Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10. Anicca, Anicca, Anicca

11/06/201316:48(Xem: 3958)
Chương 10. Anicca, Anicca, Anicca

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 10

ANICCA, ANICCA, ANICCA[13]

Đường tới Pratapgarth đi ngược về Benares, nơi mà tôi đến vào lúc chiều tối. Tự xem mình là một Phật tử hành hương, tôi vô trú trong Burmese Vihar ở Benares, nhà nghỉ nằm gần ga xe lửa rất thuận tiện. Còn ba hôm nữa khóa học mới khai giảng nên tôi muốn lưu lại đây thêm một thời gian để thể nhập không khí đạo hạnh nhan nhản trong thành phố, nhứt là dọc theo bờ sông. Tôi trở lại bãi hỏa đàn để suy ngẫm về sự chết qua nhản quan Phật giáo mới của tôi; tôi thích thú lắm. Một chiều nọ tôi mướn xuồng qua bờ cát bên kia sông.. Bờ vắng, trừ vài người đang giặt hay phơi đồ dưới nắng nóng. Tôi cũng xuống giặt đồ và tắm mát; nước ở đây có vẻ sạch hơn bên phía thành phố. Tắm trong sông Hằng đuợc xem như đã tẩy tịnh. Tuy nhiên, đó không phải là động lực khiến tôi xuống nước và cũng không phải là ước vọng của tôi.

Ngày chót, tôi đi xuống Sarnath một lần nữa, lần này khác với lần trước vì những hiểu biết và lòng mộ đạo mới của tôi. Đền thờ chính mở cửa. Tôi vào xem các tranh vẽ trên tường mô tả các thời điểm quan trọng trong đời của Thái Tử Siddhartha. Tôi có cảm tưởng tôi gần gũi với con người của Đức Phật hơn và hiểu Ngài nhiều hơn khi Ngài xúc cảm cũng như đấu tranh để đạt sự toàn mỹ.

Có hai tu sĩ Tích Lan đang trụ trì tại chùa này. Tôi kể cho vị nói rành tiếng Anh rằng tôi dự tính sang viếng xứ ông để học thêm Phật pháp và nhứt là để học thiền. Ông rất niềm nở và khuyến thich tôi. Ông cho tôi tên của vài chùa lớn mà tôi nên viếng. Ông nói một trong các chùa này có thờ nha xá lợi (chiếc răng của Đức Phật) và đề nghị tôi đến lễ­ bái di vật thiêng liêng. Trước khi đi tôi ra góc phố tìm mua một số sách loại toát yếu nói về triết lý Theravada để đọc trên xe lửa và xe đò.

Trở lại Vihar chiều hôm ấy, tôi gặp một số hành khách sẽ đi cùng chuyến xe lửa tới Pratapgarth tối nay. Một trong số khách này là anh Stephen người Đức tôi có dịp gặp rồi lúc ở Athens và cũng là người đưa tin về Gail ở Gomera. Anh cũng đã đi Ấn và du lịch dã ngoại ở Nepal. Anh cũng vừa theo khóa thiền của Thầy Goenka ở Bodhgaya và, như nhiều người khác, đang dự tính theo học thêm khóa thiền minh sát kế tiếp. Anh ghi danh trước nên đã có thư chấp thuận rồi. Nhưng anh không thấy khỏe trong người nên sợ sẽ không theo nổi vì khóa học cần ngồi lâu.

Khóa sẽ khai giảng vào xế hôm sau. Có tin nói rằng khóa đã đầy và người đến tr­ễ có thể sẽ không được nhận. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Trên chuyến xe tối nay có nhiều nhóm nhỏ người Tây Mỹ cùng đến Pratapgarth với mục đích như tôi. Khóa được tổ chức tại trung tâm thiền mới cất ở ngoại ô thành phố bụi bặm này, bên kia cầu. Đến nơi, chúng tôi vào hàng dài chờ ghi danh--trả mười lăm đô la học phí và được chỉ định cho một chỗ ngủ nghỉ. Trong vài trường hợp học viên phải tự tìm xem mình được chấp thuận chưa. Tôi có tên trong danh sách chờ, đứng số 2 trong mười người. Tôi được khuyên nên chờ vì có thể sẽ có người bỏ chỗ vào giờ chót. Tôi phấn khởi bởi hy vọng nhiều. Tôi nằm lại ngay trên đống rơm, nóng lòng chờ đợi. Một tiếng sau, tôi nghe gọi tên cho biết tôi được nhận.

Nơi bàn ghi danh tôi gặp lại Stephen. Anh nói vừa rút tên vì cảm thấy yếu người và nghĩ mình bị viêm gan thành thử không nên dự. Như vậy sẽ có thêm một chỗ cho người trong danh sách chờ. Stephen nói anh sẽ về lại Benares tịnh dưỡng. Tôi hiểu ngay và chúc anh mau mạnh. Sau đó tôi đi về lều chỉ định, trải nóp ra trên thảm rơm như hồi ở Kopan, rồi ngả lưng. Tôi tự hỏi phải chăng nhờ Stephen bỏ mà tôi có chỗ. Tôi tội nghiệp anh nhưng tôi biết đó là sự vận hành của nghiệp quả.

Đây là lần đầu tiên khóa tu học được tổ chức nơi mới xây này, nơi mà công trình chưa thiệt sự hoàn tất. Do đó, học viên hoặc sống trong hai mươi phòng cá nhơn 4'x8' hoặc trong lều nhà binh lớn như ở Kopan. Mỗi lều chứa mười người; tôi ở trong một lều đó. Thiền đường chung là toà nhà chưa xong nhưng vẫn đưa vào sử dụng. Nền chỉ là một lớp rơm dày trải trên đất và xà ngang của trần còn nhiều cây tre cao chống đỡ.

Chuông rung mời mọi người đến thiền đường. Chúng tôi mỗi người đem theo gối và đệm của mình để lót ngồi trên nền rơm. Trong thiền đường nam nữ chia ngồi hai bên theo chiều dài. Chia hai phái là để tránh tình trạng các niệm không hay có thể dấy lên khi gần gũi. Người có sắc dục mạnh ngồi gần người khác phái có thể sẽ nảy sanh nhiều ý tưởng hay tưởng tượng vô bổ khả dĩ ngăn cản sự tập trung chú ý. Dầu chuyện không có xảy ra ở Kopan, tôi hiểu vấn đề rất rõ.

Học viên chúng tôi ngồi ngó lên phía có cái bục cao và đang im lặng đợi Thầy Sri U.N. Goenka đến. Thầy đến với bà. Bà mặc sà ri. Cả hai bước lên bục ngồi đối diện học viên. Tôi ngạc nhiên thấy bà tới với Thầy. Phải chăng là để cho biết thiền quán không có nghĩa là bỏ mặc gia đình hay thế giới như một số người lầm tưởng. Thầy lùn, tròn, tóc thưa chải gọn ghẽ, và râu cạo nhẵn nhụi. Thầy vận sà rong dài tới gót chân, loại y phục cổ truyền của Miến Điện và nhiều xứ Á Châu khác. Sà rong là một kiểu dhoti biến cải trang trọng của người Ấn. Nhìn chung Thầy có dáng dấp của nguời có học, tươm tất, đứng đắn, và đàng hoàng. Tuy nhiên tôi cảm thấy là lạ không biết tại sao người bụ bẫm và không có gì lôi cuốn như ông mà có thể là guru của hằng vạn tín đồ.

Thầy Goenkaji bắt đầu bằng cách tóm lược nhu cầu quy y Tam Bảo và thọ Ngũ Giới như cách để đối trị bản ngã và làm tâm không những không quá khích mà còn dễ­ chấp nhận những điều học hỏi. Chúng tôi lập lại theo Thầy ba lần chú nguyện cổ truyền bằng tiếng Pali của tông Therevada. Chú nguyện này khác với chú nguyện ở Kopan. Kế, Thầy nói về các giới luật trong khóa học. Phải tuyệt đối giữ im lặng trong lúc thiền--để giữ tâm tập trung và hướng nội. Không nên tập lối thiền nào khác hay luyện du già. Tôi có nghe nói tới các luật này lúc ở Bodhgaga nên đã chuẩn bị trước. Tôi có thể thấy lợi ích không nên pha trộn các cách thiền quán nhưng tôi không hiểu tại sao luyện yoga lại có hại. Thầy nói làm vậy sẽ tạo nên sự phân tâm vô ích và làm loãng phép nhứt-điểm-tập-trung[14] . Tôi không tin lắm nhưng tôi làm theo dầu có hơi chống đối lúc ban đầu; nghĩ cũng ngồ ngộ. Chiều, chúng tôi được ăn chút trái cây và uống ly sữa chớ không có ăn cơm. Tôi đã quen và rất thoải mái vì vào hai tuần chót tại Kopan tôi có ăn cơm tối lần nào đâu.

Thầy chia khóa 10-hôm ra làm hai giai đoạn. Ba hôm đầu giúp khóa sinh phát triển nhứt-điểm-tập-trung còn bảy ngày sau học thiền minh sát. Thiền minh sát có nghĩa dùng định lực quán chiếu vào tánh chân thực hay cơ bản của thân, tâm và vạn thể, nhìn chúng thật như là chúng chớ không phải như mình đã được dạy, lý gỉải, hay mong cầu. Cái nhìn tường tận và xuyên thấu ấy đòi hỏi sự tỉnh thức an tịnh và rốt ráo khả dĩ khám phá được những gì đang xảy ra trong thân một cách liên tục và từng giây từng phút. Kỹ thuật dùng để phát huy sự tỉnh thức đó là Anapanasati[15], từ Pali có nghĩa cảm nhận luồng không khí thở ra thở vô ngay ở chót mũi. Chúng tôi bắt đầu tập thở như vậy ngay trong đêm học đầu tiên.

Sau phần nhập môn khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi nghỉ giải lao bằng sữa và trái cây. Tiếp theo, chúng tôi trở vô thiền đường để tập thở anapanasati lối một tiếng, như đã được chỉ dẫn. Chúng tôi phải tập ngồi tréo chưn trong thế hoa sen, lưng thẳng đứng, đầu nhìn tới trước, hai bàn tay chồng lên nhau và đặt lên đùi. Chúng tôi phải đặc biệt chú ý đến cảm giác do hơi thở ra vô ngay trên chót của hai lỗ mũi. Cảm giác ấy có thể là hơi ấm của khí thở khi khí chạm vách trong của hai lỗ mũi hay là ngay trên môi trên. Cũng có thể là cảm xúc như kim châm làm ngưa ngứa vùng mũi vừa nói. Chúng tôi không được nghĩ ngợi, diễ­n giải, hay có phản ứng, mà chỉ quan sát hay cảm nhận mỗi khi cảm giác hiện biến, đến rồi đi. Khi tâm bị xao lãng vì mơ màng, tê nhức, hay bất kỳ lý do nào khác, chúng tôi phải đưa định lực tỉnh thức trở lại chót mũi và bắt đầu quan sát tiếp. Đối với thiền sinh mới, Thầy cho biết, tâm thường lao xao rất nhiều lần trong một giờ thiền, nhưng xin đừng bực bội và nản chí. Công phu thực tập sẽ giúp tâm thư giãn và lắng đọng, cũng như sự tập trung hơi thở vào chót mũi sẽ gia tăng.

Tôi quen ngồi thiền Tây Tạng hằng giờ để suy tư và tưởng tượng. Bây giờ tôi không được nghĩ mà chỉ nghe và cảm nhận một cách tỉnh thức. Tôi còn thói quen suy nghĩ nên thỉnh thoảng bị vướng vô các chuỗi suy tư lê thê. Trong giờ thiền đầu tiên, tôi chỉ tập trung được tổng cộng chừng mười lăm phút, khoảng 15-30 giây mỗi lần. Rất may có Thầy Goenka kế bên nhắc nhở phải ý thức hay cảm nhận hơi thở đang ra vô nơi đầu chót mũi, nếu không tôi đi lạc tuốt !

Một giờ gần cạn, có nhiều tiếng trở mình. Tôi cũng bị khó chịu và có đổi thế ngồi nhưng kín đáo chớ không nghe thành tiếng như một số bạn khác. Chuông báo hiệu giờ thiền đã mãn. Mọi người đồng thanh xướng "Sadhu, Sadhu, Sadhu" bằng giọng kéo dài. Sadhu[16] là tiếng Miến Điện và Tích Lan mà Phật tử địa phương dùng để nói lên sự tốt lành. Đó là cách thông thường chúng tôi chấm dứt buổi thiền tập.

Trước khi kết thúc buổi học tối, Thầy Goenkaji tụng vài đoạn kinh Pali và chú nguyện từ bi (lời của Thầy viết ra) gọi là 'Metta.' Sau đó Thầy nguyện: "Mọi chúng sanh xa lìa sân hận, tà tâm, ganh ghét, kiêu căng, và tự phụ. Mọi chúng sanh được tốt lành, an bình và hạnh phúc." Lời Thầy du dương và truyền cảm. Chúng tôi ngồi lặng thinh trong trạng thái thiền định. Tâm cảm nhận của chúng tôi dường như bị thu hút bởi lời nguyện đầy chân tình và giọng nói hiền hòa của Thầy. Mọi buồn phiền đối với bất cứ ai hầu như tan biến. Tâm cảm nhận của chúng tôi dường như bị thu hút bởi lời nguyện đầy chân tình và giọng nói hiền hòa của Thầy. Mọi buồn phiền đối với bất cứ ai hầu như tan biến bởi tiếng cầu xin chân thật và thiết tha của Thầy: Thầy xin tình thân hữu và tình thương hòa đồng của mọi chúng sanh. Đó là 'Từ--Metta,' một hình thức thiền định phổ thông trong các quốc gia tu Phật theo tông Theravada. Chúng tôi mở rộng tâm nhận Metta và chuyển Metta đến vạn hữu. Tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với công phu tu hạnh Bồ Tát.

Trong hai ngày kế tiếp, khả năng chú ý đưa hơi thở lên mũi của tôi khá dần ra. Tâm tôi bớt lao xao và thân tôi thêm thư giãn. Nhịp thở của tôi chậm lại rất nhiều và tôi khó nhận ra luồng không khí ra vô qua mũi. Trong những lúc an tịnh sâu lắng như vậy, tôi cảm thấy thân tâm mình nhẹ bỗng như lông hồng. Dường như không còn phiền não và mọi việc đều tuyệt hảo. Thỉnh thoảng tôi cảm nhận như có luồng sinh lực ấm áp lan tỏa khắp châu thân tương tợ những làn sóng nhỏ trườn nhẹ lên bãi. Đôi khi tôi cảm thấy có đốm sáng như sao trên vòm trời đen hay như lửa đom đóm trong đêm tối hiện ra sau làn mi nhắm kín. Lần khác tôi thấy một thứ ánh sáng dịu lóe trong đầu. Những hiện tượng ấy hiện biến trong vòng đôi giây nhưng khá thường xuyên ở khoảng nửa tiếng sau của giờ thiền.

Trong thời vấn đạo, tôi hỏi Thầy về các hiện tượng nói trên. Thầy nói đó cho thấy tâm tôi tương đối tĩnh lặng và tôi tương đối thành công trong việc tập trung tâm ý. Nhiều bạn khác tường trình nhiều hiện tượng tương tự, có khi còn tuyệt diệu hơn. Thầy khuyên chúng tôi nên thận trọng và đừng vội quan trọng hóa vấn đề vì làm vậy chúng tôi sẽ bị phân tâm và sẽ gặp trở ngại trong công phu thiền.

Trong những ngày đầu tiên ấy, Thầy Goenkaji nói pháp liên hệ đến sự phát triển của tâm theo quan điểm Theravada. Thầy giải thích tỉ mỉ sự chuyên cần giữ năm giới và cho biết tại sao đời sống luân lý thích ứng với công phu hành thiền và cuộc sống hằng ngày nói chung. Thầy nhấn mạnh đến sự phải có đức tin vững chắc nơi Tam Bảo để giữ đúng con đường đạo pháp.

Thầy nói đến những khác biệt giữa lời dạy của Phật và kinh sách thần quyền, lưu ý chỗ Tứ Diệu Đế được đặt trên sự quán xét nội tâm và thực tại một cách trực tiếp và thâm sâu. Phật giáo không hướng về tương lai, không tìm hạnh phúc ở thế giới xa xăm của ngày mai. Phật giáo quan tâm đến việc tạo dựng thiên đàng ngay trên quả đất này, bằng cách đem sự toại nguyện,, sung sướng và hạnh phúc trọn vẹn ngay tại đây và hôm nay. Thâm tâm của chúng ta là một phòng thí nghiệm lưu động trong ấy chúng ta có thể quán chiếu bản thể chân thật của chúng ta. Hai dụng cụ tâm linh giúp chúng ta trong việc quán chiếu này là sự tập trung hay an định tâm (samatha) và sự minh sát (vipassana) khả dĩ thấu hiểu những gì đang xảy ra. Tập trung giống như điều chỉnh kính hiển vi để nhìn thấy rõ mẫu vật quan sát. Quán định như là đôi mắt giúp nhà khoa học quan sát và xét nghiệm những yếu tố tiềm ẩn và những cử động của mẫu thí nghiệm. Bằng cách như vậy, Đức Phật đã đạt được sự quán sát sâu thẳm vào bản thể của thân và tâm, và ngộ được sự thật tối hậu của cuộc sống.

Đến chiều ngày thứ ba, khóa học chuyển sang thiền minh sát. Thầy Goenkaji hướng dẫn chúng tôi quán xét thân y như tôi đã nghe Jim mô tả lúc ở Tatopani. Chúng tôi bắt đầu bằng cách tập trung định lực vào một điểm lớn bằng chừng đồng tiền 25 xu trên đỉnh đầu. Đồng thời chúng tôi thức tỉnh xem có cảm giác gì khác lạ không. Tiếp theo chúng tôi đưa định lực này xuống tai mặt và quan sát như đã dạy. Rồi sang tai trái, mũi, mắt, miệng, cằm, cổ, ót, hai vai, hai tay, đến các ngón tay. Bằng giọng nói trầm cảm như thôi miên, Thầy hướng dẫn tiếp, đi từ ngực xuống bụng, sang hai bên mông, hai chân cho tới các ngón chân. Ở mỗi nơi chúng tôi quan sát mọi thay đổi nếu có. Quán xét trọn thân thể mất chừng một tiếng.

Nhờ có Thầy chỉ dẫn từng ly từng tí nên tôi theo rất dễ­ và tôi có thể đưa định lực mình trở về điểm tập trung mỗi khi Thầy nhắc nhở. Tôi cảm thấy tâm tôi như lao tới lao lui giữa các điểm. Thầy Goenkaji hướng dẫn thêm vài lần nữa cho tới khi chúng tôi nhớ hết diễn tiến.

Khi khả năng nhận biết các cảm giác đã nhuần nhuyễ­n, chúng tôi được dạy đưa định lực tỉnh thức mình một cách tổng quát hơn mà Thầy gọi là 'quét--sweeping.' Chúng tôi 'quét' từ đầu xuống châu thân không dừng lại một điểm nào cả. Khi đến đầu ngón chân, sự quán sát được đưa trở lên đỉnh đầu và 'quét' lại. Chừng tập thuần thục rồi, chúng tôi có thể 'quét' từ chân lên đầu hay từ đầu xuống chân và 'quét' nhiều lần như vậy. Sau khi 'quét' lên xuống một đỗi, chúng tôi có cảm tưởng như toàn thân thể chỉ là một khối cảm giác đang thay đổi.

Một đêm nọ, trong buổi nói pháp, Thầy Goenkaji giảng kỹ về quan niệm Vô Thường. ­Vô thường là tiến trình của sự thay đổi không ngừng hay là của những thay đổi không ổn định mà tất cả hiện tượng vật chất hay tinh thần đều phải trải qua. Vật chất kể cả thân thể gồm bốn nguyên tố căn bản là Đất, Nước, Gió, và Lửa. Những nguyên tố này phối hợp theo nhiều tỷ lệ khác nhau tạo nên nguyên tử, phân tử, tế bào, mô, xương, vân vân của thân thể. Chúng thay đổi triền miên và tế bào sanh diệt hằng giây. Sự tiếp xúc, cử động và phản ứng với nhau tạo ra cảm giác và cảm thọ mà chúng ta chứng nghiệm.

Nhờ vào định lực tỉnh thức của thiền minh sát, chúng ta quay về quán xét thấu trong thân, đến tận lãnh vực hoạt động của tế bào hay nguyên tử. Và, chúng ta chứng nghiệm được tánh vô thường của thân. Chúng ta thấy rằng thân của con người cũng như tất cả thế giới vật thể chỉ là những tập hợp của bốn nguyên tố vô ngã ấy. Mục đích của sự quán xét này là để giúp chúng ta thức tỉnh hầu hiểu biết tiến trình thay đổi của vạn vật và cảm nhận chớ không nắm bắt cảm giác đến rồi đi của khổ cũng như lạc. Thậm chí chúng ta cũng không nên cố giữ cảm thọ vui sướng[17] vì chúng cũng chỉ thoáng qua. Nắm giữ chúng chỉ tạo thêm khó xử, phiền toái, khổ đau, và thất vọng. Theo định luật thiên nhiên, có sanh thì có diệt. Tất cả đều vô thường. Tâm buông xả, không vướng mắc vào vô thường là tâm thật sự an tịnh.

Ngoài tính vô thường của thân, thiền minh sát còn giúp chúng tôi hiểu thế nào là tính vô thường của tâm. Lúc 'quét' chúng tôi nhận thấy nhiều ý tưởng, cảm thọ, cảm giác và tập quán tự dưng đến không sao kiểm soát hay kiềm chế nổi. Do đó, chúng tôi bắt đầu nhìn cuộc sống dưới một góc độ khác: cuộc sống phải thuận với quy định tự nhiên trong nội tâm và ngoại tại. Và, chúng tôi có cảm tưởng mình ít bị kiến chấp chi phối hơn để có thể tạo thêm không gian tâm linh và trí huệ khả dĩ giảm thiểu buồn phiền và sầu muộn mà chúng tôi tự mang vào thân mỗi ngày. Trong lúc thiền tập thể, Thầy Goenkaji thường dùng chữ Anicca, Anicca, Anicca--mỗi khi chúng tôi quên hay đi lệch hướng. Lúc kết thúc Thầy thuờng tụng một bài kệ bằng tiếng Pali mô tả trí huệ liên quan đến thiền quán: "Vạn vật tùy duyên đều vô thường; ai thấy được bằng huệ nhãn, người ấy đang trên đường tẩy tịnh."

Trong lúc hành thiền 'quét', tôi cảm thấy thân tôi thêm thư giãn và tâm tôi thêm định lực. Tôi cảm nhận được cảm giác trong nhiều lãnh vực và dưới nhiều mức độ khác nhau. Dường như tôi đang khám phá và khảo sát một thực tế toàn diện riêng biệt trong thân tôi và tôi rất thích thú được quán sát nó. Tôi thể nghiệm nhiều cảm thọ vui sướng cũng như buồn đau. Cảm giác đau thường thấy nơi bàn tọa, đầu gối, mắt cá, và xương sống vì ngồi lâu. Lúc hành thiền Tây Tạng, tâm tôi bận rộn với suy tư và không để ý tới thân, nên tôi quên hẳn đau nhức. Hay là tôi tự động trở mình nên không bị khó chịu. Trong phép thiền minh sát này, mục đích là quán xét thân với tất cả cảm giác nhỏ nhặt nhứt, nên chi đau nhức hóa ra dễ­ nhận diện, chớ không thể bỏ qua hay quên đi. Tôi nhận thấy tâm tôi có kháng cự và tôi phải vất vả đè nén.

Mỗi sáng thức dậy lúc 5:00 giờ, chúng tôi ngồi lại tại chỗ để tập 'quét' ít nhứt một tiếng cho đến lúc ăn sáng. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi cũng 'quét', nhưng nằm. 'Quét nằm' giúp tạo nên một dòng cảm thọ tịnh lạc khắp thân tâm và được xem như tẩy tịnh cũng như quét rác ra khỏi nhà. Tôi có cảm giác d­ễ ngủ hơn. Thầy Goenkaji cho rằng thiền quán như vậy có thể chữa được một số bịnh, nhứt là chứng nhức đầu đông. Nghe nói nhiều người thực tập phương pháp 'quét' này hằng ngày thấy áp huyết hạ và khối u xẹp.

Tiếp theo, Thầy Goenkaji giảng về 'quyết tâm ngồi'. Vào thời điểm này chúng tôi phải nguyện quyết tâm giữ thân hoàn toàn bất động. Tập không cử động một mảy may nào trong suốt một giờ ngồi thiền, Thầy nói, là để làm tăng sự tập trung và nâng cao sự tỉnh thức. Tê nhức chắc chắn sẽ khó chịu vì chúng ta ép xác, nhưng về lâu về dài chúng ta sẽ đạt được sức mạnh tinh thần. Nếu không nhiếp tâm nguyện--chuyện thường xảy ra cho người mới học thiền--sự tỉnh thức và dũng cảm sẽ không đủ cao để có thể khắc phục ý muốn thông thường là 'loại bỏ đau nhức'. Nhứt quyết ngồi như vậy cũng sẽ giúp chúng ta quán chiếu sâu vào trong bản chất tối hậu của cảm giác đau nhức. Tôi nhận thấy công phu thiền quán này rất sâu sắc và hữu ích. Trong thời gian nguyện tôi có dịp trực diện với tê nhức và nhận thức rằng hoặc rán ngồi với cái đau hoặc tìm cách loại nó. Như đã được dạy, tôi tinh cần quán xét thân thể như là một tập hợp vô ngã của bốn nguyên tố (tứ đại) và cảm giác sanh rồi diệt. Nhờ vậy tôi thấy càng lúc càng bớt khó chịu, đau nhức mỗi lúc mỗi bớt dần và 'không gian tâm linh' càng ngày càng phát lộ. Trong khoảng không gian ấy tôi có thể nhìn thấy rõ ràng hơn các mối liên hệ giữa tâm và thân trong vấn đề đau nhức. Nếu chúng ta xem thân như 'cái tôi' hay 'của tôi', tâm chúng ta sẽ có những phản ứng tự phát thông thường với mọi kích thích và cảm giác xảy đến. Qua duyên khởi, tâm sẽ nhận diện một số cảm giác như thoải mái và một số khác như không thoải mái và phản ứng thuận hay nghịch tùy trường hợp.

Quán sát tâm như một tập hợp của tứ đại còn làm giảm thiểu mối liên hệ giữa thân và tâm. Biết vậy, tôi bắt đầu thực nghiệm sự giảm bớt đau nhức. Cảm giác vẫn còn nhưng không rõ nét và sâu đậm vì đến rồi đi vào trong hậu trường của sự tỉnh thức vô tham (detached awareness). Tôi không còn để ý tới chúng nữa và có thể ngồi hằng giờ không cần xoay trở. Tôi thầm cám ơn và vui thích nghe lời Thầy nhủ Anicca, Anicca, Anicca vì hiểu rằng quan niệm về đau và phản ứng với đau (vui thú cũng vậy) chỉ do nơi tâm mà ra. Thế mới biết tại sao con người có thể tự tạo ra thiên đường hay địa ngục cho chính mình ngay trong cuộc đời này. Với những nhận thức đó, tôi bắt đầu thấy được đâu là cốt lõi của công phu hành thiền mà tôi đi tìm bao lâu nay. Tôi cảm thấy sung sướng và say sưa theo đuổi. Tôi quyết xem mỗi giờ tọa thiền như một lời nguyền. Và tôi thật sự cảm kích lời bi nguyện mà Thầy Guruji hồi hướng hằng đêm.

Sau một giờ ngồi thiền thường lệ, nếu ai muốn ngồi thêm cho đến lúc giải lao thì cứ tự tiện. Nhiều lúc tôi ngồi lại lâu hơn vì muốm xem tôi có thể chịu đựng tới mức nào, chịu đựng các đau nhức như buốt nơi đầu gối và sau lưng mà tôi thường thấy sau bốn mươi lăm phút hay một giờ ngồi bất động. Một lần nữa 'cái tôi' của tôi bắt tôi vào cuộc tranh đua xem ai ngồi lâu hơn ai. Nhiều người không chịu nổi phải bỏ cuộc ra ngoài. 'Cái tôi' của tôi tâng tôi lên làm 'ông vua ngồi' và buộc tôi phải ngồi lâu hơn ít ra là một bạn nữa. Tuy biết đó là một sự nung chí không chánh đáng nhưng tôi có dịp tập ngồi lâu hơn--mọi thứ đều có thể giúp ích. Tôi cố ngồi càng lâu càng tốt, nhưng đến lúc không kham nổi tôi cũng 'ao[18]' và ra ngoài tìm không khí mới.

Một lần nọ, tôi thành nhà vô địch. Tôi ngồi suốt hai tiếng với định tâm và tỉnh thức cao. Tôi có bị tê nhưng tôi bình tâm cố nén. Bất thần sự tỉnh thức của tôi vượt qua khỏi rào đau nhức vào trong cõi an tịnh. Tôi không còn cảm thọ nào về tự thể và cả các cảm giác sanh diệt của mình. Tôi có cảm tưởng như đang lơ lửng giữa không trung và không có trọng lượng. Tôi thấy luồng ánh sáng dịu lóe trong đầu dẫu ranh giới giữa đầu và thân không còn nhận ra. Tôi không thể cử động cũng không thể suy nghĩ. Tôi đang thức tỉnh kỳ diệu trong im lặng dầu không có gì nhiều để tỉnh thức.

Vào những ngày chót của khóa học, bịnh đường ruột của tôi trở lại. Tôi bị bịnh này hồi ở Afghanistan nhưng đã được chữa khỏi rồi, chỉ còn đi chảy đôi khi mà thôi. Nay không biết sao nó lại tái phát. Tôi hơi lo vì sợ phải bỏ lỡ khóa học nếu bịnh tệ hơn. Ngoài ra, cầu tiêu ở đây không mấy tiện nghi bởi được xây gấp rút cho khóa học và không đủ chỗ cho số đông--chỉ có ba cầu. Sáng sớm hay khi nghỉ giải lao thường có hai ba người chờ trước mỗi nhà cầu rồi. Một sáng nọ, tôi dậy theo tiếng chuông báo thức, tôi cần đi cầu và lật đật xách khăn chạy u ra nhà vệ sinh gần lều để rồi thất vọng vì đã có người đợi rồi. Không thể chần chờ, tôi ngó quanh tìm chỗ và thấy một bụi sau lều. Tôi chạy đại ra đó không cần nghĩ suy. Nhưng hỡi ôi không còn kịp nữa; chiếc quần vải của tôi đã bị ... rồi không còn cứu vãn nổi. Không muốn giặt để xài lại, tôi bèn dùng quần lau sạch và chôn luôn quần sau đám cây. May tôi có quơ theo cái khăn nên lấy quấn đỡ rồi rón rén về phòng hy vọng không ai thấy hay nghe mùi lạ. Tôi mừng thấy các bạn mình hoặc còn ngủ hoặc đã ra ngoài. Tôi vội tròng chiếc jalaba vô và ra phòng tắm. Xong, tôi trở về lều cùng các bạn ngồi thiền. Không cần nói ai cũng biết tôi không sao tập trung được. Tôi nơm nớp lo mùi lạ từ bụi rậm bay vô hay cái quần dơ bị chó đánh mùi bươi lên; hai niệm này phát khởi và tồn tại chớ không ra đi.

Trọn buổi sáng tôi không tài nào tập trung quán niệm. Tôi cứ nhớ tới việc đã xảy ra và cảm thấy lo lắng. Có lần tôi thấy câu chuyện hơi khôi hài và bật cười một mình cùng lúc tôi quay lại khúc phim khôi hài đó trong đầu. Tôi thật tình hy vọng đoạn phim kia sẽ không bao giờ tái di­ễn. Không có, nhưng tôi không dám ngồi rán nữa vì phải lo xếp hàng để giải quyết nhu cầu thiết yếu trước.

Vào ngày chót, Thầy Goenkaji thuyết về Bát Chánh Đạo và Đạo Đế của Tứ Diệu Đế. Đó là toa thuốc của Phật kê đơn sự suy tư và quán niệm tuyệt diệu khả dĩ giúp hành giả chứng ngộ sự tự do tối thượng trong đời sống và sự giác ngộ tối hậu. Có cả thảy tám hình thức tu luyện thân tâm, thể hiện trọn vẹn sự hành trì Phật pháp trên bình diện thực tiễn. Con đường tu (Đạo) của Phật dạy bắt đầu bằng Chánh Niệm. Hành giả phải có ít nhứt tri giác để hiểu Tứ Diệu Đế, đặc biệt là hiểu luật nhơn quả cùng những giềng mối liên hệ đến tâm và khổ. Chánh niệm được xem như động lực tiên khởi thúc đẩy việc tìm cầu tâm linh hay ít ra là để làm sáng tâm và cuộc đời. Chánh niệm được nối tiếp bởi Chánh Kiến. Hành giả phải thường xuyên nghĩ tới Phật pháp, mong cầu đạt sở nguyện và gạt bỏ mọi ý tưởng cũng như hành động không lành. Hiểu đúng và mong cầu tốt phải được đưa vào cuộc sống hằng ngày bằng cách hành trì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng.

Bát chánh đạo được ví như tám cây căm của bánh xe. Tất cả phải tốt như nhau để bánh xe có thể lăn êm ái và hữu hiệu. Nếu một căm bị yếu hay thiếu, bánh xe sẽ khập khểnh. Hành trì Bát chánh đạo cũng thế, phải tốt như nhau vì tám đường chánh hỗ trợ lẫn nhau. Khi sự hiểu biết và tinh cần phát triển thì sự hành trì Phật pháp sẽ có đà tiến tới cho đến khi đích là Niết Bàn được đạt. Đức Phật đã gọi buổi thuyết pháp đầu tiên của Ngài trong Vườn Lộc Uyển ở Sarnath là 'Chuyển Pháp Luân'.

Được nghe những lời dạy đơn giản, rõ ràng và đầy ý nghĩa của Tiểu Thừa và được hành thiền như đã học hỏi, tôi hiểu đạo Phật và cuộc đời một cách thâm sâu hơn. Bát chánh đạo là một tiến trình từng bước rất hợp lý và toàn vẹn giúp tâm đạt được giác ngộ. Tuy nhiên hành giả phải tự bắt đầu và tự đi; Phật chỉ là người chỉ đường. Thật vậy, trước khi nhập diệt, Đức Phật từng nói lời sau cùng với các tỳ kheo và cư sĩ đang khóc biệt ly rằng: "Ta đã trình bày tỉ mỉ Phật pháp bằng nhiều cách, không có gì dấu diếm; hảy về nương tựa nơi Phật pháp; đốt lên ngọn đèn Phật pháp trong tâm; đừng nhờ ai cứu rỗi. Duyên sanh vạn hữu đều vô thường; hãy tinh tấn tự cứu mình." Đó là con đường tôi bắt đầu thấy và sẽ theo. Tôi lần hồi nghiêng về Theravada hay Hinayana, có thể Lạt Ma Zopa và Lạt Ma Yeshe sẽ phải lắc đầu, nhưng tôi không biết làm sao hơn.

Ngày giờ hình như đi qua quá nhanh. Tôi bàng hoàng khi nghĩ tới lúc ra đi trong vài hôm sắp tới. Tôi sẽ phải rời môi truờng định tỉnh của trung tâm thiền này để trở lại quang cảnh thành đô hỗn độn của xứ Ấn, đôi co với phu xe, và bon chen trong nhà ga xe lửa. Ngay ngoài vòng rào của khu này đã có nhiều người Ấn Độ hiếu kỳ thường xuyên chỏ mắt nhìn vào rồi. Họ đứng hằng giờ để xem chúng tôi trong này đi tới lui lúc giải lao, xếp hàng chờ cơm, hay ngồi chụm năm chụm bảy dùng bữa ngoài sân. Tôi tức cười khi nghĩ các người dân quê mùa mộc mạc này lấy làm lạ không biết bọn da trắng ngoại quốc chúng tôi đang làm gì trong rào. Nhiều lúc tôi thấy thương hại họ và tôi không quên cầu phước cho họ trong lời chú nguyện Bồ Tát khi kết thúc ngày học. Trong lúc Thầy Goenkaji ru hồn chúng tôi bằng Metta, tôi xin phép được thêm vào lời niệm Phật. Tôi nghĩ chắc không có gì sai trái, ngược lại tôi có cảm tưởng phối hợp lời nguyện Bồ Tát và Phật rất cao đẹp.

Vào đêm chót Thầy Goenkaji thuyết về tâm Từ (Metta) và hướng dẫn chúng tôi thiền quán về đề tài này. Bài giảng của Thầy rất hứng khởi và buổi thiền tập dài hơn mọi khi. Chúng tôi chú tâm nghe và thực tập tinh tấn. Tôi vô cùng vui sướng đến rơi nước mắt. Nhiều bạn đồng khóa khác cũng có cảm giác tương tự vì giọng nói truyền cảm của Thầy làm tình cảm của mọi người dâng trào. Hơn thế nữa, Thầy chúng tôi đang chân thành và rộng tâm hồi hướng công đức từ bi cho chúng tôi cùng tất cả chúng sanh trong cõi Ta Bà này.

Sáng hôm sau, Thầy Goenkaji kết thúc khóa học bằng những lời khuyên thiết thực giúp chúng tôi tiếp tục tự hành thiền minh sát về sau. Thầy nói hiện nay có nhiều thầy dạy nhiều cách thiền quán khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi không nên pha trộn vì pha trộn sẽ không ích lợi mà khó đạt thành chánh quả bởi hành giả sẽ phải đổi cách liên tục, bị rối tâm, và khó quy tụ định lực. Nếu thấy rằng phương pháp thiền minh sát này có tác dụng phá chấp và giúp soi rọi được nội tâm, chúng tôi nên giữ lấy và triển khai triệt để thay vì bôn ba chạy tìm học các phương cách khác.

Thầy đề nghị chúng tôi nên ngồi thiền hai lần mỗi ngày dầu chúng tôi có đi đâu, như hồi hương, tiếp tục du lịch, hay trở về đời sống hằng ngày. Lý tưởng nhứt là ngồi thiền một tiếng ngay sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Đừng quên phần hồi hướng từ bi khi kết thúc giờ thiền. Bấy nhiêu tạm gọi đủ để duy trì lợi lạc, nuôi dưỡng định lực và tăng gia trí huệ cũng như phá chấp. Mỗi năm nên tham gia ít nhứt một khóa học tập trung chừng mười hôm có thầy dạy hay một khóa tự học để bồi dưỡng kiến thức và hành trì chuyên sâu hơn. Thực tập tối thiểu như vậy được xem như đầy đủ đối với người cư sĩ tu tại gia bởi họ không thể thiền quán liên tục như các vị xuất gia vào rừng tu. Thầy cũng khuyên chúng tôi nên giữ năm giới trong đời sống hằng ngày để cuộc sống bớt tội lỗi và cho tâm được thoải mái hơn.

Trước khi mãn khóa, mỗi chúng tôi đều có cơ hội gặp riêng Thầy để cám ơn người đã rộng lòng dạy dỗ Phật pháp cho chúng tôi và cũng để­ mỗi người chúng tôi có dịp giải tỏa thắc mắc nếu có. Tôi thưa với Thầy rằng phương pháp thiền 'quét' đã thay đổi trọn vẹn cách hành thiền của tôi và tôi chân thành cảm tạ Thầy. Tôi cũng có hỏi chớ tôi có thể dạy lại người khác không--tôi nghĩ tới ba má tôi. Được, Thầy trả lời, nhưng tôi không nên thay đổi mảy may nào mà nên chỉ dẫn đúng y như tôi đã học từ nơi Thầy. Thầy còn khuyên tôi không nên tự xem mình là thầy mà nên kiên tâm thực hành cho mình để đạt kết quả mong muốn. Tôi cung kính chắp tay cúi đầu theo thông lệ và cáo từ trong niềm vui mới. Bây giờ tôi sẵn sàng lên đường.

Trong những ngày học chót, những lo lắng chuẩn bị cũng như các ước mơ sẽ làm gì trong thời gian sắp tới thuờng đến với tôi dầu tôi cố đẩy chúng ra một bên. Nhưng sau cùng tôi quyết định đi Goa. Đã vào đầu tháng Hai rồi. Tiết Đông dịu mát và dễ­ chịu sắp chấm dứt nhường chỗ cho khí trời nóng bức và ẩm thấp tràn về miền biển phía Nam Ấn Độ. Tôi hy vọng sẽ được một tháng thoải mái, sống lõa thân trên bờ biển và tiếp tục thiền quán. Tôi cũng sẽ luyện du già mà tôi phải bỏ hồi gần đây vì khóa học. Thầy Goenkaji nói luyện du già không sao, nhưng không nên quá bận tâm với thể xác mà không còn đủ thì giờ cho thiền quán. Từ Goa, tôi có thể sẽ đi Tích Lan để theo học thêm trong những trung tâm thiền. Nhưng việc trước nên làm trước: tôi sẽ cùng một số bạn đồng khóa lấy xe lửa đi Benares và trở lại ở đằng Burmese Vihar.

Tôi có gặp một ít du khách Tây Mỹ và được họ chỉ cho đường đi tốt nhứt xuống Goa và tôi đã xếp đặt xong xuôi mọi việc. Tôi sẽ đi xe lửa xuống Bombay rồi từ đó lấy tàu qua Panjim, thủ phủ của Goa. Trên đường xuôi Nam tôi sẽ tạt qua viếng các động cổ Phật giáo vĩ đại ở Ajanta mà hầu hết du khách đều ngợi khen và cho rằng không thể bỏ qua nếu đang ở trong vùng. Tôi nghĩ tôi là một Phật tử đi hành hương nên chuyện đến viếng Động Ajanta rất là hợp lý và thú vị vậy.



[13] Tiếng Phạn có nghĩa Vô Thường (nd).

[14] Nguyên văn của tác giả là one-pointed concentration.

[15] Sổ Tức Quán, Quán Hơi Thở (nd).

[16] Tiếng Hán Việt là Thiện Tai. Cũng thường nghe nói Lành thay. (nd)..

[17] Lạc thọ.

[18] Tiếng Anh Out có nghĩa là ra ngoài (nd).


---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2015(Xem: 4690)
Một trong tôn giáo cổ xưa Có thầy tu nọ rất ưa tế thần Tuy ông nổi tiếng xa gần Nhưng mà mê muội tâm thần nhiều thay. Một hôm ông chọn dê này Cho rằng thích hợp, giết ngay tế thần Nghĩ suy lầm lạc vô ngần:
25/01/2015(Xem: 6605)
Tác phẩm Một Đóa Sen, được diễn nói về vận hành tầm sư học đạo của Sư bà Thích Nữ Diệu Từ, thật là gian truân trăm bề, được thấy từ khi mới vào “Thiền Môn Ni Tự” ở các cấp Khu Ô Sa Di, Hình Đồng Sa Di, ứng Pháp Sa Di và Tỳ Kheo Ni ở tuổi thanh niên mười (10) hạ lạp rồi, mà vẫn còn gian nan trên bước đường hành hoạt đạo Pháp. Nhưng Sư bà vẫn định tâm, nhẫn nhục , tinh tấn Ba la mật mà tiến bước lên ngôi vị Tăng Tài PGVN ở hai lãnh vực văn hóa quốc gia và Phật Giáo Việt Nam một cách khoa bảng. Nếu không nói rằng; tác phẩm “Một Đóa Sen và Pháp thân” của Sư bà Diệu Từ, là cái gương soi cho giới Ni PGVN VN hiện tại và hậu lai noi theo…
24/01/2015(Xem: 4841)
Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân. Chẳng ai biết chắc lão có gia đình, nhà cửa ở đâu hay không. Nhưng người ta có thể đoán chiếc thuyền con ấy chính là nhà của lão, vì lão phơi thuốc, xắc thuốc, nấu thuốc ngay trên đó. Trên thuyền không còn ai khác. Ban đêm, thuyền của lão neo ở đâu không ai biết, nhưng sáng sớm thì thấy lù lù xuất hiện trên sông hoặc nơi bờ cát. Lão già đến và đi, một mình. Mỗi ngày xách cái túi nhỏ rời thuyền, thường là đi hái thuốc trên núi, ven rừng, bờ suối, có khi vào làng chữa bệnh cho bá tánh rồi ghé chợ mua vài thứ lĩnh kĩnh.
21/01/2015(Xem: 10087)
1. Chân như đạo Phật rất mầu Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân, Hiếu là độ được song thân Nhân là cứu độ trầm luân muôn loài. 5. Thần thông nghìn mắt nghìn tay Cũng trong một điểm linh đài hóa ra,
16/01/2015(Xem: 3624)
Sau 30-4-75, tất cả giáo chức chúng tôi đều phải đi học tập chính trị trong suốt 3 tháng hè mà họ gọi nôm na là "bồi dưỡng nghiệp vụ". Một buổi chiều sau mấy ngày "bồi dưỡng", tôi đạp xe lang thang qua vùng Trương minh Giảng, tình cờ gặp Báu - một người học trò năm xưa, rất xưa, đang ngơ ngẩn đứng trước cửa nhà. Dừng xe đạp, tôi chào: - Báu hả? Phải em là Trương thị Báu không? Có nhớ ra cô không? Báu giương mắt nhìn tôi, nhìn đi nhìn lại rồi nghiêng đầu lại nhìn...Em không nhớ nổi... Tôi đã thoáng thấy được một tâm thần bất thường qua thần sắc cũng như qua đôi mắt trống rỗng vô hồn!
16/01/2015(Xem: 4824)
Năm 1954 ông Thiện khăn gói đùm đề đưa mẹ, vợ và hai đứa con gái xuống con tàu há mồm vào Nam.Trên bờ, Thụ, người em trai của ông còn đưa tay vẫy vẫy. Đêm hôm qua, ông và người em trai bàn rất nhiều về chuyến ra đi này.Người em nói: - Đất nước đã hòa bình, độc lập, anh nên ở lại, dù gì cũng là nơi chôn nhau cắt rốn.Vào Nam xứ lạ quê người, chân ướt chân ráo trăm bề khổ sở... Ông Thiện đã trả lời em:
15/01/2015(Xem: 5056)
Trong cả thành phố này, anh chị chỉ có tôi là chỗ thân nhất, vừa là thầy vừa là bạn. Buổi sáng anh gọi phone bảo trưa nay đến đón tôi về nhà dùng cơm cho vui. Hôm nay là sinh nhật của thằng Alexander con một của anh chị.
14/01/2015(Xem: 7525)
Tiếng Hồng chung Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang nói riêng và các chùa trong thành phố Nha trang nói chung, sớm khuya ai cũng có thể nghe được, nhưng nghe để “Trí tuệ lớn” và “Bồ-đề sinh” thì tùy theo “phiền não” của đối tượng nghe có vơi nhẹ hay không? Riêng với nhà văn Võ Hồng, qua tác phẩm “Tiếng chuông triêu mộ” cho thấy Trí tuệ và Bồ đề của ông sanh trưởng tốt. Nhưng nhân duyên như thế cũng chưa đủ, ông là giáo sư của PHV, của trường Bồ Đề, là thiện tri thức của các bậc cao Tăng ở đồi Đông và đồi Tây non Trại Thủy. Có thế mới có truyện ngắn “Cây khế lưng đồi”, có tùy bút “Con đường thanh tịnh”. Thưa thầy Võ Hồng, chừng ấy đủ rồi, đủ cho PHV đi vào lịch sử văn học, đủ cho 100 năm sau, 1000 năm sau hay nhiều hơn thế nữa, nhìn thấy PHV uy nghi như một Linh Thứu thời Phật và cũng cho thấy các bậc cao Tăng Miền Trung nói riêng xứng đáng là những Sứ giả Như Lai đầy trách nhiệm đối với sự trường tồn của Phật giáo Việt Nam.
09/01/2015(Xem: 4226)
Tháng 10 năm 1962, TT Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái… nhờ Tôi đi công tác Vũng Tàu, Tôi đi chuyến xe đò lúc 8g30 sáng, xe chạy vừa khỏi hãng xi-man Hà Tiên, thì có 3 người đón xe. Anh tài xế nói với tôi : “Thầy vui lòng xuống hàng ghế phía dưới để cho “mấy cha”ngồi, vui nghen Thầy”! Tôi lách mình qua khoản trống thì có 2 vị đưa tay đón và đở nhường chỗ ngồi còn nói lớn: “Ngộ ha, cha quí hơn Thầy “! Tôi sợ gây chuyện không vui, nên đưa tay và lắc đầu xin yên lặng. Vì đương thời bấy giờ bóng dáng của các áo đen có nhiều sát khí thế lực! Nhưng, Mộc dục tịnh, nhi phong bất đình 木欲淨而風不亭.Xe chạy êm ả, gió lùa mát rượi.
26/12/2014(Xem: 13450)
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk". Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn đời, đời Thầy Yogavacara Rahula. Nhưng thay vì đọc lại, tôi quyết định dịch vì biết rằng dịch thuật là phương pháp hay nhứt để hiểu tác giả một cách trọn vẹn. Vả lại, nếu dịch được ra tiếng Việt, nhiều Phật tử Việt Nam sẽ có cơ duyên chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Thầy Rahula hơn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]