Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Miếng khoai khô

16/01/201513:45(Xem: 3687)
Miếng khoai khô

khoai lang

 

      Sau 30-4-75, tất cả giáo chức chúng tôi đều phải đi học tập chính trị trong suốt 3 tháng hè mà họ gọi nôm na là "bồi dưỡng nghiệp vụ".

      Một buổi chiều sau mấy ngày "bồi dưỡng", tôi đạp xe lang thang qua vùng Trương minh Giảng, tình cờ gặp Báu - một người học trò năm xưa, rất xưa, đang ngơ ngẩn đứng trước cửa nhà. Dừng xe đạp, tôi chào:

    - Báu hả? Phải em là Trương thị Báu không? Có nhớ ra cô không?

      Báu giương mắt nhìn tôi, nhìn đi nhìn lại rồi nghiêng đầu lại nhìn...Em không nhớ nổi... Tôi đã thoáng thấy được một tâm thần bất thường qua thần sắc cũng như qua đôi mắt trống rỗng vô hồn!

      Tôi nhắc lại:

    - Nhớ cô D. không? Cô D. dạy toán em hồi Đệ Tứ. Nhớ ra không? Em học cùng lớp với bọn con Hiếu, con Tịnh An ở Cầu Đất đó, nhớ ra chưa?

      Em thụt lùi vài bước, lại nhìn sâu vào mắt tôi, vẫn đôi mắt lạc thần, ngập ngừng lập lại từng hai tiếng một:

    - Cô D....Dạy Toán....Đệ Tứ... Vẫn chưa nhớ, tôi nối thêm:

    - Đồng Khánh! Nhớ chưa?

      Mắt em bỗng sáng hơn:

    - Đồng Khánh...Đồng Khánh...Trường Đồng Khánh Huế ! Phải không cô?

      Em bước mấy bước lại gần tôi hơn, nghiêng đầu xuống, nhìn vào bên trong chiếc nón lá tôi đang đội để nhìn gần sát mặt tôi. Mắt em bây giờ đã có thần hơn một chút, em lại lẩm bẩm:

     - Cô D. Dạy Toán. Trường Đồng Khánh. Thiệt mà! Trường Đồng Khánh của tôi mà! Phải rồi, tui có học trường Đồng Khánh mà!

      Bỗng em tiến sát tới tôi hơn, quều quào đưa hai tay ôm chầm lấy vai tôi; mắt long lanh mà khô sủng như đôi mắt của những kẻ vẫn hằng khóc không nước mắt, miệng cứ lặp lại mấy lần những tiếng không tròn ý:

    - Em có học Đồng Khánh. Phải không Cô? Em cũng là một nữ sinh Đồng Khánh. Phải không cô? Cô nói cô có dạy em đó! Phải không cô?

      Vừa hỏi em vừa day đôi vai tôi, giọng van lơn cầu khẩn, liên tiếp hỏi mà không cần câu trả lời. Báu vuốt dọc hai cánh tay tôi từ vai xuống, rồi nắm lấy hai bàn tay tôi đưa qua lắc lại như hai đứa bé đang chơi trò dung dăng dung dẻ, lại tiếp tục: "Phải không cô" mà không cần nhìn thấy cái đầu tôi liên tiếp gật và miệng thì "ừ phải, ừ phải" biểu đồng tình.

      Qua một lúc xúc động quá bất ngờ, em dần dần bình tĩnh đôi chút; cũng biết mời cô vào nhà, cũng biết mời ngồi, mời uống nước như những động tác căn bản của một người con gái Huế đàng hoàng không mất trí. Em cũng biết mời cô "thời" nước bằng một ly nước lạnh không có dĩa, vào nhà trong bưng ra bằng cả hai tay một cách lóng cóng. ( Ở Huế, đối với người lớn tuổi, không dùng chữ ăn và uống để mời).

       Ly nước được đặt lên một cái bàn gỗ cũ kỹ bên cạnh một dĩa khoai lang luộc gồm một củ đã cắt làm hai miếng.

    - Mời Cô "thời"!

      Một cháu bé gái chồm lên bàn, với lấy miếng khoai. Báu đưa tay gạt con:

    - Con không được hổn. Rồi lại mời Cô.

      Cháu bé trạc độ 6 tuổi, có vẻ bịnh, lại chụp đòi và khóc. Báu lại gạt, lại quay qua mời tôi:

    - Cô "thời" với em một miếng đi Cô. Cô "thời" cho em vui. Mấy thuở mà! Cô đừng sợ em thiếu. Nhà em lao động, được mua đủ phần độn, em không đói mà. Cô "thời" một chút đi Cô, một miếng cũng được.

 

 

      Báu mời dẻo dai tha thiết, lời lẽ trôi chảy bình thường khiến tôi quá ngạc nhiên. Hình như cái phần gọi là lịch sự, sự che đậy, cách giữ bề ngoài tối thiểu của một phụ nữ Huế thì vẫn nguyên vẹn, không hề bị phai mờ trong một trí tuệ hầu như đã mất hết chức năng. Nhưng tôi làm sao mà“ thời“ cho nổi những miếng khoai lang của "thời đại nhu yếu phẩm" vào cuối năm 78 mà tôi là người thấm thía trong cuộc.

      Khẩu phần lương thực hằng tháng của người lao động trí óc được 9 kg, lao động chân tay được 12 kg trong đó có 3 kg gạo, còn lại là bo bo, bột mì, mì sợi, khoai lang nửa sùng nửa úng. Nhà nào cũng "khoái ăn sang"; tới sở, tới trường Tào Tháo rượt chạy té khói!

      Trong khi đó bé gái cứ cố thò tay bốc khoai không được với mẹ, khóc ầm lên. Tôi lấy nửa củ đưa cho cháu trước vẻ mặt không vui của Báu.

      Chợt Báu chùng giọng xuống, quay lại chuyện cũ với vẻ mặt van lơn:

    - Cô, có phải em học trường Đồng Khánh không Cô? Giọng em càng tha thiết hơn.

    - Có mà, Cô có nói đó. Cô có dạy em môn Toán đó. Nói đi Cô!  Cô nói cho họ nghe đi Cô. Nói cho họ nghe em cũng có Cô, có Thầy, có trường, em cũng có bạn...

       Báu hướng đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía những người mà em gọi là "họ". Họ đây là một nhóm thanh niên đang làm sáo bằng cây hóp, trong đó có các con trai của Báu và chồng em - Nguyên là giáo sư một trường tư thục ở Huế; có lẽ là tổ trưởng của tổ hợp mành trúc.

      Lúc này giọng Báu bình tĩnh dần. Ánh mắt em chứa những tia nhìn van lơn như mong níu được cái phao cho một bằng chứng nào đó.

    - Cô nói đi Cô. Em có học với Cô mà, em có bạn mà!

    - Ừ, em có bạn chứ. Mấy con bạn xóm cột cờ, Cầu Đất, Tây Lộc, con Quý Hương, con Nhạn, con Hứa, Tịnh An, Thúy Hồng, Như Ngân v..v..Em còn nhớ không?

    - Dạ nhớ!

      Báu ngập ngừng nói cho lấy có, cố gắng mở đôi mắt không hồn nhìn khờ dại vào mắt tôi như cầu cứu ký ức mà tôi nghĩ đã bị tẩy xóa hầu như trọn vẹn của một kẻ tâm thần. Và Báu nhỏ giọng xuống:

     - Dạ em nhớ rồi. Em có bạn.

      Rồi bỗng la to:

     - Em là học sinh trường Đồng Khánh! Cô là Cô giáo Đồng Khánh! Báu đưa mắt về nhóm thanh niên đang nhìn, lặp lại: " em là một nữ sinh Đồng Khánh. Cô là giáo sư Đồng Khánh, Cô đến thăm em!”

      Niềm hãnh diện lớn lao vỡ oà trong tâm khảm, Báu khóc nấc lên, gục nghiêng mặt vào lưng tôi, nức nở từng tiếng đứt quãng, cũng không ngoài mấy từ "nữ sinh Đồng Khánh". Tôi nghẹn ngào cảm động, nước mắt rưng rưng, hết sức lúng túng mở miệng không ra nổi vài lời dù chỉ để phân chứng cho một kẻ mất hết trí nhớ nhưng vẫn còn nguyên vẹn niềm tự hào đã là một nữ sinh Đồng Khánh. Niềm tự hào đã được ấp ủ trong niềm sâu kín của tâm hồn từ lâu không được khơi dậy, không hề được chứng minh trong suốt cuộc sống hoàn toàn cách ly với khung trời tươi mát màu hoa Phượng sân trường ngày nào! Huống hồ một kẻ mất trí đầy mặc cảm, sống trong giai đoạn tối tăm của đất nước mà thức ăn vật chất đã quá gay go, nói chi đến những khiá cạnh tinh thần như những vuốt ve của lòng tự trọng.

 

      Ngồi thêm một lúc cũng chỉ để nghe Báu lặp đi lặp lại không chán mấy câu trên, tôi buồn bã ra về sau khi moi trong giỏ xách tặng Báu một số tiền của tháng lương vừa mới lãnh cùng với phần nhu yếu phẩm vừa mua được từ buổi học chính trị nghiệp vụ. Một gói bột ngọt nhỏ, một cái ruột xe đạp nhờ bốc thăm trúng nhưng lại là ruột xe Mini, trong khi xe tôi là loại 650.  

       Báu cầm mấy tờ giấy bạc lật qua lật lại, mở to đôi mắt ngơ ngẩn:

    - Răng Cô cho em ri?

      Ý hẵn em muốn tìm hiểu cái "lý do" của một tình thương, điều mà em ít nhận được trong cuộc sống của một kẻ đã mất phần trí nhớ.

 

      Cháu bé lại vói tay lên bàn, mon men lại gần dĩa khoai. Tôi cầm nửa củ khoai còn lại đưa cho cháu thì Báu giựt lại. Em cố nhét miếng khoai vào cái giỏ nylon tôi đang xách lên chào về.

      Giỏ nylon được dùng thay cho cái cặp xách đi dạy hằng ngày, để đựng cả nhu yếu phẩm phân phối từ trường học và tiện để móc vào ghi đông xe đạp. Tôi luồng tay vào giỏ lấy miếng khoai lang trả lại. Báu cũng biết tiễn tôi ra đường, lưu luyến vịn một tay lên ghi đông xe. Khi tôi buông tay treo giỏ để cầm ghi đông, Báu lẹ làng banh miệng giỏ thả lọt miếng khoai vào. Đến nước này thì tôi không thể từ chối được nữa, chỉ thay bằng một lời cám ơn. Một nụ cười sung sướng như nụ cười trẻ thơ khi chiến thắng nở xoè trên gương mặt mà trước đây còn tăm tối dại khờ!

      Vừa đạp xe chầm chậm, tôi vừa quay lại nhìn. Báu đang vẫy theo rất bình thường, đang cười vui vẻ cũng rất bình thường nhưng ai biết đâu trong cái vẻ bình thường đó lại ẩn chứa một cái gì không được bình thường!

      Quên đường xa với chiếc xe đạp cũ kỹ, cọc cạch; tôi miên man vui, xen lẫn chút bâng khuâng khi nghĩ đến một điều đơn giản có chăng mình đang đem lại cho người học trò cũ của mình vào những khoảnh khắc ít ỏi trong đời sống tinh thần dành cho một kẻ đã mất quá khứ!  

      Cùng lúc, tôi mang theo tâm trạng ra về với nỗi băn khoăn, thắc mắc nguyên nhân nào đã biến em thành con người mất trí. Phải chăng qua biến cố tháng 4-75 em đã chứng kiến cảnh đau lòng tử biệt lớn lao nào đó của thân nhân, hoặc kinh hoàng trong khi chạy giặc trước cảnh máu đổ, thịt rơi, hoặc... Tất cả chỉ là nghi vấn mà tôi không dám hỏi sợ khơi dậy trong em một ký ức đau buồn. Nó như một bài toán đầy ẩn khúc mà tôi, là một người dạy toán lại không thể nào lý giải ra cái đáp số ấy!

      Nửa củ khoai vẫn nằm im trong giỏ xách, tôi mang đi dạy hằng ngày, chen chúc cùng sách vở và những nhu yếu phẩm tạp loại cho đến khi khô héo!

     Hình ảnh"nửa củ khoai" đối với tôi là những ngọt ngào đắng chát thỉnh thoảng cứ dập dềnh trong ký ức, ray rức nhức nhối mỗi khi phải đổ bỏ thức ăn dư thừa ở xứ người.

     Dù hương vị ngọt ngào phải tìm ra trong đắng chát nhưng cái đắng chát của một thời gian khổ là cái sẽ hết, hình như đang hết và phải hết, trong khi cái ngọt ngào thì vẫn còn đâu đó.

 

      Đó là những kỷ niệm ấm áp, những phần thưởng nhỏ bé dễ thương; cái còn lại của cuộc đời nhà giáo mà tôi vẫn muốn nâng niu gìn giữ để làm hành trang cho cuộc đời về chiều của mình, trên lối đi và lối về.

 


Mùa 30- 4- 2013

Nguyên Hạnh HTD

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/08/2018(Xem: 62346)
Audio mp3: Đường Xưa Mây Trắng Tác giả: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Diễn đọc: Phật tử Chiếu Thành
14/06/2018(Xem: 10920)
Khoảng tháng 3 vừa rồi, Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác (Đức Quốc) gởi cho chúng tôi bản final cuốn Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa với lời dặn dò: viết Lời cuối sách. Đọc thư Thầy, chúng tôi vô cùng băn khoăn, lo lắng và hơi bị “ngộp” dưới cái bóng quá lớn và ảnh hưởng rộng khắp của Thầy. Chúng tôi “ngại” vì biết Thầy có nhiều mối quan hệ thân thiết với các bậc tài danh khắp nơi. Ngược lại, chúng tôi chỉ là kẻ sơ học nhiều mặt mà lại dám chắp bút viết Lời cuối sách này? Chúng tôi rất đắn đo trước cái vinh dự to lớn ấy, trước cái trách nhiệm nặng nề này. Nhưng rồi anh Văn Công Tuấn nhiều lần “trấn an”, khích lệ. Và rồi, lại nghĩ rằng, Thầy Như Điển có lòng ưu ái, thương tưởng và muốn tạo điều kiện cho chúng tôi trong bước đầu tập tễnh học Phật. Xin cung kính niệm ân Thầy; và cũng qua đây kính mong quý vị độc giả thông cảm và lượng thứ cho những thiếu sót và non nớt không sao tránh khỏi, dù đã có nhiều
03/06/2018(Xem: 6148)
Thật thú vị, và cũng thật hạnh phúc, khi được ngồi hầu dưới chân Mẹ, được Mẹ kể cho nghe những câu chuyện ngày xưa đẫm vị Đạo mà Mẹ vẫn còn nhớ như in, kể vanh vách, đọc lưu loát ở độ tuổi sắp thượng thọ bach tuế.
17/05/2018(Xem: 5483)
Tù binh bị đồng đội căm hận và báo thù đến chết, 60 năm sau, phát hiện từ một gốc cây gây chấn động nước Anh! Đi qua những tình tiết bất ngờ, câu chuyện về người tù binh chiến tranh dưới đây đã khiến người đọc thực sự hồi hộp. Mất 60 năm để mọi người biết sự thật, quãng thời gian thật dài!
12/05/2018(Xem: 3752)
Đường Lên Trại 6 Trần Thị Nhật Hưng Khi nhận lá thư của Hữu từ trại cải tạo miền Bắc, tôi chết sững như nhận tin tử trận của chàng. "Hoàng Liên Sơn, ngày …tháng… năm… Em yêu, Anh đã ra Bắc từ 3 tháng nay. Hiện nơi đây trời đã chuyển sang đông, khá lạnh. Nhưng em yên tâm, anh đủ ấm nhờ người bạn ở trại Suối Máu, Biên Hòa, đã cho anh một chiếc mền cũ, một áo len dày trước khi đi. Trại mới, chưa có lệnh thăm nuôi, khi nào có phiếu gửi quà, gửi cho anh ít mứt gừng thật cay và hủ mắm ruốc xào sả ớt là đủ. Ngoài ra còn tùy khả năng của gia đình gửi thêm các thứ khác… Nơi xa, anh chỉ mong mỏi một điều là em hãy cố gắng chờ anh, chu toàn mọi trách nhiệm và bổn phận trong gia đình, săn sóc Bố thay anh. Đó là thể hiện tình em yêu anh vậy.
09/05/2018(Xem: 12918)
Ở Ba La Nại thuở xưa Vua và hoàng hậu rất ư vui mừng Vừa sinh hoàng tử đầu lòng Đã bao ngày tháng cầu mong chuyện này. Thế rồi sau một ít ngày Vua mời thầy tướng đến ngay cung vàng Năm trăm vị đều giỏi giang Cùng nhau xem tướng cho hoàng tử con Xem tương lai khi lớn khôn Có thường tốt đẹp, có luôn an bình.
30/04/2018(Xem: 11058)
(Vần thơ đưa tiễn Phật tử Nguyễn Hướng Dương về cảnh giới an lành) Hôm nay ngày giỗ Tổ Hùng Vương Chợt nghe tin tức thật bi thương Một người giã biệt, đi theo Tổ Thôi, đã thôi rồi, Nguyễn Hướng Dương! Tôi nhớ khi xưa, em đến đây Trong một Khóa Tu để giải bày Kinh nghiệm trải qua bao sóng gió Gương sáng đời em, mấy ai tày?
29/04/2018(Xem: 10078)
Ngày xưa ở tại nước kia Có bà goá phụ Đề Vi rất giàu Chồng thời chết đã từ lâu Lại không con cái, u sầu mãi thôi Một thân goá bụa đơn côi Không người che chở, chẳng ai nương nhờ. Đúng theo phép thời bấy giờ Vì bà dòng dõi là Bà La Môn Nên khi cuộc sống u buồn Không như ý nguyện, lại luôn não phiền
21/04/2018(Xem: 6714)
Nhớ Thầy Là Nhớ Pháp, Kính dâng Hòa Thượng Thích Phước Đường, ( Bài của Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do PT Diệu Danh diễn đọc)
21/04/2018(Xem: 10428)
Ngày xưa có một nhà buôn Dẫn đoàn xe nọ lên đường đi xa Đem theo hàng hóa bán ra Lời nhiều muốn kiếm phải qua nước ngoài, Hành trình gian khổ kéo dài Một ngày đoàn tới ven nơi hiểm nghèo Bãi sa mạc nóng như thiêu Ban ngày cát mịn nóng nhiều như nung Đi ngang qua khó vô cùng Xe bò kéo nặng càng không dễ dàng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]