Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7. Nepal

11/06/201316:38(Xem: 3333)
Chương 7. Nepal

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 7

NEPAL

Pokhara ẩn mình trong vị trí vô cùng quyến rũ, cuối thung lũng dài và rộng, dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Ngoài thành có hồ Phewa Tal to với nhiều đồi chập chùng.. Dọc bờ hồ mọc lên nhiều hàng quán, khách sạn và tiệm buôn phục vụ du khách ba lô; họ đến đây để du lịch dã ngoại. Nước hồ trong xanh và phẳng lặng quanh năm. Có nhiều ca nô và thuyền mà khách có thể mướn để dạo chơi--thú tiêu khiển của khách và nhiều dân địa phương vào những chiều chủ nhựt. Sau chuyến đi dài, Ronald và tôi định ở lại đây vài hôm để thưởng thức cảnh đẹp cùng không khí trong lành và cũng để chuẩn bị cho cuộc leo núi sắp tới. Phòng chúng tôi mướn nằm ngay trên bờ hồ, nơi có nhiều cậu bé lảng vảng gạ bán charees vấn tay và nhiều phụ nữ, già có trẻ có, lẻo đẻo theo mời khách mua "nấm kỳ diệu Hy Mã Lạp Sơn." Không thể tự chế, tôi có mua mỗi thứ một ít để xài cho chuyến đi sắp tới.

Du lịch dã ngoại ở đây rất thú nhờ có sẵn từ nhiều thế kỷ nay hệ thống đường mòn ngang dọc nối liền các làng mạc rải rác trên đồi núi chung quanh. Dân địa phương dùng các đường mòn này để khuâng, vác hay cho lừa chở các vật dụng cần thiết ra/vô làng. Do đó cảnh người, lừa và du khách nối đuôi trên đường nhan nhản hằng ngày. Trong hầu hết các làng đông dân cư và ở nhiều ngả ba quan trọng còn có nhà nghỉ và tiệm ăn với giá rất phải chăng. Nhờ vậy, du khách không cần phải mang theo đồ ăn và đồ cắm trại nặng nếu họ muốn.

Ronald và tôi định lấy đường từ Pokhara đi Jomsom, đi về chừng trăm dặm và mất khoảng mươi ngày. Có thể tụi tôi không đi hết, mà chỉ đi tới đâu thấy vừa đủ là thôi, để khỏi mang theo nhiều đồ lỉnh kỉnh. Ngoài ra, tôi không có giày bốt leo núi mà chỉ có đôi xăn đan huaraches đế cao su nên rất sợ bị phồng chưn nếu phải đi xa; thường ngày tôi chỉ thích đi dép. Áo quần lạnh của tôi--gồm cái jalaba và cái poncho mà tôi sẽ dùng để quấn ngủ--chắc không đủ ấm. Để phòng hờ, tôi sẽ ra bazaar mua thêm cái mền mỏng.

Chiều,, tụi tôi đến làng lớn Naudanda. Làng nằm trên đỉnh của dãy núi sau Pokhara. Ở phía đằng xa, dãy Annapurna với ngọn Machhapauchare đứng sừng sựng như bức trường thành vĩ đại.. Tụi tôi dừng lại, mướn nhà nghỉ. Rồi với vài bạn đường mới gặp, chúng tôi cùng nhau hút điếu chillum và thưởng thức cảnh hoàng hôn đang lịm tắt. Ronald có vẻ mệt mỏi nên là người muốn phê sớm để đi ngủ sớm. Nó nói nếu sáng mai không khỏe, nó sẽ không dậy đi sớm được. Còn tôi ngông nghênh tưởng tượng cảnh mình sẽ được phê ngay trên dãy Hy Mã Lạp Sơn dưới ánh trăng liềm, bằng liều acít mang theo từ Manali.

Sáng dậy, tôi gọi Ron vào lúc 4:00 giờ.. Bằng giọng chếnh choáng, nó nói không đi và muốn ở lại để nghỉ ngơi thêm. Từ chiều hôm qua tôi nghi nó bị viêm gan nhưng không dám nói ra. Cái thói quen 'chỉ-nghĩ-tới-mình' không cho phép tôi nghĩ dùm Ron. Hơn thế nữa, tôi không có mảy may ý định hoãn chuyến đi này, dầu chỉ hoản đôi giờ để chờ xem Ron thế nào sau khi được ăn sáng đầy đủ. Tôi đã sẵn sàng rồi. Tôi phải đi--chuyến 'đi với acít' mà tôi chỉ có mỗi một dịp trong đời. Biết tôi muốn đi, Ron miễn cưỡng bảo tôi cứ đi một mình trước rồi nó sẽ theo sau khi nó khỏe ra. Tôi nói tôi sẽ đi chầm chầm, sẽ nghỉ nhiều lần, và sẽ chờ nó ở làng trên. Trời bắt đầu sáng. Tôi ực liều acit và quảy xách ra đi. Vầng trăng vành chênh chếch trên đỉnh non cao.

Đi được mươi lăm phút, tôi dừng lại ngồi ngắm các ngọn núi sáng trăng và hút điếu thuốc cho ấm lòng và cũng để tăng thêm lượng acít.. Sảng khoái, tôi tiếp tục lên đường. Tôi hân hoan bước đi trong hoàng hôn dưới bóng của Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Không một bóng người, thật tĩnh mịch. Không khí yên lặng chỉ bị khuấy động bởi các niệm dấy lên trong tôi và tiếng gà gáy nơi làng xa. Mặt trời ửng hồng. Tôi dừng lại lần nữa để chiêm nghiệm sự bừng tỉnh của thế gian và ngắm nhìn các tia nắng mới đang chiếu rọi đồng đều xuống vạn vật. Giữa các suy tư ấy, tôi tự dưng cảm thấy ân hận đã bỏ Ron chèo queo nơi nhà trọ. Tuy nhiên, tôi tự an ủi ngay bằng cách nói rằng nó sẽ không sao và nó sẽ dậy đi vào sáng hay chiều nay. Tôi hơi nghi ngờ, nhưng tôi cũng sẽ thử đợi nó ở Birethandi, chỗ làng ngả ba quan trọng cách đây chừng vài giờ.

Tôi đợi Ron suốt năm tiếng liền, nhưng chỉ gặp được vài bạn mới biết hồi tối dưới nhà nghỉ. Họ nói Ron bị viêm gan (tôi đoán mò mà đúng y) và nó đã mướn lừa chở xuống Pokhara để điều trị. Lúc bấy giờ tôi hết phê nhưng vẫn còn ngây. Tôi bắt đầu lo cho Ron và nửa muốn trở lại, nữa muốn tiếp tục đi lên..

Sau cùng tính ích kỷ đã thắng: tôi tiếp tục đi lên. Tôi tự biện hộ bằng cách nghĩ rằng Ron sẽ được nhiều người trong khách sạn giúp, như nó từng giúp tôi hồi ở Manali; họ sẽ nấu mướng dùm và nó sẽ có đầy đủ thức ăn chín hợp vệ sinh. Tôi còn lý luận thêm: "Ron chắc không muốn bệnh của nó gây phiền toái cho tôi và làm hư chuyến leo núi mà tôi đã trù tính lâu nay." Tuy nhiên thâm tâm tôi luôn bảo tôi cần phải trở về, nếu phải chỉ về để hỗ trợ tinh thần Ron hay là chỉ để cho Ron có người chuyện trò.

Tiếp tục leo núi hai ngày nữa, tôi đến làng Tatopani (Nước Nóng). Làng có suối nước nóng lưu hoàng là nơi dừng chân quen thuộc của nhiều khách mệt mỏi sau những ngày đi vất vả. Có một số nhà nghỉ bán cả pancakes, spaghetti, apple pie, corn flakes, trứng luộc, bánh mì tây, sữa chua, trái cây, mật ong, cà phê, vân vân. Trên đường lên, tôi gặp một anh phu vác thùng nước ngọt coca; anh phải mất ba ngày đi về mới xong một chuyến hàng từ dưới lộ cái lên trên này. Thấy vậy mới biết quyền lực của tập quán và ý chí mạnh đến dường nào; thiếu nó làm gì anh có thể làm chuyện khó tưởng tượng ấy. Tôi được giới thiệu vào một nhà nghỉ có phòng trên lầu hai nhìn ra rạng núi trước mặt và sông dài dưới lũng. Sau mấy ngày leo núi ăn uống thất thường--chỉ với dhal, bat, subji, bánh tây, quít và chuối--tôi rất thèm những bữa 'như-ở-nhà' để ăn cho hả hê.

Sáng sớm hôm sau lúc chưa ai tới, tôi xuống suối nước nóng ngâm đôi chân mỏi. Tôi cũng hút một điếu cho đã trước khi chuồi xuống nước nóng ngâm mình; tôi khoái cảm và tưởng chừng thời gian ngừng trôi. Sau hai mươi phút tôi bắt buộc phải trèo lên vì biết rằng nước lưu hoàng có thể hại cơ thể nếu ngâm lâu.

Tôi chọn ở lại đây ít hôm và định ngày mai sẽ ăn 'nấm kỳ diệu' mà tôi mua ở Pokhara. Hôm ấy trời nóng và trong rất thuận tiện cho món ăn giàu chất hữu cơ này. Tôi nhờ khách sạn làm cho cái trứng chiên với nấm, trông rất hấp dẫn. Rồi tôi soạn đem theo vật dụng cần thiết như jalaba để lót ngồi, khăn lông, ít trái quít, chillum, charees và ống quẹt. Hên là chưa có ai đến nên tôi muốn ngồi đâu tùy thích. Tôi chọn bờ cát sát vũng nước cạn; vũng nước cách dòng sông chính đang ầm ầm chảy bằng nhiều tảng đá to. Từ đáy thung lũng nhìn lên, tôi thấy cả một cảnh trí tuyệt vời với nhiều đỉnh núi tuyết trắng bông. Tôi vui sướng ngây người tưởng chừng như đang phê thuốc. Sinh lực tràn trề và hư không vĩ đại của thiên nhiên lộng lẫy và hiền hòa đủ để làm lắng đọng tất cả mọi phiền não.

Sau khi ngồi xuống, việc làm đầu tiên của tôi là trịnh trọng vấn điếu chillum rồi châm lửa mồi. Tôi niệm câu chú "Bom Shankar" để hoàn tất nghi thức cầu đảo trước khi ăn nấm và hút thuốc. Tôi cầu Thần Shiva dẫn dắt đến cõi tỉnh thức. Không biết thiệt hư thế nào nhưng nghi thức khẩn cầu chứng minh thiện ý phê của tôi. Tôi phê chừng ba mươi phút trong khung cảnh thiên nhiên. Hoan lạc tột đỉnh!.

Tôi xuống ngâm mình dưới suối nóng, tung mình lội trong sông, rồi lên bãi sải tay tắm nắng ấm. Bấy giờ có môt anh Tây đến; anh xuống ngồi gần bên. Chúng tôi chào xã giao và bắt đầu nói chuyện khào. Được biết anh tên Jim, là một nguời Anh sinh sống ở Ấn Độ. Anh vừa tới Tatopania sáng nay, và đến xứ Nepal này lần đầu tiên như tôi. Trong câu chuyện, Jim kể tôi nghe về khóa tu thiền minh sát[58] 10-ngày của sư Mién Điện Goenka mà anh vừa dự ở Ấn. Anh học được kinh nghiệm tập trung sự chú ý lên thân thể để nhận biết những cảm giác khác nhau đang xảy ra. Sự chú ý thoạt tiên được tập trung trên đỉnh đầu, cho tới khi một số cảm giác như ngứa, nhột, nóng, hay bất kỳ cảm giác nào khác xuất hiện. Từ đỉnh đầu anh đưa sự tập trung chú ý từ từ xuống tai, mắt, mũi, miệng, và ghi nhận cảm giác ở mỗi nơi. Sau phần đầu, anh tiếp tục chú ý tới vai, tay, ngực, lưng, bụng, chân, kể cả đầu ngón chân. Anh cho biết sau năm ngày thực tập, anh có kinh nghiệm tập trung rất tốt và bắt đầu cảm nhận được nhiều cảm thọ vi tế mà anh gọi là vi ba của thân thể, thứ vi ba tự đến, tự đi, tự hiện, và tự mất. Anh thấy thân anh như một khối xốp trong ấy các nguyên tố có sự sanh diệt như các nguyên tử. Có lúc anh tưởng chừng tấm thân vật chất sờ mó được của anh như biến mất; anh không thể giải thích lý do vì, như anh nói, kinh nghiệm ấy khó có thể diễn tả bằng lời. Anh thuyết nghe phát ham; tôi say mê theo dõi và quên hẳn là mình đang có cái thân xương thịt cho đến khi tôi sực nhớ tới nó. Jim còn cho biết trong suốt mười hôm học, mỗi đêm Thầy Goenka đều có dạy Phật pháp mà trọng tâm là vô thường và Tứ Diệu Đế. Sau phần Phật pháp, ngày học được kết thúc bằng sự rải tâm Từ đến mọi chúng sanh do Thầy chú đọc. Hành pháp rải tâm Từ để giúp dẹp bỏ tự ngã, diệt bớt sân hận và dỗ giấc ngủ cho an lành..

Nghe Jim xong, tôi nói với anh rằng trước đây tôi có thực tập thiền tiên nghiệm (TM) nhưng vì thói quen hút hít nên tôi phải tạm ngưng. Hôm nay trong lúc đang lâng lâng vì món nấm, tôi bị động mạnh khi nghe anh tả phương pháp thiền của anh. Tôi cũng có tâm sự với anh rằng nay tôi không còn thiết tha với hút hít nữa, tôi nghĩ có lẽ thiền sẽ là cách làm cho trí óc tôi minh mẫn và vui thú tự nhiên. Anh đồng ý. Anh cho biết Thầy Goenkaji của anh, anh kính cẩn gọi như vậy, dạy thiền minh sát ở nhiều nơi trên miền Bắc Ấn, mỗi khóa mười ngày; tôi nên dự một khóa khi trở lại Ấn Độ.

Theo Jim biết, sẽ có một khóa tu thiền Tây Tạng dài một tháng khai giảng vào ngày 11 tháng 10, tức ba tuần nữa, ở gần Kathmandu. Thầy chủ trì là hai Lạt Ma Tây Tạng, rành tiếng Anh, từng dạy thiền cho nhiều người phương Tây trong năm năm qua. Quý ngài có nhiều đệ tử Tây phương thọ giới sư và ni. Nghe nói các khóa 1-tháng này là những lớp khai tâm về Phật Giáo Đại Thừa có tác động mạnh khả dĩ thay đổi lối sống của nhiều khóa sinh. Dầu hiểu biết của tôi về Đại Thừa, Tiểu Thừa hay Hinayana rất lờ mờ, tôi rất tâm đắc và mong được dự khóa thiền ấy. Tôi có cảm tưởng như tâm tôi được khai mở, như tôi được một cái gì mà tiềm thức tôi mong muốn bấy lâu nay. Tôi không biết chuyện gì sẽ đến nhưng tôi tin chắc đó là cái mà tôi cần học hỏi.

Tôi hỏi Jim thêm về khóa tu thiền Tây Tạng, nhưng anh không thể nói gì hơn vì chưa dự. Anh có ý muốn dự song chắc là không, vì đang tập hành thiền minh sát và đang đạt kết quả tốt. Ngoài ra, anh muốn theo sát lời khuyên của Thầy Goenkaji là không nên thực tập nhiều phương pháp thiền trong một lúc.

Câu chuyện của Jim kể rất lý thú khiến ba mươi phút qua nhanh. Giờ trở lại chuyện (làm hơn nói) của mình, tôi cảm thấy còn đang lâng lâng và rất muốn nghỉ ngơi để cảm nhận thiên nhiên và thử hình dung xem thiền thật sự như thế nào. Trước khi thu về nội tâm, tôi theo phép lịch sự mời Jim hút điếu chillum, tôi muốn Jim hút cho anh vui hơn là cho tôi vui. Anh từ tốn khước từ nói rằng đã bỏ thói quen hút hít khi bắt đầu thiền vì biết thuốc ảnh hưởng tới khả năng tập trung tư tưởng. Thế là hai chúng tôi ngồi im lặng, Jim thiền còn tôi vui với ý nghĩ mình là một phần của thiên nhiên chung quanh. Tôi tự hỏi phải chăng đó là tâm trạng của Người Ngộ. Sau đó, Jim xuống ngâm mình trong nước suối nóng rồi tắm lại nước sông trước khi lên đường tiếp tục qua Jomsom khi trời hãy còn sáng. Tôi gặp Jim chỉ một lần, Jim chợt đến chợt đi, nhưng lần gặp nhau ngắn ngủi đúng lúc ấy đối với tôi như là một tia sáng soi rọi con đường mà tâm thức tôi muốn theo đuổi để thay đổi hướng đi của đời mình.

Tối hôm đó tôi nằm mà chỉ nghĩ tới chuyện trở về Pokhara để lên Kathmandu xin học lớp thiền của sư Goenkaji. Tôi nôn nóng muốn ghi danh sớm vì sợ lớp đầy nếu đến trễ. Tôi quyết định lên đường ngay vào sáng mai; tôi chỉ mất hai ngày đi ngang Beni và Kusma là tới Pokhara. Đến khách sạn, tôi hỏi về Ronald và được biết nó đi Kathmandu hôm qua. Nó đã bình phục sau sáu ngày tịnh dưỡng vì ca viêm gan của nó nhẹ. Sáng sớm hôm sau tôi lấy xe đò đi Kathmandu liền.

Tôi tới Kathmandu lúc xế chiều. Hôm sau, tôi đi bộ ra Boudnath, ngoại ô Kathmandu. Boudnath cũng là tên của cái tháp cổ rất lớn nằm bên đường giữa nhiều hàng quán. Sau tháp có tu viện Tây Tạng mới xây giữa đồng ruộng. Nơi mà khóa tu học sẽ khai giảng được gọi là Kopan nằm trên đồi, cách tu viện chừng một dặm bằng con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên qua nhiều ruộng rẫy và nhà cửa. Kopan gồm tu viện, trường và văn phòng chánh của Học Viện Mahayana Quốc Tế, cơ quan tổ chức các khóa tu học hằng năm. Lúc tới nơi, tôi không thấy ai ngoài một ít người đang làm việc rải rác đó đây. Tôi đi tìm phòng ghi danh và được một nữ tu niềm nở tiếp đón và trả lời tường tận những gì tôi muốn biết về khóa học sắp tới. Sư cô là một tu sĩ Gia Nã Đại, còn trẻ, đầu cạo trọc bóng, mặc áo màu rượu chát của dòng Tibetan Monastic Order. Cô vui vẻ ghi danh tôi. Biết khóa có thể nhận đến 175 học viên và thấy danh sách mới có ba mươi người, tôi biết lo âu đến sớm sợ hết chỗ của mình hơi quá đáng!

Sư cô cho tôi biết về thể lệ của khóa tu học. Không được dùng thuốc; không được có cử chỉ thân thiện với người khác phái; chỉ đươc nói chuyện tối thiểu; không được rời khu đồi xuống phố nếu không có phép của vị giáo thọ--chỉ được đi trong trường hợp khẩn cấp; phải tuân mười giới (như không sát sanh, không trộm cắp, không nói láo, không đeo trang sức, không ăn sau ngọ, vân vân), vào hai tuần chót phải học rút; và lúc bấy giờ chỉ có trà hay cà phê dùng sau ngọ mà thôi. Sư cô nói các thể lệ này nhằm giúp học viên loại trừ các tật xấu, sự chấp trước và tâm tự cao tự đại có thể gây trở ngại cho việc hành thiền.

Các giới luật này rất hợp lý đối với tôi, nhứt là giới không được dùng thuốc, một thử thách quan trọng cho thói quen hút hít của tôi trong sáu năm qua. Đôi lúc tôi tự hỏi tôi có bị nghiện không. Tranh luận về sự nghiện ngập do cần sa và hashish gây ra chưa thiệt sự ngã ngũ. Trong bốn năm gần đây tôi hút hít rất nhiều nhưng tôi nghĩ tôi có thể bỏ được--tôi chưa muốn bỏ mà thôi chỉ vì lúc nào tôi cũng có lý do hay cơ hội tốt. Vậy đó có phải là ghiền không? Nhưng thôi, tôi sẽ không đem theo thuốc và không tìm dịp tự cám dỗ mình để ngưng hút hít trong một tháng; dễ dàng thôi. Sau khóa học, được tự do trở lại, tôi có dở thói quen tật cũ chăng là chuyện sắp tới. Không biết chừng đây là cơ hội mà tôi mong đợi lâu nay, cơ hội để tôi thay thói quen hút hít bằng tập quán nào đó mỹ mãn và có ý nghĩa hơn?

Tôi đi lòng vòng trên đồi khoảng một tiếng đồng hồ để làm quen với chỗ mà sẽ là nhà tôi trong một tháng dài sắp tới. Phong cảnh thật tuyệt vời: phía trước là thung lũng Kathmandu và phía sau là một phần dãy Hy Mã Lạp Sơn. Tuy chưa biết thiền là gì nhưng tôi nghĩ chỗ này chắc thiền tốt lắm. Tôi chuẩn bị tinh thần để thâu đạt những gì tôi sẽ được dạy. Tôi thật sự không biết gì hết và không muốn đoán trước hay có định kiến về khóa học cũng như đề tài mà học viên sẽ thiền. Trong lúc lang thang, tôi gặp một ít người ngoại quốc đến để giúp chuẩn bị cho khóa học; họ dựng lều, đào hố tiêu tiểu, vân vân. Có rất nhiều việc phải làm để thích nghi số người đông sắp đến. Lều rất cần thiết vì số phòng trên đồi và dưới thung lũng không đủ chứa hai đám học viên nam nữ riêng biệt. Nghe nói vài người cạn tiền tình nguyện làm phụ việc để được học miễn phí. Tôi biết vậy nhưng không tình nguyện được. Vả lại, vì thói quen chì nghĩ tới mình, tôi lo tính những vui chơi trong hai tuần sắp tới trước khi nhập học.

Tôi trở lại Kathmandu vài ngày đi tham quan thành phố ngộ nghĩnh này. Kathmandu được giới du lịch Á châu cho là nơi không thể thiếu. Đó là một thành phố cổ nằm dưới chân Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ như một viên ngọc quý với vô số đền Hindu và chùa Phật. Đó còn là một thiên đường cho du khách thấm mệt dừng chân thưởng thức bánh sô cô la cũng như bánh pie táo nhà làm trong các nhà hàng/nhà nghỉ dầy đặc trong phố. Lúc ở Amsterdam tôi có nghe nói tới ngôi đền nổi danh Swayambunath hay 'Đền Khỉ' nơi mà khỉ sống từng đàn chung quanh khu chùa và tháp trên đỉnh đồi. Đền xưa trên hai ngàn năm, rất thiêng, rất oai nghiêm, với 'Tuệ Nhãn Siêu Việt' vẻ trên chóp. Trên cầu thang dài dẫn lên đền hút hít hoàn toàn tự do. Nghe nói có nhiều sư thích hút đến đây để được hút chillum ngoại nhập do du khách đem sang,; đổi lại, khách được học nghi thức cầu "Bom Shiva, Bom Shankar" do sư dạy.

Nhân lúc ở Kathmandu, tôi có ý tìm gặp Ronald để xin lỗi đã bỏ rơi nó lúc nó cần tôi, và cũng để xem nó có buồn hay giận tôi không. Tôi biết là đã trễ rồi nhưng vẫn muốn gặp nó cho đỡ bức rứt. Tôi cũng muốn dành một tuần để leo núi chung quanh đây và trở về trước khi khóa học khai giảng. Ngoài ra, tôi còn phải xin gia hạn chiếu khán nữa, gia hạn ít lắm là một tháng. Đó là những dự tính của tôi trong khoảng thời gian hai tuần tôi còn 'tự do'.

Chiều đó tôi xuống 'Đường Dân Ngông[59]', một trong những con đường ngang dọc ở khu gần Công Viên Durbar. Đường có nhiều nhà nghỉ rẻ tiền và nhiều tiệm buôn. Họ bán từ áo quần và đãy dệt may tại Nepal hay Tây Tạng, tới hành trang leo núi, và đủ thứ tranh ảnh đạo giáo kể cả các pháp khí lớn nhỏ. Có rất nhiều hippi tóc dài đi nghểu nghến và dĩ nhiên có nhiều thứ ma túy giá rẻ. Nhiều quán cà phê nặc nồng khói thuốc (nhiều quán cho phép hút tự do) và đậm đặc nhạc rock điếc tai (để giúp khách hippi phê). Do đó, không ai lấy làm lạ khi biết con đường này có hổn danh 'Đường Dân Ngông'. Và tôi đang là một tên ngông góp phần làm cho con Đường Ngông thêm ngông nghênh hơn.

Luôn luôn có ý tìm Ron nên chẳng bao lâu tôi gặp lại nó dưới phố. Tôi bước tới chào và dò xem phản ứng nó trước khi hỏi thăm và nói chuyện nhiều hơn. Như tôi dự đoán, nó không còn vồn vã cởi mở như dạo trước. Nó nghiêm nghị trách tôi ích kỷ; là bạn mà tôi đã bỏ nó trong lúc nó bịnh như vậy. Rồi nó cay đắng nhắc lại chuyện nó đã săn sóc tôi ở Manali cho đến khi tôi mạnh, mặc dầu tôi có thể lây bịnh cho nó. Tôi biết tôi đáng bị trách cứ nên đứng lặng thinh để nó nói cho hả giận. Câu chuyện xảy ra chừng ba phút, ở giữa đường, trước đám đông. Sau đó hai đứa vô quán cà phê ngồi nói chuyện bình tĩnh và lâu hơn. Tôi xin lỗi Ron và cho nó biết về khóa thiền mà tôi sẽ dự. Nó mỉa mai nói thiền có thể giúp tôi mở tâm để hiểu biết tình cảm và nhu cầu của người khác cũng như trách nhiệm của mình, và nó chúc tôi gặp nhiều may mắn lúc tu học. Ron rời đây đi Nepal rồi theo bờ biển Đông của Ấn Độ tới Puri và sau cùng đến Goa để tham gia các cuộc vui mùa Đông ở đó. Hai đứa tạm biệt không có siết tay mà cũng không có nước mắt.

Sư việc này ảnh hưởng tôi sâu đậm; tôi sực tỉnh biết mình phải đối đãi tử tế với mọi người. Sự thiếu hiểu biết của tôi cũng là nguyên nhân của rạn nứt và đổ vỡ giữa tôi với Gail. Sự việc còn giúp tôi nhìn thấy tình người và các tình cảm khác rất mong manh, hay thay đổi và tùy thuộc vào nhiều yếu tố không lường được. Tôi chẳng biết khóa thiền có mở tâm tôi trong những lãnh vực nói trên không?

Trưa hôm sau tôi đi thăm Swayambunath. Từ phố lên, tôi theo con đường vừa chật vừa dơ, qua cái cầu bắt ngang dòng nước xú uế nặng mùi, rồi tiếp tục đi sâu vô chân đồi. Lối đi lót bằng đá cục. Dọc theo lối có nhiều hàng bán áo quần và túi xách Nepal. Cuối lối có bực thang đá/xi-măng dẫn lên Swayambunath. Dốc cao và đứng. Có nhiều tượng Phật và tháp nhỏ rải rác dọc theo dốc. Đồi rợp bóng.cây im mát.

Ngay trên dốc này tôi hú vía bởi mấy con khỉ nghịch ngợm. Số là vì không biết và không được ai cho biết trước nên tôi vô tình tháo túi đậu phộng mua đem theo ăn dọc đường. Bất chợt hai con khỉ to nhảy sổ xuống đón đường tôi. Chúng nhe răng gầm gừ và vói tay đòi đậu phộng. Tiếp theo nhiều con khác tới bao vây tôi. Rồi con bự nhứt đi lần lần tới gần tôi, chụp lấy gói đậu--nó chụp thiệt chớ không phải làm trò khỉ! Tôi không biết phản ứng thế nào và rất lo nếu không muốn nói là rất sợ. Tôi nghĩ nếu tôi cho nó đậu, mấy con kia sẽ tấn công tôi ngay; tôi không nghĩ chúng sẽ để tôi yên. Trong phút vô vọng, tôi tung gói đậu lên trời. Đám khỉ tranh nhau giựt. Tôi thoát vòng vây chạy mau lên nhiều bực cấp. Rất may chúng không rượt theo. Tôi tiếp tục leo lên cao hơn trong lúc tim đập thình thịch. Thỉnh thoảng tôi ngó ngoái lại xem chừng. Đây là một bài học về lòng tham mà bọn khỉ vướng bận; chúng quyết đoạt cho được gói đậu phộng của tôi. Còn tôi, bài học cho thấy sức mạnh của bản năng sống còn bằng cách dùng phản xạ sợ hãi để làm tiết adrenalin trong các trường hợp lo âu hay bất an.

Tháp ở Swayambunath nhỏ hơn tháp ở Boudhanath nhưng được trang trí bằng nhiều hoa văn mạ vàng và phướng nguyện cầu cổ điển của Tây Tạng. Quanh chân tháp có nhiều ống kim khí tròn gọi là chuông quay cầu nguyện để khách hành hương quay lúc đi vòng tháp. Khách phải đi quanh tháp theo chiều kim đồng hồ vì nếu đi ngược lại sẽ bị xui xẻo và bị xem như phạm thượng. Phướng cầu nguyện và sớ nhét trong các chuông cầu nguyện luôn luôn có viết các câu thần chú, thường là câu OM MANI PADME HUM[60]. Nghe nói quay chuông sẽ làm thần chú linh ứng khả dĩ dẹp sạch tà ma, xoa dịu khổ đau của nhân loại và giúp chúng sanh giác ngộ. Tôi đi ba vòng vì bắt chước, quay chuông để mà quay, chớ chẳng có chút hiểu biết hay tin tưởng nào. Tháp được xây từ lúc Đức Phật nhập diệt để thờ xá lợi của Ngài sau khi Ngài được trà tỳ. Mục đích là để nhớ lại sự giác ngộ, trí huệ và lòng từ bi của Đức Thế Tôn. Do đó, tháp được xem như biểu tượng của chính sự Giác Ngộ.

Cạnh tháp có một tu viện với một ít sư Tây Tạng đang hành lễ puja thường kỳ. Lễ gồm có lời kinh xen kẻ với tiếng nhạc của trống, chập chõa và kèn trầm; nhạc được tấu bởi các tu sĩ mặc áo nâu ngồi trên bục. Cộng thêm, khói nhang dày mịt bốc lên nồng nặc biến không khí tu viện trở nên xa lạ, huyền bí dị thường. Tường và trần tu viện được trang trí bằng nhiều tranh ảnh Phật giáo dầy màu sắc sặc sỡ mà người không rành không thể hiểu biết nổi. Lễ puja được cử hành nhiều lần trong ngày để niệm tưởng các vị Phật và Bồ Tát và cũng để trừ tà ma hầu giúp các sư có nơi tinh khiết mà tu tập. Sau khi lễ tất, tôi bước vô trong xem lại các tranh ảnh kỹ càng hơn. Tôi còn thấy thùng phước sương để giúp điều hành chùa và nuôi ăn các thầy.

Tôi đi lang thang trên đồi vài tiếng đồng hồ chờ mặt trời lặn. Tôi hy vọng được gặp vài vị đạo sư Hindu mà tôi có dịp nghe nói để mời họ chillum trong lúc ngắm cảnh chiều hôm chìm dần xuống thung lũng Kathmandu thênh thang. Tôi mong tưởng tượng của mình thành sự thật, nhưng tôi chưa thấy sư nào hết. Tôi chỉ thấy khỉ chạy rong và nhảy cùng khắp trên tháp, chùa tưởng chừng nơi này là giang sơn của chúng không bằng--thì đã gọi là 'Đền Khỉ' mà. Nhiều khách du lịch thảy cho chúng thức ăn; chúng không hung hăng như các anh em chúng ở dưới đồi.

Tôi không gặp đạo sư nhưng gặp một quái kiệt người Pháp đang muốn phê như tôi. Là một tay kỳ cựu, anh biết rõ ngõ ngách quanh đây. Anh dắt tôi leo tường ra ngoài chỗ hai đứa có thể ngồi xếp bằng ngắm toàn cảnh thành phố. Hai đứa tán dóc trong lúc tôi nhồi thuốc. Sau đó tôi trao điếu mời anh.. Lúc tôi đưa diêm lửa lên mồi, anh xướng 'Bom Shiva, Bom Shankar' và trì nhiều chú khác mà tôi chưa từng nghe. Khi anh trao thuốc lại cho tôi, ý nghĩ 'chừng nào sẽ dứt' khởi trong đầu tôi cho đến khi tôi đọc 'Bom Shiva'. Tụi tôi phê đậm đến đỗi không ai còn thiết nói với ai và ngồi bất động gần nửa tiếng. Do sự tình cờ thiên định, lúc bấy giờ các thầy trong tu viện bắt đầu khóa lễ puja chiều nên âm thanh thích thú của trống, kèn, chuông, chập chõa, và giọng kinh trầm lắng lan tỏa mọi phương. Tôi không biết Phật và Bồ Tát có nghe chăng? Và tôi tự hỏi: " Thật sự có sự khác biệt giữa các thần linh của hai đạo Ấn giáo và Phật giáo không? Các vị ấy có thật chăng hay chỉ là biểu tượng của cái gì đó cao thượng hơn, một đồng nhất tâm linh?" Màn đêm đang bao trùm thung lũng huyền diệu, một thực tế mà tôi tỉnh giác quay về sau khi lễ puja chấm dứt. Tụi tôi bèn xuống dốc, men theo đường, trở lại thành phố.



[58] Vipassana meditation (tg).

[59] Freak Street (tg).

[60] Án Ma Ni Bát Di Hồng (nd).



---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2020(Xem: 4132)
Vào ngày 16/10/2020, một nam giáo viên Pháp dạy lịch sử đã cho học trò cả lớp xem những bức hý họa châm biếm Nhà Tiên Tri Mohammad để chứng tỏ quyền tự do ngôn luận đã bị chặt đầu ở một địa điểm gần trường học của ông ở ngoại ô Paris. Hung thủ là người gốc Chechen đối đầu với cảnh sát và bị bắn chết. Trước khi chết thanh niên này hô to, “Thượng Đế Vĩ Đại” bằng tiếng Ả Rập (Allahu Akbar). Mưởi hai người sau đó đã bị bắt trong đó có cả phụ huynh học sinh của trường này.
25/10/2020(Xem: 14677)
Thiền Sư Long Đàm Sùng Tín (TK 8-9) Người đặt nền móng cho Phái Vân Môn & Pháp Nhãn Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng từ 6.45am, Chủ Nhật 25/10/2020 (09/09/Canh Tý) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Điểm tâm bánh nướng thật no nê Con cháu đỡ phiền khỏi ủ ê Dâng cúng tâm thành đừng dụng tướng Giáo nhân chí cả phát bồ-đề Đắp y ăn uống bày chân pháp Tiếp khách đãi người rõ bến mê Sáng tỏ bản lai do thấu đáo Việc làm phương tiện vẫn đề huề. (Thơ tán thán công hạnh Thiền Sư Sùng Tín của HT Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch) 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼🌺🍀💐🌼 Múi giờ : pháp thoại mỗi ngày của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃
16/10/2020(Xem: 2067)
Sáng nay là ngày sinh nhật Ba, con nhớ Ba thật nhiều, giờ này con đang được nghỉ ăn trưa, con đi dọc theo con đường bên hông hãng nơi con thường đứng đó để gọi điện thoại thăm Ba, con mời Ba về xơi bánh mì và uống cà phê cùng con. Trời bây giờ đã vào thu, gió lành lạnh, con đường thật yên tĩnh thẳng tắp, màu xanh mùa hè của lá đã chuyển vàng, đỏ. Tuổi học trò lại quay về trong con, ngày đó con học lớp đệ tam, con giữ sổ đầu bài, ngồi bàn đầu nên các Thầy thường hay lấy vở con để xem giảng tới bài nào, Ba gọi một học trò nam lên trả bài, cậu đó không thuộc Ba cho ngay con 02 /20 to tướng vào vở con với lời phê "không thuộc bài", lúc Ba trả lại tập, con mở ra mới thấy, ngập ngừng con thưa: "thưa Thầy, đây là tập của con", Ba cười khà khà và kêu con lên bảng trả bài, con thuộc, Ba cho con 18 điểm, Ba thương con lắm thường khen con ngoan nhất lớp và có mái tóc đẹp, mỗi lần tới giờ Ba dạy là tim con hồi hộp cộng thêm vui mừng, câu thành ngữ Ba dạy cho đám học trò để dễ nhớ khi xài
01/10/2020(Xem: 21242)
33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa (HT Thanh Từ biên dịch, TT Nguyên Tạng giảng trong mùa dịch Covid-19 năm 2020)
20/09/2020(Xem: 4747)
Theo thống kê cho thấy, những tội phạm tuổi thiếu niên thường có cơ thể khỏe mạnh hơn những thiếu niên biết tuân thủ pháp luật ở cùng độ tuổi. Nhưng sau khi họ bước vào tuổi trung niên thì tình hình sức khỏe lại xuống dốc nhanh chóng, nguy cơ nằm viện và bị tàn tật cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Điều này khá dễ hiểu, rất có thể là có quan hệ tới thói quen sinh hoạt không tốt và trạng thái tâm lý tạo thành.
17/09/2020(Xem: 7915)
Thư viết lần cuối gửi Anh Bốn và Chị Năm Hôm nay là tuần một trăm ngày của Anh Bốn và cũng tiện thể Gia Đình làm lễ cầu siêu tuần 49 ngày cho Chị Năm. Từ xa xôi hơn nữa vòng trái đất Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi có mấy lời để tiễn đưa Anh Chị lần cuối
29/08/2020(Xem: 8680)
Trong hơn một tuần qua, theo “tintuc60giay.com” ngày 24/8/2020, đã có hơn 100.000 cư dân được sơ tản và lửa đã đốt cháy hơn 991.000 acres. Đây là trận cháy rừng lớn nhất tại California. Có hơn 13.700 lính cứu hỏa đang đấu tranh để cứu những người dân và nhà của học. Thành phố Vacaville là nơi bị thiệt hại rất nặng! Thật mầu nhiệm! Trung tâm tu học Phổ Trí, một ngôi chùa Việt tọa lạc tại số 7233 Pleasants Valley Road, thành phố Vacaville có diện tích 5 acres, được Thượng tọa Thích Từ Lực sáng lập vào năm 2012 làm nơi tu học cho tăng thân Việt - Mỹ còn nguyên vẹn.
27/08/2020(Xem: 5422)
Kính chiếu yêu ma bài viết của Cư Sĩ Huệ Hương (ở Melbourne, Úc Châu) Do Phật tử Diệu Danh (Hannover, Đức Quốc diễn đọc) Mười năm về trước khi đọc " CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI " của Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh tôi vẫn không hề nghĩ đến có ngày mình phải dùng kính chiếu yêu này ... không phải cho người khác bên ngoài mà chính là dùng để soi rọi vào những con ma đang ẩn núp trong rừng tâm của tôi quá chằng chịt và rậm rạp nơi mà tập khí được chôn vùi và đã trở nên hoang dại đến nỗi rất khó để tháo gở được những rễ dây đã bám sâu trong đất Tâm này
25/08/2020(Xem: 4224)
Lời người dịch: Thành phố Melbourne hiện vẫn còn trong thời gian phong tỏa giai đoạn 4 kéo dài đến giữa tháng 9 và cũng thuộc tiểu bang bị nhiễm bệnh cao nhất nước Úc hiện nay. Mỗi ngày thức dậy, người dân Melbourne lại được cập nhật với những tin tức số người bệnh, số người chết mỗi ngày... khiến nhiều người lo lắng, bất an. Những người thân gần xa cũng thăm hỏi, lo lắng cho người Melbourne. Cộng đồng người Việt dù có ý thức cao về việc tuân thủ các luật lệ và phòng ngừa nhưng vẫn nằm trong danh sách những cộng đồng sắc tộc có tỉ lệ mắc bệnh covid-19 cao. Tuần qua, khi đọc Facebook của Bệnh viện Western Heath, QT tìm thấy câu chuyện thú vị và cảm động của một cô gái Việt cũng là bệnh nhân covid-19 đã chia sẻ trên báo Herald Sun. QT hy vọng những tâm tình của Tina sẽ giúp mọi người hiểu thêm về những trải nghiệm của người bệnh để mình cố gắng tự bảo vệ và đề phòng cho mình và gia đình để không bị mắc phải căn bệnh này. Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tá
17/08/2020(Xem: 4501)
Nhớ lại thuở xa xưa khi tôi mới chỉ là cô bé 6,7 tuổi, thỉnh thoảng vào chiều thứ Bảy, Mẹ thường dẫn tôi về thăm ông Ngoại. Gần nhà Ngoại có Chùa Linh Quang và Khuông Tuệ Quang, nên lần nào về thăm Ngoại là tối đó Mẹ cũng dẫn tôi đến Khuông Tuệ Quang để tụng kinh, tôi rất thích mặc dù tôi chưa biết tụng kinh và tụng để làm gì. Tôi chỉ thích nghe âm vang lời kinh tụng hòa chung với tiếng mõ nhịp nhàng, cùng tiếng chuông thỉnh thoảng ngân vang, và thích nhất là được nghe tụng Chú Đại Bi, tuy không nghe ra được chữ gì, nhưng thích cái âm điệu dồn dập lúc trầm, lúc bổng của thời kinh. Không hiểu sao mà tôi rất mê nghe tụng chú Đại Bi, nên mỗi khi gần nhà có đám tang, là tôi luôn tìm cách đến xem lúc có ban hộ niệm cúng, để được nghe tụng Chú Đại Bi, và thầm thán phục, sao mà các bác ấy có thể thuộc làu những lời kinh như vậy!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]