Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nụ Sen mới

17/10/201020:14(Xem: 9487)
Nụ Sen mới


Nụ Sen Mới

(Tường thuật trại sinh hoạt Thanh Thiếu Niên Phật Giáo tại Aschaffenburg - Đức Quốc, lần thứ nhất)

Trần Thị Nhật Hưng

Hơn 6 tiếng xe lửa từ Aschaffenburg, tôi trở về đến nhà gần 10 giới tối. Lục đục tắm rửa, ăn chén súp nóng (do chồng nấu cho) huyên thuyên kể chuyện, rồi đánh răng... mãi gần 12 giờ khuya tôi mới lên giường đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau 6 giờ thức dậy sửa soạn đi... cày. Công việc ứ đọng của 2 ngày thứ 5, thứ 6 (lấy hè, cộng với công việc của thứ 2 đầy ắp trên bàn. Tôi một mình chịu trách nhiệm một phòng không ai thay thế). Ông xếp trước khi về văn phòng còn đứng đó chờ đợi, vẻ lo âu. Tôi trấn an ông:

- Ông an tâm đi. Tôi sẽ làm giờ phụ trội, bỏ luôn giờ giải lao để thu xếp cho xong hết công việc này.

Ông cười gật đầu:

- Sehr gut (tốt lắm!). Rồi ông bỏ đi.

Sở dĩ tôi phải nói với ông như vậy vì mùa này đang cao điểm công việc. Tuy được phép lấy hè nhưng thông thường không nên chọn vào thời điểm đó. Tôi trấn an ông, mục đích nghĩ cái thế lâu dài, lần sau có dịp nghỉ nữa.

Nhưng khi ông đi rồi, nhìn đống việc, phần lờ đờ mệt mỏi vì thiếu ngủ, phần ngao ngán phải trọn lời hứa với xếp, tôi chóng mặt. Có như thế tôi mới thấm thía nỗi gian lao vất vả của Ban Tổ Chức trại sinh hoạt Thanh Thiếu Niên Phật Giáo tại Aschaffenburg suốt 4 ngày và nghiêng mình trang trọng tán thán công đức của quí bác, cùng anh chị em ba Chi Hội: Frankfurt, Wiesbaden và Aschaffenburg đã vì tương lai của Phật Giáo, Dân Tộc và giới trẻ để đảm nhận trách nhiệm do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu giao phó.

Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây. Vì là trại tổ chức đầu tiên, bước gian nan bao giờ cũng ở khởi đầu khó mà lường được sự thành bại cũng như cắt đặt sắp xếp công việc sao cho ổn thỏa. Thế nhưng với lòng nhiệt thành xuất phát từ tinh thần Bi-Trí-Dũng của đạo Phật, ba Chi Hội đã không ngại khó nhọc quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Trại sinh hoạt nhằm ưu tiên giới trẻ tuổi từ 16 - 45. Cỡ 50 như tôi thuộc thành phần... "quá đát", tới trại bị xếp vào hàng "các cụ", nhưng tôi vẫn muốn tham dự, dù không được mời, vì nhiều lý do: Trước hết hỗ trợ tinh thần mọi người; sau đó... rờ được việc gì thì cũng xin đóng góp. Hay quan sát sự việc rồi về nhà viết bài tường thuật kể lại cho bà con, những người vắng mặt. Hơn nữa chuyến đi này, đặc biệt có một cư sĩ được quí Thầy kêu gọi đại diện giới trẻ thuyết trình về đề tài "Người Cư sĩ trẻ nghĩ gì và mong chờ gì ở Phật Giáo". Và cư sĩ đó không ai khác hơn là Bảo, cậu "quí tử" nhà tôi.

Ở trại, ai cũng nói đùa, mẹ đi theo để "rình", để "canh" con, coi con ăn nhiều không, đi tắm, đánh răng chưa và nhất là nhắc nhở ngủ tập thể con đừng có ngáy để phiền lòng... hàng xóm! Rồi còn sợ quí Thầy... dụ dỗ đi tu (mục này thì tôi không sợ vì lúc nào tôi cũng khuyến khích Bảo đi tu), tôi chỉ sợ các "Phật tử... gái" dụ dỗ ở lại không chịu về nhà thôi! Ai trêu, tôi chỉ cười cười, đùa lại cho vui trại, vui người, chứ thật ra không ai nghĩ rằng gia đình tôi rất lo lắng về sự kỳ vọng của quí Thầy giao cho Bảo. Nếu Bảo không hoàn thành trách nhiệm, lúc về nhà, cậu sẽ lãnh vài hèo!!!

Hai mẹ con tôi đến trại đúng 12 giờ trưa thứ 5. Trời vào Thu se se lạnh. Những chiếc lá vàng trải đầy trên bước chân đi. Xung quanh, toàn những rừng cây thưa lá vẽ lên nền trời những cành lá khẳng khiu. Tôi đưa mắt nhìn kỹ, trại là một nhà hàng ăn thuê lại nằm lẻ loi trơ trọi giữa cánh rừng, trên một ngọn đồi vắng. Khung cảnh rất thơ mộng, thật thuận lợi để tổ chức sinh hoạt. Sự tĩnh mịch vắng vẻ ở đây dễ làm lòng người gắn bó, thân thiện, ấm cúng để cảm nhận sự hiện hữu của nhau.

Một vài người quen hỏi Hữu, chồng tôi, sao không tham dự. Tôi cười trả lời vì tuổi chàng vướng nhiều chữ quá. Ba chữ quá trước một chữ đát: quá, quá, quá đátnên chàng ở nhà. Hơn nữa một mình tôi đi "rình" cậu con rồi về báo cáo lại cũng đủ rồi!

Thứ 5 và thứ 6 không nhằm ngày lễ lạc, phần phổ biến chưa rộng rãi nên số người tham dự chỉ lèo tèo. Cả trẻ và... ít trẻ (lời Thầy Hạnh Tấn an ủi gọi thành phần quá đát) độ khoảng 40 người. Tuy nhiên, buổi họp mặt đầu tiên quây quần bên nhau trong chánh điện dưới sự chứng minh của quí Thầy: Hạnh Tấn, Hạnh Từ, Hạnh An và An Trí cùng Sư cô Tuệ Đàm Nghiêm, tất cả đều rất trẻ trên dưới 30 tuổi đã không kém phần hào hứng. Từng người tự giới thiệu họ tên, xuất xứ, nêu sở thích và phỏng vấn lẫn nhau. Những tiếng cười rộn ràng đã như chất keo sơn kết mọi người xích lại gần hơn, khai mở ra những buổi sinh hoạt kế tiếp sôi nổi, thân thiện và dạn dĩ.

Từ tối thứ 6 đến sáng thứ 7 người tham dự tăng vọt. Trẻ 61 em. "Ít trẻ" được 40 người. Số lượng chưa gọi là nhiều nhưng vừa đủ theo dự trù, mong đợi của Ban Tổ Chức. Nhìn chung đây là cốt lõi "quí hồ tinh hơn quí hồ đa" tương lai sẽ ghi vào... lịch sử như lời Thầy An Trí nói đùa. (Khóa Tu Học Âu Châu lần đầu chỉ có 24 người. Giờ luôn luôn 600 người).

Từ thứ bảy, sinh hoạt dành cho Thanh Thiếu Niên rộn ràng với những đề tài hội thảo vô cùng hấp dẫn:

- Đạo Phật đối với tuổi trẻ.

- Hôn nhân dị giáo.

- Phật giáo đối với vấn đề ngừa và phá thai.

- Người Cư sĩ trẻ nghĩ và mong chờ gì ở Phật Giáo.

Đề tài hấp dẫn quá. Già, trẻ ai cũng muốn tham dự. Nhất là các cụ muốn níu kéo tuổi xuân, muốn hòa mình cùng giới trẻ để tìm lại hình bóng mình thuở xa xưa, một thời vàng son nay đang dần dần từ giã các cụ. Nhưng, ... "lệnh" của Thầy Hạnh Tấn, để cho giới trẻ được tự nhiên, thải mái khi phát biểu, không khép nép, e ngại khi có sự hiện diện của người lớn nên các cụ phải... đi chỗ khác chơi! Hơn nữa, các cụ... quá đátrồi, còn thai nghén gì mà háo hức nghe ngừa và phá thai?! Cho nên, trong khi ngoài lều -hai chiếc lều lớn được dựng lên trước trại- chưa kể các lều nhỏ, để giới trẻ ngủ nghỉ và hội thảo, thì bên trong, các cụ bị... lùa vào chánh điện cũng hội thảo như ai -có chịu thua đâu nào?!- cũng về đề tài nha nhá như trẻ (nếu muốn) ngoại trừ vụ thai nghén !

Bây giờ xin mời quí vị vắng mặt hãy lắng nghe một vài đề tài trong cuộc hội thảo của giới... "ít trẻ".

Điều chúng ta muốn nói không bao giờ nói sao cho hết những bất công vô lý mà Phật Giáo muôn thuở (vì quá hiền) luôn là nạn nhân đỡ đòn hết từ chính sách này, thủ đoạn kia, tập đoàn nọ và bây giờ "hôn nhân dị giáo" là một trong những điều phi lý đó. "Anh hay chị phải theo tôn giáo tôi - nghĩa là bỏ đạo Phật - thì mới làm đám cưới!". Câu nói này nếu tôn giáo nào cũng tuyên bố như vậy, thử hỏi, điều gì sẽ xảy ra, nhân loại sẽ sống trong hòa bình không? Tôi xin lặp lại, ghi lại điều tôi đã từng viết trong bài "Đại Học Oanh Vũ" ở báo Viên Giác, số 99, trang 43, cũng về đề tài này "biết rồi, khổ lắm, nói mãi": "Mục đích của tôn giáo đúng ra là nên ở vai trò hướng dẫn tinh thần, phục vụ con người mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại hơn là bằng cách này cách khác thậm chí có những trường hợp đã dùng đến cả bạo lực để bành trướng làm mọi người trở thành tín đồ của tôn giáo mình. Kinh nghiệm đau thương trong lịch sử về những cuộc thánh chiến thời trung cổ và hiện tại vẫn tiếp diễn ở Cận Đông chưa đủ cho chúng ta tỉnh ngộ hay sao?! Đã đến lúc sự dị biệt tôn giáo cần có sự tương kính lẫn nhau, phát huy những điểm tương đồng và tôn trọng những điều khác biệt hơn là lấn lướt nhau. Vì điều đó, sẽ đưa đến sự tị hiềm, đố kỵ, chia rẽ trong khi dân tộc ta đang cần sự đoàn kết để đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Và điều đó hoàn toàn không phù hợp với tinh thần dân chủ của thời đại văn minh ngày nay. Những điều vô lý bất công đó trước sau trên thực tế không tránh khỏi luật nhân quả".

Thực vậy, hành động trái với tinh thần tôn giáo tự nó đã nói lên bản chất yếu kém, không tốt, tự bôi nhọ lên tôn giáo mình vì đã không còn cách nào khác phải lạm dụng vào tình yêu và hôn nhân để phát triển tôn giáo.

Trong khi đó, như chúng ta đều biết, đạo Phật không gõ cửa từng nhà để truyền đạo; không sử dụng vũ lực để bành trướng; không chức quyền, tiền bạc để nhứ thiên hạ theo. Đạo Phật chỉ có một chữ "KHÔNG" to tướng. Thế nhưng, dù muôn thuở luôn bị áp bức (vì hiền mà!), từ hơn hai ngàn năm, Phật Giáo vẫn tồn tại như dòng suối êm mát nhẹ nhàng chảy trong lòng đất. Nếu mạch phía này nghẹt, nhờ bản chất "mềm" lại uyển chuyển lách được qua khe kia để tiếp nối chảy không bao giờ khô cạn. Ngày nay, người Âu Mỹ tự tìm đến Phật Giáo như một nhu cầu cần tắm mát trong dòng suối ngọt để giải tỏa nỗi bứt rứt do chính cuộc sống văn minh khoa học vật chất gây cho họ và ở đó, bên dòng suối, họ như còn khám phá những nàng tiên dịu dàng, kín đáo, dễ thương không phô trương nhưng tiềm tàng một sức quyến rũ lôi cuốn. Rồi sau một thời gian tìm hiểu thấu đáo, với một niềm tin sâu sắc, chính họ sẽ là cốt lõi hạt bồ đề nảy cành xanh ngọn và cũng sẽ là những viên gạch dựng nên thành trì vững chắc xây tòa nhà Phật Giáo trong tương lai.

Trong cuộc hội thảo, mọi người cùng nêu ra những kinh nghiệm đau thương mà chính bản thân, gia đình họ từng là nạn nhân của "hôn nhân dị giáo"; kể cho nhau nghe những chuyện đáng tiếc: gia đình xào xáo, anh em thù hiềm, người người đố kỵ thậm chí đôi trẻ yêu nhau tha thiết đành ngậm ngùi chia tay vì không chấp nhận điều vô lý bất công mà tôn giáo áp đặt lên họ.

Vậy tinh thần tôn giáo rêu rao công bằng, bác ái, an lạc ở đâu? Sao không tìm trong sự dị biệt để thấy những điểm tương đồng như năm ngón tay dài, ngắn khác nhau nhưng lại có điểm chung, cùng nằm trong một bàn tay cần nương nhau, dựa nhau và khi nắm chặt trở thành một sức mạnh của quả đấm, cũng chính như là sức mạnh của dân tộc vậy. Ôi, đáng thương thay cho dân tộc Việt Nam vì "hôn nhân dị giáo" !

Một đề tài khác cũng khá hấp dẫn. Cùng lúc "đám trẻ" hội thảo thì bên "nhóm già" - ngoại trừ Thầy Hạnh Tấn - Thầy đề nghị quí cụ thử đoán: "Người cư sĩ trẻ nghĩ gì và mong chờ gì ở Phật Giáo".

Nhiều ý kiến đưa ra, trẻ ngày nay ham chơi, suốt ngày ôm Computer, Internet..., bận rộn với công việc, chạy đua theo thú vui vật chất mà khả năng chúng và điều kiện từ đời sống khoa học văn minh Tây phương đem lại, nên bỏ quên hay không cần đời sống tâm linh. Chỉ khi nào vấp ngã, thất bại, đau khổ mới tìm về tôn giáo.

Có người thì cho rằng đám trẻ ngày nay sẽ chẳng nghĩ và mong chờ gì ở tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, nếu, chúng không có một chút khái niệm hay hiểu biết gì về tôn giáo.

Một đứa trẻ miền Bắc, sau 1975 vào Nam, nhìn tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni Đản Sanh, em thốt: "Cậu bé này trông dễ thương đáo để", hoặc thấy bức tranh Đức Mẹ Maria, em khen: "Trông cô gái này có xinh không?". Thử hỏi, nếu không ai giải thích, muôn đời em chả biết gì Phật, Chúa. Đã không biết thì còn nghĩ và mong chờ gì?! Ngay cả lúc lớn lên, lần đầu tiên đến chùa, gặp quí Thầy thì bắt tay chào bác, chào anh; cúng thịt cá loạn cào cào. Cho nên, chính chúng ta thế hệ đi trước mới phải quan tâm, nếu muốn "tre già măng mọc" mong đám trẻ thức tỉnh trước sức quyến rũ lôi cuốn của vật chất thời nay, hãy quay về đời sống tâm linh để quân bình đời sống rồi ra mới tiếp nối duy trì tôn giáo trong tương lai. Và bổn phận của thế hệ... già phải hướng dẫn trẻ hiểu đạo. Có hiểu rồi thì chúng mới nghĩ và mong chờ ở tôn giáo.

Có người lại lên tiếng: Trẻ nghĩ và mong chờ ở Phật giáo còn tùy ở lứa tuổi.

Thực vậy, lúc còn thơ, bé thích theo bà, theo mẹ đi chùa; trước vì bà, vì mẹ và may ra ở đó còn có chuối, oản để ăn. Lớn lên chút nữa vì vui, vì bạn mà đến. Khi trưởng thành va chạm cuộc đời chuốc bao đắng cay đau khổ rồi mới tìm đến chùa mong cầu sự an lạc, lãng quên. Hoặc cầu Phật gia hộ đủ thứ, những mong ước của thế gian: tình người, sức khỏe, tiền tài... Nhưng tất cả điều đó, nhà Phật giải thích chính là duyên khởi, qua đó, dần dần gặp cơ hội khác thêm nhân duyên mới để biết, hiểu và tin đạo. Khi biết, hiểu và tin rồi, mới nghĩ về và trông chờ. Chúng ta hãy nghe trực tiếp nhóm thanh thiếu niên tham dự trại hôm nay ít nhiều các em cũng có khái niệm về Phật giáo qua bài tường thuật của Bảo, hơn là ngồi nghe các cụ... thử đoán!

Riêng nhóm cụ chúng ta, tóm lại, ngay giờ "muộn còn hơn không", như nhiều người đưa ý kiến, bậc ông bà, cha mẹ phải làm gương, sống đạo đức theo tinh thần Phật giáo để hướng dẫn con, cháu. Điều đó... hết xảy rồi! Nhưng, cụ thể nhất là "dạy con dạy thuở còn thơ" tập các bé từ một tuổi vừa biết đi, đứng; biết bập bẹ bi bô lạy Phật mỗi tối trước khi đi ngủ. Đó là cách gây chủng tử, mang hình ảnh hiền hòa của Đức Phật vào tâm bé. Cho đến lớn, bé có thói quen, không xao lãng được. Thêm vào đó, vào các bữa ăn quây quần với con, cháu, nếu chúng ta có khả năng Phật Pháp cỡ nào, ta cứ... truyền. Vì đạo Phật có hơn 80.000 pháp môn tùy căn cơ trình độ để hiểu mà.

Chúng ta cứ gieo mầm, nó nảy lên được cây nào hay cây đó. Chứ không thể chỉ... tu một mình. Ta an lạc thanh thản ở Niết Bàn; còn con, cháu loi ngoi ngụp lặn trong cõi ta bà, ngạ quỉ, súc sanh, ta có vui không nào? Phải thế không, thưa các cụ?!

Sau buổi hội thảo, tôi vội vàng chạy ra chỗ lều Bảo đang thuyết trình. Từ nãy giờ ngồi trong chánh điện, Thầy Hạnh Tấn và cả tôi rất sốt ruột, ngồi đó mà hồn để ở ngoài lều, không rõ "bọn trẻ làm ăn ra sao?". Đám trẻ (nhất là các cô) có... bắt nạt, ăn hiếp Bảo không? Tôi vạch cửa lều, ghé mắt... "rình" xem, rất an tâm khi thấy có hai Thầy: An Trí và Hạnh An ngồi hai bên... che chở Bảo!

Một buổi hội thảo khác cũng khá sôi nổi về đề tài "Quí cụ nghĩ gì về cung cách khúm núm quì lạy của quí cụ đối với Tăng Ni khiến giới trẻ cảm thấy ngăn cách, khép nép trước Thầy, Cô". (Đây là câu hỏi của giới trẻ đặt ra hôm thứ 6).

Diễn đàn được mở ra với những lời bàn luận sau đây:

- Nếu quì lạy để giới trẻ sợ sệt, ngăn cách không tìm đến Phật giáo nữa là điều thiệt thòi, không nên.

- Chúng sanh vô số lượng không phải ngại điều đó.

- Quì lạy để tỏ lòng cung kính. Vì Thầy chính là Phật.

- Phật giáo xưa nay dễ dãi, lại thêm xã hội điên đảo, loạn ly, ngày nay không thiếu kẻ lạm dụng giả dạng Thầy tu mưu đồ cá nhân; phá rối Phật giáo nói chung, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhấtnói riêng dưới chiêu bài Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam(nhập nhằng bỏ 2 chữ Thống Nhất) do công an nhà nước Việt cộng giật dây; rõ ràng "chiếc áo không tạo nên ông thầy tu" vậy đó có phải là Phật để lạy không?

- Đến chùa cần trí tuệ để phân biệt đâu là sư thật, sư giả. Sư giả thì ta đừng tìm đến.

- Minh sư đạo cao đức trọng thì hãy lạy.

- Đã đến chùa thì không nên mang tâm phân biệt. "Tâm phân biệt sẽ không bắt được pháp thân?".

- Quì lạy đó là truyền thống từ ngàn xưa. Nên giải thích cho mọi người hiểu, nhất là giới trẻ.

- Từ ngàn xưa tôn kính "quân, sư, phụ" (vua, thầy, cha). Ngày nay đâu còn vua. Điều đó chứng tỏ truyền thống có thể thay đổi theo thời đại.

- Quì lạy ngoài vấn đề tỏ lòng cung kính còn hàm ý nghĩa để được công đức.

- Cung kính cũng có thể tỏ lộ bằng nhiều cách chả cứ chỉ quì lạy. Thấy người khác lạy bắt chước lạy theo mà lòng không muốn, không phục cũng như không. Chỉ vái mà lòng cung kính thì sao?

- Mọi người lạy, một số lại đứng ngồi trông nghênh ngang, lổn ngổn, mất trật tự, không đẹp. Phải tính sao?

- Giải thích để cùng lạy hết thì khó. Rõ ràng chín người, mười ý.

- Cứ lạy để được công đức bất cứ lạy sư giả hay thật. Nếu sư giả thì sư đó mang tội, gánh nghiệp.

- Mình được công đức để sư giả đó mang tội, gánh nghiệp, mình có công đức không?

- Quì lạy nhưng đừng thái quá như có cụ xì xụp lạy xong, còn... bò xà lui, không thẩm mỹ tí nào!

Diễn đàn bàn cãi như thế. Xin hỏi ý kiến những người vắng mặt, không tham dự hôm đó thì sao?

Ngoài ra, còn hai buổi hội thảo chung giữa trẻ và ít trẻ. Nhiều câu hỏi đặt ra từ hai phía được viết lên giấy, nhưng thời gian có hạn, buổi hội thảo chỉ nêu lên những điểm chính yếu, quan trọng. Nội dung không ngoài mong muốn của đôi bên:

* Già thì mong:

- Trẻ tin và nâng cao đời sống tâm linh.

- Dấn thân hành động như các cụ

* Trẻ thì muốn:

- Các cụ suy nghĩ, hội nhập vào đời sống Âu Tây.

- Nếu không, hãy hiểu và thông cảm chúng.

Tựu trung chẳng qua cũng chỉ vì nếp sống, cách suy nghĩ khác biệt của hai nền văn hóa Âu, Á mà cả đôi bên từng hấp thụ, ăn sâu vào tim óc để khó mà hiểu nhau nếu không có diễn đàn hôm nay để "giải bày tâm sự". Có nói ra, cùng lắng nghe mới thông cảm nhau trong tinh thần từ bi, hỷ xả của đạo Phật.

Chẳng hạn, các em tâm tình, đời sống ở đây họ dạy các em quen tự lập. Từ chỗ tự lập cho các em niềm tự tin để tự chủ. Rồi khi tự chủ được thì cái gì cũng muốn mình tự làm, tự quyết định không phiền đến cha mẹ nữa chứ không phải vì tự kiếm ra tiền hay có trợ cấp nên không cần cha mẹ.

Trong khi đó, các bậc phụ huynh quen sống với nếp suy nghĩ Việt Nam, dù con đã lớn ở tuổi, chưa hay đã trưởng thành, vẫn muốn chăm sóc để tỏ lòng yêu thương và chỉ an tâm những đứa con mình luôn được bao bọc chở che không nơi nào an toàn bảo đảm nhất bằng "vòng tay của mẹ!", quên mất rằng với tinh thần tự do, phóng khoáng của nếp sống Âu, Mỹ sẽ khiến con, cháu mình... ngộp thở trong vòng tay đó.

Tự do, đương nhiên, không thể vinh danh hai chữ tự do để sống luông tuồng vô tổ chức, vô trật tự. Tự do cũng có giới hạn của nó trong khuôn khổ, chừng mực như một quốc gia dù dân chủ, luật pháp vẫn hiện hành. Dựa theo đó, nếu cha mẹ buông lơi... vòng tay, thả cho chúng chạy nhưng âm thầm ghé mắt quan tâm (nói nôm na là... rình đấy) thì khi chúng vấp ngã hoặc rơi xuống vực sâu còn có cơ biết được để đỡ dậy hoặc kéo lên.

Thêm nữa, chúng ta, những người Việt Nam ở hải ngoại, có lẽ không bao giờ thích hợp cung cách nuôi con như nuôi chim ở đây. Đúng 18 tuổi cho... chim ra ràng, tự do ra khỏi lồng. Bay đi đâu thì bay. Sống sao thì sống mà cha mẹ không còn quyền hạn nào cả. Đời cua, cua máy. Đời cáy, cáy đào. Thế nhưng, cũng không thể nhân danh cha mẹ áp đặt quyền hạn một cách không hợp thời ép buộc con, cháu theo ý mình mong muốn. Một câu chuyện thương tâm, Thầy Hạnh Tấn kể về một sinh viên chiều lòng cha mẹ học rất giỏi ngành y khoa, nhưng gần đến năm cuối, cảm thấy bức bách, đành tự tử để kết thúc cuộc đời.

Cho nên, cần dung hòa hai nếp suy nghĩ Âu, Á. Qua đó, trẻ cũng nên hiểu lòng yêu thương lo lắng kiểu Việt Nam của ông bà, cha mẹ mình. Đừng vin vào "nếp sống hải ngoại nó... dzậy" nhập gia tùy tục rồi... quậy để cha mẹ đau lòng.

*

* *

Xen kẽ với những buổi hội thảo, để tâm trí thư thả, là những buổi thể thao, văn nghệ (như đêm lửa trại tối thứ bảy).

Tôi không thích thể thao, tranh thủ thời giờ nhàn rỗi, một mình, tôi thả bộ đi dạo dọc theo con đường ven rừng dẫn tít mãi ngôi làng nhỏ. Ngôi làng với những căn nhà kiến trúc hiện đại kiểu biệt thự nhỏ nằm rải rác hai bên đường, trên những cánh đồng cỏ mà tiết thu lạnh đã làm màu héo úa. Buổi chiều trời nhạt nắng. Gió thu hiu hiu thổi, tuy nhẹ, vẫn lay động được vài chiếc lá phất phơ còn vấn vương luyến tiếc trên cành nhẹ nhàng rơi xuống đất. Tôi nhìn chiếc lá, cảm nhận lẽ tuần hoàn của tạo hóa. Chiếc lá rồi cũng như người về với cát bụi, bị chi phối bởi luật vô thường, lẽ "sinh, lão, bệnh, tử" của đạo Phật. Cứ thế, cứ thế... có đấy rồi mất đấy. Không rồi lại có...

Từ ngày học đạo, chỉ mới lỏm bỏm, hiểu được chút chút, nhìn đâu tôi cũng thấy đầy đạo vị. Rồi khi áp dụng, tôi thích thú nhận ra sự nhiệm mầu của giáo lý nhà Phật. Tôi tin nhân quả, luân hồi. Dù kiếp trước, kiếp sau còn mơ hồ chưa giải thích chứng minh rõ nhưng tôi cứ tin để tìm thấy sự an lạc, dỗ dành tôi trong những lúc thất vọng.

Quẹo sang con đường khác, tôi lửng thửng đi tiếp, hít thở thật sâu vào lồng ngực không khí trong lành buổi chiều thu. Lòng cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhàng. Tâm hồn lâng lâng tưởng như đang hòa nhập vào cảnh sắc thiên nhiên của tạo vật.

Khi tôi đang dợm quẹo về trại, tôi gặp Sư cô Tuệ Đàm Nghiêm cũng đang đi dạo cùng một chị Phật tử. Hai người vừa đi vừa trò chuyện. Tôi nhập theo, đi bên cạnh Sư cô, nghe Sư cô kể về những chuyến hành hương ở Trung Quốc, xứ Phật ở Ấn Độ. Đâu đâu Phật giáo cũng đang bừng dậy. Vẫn chỉ là dòng suối ngọt vẫn cứ nhẹ nhàng lách để tiếp tục chảy mãi...

Lúc tôi về đến trại, tiếng reo hò ì xèo của những đội thể thao kéo chân tôi đi về hướng đó. Nhưng khi tôi đến nơi, cuộc đấu vừa kết thúc. Lời bàn tán lại ì xèo. Nghe... đồn các cụ ông đã "trẻ trung hóa tinh thần làm việc" (theo yêu cầu của giới trẻ khi hội thảo) nên các cụ... "hăng tiết vịt" thể hiện hành động một cách dũng cảm lắm. Tôi xin đại diện "phe ta" có lời chúc mừng, hoan hô các cụ "ông" !

*

* *

Ở trại Thanh Thiếu Niên Aschaffenburg người tham dự chắc chắn không quên được đêm lửa trại độc nhất vô nhị đáng... ghi vào lịch sử cận đại mà Thầy An Trí luôn nói đùa "cười trẹo cả quai hàm!".

Cũng như các... "bác trai" bên thể thao, các "bác gái" phía văn nghệ cũng nhất định "trẻ trung hóa tinh thần làm việc" nên các bác chẳng những tiên phong (dẫn đầu) qua nhạc phẩm "Kính Mến Thầy" do "cụ" Diệu Đông (trạc 50 tuổi) mở màn mà nhìn chung các bác còn chiếm gần trọn chương trình văn nghệ nữa. Nào ca, kịch, nhạc cảnh đủ cả. Chỉ còn thiếu múa! Nhưng thay vào đó đã có một màn vũ do các em nhỏ (có lẽ cháu nội, cháu ngoại của các cụ) thay các cụ trình diễn rất dễ thương.

Phụ họa hưởng ứng với tinh thần các bác gái, có một bác trai đánh đàn và bác trai Long làm M.C (cũng xin nói thêm, bác trai Long còn kiêm "xếp chánh" của Ban Trai Soạn chỉ huy hỏa đầu quân nấu các món chay rất ngon... đáng ghi vào lịch sử!). Một lần nữa, đại diện "phe ta" hoan hô bác Long.

Một câu hỏi đặt ra, vậy đám trẻ đâu cả sao không làm chủ tình hình trên sân khấu? Không lẽ mới đó bị... lão hóa lụ khụ hết sao? Không đâu, chẳng qua vì là trại đầu tiên đa số các em còn bỡ ngỡ, mắc cỡ, dù biết diễn không dở nhưng còn e lệ thẹn thùng đấy thôi. Chứ thật ra, giới trẻ chỉ vài em đóng góp, đã lên sân khấu rồi, tinh thần rất cao thiếu điều không muốn xuống hoặc có vài tiết mục vui nhộn "cười trẹo cả quai hàm" để chứng tỏ "quí hồ tinh hơn quí hồ đa" (ít nhưng ngon lành hơn đông). Hy vọng những kỳ tới, giới trẻ sẽ xông xáo với văn nghệ hơn nhưng nhớ đừng... lấn các cụ... rớt xuống sân khấu nhé. Các cụ cũng ham "dzui" mà!

Đêm văn nghệ lửa trại có tính cách bỏ túi, không nặng phần trình diễn dù sẵn sân khấu lộ thiên của nhà hàng, nằm sát sườn đồi phía sau trại; nam, nữ "nghệ sĩ" cũng như khán giả đều mặc măng-tô, áo khoác vì đêm thu rất lạnh. Nhưng càng lạnh, rừng khuya càng vắng, bên ánh lửa hồng thêm mùi khoai tây nướng, mọi người càng cảm thấy cần nhau để sưởi ấm lòng nhau. Văn nghệ diễn sớm từ 19 giờ 30 -21 giờ 30 chấm dứt nhưng chưa ai muốn về trại, trừ một số vì chuyện riêng.

Đêm về khuya, lửa dần tàn, mọi người vây quanh xích ghế lại gần, kẻ đứng, người ngồi càng sát nhau hơn. Một chương trình hò đối xuất khẩu thành văn, thơ tự phát. Không ai bảo ai, cũng không chuẩn bị trước xuất hồn phát ra, chia làm hai nhóm. Để cho câu chuyện có vẻ thần thoại hợp với khung cảnh rừng rú, bên nữ bị đối phương đặt danh "Công Chúa Lọ Lem". Đối lại, phía nam cũng có danh gọi "Hoàng Tử Cóc". Hai bên sát phạt nhau bằng những câu thơ "cười trẹo cả quai hàm". Rất tiếc tôi không có trí nhớ tốt để ghi lại đây.

Ngoài ra, trung gian giữa hai bên, còn thêm "Bà Phù Thủy" (phe cụ). Bà chỉ mong "ăn đầu heo" lợi dụng cơ hội trổ hết miệng lưỡi bùa phép se duyên cho Hoàng Tử cùng Công Chúa. Phụ họa với chương trình là những tiếng cười ròn rã, từng chập, xé tan màn đêm vang trong rừng khuya. Cho đến lúc hòn than cuối cùng chỉ còn hiu hắt mọi người mới lục tục về trại. Bấy giờ kim đồng hồ vừa chỉ gần 23 giờ khuya. Thế nhưng, riêng nhóm trẻ, đêm cuối cùng với sự hiện diện của Thầy Hạnh Tấn, còn quyến luyến tâm tình trong lều đến 1, 2 giờ sáng lận.

Lời kết

Không chỉ là lời nói đùa của Thầy An Trí, mà trại sinh hoạt Thanh Thiếu Niên Phật Giáo tại Aschaffenburg hy vọng sẽ... đi vào lịch sử để đánh dấu những "Nụ Sen Mới" lần đầu tiên cấy tại trời Âu. Với phong thủy, khí hậu xứ người hoàn toàn khác biệt với phương Đông, đòi hỏi người trồng phải khéo léo lựa chọn chất dinh dưỡng sao cho thích hợp và chăm sóc một cách cẩn trọng thì chắc chắn không riêng nụ sen kia nở hoa, mà trong tương lai trời Âu sẽ tràn ngập ao sen với đầy hương sắc vậy. Mong thay !!!

Thụy Sĩ, tháng 12-2002

Trần Thị Nhật Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/03/2017(Xem: 8243)
Mỗi sáng Chủ Nhật , quý Sư ở tu viện Santi Forest Monastery thường chuẩn bị rời chùa, đi xuống phố hoặc vào làng khất thực. Gọi là “đi khất thực”, nhưng thực sự nên gọi là “đi gieo duyên” với quần chúng địa phương thì đúng hơn, cư dân nơi đây, họ là những người Úc thuần túy, Phật giáo đối với họ là một tôn giáo hoàn toàn xa lạ, có thể họ chỉ nghe qua cái tên “ Buddhism “ mà không hề biết đó là gì ?
21/03/2017(Xem: 5613)
Đây là một tập bút ký, ghi lại cảm nghĩ của tác giả từ các nơi chốn tùng lâm ở Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam. Không hề có một so sánh hay đánh giá ở đây, tất cả đều trình hiện như nó chính là nó. Chúng ta cũng vui đọc theo chân người đi, đôi lúc mình cũng là người đang đi như thế. Chiều thu muộn hay sáng hồng rực rỡ, một viên sỏi trong vườn thiền cũng chiếu rọi ánh tuyết lấp lánh. Tách trà xưa và nay cùng nâng lên để kỷ niệm giây phút tao phùng.
20/03/2017(Xem: 5212)
Đặt chân xuống phi trường Bordeaux, tôi thấy một cảm giác nao nao vui mừng và hối hộp. Tôi sắp đựơc gặp các huynh đệ và Thầy, tôi sắp đựơc trở về Làng Mai, nơi Thầy và Tăng Thân đã sinh ra tôi, đã cho tôi một hình tứơng sư cô trong tinh thần giải thóat. Nhìn ra ngòai cửa, các Thầy các sư cô đang vẫy tay chào đón chúng tôi, rồi quí‎ vị vào trong khu vực chuyển hành lí tiếp chúng tôi vận chuyển lên xe, về Làng.
20/03/2017(Xem: 5387)
Cuộc sống của chúng ta có những lúc cần phải suy gẫm về ý nghĩa về đạo lý làm người. Ngày xưa có một người gánh nước, mang trên vai hai chiếc bình. Trong hai bình ấy có một bình bị vết nứt, còn bình kia thì nguyên vẹn. Suốt một chặng đường dài từ nơi mé sông về nhà, chiếc bình nứt chỉ còn một nửa. Thời gian đã tròn ba năm, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ mang về đến nhà chỉ có một bình rưỡi nước.
28/02/2017(Xem: 12705)
Đó là câu chuyện về Ngài Geshe Lama Konchog Rinpoche qua đời năm 2001. Có nhiều chuyện kỳ lạ trở thành mầu nhiệm sau khi Ngài ra đi.
24/02/2017(Xem: 4013)
Một buổi xế trưa nắng hơi nghiêng về chiều, cái sân nhỏ trước hiên, nhờ bóng nhà đầy râm mát. Đàn gà ri -một mẹ, một bố và tám con- đang líu ríu bươi đất cát nơi chân hàng rào. Công việc thật thừa thãi, nhàm chán, tôi chắc chắn chúng chả tìm thấy gì trong đám cát khô cằn không một ngọn cỏ một bóng cây. Thế mà đã nhiều ngày, cứ giờ này, chúng lại luẩn quẩn quanh đấy, bươi đất cát, nô giỡn ra điều thích thú lắm. Không ai đoán được chúng rất tinh khôn. Vì vào giờ này, sau khi đánh một giấc ngủ trưa, tôi vẫn có thói quen mở nắp lon guigoz vốc một nắm gạo nàng hương mà tôi đã xay nhỏ bằng cối xay tiêu, một ít thóc, rồi thong thả ra sân chưa kịp cất tiếng…cộc...cộc…cộc…để gọi đàn gà ri, chúng đã ùa chạy tới, như một thói quen, đợi tôi cho ăn. Tôi rải gạo, thóc trên khoảng sân nhỏ bằng xi măng bên hông cửa ra vào. Những con gà ri con chỉ mới nở hơn tuần nay, lông trắng ngần, lăng xăng chạy theo bố mẹ, như những trái ping pong. Chúng vươn cánh và dù cố gắng nhiều lần để nhảy lên thềm nhà như
23/02/2017(Xem: 4603)
Họ đã kết hôn được 78 năm, người chồng 103 tuổi, người vợ 100 tuổi, họ vẫn ở bên nhau suốt ngần ấy năm tháng, mạnh khỏe và hạnh phúc. Trong ngày Valentine năm nay, câu chuyện về họ được biết tới, chia sẻ và gây cảm động.
22/02/2017(Xem: 36888)
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA CON TRAI CỦA TÔI (DALAI LAMA, MY SON) Tự truyện của mẫu thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tác giả: Diki Tsering Biên tập & giới thiệu:Khedroob Thondup Việt dịch: Thích Nguyên Tạng Diễn đọc: Quảng Thiện Duyên
05/02/2017(Xem: 4114)
Khi tôi lên giường, kim đồng hồ chỉ 23 giờ 30. Thông thường vào giờ này, vốn dễ ngủ, không mộng mị, nếu có, chỉ toàn giấc mơ hoa, không bao giờ gặp ác mộng, tôi đã ngáy khò khò; thế mà hôm nay, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Nằm trăn trở trong đêm, tôi lắng nghe âm thanh của đêm. Sài Gòn giờ này đã trả lại sự yên vắng cho nó. Không còn tiếng rao hàng, không còn tiếng người qua lại, không còn tiếng xe cộ? Lâu lắm mới có chiếc Honda xẹt ngang của vị nào đi chơi khuya về.
03/02/2017(Xem: 3833)
Thời gian đã vẽ thêm một vòng hào quang cho quá khứ thêm lộng lẫy đẩy lùi tất cả vào dĩ vãng trong một ngăn nào đó của bộ nhớ, và tuổi già thường hay hoài niệm những ngày cũ mà ngậm ngùi nuối tiếc. Tuổi già đối với những người khác không biết thế nào nhưng riêng tôi lại thích tham dự những buổi họp mặt với bạn bè cũ, gặp lại nhau biết bao mừng vui tràn ngập cả tâm tư. Tôi lại định cư tại một nước xa xôi lạnh lẽo, bạn bè ngày xưa không có, thành ra tôi cứ ao ước được bay đến những vùng trời khác. Nơi đó có những người bạn thời trung học thật tuyệt vời, là niềm an ủi cho mái tóc đã điểm bạc trong cuộc sống cách biệt quê người vạn dặm này. Tôi nhớ lại lần tôi qua Cali dự lễ kỷ niệm 50 năm xa trường. Đêm Đại hội đã để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc, suy nghĩ; sự suy nghĩ với nhiều thứ pha trộn nhau. Với tôi, đó cũng là một sự hạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]