Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nước Giếng Trong

16/10/201021:00(Xem: 3790)
Nước Giếng Trong
labode_3NƯỚC GIẾNG TRONG
Cao Huy Thuần

Trong thiền không có đầu đuôi, khúc chiết, lý luận. Nó đập vỡ lý luận. Đó là thế giới lý tưởng của câu thơ lớp ba mồ côi luận lý. Thế giới của những câu cuối lấc cấc, mẹ gà con vịt. Đừng bắt tôi giải thích; hãy lang thang với tôi trong câu cuối của dăm ba chuyện thiền nổi tiếng.

Tôi học lớp ba trường huyện cách đây hơn nửa thế kỷ. Vốn liếng trí thức, văn chương của chúng tôi thời đó nằm gọn trong Quốc văn giáo khoa thư. Đây là một bài thơ tôi thuộc lòng từ thời đó đến bây giờ: bài Lính thú đời xưa. Bài thơ chẳng hay gì, lại không thấy đề tên tác giả. Không tác giả, có lẽ là ca dao. Mà ca dao thì đáng lẽ phải hay hơn. Nhưng đó là ý kiến của tôi về sau này. Thuở đó, thơ trong Quốc văn giáo khoa thư phần nhiều là như vậy, chẳng hay nhưng có vần có điệu, đọc lên cũng thấy thơ. Bài Linh thú đời xưa khá dài, chia thành hai phần. Bài thứ nhất:

Ngang lưng thì thắt đai vàng
Đầu đội nói dấu vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắt giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.

Bên cạnh đó bài thơ có vẽ hình một người đàn bà nông dân bế đứa con nhỏ, tiễn chồng ra đi. Ngày nay, người ta tiễn nhau ở bến xe, ở nhà ga, ở sân bay. Thuở trước, biệt ly diễn ra trên bến thuyền. Thuyền đi chậm, sông nước mênh mang, nhìn theo không biết bao giờ mới hút bóng.

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa


Nước mắt của ai như mưa? Của người chồng bước chân xuống thuyền? Chắc không phải, vì đàn ông đâu có khóc như vậy! Nhưng cũng có thể người chồng khóc như mưa ở trong lòng. Khóc như thế, nỗi buồn không khô được, cứ ướt mãi. Thuyền trôi trên nước, người chồng trôi trong nước mắt.

Khóc như mưa, chắc phải là người vợ. Người chồng vừa bước chân xuống thuyền thì mưa đã ào ào tuôn trên mắt người vợ đứng trên bờ nhìn theo. Người đi, người ở đều ướt sũng nước mưa. Mưa ướt sũng bến đò.

Lúc nhỏ, đọc câu thơ, tôi bùi ngùi. Lớn lên, hiểu thêm rằng biệt ly là khổ. Lớn lên nữa, già đi, lại chột dạ, thấy mình lức nào cũng như đang tiễn biệt một cái gì, tiễn một niềm tin bị cuộc đời đánh cắp, tiễn một quê hương bỗng nhiên phụ phàng, tiễn bóng câu qua cửa sổ, tiễn cả chính mình, tiễn mình trong từng phút từng giây. Nhưng đó là chuyện khác. Trở về với bài Lính thú đời xưa, đoạn hai, mà Quốc văn giáo khoa thư có ghi rõ là “tiếp theo”:

Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Nhưng dang cùng nứa biết ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng

Khổ thay là cuộc đời lính thú! Đày ải giữa nơi đèo heo hút gió, quần quật tay chân hết sáng đến tối, anh lính muốn than một tiếng cũng không biết kêu với ai ngoài tre, dang, nứa điệp điệp trùng trùng. Tre ơi, dang ơi, nứa ơi, có biết chăng tôi đây đang khổ với tấm thân này.

Không với tấm thân… Lúc học lớp ba, tôi chưa hiểu có thân là khổ. Chỉ hiểu nỗi khổ biệt ly. Cho nên tôi biết bùi ngùi với bài thơ nhứ nhất mà không mấy rung cảm với bài thơ tiếp theo. Chỉ có một câu làm tôi thắc mắc mãi, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già, từ đó đến nay. Câu thơ thật lạ kỳ, như ở đâu bay vào bài thơ, lạ hoắc, lảng xẹt. Đó là câu cuối:

Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng

Tại sao bỗng có con cá vẫy vùng trong giếng ở cuối một bài thơ nói về anh lính thú từ biệt vợ sống đày ải trên núi rừng? Giữa anh lính với con cá chẳng có một liên hệ gì cả. Cách cấu trúc của câu thơ cũng kỳ quặc: hai câu tám đi tiếp theo nhau:

Những dang cùng nứa biết ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng

Trong một vài bài thơ lục bát ngày xưa, có khi tác giả phá thể, chấm dứt bài thơ ở câu sáu. Nhưng nếu thế, tại sao lại không chấm dứt như thế này:

Giếng trong con cá vẫy vùng

Tại sao lại thêm chữ “nó” quái gở vào câu thơ? Không phải con cá vẫy vùng mà là con cá nó vẫy vùng. Tựa như con cá với nó là hai, có con cá và có nó ở trong giếng đùa nghịch với nhau, nó vẫy vùng nơi con cá, con cá vẫy vùng nơi nó. Quái, tại sao có con cá hạnh phúc như vậy ở đây?

Tôi chịu thua. Mà cũng chẳng ai giải thích được cho tôi. Tôi đó ai giải thích nổi! Câu thơ nhảy vọt từ chuyện khổ qua chuyện vui, không đầu không đuôi, không gốc không ngọn, chẳng nghĩa lý gì cả. Anh lính thú nhớ vợ, mơ về chăn gối ấm êm bên cạnh vợ? Anh lính thú kiệt sức giữa lúc chém tre đẵn gỗ bổng thấy lóe ra trong một cơn mê sảng hình ảnh thanh bình của giếng nước ở quê nhà? Bài thơ quá giản dị, chất phác, không cho phép tôi diễn dịch cao xa. Nhưng câu thơ nằm mãi trong đầu tôi vừa như một hình ảnh êm dịu, vừa như một vũ trụ bí mật quyến rũ, mời mọc, thách thức óc tưởng tượng của tôi. Tôi không tóm được nó, cho nên nó dẫn tôi đi lang thang.

Tôi lang thang trong thế giới thiền. Đừng bắt tôi giải thích tại sao. Trong thiền không có tại sao. Nó thế là nó thế. Trong thiền không có đầu đuôi, khúc chiết, lý luận. Nó đập vỡ lý luận. Đó là thế giới lý tưởng của câu thơ lớp ba mồ côi luận lý. Thế giới của những câu cuối lấc cấc, mẹ gà con vịt. Đừng bắt tôi giải thích; hãy lang thang với tôi trong câu cuối của dăm ba chuyện thiền nổi tiếng.

Một ông sư hỏi Phong Huyệt: “Người nào không hiểu thì chẳng bao giờ thắc mắc; tại sao vậy?”

Phong Huyệt đáp: “Con rùa đi trên đất thì để lại vết chân trong bùn”.

Một ông sư khác hỏi Triệu Châu: “Muôn vật quy về một; vậy một quy về đâu?”

Triệu Châu trả lời: “Hôm qua, đến huyện Kinh, ta có may một cái áo nặng bảy cân.”

Có người hỏi Động Sơn: “Phật là ai?”

Trả lời: “Ba cân vải”.

Người kia đem câu nói của Động Sơn hỏi Trí Môn.

Ông này cắt nghĩa: “Một mớ hoa, một mớ lụa”. Rồi hỏi lại:

- Hiểu chưa?

- Dạ chưa hiểu.

- Tre trúc phương nam, tùng bách phương bắc.

Lại có người đem cùng câu hỏi đó hỏi Hòa Sơn: “Phật là ai?”

Trả lời: “Ta biết đánh trống, tùng tùng tùng, cắc cắc tùng.”

Vui thật là vui. Vui như thế thì hãy đọc thêm vài chuyện nữa, vài câu cuối nữa.

Có người hỏi Hương Lâm: “Bồ Đề Đạt Ma đến từ phương Tây là có ý nghĩa gì vậy?” Trả lời: “Ngồi lâu thì mỏi”.

Một ông sư hỏi Tào Sơn: “Làm thế nào khám phá ra được một sự im lặng mà không ai có thể diễn tả bằng lời?”

- Ta không khám phá ở đây.

- Thầy khám phá ở đâu.

- Nửa đêm hôm qua ta mất ba đồng tiền cạnh giường ngủ.

Câu cuối trong các chuyện thiền có khi là một bài thơ, một câu thơ. Bằng thơ, đồ đệ của Huệ Nam tả sư phụ của mình như sau:

Ông thầy già Huệ Nam
Có câu chuyện “sinh đẻ ở đâu”
Tôi biết sư phụ tôi rõ lắm
Tôi sẽ tả sư phụ ra đây
Tôi sắp tả sư phụ đây này
Con mèo biết cách bắt con chuột già.

Các ông thiền sư thi nhau điên? Có thể lắm! Nhưng càng điên lại càng hay! Hay tuyệt! Tôi đố ai có câu cuối bất ngờ hơn thế này:

Từ Minh hỏi Quế Sâm: “Nguyên lý căn bản của đạo Phật là gì?”.

Quế Sâm trả lời:

Mây trời không tụ
Trên đỉnh núi cao
Vằng vặc vầng trăng
Thanh tịnh soi mình trên sóng.


Từ Minh quắc mặt: “Thật là sỉ nhục! Tu già đời rồi mà còn hiểu bậy bạ như vậy! Làm sao thoát khỏi sinh tử luân hồi!”

Quế Sâm quỳ lạy sư phụ dạy bảo cho biết sai chỗ nào.

Từ Minh quát: “Hỏi ta đi!” Quế Sâm lặp lại câu hỏi ban nãy: “Nguyên lý căn bản của đạo Phật là gì?”. Sư phụ nghiêm trang:

Mây trời không tụ
Trên đỉnh núi cao
Vằng vặc vầng trăng
Thanh tịnh soi mình trên sóng

Nếu thiền mà không ngược đời thì thềin đã chẳng phải là thiền. Tôi đi vào thế giới đó thì phải thay đổi giày mà đi: lấy chiếc giày chân phải mang vào chân trái, chiếc giày chân trái mang vào chân phải, hai chân lúc đó mới thoải mái.

Lúc đó mới thấy cái chuyện ngược đời chính là cái chuyện tại sao có bàn chân phải với bàn chân trái, tại sao có chiếc giày bên trái với chiếc giày bên phải, tại sao mỗi khi mang giày lại cẩn thận xem chiếc nào phải chiếc nào trái. Đứa trẻ lên ba có bao giờ phân biệt như vậy đâu! Thật Tánh Đại sư để lại bài thơ như thế này:

Với hai bàn tay trống, ta đi
Ấy thế mà trong tay ta lại có cái cuốc
Với hai chân đất, ta đi
Ấy thế mà ta đang cưỡi trên lưng con bò
Ta đang đi trên cầu
Kìa! Không phải nước chảy mà cái cầu đang trôi

Dưới nước có cái cầu đang chảy. Cụ Nguyễn Du đáng lễ phải viết lại câu thơ như thế này: Dưới nước cầu chảy trong veo. Bởi vì cụ không thấy được như vậy cho nên cụ cứ than thở hoài, sống bây giờ mà cứ khóc chuyện ba trăm năm sau. Bashô của Nhật học được cái ngược đời của thiền, lấy ngược nhìn xuôi, cho nên “những điều trông thấy” chẳng làm cho ông “đau đớn lòng” gì cả. Ngược lại, ông thoải mái với những chuyện trước mắt mà ông để hết tinh thần để thấy, để nghe. Có người hỏi ông: “Thế nào, ông mạnh giỏi không?” .Trả lời:

- Mưa tạnh thì rêu xanh hơn.

Lại hỏi:

- Cái đạo gì có trước khi rêu xanh?

Trả lời:

- Một con ếch nhảy vào nước: nghe tiếng đó đi!

Câu trả lời viết thành một bài thơ hài cú nổi tiếng:

Ồ! Cái ao xưa!
Một con ếch nhảy
Tiếng nước!

Không biết nghe, không biết thấy, thì cái ao có đó cũng như không, con ếch có nhảy cũng chẳng làm ai nghe tiếng nước đánh bõm. Không biết thấy thì Phật đứng trước mắt cũng chẳng thấy. Biết thấy, biết nghe thì tiếng nước thường tình cũng là một sự kỳ lạ mầu nhiệm. Thơ là gì, nhất là thơ hài cú, nếu không phải là ba bốn sự vật thường tình bỗng trở thành linh hoạt dưới mắt Bashô?

Một cành cây trụi lá
Một con quạ đậu trên cành
Hôm nay chiều thu.


Lang thang trong thế giới thiền xấc láo, ngỗ ngược, tôi chợt có một ý nghĩ đùa nghịch: đổi câu cuối của các chuyện thiền, nghĩa là câu quan trọng nhất, câu sống chết. Chẳng hạn như chuyện sau đây:


Cao Phong là danh sư thiền dưới đời Tống. Một hôm, sư phụ của ông hỏi bất thần: “Ai gánh giùm cho ông cái thân xác đã mất hết sự sống này?” .Cao Phong lúng túng, khổ sở không tìm ra câu trả lời. Ông loay hoay suy nghĩ nát óc trong mấy ngày đêm. Một buổi sáng, bước vào thiền đường, tình cờ nhìn lên bức họa chân dung Pháp Hiển, ông bỗng để ý đến hai câu thơ của Pháp Hiển viết dưới bức họa:

Suốt trăm năm - ba vạn sáu nghìn buổi sáng
Cũng cái lão già này cứ mãi vào ra!

Cao Phong bừng tỉnh. Sau đó, ông gặp lại sư phụ. Thầy hỏi: “Ai gánh giùm cho ông cái thân xác đã mất hết sự sống này?” Cao Phong trả lời: “Hô!”. Thầy hươi gậy lên toan đánh. Trò gạt tay thầy ra: “Sư phụ không đánh tôi được nữa!” Thầy nói: “Tại sao không?” Trò không trả lời, bỏ đi. Hôm sau, thầy lại hỏi: “Mọi vật quy về một; vậy một quy về đâu?” Trả lời:

- Con chó kiếm nước sôi nơi cái chảo.

Thầy nạt:

- Ai dạy cho ông chuyện ngu xuẩn như vậy?

Cao Phong đủng đỉnh:

- Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng!

Giá như câu cuối này được kể dưới thời Tống, không chừng câu thơ đã đi vào sử sách chứ không phải chỉ nằm khiêm tốn trong Quốc văn giáo khoa thư!

Tôi kể thêm chuyện nữa:


Một ông sư hỏi Triệu Châu: “Một ngọn lửa thắp ra thành trăm ngọn lửa; vậy từ đâu đến cái ngọn lửa duy nhất đó? Vạn sự trở về Không, vậy Không trở về đâu?” Thầy đáp: “Lưỡi ta ngắn quá, không trả lời cho ngươi được.” Trò hỏi: ” Tại sao ngắn?” Trả lời” “Ở ngoài hay ở trong đều cùng một bản chất”. Trò sụp lạy xin nói rõ hơn. Triệu Châu nạt:

- Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng!


Trong trường hợp ông thiền sư không muốn nói nhiều, tôi đề nghị một chuyện khác nữa như thế này:

Một ông sư hỏi Thủ Sơn: “Người xưa nói: có một chữ, một chữ duy nhất, mà nếu ta hiểu được thì có thể xóa hết tội lỗi đã phạm trong vô số kiếp. Chữ duy nhất và cuối cùng đó là gì?” Thủ Sơn trả lời: “Nó nằm ngay dưới mũi của ông.” Lại hỏi:

- Nghĩa là gì?

- Nước giếng trong!


Hoặc là thế này, cho ngắn gọn hơn nữa, hợp với khẩu khí thiền hơn:


Một ông sư hỏi Trường Sa: “Trong khi biến đổi sông núi đất đai, làm sao dồn tất cả các thứ đó vào cái tôi?” Thầy trả lời: “Trong khi biến đổi cái tôi, làm sao sản sinh ra đất đai sông núi?” Ông sư không hiểu. Thầy quát:

- Nước!


Tôi cũng có thể sáng tác một chuyện thiền của riêng tôi, rút cảm hứng từ những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống thường ngày: nấu cơm, rửa chén. Thú thật, mỗi lần nghe gạo sôi trong nồi điện, tôi thường tự hỏi không biết gạo đang sướng hay khổ, đang quằn quại trong sức nóng của điện như anh lính thú vất vả trong cực nhọc của núi rừng, hay đang vui cái vui của Phật dưới cội bồ đề, trong đêm cuối cùng, khi trời sắp sáng. Gạo sôi, sôi sùng sục, nước bốc hơi qua vung, rồi êm dần, lặng xuống, yên lặng. Khi nồi điện bật nút, tôi nghe gạo trong nồi reo lên: “Cơm!”, và tôi thấy sao mai chợt sáng trên trời. Giác ngộ là lúc gạo bỗng thấy mình thành cơm? Đó quả thật là một bí mật sâu kín, bởi vì gạo làm sao thành cơm được nếu chất cơm đã không có sẵn nơi gạo? Anh lính thú cũng là một hạt gạo như Phật, vậy thì ai dám bảo anh đã không thành Phật qua một kinh nghiệm của riêng anh? Nếu không, tại sao anh bỗng nhảy vọt từ một nỗi khổ không rên la được với ai qua một hình ảnh hạnh phúc tuyệt vời?


Kinh Thập Địa tả trạng thái của Bồ-tát khi đạt đến tầng thứ tám của đời sống tâm linh bằng một hình ảnh rất đẹp: giống như người bơi thuyền ra biển, lúc mới xa bờ thì sóng lớn dồn dập, rần rộ muốn nuốt con thuyền, đập tan nó ra, cuốn phăng nó đi, xé nó thành trăm mảnh vụn, nhưng càng ra xa thì nước càng lắng, và ra đến giữa đại dương mênh mông thì sóng yên biển lặng, thuyền không một chút chèo chống mà vẫn trôi êm trên nước. Biển nào cũng là biển, trong bờ hay giữa khơi thì biển cũng chỉ là một; thuyền nào cũng là thuyền, nhấp nhô giữa sống hay êm ả giữa mênh mông thuyền đâu có phải là hai? Nếu ông thiền sư nào đó hươi gậy trên đầu tôi, hỏi: “Phật là ai?”, tôi sẽ trả lời không suy nghĩ:

- Anh lính thú!

Và nếu ông hỏi tiếp: “Giác ngộ là gì?”, tôi sẽ đáp không chút khó khăn:

- Nước giếng trong!

Có thể đạo Phật của tôi “trí thức” quá, đưa tôi đi quá xa một bài thơ dân dã. Có lẽ tôi phải lang thang trong một thế giới khác, có tiếng võng, có ca dao, có cổ tích. Giếng nước! Hình ảnh thân thuộc biết bao nhiêu! Kìa, có bóng ai thấp thoáng bên miệng giếng, có tiếng ai gọi: bống bổng bồng bông… Ấy, cô Tấm đang thả cơm xuống giếng cho con cá bống. Cô Tấm có một người dì ghẻ ác, một cô em gái hiểm; cô Tấm bị ngược đãi, nhưng cô tấm không kêu khổ, chỉ khóc. Cổ tích Việt Nam có một cô Tấm khóc rất dễ thương và một ông Bụt hiền như Bụt. Khi Bụt hiện ra, cô Tấm không ngạc nhiên, cũng không mừng rỡ, tưởng chừng như Bụt hiện ra là chuyện tự nhiên, như Bụt ở đâu đó, bên cạnh cô, cô khóc là Bụt hiện.

Tôi không biết khóc như cô Tấm, nhưng tôi có cảm tưởng Bụt vẫn hiện ra với tôi, nghĩa là trong tôi. Tôi biết một cách chắc chắn rằng hễ ai mời Bụt là Bụt đến, nhưng phải biết cách mời. Cách mời cũng giản dị thôi: chỉ cần sống như Bụt, sống như lời Bụt nói, sống như hình ảnh của Bụt. Sống như vậy thì cuộc đời sẽ là cổ tích.

Tam Tạng là cổ tích hay cuộc đời? Là cổ tích, vì ai chẳng biết chuyện ông Tam Tạng qua Tây Trúc thỉnh kinh, gặp đầy yêu quái dọc đường. Là cuộc đời, vì Tam Tạng là Huyền Trang. Tam Tạng là cổ tích đi vào cuộc đời, là cuộc đời đi vào cổ tích. Đây là đoạn Huyền Trang vượt qua sa mạc, do sử sách chép lại:

“... Chừng canh ba, pháp sư lén vượt được cửa ải Ngọc Môn, mừng lắm, đặt hành lý xuống nằm ngủ, cách người Hồ năm mươi bước. Mới nằm một lát, người Hồ rút dao đứng lên. Pháp sư ngờ người Hồ đổi dạ, ngồi dậy niệm đức Quan Âm. Thấy vậy, người Hồ về chỗ nằm ngủ. Gần sáng, người ngựa lại tiếp tục đi, nhưng được vài dặm thì người Hồ bảo không đi thêm được nữa, đi thì chết. Pháp sư đơn độc đi vào sa mạc, chỉ nhìn xuống người hay phân ngựa mà đi. Một lát bỗng thấy có mấy trăm quân binh diễu ra trước mặt, thoáng tiến thoáng lui, người ngựa cờ xí biến ảo liên hồi, nhìn xa thấy rõ, đến gần lại tan. Pháp sư mới nhìn nghi là giặc cướp, đến gần mới biết quái dị. Nhưng trong không gian có tiếng nói: cứ đi, đừng sợ.

Vượt qua bốn đồn canh, pháp sư đi vào đại sa mạc Mông Cổ. Đại sa mạc này dài hơn tám trăm dặm, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, nước không một giọt, cỏ không một lá. Một mình một ngựa, pháp sư chỉ niệm đức Quan Âm và bài Bát Nhã tâm kinh mà đi. Giữa đại sa mạc, gặp bao nhiêu hiện tượng quái dị vay bọc trước sau, pháp sư niệm bài kinh này thì tan biến liền, lại gặp bao nhiêu nguy khốn, niệm bài kinh này vượt qua hết thảy.

Pháp sư đi cỡ trăm dặm thì lạc đường, tìm suối Dã Mã không thấy. Lấy túi nước để uống thì lỡ tay, nước đổ hết trên cát. Quanh quẩn không biết hướng nào, bèn lấy hướng đông. Nhưng đi thâm mười dặm nữa, pháp sư tự nghĩ: mình đã nguyện chưa đến xứ Phật thì không lùi về hương sđông một bước, sao bây giờ lại quay về! Thà đi tới hướng tây mà chết, nhất quyết không quay về hướng đông để sống. Trở ngựa lại, pháp sư chuyên tâm niệm đức Quan Âm mà đi theo hướng Tây Bắc. Bấy giờ, cát nóng mênh mông, người ngựa đều lả, đêm thì yêu quái nhấp nhánh như sao, ngày thì cuồng phong cuốn cát, tung bay như mưa lũ. Pháp sư không nao núng gì cả, chỉ khổ vì khát quá, không đi được nữa. Đã bốn đêm năm ngày, pháp sư không có một giọt nước thấm môi. Cổ, miệng và bụng nóng gần chết. Quị xuống mặt cát nóng rát, pháp sư vẫn thầm niệm đức Quan Âm, thầm bạch: con đi đây, không cầu lợi lộc, không mong danh vọng, chỉ vì Phật pháp vô thường mà thôi, Bồ-tát là đức Từ Bi, thương người cứu khổ, con thế này là đang khổ đây, lẽ nào ngài không biết. Pháp sư tác bạch như vậy và không ngừng niệm danh hiệu của ngài. Nửa đêm hôm ấy là đêm thứ năm, đột nhiên có luồng gió mát thổi đến thân thể pháp sư; pháp sư nghe mát như tắm nước lạnh, nhờ vậy mà sáng mắt, ngựa cũng dậy được. Cơ thể đã thư, pháp sư thiếp được một lát, mộng thấy vị thần cao lớn bảo sao không gắng dậy, đi được mười dặm thì đột nhiên ngựa tự rẽ qua ngã khác, kéo lại cũng không chịu. Thêm vài dặm nữa, bỗng thấy cả mẫu cỏ xanh. Pháp sư cho ngựa ăn, lại đi mười bước thì thấy một ao nước, trong và ngọt. Uống rồi, người ngựa đều khỏe, nghỉ lại một ngày. Hôm sau múc nước, lấy cỏ, đi tới. Thêm hai ngày nữa, pháp sư ra khỏi sa mạc”.

Tôi tặng câu chuyện này cho anh lính thú “hữu thân hữu khổ” của tôi. Trên rừng thiêng nước độc, chắc anh còn đau sốt liên miên, có khi không chừng kề cận cái chết. Tôi chắc anh chẳng biết ông thiền sư là cái ông gì, nhưng chắc chắn anh biết Bụt là ai, giọt nước Quan Âm mát như thế nào. Đừng nói anh lính thú kể chuyện không đầu không đuôi, câu kết lạ hoắc với câu tam câu tứ. Có cái gì lạ hoắc với sa mạc bằng ao nước đâu! Thế mà Tam Tạng bảo tôi viết bài thơ hài cú như thế này:

Sa mạc, sa mạc, sa mạc
Sa mạc
Nước!

Trí thức của tôi cũng chỉ là sa mạc: tôi sẽ chết khát trong đó như chết khát trong bài thơ lớp ba, và sẽ không bao giờ nhảy vọt đến câu cuối nếu không có sự giao cảm của lòng tin. Trí tuệ sẽ khô cứng nếu không có lòng tin tươi mát. Với trí tuệ mà thôi, chưa chắc tôi đánh hơi được mùi cỏ xanh như con ngựa của Huyền Trang. Chưa chắc tôi thấy được Bụt như cô Tấm. Chưa chắc tôi được là con cá nó vẫy vùng trong nước giếng trong.

C.H.T.
(http://www.lieuquanhue.com.vn)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2023(Xem: 3794)
Thưa các bạn, câu chuyện tôi muốn kể sau đây về sức vươn lên của cậu bé chăn trâu 11 tuổi tên Quảng. Quảng và tôi có một nhân duyên kỳ lạ có lẽ kết từ bao kiếp trước để run rủi kiếp này có những ràng buộc dù muốn hay không đã trở thành con nuôi của tôi. Quảng sinh ra và lớn lên tại núi đồi Yên Bái, vùng sâu và xa, nơi đa số toàn người sắc tộc thiểu số, đêm đêm chỉ có tiếng ếch nhái ểnh ương nỉ non hay khỉ ho cò gáy từ rừng xa vọng lại.
17/12/2022(Xem: 3879)
Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối, con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.
03/12/2022(Xem: 4485)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
21/11/2022(Xem: 5671)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 4330)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
11/11/2022(Xem: 3098)
Bút giả đến Mỹ cũng khá lâu, cách nay cũng trên 40 năm. Đầu tiên tôi sinh hoạt chính thức Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tiểu bang Colorado, thành phố Denver. Được hơn một năm, không chịu đựng với cái lạnh không quen ở đây nên về sinh hoạt với Phật Học Viện Quốc Tế và cũng là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Nghi lễ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, trụ sở là chùa Việt Nam Los Angeles bây giờ. Sau đó, quý thầy lớn : Đức Niệm, Thiện Thanh, Tịnh Hạnh . . . lớp quý thầy ngang lứa như chúng tôi (Tín Nghĩa), Nguyên Đạt, Pháp Châu, Nguyên Trí núi (tức là Hòa thượng Nguyên Trí chùa Bát Nhã bây giờ) và Nguyên Trí già (tức là Hòa thượng Đạo Quang bây giờ). Tôi là Phó Chủ tịch đặc trách Gia đình Phật tử. . . còn quý Trí thức Cư sĩ gồm có : Bác sĩ Tôn Thất Niệm, Dược sĩ Tâm Thường, Đạo hữu Thiện Bửu . . . còn một số nữa, lâu quá chúng tôi không nhớ hết.
02/11/2022(Xem: 19670)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
15/05/2022(Xem: 11148)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật. “Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên “Kinh Pháp Cú” còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy”.
01/05/2022(Xem: 15878)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]