc hay không, tôi đồng ý với anh Tâm, là do quan niệm, do cách sống của mình.
Thiều chợt thở dài, châm một điếu thuốc. Những ngón tay dài, thuôn thả, lòng bàn tay trơn mịn.
- Hoàn cảnh hiện nay của tôi, nếu khách quan mà nói thì có đầy đủ cả. Nhưng…
Vốn hiểu tâm sự của bạn, Quang mở đường:
- Anh có cảm thấy cô đơn chăng?
- Hồi vợ tôi mới mất, vì bất ngờ quá, tôi như bị chìm lún trong đau khổ, tưởng đâu không thoát ra được nhưng may nhờ anh Quang. Anh đã giúp tôi thật đúng lúc và tận tình hướng dẫn tôi Phật pháp. Tôi hiểu và chiêm nghiệm được vô thường, khổ, không; nhờ thế nguôi ngoai dần. Song bây giờ tôi lại vướng vào cái khổ khác…
Thiều ngưng nói, chậm rãi hít một hơi thuốc dài. Khói thuốc ẻo lả tan trong nắng. Hai người bạn im lặng, đợi chờ.
- Tôi đi chùa, học giáo lý với tất cả sự kính cẩn vì tin đây là phương thuốc cứu khổ nhiệm mầu,tin Phật pháp giải thoát mọi kẻ trầm luân. Tôi tôn quí tăng ni và nghĩ rằng tất cả Phật tử lui tới chùa đều cùng chung mục đích như tôi. Đó là nương vào Phật Pháp Tăng để tu học. Khi mình tu học thì phải dẹp bớt phần cá nhân vị kỷ để gây hạnh phúc cho người chung quanh. Làm cho người khác vui mình mới có niềm vui, đúng không?
Tâm gật đầu:
- Người hiểu đạo biết rằng càng xả kỷ vị tha thì càng có hạnh phúc; còn người thích uy quyền, muốn điều khiển kẻ khác thì gây khổ cho người và cho chính mình. Cái tôi càng lớn càng sai lầm.
- Có phải ai đi chùa, thường nghe giảng đều biết điều ấy?
Quang mỉm cười:
- Tôi nghĩ thế! Bởi vì cốt tủy đạo Phật là ở chỗ ấy. Đạo Phật chủ trương vô ngã.
Thiều dướn người dụi tắt điếu thuốc trong cái gạt sành màu đất nung. Giọng anh trầm xuống.
- Tôi chưa hiểu đạo nhiều nhưng cho tới giờ phút này tôi thấy được cái đẹp của đạo Phật là như thế. Nhờ xả kỷ, nhờ hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, chúng ta cùng sống chung có hạnh phúc.
Và chàng thì thầm như tâm sự:
- Trong tôi, hình như có con người nghệ sĩ. Ngày xưa tôi yêu cái đẹp của màu sắc, đường nét; bây giờ tôi thiên về cái đẹp của tâm hồn. Đạo Phật thu hút tôi vì lẽ ấy. Anh Quang cũng biết đấy, tôi thường xuyên đi chùa, thấy Phật tử chung quanh mình ai cũng hiền hòa dễ thương. Tôi như tìm được một nơi chốn an bình trong xã hội cạnh tranh ráo riết, phiền nhiễu này. Tôi tìm được hạnh phúc.
Hai người bạn lặng im chia sẻ. Họ biết Thiều sẽ tiếp tục thổ lộ điều quan trọng đang quấy động cuộc sống yên tĩnh của chàng. 
Thiều vuốt tóc. Vầng trán rộng của anh hơi nhếch lên cao, vài nếp nhăn đã xếp hàng song song trên đó. Chàng hơi đắn đo, nhìn hai bạn. Sự tin cậy giúp Thiều mạnh dạn hơn:
- Tôi tình cờ gặp một hình ảnh rất đẹp. Tôi dùng chữ “hình ảnh” vì quả thật tôi không quen biết người ấy. Nàng đẹp lắm, không phải vì phấn son trang điểm nhưng vì sự thuân thành của một người Phật tử đã thể hiện trong cung cách, dáng đi, trong sắc áo, trên nét mặt của nàng. Người như thế, tôi nghĩ, ắt phải có một tâm hồn rất đẹp và diễm phúc thay cho những ai được sống cạnh nàng. Chồng con của người ấy thật là may mắn…
Quang ướm lời nhắn nhủ:
- Anh thật là giàu tưởng tượng!
- Quả đúng vậy, tôi thường vẽ cho mình một khung cảnh, một chân trời mơ ước rồi đi về trong ấy.
Bây giờ Tâm mới có dịp góp lời. Giọng ồ ồ, xứng với dáng dấp cao lớn đẫy đà của anh:
- Xin lỗi anh nếu tôi nói điều này làm anh phật ý. Người hiểu đạo phải nhìn ra sự thật, sống với sự thật chứ không thể mơ mộng viễn vông.
Thở dài, Thiều trút dòng tâm sự:
- Sự thật, ối chao, phũ phàng làm sao! Thần tượng “chưa quen biết” mà tôi vừa kể đấy, vốn là một người đa mưu và tàn nhẫn vô cùng. Nếu những gì tôi được nghe là đúng thì bà ấy là mụ phù thủy khoác áo tiên nữ dịu hiền. Tôi đau khổ lắm vì niềm tin trong tôi đột nhiên sụp đổ, tâm trí tôi chao đảo, hoang mang. Vấn đề của tôi đặt ra là người Phật tử lui tới đạo tràng thường xuyên, tu học lâu năm mà không thể chuyển biến được tâm ý của mình sao? Vậy đi chùa có ích lợi gì không?
Hai người khách nghe hỏi bối rối. Họ không ngờ cội rễ khổ đau của bạn phát xuất từ mấu chốt quan trọng ấy. Họ đã hiểu lầm Thiều như một con người yếu đuối si tình.
Nhưng Quang vốn nhạy bén. Đầu óc anh lóe lên câu giải đáp:
- Bất cứ sự việc nào cũng vậy, nếu nhìn ở khía cạnh này là sai mà đứng ở quan điểm khác lại thấy đúng. Tôi muốn nói đến chủ quan và khách quan. Ví dụ như tôi nghiêm khắc dạy dỗ con cái, theo ý tôi là đúng vì sợ chúng hư hỏng nhưng bọn trẻ và bạn bè chúng sẽ ta thán tôi, thậm chí xã hội Mỹ, nền giáo dục Mỹ cũng cho tôi là độc tài, lạc hậu… Tâm hiểu câu nói bóng gió của Quang, sẵn cơ hội này anh thấy cần phải làm sáng tỏ vấn đề:
- Nhưng quan niệm, tư tưởng chủ quan của mỗi người lại do những yếu tố khách quan, tức là những chủng tử, những kinh nghiệm quá khứ xây dựng nên. Nếu chúng ta thừa hưởng một nền giáo dục hà khắc từ gia đình, lớn lên, tự nhiên chúng ta có khuynh hướng xử sự như thế và tự cho là đúng.
Thiều không cảm thấy hài lòng, anh lắc đầu:
- Nếu lúc nào mình cũng tự thấy là đúng trong mọi ý tưởng, ngôn ngữ, hành động thì làm sao tu được? Con người đâu phải là thánh nhân!
Quang nhìn Tâm hội ý rồi bật cười:
- Ha ha! Vấn đề là ở chỗ đó! Khi nào tự thấy sai mình mới có thể sửa đổi, có thể tu chứ không phải đi chùa lâu hay mau, nhiều hay ít mà gọi là tu. Đấy chỉ là hình thức thôi.
Sẵn dịp, Tâm dùng lưỡi dao bén của bác sĩ, giải phẫu khối phiền não đang nhức nhối của bạn:
- Bà phù thủy xinh đẹp mà anh nói đó, thật ra đáng thương hơn đáng trách. Tôi vốn quen biết nhiều với người anh ruột của D.M. Thời thơ ấu, vốn bị dì ghẻ hành hạ sâu độc nên khi có con, từ trong vô thức, bà thấy có bổn phận phải bảo vệ chúng đến tận cùng, muốn mưu cầu hạnh phúc cho các con một cách tuyệt đối. Thành ra khi làm những chuyện chia rẽ lứa đôi, bà lại thấy đúng vì nghĩ rằng người phối ngẫu của con trai, con gái đã không làm được như ý bà muốn, nghĩa là đã không phục vụ hết mình cho các con bà.
- Anh giải thích nghe cũng hợp lý đấy! - Thiều nối lời – Nhưng chẳng lẽ chồng con của bà ấy không có phản ứng gì sao? Họ im lặng nghe lời như đàn cừu ấy à? Giả dụ mà tôi hành động như thế thì chắc chắn con gái tôi…
Người chủ nhà bỏ lửng câu nói. Ai lại đi nói xấu con một cách tưởng tượng như thế bao giờ!
Tâm không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, anh tiếp tục:
- Chồng bà thì hiền khô, nể vợ; các con thì sợ mẹ từ nhỏ vì bà đã theo sát và chỉ huy chúng mấy chục năm nay; mãi rồi thành nếp, thành thói quen.
Tự nhiên Thiều cảm thấy bực bội:
- Thế chúng đau khổ bà chẳng hay biết, chẳng hề quan tâm sao?
Quang rót thêm trà. Nước đã nguội nhưng chẳng lẽ bỏ dở bình trà ngon. Anh xen vào:
- Chúng ta không ở trong gia đình ấy nên chẳng hiểu rõ mọi sự tình. Tuy nhiên, một cách khách quan, tôi thấy họ cần phải ngồi lại với nhau, thẳng thắn trình bày tất cả những uẩn khúc, nỗi lòng thì họ sẽ hiểu nhau hơn. Thương nhau phải hiểu nhau mới có thể tạo dựng hạnh phúc. Tôi đoán chắc mọi người trong nhà ấy đều khổ cả.
Tâm thấy câu chuyện tạm đủ để giúp Thiều thoát khỏi tình trạng bế tắc. Nếu đi sâu hơn, hóa ra bàn luận đời tư của người khác. Anh đổi đề tài ngay:
- Nếu không phiền, anh Thiều có thể cho tụi này xem bức tranh ấy không?
Thiều gật đầu đứng lên, hương dẫn hai bạn trở vào nhà. Bức tranh vẫn nằm im trên sàn gỗ. Trâm Anh đã dùng băng keo dán tờ giấy bao kín mít. Thiều chợt thấy buồn cười. Chẳng ngờ vật vô tri này có thể quấy động tâm tư mình một cách dễ dàng và ảnh hưởng đến tình cảm hai cha con anh đến thế!
Khi bức tranh được mở tung ra, Quang và Tâm đứng lui lại để ngắm nhìn. Thiều kín đáo quan sát nét mặt vô tư của họ.
Ánh mắt hai người sáng lên trước những đường nét và màu sắc nghệ thuật. Họ thưởng thức bức họa như nhìn ngắm một vườn lan đang nở dưới trời Xuân.
Vừa khi ấy, Trâm Anh bước vào nhà, trên tay ôm hộp pizza. Mặt cô hơi xịu xuống khi thấy bức họa được mở ra nhưng cô cất giọng đon đả ngay:
- Con xin chào hai bác. May quá, con mua pizza về kịp lúc để mời hai bác dùng. Bánh này không có thịt, toàn là vegetable thành ra ăn chay được.
Rồi cô lăng xăng sắp dĩa, dọn bàn.
Thiều im lặng nhìn bức tranh “phù thủy” lần nữa, thấy lòng yên ổn, bình thản. Anh thầm cám ơn các bạn đã tháo gỡ cho anh mối sầu vô nghĩa.
Thiều nói lớn, cốt ý cho con gái nghe:
- Tôi sẽ tặng bức tranh này lại cho trường Stanford!
Trâm Anh với tay bật ngọn đèn lớn. Chùm ánh sáng xuyên qua những bóng thủy tinh lấp lánh làm rạng rỡ phòng ăn và căn nhà trở nên ấm áp vui tươi. Hai cha con nhìn nhau, thông hiểu: họ cùng cảm thấy sung sướng và cùng biết ơn nhau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2014(Xem: 4672)
Hai kẻ thù đã lâu đời, hai chàng trai trẻ nhất thuộc hai dòng tộc võ sĩ đạo lâm chiến, đang rình rập nhau trong vùng hẻm núi dưới mé sông trong lúc bà con dòng họ đôi bên đang chém giết lẫn nhau trên phía đồng bằng. Mối hận thù nẩy sinh giữa hai chàng sâu đậm đến độ như muốn lộn mửa, và khi trông thấy nhau, mỗi chàng đều nguyện cầu: “Lạy Trời nếu con phải chết, xin cho con gây ra tử thương cho kẻ oán thù trước khi con lìa đời.”
18/10/2014(Xem: 43791)
Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm“Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.
10/10/2014(Xem: 4381)
Từ lâu, người ta tin rằng có một cái “bản ngã” thường hằng, bất biến, tồn tại độc lập trong vạn pháp. Trước sự nhầm lẫn tai hại đó, Phật Thích Ca bèn nói thuyết “Vô ngã” để chúng sinh phá chấp. “Vô ngã” không phải không có gì hết mà là không có tự tánh, không có tự thể riêng biệt. Đây là một trong ba Pháp ấn trong hệ thống giáo lý của Phật giáo (hai pháp ấn kia là Khổ và Vô thường). Gọi là Pháp ấn có nghĩa là trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của đạo Phật nếu có pháp môn nào không có một trong ba khái niệm Khổ, Vô thường và Vô ngã thì không phải giáo lý đạo Phật.
03/10/2014(Xem: 4333)
Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn... Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình. Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: „Cô còn nhớ em không?“. Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương - xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy..., bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu
02/10/2014(Xem: 4243)
Ra đến bến xe trời hãy còn khuya khoắt, trông cảnh nhộn nhịp ì xèo rộn lên từ những gian hàng ăn uống ở một góc gần bên, và tiếng nói cười lăng xăng của hành khách đi lại lẫn với tiếng những người bán hàng rong mời mọc. Nhìn sang quầy bán vé bây giờ không giống như những ngày tháng sau năm 1975, bề mặt thoáng mát rộng rãi trang trí bởi những bảng quảng cáo, những hoa văn sắc màu, những hàng ghế để khách ngồi chờ trông lịch sự. Khách mua vé rất nhanh khỏe hơn xưa, không còn cảnh chen lấn xếp hàng cả buổi trời như trước đây, lại có thêm nhiều loại xe phục vụ trên các tuyến, việc nầy còn tùy thuộc vào túi tiền của hành khách, ai có tiền nhiều thì đi loại xe chất lượng cao, còn ai ít tiền thì đi loại xe bình dân hơn. Nói vậy chứ còn khá hơn trước Đây, bởi ba chiếc xe car cũ kỹ hoặc xe chạy bằng than đá trên những tuyến Miền Đông, Miền Tây vào những năm 1975 - 1990.
24/09/2014(Xem: 6352)
Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, luôn luôn giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh. Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân. Đêm tới khi ngủ, máng khố trên vách, thường bị chuột chui ra cắn rách, phải xin bá tánh chút vải thừa thay khố nhiều lần.
03/09/2014(Xem: 4627)
Lúc đó tôi được 13 tuổi. Trước đó một năm gia đình tôi đã chuyển từ Bắc Florida đến miền Nam California. Tôi dễ hận thù khi vừa đến tuổi vị thành niên. Tôi rất nóng nảy và hay cãi lại đối với bất cứ chuyện gì dù nhỏ mà ba mẹ đề cập tới, đặc biệt là nếu nó liên quan đến tôi. Cũng giống như nhiều đứa trẻ lứa tuổi thiếu niên, tôi khó chấp nhận bất cứ điều gì đi ngược lại với quan điểm của mình về thế giới chung quanh. Một đứa bé “thông minh không cần dạy bảo”. Tôi phản đối bất cứ biểu lộ nào của tình thương. Thật sự, tôi dễ giận dữ khi đề cập đến cái từ “thương yêu”.
26/08/2014(Xem: 4041)
Ở ven bờ bể Mễ Tây Cơ, có một làng nhỏ chuyên sống nghề đánh cá, một chiếc thuyền con lướt sóng nhẹ vào bờ, đem về vài con cá khá to. Một ông khách Mỹ đứng trên bờ, khen ngợi nghề đánh cá tài giỏi của anh chàng Mễ Tây Cơ và hỏi anh ta mất bao nhiêu thì giờ mới được chừng đó cá. _ “ Không lâu lắm đâu !” anh Mễ Tây Cơ trả lời.
17/08/2014(Xem: 24946)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà. Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến thăm, bảo cha ngài rằng: “Khuya nay ông vừa sinh quý tử, chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ Huệ, sau là chữ Năng.”
17/08/2014(Xem: 24032)
Nhân quả báo ứng là một tập truyện của Trung Quốc, có vẽ tranh minh họa rất sinh động. Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]