Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương V: Một chuyến du hành

10/03/201105:29(Xem: 8010)
Chương V: Một chuyến du hành

XỨ PHẬT HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG V: MỘT CHUYẾN DU HÀNH

Mặc dù đã nhiều lần thất bại trong việc tìm lên vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, tôi vẫn không hoàn toàn từ bỏ giấc mơ đã ôm ấp từ thuở bé. Tuy nhiên, Hy Mã Lạp Sơn lúc này đối với tôi là một nơi thắng cảnh thiên nhiên với nhiều thánh tích đáng chiêm bái hơn là một nơi cần phải tìm đến để thực hành công phu tu tập.

Cách đây hai năm, tôi đã xin với cha tôi mọi phí tổn và cả vé xe lửa để đi Kashmir cùng với sư phụ Śrỵ Yukteswar. Vào giờ chót, sư phụ đã từ chối không chịu đi và chuyến du hành ấy đành phải hủy bỏ.

Trong dịp hè năm nay, tôi lại muốn thực hiện chuyến đi một lần nữa. Và dĩ nhiên cha tôi vui vẻ giúp tôi trong phạm vi khả năng của ông. Sau khi nghe tôi trình bày ý định, ông đã mang về cho tôi 6 vé xe lửa hạng nhất đi Kashmir và một khoản tiền lộ phí là 10 ru-pi.

Tôi mang tất cả đến đạo viện trình với sư phụ và cố thuyết phục người cùng đi với chúng tôi một chuyến lên vùng Kashmir. Tôi dùng từ “chúng tôi” vì với những vé xe lửa đã chuẩn bị, tôi dự định sẽ mời Kanai, Rajendra, Auddy và một người bạn nữa cùng đi. Sư phụ mỉm cười trước sự phấn khởi của tôi về chuyến đi và trả lời theo cách không chắc chắn:

– Thầy cũng muốn đi cùng các con, nhưng hãy đợi đến lúc ấy xem sao.

“Lúc ấy” nghĩa là thời điểm lên đường mà tôi đã định, tức là vào thứ Hai tuần sau đó. Tôi cũng khá bận rộn để chuẩn bị, vì thứ Bảy và Chủ nhật tôi phải tham dự đám cưới của một người anh họ được tổ chức ngay tại nhà tôi ở Calcutta. Mặc dù vậy, sáng sớm thứ Hai tôi vẫn kịp có mặt tại đạo viện với tất cả những hành lý cần thiết được chuẩn bị chu đáo.

Rajenda đón tôi ngoài cổng và thông báo:

– Sư phụ không muốn đi.

Tôi vào tìm gặp sư phụ để xác định lại lời từ chối ấy. Sư phụ nhìn tôi một lúc lâu rồi nói:

– Tốt hơn là con không nên đi vào lúc này. Hơn nữa, thầy không nghĩ là con có thể xoay xở được đủ điều kiện để thực hiện chuyến đi.

Tôi hơi khó hiểu về nhận xét của sư phụ, nhưng cảm thấy thất vọng tràn trề và lòng tự ái bị xúc phạm. Không có sư phụ, chắc chắn là Kanai cũng sẽ không đi. Tôi có thể vẫn cứ thực hiện chuyến đi của mình, nhưng cần phải tìm thêm một người giúp việc đi theo để coi sóc hành lý trong chuyến đi vì chúng tôi quá ít người. Và tôi đã quyết định như vậy.

Tôi bảo Rajendra và Auddy chờ nơi đạo viện, trong khi tôi đi tìm người. Trước tiên, tôi nghĩ đến Behari, một người giúp việc cũ của gia đình tôi mà hiện đang làm cho một công chức ở Serampore này. Lần trước, khi Behari nghe tôi sắp xếp đi Kashmir, anh chàng đã rất muốn đi đến nỗi tình nguyện không nhận thù lao nếu được tôi cho theo. Tiếc rằng chuyến đi ấy đã bị hủy bỏ. Lần này, tôi tin là anh ta sẽ nhảy nhổm lên vì vui mừng khi bất ngờ được tôi gọi tham gia.

Tôi gặp Behari bên ngoài nhà người chủ mới của anh. Anh rất vui mừng được gặp tôi và vẫn bày tỏ thái độ kính trọng như xưa. Nhưng thật lạ lùng là khi tôi nói đến việc đi Kashmir thì anh ta lạnh lùng từ chối và đi một mạch vào nhà, không thèm quan tâm đến việc bỏ tôi lại một mình ngoài sân không ai tiếp chuyện. Đợi một lúc lâu, tôi không còn đủ kiên nhẫn liền rung chuông gọi cửa. Người chủ nhà bước ra và cho biết Behari đã đi chợ bằng ngõ sau.

Tôi hơi khó hiểu trước thái độ thay đổi đột ngột đến kỳ lạ của Behari. Nhưng bây giờ tôi không có thời gian để suy nghĩ nhiều thêm nữa. Tôi cần phải tìm một người khác. Tôi nghĩ đến người chú của tôi là Sarada Ghosh đang làm luật sư tại tòa án Serampore. Ông có một người giúp việc tháo vát tên là Lal Dhari. Hy vọng là ông có thể cho anh ta đi theo giúp tôi trong chuyến đi này. Tôi liền đến thẳng pháp đình để tìm chú.

Ông vui vẻ đón tiếp tôi với phong cách trầm tĩnh, điềm đạm cố hữu của mình. Tôi mở đầu ngay vấn đề:

– Cháu đang chuẩn bị cho một chuyến du ngoạn lên vùng Kashmir để thăm thú vùng Hy Mã Lạp Sơn.

Chú tôi tỏ ra rất phấn khởi trước tin đó:

– Ồ, thật là thú vị. Chính chú đây cũng ao ước được lên vùng ấy một lần nhưng chưa có dịp. Vậy cháu có cần chú giúp đỡ gì trong việc này không?

Câu hỏi thật cởi mở và hoàn toàn thích hợp để tôi đưa ra đề nghị của mình:

– Thưa chú, mọi thứ đều đã chuẩn bị xong. Tuy nhiên, cháu cần một người đi theo để mang hành lý và phục vụ trong chuyến đi. Không biết chú có thể vui lòng để cho Lal Dhari theo giúp cháu một thời gian được chăng?

Ngay lập tức, ông thay đổi sắc mặt và thậm chí đánh mất cả bản tính trầm tĩnh xưa nay của mình. Ông đứng bật dậy từ chỗ ngồi và quát thét:

– Đồ ích kỷ! Mày muốn đưa người giúp việc của tao đi chơi rông trong khi công việc nhà thì chú mày đây phải nai lưng ra làm chắc?

Tôi hối hả rút lui ngay không dám nói thêm lời nào, và tự nhủ lại thêm một chuyện khó hiểu nữa trong ngày hôm nay. Tôi có cảm giác như những chuyện này có liên quan đến lời nhận xét bí ẩn sáng nay của sư phụ Śrỵ Yukteswar.

Cuối cùng thì có lẽ chúng tôi cũng vẫn ra đi, vì các bạn tôi đã sẵn sàng trước cổng đạo viện để chờ tôi. Khi tôi vào chào sư phụ, người trầm ngâm một lúc rồi nói:

– Mukunda, con hãy nán lại với thầy thêm một lúc nữa. Hãy bảo các bạn con đi trước đến Calcutta và chờ ở đó. Con sẽ bắt kịp họ và cùng đáp chuyến xe lửa chiều.

Tuy không hiểu gì, nhưng tôi vui vẻ vâng lời sư phụ. Các bạn tôi chất hành lý lên một chiếc xe ngựa và đi trước đến Calcutta. Họ sẽ chờ tôi ở ga xe lửa.

Chỉ ngay khi xe ngựa vừa đi khuất được một lát thì tôi nghe quặn đau trong ruột. Cơn đau nổi lên từng chặp và chỉ trong một lúc thì tôi đã toát cả mồ hôi ướt đẫm trên trán, ngã quỵ xuống tại chỗ và quặn người lại tưởng như không sao chịu đựng nổi.

Sư phụ và Kanai khiêng tôi lên giường. Người nhìn tôi với cặp mắt hiền từ thương xót nhưng rất bình tĩnh. Trong khi tôi rên xiết vì đau đớn thì người quay sang nói với Kanai:

– Hãy để ta săn sóc cho Mukunda. Con đến tìm bác sĩ và bảo ông ta mang theo đầy đủ dụng cụ để phẫu thuật ruột thừa tại chỗ. Chúng ta không có đủ thời gian để đưa bạn con đến bệnh viện tại Calcutta đâu.

Khi Kanai đã rời đi, tôi tưởng chừng như ngất đi liên tục vì những cơn đau. Sư phụ ngồi xuống cạnh tôi trên giường, đặt tay lên chỗ đau và nói:

– Con hãy cố gắng chịu đựng. Thầy sẽ không giúp được gì nhiều hơn là việc giữ lại mạng sống cho con. Nhưng sự đau đớn lần này sẽ giúp con giũ bỏ được hết ác nghiệp trong quá khứ.

Những lời nói của sư phụ có tác dụng như một liều thuốc an thần cực mạnh. Tuy cơn đau không hề thuyên giảm nhưng tôi nghe tinh thần mình được trấn tĩnh lại, và tự nghĩ những công phu tu tập của mình rõ ràng là cần phải được vận dụng vào lúc này.

Việc mổ ruột thừa tại chỗ là khá mạo hiểm vào lúc ấy. Nhưng sau khi khám cho tôi xong, bác sĩ cũng hoàn toàn đồng ý đó là giải pháp duy nhất phải làm. Ông cũng báo trước là tôi phải chịu đựng đau đớn nhiều vì trong điều kiện ở đây ông không dám lạm dụng thuốc gây mê.

Những giờ đồng hồ sau đó đối với tôi là cả một thế kỷ dài, nhưng cuối cùng rồi tôi cũng vượt qua được. Sư phụ bảo đưa tôi vào nằm trong phòng của người để tự tay chăm sóc cho tôi. Với sức mạnh tinh thần có được từ sự động viên trực tiếp của sư phụ, tôi cũng dần dần thấy khỏe lại.

Các bạn tôi phải một chuyến leo cây vào hôm đó. Họ rất tức giận, nhưng khi trở về đạo viện và nghe kể lại mọi chuyện, họ đều mừng thay cho tôi về chuyện này. Không biết sự việc sẽ ra sao nếu như mọi việc đã suôn sẻ từ sáng sớm và tôi đang ngồi trên xe lửa vào lúc lên cơn đau ruột thừa? Về phần tôi, tôi lại thêm một lần nữa biết được sự can thiệp hết sức khéo léo của sư phụ trong việc bảo vệ và chăm sóc cho tôi.

° ° °

Hai tuần sau đó, sư phụ nói với tôi:

– Sức khỏe con hiện nay đã tạm ổn. Thầy sẽ cùng đi với con lên Kashmir một chuyến để thỏa mãn ước mơ của con.

Thông báo này của sư phụ như một món quà quá bất ngờ và làm tôi sung sướng đến cực độ. Ngay lập tức, tôi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ và chuyến đi được khởi hành ngay trong ngày sau đó.

Nhóm chúng tôi cả thảy 6 người, đáp xe lửa đi Kashmir và dừng chân trạm đầu tiên tại Simla, một thành phố nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Chúng tôi dạo chơi trên những con đường dốc và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng núi non hiểm trở.

Sau đó, chúng tôi rời Simla và cũng tiếp tục đi bằng xe lửa đến Rawalpindi. Từ đây, chúng tôi thuê một chiếc xe song mã để đi đến Srinagar, thủ phủ của Kashmir. Chuyến đi bằng xe ngựa này dự trù kéo dài trong bảy ngày. Trời nắng gắt nên khí hậu nóng bức. Tuy nhiên, phong cảnh miền núi non xanh tươi xinh đẹp trải rộng mênh mông ở cả hai bên đường đã làm cho chúng tôi không cảm thấy mệt nhọc lắm.

Auddy tỏ vẻ thích thú khi được nhìn ngắm phong cảnh của vùng này, và điều đó làm tôi có phần tự hào vì đã khởi xướng ra chuyến đi. Sư phụ biết được ý nghĩ ấy của tôi. Người kề tai tôi nói nhỏ vừa đủ để tôi nghe:

– Thật ra Auddy đang nghĩ đến việc hút thuốc lá nhiều hơn là ngắm cảnh.

Việc hút thuốc trước mặt sư phụ tất nhiên là không thể được. Nhưng tôi thật không tin anh bạn Auddy của tôi lại là người nghiện thuốc lá. Tôi biết anh ta khá lâu và chưa phát hiện ra điều ấy bao giờ. Tôi liền nói với sư phụ ý nghĩ ấy. Sư phụ cười và nói:

– Được rồi, chỉ trong chặng đường sắp tới con sẽ được biết sự thật.

Khi xe ngựa dừng ở trạm nghỉ để ngựa uống nước. Tôi nghe Auddy lễ phép thưa với sư phụ:

– Bạch thầy, con muốn được ngồi ở phía trước với người đánh xe để hóng gió mát.

Sư phụ gật đầu. Một lát, người quay sang nói với tôi:

– Không phải gió, mà là thuốc lá đã lôi cuốn Auddy ra ngồi phía trước.

Xe lại tiếp tục đi. Được một quãng xa, sư phụ vỗ vai tôi và bảo:

– Giờ thì con có thể nhìn xem Auddy nó hóng gió như thế nào rồi.

Tôi liền vén tấm rèm cửa sổ, thò đầu ra ngoài để nhìn về phía trước. Quả thật, Auddy đang nhả khói mù mịt như ống khói xe lửa. Có lẽ anh ta đã xin một điếu của người đánh xe, vì trong hành lý chúng tôi mang theo không có thuốc lá.

Tôi nói với sư phụ:

– Sư phụ nói đúng. Nhưng từ lâu con không hề biết là anh ta nghiện thuốc lá.

Trên suốt chặng đường, chúng tôi nghỉ ở những quán trọ rất đơn sơ và tự nấu ăn với những món đã mang theo. Phong cảnh ngày càng trở nên hùng vĩ hơn với những con suối, thác nước, thung lũng và vực thẳm với những sườn núi cheo leo... Tất cả đều được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của rừng cây rậm rạp. Tôi cảm thấy quả thật không uổng công mình đã bao lâu ấp ủ cuộc hành trình này.

Chúng tôi vào Srinagar theo một con đường nhỏ có hai hàng cây cổ thụ chạy dài ven đường che mát và thuê phòng ở một nhà trọ nhỏ. Dân địa phương cho chúng tôi biết là khí hậu của mùa hè năm nay có phần dễ chịu hơn mọi năm vì ban ngày không quá nóng và ban đêm không quá lạnh.

Sư phụ đưa chúng tôi đến thăm viếng những ngôi đền cổ và một số thánh tích ở nơi đây. Trong số đó có đạo viện Shankara mà về sau tôi sẽ xây dựng đạo viện của mình ở Los Angeles giống hệt theo như kiến trúc của nó.

Sau hai tuần lưu lại Kashmir, tôi sắp xếp ra về để kịp chuẩn bị cho ngày tựu trường. Sư phụ còn muốn ở lại với Kanai và Auddy thêm một thời gian nữa. Trước khi tôi về, sư phụ nói với tôi:

– Có lẽ thầy sắp ngã bệnh rất nặng ở đây.

Tôi trố mắt ngạc nhiên:

– Nhưng thầy đang rất khỏe?

– Đúng vậy, nhưng đó là chuyện của hôm nay. Còn vài ba hôm nữa lại là chuyện khác.

Tôi biết sư phụ không nói đùa, nên bịn rịn không muốn ra về. Sư phụ bảo tôi:

– Cho dù con có ở lại cũng chẳng làm được gì. Hãy về đi và cứ yên tâm là dù bệnh nặng đến đâu thì ta cũng chưa bỏ con mà đi đâu.

Biết tính sư phụ, tôi không dám nói gì thêm nữa. Tôi hiểu rằng một khi người đã quyết định điều gì thì đều có những lý do chính đáng mà chỉ sau khi mọi việc đã xảy ra chúng tôi mới có thể hiểu được.

Điều mà tôi có thể tự an ủi khi lên đường ra về là niềm tin vào trí tuệ sáng suốt của sư phụ. Tôi tin là người có thể dự báo trước mọi việc thì cũng có thể biết phải làm gì để những điều tồi tệ nhất không thể xảy ra, vì không phải cho riêng người, mà còn là cho tất cả chúng tôi, những môn đệ của người.

Khi về đến Serampore được hai ngày, tôi nhận được điện tín của Auddy gửi về:

– Sư phụ bệnh rất nặng!

Tôi biết là thầy đã không nói đùa với tôi. Tôi liền gửi một bức điện cho sư phụ theo địa chỉ nhà trọ:

– Xin thầy giữ lời đã hứa với con.

Tôi không biết Auddy và Kanai có hiểu gì không, nhưng chắc chắn là sư phụ biết tôi muốn nói gì. Một tuần sau, Kanai gửi tiếp cho tôi một bức điện, nội dung viết:

– Có lẽ sư phụ sẽ không qua khỏi.

Tôi hốt hoảng nhất thời, nhưng rồi bình tĩnh lại. Tôi không tin là sư phụ lại không biết trước được sự ra đi của chính mình. Tôi liền gửi cho Kanai và Auddy một bức điện khác:

– Hãy yên tâm, sư phụ không thể ra đi vào lúc này.

Năm ngày sau, tôi nhận điện của Auddy gửi về:

– Thầy đã khỏe và sẽ về trong tuần tới.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng thì tôi cũng đã giữ vững được niềm tin vào sư phụ. Người đã không để tôi phải thất vọng bao giờ.

Sư phụ trở về gầy ốm hơn trước nhiều, nhưng đôi mắt người vẫn không hề đánh mất sự tinh anh. Khi tôi hỏi về căn bệnh của sư phụ, Kanai đã kể lại với tôi:

– Thật là khó hiểu. Sư phụ ngã bệnh rất đột ngột. Người không ăn uống gì trong nhiều ngày. Cơ thể sốt rất cao nhưng người vẫn luôn giữ được sự bình thản chịu đựng. Chỉ trong một tuần, sư phụ suy sụp một cách khủng khiếp và một đêm kia người rơi hẳn vào trạng thái mê man không còn chút dấu hiệu gì của sự sống ngoài hơi thở vẫn đều đều thật nhẹ. Chính vào hôm đó tôi đã đánh điện khẩn cho anh vì nghĩ rằng sư phụ sẽ không qua khỏi. Chúng tôi rất ngạc nhiên về bức điện trả lời của anh, nhưng quả thật nó làm chúng tôi bớt lo lắng. Và qua hôm sau thì sư phụ bắt đầu khỏe lại. Chỉ trong vòng năm ngày, người ăn uống bình thường và đề nghị chúng tôi sắp xếp việc đi về.

Tôi tin rằng mình tự hiểu được nguyên nhân sư phụ ngã bệnh, cho dù người không nói ra bao giờ. Qua kinh nghiệm bản thân trong lần đau ruột thừa và lời khuyên của sư phụ, tôi hiểu rằng bệnh khổ cũng là một trong những hình thức mà người tu tập thọ lãnh các ác nghiệp của chính mình trước đây. Sư phụ có thể đã chấp nhận một cơn bệnh khổ để giũ bỏ những ác nghiệp từ lâu xa trong quá khứ, tạo điều kiện cho sự chín muồi của công phu tu tập hành trì.

Với tâm từ bi thương xót tất cả sinh linh, những vị chân sư đôi khi cũng phát nguyện tự mình gánh chịu những nghiệp quả xấu cho người khác. Trong những trường hợp đó, các vị tự mang lấy bệnh khổ vào bản thân mình, nhưng không hề bị ảnh hưởng về mặt tinh thần mà chỉ là những đau đớn về mặt thể xác mà thôi!

Khi tôi mang ít trái cây cho sư phụ và bày tỏ lòng lo lắng về sự gầy ốm của người, sư phụ bật cười vang và nói:

– Như thế lại hóa hay. Có mấy bộ quần áo đã quá chật từ lâu ta không dùng đến. Bây giờ lại có thể dùng đến chúng được rồi.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/06/2020(Xem: 10512)
Sau 26 năm lưu đày biệt xứ với 2 bản án Chung thân của người tù trải qua hơn một phần tư thế kỷ, tôi trở về từ cõi chết được bình an, trong sự chào đón hân hoan vui mừng của mọi người thân ruột thịt cốt nhục gia đình của quý chư Tôn Đức Pháp quyến. Đặc biệt các Tổ chức Nhân quyền LHQ, Hội Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tại Hải ngoại, Phòng Thông tin Phật Giáo Quốc tế tại Paris, các Đài Truyền thông Quốc tế loan tải phổ biến tin vui. Nhiều đồng bào Phật Tử xa gần trong và ngoài nước, đã gửi điện thư, điện thoại, đến đất Bạc nơi mái tranh nghèo tôi đang tạm trú,
02/06/2020(Xem: 10525)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 4 ¨ BIỆN TRUNG BIÊN LUẬN TỤNG THÍCH, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 9 ¨ THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ HẠNH PHÚC (ĐNT Tín Nghĩa), trang 12 ¨ TỬ SINH, TỰ TÌNH KHÚC (thơ Ns. Hạnh Đạt), trang 13 ¨ TÀI SẢN SẼ MẤT, TẠO PHƯỚC THÌ CÒN (Quảng Tánh), trang 14 ¨ TÂM THƯ CẦU NGUYỆN BỆNH DỊCH CORONA VŨ HÁN CHẤM DỨT (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15 ¨ CHÚC NGUYỆN THƯ PHẬT ĐẢN 2564 (TK. Thích Tuệ Sỹ), trang 16 ¨ THỌ GIỚI (HT. Thích Huệ Hưng), trang 18 ¨ SAU MÙA GIÓ LOẠN (thơ Mặc Phương Tử), trang 23 ¨ CHÙA CỔ THIÊN TỨ... (Tâm Không Vĩnh Hữu), trang 24
31/05/2020(Xem: 4647)
-Các con biết đây là gì không? Đây là chiếc Gối Gỗ của Sư Ông. Bốn huynh đệ chúng tôi trố mắt nhìn nhau, lần đầu tiên trong đời mới thấy chiếc gối gỗ. Thì ra, món đồ Sư Phụ để trên bàn thờ mấy năm qua được bọc vải vàng là cái Gối Gỗ của Sư Ông, chúng tôi nhiều lần thắc mắc nhưng không ai biết được đấy là gì, cũng không dám hỏi Sư Phụ. Tôi còn nhớ như in buổi chiều khi hay tin Sư Ông viên tịch, Thầy trò đang ngoài ruộng lúa chuẩn bị cho vụ mùa. Thầy vội vã về chùa để ra quê cho kịp chuyến xe tối. Hạnh Trí nhanh nhẹn chuẩn bị cho Thầy bộ Y, mấy bộ quần áo và vài gói mì lá Bồ Đề bỏ vào trong cái túi đãi đã bạc màu. Hạnh Tú thì tranh thủ dắt chiếc xe đạp ra ngoài trong tư thế đưa Thầy ra quốc lộ. Hạnh Lưu nhanh tay lo cho Thầy mấy trái bắp luộc để lót dạ trên đường. Thầy đi chỉ dặn dò mấy con ở chùa nhớ công phu bái sám đều đặn, công việc nặng thì nhờ quý bác Phật tử giúp giùm.
29/05/2020(Xem: 3787)
Hôm nay ngày Đại Tường Sư Ông, Sau thời công phu sáng, trước Giác Linh đài, chí thành đảnh lễ, không gian như lắng yên, tĩnh lặng…tất cả nhìn tôn ảnh của Sư Ông với tất cả niềm kính cẩn thiêng liêng, trên bàn thờ những đóa sen hồng đang nở, hòa với những ngọn nến thật huyền diệu lung linh… - Tâm hả con, vào nhanh đi. Tiểu Tâm bối rối cả người té ra là …, Chú sợ quá, quỳ xuống lạy Hòa thượng trong tiếng khóc nức nở trong nỗi niềm vừa lo âu và hối hận. Hòa Thượng lấy tay xoa lên đầu chú, vuốt cái chõm tóc dài đang ướt và nắm tay chú nhẹ nhàng từ tốn bảo: - Con thay quần áo nhanh đi, ước hết rồi, hơ ấm, lạy Phật, rồi ngủ đi con!
27/05/2020(Xem: 5528)
Hoa Lan vốn là loài hoa đẹp vừa kiêu sa thanh thoát, tuổi thọ cao (thường trụ trong chậu những sáu tháng), hương thơm nhẹ nhàng được bao người trân quí dùng làm quà tặng nhau hay chưng tại các đại sảnh, trang thờ, phòng khách... Nhưng Hoa Lan ở đây, tôi muốn viết về là bút hiệu của cô bạn văn tên thật là Lan Hương ( hương của hoa lan), cái tên đúng là có sự an bài của định mệnh.
10/05/2020(Xem: 4267)
Cả tuần lễ nay Chùa Linh Thứu như có sức sống của một cành cây đang đâm chồi nẩy lộc, khác hẳn với những tháng ngày cửa đóng then cài vì dịch Corona. Thí chủ nào muốn cúng dường gạo sữa, hoa quả chỉ dám nhấn chuông rồi lặng lẽ để phẩm vật trước cửa Chùa. Không thể nào thực hiện được hạnh nguyện cúng dường ba nghiệp thanh tịnh của Bồ Tát Phổ Hiền, nhưng tấm lòng nhớ đến Tam Bảo như thế cũng đáng được tán thán! Chùa trở nên sống động nhờ ý tưởng độc đáo của Sư Bà Linh Thứu, phải làm một cái gì hữu ích cho xứ sở mình đang sống để trả ơn cho họ trong cơn đại dịch. Sư Bà huy động tất cả các Phật tử có tay nghề may vá, kêu gọi họ may khẩu trang đem đến Chùa quyên tặng và các Sư Cô của Chùa cũng phải ngày đêm may cắt làm sao cho đủ số. Ít nhất phải đến con số 3000 chiếc khẩu trang ân tình Sư Bà mới dám triệu Ngoại Vụ của Chùa đi làm việc. Sư Bà muốn mời một vị khách quý của Chùa đến nhận món quà ấy, ông Thị Trưởng của quận Spandau nơi chùa Linh Thứu sinh hoạt.
01/05/2020(Xem: 12688)
Ngày 25 tháng 10 âm lịch năm 1967, Ngài ngồi thiền trong động Di Lặc, núi Củu Tiên, dãy Quế Lạc, Công xá Thượng Đông, Huyện Đức Hóa, Tỉnh Phước Kiến, đột nhiên được Bồ Tát QUÁN-THẾ-ÂM tiếp dẫn đi khiến mất cả tông tích. Lúc ấy, Pháp Sư được dẫn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tham quan các cảnh giới 9 phẩm hoa sen. Thời gian dường như chừng 1 ngày 1 đêm, nhưng khi về đến nhân gian đã là ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch năm 1973 (đi từ 25/10 âm lịch 1967) chạy ra đã trên 6 năm 5 tháng trôi qua. Thoạt nghe thì như là vượt ra tri thức thường tình, khó mà lý giải được. Có câu nói "trên trời 1 ngày, dưới này vài năm" là vậy, cũng bởi không gian của vũ trụ không giống nhau, khái niệm thời gian cũng khác, người có chút ít hiểu biết về Phật học, tất lý nhận ra được.
30/04/2020(Xem: 4994)
Hãy mau mau buông bỏ mọi mê lầm ngay tại đây và ngay bây giờ. Xin giới thiệu với độc giả hoàn cảnh ra đời của bài này. Tác giả là nhân viên làm việc trong một nhà tù thuộc tiểu bang Victoria. Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, mọi người dân đều phải chấp hành lệnh của chính phủ tiểu bang và liên bang để giữ gìn an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Không được tụ tập trên mười người và phải giữ giản cách xã hội (cách nhau hơn một sải tay). Vì phải làm lễ cầu siêu cho một tù nhân vừa qua đời sau hơn hai năm mang nhiều thứ bệnh trong hoàn cảnh đặc biệt này cho nên chúng tôi chọn cái đề tựa như trên.
27/04/2020(Xem: 3434)
Ra khỏi bến xe Vinh, xe rẽ về ngả Thanh Chương. Hàng cây hai bên đường như lui dần, biến vào trong đám bụi đất đỏ phía sau xe. Sáng sớm trời còn mờ sương. Hơi lạnh từ các hốc núi tỏa ra lãng đãng tan vào không khí. Gió mát dịu, tôi khoan khoái ngả người vào thành ghế phía sau lơ đãng nhìn những đám mây xám lơ lửng trong bầu trời âm u. Dường như có một chút ánh sáng ửng hồng ở phương xa, bên kia ngọn đồi trước mặt. Xe tiến tới. Ánh sáng như thật gần rồi sáng bẵng. Mặt trời đã bắt đầu ló dạng. Người trong xe như trở mình sau một cơn ngáy ngủ. Họ lấm lét nhìn tôi soi mói như nhìn một quái vật từ cung trăng rớt xuống. Chắc là tôi lạ lắm. Tôi nghĩ vậy. Mái tóc ngắn, chiếc áo bà ba bó sát thân hình, chiếc quần đen hàng vải ú, nhưng dáng người ốm ốm, cao cao, tôi không giấu được tôi là người miền Nam vừa đến. - Chị ra Bắc thăm bà con đấy hẳn? Người đàn bà ngồi bên cạnh hỏi tôi. Tôi quay lại mỉm cười rồi gật đầu dạ nhỏ.
27/04/2020(Xem: 2967)
Năm tôi mười hai tuổi, tôi đã biết mộng mơ. Nhưng tôi không mơ công tử đẹp trai con nhà giàu học giỏi hay các chàng bạch diện thư sinh mặt hoa da phấn mà tôi mơ hình ảnh thiếu nữ áo dài xanh (màu xanh nước biển), có đôi găng tay trắng, ở cổ áo gắn hai đầu rồng nho nhỏ, xinh xinh, huy hiệu của tiếp viên phi hành hàng không Air Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]