Tôi thăm lại chùa Viên Giác sau nhiều năm xa cách. Lần này không như vài lần về dự lễ Phật Đản, tôi đến với một tâm trạng khác. Đã hơn ba tuần trước đó, kể từ khi gần ngày công bố kết quả cuộc thi Giải Thưởng Viên Giác "Viết Về Âu Châu", là thí sinh, tâm hồn tôi rộn ràng lâng lâng, sống trọn vẹn lại những cảm giác xa xưa, những kỷ niệm êm đềm của thuở đi học mộng mơ ngập tràn mong đợi ngày phát giải. Thi, ai cũng có quyền hy vọng, tôi cũng vậy, nhiều ít hoặc không tùy theo bài viết. Nhất lại tôi gởi ba bài thi lận, đương nhiên xác xuất trúng giải nhiều hơn (ba bài ít nhất sẽ trúng một). Thêm nữa, tôi rất mê và tin tử vi (đang mon men nghiên cứu) mà tử vi năm nay của tôi theo lời thầy tử vi đoán trước đó ba năm, có Thai Cáo (ứng vào bằng sắc, phần thưởng), có Văn Xương, Văn Khúc (ứng vào viết lách), có Long Phương (biểu hiện sự may mắn, vui vẻ, chiều hướng phát triển) v.v... gồm đủ các thứ, tôi hy vọng cũng nhiều hơn.
Dường như cả ngày lẫn đêm, tâm hồn tôi háo hức trông chờ. Một bức thư Chùa Viên Giác gởi đến, tôi hồi hộp mừng rơn, tay run run mở thư lòng hí hửng nghĩ mình trúng giải. Nhưng không, thư không thông báo kết quả mà chỉ mời tham dự. Thế là thế nào ?! Bao câu hỏi đặt ra, chắc mình đậu nên mới mời chứ ? Nhưng mời, sao không cho biết ngay kết quả ? Tôi thắc mắc mãi rồi tự tìm câu trả lời, Viên Giác đang dùng trò "ú tim ?!". Chưa biết đậu, rớt nhưng tôi cũng thấy vui vui. Cảm giác là lạ, mới mẻ của "những ngày không như mọi ngày". (Mãi về sau này tôi mới biết rõ, tất cả thí sinh có bài đều nhận được thư mời. Kết quả cuộc thi được giữ bí mật, chỉ... bật mí ngay giờ phát thưởng).
Suốt thời gian căng thẳng như vậy, có đêm tôi nằm mơ thấy tôi... bay là là (không phải bằng máy bay) mà với hai cánh tay dang rộng, không cần gắn động cơ, cũng khỏi xạc điện, chỉ vẫy vẫy nhẹ nhàng như múa và nhón gót chân, thân hình tôi bay bổng trên không, lách qua những hàng cây, lượn trên những chung cư cao tầng rồi lẫn vào những đám mây trắng, chỉ độ... vài phút đã đáp xuống ngay cổng chùa Viên Giác. Đến chùa, tôi không thấy Thầy Như Điển (đương kim trụ trì) mà gặp... "Sư cô" trụ trì. Sư cô còn rất trẻ, tuổi trạc ngoài ba mươi, khuôn mặt tròn phúc hậu. Cô mặc áo tràng màu lam, thấy tôi, cô nói: "Em đậu giải nhất !". Tôi chưa kịp mừng. Tiếng đồng hồ reo đánh thức tôi dậy đi làm, giật mình, tôi ngơ ngẩn, thẫn thờ mới biết mình vừa trải một giấc mơ! Ôi mơ, thường không là thực. Tôi hụt hẫng chốc lát nhưng rồi tôi vẫn cứ mơ.
Lần khác, vẫn mơ đến chùa Viên Giác. Lần này tôi không bay mà đi bằng xe lửa. Đến chùa, tôi gặp anh em Gia Đình Phật Tử. Một anh nói với tôi: "Chị trúng tám giải!". Chao ôi, tham quá. Thi ba bài lấy đâu tám giải ? Giật mình thức dậy. Vẫn chỉ là một giấc mơ. Tôi kể lại cho Hữu, lang quân của tôi nghe. Chàng cười cười nói: "Thôi em ạ, đừng mơ với mộng nữa. Hãy sống trong tỉnh thức. Giờ này là giờ điểm tâm, anh đang đói bụng, em xuống bếp nấu gì ăn". Em gái tôi thì khuyên: "Chị cứ xem như mình rớt đi, hoặc quá lắm chỉ được giải an ủi để nếu rớt không thất vọng ê chề. Còn đậu... cao, niềm vui mới lớn lao". Em tôi nói rất phải. Nhưng tôi vẫn hy vọng, vì hy vọng theo tôi, vẫn là niềm vui sống cho con người.
Ngày sắp sửa lên đường, soạn hành lý, lòng tôi lại phân vân. Mặc y phục nào đây cho phù hợp với ngày phát giải ? Một bộ đồ Veste ? Đẹp đấy, nhưng... tây quá! Phải áo dài thôi. Và tôi lục lại những chiếc áo dài cất kỹ từ nhiều năm qua. Tôi thử chiếc áo gấm. Chao ôi, nhiều năm rồi, tôi phát phì ra mà tôi không biết. Áo rất chẽn, mặc vào trông đẫy đà trịnh trọng như bà mẹ chồng đi rước nàng dâu. Còn áo kim tuyến cao sang chói lọi không khác cô đào... già trên sân khấu ca nhạc. Ồ, mà diện chi lắm, nhỡ rớt có phải "quê" không ? Thôi thì, chỉ bộ xoàng xoàng thôi. Một chiếc quần tây với áo sơ-mi may kiểu. Ngắm nghía kỹ, không lịch sự tí nào. Nhỡ thi... đậu sẽ làm buổi lễ không trang trọng. Lại chỉ áo dài Việt Nam mới phù hợp cho ngày sinh hoạt văn hóa. Tôi sực nhớ chiếc áo dài lam. Đúng rồi, chiếc áo đồng phục của anh em Gia Đình Phật Tử. Màu lam hòa đồng của các màu, thể hiện tinh thần bình đẳng trong xã hội theo quan niệm trung đạo của nhà Phật. Đã vậy, màu lam thích hợp với cảnh chùa. Có trúng giải lên sân khấu không mấy kiêu kỳ mà rớt giải... lẩn nhanh cũng không ai biết !
Lựa chọn đâu vào đấy. Tôi mỉm cười. Lòng chợt thấy vui vui ...
*
* *
Chiếc xe bon bon khởi hành từ Thụy Sĩ một giờ trưa mãi đến chín giờ tối mới đến chùa Viên Giác. Mùa hè, chín giờ trời vẫn sáng. Sau khi ổn định xong chỗ nghỉ, tôi tà tà một vòng quanh trong và ngoài sân chùa. Cảnh cũ chùa xưa, nhìn chung, không gì thay đổi. Khác chăng, thêm nhiều khách sạn xung quanh được xây vào dịp EXPO 2000, nhờ thế giải quyết được nhiều nơi ngủ nghỉ cho hàng ngàn Phật tử; và các quầy hàng ăn, băng nhạc, trái cây, quần áo... v.v... không còn nhôn nhao ngoài sân chùa làm nghẽn giao thông từng làm cho chùa và cảnh sát đã nhiều phen mệt trí. Tất cả tập trung trong khuôn viên chùa một cách trật tự, ngăn nắp nhưng không kém phần nhộn nhịp.
Tôi gặp lại rất nhiều người thân quen. Tay bắt mặt mừng hỏi han nhau rối rít. Ở Thụy Sĩ rất vắng vẻ chơ vơ. Ra đường họa hoằn lắm mới gặp một người Việt. Về nhà chỉ hai vợ chồng mãi... nhìn nhau, bao câu chuyện đã không còn để nói. Giờ ở chùa, lòng ai nấy mở rộng ra. Chàng theo bạn của chàng, tôi theo bạn của tôi. Làm như cả hai bấy lâu thiếu thốn, khao khát điều gì. Và điều đó, phân tích kỹ chính là hồn dân tộc. Đúng vậy, hồn dân tộc ở đây thể hiện thật đơn giản qua tiếng nói, giọng cười Việt Nam, qua hình ảnh "dập dìu tài tử giai nhân" thướt tha qua lại dưới cổng Tam Quan mái cong; qua mùi trầm hương nghi ngút tỏa từ những đỉnh trong và ngoài sân chùa. Và hồn dân tộc còn thể hiện mộc mạc ở cả mùi sả thơm bốc lên từ những nồi bún "bò" Huế chay, màu cà chua đỏ au của bún riêu, mùi bắp luộc, mì Quảng, bánh bao, bánh nậm, bánh giò, bánh bía, "thịt" chay nướng, "thịt" quay chiên, bún chả v.v... Tất cả đã quyện vào nhau được ấp ủ thân thương dưới một mái chùa, đúng như lời thơ của Hòa Thượng Thích Mẫm Giác:
"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muốn đời của tổ tông"
*
* *
Sân khấu của hội trường chùa Viên Giác hôm nay được trang trí một cách đặc biệt, rực rỡ với nhiều màu sắc.
Hai lá cờ lớn: Phật Giáo kỳ, Quốc kỳ trải rộng xổ dọc hai bên trước sân khấu tô điểm cho tấm biểu ngữ vàng giăng từ đầu này sang bên kia nổi bật hàng chữ xanh, đỏ :
"Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Chùa Viên Giác và xuất bản Báo Viên Giác (1978 - 2003)"
Thêm vào đó, dưới biểu ngữ, ba mái hiên đỏ được chống đỡ từ 4 trụ tròn cũng màu đỏ có dạng cổng Tam Quan với những "mái ngói" xếp lớp đều đặn biểu tượng sự thành lập chùa.
Và giữa sân khấu, trên nền phong xanh lơ vẽ hình núi, ao sen, có những đóa sen hồng, búp có, nở có trổ giữa những chiếc lá xanh, một con số "25" thật lớn được cắt khéo léo từ hình vẽ những viên gạch đỏ nằm bên cạnh một tấm biển xanh xậm, nền cho những hàng chữ vàng ánh: "Lễ phát Giải thưởng Viên Giác "Viết Về Âu Châu" để xác định rõ niên kỷ của ngôi chùa, báo Viên Giác cùng mục đích chính của ngày hôm nay.
Nhưng như thế vẫn chưa đâu. Sát và dưới sân khấu, một dãy bàn dài bọc khăn vàng từ bên này sang bên kia, trên trưng bày ba bình hoa lớn: bình giữa toàn hoa hồng phấn chen lất phất những cọng cỏ may; hai bên là hai bình cúc vàng, đỏ, trắng, hồng xen lẫn nhau có cả hoa hồng màu cam. Ba bình cùng khoe sắc dạng cánh quạt, đuôi cong như đua nhau làm dáng với một vài số báo Viên Giác, và những cuốn sách xếp ngăn nắp trên mặt bàn: "Vẻ Vang Dân Việt" của nhà biên khảo Trọng Minh đến từ Hoa Kỳ; "Thư Tòa Soạn" của Thượng Tọa Thích Như Điển; "Châu Ngọc Hồi Ký" của Hòa Thượng Thích Long Trí và đặc biệt có cuốn "Viết Về Âu Châu" mới... ra lò nóng hổi của các thí sinh hôm nay.
Nhìn chung hội trường thật đẹp mắt, trang trọng. Một công trình trang trí tỉ mỉ, công phu rất thích hợp cho ngày sinh hoạt văn hóa.
Đúng 10 giờ theo chương trình, Thượng Tọa Chủ Nhiệm kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Giải Thưởng Viên Giác "Viết Về Âu Châu", tuyên bố khai mạc buổi lễ. Ngồi ở hàng ghế thứ tư, bên phải tôi là đấng lang quân, bên trái là chị bạn thân hỗ trợ tinh thần, tôi lắng lòng theo dõi các diễn giả lần lượt lên sân khấu. Từ nhà biên khảo Trọng Minh giới thiệu tác phẩm "Vẻ Vang Dân Việt" của ông, đến các vị Giám khảo phát biểu cảm tưởng: Những rung động, cảm nghĩ trung thực của các vị cùng nêu ra ưu, khuyết điểm của các bài thi; Và thi sĩ Phù Vân, Chủ bút báo Viên Giác tường trình quá trình hình thành tờ báo từ những ngày đầu còn thô sơ rất gian nan vất vả, đánh máy xong phải bỏ dấu bằng tay, phổ biến hạn hẹp trong tinh thần thân hữu để rồi với thời gian bằng mọi nỗ lực, ý chí, với bao công sức đóng góp vô vụ lợi của nhiều người, nhất là các cộng sự viên trong Ban Biên Tập, Ban Ấn Loát của chùa đã đưa tờ báo sau 25 năm có tầm vóc lớn phát hành rộng rãi khắp thế giới với hơn sáu ngàn số mỗi kỳ.
Bác Lương Hiền Sanh, một Phật tử thuần thành tận tâm với chùa mấy chục năm, là Thư ký Ban Điều Hành Giải Thưởng Viên Giác "Viết Về Âu Châu" cũng lên sân khấu trình bày diễn tiến tiếp nhận các bài thi. Ban Tổ Chức đã không lường được số bài dự thi đông đảo như vậy. Và càng về cuối, bài vở càng dồn dập. Một số nộp trễ hạn, như thế trái với điều lệ, rất tiếc đã bị loại. Để cuộc thi đạt được tối đa sự công bằng, bác đã miệt mài đánh máy thống nhất một mặt chữ của 146 bài, bỏ tên, đánh số ký danh. Một công việc đòi hỏi sự tận tâm đầy sốt sắng và khó nhọc. Quan khách, nhất là các thí sinh đương nhiên hỉ hả lẫn cảm phục tinh thần làm việc vừa khoa học vừa công bằng như vậy.
Rồi cuối cùng, giờ quan trọng (tuyên bố kết quả) đã điểm. Chị bạn ngồi bên cạnh trấn an tôi:
- Bình tĩnh. Bình tĩnh. Hy vọng chị trúng giải !
Chính khi chị khuyên tôi bình tĩnh là lúc tim tôi bắt đầu đập loạn xạ. Hồi hộp quá! Cả mấy tháng trời rồi chứ bộ. Tôi trông đợi chỉ ngày này và giờ này. Rớt hay đậu cũng tuyên bố một lần cho xong. Kéo dài, chắc tôi mơ mộng mãi thành... tiên, à không thành... điên mất !
Trên sân khấu, anh Phù Vân, Trưởng Ban Điều Hành cuộc thi, dùng chiến thuật "mèo vờn chuột" anh đọc từ từ, chầm chậm danh sách 10 người giải an ủi. Anh đọc... sót tên tôi. Mặt tôi hơi sa sầm, nhưng rồi đến 10 giải khuyến khích, tôi được hai giải lận ! Tôi muốn hét lên, nhưng đấng lang quân ngồi bên cạnh kịp... "bấm huyệt" (chàng có khả năng châm cứu mà!) để cho tôi tốp lại.
Đứng trên sân khấu, tay chân tôi lọng cọng không biết để đâu. Cũng may có chín người đứng một hàng hỗ trợ nhau, tâm tôi cũng... tịnh được phần nào. Tất cả lãnh giải rồi... ỏn ẻn đi xuống.
Anh Phù Vân tiếp tục đọc giải tưởng lệ (giải hạng nhì gồm có hai giải). Lại vẫn... sót tên tôi. Đến giải cuối cùng. Tôi còn một truyện nữa, vẫn có quyền... hy vọng. Anh Phù Vân lại tung chiến thuật cũ. Cả hội trường im phăng phắc. Anh chầm chậm đọc:
- Nguyễn Thị... !
Tôi họ "Trần" mà ! Mặt tôi... méo đi. Thế là bao hy vọng đều tiêu tan. Tôi đang ủ rũ nhớ đến câu hát: "Em ơi, nếu mộng không thành thì sao? Mua bao thuốc chuột uống vô cho rồi đời", thì trên sân khấu anh Phù Vân tần ngần hắng giọng, gọi:
- Trần Thị Nhật Hưng !
Tôi bật dậy như chiếc lò-xo. Không đợi anh đọc tên lại lần thứ hai, tôi đã có mặt trên sân khấu. Nhưng lên đó rồi, mặt tôi lại thộn ra, tay chân lọng cọng không biết để đâu...
Giữa khi tôi đang trong tình trạng "hồn phi phách tán", anh Phù Vân dồn dập phỏng vấn tôi một lúc... nhiều quá:
- Cảm giác của chị thế nào khi trúng một lúc ba giải ?
- Chị có nghĩ cuộc thi này, thiên vị không ?
- Chị sử dụng thế nào với các phần thưởng ?
Mắt tôi đã hoa lên rồi. Tai tôi lùng bùng. Tay chân bủn rủn. Tôi cứ đứng thừ người ra, không trả lời. Mãi một lúc, tôi lắp bắp:
- Dạ, không biết. Chỉ thấy run, không nói nên lời.
Về nhà tôi bị chồng... la: "khôn nhà dại chợ". Biết bao người mong có cơ hội lên sân khấu nói, mà sao... cứ đứng như trời trồng! Cái uy danh "tứ kiệt": la chồng, đánh con, mắng dâu, nạt cháu để đâu mà... dại chợ thế ?".
Thằng con cũng chêm vào: "Ở nhà sao nói... hăng thế. Từng là Trưởng đài phát thanh "Đây là tiếng nói Việt Nam đàn bà phát thanh tại St. Gallen lúc 5 giờ sáng đến 24 giờ khuya" mà sao lên đó... tắt đài ngang xương vậy?". Hai cha con ỷ... đông xúm nhau bắt nạt tôi, nổi sùng, tôi hăm he: "Được, lần khác có dịp lên sân khấu, em sẽ... "nói dài, nói dai, nói dại, nói dở, cho mà xem, bấy giờ can không kịp đó". Nghe tôi... dọa, cả hai ớn lạnh, nói: "ậy... ậy..., nếu như vậy chỉ nên đứng... một lát rồi xuống, trông còn... dễ thương hơn".
Nhưng tôi đã không đứng "một lát" mà đứng "nhiều lát" để trả lời tiếp câu thứ hai của anh Phù Vân: Thiên vị ??? Lẽ dĩ nhiên là không. Bác Hiền Sanh đã trình bày trước đó. Và tôi thì hoàn toàn chưa gặp hay quen biết với một ai trong Ban Giám Khảo. Tôi cũng không... hối lộ. Thế mà câu hỏi dễ ợt vậy, tôi trả lời cũng không rõ ràng, suông câu. Tôi tự giận mình thần trí để đâu ? Tôi vốn không nhát như thỏ. Thuở đi học từng thuyết trình, dạn dĩ trước đám đông; từng tình nguyện dạy "đời sống mới" ở Bidong "học trò" từ 18 tuổi đến 60. Thế sao...? Tôi tự hỏi, phân tích tâm trạng rồi tìm câu trả lời. Không lẽ bao năm, thời gian dài một mình sống tại Thụy Sĩ (lúc đó chồng, con chưa qua) nỗi sợ hãi vu vơ ma sống lẫn ma chết trước cảnh sắc xung quanh vắng lặng im lìm, cùng nỗi sợ hãi giông gió cuộc đời, không điểm tựa tinh thần, với thời gian đã biến tôi mất đi chính tôi. Một tiếng động nhẹ, một bước chân đến gần bất chợt cũng khiến tôi giật mình hoảng hốt. Tôi luôn sống trong tình trạng cảnh giác, riết rồi, tôi đâm ra rụt rè với người lạ. Ôi, đổi đời đã thay đổi con người tôi lạ lùng đến thế sao ?
Và câu hỏi thứ ba của anh Phù Vân. Sau này anh điện thoại sang tôi, tỏ ý áy náy về câu hỏi mà anh nghĩ rằng... "dô diên" của anh (anh nghĩ chứ không phải tôi). Tiền thưởng của người ta, người ta xài sao kệ họ, mắc mớ gì anh... "théc méc" ?! Tôi đã hết lời giải thích để anh an lòng, câu hỏi đó đúng trong tâm nguyện có sẵn của tôi. Chứ không phải vì anh đưa tôi vào thế buộc lòng phải tuyên bố cúng dường hết tiền thưởng của mình, ngoại trừ vé máy bay trị giá 1.500 Euro do chị Mỹ Anh hãng hàng không China Airline trao tặng: 5 ngày tại Đài Loan, được đưa đón đi chơi kể cả khách sạn 5 sao, rồi về Việt Nam. Một phần thưởng đặc biệt dành cho người trúng giải -không được phép sang nhượng vì như thế mất hết ý nghĩa- mà tôi không ngờ được.
Thật sự phần thưởng, đương nhiên cũng là động cơ tâm lý thúc đẩy không chỉ riêng tôi mà cho tất cả mọi người một cơ hội hăng hái cầm bút. Nhưng với tôi, chính chủ đề "Viết Về Âu Châu", về những kỷ niệm vui buồn khi hội nhập càng thúc hối tôi nhiều hơn. Nó đánh động trong tôi bao kỷ niệm xa xưa tưởng đã ngủ vùi theo thời gian bỗng xôn xao trở về. Như một cuốn phim chiếu chậm, từ từ, rành mạch, tôi nhớ lại từng chi tiết đã hằn sâu trong ký ức hai chục năm qua rồi thích thú cầm bút ghi lại những sự việc để được sống nồng nàn với những kỷ niệm đó.
Khi nhắc đến những điều vui, tôi cười. Khi nhớ lại những chuyện buồn, tôi khóc. Cười và khóc, khóc theo từng chữ viết hạ xuống cũng là những cảm giác của đời sống nội tâm giúp tôi giải tỏa bao nỗi niềm, uẩn ức còn chất chứa trong lòng. Và tôi cho đó là cái thú -nói lãng mạn một chút- "thú đau thương" khi cầm bút.
Cho nên phần thưởng, tuy chiếm một phần quan trọng nhưng niềm vui tinh thần vẫn quí hơn. Nó còn mang ý nghĩa tốt đẹp đóng góp trách nhiệm duy trì tiếng mẹ tại xứ người. Nếu không vậy, bao năm ở hải ngoại, người cầm bút làm sao có thể miệt mài theo đuổi một công việc vừa tốn thời gian, công sức vừa tốn tiền nữa.
Ngoài ra về phần thưởng, tôi còn nghĩ thêm rằng: Đây là công sức đóng góp của nhiều người; không phải chỉ riêng tôi. Nếu Thầy Như Điển cùng các cộng sự viên chùa Viên Giác không tổ chức, không điều hành; Ban Giám Khảo không bỏ thời gian quí báu chấm bài; quí Mạnh Thường Quân không tặng giải thưởng và đặc biệt nữa nếu không độc giả hưởng ứng theo dõi thì phần thưởng kia làm sao hiện thực ?! Mà đóng góp với Chùa tất cả đều vô vụ lợi và vì chúng sanh. Vì thế, trước khi viết bài thi, tôi đã nguyện, nếu trúng giải tôi chỉ nhận "niềm vui tinh thần". Còn "niềm vui vật chất" đợi khi nào anh Phù Vân đứng ra tổ chức với tính cách tư nhân, tôi sẽ không... dại chợ nữa đâu nhé.
Tôi sẽ bắt chước Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị phỏng vấn trong băng Thúy Nga 68: "Trước tiên mua hột xoàn đeo cho le lói. Đợi thi kỳ sau... hối lộ Giám Khảo, trúng giải, mới ủng hộ "bảo vệ môi trường" để... vá cái lỗ thủng do chúng sinh ở dơ, thiếu trách nhiệm làm hư hại bầu khí huyển".
Kế tiếp mục phỏng vấn, trước khi tôi nhận giải, anh Phù Vân còn... hành tôi, "bắt" tôi ngâm một đoạn thơ, ca một câu vọng cổ. Anh... tố tôi như... Việt Cộng đấu tố thời cải cách ruộng đất. Nhưng anh lầm to. Văn nghệ vốn là... nghề của nàng! Tôi rất yêu văn nghệ. Nếu anh không tố, tôi cũng... khai ra hà.
Xen kẽ với chương trình phát giải, còn có hai tiết mục do cô Diệu Hiền ngâm thơ với giọng ngọt ngào âm hưởng xứ Huế, và ca nhạc tự biên tự diễn phổ theo thơ (Phảng phất Thiền vị) của anh Phù Vân do M.C của buổi lễ, anh Ngô Ngọc Hiếu, người có bộ dáng (không chỉ có bộ dáng mà sau này theo cuộc điều tra của... FBI anh thuộc diện, không chỉ "đẹp giai, con nhà giàu, học giỏi! mà còn con nhà... danh giá "đàng hoàng, tử tế, đạo đức" nữa". Có điều anh rất... dễ thương, nhưng mà... thương không dễ, nên... dzẫn còn độc thân! Anh hát chung với cô Thiên Hương xinh đẹp có giọng ca truyền cảm. Cả hai đều... rất mướt khiến cho sân khấu vốn đẹp càng sáng láng thêm lên.
Chương trình kết thúc dường như vào lúc một, hai hay ba giờ... trưa gì đó, tôi không rõ, vì với tôi bấy giờ trời, trăng và cả vũ trụ này đều... "hôm nay thời gian đứng yên lắng đọng". Lắng động để nghe trong tôi nở hoa, nghe suối róc rách reo cùng chim muông ríu rít hòa nhạc, cất tiếng vang ca dưới bầu trời quang đãng.
*
* *
Chiếc xe bon bon trở về lại Thụy Sĩ ngay khi buổi lễ chấm dứt, khi tôi chưa kịp lót gì vào bụng. Đường xa miệt mài nhưng tôi chẳng những không mệt, không đói mà còn vui và phấn chấn.
Ngồi trong xe, tôi mơ màng (lại mơ mộng nữa) nhìn ánh nắng lung linh bên ngoài. Trời trong xanh và đẹp. Cái nắng đầu hè không gay gắt, được trút bỏ bao quần áo nặng trịch của mùa đông thay vào những bộ quần áo mỏng, nhẹ, màu sắc tươi mát tôi cảm thấy tâm hồn thơ thới. Chiếc xe bon bon tiến tới nhưng hồn tôi lại lui về. Gởi tại Chùa Viên Giác bao kỷ niệm khó quên trong đời tôi. Tôi nhớ lại tất cả, từng lối đi, giọng nói tiếng cười. Nhớ cả những lời nửa đùa, nửa thật của vài người bạn: "Chị Nhật Hưng là cây bút lâu năm. Chị không được phép thi, vì như thế không công bằng". Các bạn nói không sai nếu xét về lý. Một người võ đai đen đấu với người đai trắng xác xuất thắng dĩ nhiên nhiều hơn. Nhưng trong trường hợp này nghĩ về tình thì không đúng lắm. Đừng "trách" tôi cây viết "lâu năm"; nên tự trách mình sao viết "ít năm". Vì cầm bút xưa nay không phải đợi người hay một trường đại học nào đó cấp bằng mới được viết. Mà hầu hết, nhất là tại hải ngoại, mặc dù thời gian rất eo hẹp, bị đóng khung tại công sở, hãng xưởng chưa kể tại nhà còn bao công việc nhiêu khê, người cầm bút vẫn vì trách nhiệm, niềm ao ước duy trì tiếng mẹ và như nhà văn Nguyễn Hữu Nhật: "Viết văn cũng là quà tặng... gởi tới người, dâng tặng đời tấm lòng thành của mình" mới có thể vượt mọi khó khăn để làm cái công việc ngoài niềm vui tinh thần "tác giả không thu lại được gì, ngoài việc mất thời giờ và tốn công sức" (1). Cho nên, nhân chùa Viên Giác tổ chức cuộc thi, người cầm bút "lâu năm" như tôi (điều lệ không phân biệt) thì đây là cơ hội để tôi được tiếp tục... dâng tặng đời tấm lòng thành của mình. Mà cuộc thi với phần thưởng chẳng qua chỉ là niềm khích lệ tinh thần chẳng những cho tôi mà còn cho những người cầm bút hôm nay "Tiếp nối thứ tiếng nói, loại chữ viết của Tổ Tiên, Ông Bà để lại" (1) để tiếng Việt còn thì nước Việt mới còn. Rồi với thời gian một, hai, bảy hay mười năm sau, những cây viết "ít năm" hôm nay cũng sẽ là cây viết "lâu năm" của ngày mai chuẩn bị... thi cho những cuộc thi sắp tới.
Mong tất cả giữ vững cây bút. Vì nếu bỏ viết xuống bây giờ tức là tự nhận mình... thua cuộc! Lúc đó đừng trách "Chị Nhật Hưng là cây viết lâu năm... !". Có phải vậy không hè, thưa Quí vị độc giả ?!
Mải miên man nghĩ vẩn vơ, xe tấp vào một trạm nghỉ lúc nào tôi không hay. Mọi người bước xuống xả hơi, lục bánh trái lót dạ. Tôi cũng tẩn mẩn lục... phần thưởng ra xem.
Tôi lần giở sách ra đọc, thoáng sửng sốt về tiểu sử của tôi. Biết nói sao bây giờ khi hai lần gởi tiểu sử: Lần đầu kỷ niệm Báo Viên Giác số 100; lần này trong cuốn sách "Viết Về Âu Châu" là hai lần chùa sơ sót. Tôi rất hiểu để thông cảm người đánh máy. Như anh Phù Vân viết (Viên Giác số 135 trang 35): "Ban ngày phải đi "cày" kiếm cơm, ban đêm mới miệt mài đánh máy. Chăm chăm chú chú từng chữ, nhưng càng về khuya càng... buồn ngủ, mắt nhắm mắt mở, kèm nhèm hai mắt hầu như chẳng nhìn thấy chữ nghĩa ra làm sao. Vũ Ngọc Long ký tên dưới những bài thơ là Hoàng Hạ, thế mà không hiểu trời xui đất khiến ra sao khi đánh máy tôi lại gõ thành... Hạ Long!". Và bây giờ cũng "trời xui đất khiến" thế nào mà hai lần tiểu sử của tôi, trong khi trong Gia Đình Phật Tử tôi thuộc hàng cắc ké, không kèn không trống, một bước anh... thăng quan tiến chức cho tôi lên làm... Chủ Tịch "Đảm nhận Gia Đình Phật Tử Thụy Sĩ". Và Đại Học Văn Khoa, trước cơn lốc 75, nửa đường gãy gánh, chưa ra trường anh lại... cấp bằng cho tôi "tốt nghiệp"! Khốn một nỗi, tiểu sử thường do mình gởi đến, rõ là "tình ngay lý gian" chối cãi làm sao được hở Trời! Một số bạn tốt thấy tôi áy náy, an ủi rằng: "Có... sao" đâu. Chị viết văn được, cũng coi như... tốt nghiệp!". Nhưng trên thực tế, tôi thấy... "có trăng" đấy bạn ạ! Tôi xốn xang, bứt rứt nhất là khi gặp anh em Gia Đình Phật Tử. Đâu ai biết rằng, mỗi lần viết tiểu sử là mỗi lần tôi... dị ứng. Tiểu sử tôi chỉ đáng hai hàng. Không công cán, tài năng, chức vụ gì để... khoe! Nhưng không phải vì vậy mà tôi... thêm vào để "lấy le" cùng thiên hạ. Có thể anh Phù Vân dựa theo các bài tôi viết, tôi thường sinh hoạt văn nghệ với anh em Gia Đình Phật Tử, có lẽ anh muốn khích lệ tôi, thay vì anh nói "Đảm nhận văn nghệ Gia Đình Phật Tử Thụy Sĩ" đúng hơn, nhưng lúc đánh máy "mắt nhắm mắt mở" anh chỉ bỏ sót hai chữ "văn nghệ" đơn giản thế thôi mà tôi nhảy vọt lên hàng Chủ Tịch!
Thú thật, tôi không ham danh hảo đâu. Như trong "Hạnh Nhẫn Nhục" tôi đã nêu quan điểm của tôi. Có danh mà không thực tài, ngồi trên càng rõ cho thiên hạ thấy cái xấu, cái dở của mình thôi. Nếu ham danh thì phải "thực danh" để còn "lưu danh muôn thuở" hơn là "hảo danh" để "lưu xú vạn niên".
Đối với anh em Gia Đình Phật Tử, tôi đến với tâm trạng "cánh chim lạc đàn" nhìn chiếc áo lam nhận ra tổ xưa, vì khi còn bé 7, 8 tuổi tôi từng là chim Oanh Vũ, từng được đào tạo ấp ủ yêu thương của anh chị Huynh Trưởng. Nhờ vậy tôi hiểu lòng hy sinh, tận tụy của anh em vì đạo, vì đời. Rồi với sự thiện cảm sẵn có, tôi cũng như bao cánh chim khác mang ước vọng tha rơm về "đắp" tổ thêm ấm cúng, chứ không phải đến... "chiếm" tổ của anh em qua sự hiểu lầm khó tránh khỏi vì sơ sót ngoài ý muốn của mọi người.
Gấp sách lại, nghĩ đến việc được... cấp bằng, thăng quan tiến chức một cách dễ dàng ngang xương như vậy, tôi không khỏi bật cười!
*
* *
Hôm nay về nhà, bình tâm, tôi viết bài này ghi lại những cảm nghĩ trung thực để trả lời ba câu hỏi của anh Phù Vân mà hôm phát giải tôi... vụng về, ú ớ không nói nên lời.
Đồng thời một lần nữa xin chân thành tỏ lòng tri ân đến Thượng Tọa Thích Như Điển, người có sáng kiến tổ chức cuộc thi, cùng quí vị cộng sự viên chùa Viên Giác, Ban Giám Khảo, quí vị Mạnh Thường Quân, quí vị độc giả... Tất cả đã bỏ nhiều công lao, tài lực, thời gian để thực hiện giải Văn Học Viên Giác "Viết Về Âu Châu" đã tạo duyên lành cho con, cho tôi một vinh dự và niềm vui tinh thần rất lớn lao đánh dấu một kỷ niệm đẹp, một ân tình khó quên trong đời con, đời tôi. Sau cùng, tôi cũng xin tri ân một người... đặc biệt, đó là Lễ, đấng lang quân của tôi, vì:
Không có anh trong đời.
Không có những nổi trôi.
Làm sao viết thành lời.
Làm sao nói được tình tôi với chàng.
Nếu không có những trái ngang
Làm sao biết được rõ ràng lòng nhau.
Cuộc đời không có biển dâu.
Làm sao biết được nỗi đau đoạn trường.
Nếu không có những bất thường.
Làm sao biết được sầu vương mắt buồn.
Nếu không trằn trọc cô đơn.
Làm sao biết được cái ơn bên chàng.
Nếu không thấm cảnh bẽ bàng.
Làm sao biết được ơn chàng bên tôi ? (2)
09-03
Trần Thị Nhật Hưng
(1) Trích lời nhà văn Nguyễn Hữu Nhật
(2) Thơ Lê Thế Hiển tặng Trần Thị Nhật Hưng
Gửi ý kiến của bạn