Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Vì hiếu quên thù

26/03/201108:33(Xem: 6092)
19. Vì hiếu quên thù

CHUYỆN PHẬT ĐỜI XƯA
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

VÌ HIẾU QUÊN THÙ

Thuở xưa, có một vị vua rất hiền hậu, nhân từ. Vua khoan dung, đức độ, không dùng đến hình phạt nghiêm khắc. Nhân dân trong nước nhờ đức lớn của ngài đều được yên ổn, làm ăn phát đạt, người người đều trở nên giàu có.

Trong khi ấy, vua nước láng giềng lại rất hung ác, bạo tàn, thường hay hành hạ, trừng phạt dân chúng. Khắp trong nước, người người đều ta thán, chẳng được yên ổn làm ăn, nên của cải lương thực trong nước ngày một cạn kiệt.

Một hôm, vị vua hung dữ nghĩ rằng: “Vua láng giềng của ta sao trong nước lại được giàu có đến thế kia? Người ta nói vua ấy hiền lắm, không hề sát sanh hại mạng. Có lẽ trong nước của người, không còn lo đến việc quân binh nữa! Nếu ta kéo quân sang đánh lấy thì còn chi dễ bằng?” Vua bàn với triều thần. Ai nấy đều cho là phải và nhận rằng vua thật cao trí.

Bên kia, vị vua nhân từ nghe tin có quân giặc kéo đến muốn đánh lấy nước mình. Vua còn lưỡng lự chưa muốn ra quân đối địch. Bá quan đều tâu rằng: “Trong triều, còn có nhiều tướng tài có thể đánh lui quân giặc. Xin bệ hạ cứ sai đi là giữ nước được yên.” Nhưng vua suy nghĩ kỹ và phán rằng: “Nếu trẫm cho binh tướng ra chống cự, thì dù thắng hay thua, trẫm cũng đều không nỡ. Nếu trẫm thắng, thì quân giặc sẽ phải tan rã và chết chóc, còn nếu trẫm thua, ắt nguy cho quân lính với nhân dân của trẫm. Hai điều thảy đều bất lợi cho bậc hiền nhân. Trẫm không muốn làm khổ hại bá tánh mà giữ lấy ngôi vị sung sướng riêng một mình.”

Vua nói như vậy, nhưng các quan đều cho là một sự sỉ nhục cho đất nước, nên họp bàn cùng nhau quyết chống quân giặc. Vua không ngăn cản được cuộc chiến, cũng không muốn dự vào cuộc sát hại tương tàn, nên ngài nói với thái tử rằng: “Bây giờ, cha con ta nên lánh khỏi nước này. Người ta muốn giành lấy ngôi vua, thì ta cứ bỏ đó cho họ tùy tiện mà cướp lấy, miễn là bá tánh không phải bị sát hại là cha vui lòng rồi. Cha con ta lên núi cao ẩn dật, không còn bị lôi kéo vào cuộc tranh cướp lẫn nhau ở cõi trần tục này.” Thái tử vâng lời, hai cha con cùng ra khỏi thành.

Vua không ra lệnh chống cự, nên quân giặc nhanh chóng tiến đến kinh thành mà không phải chém giết gì nhiều. Qua hôm sau, quân giặc chiếm thành, truyền lệnh truy nã vua rằng: Ai nạp mạng vua, sẽ được thưởng một ngàn cân vàng.

Vua vào tận rừng sâu, ngồi dưới gốc cây mà tham thiền. Rồi ngài chứng đắc đạo quả, thấu lý chân không, bèn động lòng thương hại cho muôn loài chúng sanh phải chìm nổi nơi biển luân hồi, đắm mê trong trường danh lợi, chạy theo sự tham lam giả dối của trần thế.

Bỗng đâu có một người Bà-la-môn đi đến gặp vua và nói rằng: “Tôi là kẻ cùng khổ, nghèo đói lắm. Tôi nghe người ta nói rằng tìm được vua thì sẽ được giúp tiền, tôi cất công đi tìm nhưng đi mãi mà không biết ông ấy ở chỗ nào.”

Vua đáp rằng: “Hỡi ôi! Ta chính là vua đây. Nhưng nay nước đã mất rồi, ta cùng con ta ẩn dật nơi non cao, không còn của cải gì cả. Hiện giờ ta cũng nghèo khó như ngươi, cũng không có tiền bạc như ngươi. Nhưng ta có một cách có thể giúp ngươi. Vị tân vương muốn ban thưởng cho kẻ bắt được ta mang nộp. Vậy ngươi cứ bắt lấy ta đưa về kinh thành thì sẽ được giàu có sung túc.”

Người Bà-la-môn nói: “Tôi không đành làm như vậy.”

Vua đáp: “Không, ngươi cứ làm theo ý ta đi. Đời sống của con người chẳng qua như cơn gió thoảng. Nếu sống mà vô ích, thì sống có ý nghĩa gì. Như ta chết mà cứu giúp được ngươi khỏi sự nghèo đói, cái chết ấy mới thật có ý nghĩa.”

Người Bà-la-môn thấy vua đã quyết, không thể chối từ, liền nói rằng: “Nếu bệ hạ có từ tâm như thế, xin theo tôi về kinh thành.”

Rồi người Bà-la-môn giao nộp vua, được trọng thưởng theo lời truyền rao. Còn vua thì bị bỏ vào ngục tối, rồi sau bị xử thiêu trên giàn hoả. Dân chúng nghe tin thương xót lắm và tụ tập đến để vĩnh biệt vua, ai nấy đều cảm động rơi nước mắt. Lúc ấy, thái tử giả dạng một người buôn củi để dùng trong việc thiêu, nên được đứng trước vua cha mà tiễn biệt và quyết chờ dịp để báo thù. Nhưng đức vua từ thiện khuyên thái tử rằng: “Con hãy noi theo gương cha, giữ lòng từ bi như cha, ấy là con có hiếu với cha vậy. Đối với hết thảy mọi người, cho đến đối với kẻ giết cha, con hãy cứ lấy lòng nhân ái và khoan dung mà đối xử.”

Rồi vua bị thiêu chết. Thái tử đau lòng lắm, liền lánh lên non cao để khuây khoả tấc sầu. Ngài nhớ đến thù cha, lòng oán hận, quyết chí báo thù. Mà vì chưa trả được thù, nên trong lòng u uất, tức tối. Lắm khi, vì sự thù hận uất ức mà ngài phải thổ huyết. Thái tử thề rằng: “Nó đã giết cha ta một cách gớm ghê, ta phải báo thù. Ta phải lấy mạng nó mà báo thù.”

Rồi vì thù hận nung nấu, ngài không thể ở yên nơi chốn non cao. Ngài tìm về kinh thành, đến xin vào làm người hầu cho một ông quan đại thần. Vì ngài là người bặt thiệp, khôn ngoan, nên rất được lòng chủ. Không bao lâu, quan đại thần lấy làm yêu chuộng ngài và cho vào làm kẻ tâm phúc hộ vệ.

Một hôm, quan đại thần hỏi rằng: “Nhà ngươi có còn giỏi nghề gì khác nữa chăng?”

Ngài đáp: “Tôi làm nghề gì cũng được, nhưng giỏi hơn hết là nấu ăn.”

Thế là ngài được giao cho việc nấu ăn. Một bữa nọ, vị vua chinh phục ngự lại nhà quan đại thần dự tiệc. Ngài ăn uống ngon lành, rất lấy làm vừa miệng, mới biết rằng quan đại thần có người đầu bếp giỏi. Vua liền phán bảo quan đại thần cho người đầu bếp ấy vào cung lo việc ngự thiện. Do đó, thái tử được phong chức quan trông coi việc yến tiệc cho vua. Dần dần, vua đem lòng tin cậy, ban thưởng và phong thêm chức tước. Rồi sau hễ vua ngự đến đâu thì có thái tử ở đó, không mấy khi rời xa.

Cho đến một hôm, vua ấy đi săn cũng cho thái tử theo hầu bên cạnh. Vua ấy vì ham đuổi theo con mồi mà lạc vào tận rừng sâu, không biết lối ra. Trời dần tối, hai người đành tìm chỗ nghỉ lại trong rừng. Vua mệt mỏi, bèn giao gươm cho thái tử đứng canh, còn mình thì gối đầu trên đùi thái tử mà ngủ rất say. Lúc ấy, thái tử nghĩ rằng: “Bây giờ, kẻ nghịch đã vào tay ta, còn đợi chừng nào? Đầu nó đã nằm dưới lưỡi gươm, còn để mà làm gì?” Thái tử liền tuốt gươm ra... nhưng nghĩ đến lời trối trăng của cha, ngài lại nhè nhẹ tra gươm vào. Vua thức giấc, nói rằng: “Trẫm mơ màng thấy có người muốn chém trẫm, khanh có thấy ai chăng?”

Thái tử đáp: “Bệ hạ vì quá mệt nhọc, nên sanh ra mê sảng đó thôi. Có tiểu thần hộ vệ đây, việc gì mà bệ hạ phải lo?” Vua yên tâm ngủ lại. Thái tử thấy vua đã ngủ say, ba lần toan hạ thủ, ba lần lại tra gươm vào vỏ. Sau rốt, vì tức quá mới la lên rằng: “Vì lời trối trăng của cha ta, ta tha cho ngươi, hỡi kẻ giết cha ta.”

Khi ấy, vua liền tỉnh dậy và hỏi rằng: “Trẫm vừa mơ thấy người con của tiên vương nước này tha thứ cho trẫm mà không báo thù. Vậy khanh có hiểu điềm ấy chăng?”

Thái tử lấy làm cảm xúc, đáp rằng: “Người con của tiên vương đó chính là tôi đây. Tôi đã toan xuống tay trả thù, nhưng phụ vương khi thác có lời trối trăng, không cho tôi lấy oán trả oán, bảo phải lấy lòng từ bi mà tha thứ tất cả theo gương chư Phật. Vì thế nên tôi không nỡ hại mạng bệ hạ, đã ba phen toan xuống gươm, ba phen lại tra gươm vào vỏ.” Vua nghe như vậy lấy làm xúc động, hổ thẹn về việc làm đã qua của mình, liền nói: “Thôi thì khanh cứ giết trẫm đi, trẫm vui lòng chịu chết để đền lại tội ác của mình đã làm.”

Thái tử nói: “Tôi không thể trái lời dạy của cha. Đã nói rõ sự thật cho bệ hạ biết, giờ đây xin chịu tội. Tùy bệ hạ phán xử.”

Rồi hai người cùng im lặng hồi lâu. Cho đến khi trời hừng sáng. Bấy giờ, vua ấy rất hối hận, nói rằng: “Trẫm thật là người chẳng biết phân biệt tốt xấu, đã giết chết một bậc đại từ đại bi như cha của khanh. Ấy là một lỗi lầm quá lớn vậy. Tiên vương thật là một vị thánh, luôn yêu thương và tha thứ, cứu giúp người khác. Còn khanh cũng xứng đáng là một bậc đại hiền, có thể vì chữ hiếu và noi theo đạo từ bi mà dẹp bỏ oán thù.”

Trời sáng rõ, vua phân vân chẳng biết đi lối nào có thể ra khỏi rừng. Thái tử liền nói: “Không sao, tôi vẫn biết đường ra, nhưng hôm qua là muốn làm cho bệ hạ lạc lối đó thôi.”

Hai người ra khỏi rừng, gặp quần thần chờ đón rất đông. Vua liền hỏi bá quan rằng: “Các khanh có biết vị thái tử con của tiên vương bây giờ ở đâu chăng?”

Ai nấy đều đáp rằng: “Thái tử đã chạy lạc mất từ lúc vua trước bị thiêu chết, không còn ai biết tông tích ở đâu cả.”

Vua liền nắm tay thái tử và kể hết mọi chuyện cho bá quan nghe, khen rằng thái tử là một người con hiếu, vâng theo lời trối trăng của cha mà xóa bỏ oán thù. Rồi vua tuyên bố trả lại đất nước này cho thái tử trị vì.

Từ đó, thái tử lên ngôi, nối nghiệp vị vua cha từ thiện. Dân chúng khắp nơi đều ca tụng công đức của ngài.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4514)
Sừng sững trên cánh đồng lúa chiêm vùng bắc ngạn sông Đuống, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, tụ hội năm ngọn núi khôi vĩ Ma Khám...
10/04/2013(Xem: 4692)
Hạ bước vào quán lúc 12 giờ trưa, cô đảo mắt nhìn quanh, thật khó tìm một chỗ ngồi rộng rãi ở cái quán nổi tiếng là thức ăn ngon này...
10/04/2013(Xem: 7862)
Thuở xưa có một gia đình nọ, cha mẹ chết để lại cho hai anh em một cơ sở khá vững vàng. Hai anh em vui sống trong cảnh hòa thuận và được sự ...
10/04/2013(Xem: 8907)
Một sinh thể đã xuất hiện trong cuộc đời như chưa từng có, đến lúc từ giã ra đi cũng thật nhẹ nhàng như cánh nhạn lưng trời. Vốn xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, được bẩm thụ cái gen của tổ phụ từng nổi tiếng văn chương, lại hấp thụ tinh hoa của địa linh sông Hương, núi Ngự - một vùng đất được xem là cái nôi của văn hóa Phật giáo miền Trung. Khi trưởng thành, thể hiện phong thái của một bậc nữ lưu tài sắc vẹn toàn, nhưng túc duyên thôi thúc, sớm rõ lẽ vô thường, dễ dàng từ bỏ cảnh phú quí vinh hoa, hâm mộ nếp sống Thiền môn thanh đạm.
10/04/2013(Xem: 4507)
Bác Lý, anh Dần và một số đông dân làng Cẩm Thành đã hai ba đêm nay rồi, họ cứ tụ nhau ở bên hàng giậu bông bụt của nhà ông đội Giai. Ông này ...
10/04/2013(Xem: 4385)
Trong thơ văn Phật giáo có hai câu thơ quen thuộc : Thấy nguyệt tròn thì kể tháng...
10/04/2013(Xem: 4740)
Vợ chồng người em gái tôi ở tận Gành Đỏ, Sông Cầu, điện thoại tha thiết mời tôi đến nhà thăm chơi. Từ ngày hai vợ chồng em đến đó lập nghiệp, tôi ...
10/04/2013(Xem: 4798)
Chú Ðôi bao giờ cũng hát chỉ mỗi giai điệu ấy! Ðó là bài hát “Ánh trăng sáng ngời, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ...” Chú không ...
10/04/2013(Xem: 5455)
Nếu không muốn nói rằng chúng ta chưa thật sự quan tâm đến lãnh vực này trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp, thì còn lại là hiện trạng tre đã ...
10/04/2013(Xem: 4421)
Ðại Ðức NÀRADA, Mahà Thera là một vị Tỳ Khưu trứ danh người Tích Lan. Ngài là một vị cao tăng đã nắm vững chắc phần giáo lý cao siêu nhà Phật...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]