Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Sư Ông và Lãng Tử

28/08/201117:10(Xem: 2785)
05. Sư Ông và Lãng Tử

Diệu Nga
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003

Sư Ông và Lãng Tử

Sa di Phước Hải rón rén đẩy cửa phương trượng đang khép hờ. Nắng chiều rọi qua bức màn cửa sổ màu vàng nghệ cũng không soi sáng được toàn thể căn phòng. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của hoàng hôn, sư ông P.K. nằm quay mặt vào tường, thỉnh thoảng cất tiếng rên khe khẽ. Phước Hải thương thầy quá, mấy tháng nay căn bịnh quái ác hành hạ sư ông ngày đêm.
Bác sĩ nói sư ông bị ung thư da nặng lắm, không chữa được. Các lớp da bên ngoài cứ dần dần đen sậm lại rồi bong ra từng mảnh, bày lớp da non rướm máu bên trong, đau đớn không tả được, ai nhìn cũng phải rơi nước mắt. Một đệ tử tại gia của sư ông là bác sĩ, đề nghị đưa thầy nhập viện chuyên về ung thư da ở tiểu bang khác nhưng sư ông từ chối: “Sinh tử như mộng, không chuyện gì phải lo.”
Chùa có cả thảy sáu người, trừ bà Hai lo chuyện công quả, bếp núc, thì tất cả đều thay phiên làm thị giả, săn sóc thầy. Phước Hải mang đến cho sư ông ly sữa và trực bên thầy đêm nay.
Sư ông đang nhắm mắt như ngủ - giấc ngủ rất hiếm hoi giữa những cơn đau - toàn thân gầy gò chỉ còn da bọc xương, gương mặt khô đét, làn da sậm quánh lại.
Phước Hải đặt ly sữa trên cái bàn nhỏ duy nhất cạnh đầu giường rồi ngồi xuống sàn gỗ phía dưới chân thầy. Chàng giữ gìn, không dám làm kinh động. Hai hôm nay hình như thầy bớt đau nên ít nghe tiếng rên. Lạ một điều là lúc nào sư ông cũng tỉnh táo, không nói mê, cả những khi bị cơn sốt hành cao độ.
Phước Hải ngồi yên trong cảnh tĩnh mịch lặng lẽ, chàng sa di trẻ lại có điều nôn nóng muốn bạch cùng thầy, chỉ e muộn màng sự việc.
Mới đây mà Phước Hải theo thầy đã mười lăm năm, khi vừa tròn năm tuổi. Thuở ấy chùa chỉ là một căn nhà nhỏ hiu quạnh ở ngoại ô thành phố, giữa những vườn cam ngút ngàn thuộc về ông chủ trang trại người Mỹ, thuộc tiểu bang Texas.
Từ năm 1983, người Việt ngày càng đông, kẻ vượt biên, người đi theo diện bảo lãnh. Phong trào di dân này mang đến cho sư ông nhiều đệ tử. Trước khi Phước Hải đến chùa, sư ông chỉ có hai người đệ tử xuất gia: đại đức Phước Lập và đại đức Phước Chấn; cải hai đều được thầy cho tiếp tục việc học.
Thầy Phước Lập hơi lớn tuổi, thích lo việc Phật sự hơn nên thôi học sau hai năm đến trường. Thầy Phước Chấn thì ham mê đèn sách vì thầy học rất giỏi, có khiếu về ngôn ngữ, văn chương, triết học. Thầy đậu tiến sĩ và thường thay thế sư phụ để giảng dạy Phật pháp cho người Mỹ. Thầy được xem là người có công đầu trong việc gây quỹ để xây cất lại toàn bộ ngôi chùa cũ bị cháy hơn phân nửa.
Rồi lần lượt các thầy khác đến từ Việt Nam, họ đều đã thọ đại giới, duy chỉ còn Phước Hải, giờ đã hai mươi tuổi rồi mà sư phụ chưa chịu hứa khả. Đại giới đàn, chỉ vài tháng nữa, sẽ được thiết lập vào dịp lễ Phật Đản tại California, nếu không sớm lo thủ tục ắt sẽ trễ tràng.
Năm ngoái, Phước Hải đã xin thầy một lần, người chỉ làm thinh. Lần này, nếu thầy không nói gì, chàng sẽ hỏi cho ra lẽ.
Sư ông trở mình, nói thật khẽ:
- Cho thầy miếng nước!
Chú sa di mừng rỡ, đôi mắt đen một mí của chú hình như sáng và to hơn:
- Thưa thầy dùng chút sữa cho khỏe.
Phước Hải đỡ sư phụ ngồi dậy, làn da non đỏ trên tay, trên cổ, trên ngực rỉ máu theo từng cử động. Thầy bậm môi chịu đau, nước mắt đệ tử ứa ra rồi tuôn thành dòng.
Sau khi uống sữa, sư phụ nói như kể chuyện:
- Hồi nhỏ, trước khi gặp đạo và xuất gia, thầy là một đứa trẻ thích làm chuyện quái ác. Vườn quê, không có trò chơi nào thú vị hơn là tát đìa, tát mương để bắt tôm, bắt cá. Hễ bắt được cá lóc, cá trê là nhóm con nít đắp bùn vào, đốt lửa rơm cháy phừng lên, thảy vào nướng. Khi đám rơm cháy hết, chờ tàn lửa rụi đi là cá vừa chín. Lột đám bùn bỏ đi, da cá cũng tróc theo, bày thịt trắng hồng, cả bọn xúm nhau xé ra chấm nước mắm gừng ăn thỏa thuê… 
Thấy sa di Phước Hải vừa nhăn mặt vừa rùng mình, sư ông giải thích:
- Bồ tát còn mê khi cách ấm, huống chi là phàm phu như mình. Khi chưa biết đạo, con người lấy tội lỗi làm vui, biết đạo rồi thì chẳng những mình dừng được nhân xấu mà còn vui lòng trả nghiệp cũ…
Chợt có tiếng gõ cửa và giọng thầy Chơn Đắc:
- Bạch thầy, một cư sĩ tên Tâm Điền nói từ xa lại, xin vào thăm thầy. Người này nói đã quy y với thầy chín năm về trước.
Sư ông quay mặt vào vách, miệng như thoát nụ cườị
Sa di Phước Hải nhanh nhẩu:
- Con nhớ Tâm Điền rồi! Từ ngày chú vô ý làm cháy chùa rồi bỏ đi, đến nay cũng tám năm hơn.
Sư phụ gật đầu, nói vọng ra ngoài:
- Bảo chú ăn uống nghỉ ngơi, tối vào gặp thầỵ
Phước Hải thấy thầy vui, tìm cách thưa chuyện của mình:
- Đại lễ Phật Đản sắp đến rồi, năm nay chắc thầy không tham dự đại giới đàn ở Cali được…
Hơn ai hết, hòa thượng P.K. hiểu ý muốn và tâm trạng nôn nóng của người đệ tử trẻ. Từ hai năm trước, nếu dễ dãi một chút, người đã cho phép Phước Hải thọ đại giới. Nhưng khổ nỗi, hòa thượng không thể nào chấp nhận tánh tò mò hay nghe lén của sa di Phước Hải. Nếu Phước Hải thọ đại giới, liệu chàng có xứng đáng với danh hiệu đại đức chăng khi mà tâm tư và hành vi hay vướng bận vào chuyện thiên hạ?
Hòa thượng nói phân hai:
- Một vài ngày nữa thôi, con sẽ tự biết mình có thể thọ đại giới, đáng được tôn xưng là đại đức chăng?
- Chùa mình toàn là đại đức cả, con thấy việc ấy không khó.
Sư phụ trầm ngâm rồi giải thích:
- Khó chứ con, nếu tự xét mình. Còn cái danh hiệu bên ngoài ai mang chẳng được!
Phước Hải gật đầu công nhận. Hòa thượng vốn thâm trầm ít nói nhưng chắc ngài biết rõ hết tư cách, đạo đức của mọi người sống trong chùa.
Thầy Phước Lập lớn nhất, tuổi đạo lại cao nhưng không lập chí tiến thủ, chỉ thích lo chuyện cầu an, cầu siêu và thủ bổn, lo tương chao gạo muối, ký trả tiền “bill” hàng tháng.
Thầy Phước Chấn lanh lợi, bằng cấp cao, gây tạo được phong trào tu học cho người Mỹ, đã kêu gọi đóng góp xây chùa một cách dễ dàng. Nhờ tài thuyết pháp về công đức cúng dường của thầy mà ông Mullenax chủ đất đã hỉ cúng thêm ba mẫu đất quanh chùa.
Nhưng Phước Hải thừa biết sư phụ không hài lòng thầy Phước Chấn ở chỗ ông có vẻ bị Mỹ hóa, có vẻ như coi thường giới luật. Ông tiếp Phật tử tại phòng riêng và cười nói với họ thân mật lắm.
Điều này làm cho thầy Chơn Đắc, mới tới chùa mấy măm sau này, do hòa thượng bảo lãnh, cảm thấy khó chịu. Đối với đại đức Chơn Đắc, ranh giới giữa người xuất gia và tại gia rất rõ ràng, cách biệt. Thầy tự cho mình là người xuất phàm, nên giữ khoảng cách đối với những kẻ phàm phu tục tử rất xa. Phật tử vì vậy ít ai mến thầy, mà thầy cũng không cần đến họ. Hoà thượng nhìn thấy vấn đề nhưng chưa gặp cơ hội thuận tiện để giúp sư Chơn Đắc.
Còn thầy Hạnh Trí, vì hay bịnh hoạn đau yếu nên sinh lười, thích ngủ nghỉ hơn cầu học, cầu giải thoát…
Đối với đại chúng trong chùa, hòa thượng vốn từng trải và thiết thực, không mong sự toàn thiện hoàn hảo, chỉ khuyến nhắc mỗi người nên tự thấy sai sót của mình mà kịp thời chỉnh đốn để ngày một thăng tiến.
Nghĩ đến người rồi ngẫm lại mình, Phước Hải tự biết mình mang tật xấu gì rồi, chàng muốn sửa đổi để sư phụ thấy mình xứng đáng…

***

Phật tử Tâm Điền già đi thấy rõ. Chàng đã bước vào thời kỳ trung niên với vài sợi tóc trắng xen lộn trên mái tóc đen cứng, lúc nào cũng có vẻ vô trật tự. Dáng dấp cao lớn không còn gọn ghẽ vì cái bụng đã có vòng đai. Y phục vẫn lôi thôi, nhăn nhíu: quần Jean rách rưới, áo thun đen nhầu nát, ngả màu bạc thếch… Trong dáng dấp lừ đừ chập chạp, chỉ còn đôi mắt sáng, ánh lên nét ngây thơ là giữ lại được vẻ hồn nhiên và gây được chút cảm tình với người đối diện.
Sau bao năm đi biền biệt, không tin tức thư từ, trở lại chốn cũ, Tâm Điền không ngờ ngôi chùa nhỏ bé ngày nào giờ đã khang trang đồ sộ. Nếu chùa không giữ tên cũ chắc chắn anh không vào đây tìm sư phụ.
Thầy Phước Lập, Phước Chấn là những khuôn mặt quen biết, tiếp Tâm Điền với đôi mắt hơi nghi ngại khiến Tâm Điền nhớ lại lỗi xưa, vì ngủ quên, vô ý đạp ngã bàn thờ làm cháy cả chánh điện. Máu tếu vẫn còn, Tâm Điền thầm nghĩ: “Chùa mới xây toàn bằng gạch không dễ cháy đâu!”
Rồi chàng tự nhiên đi tắm rửa, xuống nhà bếp lục cơm ăn như đã ở đây từ xưa đến giờ. Dù người vồn vã hay lạnh nhạt, ân cần hay xua đuổi, Tâm Điền vẫn ngang ngang, vẫn tàng tàng, không biểu lộ buồn vui. Bất đắc dĩ, thầy tri khách Chơn Đắc mới chỉ một phòng trống cho Tâm Điền cất hành lý và nghỉ ngơi.
Sau một giấc ngủ dài, khi Tâm Điền chợt thức giấc thì trời đã khuya. Mảnh trăng thượng tuần chơ vơ như chiếc xuồng độc mộc, cô đơn giữa biển trời vời vợi. Mỗi lần nhìn trăng, chàng đều có cảm tưởng trăng cũng lang thang, cũng lẻ loi như mình.
Chàng không trách người anh vô tình chỉ biết nghe lời vợ, chẳng đoái hoài gì đến em mình sau khi người em ấy đem hết công sức phục vụ cho tiệm buôn của anh ngày thêm phát đạt.
Chàng cũng không giận vợ đã ngày đêm càu nhàu, trách móc chồng là kẻ ngu si khờ khạo, bị lợi dụng, bóc lột như tên đầy tớ không công… Tâm hồn đơn giản đến thơ ngây, Tâm Điền chẳng màng đến tiền bạc, của cải, miễn sao không đói là được.
Tâm ý bất đồng, vợ chàng đòi ly dị sau hai năm chung sống. Nàng mỉa mai:
- Đặng không mừng, mất không lo. Anh chẳng nên có vợ con. Vô chùa ở với mấy ông sư chắc hợp hơn!
Từ đó, không vướng bận, chàng đã lang thang nay chỗ này mai chỗ kia, như đám lục bình trôi không định hướng, không bám rễ vào đâu. Cuộc sống lang bạt đôi khi cũng buồn nên một lần năm xưa, chàng đã mon men vào cổng chùa, nghĩ rằng mình sẽ gặp những người đồng điệu: những người không màng đến của cải, không muốn bị trói buộc bằng vòng dây tình ái.
Sư ông lúc ấy còn khỏe mạnh, thường cùng Tâm Điền làm rẫy, trồng rau đậu, bắp khoai… Sư ông ít nói nhưng chàng thấy được trong ánh mắt người chứa đựng cả một trời thương yêu và biểu lộ một tâm hồn khoáng đạt.
Ngày Tâm Điền bái biệt thầy để ra đi, nhà sư ân cần dặn dò:
- Sau này thầy trò ta sẽ lại gặp nhaụ Khi nào con cảm thấy cần quay về đây, cứ về. Thầy chờ con!
Giọng nói thầy hiền hòa nhưng ngầm chứa sự cương quyết che chở. Người ta ai cũng buộc tội chàng, chỉ mình thầy độ lượng bao dung. Chùa bị cháy hay không, hình như đối với thầy chẳng có gì khác biệt.
Từ chùa, anh đi bộ ra nhà ga xe lửa, chưa biết nên mua vé đi đâu thì gặp một người đồng hương. Người này thấy dáng dấp khỏe mạnh của anh thì mừng lắm, rủ anh về New Orleans giúp ông ta đi cào tôm, đánh cá “Ờ, hễ có chỗ chứa thì đi!” Anh quên bẵng là mình đã thọ ngũ giới, trong đó giới sát đứng hàng đầu.
Nghề này chỉ làm sáu tháng ấm, đến mùa lạnh thì rút lên bờ. Trong sáu tháng vô công rồi nghề, những người trẻ thường rủ anh đi nhậu nhẹt, đánh bài. Họ biết tánh Tâm Điền thờ ơ về tiền bạc, ai thua bài cứ tìm anh mượn, mượn anh thì khỏi trả vì biết anh chẳng cần tích giữ.
Ba năm đã trôi qua như thế, Tâm Điền sống không mục đích, không niềm vui. Một hôm, trong khi tàu đang quay vào bờ, anh ngồi lựa cá, búng đầu tôm. Tương đối rảnh rang, anh có dịp quan sát những con cá tươi chong đang dẫy dụa, thoi thóp trên sàn, những con tôm tuy đã bị ngắt đầu, vẫn còn run rẩy vì quá đau đớn… Sau chuyến đi ấy, anh bỏ nghề.
Lang thang ra các thành phố lớn để kiếm việc làm, anh bị trở ngại vì ngôn ngữ. Rốt cuộc, anh cũng kiếm được job do một người Mỹ đen dẫn dắt: chuyên dọn nhà. Chủ nhân là một Mỹ trắng. Ông ta có mấy chiếc xe truck lớn sơn chữ “Moving”. Phận sự của anh là: hễ tài xế chở tới nhà nào thì lo đóng thùng, khiêng bàng ghế, đồ đạc ra xe; làm càng nhanh càng tốt. Thỉnh thoảng, ông chủ vỗ vai anh, gật gù cười rồi thưởng thêm vài trăm bạc…
… Có tiếng gõ cửa. Sa di Phước Hải tự nhiên đẩy cửa bước vào. Tâm Điền nhận ra chú ngay nhờ đôi môi mỏng đỏ au lúc nào cũng như thèm nói và hai vành tai nhọn, vảnh lên, chồm ra phía trước.
Chú vẫn nhanh nhẩu như hồi còn nhỏ:
- Lâu quá rồi còn gì! Có nhiều chuyện kể lắm phải không? Để rảnh rang mình nói chuyện sau. Thầy gọi chú kìa!
Phước Hải vừa nói vừa liên tưởng đến bà Hai. Mỗi khi chú khám phá ra chuyện gì mới mẻ, kể cho bà là bà há miệng ra nghe một cách thích thú rồi sau đó đi truyền tin cho mọi người. Và chú chờ có người khác kể cho chú nghe lại tin này với nhiều chi tiết bổ sung thêm thắt. Đối với chú, đây chỉ là trò vui nhưng mãi rồi trở thành thói quen ưa thích những chuyện vặt vãnh ngồi lê đôi mách.
Phước Hải dẫn Tâm Điền đến phương trượng của sư phụ xong, lẽ ra chú nên trở về phòng ngay nhưng thói quen tò mò mạnh hơn ý chí muốn sửa đổi, Phước Hải vội vã đi vòng ra sân. Chú nép mình bên cửa sổ phòng sư phụ, hai chân như bị dán vào nền xi măng, hai tai tập trung cao độ đến nỗi không cảm thấy lạnh lẽo gì dù thời tiết cuối Đông vẫn còn đáng ngại.
- Ta chờ con đã lâu, ta biết thế nào con cũng trở về.
Hai tiếng “trở về” ấm áp như vòng tay thân yêu của người cha độ lượng. Vòng tay trìu mến ôm lấy đứa con hoang đàng lưu lạc. “Phải rồi, mình cũng có chỗ để trở về…”
- Lạy thầy, nếu con biết thầy lâm trọng bịnh, con đã về sớm hơn.
- Không sao, cũng chưa muộn!
Giọng Tâm Điền sốt sắng và thành khẩn:
- Như vậy con có thể làm được gì? Bất cứ điều chi thầy muốn sai bảo, dù cực khổ đến đâu, con cũng không từ nan.
Sư phụ ho, rên khe khẽ. Tâm Điền có cảm tưởng trái tim mình thắt lại, ruột gan cũng xáo trộn. Cơn đau của thầy chính là của anh. Nếu bác sĩ nào có thể lột lớp da lành mạnh của anh để đắp lên cho thầy, anh cũng sẵn sàng.
Thầy nhìn anh, cái nhìn xuyên suốt tư tưởng, ý nghĩ của anh.
Thầy cười:
- Ta không cần con phải hi sinh. Đem một sinh mạng để đổi lấy một sinh mạng, viêc ấy nào có lợi gì! Cái áo này đã rách nát, hãy trả nó lại cho vô thường. Ta chỉ mong con về đây để cùng ta niệm Phật. Công phu của ta chưa được thành tựu như ý, ta cần sự trợ giúp của con.
Tâm Điền ngồi sững. Sự kinh ngạc quá độ biến anh thành pho tượng đá được tạc nên bởi một nhà điêu khắc có óc khôi hài: đôi mắt tròn xoe, trợn trừng, còn cái miệng thì há hốc méo xẹo.
Mãi một lúc sau Tâm Điền mới thốt nên lời:
- Bạch thầy, trong chùa có nhiều tỳ kheo. Quí vị ấy có đầy đủ tư cách hơn. Không phải con sợ mệt nhọc gì nhưng con không xứng đáng.
Rồi anh lắc đầu, cả quyết hơn:
- Con hoàn toàn không dám. Con là kẻ hoang đàng, không giới luật, không đạo đức.
Hòa thượng nói, không chút gì ngạc nhiên:
- Thầy biết. Nhưng những gì xem như đối nghịch, mâu thuẫn lại có tác dụng hổ tương.
- Thưa, con không hiểu gì cả. Con chỉ thấy cuộc đời con không ra gì: con đã ở tù vì tội đồng lõa trộm cắp, khi ra tù thành dân “homeless”, không nhà cửa, không nghề nghiệp, lang thang như kẻ ăn mày…
- Con đã bị hàm oan nhưng con không ta thán kêu ca, phải vậy không?
Ngạc nhiên quá, Tâm Điền quên cả lễ nghi:
- Ủa, sao thầy biết?
Vẻ mặt nhà sư phảng phất một nụ cười:
- Người xem thường tài sản, tiền bạc như con mà lại đi ăn cắp à? Tánh tham không có nơi con.
Tâm Điền phục thầy mình thêm, anh thú thật:
- Dạ đúng vậy, con bị gạt. Tưởng làm cho công ty dịch vụ chuyên chở, dọn nhà, nào ngờ họ tổ chức ăn trộm công khai. Chuyện đổ bể, con mang tội đồng lõa, bị kết án hai năm tù… Ra khỏi tù, con trở thành “homeless”, nhập bọn lang thang với những kẻ không nhà, đêm ngủ vỉa hè, ngày nghỉ dưới gốc cây. Rồi lại trở vào tù vì tội buôn bán ma túy - đường phố thì phải tuân theo luật giang hồ, muốn sống hiền lương cũng không được. Tay con như trót nhúng chàm, cứ liều nhắm mắt đưa chân. May sao con nhớ đến thầy. Ra khỏi nhà giam lần thứ hai con mua vé xe lửa đi thẳng về chùa. Được gặp lại thầy, con mừng quá…
Sư phụ gật đầu:
- Ngày mai, con hãy dậy sớm, nhờ chú Phước Hải cắt tóc, cạo râu cho sạch sẽ. Ta sẽ báo Phước Lập hướng dẫn con nghi thức sám hối. Hãy chí thành sám hối, nguyện không tái phạm, nguyện khép mình trong giới luật, con sẽ được yên ổn, nhẹ nhàng…
Bỗng nhiên hòa thượng nói to hơn:
- Thôi khuya rồi, mấy đứa về phòng ngủ đi!
Trong lúc Tâm Điền còn ngơ ngác vì hai tiếng “mấy đứa”, bên ngoài, chú Phước Hải thất kinh hồn vía, ù té chạy về hậu liêu. “Thôi chết rồi, thầy biết mình nghe lén. Còn mặt mũi nào xin thầy thọ đại giới! Tự thắng mình mới quan trọng, danh vị bên ngoài nào có nghĩa gì đâu!”

***

Ba tháng đã trôi qua kể từ ngày hòa thượng nhập thất, cái thất lợp tranh phía sau chùa. Đất quanh chùa rộng quá nên am tranh có vẻ lẻ loi cô tịch, nằm khuất sau lớp cỏ hoang mọc cao quá gối. Chỉ có Tâm Điền là người được phép ra vào mang cơm nước, tắm rửa vệ sinh cho thầy và trực bên thầy ngày đêm. Mọi chuyện quan trọng thầy đều bàn giao cho các đệ tử.
Ban đêm, trong cảnh thanh vắng của miền quê khoáng đạt, hình như có tiếng niệm Phật lan tỏa nhẹ nhàng theo tiếng gió vi vu. Đôi khi tiếng niệm thật mơ hồ như chỉ là âm vang từ tâm tưởng người nghe; đôi khi được cất lên sang sảng từ một niềm tin mãnh liệt, từ một tâm hồn trống không, tuốt luốt, không dính mắc lụy phiền.
Một già một trẻ thay phiên nhau ròng rã niệm ngày đêm khiến những người trong chùa, những Phật tử thường lui tới và thậm chí khách hành hương mới viếng chùa cũng thầm thầm niệm theo.
Sáng hôm sau, sương mù dày đặc. Nhưng trên đám khói mây ấy là một vùng trắng xóa được kết bằng muôn ngàn chùm hoa cam mới nở, lơ lửng giữa không gian, hương thơm ngào ngạt khắp vùng. Hòa thượng đã chỉnh tề y áo. Người cho phép các đệ tử, sau thời công phu sáng, được phép đến thăm thầy.
Họ ngạc nhiên nhìn thấy hòa thượng tươi tỉnh, hồng hào dù các vết đau vẫn còn loang lở trên cổ, trên tay. Mọi người sụp xuống đảnh lễ sư phụ. Trưởng tử Phước Lập là người thương thầy nhất, linh tính rằng đây là lần cuối mình còn được nhìn thấy ân sư, thầy đã không cầm được nước mắt.
Không khí thương cảm, bịn rịn lãng đãng quanh đây. Hòa thượng cho phép mọi người an tọa, hỏi có ai cần thưa thỉnh điều chi. Tất cả đều im lặng, chỉ có tiếng sụt sùi nho nhỏ.
Sư phụ ngưng tay lần chuỗi, đỉnh đạc nói:
- Các con hãy lắng nghe!
Phàm là người xuất gia, muốn tiến tu, điều trước tiên là phải tự xét mình. Nhận thấy khuyết điểm để sửa đổi, đó là thật tu. Ai không chịu sửa mình, người ấy không tiến lên được. Trong các con nếu ai không biết khuyết điểm của mình, hoặc thấy mà không từ bỏ được, hoặc tự cho mình là người hoàn toàn, thì nội trong ngày hôm nay, hãy tìm đến ta, ta sẽ vì sự nghiệp tu hành của người ấy mà chỉ bảo cho.
Giờ đây, vì các con, ta sẽ kể lại kinh nghiệm tu hành của bản thân, hãy chú ý nghe cho kỹ.
Hòa thượng ngừng nói, đôi mắt hiền từ lướt trên những khuôn mặt thân thương đã cùng mình trải qua những gian khổ ngọt bùi bao nhiêu năm nay. Sau khi nhấp chút nước thấm giọng, người bắt đầu:
- Thời thơ ấu, thầy là đứa trẻ tinh nghịch, hay phá phách, giết hại loài vật. Vào được cổng chùa, tuy đã dừng ác nghiệp song chưa biết tạo thiện nghiệp. Được bổn sư nhắc nhở, thầy cố gắng lập công bồi đức nhưng lại chấp vào công đức đã làm. Vì vậy, sư ông dạy tu pháp hồi hướng để xả bỏ phước đức hữu lậu. Sau khi thọ giới tỳ kheo, thầy được sư ông hướng dẫn Thiền Tịnh song tu để tiến tới cứu cánh giải thoát.
Sau năm mươi năm ròng rã siêng tu, thầy nghiệm ra rằng “nhất tâm còn dễ đặng chứ vô tâm, vô niệm thật khó đạt thành.” Ngày đêm thầy luôn tự vấn: “Cái gì đã mãi ràng buộc khiến ta chẳng thể vượt thoát lên được?”
Các con có thể tin được điều này không? Chính Phật tử Tâm Điền là người giúp thầy phá tung được mấu chót cuối cùng.
Mọi người, không ai che dấu được ngạc nhiên của mình. Họ cùng quay nhìn phía ra sau để tìm Tâm Điền nhưng anh không hiện diện nơi đây.
Chờ cho mọi xôn xao lắng dịu lại, hòa thượng tiếp tục:
- Từ nhỏ đến già, ta quen khép mình trong khuôn khổ kỷ cương nên bị nề nếp khuôn khổ chi phối, nó khiến cho năng sở luôn luôn hiện diện. Tới lúc muốn phá vỡ sự ràng buộc, muốn cắn cái kén đã bao bọc mình xưa nay để chui ra, bay lượn tự do, lại không thể làm được.
Còn Tâm Điền là một người bê bối, lôi thôi; đối với nó, không có gì quan trọng hết, kể cả sinh mạng, cả cuộc đời của nó… Ta học nơi Tâm Điền sự xả bỏ đến tận cùng nhưng đồng thời ta cũng khuyên nó nên bắt đầu vô khuôn khổ. Con ngựa chứng tuy có tài nhưng nếu không biết cách điều khiển, nó sẽ thành vô dụng hoặc gây tác hại.
Các con ơi, theo gương đức Phật, việc tu hành phải nên hòa hợp theo đường hướng trung đạo mới dễ thành công, đừng chấp một bên, đừng quyết đoán một chiều…
… Hòa thượng đã viên tịch ngay đêm hôm ấy. Hồi chuông trống Bát Nhã phá vỡ sự yên lặng thăm thẳm của đêm trường, đưa người đến chốn bình yên muôn thuở, khai thông nguồn sáng vô biên.
Mấy tháng sau, Tâm Điền trở thành một sa di mẫu mực. Bên cạnh chú là những người bạn đồng hành, những huynh đệ hết lòng giúp đỡ. Ngoài pháp lục hòa, trong lòng họ còn có sự tương kính. Những lời cuối cùng của hòa thượng đã tác động mạnh mẽ trong lòng mỗi người.
Rừng hoa cam trắng giờ đã kết thành trái ngọt, những trái vàng tươi chín mọng này đã lớn lên trong chuông sớm, kinh chiều; sẽ được phân phối đi khắp nơi, như một sự xả thân cúng dường cho nhân loại. Những trái cam này cống hiến tự nhiên và vô tâm đến nỗi không hề biết rằng khi buông bỏ tất cả là lúc được tất cả…
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/10/2010(Xem: 3842)
Trong đời, tôi đã thấy mặt trăng lần nào chưa? Nhìn trăng, tôi nhìn cả đời. Nhưng thấy trăng, tôi không dám nói chắc. Khi tôi nhìn trăng trước mắt, tôi nghĩ đến trăng nửa khuya loáng thoáng trên tàu lá chuối sau vườn cũ. Tôi nghĩ đến đèn trung thu lúc nhỏ. Tôi nghĩ đến cái chõng tre giữa sân trên đó, ngày xưa, tôi nằm nhìn mây bay. Nhìn trăng, tôi không thấy trăng. Chỉ thấy lá chuối, chõng tre. Thấy cả tôi với trẻ con hàng xóm nô đùa. Có lần tôi trốn tìm với chúng nó, bị lộ, tôi nhảy bừa vào bụi tre, bất ngờ có đứa con gái đã ngồi sẵn trong đó. Tôi sợ hoảng, toan vọt ra thì nó kéo tay tôi lại, ấn vai tôi xuống, cười đồng lõa. Trong loáng thoáng của cây lá, tôi thấy hai cái răng cửa của nó sáng ngời ánh trăng. Bây giờ, nhìn trăng non, tôi thấy cái miệng và hai cái răng. Tựa như hai cái răng của nó phát ánh sáng và in hình miệng nó lên bầu trời.
16/10/2010(Xem: 3120)
Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em
16/10/2010(Xem: 2939)
Ngày xưa, vào hồi Tây Sơn khởi nghĩa, có một chàng trai người vùng Đồng Nai, có tài cả văn lẫn võ, đã vung gươm hưởng ứng sự bất bình của thiên hạ.
16/10/2010(Xem: 2774)
Ngày xửa... Ngày xưa... Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm...
15/10/2010(Xem: 3210)
Một danh tướng về già muốn tặng thanh kiếm báu của mình cho một tướng quân ở xa. Ông giao trọng trách đó cho một gia nhân, cũng là một tay kiếm xuất chúng. Cẩn thận như vậy, ông vẫn không yên lòng, nghĩ rằng kiếm sĩ này chưa chắc đã đủ chín chắn để giữ kiếm không bị cướp dọc đường. Thanh kiếm không những quý về chất thép mà còn quý vì chuôi kiếm có nạm vàng và ngọc vua ban.
13/10/2010(Xem: 2610)
Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn...
13/10/2010(Xem: 4166)
Vào Thứ Sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2010, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa Bình năm 2010 được trao cho Lưu Hiểu Ba. Lưu Hiểu Ba, sinh năm 1955 tại thủ phủ Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc, là nhà tranh đấu bất bạo động cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã từng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh trong biến cố Thiên An Môn năm 1989 và sau đó liên tục bị sách nhiễu, quản chế tại gia và tù tội. Ngày 8 tháng 12 năm 2008, ông đã bị bắt vì cùng một số nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Trung Quốc công bố Hiến Chương 2008 đòi xóa bỏ chế độ cai trị độc đảng để tiến tới một xã hội dân chủ cho Trung Quốc. Hiến Chương 2008 cho đến nay đã có hơn 8,500 người tham gia ký tên. Vì Hiến Chương 2008, Lưu Hiểu Ba đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 11 năm tù. Hiện ông vẫn còn ngồi tù ở Liễu Ninh, Trung Quốc.
11/10/2010(Xem: 3191)
Không ngờ tôi lại có được duyên lành đi chung với Thầy Trụ Trì Chùa Tâm Giác một đoạn đường khá xa. Tôi vẫn thường hay đến chùa, vãn hay gặp Thầy nhưng lúc nào Thầy cũng „Phật sự đa đoan“ nên tôi có rất ít thì giờ gần gũi và tiếp xúc với Thầy nhiều. Chuyến đi này thật hữu ích cho tôi vô cùng, tôi đã nghe và thấm nhuần được rất nhiều điều về Giáo lý Phật Đà - một niềm tin mà tôi luôn luôn tôn thờ và say mê khi vừa mới lớn cho đến tận bây giờ và cũng nhờ Thầy mà đoạn đường đi về 260 km không còn xa vời vợi nữa.
07/10/2010(Xem: 3322)
Hiện nay, truyền thuyết Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài được lưu truyền dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác như kể chuyện, ca dao, truyền kỳ, kịch, khúc nghệ, âm nhạc, v.v
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]