Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 72: Chống đối im lặng

13/01/201110:55(Xem: 10620)
Chương 72: Chống đối im lặng

Đường xưa mây trắng
theo gót chân Bụt

Thích Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản lần 2, 1992, San Jose, Cali, USA

--- o0o ---

15.

Chương 72

CHỐNG ĐỐI IM LẶNG

Thấm thoát mà đã đến ngày Bụt nói pháp thoại tại Trúc Lâm. Kỳ nào quần chúng cũng đi thật đông, có mặt tại buổi pháp thoại cũng có quốc vương Bimbisara, và có cả hoàng thái tử Ajatasattu nữa. Đại đức Ananda để ý thì thấy các vị khất sĩ các nơi về đông lắm, đông gấp hai kỳ trước. Đại đức Devadatta cũng có mặt ở hàng đầu các vị khất sĩ. Đại đức ngồi giữa hai vị Sariputta và Mahakassapa.

Cũng như lần trước, sau khi Bụt thuyết pháp xong, đại đức Devadatta đứng dậy, tiến lên, chắp tay lễ Bụt và nói:

- Thế Tôn, người đã dạy các vị khất sĩ nên sống theo các nguyên tắc thiểu dục và tri túc, bỏ dần các ham muốn và sống thật đơn giản với những điều kiện vật chất tối thiểu. Con xin đề nghị một quy chế năm điểm để thực hiện các nguyên tắc thiểu dục và tri túc đó:

- Điểm thứ nhất, các vị khất sĩ chỉ ở suốt đời trong rừng hoặc trong vườn cây mà không được về ngủ ở ngoài thành phố hay trong thôn xóm.

- Điểm thứ hai, các vị khất sĩ chỉ đi khất thực suốt đời mà không được đáp lời mời của giới cư sĩ tới thọ trai ở nhà họ.

- Điểm thứ ba, các vị khất sĩ chỉ có quyền lượm giẻ rách và những mảnh vải vụn để may lại thành y chứ không được nhận y do giới cư sĩ cúng dường.

- Điểm thứ tư, các vị khất sĩ chỉ được ngủ dưới gốc cây mà không được ngủ trong phòng ốc.

- Điểm thứ năm, các vị khất sĩ chỉ được phép ăn chay, không được động tới thịt cá.

Thế Tôn, nếu giáo đoàn khất sĩ theo đúng năm điểm này thì chắc chắn các nguyên tắc thiểu dục và tri túc mới được thực hiện nghiêm chỉnh.

Bụt nói:

- Devadatta, Như lai không chấp nhận sự bắt buộc phải làm theo năm điểm ấy. Vị khất sĩ nào muốn chỉ cư trú trong chốn viên lâm thì được phép chỉ cư trú trong chốn viên lâm, nhưng những vị khác có thể ở tu viện, tịnh xá, và tạm trú tại thành phố hay thôn lạc khi cần thiết. Vị khất sĩ nào muốn chỉ khất thực mà không muốn đến nhà đàn việt thọ trai thì được phép chỉ đi khất thực, nhưng những vị khác có thể đáp lời mời của giới cư sĩ tới nhà thọ trai và thuyết pháp. Vị khất sĩ nào muốn chỉ lượm giẻ và vải vụn để may thành y thì được phép chỉ lượm giẻ và vải vụn để may thành y, nhưng những vị khác có thể thọ nhận của giới đàn việt cúng dường, với điều kiện là không có quá ba y. Vị khất sĩ nào chỉ muốn ngủ dưói gốc cây thì được phép chỉ ngủ dưới gốc cây, nhưng những vị khác có thể ngủ trong tăng xá, tịnh xá, và ngủ tạm tại nhà cửa ở thành phố hay thôn lạc khi cần thiết. Vị nào muốn chỉ ăn chay, thì được phép chỉ ăn chay, nhưng những vị khác có thể tạm thọ nhận thức cúng dường mà đàn việt đã làm sẵn, trong đó có ngũ tịnh nhục, nghĩa là những vị đàn việt này đã không vì các vị khất sĩ mà sát sinh. Devadatta theo pháp chế hiện thời, các vị khất sĩ có đủ cơ hội để tiếp xúc và hướng dẫn người cư sĩ, nhất là những người mới có duyên tiếp xúc lần đầu với đạo giác ngộ.

Đại đức Dvadatta thưa:

- Như vậy là Thế Tôn không chấp nhận pháp chế năm điểm.

- Không, Devadatta, Như lai không chấp nhận pháp chế của thầy đề nghị.

Devadatta cúi chào Bụt và trở về chỗ ngồi, miệng mỉm cười, không có vẻ gì thất vọng.

Tối hôm ấy, Bụt nghỉ lại tịnh xá ở tu viện Trúc lâm. Người nói với đại đức Ananda:

- Ananda, Như lai biết tâm trạng của Devadatta, Như lai nghĩ là sẽ có chia rẽ trầm trọng trong giáo đoàn khất sĩ.

Một hôm đi khất thực trong thành phố Rajagaha, đại đức Ananda gặp đại đức Devadatta. Hai người dừng lại bên đường để nói chuyện. Đại đức Devadatta cho đại đức Ananda biết là từ nay trở đi, đại đức sẽ tổ chức những lễ tụng giới, bố tát, tự tứ và an cư riêng trong giới các vị đệ tử và thân hữu khất sĩ của đại đức, không còn làm chung với giáo đoàn khất sĩ do Bụt lãnh đạo như trước. Buồn bã, đại đức Ananda về bạch lại với Bụt.

Lễ bố tát thường được thực hiện tại tu viện Trúc lâm. Đại đức Ananda nhận thấy kỳ bố tát này có hàng trăm vị khất sĩ vắng mặt. Số lượng các vị này ít nhất là ba trăm. Chắc hẳn là họ đi dự lễ bố tát trên tu viện Tượng Đầu do đại đức Devadatta tổ chức.

Lễ bố tát và tụng giới cử hành xong, một số các vị khất sĩ tìm tới tịnh xá gặp Bụt. Họ nói:

- Thế Tôn, những người bên phía đại đức Devadatta đã đến với chúng con. Họ nói rằng chúng con nên theo về giáo đoàn do sư huynh Devadatta lãnh đạo, bởi vì bên ấy pháp chế nghiêm chỉnh hơn pháp chế của Thế Tôn nhiều. Họ đưa ra pháp chế năm điểm, pháp chế mà Thế Tôn không chấp nhận trong kỳ pháp thoại vừa rồi. Họ nói: tu hành như bên Trúc Lân thì sướng quá, có khác gì người không tu đâu. Bụt dạy pháp thiểu dục và tri túc nhưng không chấp nhận pháp chế năm điểm để thực hành cho đúng mức những phép ấy, như vậy là mâu thuẫn. Thế Tôn, chúng con đã không nghe lời sư huynh Devadatta. Chúng có đức tin nơi Bụt, nơi trí tuệ và sự xét đoán của người, nhưng có rất nhiều vị khất sĩ trẻ, chưa có kinh nghiệm, nhất là những vị xuất thân từ Vajji do đại đức Devadatta thế độ, những vị này thấy pháp chế năm điểm khổ hạnh rất là hấp dẫn và đã đi theo về bên ấy. Chúng con xin tin để Thế Tôn biết.

Bụt dạy:

- Xin các thầy đừng lo lắng quá về vụ này. Điều quan trọng nhất là tự mình, mình phải tu học và sống đời phạm hạnh cho xứng đáng.

Mấy hôm sau, y sĩ Jivaka lên thăm Bụt ở trên núi Linh Thứu, y sĩ cho Bụt biết là trên năm trăm vị khất sĩ đã theo về phía đại đức Devadatta. Devadatta đã đưa tất cả về trung tâm Tượng Đầu ở Gayasisa, và lập đại bản doanh của giáo đoàn độc lập ở đấy. Y sĩ cũng cho Bụt biết là một cuộc vận động khác cũng đang âm thầm diễn biến trong lãnh vực chánh trị, trong đó đại đức Devadatta có dính líu quan trọng, và ông đề nghị với Bụt nên chính thức tuyên bố khai trừ đại đức Devadatta ra khỏi giáo đoàn khất sĩ.

Tin đại đức Devadatta lập giáo đoàn riêng làm chấn động hết mọi giới. Đi đâu các vị khất sĩ cũng bị quần chúng chất vấn. Tất cả các thầy đều được đại đức Sariputta dặn là chỉ nên trả lời như sau: “Những ai gây nhân xấu sẽ gặt quả xấu, chia rẽ giáo đoàn là một trọng tội đối với đạo pháp”.

Một hôm, nói chuyện với các vị khất sĩ, Bụt nhắc lại lời của y sĩ Jivaka là phải lên tiếng về vụ đại đức Devadatta, phải tuyên bố rằng mình không chịu trách nhiệm gì về hành động của Devadatta, và Devadatta không còn giữ một chức vụ gì trong giáo đoàn của Bụt. Đại đức Sariputta ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bạch với Bụt:

- Thế Tôn, ngày xưa chúng con đã từng tán thán tài đức của sư huynh Devadatta trước mặt mọi người, bây giờ nếu chính chúng con lại đi tố giác sư huynh của chúng con thì chướng lắm, ngó sao được?

Bụt nói:

- Sariputta, ngày xưa tán thán tài đức của Devadatta trước đám đông, thầy có nói sự thật không?

- Bạch Thế Tôn, ngày xưa tán thán tài đức của Devadatta, con đã nói sự thật.

- Vậy bây giờ nếu tố giác Devadatta thầy có nói sự thật không?

Bạch Thế Tôn, nếu bây giờ đi tố giác sư huynh Devadatta, con cũng sẽ nói sự thật.

Bụt dạy:

- Vậy thì có gì là chướng ngại đâu? Vấn đề là nói ra sự thật mà thôi.

Những ngày sau đó, trong dịp tiếp xúc với quần chúng, các vị khất sĩ báo tin cho thiên hạ biết là đại đức Devadatta đã bị khai trừ ra khỏi giáo hội. Các vị khất sĩ cũng nói thêm: từ nay Bụt và giáo đoàn không còn chịu trách nhiêm gì về hành động của đại đức Devadatta nữa.

Trong khi đó hai đại đức Sariputta và Moggallana vẫn luôn luôn giữ im lặng. Họ không mở miệng để nói bất cứ một lời nào, dù được quần chúng hỏi. Thấy thái độ ấy, đại đức Ananda hỏi:

- Các sư huynh không nói gì hết, có lẽ các sư huynh đã có chủ ý?

- Sư huynh Ananda, đúng như vậy. Chúng tôi có chủ ý, chúng tôi sẽ phụng sự Bụt và giáo đoàn bằng những phương tiện khác.

Trong giới quần chúng, có những người xì xào bàn tán cho rằng các vị khất sĩ tố cáo giáo đoàn độc lập vì thù ghét và ganh tị, nhưng cũng có những người nghĩ rằng có những lý do sâu kín bên trong mà họ chưa thấy được, những người này vẫn có đức tin vững chải nơi Bụt và giáo đoàn.

Một buổi sáng trong lúc trời còn mưa gió nặng nề, dân chúng ở thủ đô được tin là hoàng thượng Bimbisara thoái vị và nhường ngôi cho con là hoàng thái tử Ajatasattu. Lễ đăng quang của thái tử sẽ được tổ chức trong vòng mười hôm vào ngày trăng tròn sắp tới. Tin này Bụt không được nghe trực tiếp tù quốc vương Bimbisara mà đã nghe qua các vị khất sĩ. Từ trước đến nay, chưa bao giờ vua Bimbisara lấy một quyết định quan trọng như thế mà không trực tiếp báo tin cho Bụt.

Mấy hôm sau, Jivaka lên hầu Bụt, và xin phép được nói chuyện riêng với người. Bụt mời ông đi thiền hành với Bụt trên sườn núi. Hai thầy trò im lặng đi và thở. Đến cuối thiền lộ, Bụt chỉ một phiến đá mời Jivaka ngồi, người cũng ngồi xuống một phiến đá khác.

Jivaka cho Bụt biết là hoàng thái tử Ajatasattu đã ra lệnh nhốt vua Bimbisara trong cung cấm và không cho ai ra vào thăm hỏi, trừ hoàng hậu Videhi. Hoàng thái tử cũng bắt giam hai vị đại thần thân tín nhất của vua, vì sợ những người này âm mưu cản trở việc lên ngôi của hoàng thái tử. Ban đầu thì thái tử cấm không cho hai người này vào thăm vua, nhưng sau đó vì chưa yên tâm nên thái tử bắt giữ luôn họ, Gia đình các vị này được thông báo là các vị sự lưu lại ăn ngủ trong cung để luận bàn chánh sự trong vòng bảy hôm. Sự thật thì họ đang bị nhốt trong cung cấm, mỗi người một phòng riêng.

Y sĩ Jivaka cho Bụt biết là những chuyện trên hoàn toàn được giữ bí mật. Sở dĩ ông được biết là vì ông đã có cơ hội tới chữa trị cho hoàng hậu Videhi. Hoàng hậu đã thuật hết sự thật cho ông và nhờ ông lên núi bạch với Bụt tất cả tự sự.

Jivaka kể cho Bụt nghe chi tiết của tất cả những gì đã xảy ra. Một hôm, cách đây gần cả tháng, ngự lâm quân thấy thái tử đột nhập vào cung vua trong đêm khuya. Thấy dáng dấp thái tử có vẻ khả nghi, ngự lâm quân đã chận thái tử lại để lục soát, và tìm thấy một thanh gươm dấu trong áo của thái tử.

Họ đưa thái tử vào gặp vua, trình lên vua thanh gươm và kể lại tự sự. Vua hỏi:

- Ajatasattu, ban đêm con mang gươm vào cung để làm gì?

- Tâu phụ vương, con muốn hành thích phụ vương.

- Tại sao con lại muốn giết ta?

- Tâu phụ vương, con muốn làm vua.

- Làm vua thì làm vua, tại sao lại phải giết cha? Nếu con muốn làm vua, con chỉ cần nói lên một tiếng là ta thoái vị lập tức, và con có thể làm vua ngay.

- Tâu phụ vương, con không biết như vậy. Con đã lỡ lầm xin phụ vương tha tội cho con.

- Ai xúi giục con làm chuyện này?

Thái tử Ajatasattu im lặng. Vua gạn hỏi một hồi thì thái tử tiết lộ là đại đức Devadatta.

Vua cho gọi hai vị đại thần thân tín của vua vào cung, ngay lúc nữa đêm. Vua thuật lại cho họ nghe và hỏi ý kiến của họ. Một vị nói rằng tội ám sát vua là tội xử trảm, và đề nghị đem chém đầu các tội phạm trong đó có thái tử Ajatasattu, khất sĩ Devadatta và tất cả các vị khất sĩ liên hệ.

- Trẫm không muốn giết Ajatasattu, vì nó là con trẫm, trẫm cũng không muốn giết các vị khất sĩ, bởi vì các vị khất sĩ đã từng tuyên bố là họ không chịu trách nhiệm về hành động của Devadatta. Trẫm thấy trong vụ này Bụt là người sáng suốt nhất. Người đã tiên đoán được những gì sẽ xảy ra cho nên người đã cho công bố không chịu trách nhiệm về Devadatta. Trẫm cũng không muốn giết Devadatta, vì dù sao Devadatta cũng là một vị khất sĩ nổi tiếng và lại là em chú bác của Bụt.

Vị đại thần thứ hai lên tiếng:

- Lòng từ bi của bệ hạ thật không có ai sánh bằng. Bệ hạ thật xứng đáng là học trò của đức Thế Tôn. Vậy bệ hạ định thu xếp như thế nào?

Vua nói:

Ngày mai, trẫm sẽ hạ chiếu cho bàn dân thiên hạ biết là trẫm thoái vị, và nhường ngôi cho con trẫm là Ajatasattu. Mười hôm sau, thái tử sẽ làm lễ đăng quang.

- Vậy còn tội mưu sát?

- Trẫm tha thứ cho con trẫm và cho khất sĩ Devadatta. Mong rằng hai người thấy được tấm lòng của trẫm mà học được chút gì từ đức độ của trẫm.

Hai vị đại thần lạy xuống. Thái tử Ajatasattu cũng lạy xuống. Vua dặn các quan giữ nội vụ thật bí mật và thi hành ngay những quyết định của vua bắt đầu từ giờ phút ấy.

Ngay sau khi chiếu chỉ thoái vị của vua được ban hành, đại đức Devadatta đã về ngay kinh đô để hội kiến với thái tử. Thái tử có nói với hoàng hậu Videhi là đại đức Devadatta đã được thái tử mời về để bàn luận về lễ đăng quang của thái tử, nhưng hoàng hậu cho biết là chỉ hai hôm sau cuộc đàm luận đó, thái tử ra lệnh cô lập vua trong cung cấm và bắt giữ luôn hai vị đại thần.

Y sĩ Jivaka nói:

- Lạy Bụt, con mong là sau lễ đăng quang, Ajatasattu sẽ trả tự do cho thượng hoàng và cho hai vị đại thần bị giam giữ.

Trình xong mọi việc, Jivaka lạy Bụt và xuống núi.

Ngày mai lại, Bụt tiếp sứ giả của triều đình mời Bụt và các vị khất sĩ tới dự lễ đăng quang của thái tử. Chính quân đội đi tổ chức kết nghinh môn và treo cờ đèn ở khắp nơi trên thủ đô, Bụt được cho biết là đại đức Devadatta và trên sáu trăm vị khất sĩ theo thầy đều đã có mặt tại thủ đô để tham dự lễ đăng quang này.

Bụt cho gọi đại đức Sariputta, người nói:

- Này Sariputta, Như lai sẽ không về kinh dự lễ đăng quang và Như lai mong rằng tất cả các vị khất sĩ của giáo đoàn cũng không nên về kinh dự lễ. Chúng ta không nên can dự vào công việc ác đức này.

Đại đức Sariputta nói:

- Lạy Bụt, con hiểu. Con sẽ thông bạch với đại chúng là Thế Tôn sẽ không về dự lễ đăng quang và Thế Tôn muốn các vị khất sĩ trong giáo đoàn cũng không về dự lễ này.

Và đại đức rút lui.

Ngày lễ đăng quang của vua mới đã tới. Không thấy Bụt và các vị khất sĩ trong giáo đoàn do người lãnh đạo, quần chúng bắt đầu đặt câu hỏi, và từ câu hỏi, họ tìm ra được sụ thật. Họ biết thượng hoàng và hai vị đại thần đang bị giam giữ. Họ biết được là sau lễ đăng quang, vua mới cũng không trả tự do cho thượng hoàng và hai vị đại thần này. Họ bắt đầu hiểu được ý Bụt. Trong quần chúng, nổi lên một phong trào âm thầm chống đối đường lối thiếu nhân nghĩa của triều đình mới. Quần chúng bắt đầu phân biệt được sự khác nhau giữa giáo đoàn của Bụt và giáo đoàn của đại đức Devadatta. Devadatta đã bắt đầu tự xưng là một vị giáo chủ. Nhiều giới đàn việt, trước khi cúng dường cơm vào bát vị khất sĩ, đã hỏi thăm là vị khất sĩ thuộc về giáo đoàn nào, và họ từ chối không cúng dường cho những vị khất sĩ thuộc giáo đoàn độc lập. Thái độ của họ là để đối kháng lại sự phản bội của Devadatta cũng như của ông vua mới.

Vua Ajatasattu được báo cáo về phong trào chống đối âm thầm này. Vua rất giận, nhưng vua không thể dùng quyền lực để bắt giam Bụt hoặc đàn áp các vị khất sĩ trong giáo đoàn. Vua biết nếu vua động đến Bụt và giáo đoàn một cách trực tiếp thì không những vua sẽ bị dân chúng trong nước chống đối mà con có thể bị cô lập ngoại giao đối với các nước lân bang nữa. Vua biết rõ là Bụt rất được ngưỡng mộ ở các nước lân bang nữa. Vua biết rõ Bụt rất được ngưỡng mộ ở các nước này, nhất là ở vương quốc Kosala. Quốc vương Pasenadi có thể đem quan sang chinh phạt nếu ngài nghe vua động tới Bụt. Vua triệu đại đức Devadatta vào cung điện để vấn kế.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2023(Xem: 3794)
Thưa các bạn, câu chuyện tôi muốn kể sau đây về sức vươn lên của cậu bé chăn trâu 11 tuổi tên Quảng. Quảng và tôi có một nhân duyên kỳ lạ có lẽ kết từ bao kiếp trước để run rủi kiếp này có những ràng buộc dù muốn hay không đã trở thành con nuôi của tôi. Quảng sinh ra và lớn lên tại núi đồi Yên Bái, vùng sâu và xa, nơi đa số toàn người sắc tộc thiểu số, đêm đêm chỉ có tiếng ếch nhái ểnh ương nỉ non hay khỉ ho cò gáy từ rừng xa vọng lại.
17/12/2022(Xem: 3880)
Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối, con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.
03/12/2022(Xem: 4485)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
21/11/2022(Xem: 5671)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 4331)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
11/11/2022(Xem: 3098)
Bút giả đến Mỹ cũng khá lâu, cách nay cũng trên 40 năm. Đầu tiên tôi sinh hoạt chính thức Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tiểu bang Colorado, thành phố Denver. Được hơn một năm, không chịu đựng với cái lạnh không quen ở đây nên về sinh hoạt với Phật Học Viện Quốc Tế và cũng là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Nghi lễ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, trụ sở là chùa Việt Nam Los Angeles bây giờ. Sau đó, quý thầy lớn : Đức Niệm, Thiện Thanh, Tịnh Hạnh . . . lớp quý thầy ngang lứa như chúng tôi (Tín Nghĩa), Nguyên Đạt, Pháp Châu, Nguyên Trí núi (tức là Hòa thượng Nguyên Trí chùa Bát Nhã bây giờ) và Nguyên Trí già (tức là Hòa thượng Đạo Quang bây giờ). Tôi là Phó Chủ tịch đặc trách Gia đình Phật tử. . . còn quý Trí thức Cư sĩ gồm có : Bác sĩ Tôn Thất Niệm, Dược sĩ Tâm Thường, Đạo hữu Thiện Bửu . . . còn một số nữa, lâu quá chúng tôi không nhớ hết.
02/11/2022(Xem: 19695)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
15/05/2022(Xem: 11155)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật. “Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên “Kinh Pháp Cú” còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy”.
01/05/2022(Xem: 15887)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]