Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những giấc mơ và ký ức bên hồ xanh

22/05/201314:04(Xem: 10628)
Những giấc mơ và ký ức bên hồ xanh
Con Đường Mây Trắng


Những Giấc Mơ Và Ký Ức Bên Hồ Xanh

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Trong những ngày sau chúng tôi đi theo bờ hồ dưới chân núi tuyết, mà triền núi chạy thoai thoải ra xa biến thành đất bằng, thành một vùng đất cao nằm trên hồ, thỉnh thoảng lõm xuống từng dòng. Thế nhưng những dòng này ít khi có nước nên đồng cỏ cũng hiếm. Thành thử tuy gần hồ nhưng ban ngày hầu như người ta thiếu nước. Thứ nhất, là bờ hồ rất khó xuống vì cao nguyên nằm cạnh hồ gần như có vách dựng đứng, chỉ trừ những nơi bị trũng mới có nước chảy xuống. Dọc theo các dòng này là đến những đoạn có cát sỏi. Thứ hai, vùng này thiếu nước uống vì một lý do bất ngờ: nếu có tới bờ hồ thì nước cũng chẳng uống được vì trong nước chứa quá nhiều chất magnesium.

Đó là lý do sinh ra độ trong và màu sắc nhưng nó làm cho nước không thể chứa sinh vật, dù thực vật hay động vật rất nhỏ cũng không. Thế nên nước trong vắt, trong những ngày lặng gió không sóng, đứng sát bờ, ta không phân biệt được đâu là nước đâu là bờ. Tôi vẫn nhớ rõ cái hoảng sợ trong ngày mình đến gần bờ và chân đạp vào nước lạnh ngắt lúc nào không hay. Những viên sỏi nọ với màu sắc đáng yêu, không khác gì những viên nằm trên bờ, vậy mà chúng lại nằm trong nước. Nước trong không màu hệt như không khí. Chỉ nơi nào khá sâu thì nó mới mang một màu xanh lục, sâu hơn thì chỉ còn một màu xanh ngắt, chính màu xanh biến hồ thành một sự kỳ diệu.

Màu của hồ và vùng xung quanh nó không ngưng cuốn hút tôi. Buổi tối, khi nước do tuyết tan chảy vào hồ, chúng làm thành một dải sáng bạc trên màu xanh đậm của hồ; trong lúc xung quanh các đỉnh núi rực màu cam, đỏ và tím, và bầu trời chuyển dần với sắc màu của một cầu vồng.

Thời tiết bỗng nhiên trở nên dễ chịu, như Điạ Trung Hải gặp gió ấm và ngày nọ chúng tôi đi qua một vùng cát trắng thỉnh hoảng xen lẫn vài đám sỏi, nóng bỏng, trải dài cả cây số giữa các triền núi tuyết và hồ. Mặc dù ngay giữa tháng bảy tôi cũng không ngờ trên cao nguyên Tây Tạng lộng gió mà có cái nóng thế này. Nhưng như đã nói, Tây Tạng là một vùng đất của bất ngờ và đối nghịch: trong một ngày người ta có thể chết cóng và qua ngày hôm sau bị phơi nắng hay phải đương đầu với bão cát.

Không bao lâu sau khi vượt qua sa mạc cháy bỏng, chúng tôi đến một vùng dễ chịu với nhiều bụi hoa và đồng cỏ, được một dòng sông con tưới nước. Đây là một vùng bằng phẳng nằm giữa hồ và núi đã rút lui. Những cánh hoa ở đây khá giống với loài hoa đồng nội về màu sắc và hình dáng, nhưng thân của chúng lại khỏe nên giúp chúng tôi không có gỗ, thay vào đó là phân trâu mà chúng tôi nhặt nhạnh mỗi ngày, cũng có khi là rễ cây hay bụi gai tìm thấy bên cạnh bờ suối hay lòng sông đã cạn. Kể từ ngày rời lối mòn của lữ hành thì phân trâu cũng hiếm. Ngay trên đường đi của họ thì phân trâu hay phân ngựa cũng đáng quí, không ai đi ngang mà không nhặt lên cho vào túi trước bụng để dành khi đêm đến đốt lửa. Trong không khí cực khô của vùng này thì phân trâu n gựa nơi đây đều cứng như gỗ và cũng không có mùi hôi.

Ai chưa ở Tây Tạng hay những vùng không có gỗ ở Trung Á thì khó có thể hình dung về giá trị của phân trâu. Nó là chất đốt quan trọng nhất của cả nước, nó cháy với một ngọn lửa hầu như không khói, nóng và đều. Vì chỉ có dầu trong trường hợp thật cần thiết, như trong đền đá lần đó tại Tschang-La. Kể từ ngày đó, chúng tôi không bao giờ ở trong nhà, ngay cả những lúc có nhiều người tại Tankse, chúng tôi thích cắm lều ngoài trời hơn. Sau Tankse thì với vài ngoại lệ xuất hiện vài túp lều ở chân dãy Panggong gần nơi có canh tác lúa mì, chúng tôi không còn thấy làng mạc nào nữa.

Vì thế, chất đốt và vấn đề chính và quan trọng như nước cho người hay cỏ cho ngựa. Cũng thế, thật đáng vui khi chỗ không người ở này lại có tất cả những gì cần cho sự sống còn. Chúng tôi hạ lều thoải mái nơi kín gió cạnh bờ suối. Thật là một chỗ nên thơ, một phía thì được ngắm nhìn núi tuyết, phía bên kia là hồ.

Tôi cảm thấy sung sướng và vô tư tới mức quyết định cắm trại ở lại đây vài ba ngày để tìm hiểu các nơi xung quanh, dùng thời giờ để vẽ và thiền định. Trong sự thanh tịnh của thiên nhiên hoang sơ, xa lánh mọi mưu toan thế gian, dưới bầu trời cao rộng, bao bọc bởi một phong cảnh chỉ có trong mơ mà màu sắc như núi bằng đá quý của một thiên đường huyền hoạc, tôi thấy mình thật an tịnh với chính mình và thế giới.

Điều lạ là tôi không có cảm giác “cô đơn” trong sự yên tĩnh vĩ đại của thiên nhiên và cũng không thấy có nhu cầu phải trao đổi với ai. Hầu như ý thức của tôi đã rộng mở để bao gồm luôn thế giới ngoại cảnh - phong cảnh, bầu trời và con người – những cái liên hệ với tôi, hiện tại cũng như quá khứ. Hơn thế nữa, quákhứ hầu như choàng lên hiện tại xuyên qua hiện tại. Tôi đã thấy hiện tượng này rồi trong những dịp khác, đặc biệt ở những nơi có độ ẩm cao, hay lúc mây kéo đầy bầu trời hoặc lúc không khí hầm hập nặng nề.

Ngay cả trước đây tôi đã thấy lúc nào có dấu hiệu thay đổi thời tiết thì giấc mơ của tôi cũng bị ảnh hưởng theo; cho nên hồi đó tôi đã có thể tiên đoán lúc nào thời tiết sẽ thay đổi bất ngờ. Tôi nhớ người ta nói lúc nào mơ thấy người chết là trời sắp mưa. Vì không thấy mói liên hệ giữa việc mơ thấy người chết và mưa nên tôi cho đó là nhảm nhí. Nhưng gần đây tôi thấy, bất cứ lúc nào nằm mơ thấy người thân lúc mình còn nhỏ và chết đã lâu rồi thì trong vùng vài ngày sẽ có mưa to, có khi dông hay bão tuyết. Thường thì những cơn mơ đó xảy ra khi không có một đám mây nào trong bầu trời, chẳng có dấu hiệu nhỏ nào trời sắp chuyển như nóng bức hay độ ẩm cao. Vì cao nguyên Tây Tạng ít mưa nên tôi dễ nhận ra hiện tượng này và từ đó xem nó như kinh nghiệm. Trong những chuyến du hành sau đi Tây Tạng tôi đều lưu ý giấc mơ của mình và dựa trên đó mà vạch kế hoạch.

Cách giải thích của tôi về hiện tượng đó là, ý thức của ta phản ứng lại với sự thay đổi khí tượng, và với áp suất lớn thì tiềm thức - nơi lưu giữ kỷ niệm của thời quá khứ lan động đến ý thức. Áp suất càng lớn thì ta càng dễ nhớ về quá khứ và điều này biểu hiện qua giấc mơ, trong đó những người liên hệ gần gũi với ta thời xa xưa hiện về, những người đó phần lớn đã không còn nữa. Trong những vùng cao của Tây Tạng thì ta không những nhạy cảm thêm với điều đó mà còn nhớ rõ hơn các giấc mơ đã bị chúng gây ấn tượng. Bản thân người Tây Tạng càng tin vào ý thức trong các giấc mộng và ít khi sai lầm khi suy đoán ý nghĩa của chúng.

Ngoài việc suy đoán giấc mộng, họ còn nhiều cách để tiếp xúc với vô thức: Thiền định, xuất thần, đồng cốt và những dấu hiệu tự nhiên lẫn siêu nhiên. Tất cả những điều này khắp nơi trên thế giới đều có, cả trong các nền văn hóa khác nhau; và kết quả của chúng dường như đủ để làm con người tin theo. Người Tây Tạng sẽ ngạc nhiên nếu ta nghi ngờ những điều này, đối với họ tất cả đều là kinh nghiệm cụ thể, không liên quan gì đến lòng tin hay lý thuyết. Đối với họ thì những thí nghiệm của nền tâm lý hiện đại, dùng khoa học để “chứng minh” các hiện tượng thuộc tâm như thần giao cách cảm, chúng thật là ngớ ngẩn buồn cười, như ta “chứng minh” các hiện tượng thuộc tâm như thần giao cách cảm, chúng thật là ngớ ngẩn và buồn cười, như ta chứng minh sự hiện diện của ánh sáng vốn ai cũng thấy chỉ trừ người khiếm thị. Chính những cách làm phiền toái của các thí nghiệm dó mới là trở ngại lớn nhất cho thành công của chúng. Khi đi tìm cái “khách quan”, họ đã loại bỏ sứ mạnh then chốt của sự cảm xúc và tính tâm linh của con người, không có chúng thì không có cách nào đi sâu hay tập trung được. Thái độ nghi ngờ, cách làm cơ giới và phương pháp thống kê (chỉ tìm số lượng và bỏ qua chất lượng) và khung cảnh sơ sài của các thí nghiệm, tất cả những cái đó đã đóng lại cánh cửa của “cảm thọ tâm lý”.

Tại Tây Tạng, khả năng tập trung và tự quán sát, nhất là sự nhạy cảm tâm linh được nhân lên hàng trăm lần nhờ cái to rộng, sự an tĩnh và đơn độc của thiên nhiên, nó có tác dụng như một tấm gương lõm, không những chỉ phóng lớn những cảm xúc rung động riêng tư nhất của ta lên mà còn tụ hội chúng trong một tiêu điểm: tại ý thức của chính chúng ta. Nơi đây không còn gì làm tâm ta tán loạn, cả cái vĩ đại của thiên nhiên cũng không; vì thiên nhiên không bao giờ gây phiền nhiễu mà ngược lại, nó kích thích ta tăng cường hoạt động tâm linh. Tâm thức và thiên nhiên là hai yếu tố đồng minh không phải đối thủ. Tính vĩ đại và cao rộng của thiên nhiên và tiết điệu phi thời gian của nó phản ánh đúng ánh sáng đúng tính chất của các tầng tâm thức sâu kín của ta.

Nhìn chung thì hoạt động tâm linh của những người khác có tác động gây nhiễu ý thức và cắt đứt hay làm lạc dòng chảy yên lành của nội tâm, tư tưởng và cảm xúc, sự chú tâm tự do mở rộng, không bị ngăn ngại. Sự nhạy cảm của nó không còn bị tâm thức lạ liên tục tác động nữa hoặc để cho phiếm luận vô bổ và tiếng ồn vô nghĩa của đời sống văn minh làm cùn nhụt; và nhờ thế nó có thể tiếp cận với vô thức của chính mình và với tất cả những người có cùng mức độ, họ được kết nối với nhau bằng tình cảm hay bằng chứng nghiệm giống nhau.

Điều này giải thích các hiện tượng thần giao cách cảm thường thấy tại dân Tây Tạng – và không chỉ ở những người có trình độ tâm linh cao mà cả với người dân dã, người chăn thú hay nhà nông, thương nhân hay thợ thuyền, người Nomade hay lữ khách, những người phải đi trong vùng hẻo lánh từ năm này qua năm khác. Sven Hedin kể lại trong ký sự của mình một trường hợp điển hình: Trên đường đi nội Tây Tạng, ông đồng hành với một đoàn vào một nơi hẻo lánh, hoàn toàn không có một người ở. Khi ông dự định đi sâu tìm hiểu vùng này thì gặp một đoàn người Nomade, họ đưa một đàn thú từ vùng đó lại mà không biết rất rõ nơi đó. Cố gắng lắm, ông mới thuyết phục được một người trong đó làm hướng đạo cho đoàn. Đó là một người còn trẻ, rất nhút nhát, anh thú thật là không quen sống ở chỗ đông người và chỉ chấp nhận hướng đạo cho đoàn nếu để anh ta đi trước một mình, nếu không, anh không thể nhận biết dấu hiệu và phương hướng đường đi. Sven Hedin chấp nhận yêu cầu đó và đoàn cứ đi theo sau anh một quãng xa, cho tới một ngày nọ anh bị bệnh và chết. Sven Hendin không còn cách nào khác hơn là cùng với đoàn đi lui lại, cứ theo đường cũ mà đi. Nhưng khi đoàn còn cách chỗ đến vài ngày đường thì người em của anh đó đang đi ngược chiều và trong đoàn chưa ai kịp giải thích về chuyện đã qua thì người em ngay lập tức khóc lóc than vãn về cái chết của anh mình. Trước câu hỏi ngạc nhiên của nhiều người, người em kể ra nơi chốn và nguyên do cái chết của anh mình một cách chính xác. Anh ta đã nhìn thấy bằng con mắt tâm linh!


* * *

Sự đơn độc xem ra có một tác dụng tương tự như vài phép thiền quán hay phép tu du già. Nó tự động loại bỏ sự lung lạc do các yếu tố bên ngoài và nhờ đó mà tạo ra một trạng thái an tĩnh nội tâm, một trạng thái chú tâm tự nhiên. Đối tượng nào của tư tưởng xuất hiện trong tâm cũng có một mức độ thực tại lớn hơn, rõ nét hơn và nhờ đó mà giữ được lâu hơn. Được quán sát chăm chú hơn. Cái đã qua đọng lại thành cái hiện tại và cái hiện tại hiện ra không còn là đường cách ly giữa cái đã qua với tương lai, mà là một khía cạnh nhất thể của thân thể đang tồn tại song song và liên tục trong một sự chứng nghiệm bốn chiều.

Nhờ hạnh xả bỏ xảy ra trong sự đơn độc mà tôi thấy rõ rằng, đời sống chúng ta phụ thuộc rất ít vào những quyết định do đầu óc đạo diễn và lại dựa rất nhiều trên những biến cố, ấn tượng tưởng chứng như không quan trọng; chúng đột nhiên hé mở cho thấy phương hướng chủ yếu của tự tính đích thực của chúng ta. Chúng ta cho những biến cố hay ấn tượng này là tình cờ vì đường như chúng xảy ra mà không có nguyên nhân gì nơi ta, nhưng ta quên rằng sở dĩ có ý nghĩa vì chúng ta cho phép những năng lực được bộc phát, thứ năng lực vốn nằm sẵn trong ta nhưng ta không biết đến chúng, chỉ vì những kế hoạch do đầu óc ta nghĩ ra đã che lấp dòng chảy liên tục của đời sống nột tâm và sức mạnh tâm linh của mình.

Những giấc mơ thời thơ ấu của tôi đan quyện với những đỉnh núi tuyết Andes và sự cô đơn độc kiêu kỳ của vùng cao nguyên Bolivia, nơi sinh của mẹ tôi và cũng là nơi diễn ra nhiều chuyến đi phiêu lưu làm bà tôi rất vui lòng, chúng cũng đưa tôi vào một thế giới hoang dã xa lạ, trong đó những đoàn lừa ngựa kéo nhau đi trong núi rừng hoang vắng. Đồng thời các câu chuyện những người trong nhà vây bọc lấy tôi, họ nói về các mỏ bismut(18) trong núi Quechila, những chuyện thời xưa của ông tôi tại Cochabamba hay những chiến tích của ông cố tôi mà ngày xưa đã từng là một tướng lãnh trong cuộc chiến tranh giải phóng và là đồng chí của Bolivar, ông đã mang lại một chiến thắng quyết định và nhận được vinh dự của quân hàm cao nhất của tổng tư lệnh tại Montenegro.

Điều gây ấn tượng cho tôi hơn cả là cái vĩ đại của những ngọn núi trọc, rõ nét của cao nguyên Bolivia và những bí ẩn nằm sâu trong đó; một thế giới toàn vàng bạc được chôn giấu, Bismut và các thứ kim loại khác. Tôi đã từng thấy những kim loại quí này và bị vẻ đẹp của nó thu hút hơn trị giá, hồi đó tôi cũng chẳng biết gì về trị giá của nó. Nhất là loại bismut, đó là một dạng kết tinh nhìn như những lâu đài bằng vàng, gây nơi tôi một sự mê hoặc khó tả. Để tìm hiểu thế giới bí ẩn này trong lòng đất và để được sống vĩnh viễn trong ánh sáng mặt trời và được nhìn hoài chân trời của miền cao nguyên hùng vĩ này, tôi quyết sẽ đi theo nghề làm mỏ núi, tiếp tục truyền thống của gia đình.

Thế nhưng khi lớn lên, nhận ra mình không ham thích chiều sâu của trái đất bằng chiều sâu của tâm thức và vì thế tôi bỏ khoa học tự nhiên để đến với nghiên cứu triết học. Và vì triết học đối với tôi là việc đi tìm sự thực nên tôi không mấy ham các hệ thống triết học, đó là những định nghĩa có tính hàn lâm các tư tưởng triết học, mà hướng về những dạng phát biểu có tính tôn giáo của thực tại và cách thực chứng được nó. Tôi bị gây ấn tượng sâu xa bởi các bài đối thoại của Plato(19), chúng hấp dẫn tôi nhờ vẻ đẹp văn chương và tính tôn giáo. Trong các triết gia cận đại thì Schopenhauer(20) gây ảnh hưởng mạnh lên tôi, và sự nghiên cứu tác phẩm của ông dẫn tôi đến các nhà thần học Thiên Chúa giáo cũng như đến Áo Nghĩa thư(21) và Phật giáo.

Khoảng năm mười tám tuổi thì tôi bắt đầu viết một công trình so sánh ba tôn giáo lớn của thế giới là Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Phật giáo để bản thân tôi được rõ và để quyết định luôn tôn giáo mà mình theo là tôn giáo nào; vì thôi thấy vô nghĩa nếu chỉ chấp nhận một tôn giáo nào chỉ vì cha mẹ mình theo nó, nếu chỉ vì xã hội mình đang sống chấp nhận nó. Đối với tôi, tôn giáo là một chuyện có tính chất thuyết phục, dứt khoát chứ không phải chỉ là sự tin trong đơn thuần hay qui ước chung chung; và muốn được thuyết phục, tôi phải biết rõ.

Để tìm sự thực nơi ba tôn giáo này, tôn giáo nào thuyết phục mình nhất, tôi bắt đầu đi sâu học hỏi. Chẳng bao lâu sau tôi thấy Hồi giáo không chứa đựng ý niệm nào mới so với truyền thống chung của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo nên nó sớm bị loại, chỉ còn Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Lúc đầu học hỏi, tôi thấy Thiên Chúa giáo ít nhiều thuyết phục tôi hơn (dù nhà thờ không làm tôi tin tưởng). Thế nhưng càng đi sâu, tôi càng thấy mình có nhiều tương đồng với Phật giáo - và cuối cùng tôi rõ, Phật giáo là tôn giáo duy nhất thuyết phục tôi trọn vẹn. Thế nên cuốn sách chỉ dành cho giáo lý Đức Phật và bản thân tôi là người đầu tiên được chính cuốn này đưa về vơí Phật giáo. Mặc dù các chương sách này còn non nớt nhưng nó cũng được phổ biến tại Đức, tại Nhật mà về sau khi đến Sri-Lanka, tôi khám phá ra nó, tám năm sau khi nó ra đời.

Điều làm tôi đi Sri-Lanka là nghĩ rằng mình tìm nơi đó truyền thống thuần túy nhất của Phật giáo và nhất là cơ hội để chứng nghiệm thiền định và tiếp tục học ngôn ngữ mà tôi đã học tại Capri (22) và đại học Napoli. Đại học này có một bộ kinh viết bằng văn hệ Pali do vua Chulalongkorn của Thái Lan tặng.

Về điểm này thì ở Sri-Lanka thật nhiều thành quả và dưới sự hướng dẫn của Nyanatiloka Mahathera, nhà sáng lập và viện trưởng của tu viện trên đảo Pogasduwa, một trong những nhà thông thái Pali bấy giờ, tôi có nhiều cơ hội học tập và thu thập kinh nghiệm, trong đời sống tu sĩ cũng như trong giáo lý của Thượng tọa bộ của Nam tông Phật giáo. Lòng thân ái của dân tộc Sri-Lanka cũng như tính kỷ luật và trình độ giáo lý của các sư đã gây ấn tượng mạnh mẽ lên tôi. Nhưng tôi thấy thiếu cái gì nơi đây - điều gì thì về sau tôi mới khám phá ra, lúc ngụ lại tại Yi-Gah-Tscho-Ling-Gah Tscholing, nơi đã đột nhiên mở ra chân trời mới của chứng nghiệm tôn giáo và khi vị đạo sư xuất hiện trong đời tôi.

Bây giờ tôi mới thấy cuộc đời quanh co và những gốc rễ sâu kín của mình. Tôi nghiệm ra rằng, chuyến hành hương về chốn bất định lại chính là chuyến trở về nơi tôi đã mộng thấy - và các giấc mơ lại chứa nhiều thực tại hơn các kế hoạch của đầu óc, miễn là những giấc mơ đó phản ảnh niềm tha thiết sâu xa nhất của tâm hồn chứ không phải là những ước muốn, tham vọng nông cạn nằm sau những tính toán thiệt hơn. Thật đúng thay những lời của Santayana(23)

Minh triết đâu phải là,
chỉ biết khôn ngoan thôi,
nhắm mắt không chịu thấy,
ảnh trong tâm xuất hiện.
Minh triết đích thực là,
biết tin nghe trái tim.

Nơi đây bây giờ, tôi ngồi trong vùng đất của “hồ xanh núi đỏ” dưới những bụi cây nở hoa của một ốc đảo xa cách thế gian, cùng với hai người đàn ông lạ hoắc, ngoài tôi rra thì họ là con người duy nhất trong cái vô tận của vùng đất không người ở này, bên cạnh đống lửa, trong lúc ngựa gặm cỏ và tiếng chuông quen thuộc của chúng vang lên trong đêm.

Khi trăng lên, tôi rời đống lửa, rút về giữa hai bụi cây, đủ xa để bớt tiếng động và sự chú ý. Tôi để bàn thờ nhỏ với tượng Phật của Tomo Géché - mà tôi luôn luôn mang theo - lên một chỗ hơi cao và ngồi chìm sâu trong cuộc trao đổi với thầy mình. Nếu trong những ngày qua tư tưởng của tôi luôn chìm trong quá khứ thì bây giờ nó hướng hoàn toàn vào con đường nội tâm đang nằm trước mặt tôi, mà chính Tomo Géché, người đã chỉ cho tôi con đường đó. Tôi không rõ mình đã ở bao lâu trong trạng thái hạnh phúc của quán tưởng và đối thoại không lời đó. Bỗng nhiên mây kéo trên dãy tuyết và tôi quay về lửa trại. Ngày hôm sau, một đám mưa nhẹ rơi trên đầu chúng tôi. Bầu trời đã gửi cho chúng tôi phước lành.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/08/2018(Xem: 62091)
Audio mp3: Đường Xưa Mây Trắng Tác giả: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Diễn đọc: Phật tử Chiếu Thành
14/06/2018(Xem: 10782)
Khoảng tháng 3 vừa rồi, Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác (Đức Quốc) gởi cho chúng tôi bản final cuốn Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa với lời dặn dò: viết Lời cuối sách. Đọc thư Thầy, chúng tôi vô cùng băn khoăn, lo lắng và hơi bị “ngộp” dưới cái bóng quá lớn và ảnh hưởng rộng khắp của Thầy. Chúng tôi “ngại” vì biết Thầy có nhiều mối quan hệ thân thiết với các bậc tài danh khắp nơi. Ngược lại, chúng tôi chỉ là kẻ sơ học nhiều mặt mà lại dám chắp bút viết Lời cuối sách này? Chúng tôi rất đắn đo trước cái vinh dự to lớn ấy, trước cái trách nhiệm nặng nề này. Nhưng rồi anh Văn Công Tuấn nhiều lần “trấn an”, khích lệ. Và rồi, lại nghĩ rằng, Thầy Như Điển có lòng ưu ái, thương tưởng và muốn tạo điều kiện cho chúng tôi trong bước đầu tập tễnh học Phật. Xin cung kính niệm ân Thầy; và cũng qua đây kính mong quý vị độc giả thông cảm và lượng thứ cho những thiếu sót và non nớt không sao tránh khỏi, dù đã có nhiều
03/06/2018(Xem: 5911)
Thật thú vị, và cũng thật hạnh phúc, khi được ngồi hầu dưới chân Mẹ, được Mẹ kể cho nghe những câu chuyện ngày xưa đẫm vị Đạo mà Mẹ vẫn còn nhớ như in, kể vanh vách, đọc lưu loát ở độ tuổi sắp thượng thọ bach tuế.
17/05/2018(Xem: 5327)
Tù binh bị đồng đội căm hận và báo thù đến chết, 60 năm sau, phát hiện từ một gốc cây gây chấn động nước Anh! Đi qua những tình tiết bất ngờ, câu chuyện về người tù binh chiến tranh dưới đây đã khiến người đọc thực sự hồi hộp. Mất 60 năm để mọi người biết sự thật, quãng thời gian thật dài!
12/05/2018(Xem: 3705)
Đường Lên Trại 6 Trần Thị Nhật Hưng Khi nhận lá thư của Hữu từ trại cải tạo miền Bắc, tôi chết sững như nhận tin tử trận của chàng. "Hoàng Liên Sơn, ngày …tháng… năm… Em yêu, Anh đã ra Bắc từ 3 tháng nay. Hiện nơi đây trời đã chuyển sang đông, khá lạnh. Nhưng em yên tâm, anh đủ ấm nhờ người bạn ở trại Suối Máu, Biên Hòa, đã cho anh một chiếc mền cũ, một áo len dày trước khi đi. Trại mới, chưa có lệnh thăm nuôi, khi nào có phiếu gửi quà, gửi cho anh ít mứt gừng thật cay và hủ mắm ruốc xào sả ớt là đủ. Ngoài ra còn tùy khả năng của gia đình gửi thêm các thứ khác… Nơi xa, anh chỉ mong mỏi một điều là em hãy cố gắng chờ anh, chu toàn mọi trách nhiệm và bổn phận trong gia đình, săn sóc Bố thay anh. Đó là thể hiện tình em yêu anh vậy.
09/05/2018(Xem: 12501)
Ở Ba La Nại thuở xưa Vua và hoàng hậu rất ư vui mừng Vừa sinh hoàng tử đầu lòng Đã bao ngày tháng cầu mong chuyện này. Thế rồi sau một ít ngày Vua mời thầy tướng đến ngay cung vàng Năm trăm vị đều giỏi giang Cùng nhau xem tướng cho hoàng tử con Xem tương lai khi lớn khôn Có thường tốt đẹp, có luôn an bình.
30/04/2018(Xem: 10643)
(Vần thơ đưa tiễn Phật tử Nguyễn Hướng Dương về cảnh giới an lành) Hôm nay ngày giỗ Tổ Hùng Vương Chợt nghe tin tức thật bi thương Một người giã biệt, đi theo Tổ Thôi, đã thôi rồi, Nguyễn Hướng Dương! Tôi nhớ khi xưa, em đến đây Trong một Khóa Tu để giải bày Kinh nghiệm trải qua bao sóng gió Gương sáng đời em, mấy ai tày?
29/04/2018(Xem: 9632)
Ngày xưa ở tại nước kia Có bà goá phụ Đề Vi rất giàu Chồng thời chết đã từ lâu Lại không con cái, u sầu mãi thôi Một thân goá bụa đơn côi Không người che chở, chẳng ai nương nhờ. Đúng theo phép thời bấy giờ Vì bà dòng dõi là Bà La Môn Nên khi cuộc sống u buồn Không như ý nguyện, lại luôn não phiền
21/04/2018(Xem: 6617)
Nhớ Thầy Là Nhớ Pháp, Kính dâng Hòa Thượng Thích Phước Đường, ( Bài của Nhật Duyệt Lê Khắc Thanh Hoài, do PT Diệu Danh diễn đọc)
21/04/2018(Xem: 10082)
Ngày xưa có một nhà buôn Dẫn đoàn xe nọ lên đường đi xa Đem theo hàng hóa bán ra Lời nhiều muốn kiếm phải qua nước ngoài, Hành trình gian khổ kéo dài Một ngày đoàn tới ven nơi hiểm nghèo Bãi sa mạc nóng như thiêu Ban ngày cát mịn nóng nhiều như nung Đi ngang qua khó vô cùng Xe bò kéo nặng càng không dễ dàng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]