Tôi quen bác Victor trong một trường hợp thật tình cờ. Cứ mỗi năm chị em chúng tôi lại họp mặt nhau một lần, năm nay lại họp nhau lại Überlingen - một thành phố có hồ Bodensee xinh đẹp, đầy thơ mộng nằm giữa biên giới ba nước Đức, Áo và Thụy sĩ.
Đến tối, vào giờ coi tin tức thì cái Tivi nhà cô bạn bị trục trặc, cũng may nhà bác Victor ở gần đó nên cô bạn đã nhờ Bác sang điều chỉnh và tôi quen Bác từ đó.
Bác là dân Tây -cha Tây mẹ Tàu- nói tiếng Việt không rành. Xa quê hương đã lâu, Bác rất thèm nói tiếng Pháp nên gặp ai nói tiếng Pháp với Bác là Bác vui mừng vô cùng! Tôi thì chỉ lỏm bỏm được một ít cũng gắng vận dụng trí nhớ của mình để nói cho Bác vui và chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã trở thành gần gũi thân thiết với Bác hơn.
Gặp tôi và các bạn, bác như được sống lại với không khí ấm cúng quây quần của một đại gia đình. Bác vui với những trận cười, những lời đùa giỡn của chúng tôi. Từ đó, trong những ngày chúng tôi lưu lại Überlingen, không ngày nào là không có Bác.
Nhờ Bác, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm rất nhiều thắng cảnh của thành phố, đi thăm vườn Hạc, vườn Trúc, nhà sàn của thổ dân, thăm những vùng núi đồi xinh đẹp. Ngoài ra Bác còn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nên đã chụp cho chúng tôi rất nhiều tấm hình quý giá, còn sang cho chúng tôi mỗi người một cuốn Album lưu niệm. Dưới ống kính của Bác, màu sắc của những tấm hình thật ngời sáng, cây cỏ xinh tươi cùng với trời mây nước chập chùng!
Bác thường ở lại ăn cơm tối với chúng tôi, phần nhiều Bác ngồi nghe chúng tôi ríu rít, chỉ góp nụ cười nhưng chúng tôi đã đọc thấy trong đôi mắt Bác rực sáng cả niềm vui!
Rồi một hôm Bác mời chúng tôi sang thăm nhà Bác. Mới bước vào nhà đã thấy một lá cờ Pháp rất lớn treo ngay cửa chính, trên tường là những lá cờ nhỏ. Nhà Bác giống như một cái Studio thì đúng hơn. Những máy hình to lớn đặt khắp phòng vì đó là lẽ sống và cũng là thú tiêu khiển của cuộc đời Bác. Cứ mỗi mùa, Bác lại mang máy ảnh đi lang thang, từ khu rừng này sang khu rừng khác, chụp nhiều tấm hình thật độc đáo vô cùng.
Đến tuổi già, không ai tránh khỏi bệnh tật, Bác cũng vậy, vừa đau cột sống, vừa đau dạ dày; thật ái ngại xót xa khi đau ốm cũng chỉ có một mình! Cũng may còn có cô bạn thân của tôi ở gần còn chạy qua chạy lại thăm viếng, mang thức ăn hoặc phụ giúp Bác một ít việc nhà, cũng đỡ cho Bác những khi tối lửa tắt đèn.
Điều làm tôi giật mình khi Bác đưa chúng tôi vào xem cái giường thứ hai bác kê sẵn trong Toilette. Bác bảo rằng "Nếu có chết, tôi chỉ muốn chết trên giường chứ không muốn chết dưới đất". Đó là lý do vì sao Bác có 2 cái giường! Hình ảnh này cứ làm tôi xót xa mãi và cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong đời. Trên đường về, chúng tôi đều im lặng, không ai nói với ai một lời, lòng nặng trĩu cả ưu tư và xúc động!
Nhìn cuộc sống của Bác quá thảm thương, không một người thân, khi đau nằm xuống cũng chỉ có một mình! Cả cuộc đời Bác là một bài học sống động về sự vô thường của kiếp người và suy rộng ra là cả một biến chuyển lịch sử tang thương của đất nước Việt nam cách đây hơn 60 năm về trước.
Lịch sử Việt Nam từng lên án cái gọi là "thực dân Pháp", đúng là họ đã có nhiều lầm lỗi với những quốc gia nhỏ bé như Việt Nam chúng ta. Nhưng biết bao nhiêu người được đào tạo từ trường Pháp, được du học bên Pháp, không phải tất cả bị mất gốc, truyền thống, đạo đức, lễ nghi vẫn còn được họ tôn trọng. Ngoài ra, những công trình kiến trúc đồ sộ có tên tuổi, đường sá cầu cống mà người Pháp xây dựng cho đến bây giờ vẫn còn được xử dụng tốt như thường. Điển hình là nhà thờ Đức Bà ở Sàigòn, cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế) và kết cấu nhà Bưu điện Sàigòn... Cha đẻ của ba kiệt tác sau là một người Pháp lừng danh, người đã từng xây tháp Eiffel tại Paris. Đó là ông Gustave Eiffel.
Đối với chúng tôi, bác Victor là tấm gương sáng về lòng vị tha và độ lượng! Thử hỏi trong chúng ta, nếu có ai bị người khác bắt cha mình đi giết, bắt mình và mẹ đi tù, hành hạ khổ sở đến độ ra tù một thời gian sau, mẹ đau đớn khổ sở mà chết, thế mà mình lại không hề có chút oán hận không? Vậy mà bác Victor đã làm được điều đó!
Trong suốt thời gian tiếp xúc và trò chuyện thân tình với chúng tôi, Bác không hề có thái độ tức giận hay giọng nói hằn học. Khi kể về quá khứ, nét mặt Bác hơi buồn, lộ vẻ thương tâm và chỉ có thế.
Dĩ vãng đã qua, lịch sử không lặp lại, bác Victor bình thản chấp nhận số phận với một tâm hồn khoan dung, ôn hòa như vậy.
Đúng lý ra, là con trai cưng của một bác sĩ Pháp lừng danh, bác Victor sẽ được ăn học tới nơi tới chốn và cũng có thể nối nghiệp cha để trở thành một người có địa vị cao trong xã hội lúc bấy giờ, nếu như không có những biến cố đau thương trọng đại xảy ra làm cả nhà tan tác.
Năm chưa đầy tám tuổi, Bác đã theo mẹ đi tù khắp nơi, bị cùm chân, bỏ đói, mắng chửi, bị chôn sống ngập đến cổ, trong khi Việt Minh gầm gừ đi qua đi lại hăm doạ: "Nếu bọn Pháp thả bom xuống đây, bọn tao sẽ cắt cổ hai mẹ con mày ngay".
Thế mà cuối cùng Bác vẫn sống! Sống còn sau bao nhục nhằn khổ ải đổ lên đầu một thằng bé ngây thơ mới tám tuổi, chỉ quen sống trong nhung lụa từ lúc mới lọt lòng!
- Mẹ tôi là người Tàu, tôi hay theo mẹ đi Chùa và biết ăn cơm, có lẽ vì thế mà lúc đi tù, tôi không bị chết đói, chứ bố tôi chỉ biết ăn đồ Tây, Việt Minh không giết thì ông cũng bị chết đói thôi, Bác tiếp tục kể lể tâm tình.
Đến bây giờ Bác vẫn thích có dịp thì đi Chùa, mặc dù đến chẳng biết lễ lạy, cầu xin gì mà chỉ nhìn mọi người đi qua đi lại mà thôi.
- Tôi không biết đọc và viết tiếng Việt. Sở dĩ tôi nói được là do học được trong thời gian... đi tù.
Chúng tôi tò mò hỏi:
- Sau đó thì Bác làm gì khi "mãn hạn tù" ?
- Bố tôi bị Việt Minh trói tay dẫn đi, có lẽ ông bị giết mất xác ở đâu đó rồi.
Lần ấy người ta khuyên bố tôi nên vào đồn Tây lánh nạn nhưng ông không chịu, viện cớ rằng ông là bác sĩ chỉ cứu người chứ có làm gì nên tội đâu mà sợ. Thế là ông cứ ở lại nhà và Việt Minh đâu cần biết ông là ai, có tội hay không, cứ là người Pháp là giết ngay. Tôi và mẹ tôi bị bắt đi hướng khác, sau khi được thả, chúng tôi quay về nhà cũ. Một thời gian sau mẹ tôi cố chạy chọt xoay xở dẫn tôi sang Pháp.
Chúng tôi cứ ngỡ cuộc đời của Bác được lật sang một trang mới khi Bác được về lại quê cha. Là con trai của một liệt sĩ. Chắc Bác được nhiều ưu đãi lắm và sẽ được hạnh phúc hơn. Nhưng cuộc đời của Bác vẫn còn lắm truân chuyên.
Về Pháp một thời gian sau, người mẹ lại ngã bệnh rồi chết, Bác phải về ở nhờ người chú ruột. Tự nhiên bị tròng vào cổ một gánh nặng trời ơi đất hỡi, ông chú không vui và trút hết những bực tức của mình lên đầu thằng cháu nhỏ vô tội.
Thế là, chưa đầy mười tám tuổi, không nghề nghiệp, không tiền bạc, Bác vẫn quyết chí ra khỏi nhà, tìm đường tự lực cánh sinh.
- Tôi làm đủ thứ lặt vặt để kiếm sống, sau đó học nghề chụp ảnh và khá thành công. Tôi sống dư giả, mua được một căn nhà nhỏ xinh xắn sau bao năm đi làm dành dụm. Cuối cùng cưới được một cô đầm xinh xắn.
Chúng tôi tươi hẳn nét mặt, toan mở lời chúc mừng thì Bác lại tiếp tục kể lể:
- Một thời gian sau, vợ tôi theo thằng bạn thân của tôi cũng người Tàu lai. Tôi bỏ nhà bỏ cửa cho hết vợ tôi và người tình của Bà. Tôi đi lang thang! Cuối cùng bỏ xứ theo một người bạn sang Đức đi làm và ở lại cho đến bây giờ.
Chúng tôi ngậm ngùi nhìn bác Victor. Khuôn mặt Bác vẫn hồn nhiên, không lộ vẻ gì hối tiếc hay oán trách người, trách đời trong cái quá khứ đầy đen tối và bất hạnh đã qua. Thật là một người đàn ông hiền lương hiếm có trên đời.
Thế là trong những ngày chúng tôi họp mặt, chúng tôi hay mời Bác sang ăn cơm chung cho vui để Bác được tận hưởng và sống lại không khí gia đình mà Bác đã mất từ lâu.
Tất cả chúng tôi đều có cảm tưởng như có bổn phận phải làm tất cả những gì tốt đẹp nhất có thể làm được để bù đắp lại những mất mát to lớn mà bác Victor vô tội phải gánh chịu.
Là những Phật tử thuần thành, thường nghe kinh, nghe Pháp nhiều, tâm hồn dần dần trở nên rộng mở, chúng tôi không cho rằng nỗi đau khổ chính mình là to lớn, còn của người khác chẳng là gì, mà phải biết chia sẻ niềm đau của mọi người!
Rời khỏi chế độ Cộng Sản vô nhân, chúng tôi may mắn được sống trong một đất nước thanh bình, một Âu Châu bình yên đầy lòng vị tha và nhân bản. Mỗi lần, sau những buổi niệm kinh, chúng tôi thường cầu xin cho chúng sanh được an vui hạnh phúc, trong đó dĩ nhiên có cả bác Victor tội nghiệp, người lữ khách cô độc trên "con thuyền viễn xứ" mà chúng tôi tình cờ gặp gỡ trong chuyến viễn du đầy kỷ niệm của cuộc đời.
Một lần nữa xin cám ơn bác Victor đã cho chúng tôi nhận thức thêm một bài học sống động về lẽ vô thường!
Nguyên Hạnh HTD.