Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Những chàng trai hư hỏng

21/03/201103:50(Xem: 5795)
26. Những chàng trai hư hỏng

TRUYỆN PHẬT THÍCH-CA
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

HỒI THỨ NHÌ

26. NHỮNG CHÀNG TRAI HƯ HỎNG

Trong thành Ba-la-nại có một chàng thanh niên con nhà cực kỳ giàu có tên là Gia-xá. Vì nhà giàu được cha mẹ nuông chiều, nên chàng ăn chơi theo lối của hàng vương tôn công tử, thường tổ chức những buổi yến tiệc thâu đêm suốt sáng, có đàn ca hát xướng với mỹ nữ giúp vui.

Nhưng Gia-xá vốn là một thanh niên trí thức, có hiểu biết sâu rộng, nên lắm khi chàng cũng băn khoăn tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống của mình. Đôi khi, chàng nhận ra những cuộc vui mà mình đang đắm chìm trong đó chẳng có ý nghĩa gì, và chàng đâm ra nhàm chán.

Một hôm nọ, chàng dự một buổi yến tiệc linh đình với rất nhiều mỹ nữ giúp vui, kéo dài cho đến tảng sáng. Khi tiệc đã tàn, Gia-xá không sao ngủ được. Chàng cảm thấy chán ngán hơn bao giờ hết cuộc sống kéo dài ngày này sang ngày khác mà không tìm được một ý nghĩa nào mới lạ. Chàng vùng dậy từ trong nhà bước ra ngoài sân. Đi ngang qua phòng lớn, chàng trông thấy các nàng vũ nữ nằm ngổn ngang say ngủ, gác tay gác chân lên nhau, miệng mồm há hốc, phấn son nhễ nhại, không còn chút dáng vẻ xinh đẹp mỹ miều nào.

Trông thấy cảnh ấy trong tâm trạng đang căng thẳng, Gia-xá cảm thấy không chịu đựng được nữa. Chàng bước nhanh ra ngoài sân, miệng lẩm bẩm: “Giả dối quá! Thật là đáng tởm quá!”

Và cứ như thế, chàng băng băng đi qua các đường phố hãy còn tối om, miệng lẩm bẩm những lời chán ngán ấy. Chàng cũng không biết mình đang đi đến đâu, chỉ biết là phải thoát ngay ra khỏi cuộc sống nhàm chán, vô vị mà chàng đã đắm mình trong đó bao nhiêu năm qua.

Một sức mạnh lạ kỳ đưa chàng đến khu vườn Lộc Uyển vào lúc trời vừa sáng rõ.

Đức Phật đang đi thiền hành nơi đó thì gặp Gia-xá. Chàng vẫn còn đang lẩm bẩm trong miệng rằng: “Thật đáng tởm quá!”

Vốn biết rõ hết mọi điều suy nghĩ trong tâm tư chàng, Phật đã muốn tiếp độ nên liền lên tiếng nói rằng: “Không có gì đáng tởm cả.”

Rồi ngài ung dung tiếp tục thiền hành.

Nghe giọng nói trong trẻo, uy nghiêm của ngài cất lên, tự nhiên tâm trí chàng Gia-xá như tỉnh hẳn ra. Chàng đứng ngẩn người ngắm nhìn vẻ đẹp thanh thoát trong từng bước chân của bậc giác ngộ. Bỗng dưng, chàng cảm thấy không thể nào cưỡng lại được, liền riu ríu cúi đầu đi theo sau lưng ngài.

Được một quãng xa, đức Phật đến ngồi dưới một cội cây, ung dung đợi chàng đến. Gia-xá đến nơi, lễ bái ngài rồi chấp tay đứng hầu một bên.

Khi ấy, Phật mới lên tiếng hỏi chàng:

“Vì sao ngươi nói là đáng tởm?”

Chàng Gia-xá liền đem hết tâm tư khắc khoải bấy lâu của mình ra trình bày với Phật. Ngài yên lặng lắng nghe. Rồi ngài bắt đầu giảng giải cho chàng nghe thế nào là một cuộc sống thanh cao, mang lại nhiều ý nghĩa cao quý.

Vốn sẵn có tri thức sâu rộng, Gia-xá tin nhận lời Phật một cách nhanh chóng. Ngay khi ấy, chàng xin được quy y theo Phật. Phật nhận lời.

Cha của chàng là một thương gia, sau khi đi tìm và biết con đã xuất gia theo Phật, liền đến Lộc Uyển để tìm con. Ông muốn khuyên con trở về nhà, không nên xuất gia. Nhưng khi đến nơi, nghe Phật thuyết pháp, ông liền sanh lòng hoan hỷ, tin theo Phật và xin thọ phép quy y. Ông lại thỉnh Phật đến nhà để cúng dường. Phật nhận lời và cùng đi với các đệ tử đến.

Mẹ và vợ của chàng Gia-xá được gặp lại chàng trong y phục sa-môn, dáng vẻ oai nghi thoát tục, đều mừng rỡ và hết lòng xin quy y Phật.

Có bốn người bạn của Gia-xá là Tỳ-ma-la, Tu-bà-hầu, Phú-lan-na-ca và Già-bà-bạt-đế, đều là những kẻ cùng chàng ăn chơi trác táng xưa nay. Mấy chàng nghe tin Gia-xá xuất gia theo Phật, rất lấy làm kỳ lạ, liền bàn với nhau rằng:

“Anh em chúng ta hãy cùng đến Lộc Uyển để viếng thăm Gia-xá. Chúng ta sẽ bảo cho chàng biết sự sai lầm ấy và thuyết phục chàng trở về.”

Bốn người vào vườn gặp lúc đức Phật đang thuyết pháp với đệ tử. Khi ấy, ngài liền thuật cho mọi người nghe một câu chuyện như sau:

“Thuở xưa có một vị tu sĩ sống một cách rất đơn sơ trong động đá. Ông lấy vỏ cây làm quần áo, uống nước dưới khe, ăn trái cây rừng và các loại củ, rễ. Ông không giao tiếp cùng ai cả, chỉ làm bạn với một con dê thôi. Con dê cũng biết nói như người, và nó thích hầu chuyện cùng ông lắm. Con dê được nghe ông dạy cho đạo lý nên nó cũng cố gắng noi theo con đường trí tuệ.

“Đến một năm kia, trời hạn hán, nước ở mấy khe núi đều cạn khô, cây cối không còn bông trái chi cả. Vị tu sĩ không còn gì để ăn uống, lấy làm buồn chán bèn vứt bỏ áo vỏ cây, định bỏ đi. Con dê thấy vậy, hỏi rằng: ‘Ông nuốn bỏ động đá này mà đi sao?’

“Vị tu sĩ đáp: ‘Đúng vậy. Ta muốn về sống với loài người để xin cơm mà độ nhật. Những thứ họ cúng dường cho ta sẽ ngon hơn trái cây và củ rừng ở đây.’

“Con dê nghe nói, lấy làm buồn. Nó thưa ông rằng: ‘Ông đừng đi! Lâu nay ông vẫn dạy cho tôi rằng đời sống vật thực là giả tạm. Chúng ta chỉ cần ăn uống đủ sống qua ngày mà tu tập đạo lý thôi. Sao nay ông lại vì tham miếng ăn ngon mà bỏ chốn non cao thanh vắng này? Chỉ có ở đây thì việc tu tập của ông mới mau đạt kết quả mà thôi.’

“Dù biết con dê nói đúng, nhưng vị tu sĩ ấy vẫn quyết ra đi. Con dê liền nói rằng: ‘Được, nếu ông muốn đi thì xin chờ tôi một ngày nữa mà thôi, tôi sẽ cố tìm ít thức ăn về đãi ông, rồi mai sẽ đi cũng chẳng muộn gì.’

“Vị tu sĩ đồng ý, con dê liền hớn hở ra đi. Vị tu sĩ ngồi bên bếp lửa trong động đá mà chờ con dê về.

“Dê đi suốt đêm, sáng sớm trở về, không có chút thức ăn nào. Nó đến làm lễ ông và thưa rằng: ‘Tôi mang thân loài thú, không đủ trí khôn. Nếu có lỗi lầm gì xin ông tha thứ cho.’

“Nói dứt lời, liền nhảy vào đống lửa.

“Vị tu sĩ hốt hoảng, vội kéo dê ra, hỏi rằng: ‘Ngươi định làm gì thế? Vì sao lại liều thân mà muốn chết trong đống lửa?’

“Dê thưa rằng: ‘Tôi thật đau lòng không muốn thấy ông vì sự đói khát mà ngã lòng thối chí, rời bỏ nơi này ra đi, nên muốn nhảy vào lửa để có món thịt chín cho ông dùng, để ông còn có thể ở lại động đá này.’

“Vị tu sĩ cảm động lắm. Ông nói: ‘Thôi ta không đi nữa. Dù có chết đói, ta cũng sẽ ở đây cùng ngươi.’

“Mấy hôm sau trời mưa. Vị tu sĩ và con dê lại có đủ nước uống với hoa quả để ăn và tiếp tục tu tập nơi động đá.”

Đức Phật nín lặng giây lát và nói tiếp rằng:

“Các ngươi có biết con dê lúc đó là ai chăng? Chính là ta đây. Còn vị tu sĩ, chính là một người vừa mới vào vườn này, tên là Tỳ-ma-la.”

Rồi đức Phật đứng dậy, nói rằng:

“Lúc đó ta làm dê nơi động đá, đã ngăn cản không cho ngươi đi đường tà. Bây giờ ta thành Phật, ta sẽ chỉ cho ngươi đường chánh đạo để mà đi. Mắt ngươi sẽ thấy, tai ngươi sẽ nghe, và bấy giờ ngươi mới hổ thẹn vì muốn lôi kéo bằng hữu yêu quý của mình ra khỏi đường ngay.”

Tỳ-ma-la liền sụp lạy dưới chân đức Phật. Chàng nguyện quy y và được Phật nhận làm đệ tử. Ba người đi theo là Tu-bà-hầu, Phú-lan-na-ca và Già-bà-bạt-đế cũng đều xin theo tu học.

Số đệ tử đến xin theo Phật ngày càng đông hơn. Chỉ trong 6 tháng ngài ở tại Lộc Uyển mà đã đến 60 vị đệ tử xuất gia, mỗi người đều chứng đắc những quả vị cao quý. Còn số đệ tử tại gia xin quy y Tam bảo thì rất nhiều.

Ngày kia, Phật mới bảo với các vị đệ tử rằng:

“Này các ngươi! Đạo giải thoát ta đã chỉ dạy cho các ngươi, các ngươi nên chuyên tâm tu tập. Lại cũng nên vì tất cả chúng sanh mà truyền rộng ra cho người người đều được phần lợi lạc. Nay các ngươi nên chia nhau đi nhiều nơi mà thuyết pháp, để những chốn xa xôi cũng được nghe biết đạo mầu nhiệm của ta.

“Này các ngươi! Trong các hạng chúng sanh, dẫu có nhiều người ngu mê u tối, nhưng cũng lắm người có chí khí thanh tịnh thoát trần. Nếu những người ấy mà không được nghe đạo pháp của ta thì họ chẳng thể nào đạt được chỗ an lạc, giải thoát. Vì vậy các ngươi nên hết lòng mà truyền bá những gì ta đã dạy.

“Lại nữa, từ nay về sau mỗi người các ngươi đều có thể nhận đệ tử xuất gia tu học. Nếu có kẻ muốn xin xuất gia, hãy bảo họ quỳ đọc ba lần lời phát nguyện quy y Tam bảo, rồi cạo bỏ râu tóc đi là được.”

Các vị đệ tử chia nhau ra đi. Còn đức Phật thì lên đường đi về hướng thành Vương-xá, xứ Ma-kiệt-đà, vì ngài muốn giữ lời hứa cũ trước kia với vua Tần-bà-sa-la.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8721)
Ðại sư Lục tổ Huệ Năng, một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sự tích của ngài, mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyễn kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn, thế nhưng, những mẫu chuyện huyền hoặc về cuộc đời ngài, thỉnh thoảng vẫn làm mờ đi phần nào sự thực.
08/04/2013(Xem: 15322)
Nói đến luân hồi, nhiều người quan niệm đó như là chuyện xưa tích có, nhưng thật ra vô cùng mật thiết với đời sống thăng trầm của kiếp người mà chẳng mấy ai lưu tâm. Cũng như không khí hít thở hằng ngày rất thiết yếu cho đời sống, nhưng phần đông không mấy người để ý đến.
08/04/2013(Xem: 16633)
Bộ kinh Bách Dụ gồm 98 bài thí dụ của Phật nói do Ngài Pháp Sư Tăng Gia Tư Na sao lục trong kinh tạng. Hai thí dụ rốt sau: "Thuốc hay hòa trong đường phèn", "Dùng là gói thuốc A Dà Ðà" là của Pháp Sư tự soạn, để tổng dụ cho diệu lý đủ trong những thí dụ trên.
08/04/2013(Xem: 33814)
Bởi đời đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipasyin), sau khi Phật Niết-bàn, chúng xây tháp thờ Xá-lợi, trong tháp có an trí một pho tượng Phật phết vàng. Lâu ngày pho tượng trên mặt bị lở khuyết. Khi ấy, ngài ca-diếp là thợ đúc vàng, có cô gái nhà nghèo, vì thấy mặt Phật hư khuyết, cô còn một đồng tiền vàng đem đến nhờ Ngài ca-diếp nấu ra để phết lại tượng Phật.Thấy cô phát tâm tu bổ tượng Phật, ngài rất hoan hỷ đứng ra làm chu tất việc nầy, nhơn đó, hai người cùng nguyện đời đời sẽ làm vợ chồng, mà coi như đôi tri-kỷ, chớ không vì tình dục.
08/04/2013(Xem: 12544)
Ước mong rằng người đọc cũng như người nghe truyện sẽ ghi nhớ mãi trong tâm cái nếp sống đạo đức chân chính cùng những lời khuyên dạy quý báu của vị Bồ Tát trong truyện để cùng nhau cố gắng noi theo hầu đạt được cái Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc sống hàng ngày.
08/04/2013(Xem: 14846)
Từ ngày Ngài xuất hiện đến nay, trên hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua bao nhiêu lớp người trồi sụp, bãi bể nương dâu đã mấy lần thay đổi: những vết tích đã xoá nhoà trong trí nhớ của người đời, những nét chữ đã lu mờ trong sách sử. Di tích của Ngài tuy được giừ gìn trong các đền chùa tháp điện, cũng không khỏi lấm màu sắc thời gian.
08/04/2013(Xem: 16191)
Tôi viết tập truyện nhỏ này với niềm say mê thích thú chưa từng có. Một mình trên căn gác, suốt ngày tâm hồn đắm vào thế giới loài vật những cọp những beo, cáo, gấu, chìa vôi, bìm bịp, chèo bẻo... tôi tưởng như chúng đang chạy nhảy và đối thoại quanh tôi. Thật là những giờ phút kỳ diệu. Viết xong từng đoan, đọc lại, cười. Như đọc văn của ai. Thích hơn khi viết về Người, bởi nghĩ rằng viết về Người đã có nhiều ngòi bút khác viết rồi. Ðằng này do mình tưởng tượng dựng ra thì hy vọng chúng mang trọn vẹn bản sắc của tâm hồn mình.
08/04/2013(Xem: 12599)
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ. Ðược như thế công đức vô lượng, đó gọi là pháp thí. Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, . . .
08/04/2013(Xem: 16479)
Trong thế kỷ XX, phương Tây có hai người tìm hiểu đất nước Tây Tạng rất sâu sắc, đó là bà Alexandra David Néel và ông Anagarika Govinda. Cả hai vị này đã từng sống nhiều năm tại Tây Tạng, từng tu tập thiền định và đi khắp nơi trong xứ sở huyền bí này hơn bất cứ người nước ngoài nào khác. Có thể nói họ hiểu Tây Tạng với bất tất cả những khía cạnh tâm linh, tâm lý, địa lý nhiều hơn cả phần đông người Tây Tạng.
08/04/2013(Xem: 3759)
Tháng 10 mùa thu, đề tài muôn thuở để bao văn nhân thi sĩ trên thế gian này múa bút. Kẻ tán tụng, người than van. Nhưng tựu trung không ai phủ nhận mùa thu đẹp với những chiếc lá vàng rơi phủ đầy lối đi, đường phố. Rồi thì khách bộ hành, những cặp tình nhân tay đan tay rảo bước đạp xào xạc trên lá vàng khô. Họ kéo cao cổ áo, nép vào nhau khi một làn gió nhẹ mơn man thổi đến.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]