Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương ba

13/03/201118:11(Xem: 5337)
Chương ba

Á CHÂU HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG BA

Trưa hôm đó, đức Tuệ Minh, Dật Sĩ và tôi cùng khởi hành đến ngôi đền và đến nơi vào lúc năm giờ chiều ngày hôm sau. Tại đây, chúng tôi được hai người giữ đền tiếp rước và dọn chỗ cho chúng tôi nghỉ lại ban đêm.

Đền được xây cất bằng đá trên một ngọn núi cao, tục truyền rằng đã có từ mười hai ngàn năm. Đền vẫn còn trong trạng thái nguyên vẹn, toàn hảo. Có lẽ đây là một trong những ngôi đền đầu tiên được dựng lên bởi các vị đạo sư của môn phái luyện trường sinh hồi thời cổ. Các vị xây đền này với mục đích tạo dựng nên một nơi tu tịnh hoàn toàn yên tĩnh, và có lẽ không một vị trí nào khác thích hợp hơn chỗ này.

Đó là một đỉnh núi cao nhất trong vùng, chiều cao ba ngàn năm trăm thước. Con đường núi đưa lên tới đây hầu như dốc đứng trong đoạn cuối cùng. Có đoạn phải vượt qua những chiếc cầu treo bằng dây thừng. Một đầu những dây thừng này buộc chặt với những tảng đá lớn ở tận trên cao, và đầu kia buông thòng xuống trong khoảng không, buộc vào những thân cây ghép lại làm thành một chiếc cầu treo lủng lẳng ở độ cao hai trăm thước. Trên những đoạn đường khác, chúng tôi buộc phải trèo lên những nấc thang buộc vào những sợi dây thừng từ trên cao buông xuống.

Đoạn đường dài một trăm thước cuối cùng hoàn toàn dốc đứng. Chúng tôi trèo lên con đường bằng những cái thang dây. Khi đến nơi, tôi có cảm giác như đang ở trên tột đỉnh của thế giới.

Ngày hôm sau, chúng tôi thức dậy vào lúc mặt trời mọc. Sau một đêm ngủ ngon giấc, tôi hoàn toàn quên mất sự leo núi vất vả mệt nhọc của ngày hôm trước. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, người ta không nhìn thấy gì trong khoảng một ngàn thước, cho nên nơi này có vẻ như treo lủng lẳng giữa không trung.

Thật là khó quên được cảm giác đó! Ba ngọn núi khác nhô lên ở tận đằng xa. Người ta nói rằng trên đỉnh mỗi ngọn núi ấy đều có một ngôi đền giống như ngôi đền này, nhưng các ngọn núi ấy ở cách xa đến nỗi tôi nhìn qua kính viễn vọng cũng không thấy gì.

Đức Tuệ Minh cho tôi biết rằng nhóm người đi theo Tô Mặc, vị trưởng nhóm của chúng tôi, có lẽ đã đến ngôi đền ở trên đỉnh núi xa nhất cùng một lượt với chúng tôi tại đây. Ngài nói rằng, nếu tôi muốn tiếp xúc với Tô Mặc, tôi có thể nói chuyện được, vì ông ta cùng với các thành viên trong nhóm cũng đang đứng trên nóc đền như chúng tôi.

Tôi liền lấy giấy bút ra viết một bức thông điệp gửi cho Tô Mặc:

“Tôi đang ở trên nóc đền, cao hơn mặt biển ba ngàn năm trăm thước. Đền cho tôi cái cảm giác bị treo lủng lẳng giữa không gian. Đồng hồ tôi chỉ đúng 4 giờ 55 phút sáng ngày thứ Bảy, 2 tháng 8.”

Đức Tuệ Minh đọc bức thông điệp và đắm chìm một lúc trong im lặng. Kế đó, tôi nhận được sự trả lời của Tô Mặc:

“Đồng hồ tôi chỉ 5 giờ 1 phút sáng ngày thứ Bảy, 2 tháng 8. Chỗ này cao hơn mặt biển hai ngàn tám trăm thước. Cảnh rất đẹp, vị trí này thật là độc đáo.”

Đức Tuệ Minh nói:

– Nếu các bạn muốn nói gì thêm, tôi sẽ chuyển đi bức thông điệp và mang về câu trả lời. Nếu các bạn không thấy gì trở ngại, tôi sẽ đi sang nói chuyện với những người đang ở ngôi đền bên ấy.

Tôi bèn đưa cho ngài một thông điệp và ngài liền biến mất. Một giờ bốn mươi lăm phút sau đó, ngài trở về với một thông điệp của Tô Mặc nói rằng, đức Tuệ Minh đã đến vào lúc 5 giờ 16 phút và nhóm của ông ta đang sung sướng nghĩ đến những gì sắp thực hiện trong cuộc hành trình.

Chúng tôi ở lại đền này trong ba ngày, trong khi đó đức Tuệ Minh đi viếng thăm tất cả các toán khác trong cuộc hành trình, có chuyển đi những thông điệp của tôi và mang về những thông điệp của các toán ấy.

Sáng ngày thứ tư, chúng tôi sửa soạn trở về làng, nơi mà chúng tôi đã để lại những người bạn đi tìm những “người tuyết.” Đức Tuệ Minh và Dật Sĩ còn muốn đến một làng nhỏ ở trong thung lũng. Từ con đường mòn của chúng tôi rẽ vào đó phải đi độ năm chục cây số. Tôi tán đồng việc đó và đề nghị đi theo hai vị.

Đêm đó, chúng tôi nghỉ trong một túp lều tranh của bọn mục đồng và lên đường từ lúc sáng sớm để kịp đến nơi vào sáng hôm sau. Chúng tôi phải đi bộ vì đã để ngựa lại với các bạn tôi trong làng. Chúng tôi không thể dùng ngựa để đi lên ngôi đền trên đỉnh núi.

Sáng hôm đó, vào khoảng mười giờ, đột nhiên có một cơn giông bão dữ dội, sấm chớp không ngừng, đe dọa sẽ có mưa lũ tầm tã đêm ngày. Nhưng trời vẫn tạnh ráo không rơi một giọt mưa!

Chúng tôi đi qua một khu rừng cây rất rậm rạp. Mặt đất bao phủ bằng một loại cỏ khô và cứng. Khắp vùng quanh đó dường như khí hậu khô ráo một cách đặc biệt khác thường. Những tia sét làm cho cỏ khô bắt lửa cháy lan tràn nhiều nơi, và trước khi chúng tôi nhận biết được việc gì xảy ra, chúng tôi đã bị vây phủ chung quanh bởi một đám cháy rừng.

Không bao lâu, đám cháy đã bộc phát dữ dội và đồng loạt tiến đến gần chúng tôi từ ba phía với một tốc độ nhanh kinh khủng. Khói bốc lên từng đám dày đặc làm cho tôi hoang mang kinh sợ.

Đức Tuệ Minh và Dật Sĩ có vẻ bình tĩnh ung dung, điều này cũng làm cho tôi trấn tĩnh được ít nhiều. Hai vị nói:

– Có hai cách đi thoát khỏi nơi đây. Cách thứ nhất là đi đến một dòng suối chảy dưới đáy một vực sâu ở cách đây khoảng tám cây số đường rừng. Chúng ta có thể trú ẩn an toàn ở đó cho đến khi đám cháy tự nó tàn lụi dần vì không còn gì để cháy. Cách thứ nhì là vượt thẳng qua đám cháy, nhưng bạn phải tin tưởng nơi khả năng của chúng tôi là có thể giúp bạn đi an toàn qua vùng khói lửa.

Tôi nhận thấy rằng các vị luôn tỏ ra có đủ bản lĩnh tháo vát trong tất cả mọi trường hợp, và tôi liền hết sợ ngay lập tức. Tôi bèn đặt tất cả niềm tin vào sự che chở của hai vị.

Tôi đi giữa, hai vị quàng vai tôi đi kèm hai bên. Chúng tôi thẳng tiến về hướng đám cháy đang hoành hành với một cường độ mãnh liệt nhất.

Ngay lúc đó, dường như có một cái vòm mở rộng trước mặt chúng tôi. Chúng tôi đi xuyên qua dám cháy mà không một mảy may khó chịu vì khói, hơi nóng hay những đống lửa cháy đỏ rực trên đường đi của chúng tôi. Chúng tôi đi như vậy trên mười cây số một cách an toàn dường như không hề có lửa cháy quanh đó. Sau cùng, chúng tôi vượt qua một con rạch nhỏ và ra khỏi vùng hỏa hoạn.

Trên đường về, tôi có nhiều thời giờ hơn để quan sát con đường mà chúng tôi đã đi qua lúc đó. Trong khi chúng tôi vượt qua khỏi đám cháy, đức Tuệ Minh nói với tôi:

– Bạn có thấy chăng, trong trường hợp tuyệt đối khẩn cấp, ta có thể sử dụng những định luật huyền bí để thay thế những định luật thông thường của trần gian. Vừa rồi, chúng tôi đã nâng những rung động phân tử của thể xác chúng tôi lên một nhịp độ cao hơn nhịp độ của lửa, và vì thế lửa không còn làm hại chúng tôi được nữa. Nếu một người thường nhìn vào chúng tôi lúc đó, họ sẽ tưởng rằng chúng tôi biến mất, nhưng sự thật chúng tôi vẫn có mặt tại chỗ. Thật ra chúng tôi không thấy có sự khác biệt. Trong trạng thái tâm thức đó, chúng tôi không còn ý thức về những giác quan của thể xác. Chúng tôi đã đạt tới một trạng thái tâm thức mà người thường không biết tới. Nhưng thật ra thì mỗi người đều có thể làm giống như chúng tôi. Chúng tôi đã sử dụng một định luật sẵn có trong tự nhiên. Chúng tôi có thể sử dụng định luật ấy để di chuyển thể xác đến bất cứ nơi nào trong không gian. Chính đó là định luật giúp chúng tôi có thể xuất hiện và biến mất trước mắt mọi người, vượt qua mọi giới hạn về không gian. Chúng tôi thực hiện được điều đó bằng cách nâng cao trạng thái tâm thức của mình. Điều đó giúp chúng tôi vượt qua tất cả những giới hạn mà con người thường tự đặt ra bằng những khái niệm và quy luật mà họ luôn cho là hợp lý...

Tôi có cảm giác dường như chúng tôi chỉ đi lướt trên mặt đất. Khi chúng tôi ra khỏi đám cháy rừng và được an toàn ở bên kia bờ rạch, trước hết tôi có cảm giác như vừa thức dậy sau một cơn ngủ mê và đó chỉ là một giấc mộng. Nhưng sự hiểu biết những gì đã xảy ra dần dần phát triển trong tôi, và ý nghĩa thật sự của những diễn biến đó bắt đầu hiện rõ dần và soi sáng tâm hồn tôi.

Chúng tôi tìm một nơi có bóng mát trên bờ rạch và ăn một bữa lót dạ, kế đó chúng tôi nghỉ ngơi trong một giờ và lên đường trở về làng.

lll



Làng này tỏ ra là một nơi đầy thú vị, vì tại đây có những tài liệu lịch sử được giữ gìn rất kỹ lưỡng. Những tài liệu này khi được phiên dịch ra đã đem đến một bằng chứng chắc chắn rằng Thánh Jean Baptiste đã từng sống tại đây trong 5 năm.

Sau đó, chúng tôi đã có dịp xem và dịch những tài liệu khác nữa chứng tỏ rằng ngài đã trở lại và sống trong vùng này độ 12 năm. Mãi về sau, người ta đưa cho chúng tôi xem những tài liệu khác nữa, và theo đó thì dường như ngài đã cùng với một số người địa phương đi du lịch trong 20 năm xuyên qua các xứ Tây Tạng, Trung Hoa, Ba Tư và Ấn Độ.

Chúng tôi có cảm tưởng rằng đã có thể theo dõi được bước chân của ngài trên lộ trình mà các tài liệu ghi rõ. Những văn kiện này làm chúng tôi thích thú đến nỗi chúng tôi đã trở lại một vài làng để sưu tầm thêm nữa.

Bằng cách soạn lại những dữ kiện thâu thập được, chúng tôi có thể vẽ một bản đồ ghi rõ lộ trình và những sự di chuyển của Thánh Jean Baptiste. Vài sự việc được mô tả trong những câu chuyện tường thuật hấp dẫn và sinh động đến nỗi chúng tôi tưởng tượng rằng mình đang đi cùng một con đường với Thánh Jean Baptiste và theo đúng những đường mòn mà ngài đã đi qua trong quá khứ xa xăm.

Chúng tôi ở lại làng này trong ba ngày. Sau đó chúng tôi trở về ngôi làng mà chúng tôi đã để lại mấy người bạn. Sứ mạng của đức Tuệ Minh và Dật Sĩ ở làng này chỉ là để chữa bệnh cho những người đau yếu. Hai vị có thể trở về làng trong một thời gian ngắn hơn tôi rất nhiều, nhưng vì tôi không thể đi nhanh như hai vị nên hai vị đã dùng cách di chuyển của tôi.

Các bạn tôi đợi chúng tôi tại làng. Họ đã hoàn toàn thất bại trong việc đi tìm những “người tuyết.” Sau năm ngày đi tìm, họ đã mệt mỏi và bỏ cuộc. Trên đường về, họ chú ý đến cái bóng đen của một người in rõ lên nền trời xanh trên một đỉnh núi cách đó chừng hai ngàn thước. Trước khi họ có thể sử dụng kính viễn vọng thì người ấy đã biến mất. Họ chỉ nhìn thấy cái bóng ấy trong một thời gian rất ngắn, và chỉ có ấn tượng rằng người ấy có hình thù giống như khỉ có lông dài.

Họ hối hả đi đến nơi cái bóng đen đã xuất hiện, nhưng không thấy dấu vết gì cả. Họ dùng thời giờ còn lại trong ngày để thám hiểm vùng chung quanh nhưng không kết quả, và sau cùng đành phải bỏ qua việc ấy.

Sau khi nghe lời tường thuật của tôi, các bạn tôi muốn trở lại viếng ngôi đền, nhưng đức Tuệ Minh cho họ biết rằng chúng tôi sắp viếng một ngôi đền tương tự nên họ liền bỏ qua ý định trên.

Một số lớn dân các vùng lân cận đã tụ họp tại làng này để xin chữa bệnh, vì những người biết chuyện đã đồn đãi tin tức đi khắp nơi và thuật chuyện bốn người dân làng bị “người tuyết” bắt đi đã được cứu thoát.

Ngày hôm sau, chúng tôi tham dự các cuộc hội họp và đã chứng kiến vài trường hợp chữa bệnh thật lạ kỳ. Một thiếu nữ chừng hai mươi tuổi bị cóng lạnh và tê liệt hai bàn chân trong mùa đông năm trước, nay đã bình phục. Chúng tôi nhìn thấy chỗ thịt bị hư nát đã liền lại trước mắt chúng tôi cho đến khi hai bàn chân trở lại bình thường và cô ấy có thể đi đứng một cách hoàn toàn tự nhiên. Hai người mù đã thấy lại được ánh sáng, trong đó có một người bị mù từ lúc mới sinh.

Nhiều chứng bệnh khác cũng được chữa khỏi. Tất cả những người bệnh đều có vẻ rất xúc động bởi những lời dạy của các chân sư. Sau buổi hội họp, chúng tôi hỏi đức Tuệ Minh rằng việc chữa khỏi bệnh này có lôi cuốn được nhiều người hay chăng? Ngài đáp:

– Nhiều người thật sự đã được giúp đỡ nên điều ấy đã khêu gợi sự chú ý của họ. Vài người bắt đầu làm việc công quả trong một thời gian. Nhưng phần nhiều thì không bao lâu sẽ quay về đường cũ với những thói quen cố hữu của họ. Họ đo lường sự cố gắng mà họ phải làm, và thấy nó quá lớn. Hầu hết đều sống một cuộc đời dễ dãi và không lo lắng.

Trong số những người tự cho là mình có đức tin, chỉ có độ một phần trăm là bắt tay vào việc một cách nghiêm chỉnh. Kỳ dư đều hoàn toàn ỷ lại vào kẻ khác để được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Đó là nguyên nhân chính của những phiền lụy. Họ quả quyết có thể giúp đỡ bất cứ ai, nhưng lại tỏ ra bất lực không giúp đỡ được ai cả! Họ có thể nói về những ân phước thiêng liêng mà họ muốn sử dụng để giúp đỡ những người bệnh. Nhưng muốn thật sự tắm gội trong những ân phước đó, người ta phải biết chấp nhận và chứng minh sự hiện hữu của nó bằng cách tu nhân tích đức và làm những việc công quả với một đời sống thánh thiện.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời khỏi làng cùng với hai người dân làng dường như đã có làm một số việc công quả. Chiều ngày thứ ba, chúng tôi đến một làng ở cách làng của Thánh Jean Baptiste 20 cây số. Tôi rất mong ước các bạn tôi có thể được xem những tài liệu mà tôi đã thấy. Chúng tôi bèn quyết định ở lại ngôi làng thứ hai này và Dật Sĩ cùng đi với chúng tôi.

Những bản văn kiện làm cho các bạn tôi vô cùng thích thú và giúp chúng tôi vẽ ra một bản đồ với những lộ trình di chuyển của Thánh Jean Baptiste.

Chiều hôm đó, vị chân sư đi cùng với toán thứ tư đến và nghỉ đêm với chúng tôi. Ngài đem đến cho chúng tôi những thông điệp của toán thứ nhất và toán thứ ba.

Ngài sinh ra ở làng này và đã sống tại đây từ nhỏ đến lớn. Chính những vị tổ tiên của ngài đã soạn thảo những văn kiện này và những tài liệu đã được gia tộc ngài luôn giữ gìn cẩn thận. Ngài thuộc dòng dõi nhiều đời của vị tác giả các văn kiện trên, và không có người nào trong gia tộc ngài đã từng kinh nghiệm về sự chết. Các thành viên trong gia tộc đều có khả năng di chuyển thể xác trong các cảnh giới vô hình và trở về tùy ý muốn.

Chúng tôi hỏi rằng có điều chi trở ngại chăng, nếu chúng tôi muốn mời vị tác giả các văn kiện vui lòng đến nói chuyện với chúng tôi. Vị chân sư đáp rằng không có gì trở ngại và định rằng cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra vào ngay tối hôm đó.

Chúng tôi đang ngồi đợi trong ít lâu thì một người độ ba mươi lăm tuổi thình lình xuất hiện trong gian phòng. Người ấy được giới thiệu cho chúng tôi, và chúng tôi bắt tay nhau. Diện mạo người ấy làm chúng tôi ngạc nhiên đến mức câm lặng, vì chúng tôi tưởng rằng sẽ gặp một người rất cao tuổi.

Người ấy có vóc dáng trung bình với những nét vạm vỡ, nhưng gương mặt người đượm một vẻ hiền lành nhân hậu rõ rệt mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Mỗi cử chỉ của người biểu lộ một tâm hồn cương nghị và dũng mãnh. Một vầng hào quang lạ lùng tỏa rạng quanh thân người.

Trước khi ngồi xuống, đức Tuệ Minh, Dật Sĩ, vị chân sư và người khách lạ cùng nắm tay nhau một lúc trong một cơn im lặng hoàn toàn. Kế đó, tất cả chúng tôi đều ngồi xuống, và người lạ mặt vừa xuất hiện trong gian phòng bèn cất tiếng nói:

– Các bạn yêu cầu cuộc gặp gỡ tối nay để hiểu rõ hơn những bản văn kiện đã được đọc và diễn đạt cho các bạn. Chính tôi là người đã soạn thảo và giữ gìn những văn kiện đó. Những tài liệu nói về Thánh Jean Baptiste và đã làm cho các bạn ngạc nhiên, vì nó tường thuật lại những sự việc có thật về thời gian lưu trú của ngài tại đây với chúng tôi. Như người ta được biết, ngài là một người có kiến thức sâu rộng và một trí óc tuyệt vời. Này các bạn, hầu như tất cả chúng ta đều muốn giúp đỡ người khác, và đều có khả năng làm được điều đó, bằng cách này hay cách khác. Chúng tôi có thể nói chuyện với những người có cơ duyên, giáo dục họ, và giúp nâng cao tâm thức họ. Chúng tôi làm tất cả những việc đó, nhưng chúng tôi không thể làm giúp công việc tu tập hướng thiện cho kẻ khác hoặc theo giúp đỡ họ mãi mãi. Mỗi người phải quyết định tự mình tu tập và bắt tay vào việc cầu tìm chân lý. Chỉ như thế người ta mới đạt tới được tâm thức tự do bằng chính sự nỗ lực của mình. Khi tất cả mọi người đều đạt tới trạng thái tâm thức giải thoát đó, mỗi người sẽ có thể cảm thông với tất cả. Chúng tôi nhận biết rằng mỗi người đều có thể thực hiện những công việc giống như chúng tôi và vượt qua được mọi vấn đề khó khăn của cuộc đời. Tất cả những khó khăn và phiền toái sẽ trở nên đơn giản, thậm chí là vô nghĩa. Các bạn nhìn xem, vẻ ngoài của tôi không khác gì các bạn hay những người mà các bạn vẫn gặp hằng ngày. Và tôi thực sự không thấy một sự khác biệt nào giữa các bạn với tôi.

Chúng tôi đều nói:

– Nhưng chúng tôi nhận thấy nơi Ngài một cái gì đó vô cùng tốt đẹp hơn so với tất cả chúng tôi.

Người ấy đáp:

– Đó chỉ là sự so sánh giữa cái giả tạm và cái chân thật. Các bạn hãy nhìn thấy tính chất thiêng liêng sẵn có trong mỗi người mà không cần so sánh người ấy với những người khác, rồi các bạn sẽ thấy họ cũng giống như tôi. Các bạn hãy tìm kiếm tánh Phật trên khuôn mặt của mỗi người rồi các bạn sẽ thấy ngay là tánh Phật luôn hiển hiện trên khuôn mặt họ. Chúng tôi tránh dùng đến mọi sự so sánh. Chúng tôi chỉ nhìn thấy tánh Phật ở tất cả mọi người và bất cứ lúc nào. Nhờ cách nhận thức toàn vẹn, bao quát như thế nên chúng tôi nhìn thấy được sự toàn thiện toàn mỹ nơi tất cả mọi người. Trái lại, với cách nhận thức hạn hẹp thông thường, các bạn chỉ luôn nhìn thấy sự bất toàn, xấu xa và đáng chê trách. Bằng cách quay về nhận thức tự bản tâm mình và để cho chân ngã được hiển lộ, các bạn sẽ có thể sống một đời sống không khác gì chúng tôi...

Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm và sẵn sàng dùng điểm tâm vào lúc sáu giờ rưỡi. Khi chúng tôi đi từ quán trọ ngang qua đường để đến tiệm ăn, chúng tôi gặp các chân sư cùng đi trên đường. Các ngài vừa đi vừa nói chuyện với nhau như mọi người thường. Các ngài lên tiếng chào chúng tôi và chúng tôi bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy các ngài sống bình dị như vậy. Các ngài đáp:

– Chúng tôi cũng chỉ là người như các bạn thôi. Tại sao các bạn lại cứ một mực xem chúng tôi là khác thường? Chúng tôi không khác các bạn ở một điểm nào cả! Chúng tôi chỉ có sự phát triển tâm thức đến một mức độ cao hơn mà thôi, và điều đó thì tất cả chúng ta, ai cũng như ai, đều có thể làm được.

Chúng tôi bèn hỏi:

– Vậy tại sao chúng tôi không thể thực hiện những việc mầu nhiệm giống như các ngài?

– Tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc, tại sao họ không tin theo chúng tôi và không bắt tay vào việc làm như chúng tôi? Chúng tôi không thể và cũng không muốn bắt buộc ai tin theo chúng tôi. Mỗi người có quyền tự do đi theo con đường mà họ chọn lựa, tùy sở thích. Chúng tôi chỉ có thể vạch cho mọi người thấy con đường chân chính mà chúng tôi đã đi và nhận thấy là rất tốt đẹp.

Chúng tôi ngồi vào bàn ăn và câu chuyện xoay về những diễn biến của đời sống hằng ngày. Tôi lấy làm say mê thích thú và vô cùng thán phục. Bốn vị siêu nhân đang ngồi trước mặt chúng tôi. Một vị đã đạt đến mức có thể di chuyển đến bất cứ nơi đâu tùy ý muốn. Những người khác cũng đều có các năng lực nhiệm mầu không kém.

Bốn vị nói chuyện với nhau như anh em, không một mảy may lộ vẻ tự tôn. Tuy câu chuyện thật giản dị khả ái, nhưng mỗi lời nói của các ngài đều biểu lộ một sự hợp lý hoàn toàn và cho thấy rằng các ngài biết rõ tường tận về đề tài đang thảo luận.

Các ngài không lộ vẻ gì là huyền bí cả. Các ngài xử sự như những người bình thường trong công việc hằng ngày. Tuy vậy, đôi khi tôi vẫn cảm thấy khó tin được rằng đó không phải là những chuyện xảy ra trong giấc mơ.

Sau bữa ăn sáng, một trong những người bạn tôi đứng dậy để trả tiền. Đức Tuệ Minh nói:

– Ở đây các bạn là khách của tôi.

Nói xong, ngài đưa tay về phía bà chủ quán. Chúng tôi có cảm tưởng rằng đó chỉ là một bàn tay không. Nhưng khi xem kỹ lại, chúng tôi thấy bàn tay ngài cầm đúng số tiền ghi trên tờ hóa đơn tính tiền bữa ăn.

Các vị chân sư không đem tiền bạc theo nhưng cũng không cần ai cung cấp tiền bạc. Khi cần dùng, tiền bạc luôn có sẵn trong tầm tay các ngài.

Khi bước chân ra khỏi quán, vị chân sư đi cùng với toán thứ tư bắt tay chúng tôi và nói rằng ngài phải trở về toán của ngài, rồi biến mất dạng. Chúng tôi ghi nhận giờ phút ngài biến mất và về sau chúng tôi có kiểm chứng lại thì thấy ngài đã trở về với toán của ngài gần như tức thì sau khi từ giã chúng tôi.

Suốt ngày hôm đó, chúng tôi cùng đức Tuệ Minh, Dật Sĩ và vị tác giả các văn kiện đi dạo chơi trong làng và các vùng phụ cận. Vị này thuật lại cho chúng tôi nghe rất nhiều chi tiết của một số sự việc xảy ra trong khoảng 12 năm mà thánh Jean Baptiste đã lưu trú trong làng này. Những chuyện đó kể lại một thời dĩ vãng xa xăm bên cạnh Thánh Jean.

Từ trước đến giờ, chúng tôi vẫn xem Thánh Jean như một nhân vật huyền thoại được người ta dựng lên vì những mục đích nhất định. Kể từ ngày đó, đối với tôi ngài đã trở nên một nhân vật lịch sử có thật. Tôi hình dung được lúc đương thời ngài cũng đã từng đi dạo như chúng tôi trong làng này và ở các vùng chung quanh.

Trong ngày hôm đó, chúng tôi đi đó đi đây, vừa nghe kể lại những câu chuyện lịch sử thú vị, vừa nghe giảng dạy và phiên dịch những văn kiện lịch sử ở ngay tại chỗ mà những câu chuyện tường thuật ấy đã xảy ra từ nhiều năm về trước.

Kế đó, chúng tôi trở về làng trước khi trời tối. Ai nấy đều mệt mỏi. Ba vị chân sư cũng đi bộ như chúng tôi, nhưng không lộ vẻ mệt mỏi chút nào. Trong khi chúng tôi mình mẩy lấm bùn lầy, cát bụi và mồ hôi, thì các ngài đều có vẻ tươi tỉnh, thư thái và y phục của các ngài mặc đều trắng tinh như lúc mới bắt đầu ra đi. Chúng tôi đã nhận thấy trong những chuyến đi vừa qua là y phục của các chân sư không hề bị hoen ố, và chúng tôi vẫn thường nói lên nhận xét đó nhưng không được trả lời.

Chiều hôm đó, chúng tôi lại nêu câu hỏi về vấn đề ấy thì một vị đáp:

– Điều ấy làm các bạn ngạc nhiên, nhưng chúng tôi còn ngạc nhiên hơn nhiều nếu thấy có một mảy bụi bặm vật chất nào lại có thể bám dính vào một nơi mà tâm thức chúng tôi không mong muốn! Với một nhận thức đúng đắn, các bạn sẽ hiểu rằng điều ấy không thể xảy ra, vì xét cho cùng thì bất cứ sự việc lớn nhỏ nào xảy ra trong cuộc đời cũng đều là do người ta có sự mong muốn như vậy.

Một lát sau, chúng tôi nhận thấy rằng y phục và thân thể của chúng tôi cũng sạch sẽ như các chân sư. Sự biến đổi này diễn ra trong nháy mắt trên thân mình tôi và các bạn của tôi. Mọi dấu vết của sự mệt nhọc cũng đã biến mất và chúng tôi cảm thấy khỏe khoắn nhẹ nhàng như vừa được ngủ một giấc, thức dậy và tắm rửa xong. Đó là cách trả lời cho những thắc mắc của chúng tôi.

Đêm ấy, chúng tôi đi ngủ với một niềm yên tĩnh thâm trầm sâu xa nhất trong tâm hồn mà chúng tôi chưa hề cảm thấy bao giờ, kể từ khi chúng tôi bắt đầu sống chung với các vị chân sư. Sự kính sợ của chúng tôi đã biến đổi nhanh chóng thành một tình thương sâu xa đối với những tấm lòng cao quí hồn nhiên của các ngài, là những đấng cao cả đã làm biết bao nhiêu việc tốt lành cho nhân loại. Các ngài gọi tất cả mọi người là bằng hữu, anh em, và chúng tôi cũng bắt đầu xem các ngài như những bậc anh cả. Các ngài không tự gán cho mình một giá trị nào cả, và luôn nói rằng chỉ có một chân ngã được hiển lộ qua cách hành xử của các ngài, một chân ngã vốn luôn bình đẳng và sẵn có nơi tất cả mọi người. Các ngài nói:

– Nếu còn ôm ấp bản ngã nhỏ hẹp như tất cả những con người bình thường, chúng tôi sẽ không thể làm được điều gì đáng nói. Chính sự phát triển và hiển lộ một chân ngã phổ quát của vạn hữu nơi tôi đã làm được tất cả mọi việc.

Sáng hôm sau, trong lúc ăn điểm tâm, có người cho biết rằng hôm ấy chúng tôi sẽ đi đến một làng ở tận trên cao trong vùng núi. Từ đó chúng tôi sẽ đi viếng ngôi đền trên đỉnh của một ngọn núi mà tôi đã nhìn thấy ở đằng xa từ trên một đỉnh núi cao hơn mà tôi đã diễn tả trước đây.

Vì đường núi cheo leo, chúng tôi không thể đi ngựa trên một quãng đường dài hơn hai mươi lăm cây số. Chúng tôi đem theo hai người dân làng trên quãng đường này, rồi giao ngựa cho họ dắt đến một thôn ấp nhỏ ở gần bên và giữ ngựa tại đó chờ chúng tôi về.

Mọi việc xảy ra như đã dự định. Chúng tôi giao ngựa cho hai người dân làng và bắt đầu đi theo con đường núi nhỏ hẹp đưa đến ngôi làng trên núi. Một số đoạn đường núi này là những nấc thang đục trong vách đá.

Chúng tôi đến nơi vào lúc bốn giờ chiều. Ngôi đền dựng trên một đỉnh núi nhìn thẳng xuống xóm làng. Vách núi dốc đứng cheo leo đến nỗi muốn lên tới đỉnh, người ta phải thòng xuống một cái thúng đan bằng mây để du khách ngồi vào đó và dùng dây kéo lên. Cái thúng dùng để đưa khách lên tới đỉnh núi và cũng dùng để đưa khách từ trên đỉnh trở xuống phía dưới.

Khi chúng tôi đã sẵn sàng, người ta thòng cái thúng xuống và chúng tôi được kéo lên từng người một cho đến nơi có một mõm đá nhô ra ngoài. Chỗ này bề cao đến một trăm ba chục thước tính từ mặt đất. Đến đây, chúng tôi bước ra khỏi thúng và theo một con đường nhỏ lên tận ngôi đền ở trên đỉnh núi, cách đó một trăm bảy mươi lăm thước bề cao. Vách của ngôi đền liền với vách của núi đá.

Chúng tôi được cho biết rằng còn phải đi lên một chuyến thứ nhì cũng giống như chuyến thứ nhất. Thật vậy, chúng tôi thấy từ ngôi đền nhô ra một cây đà bằng gỗ rất lớn giống như cây đà gie ra từ mõm đá lúc nãy. Từ cái trục ở phía trên, người ta thòng xuống một sợi dây thừng để buộc vào cái thúng bằng mây lúc nãy, và chúng tôi lại được kéo lên từng người một đến tận nóc bằng của ngôi đền.

Lại một lần nữa, tôi có cảm tưởng như đang ở trên nóc tột đỉnh của thế giới. Đỉnh núi này nhô lên ba trăm thước cao hơn các ngọn núi ở quanh vùng. Ngôi làng mà từ đó chúng tôi ra đi, còn ở một vị trí cao hơn nữa, trên đỉnh một truông núi mà người ta dùng để vượt qua dãy Hi Mã Lạp Sơn.

Đền này thấp hơn ngôi đền mà trước đây chúng tôi đã cùng viếng chung với đức Tuệ Minh và Dật Sĩ khoảng ba trăm năm chục thước, nhưng ở đây tầm nhãn quang có thể nhìn bao quát hơn nhiều. Dường như chúng tôi có thể nhìn vào chỗ không gian vô tận.

Người ta dọn cho chúng tôi một chỗ nghỉ đêm thật thoải mái tiện nghi. Ba vị chân sư cho chúng tôi biết rằng các vị sắp đi viếng vài nhóm khác ở rải rác khắp nơi và các vị sẵn lòng chuyển thông điệp của chúng tôi cho họ. Chúng tôi bèn viết thư cho các bạn hữu và có ghi cẩn thận ngày giờ và địa điểm. Chúng tôi giữ lại một bản sao của những thông điệp. Về sau chúng tôi kiểm chứng lại thì thấy rằng tất cả các thông điệp đều được giao tận nơi hầu như tức thì sau khi gửi đi.

Khi chúng tôi đưa những thông điệp cho các vị chân sư, các vị bắt tay từ giã và hẹn gặp lại vào sáng hôm sau, rồi các vị biến mất.

Sau bữa ăn chiều ngon lành do những người giữ đền dọn ra, chúng tôi lui về phòng yên nghỉ nhưng không ngủ được, vì những kinh nghiệm vừa qua bắt đầu gây cho chúng tôi những ấn tượng sâu xa. Chúng tôi đang ở trên một chiều cao ba ngàn thước khỏi mặt biển, không một người nào ở kế cận, trừ ra những người giữ đền, và không một tiếng động nào khác hơn là giọng nói của chúng tôi. Bầu không khí chung quanh thật hoàn toàn yên lặng.

Chúng tôi có dặn một người giữ đền hãy đánh thức chúng tôi dậy khi trời vừa rạng sáng. Ông ta gõ cửa trong khi tôi vừa chợp mắt ngủ chưa được bao lâu. Chúng tôi sửa soạn mặc quần áo xong, hối hả ra sân thượng để ngắm nhìn mặt trời mọc ở vùng núi. Trong khi vội vàng, chúng tôi gây quá nhiều tiếng động ầm ĩ đến nỗi những người gác đền phải hốt hoảng chạy ra xem việc gì đang xảy ra! Tôi nghĩ chắc là chưa bao giờ có một cơn náo động như thế ở ngôi đền này kể từ ngày được dựng lên.

Ngôi đền này cổ xưa đến mức hầu như đã hòa nhập làm một với đỉnh núi. Khi ra đến sân thượng, không ai cần bảo ai nên giữ im lặng nữa, vì mọi sự dặn dò đều là thừa. Vừa nhìn ra ngoài, hai bạn tôi đã đứng lặng người, miệng há hốc, hai mắt mở thật to. Tôi tưởng chừng là tôi cũng đã làm như vậy. Tôi còn đợi xem họ nói gì, thì họ đã đồng thanh kêu lớn:

– Chúng ta hẳn là đang bị treo lơ lửng trong không gian!

Sự xúc động và ngạc nhiên của họ thật giống y như của tôi khi vừa lên tới nóc đền ở đỉnh núi bên kia trước đây không lâu. Trong phút chốc, họ đã quên rằng hai chân họ vẫn chấm đất và họ có cảm giác như đang phất phơ trong không gian. Một bạn tôi nói:

– Tôi không ngạc nhiên nếu các vị chân sư có thể bay nhẹ trên không gian sau khi đã có cái cảm giác như chúng ta vừa rồi.

Một chuỗi cười ngắn kéo chúng tôi trở về thực tế. Chúng tôi quay lại nhìn thì thấy ngay sau lưng chúng tôi có đức Tuệ Minh, Dật Sĩ và vị tác giả các văn kiện cổ. Một bạn tôi cao hứng chạy lại bắt tay hết thảy các vị cùng một lúc và nói:

– Thật là kỳ diệu. Không ai lấy làm ngạc nhiên nếu các vị có thể bay bổng lên trên không sau khi đã lưu trú tại đây.

Các vị mỉm cười, và một vị nói:

– Các bạn cũng có thể bay bổng như chúng tôi. Các bạn chỉ cần biết từ trong nội tâm rằng các bạn sẵn có cái năng lực đó, rồi có ngày các bạn sẽ sử dụng được nó.

Chúng tôi ngắm nhìn phong cảnh. Sương mù đã hạ thấp xuống và bay từng đợt phất phơ theo chiều gió, nhưng cũng hãy còn khá cao nên người ta không thể nhìn thấy dưới đất. Những đợt sương mù di chuyển làm cho chúng tôi có cái cảm giác như được chở đi trên đôi cánh im lặng của một con chim khổng lồ.

Nhìn về phía xa, người ta mất cả ý thức về trọng lượng của mình, và thật là khó mà tưởng tượng rằng mình đang bay lướt trong không gian. Riêng phần tôi, tôi đã mất ý thức về trọng lượng của mình đến nỗi tôi tưởng như đã nhẹ mình bay lơ lửng trên nóc đền.

Sáng hôm ấy, chúng tôi quyết định ở lại ngôi đền này trong ba ngày, vì chỉ còn một nơi thú vị để đi thăm viếng trước khi gặp lại những toán khác. Đức Tuệ Minh đã đem tới những thông điệp. Một thông điệp cho biết rằng toán của vị trưởng nhóm chúng tôi đã đến viếng ngôi đền này chỉ mới cách đây ba ngày.

Sau bữa ăn điểm tâm, chúng tôi bước ra ngoài để nhìn xem sương mù tan dần. Chúng tôi ngắm nhìn cho đến khi sương mù tan biến hết và mặt trời ló dạng. Người ta nhìn thấy một thôn ấp nhỏ ẩn dưới triền núi và thung lũng trải ra tận đằng xa.

Vì các vị chân sư đã quyết định đến viếng thôn ấp này, nên chúng tôi xin phép đi theo các vị. Các vị vừa nhận lời vừa cười, và khuyên chúng tôi nên sử dụng cái thúng bằng mây để thòng xuống đất. Các vị nói rằng, đi bằng cách đó thì khi đến nơi chúng tôi sẽ có cái hình dáng bề ngoài dễ coi hơn là nếu chúng tôi sử dụng phương pháp di chuyển của các vị.

Người ta bèn dùng cái thúng thòng chúng tôi từng người một xuống tận chỗ mõm đá nhô ra ở giữa chừng, và từ đó xuống vùng cao nguyên nhìn xuống dưới làng. Khi tất cả chúng tôi vừa bước ra khỏi thúng, thì lạ thay, các vị chân sư cũng đã có mặt tại đó. Chúng tôi cùng nhau đi xuống làng và ở lại đây suốt ngày hôm đó.

Đó là một làng cổ có những nét dị kỳ, đặc biệt của vùng sơn cước này. Nó gồm độ hai mươi căn nhà đục vào trong triền núi, và cửa nẻo đều đóng bằng những phiến đá lớn. Người ta xây cất nhà kiểu này để tránh cho nhà khỏi bị đè bẹp dưới trọng lượng của tuyết mùa đông. Chúng tôi được cho biết rằng Thánh Jean Baptiste đã từng sống tại làng này và có học đạo trong đền. Đền này vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Làng và ngôi đền đều đã có trước khi Thánh Jean đến viếng nơi này.

Vào lúc năm giờ chiều, vị tác giả các văn kiện cổ bắt tay từ giã chúng tôi và nói ngài phải vắng mặt nhưng sẽ trở lại trong giây lát. Kế đó ngài biến mất dạng.

Chiều hôm đó, từ trên nóc đền chúng tôi ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn lạ lùng nhất chưa từng thấy, tuy rằng tôi đã có dịp may nhìn thấy cảnh trời chiều ở hầu hết khắp nơi trên thế giới.

Chúng tôi ngồi trên sân thượng đến nửa đêm, vừa nói chuyện vừa hỏi đức Tuệ Minh và Dật Sĩ về nhiều vấn đề, nhất là về địa hình, địa vật và lịch sử của vùng này. Đức Tuệ Minh đưa ra nhiều chú thích trong các văn kiện mà các chân sư từng biết rõ.

Chúng tôi đang ngắm vầng trăng rằm trong sáng xuất hiện trên dãy núi dằng xa ở tận chân trời. Thình lình, chúng tôi nghe có tiếng động ở phía sau lưng. Chúng tôi quay lại nhìn thì thấy một phụ nữ trạc độ ngũ tuần đang đứng đó và vừa mỉm cười vừa hỏi rằng sự xuất hiện thình lình của bà có làm cho chúng tôi sợ hãi không. Trước hết, chúng tôi có cảm tưởng rằng bà ấy đã nhảy từ trên bờ tường xuống sân thượng, nhưng sự thật thì bà ấy chỉ dậm chân để làm cho chúng tôi chú ý, và sự im lặng thâm trầm của miền núi lúc ban đêm đã làm vang dội âm thanh ấy lên gấp bội phần.

Đức Tuệ Minh bước tới chào người phụ nữ và giới thiệu với chúng tôi đó là chị của ngài. Bà mỉm cười và hỏi việc bà đến có quấy rầy chúng tôi không.

Chúng tôi cùng ngồi xuống, và câu chuyện xoay chung quanh những kỷ niệm cùng những kinh nghiệm về công việc phụng sự trong cuộc đời tu hành của bà. Bà có ba người con trai và một người con gái, tất cả đều được giáo dục trong cùng một khuynh hướng đạo đức. Chúng tôi hỏi có các con bà cùng đi không. Bà đáp rằng, hai người con nhỏ nhất không bao giờ rời bà. Chúng tôi yêu cầu được gặp các con bà. Bà đáp rằng họ cũng đang rảnh việc, và ngay lúc đó liền thấy xuất hiện hai người, một nam, một nữ.

Hai người này chào cậu và mẹ, rồi tiến tới để được giới thiệu với tôi và hai bạn tôi. Người con trai cao lớn vạm vỡ, có dáng hào hùng, đầy nam tính, trạc chừng ba mươi tuổi. Người con gái vóc dáng hơi mảnh mai với những nét diễm kiều. Đó là một thiếu nữ đẹp và trạc độ hai mươi tuổi. Chúng tôi còn ngồi đàm đạo đến quá nửa đêm mới chia tay nhau.

Qua hôm sau, các vị chân sư tỏ ý muốn từ giã chúng tôi để ra đi. Chỉ còn có Dật Sĩ ở lại với chúng tôi, và ngày kế đó đến lượt chúng tôi cũng sửa soạn lên đường. Mặc dầu trời hãy còn chưa sáng, hầu hết dân làng đều thức dậy để tiễn đưa chúng tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/03/2011(Xem: 8630)
Theo đạo Phật, luật nhân quả không chỉ giới hạn trong một đời sống hiện tại này, mà là một quy luật chi phối trong suốt dòng thời gian...
13/03/2011(Xem: 10606)
Các chân sư thực hiện những kỳ công của các ngài mà không chút tự hào, với một thái độ giản dị hồn nhiên hoàn toàn như trẻ con. Các ngài biết rằng, năng lực của tình thương luôn che chở các ngài.
13/03/2011(Xem: 6589)
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này.
10/03/2011(Xem: 11756)
Trong lúc thiền quán, tôi tập trung suy nghĩ rất nhiều những lời thầy dạy. Tôi bừng tỉnh nhận ra quả thật điều mà tôi khổ công tìm kiếm không phải là việc say mê dành trọn thời gian cho việc tu tập thiền định.
09/03/2011(Xem: 10978)
Trong đạo Phật, hiếu hạnh được xem là đứng đầu trong tất cả các đức hạnh. Điều này đã được đức Phật chỉ dạy trong rất nhiều kinh điển.
04/03/2011(Xem: 5467)
Đã biết nhân quả theo nhau như bóng với hình, nên kể từ đây chúng ta hãy phát tâm dũng mãnh làm mới lại mình, sám hối, ăn năn những sai lầm đã phạm trước kia.
04/03/2011(Xem: 10697)
Đây là một bản kinh Phật đặc sắc, nêu bật lên ý nghĩa nhân quả bằng những truyện tích nhân duyên rất sống động, được thuật lại với nhiều chi tiết thú vị.
04/03/2011(Xem: 8251)
Một hôm, Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: Ở đời, có người đánh tôi, mắng tôi, làm nhục tôi, khi dễ tôi, dọa tôi, gạt tôi, chê tôi, khinh tôi, ăn hiếp tôi, cười ngạo tôi cho đến đối xử khắc nghiệt với tôi, thì phải xử trí như thế nào? Thập Đắc đáp: Chỉ cần nhịn nhục họ, kính họ, sợ họ, tránh họ, nhường họ, khiêm tốn với họ, không chống cự họ, không cần để ý đến họ, rồi chờ ít năm ông hãy nhìn họ xem.
04/03/2011(Xem: 7276)
Ngài Hàn-Sơn : Trong thế gian mà bị người phỉ báng, khi dễ , nhục mạ, cười chê, khinh khi , chà đạp, ghen ghét , đè bẹp, đố kị ta. Như thế, ta phải xử trị cách nào ? Ngài Thập-Đắc trả lời : Thản nhiên vì họ mà nhẫn, mà nhường,  mà cung kính, là trọng tự do của họ, mà tránh đi, cuối cùng đừng để ý tới họ nữa. Chờ vài năm sau sẽ gặp họ. Hàn-Sơn lại hỏi : Họ vẫn giữ quyết liệt như vậy ! Có thể trốn núp được chăng ? Ngài Thập-Đắc nói : " Tôi đã từng thuộc Bài Kệ của Bồ-Tát Di-Lặc. Bạn lắng nghe ! Tôi vì Bạn mà niệm bài kệ :
24/02/2011(Xem: 2846)
Cách đây 28 năm (1973), hồi đó tôi 16 tuổi (1945), nghe kinh Bát Nhã và pháp Bảo Đàn, bỗng nhiên lòng tôi không còn luyến tiếc gì bản thân và muốn xa lìa tất cả để lên non cao tu luyện. Tôi đem ý nguyện ấy thưa với Bổn sư là Hòa thượng Diệu Quang, Tổ thứ sáu của Tổ đình Thiên Ấn và là vị khai sơn chùa Viên Giác núi Thanh Thanh - nơi tôi đang tu học. Hòa thượng nhìn tôi và nghiêm trọng bảo - ông nên dẹp bớt lòng bồng bột ấy đi! Vì khi đang học đạo thì ai cũng tưởng mình có thể thực hành sáu pháp lục độ chẳng mấy khó. Nhưng khi va chạm vào thực cảnh, chịu đói lạnh vài ba tháng, những cơn sốt rét ở rừng sâu và biết bao cảnh trạng kỳ quái cứ đêm đêm lại hiện về như trêu cợt, như dọa nạt thì thối chí ngay. Nếu chí thoát trần mạnh mẽ có thể vượt qua được, thì bấy giờ cái "Động" ở nội tâm lại hiện ra. Tổ xưa đã dạy: "Cực tịnh sanh động". Ông nên tham cứu nghĩa lý ấy và nán lại năm sau, hay đợi khi thọ đại giới rồi sẽ cho ông đi cũng không muộn. Rồi Hòa thượng đưa tay chỉ về trảng núi phía tâ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]