Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Học đánh máy chữ

22/05/201311:26(Xem: 9567)
Học đánh máy chữ
Chuyện Bình Thường


Học Đánh Máy Chữ

Thích Chân Tính
Nguồn: Thích Chân Tính


Chú tiểu Lâm đứng ngoài cửa sổ nhìn một cách say mê và đầy khao khát vào nơi thầy thư ký đang đánh máy chữ. Tiếng đánh máy lách cách đều đặn của thầy có sức thu hút lạ kỳ đối với chú không chỉ bây giờ mà ngay từ những ngày đầu khi mới bước chân vào chùa. Ôi, tại sao những ngón tay của thầy lại lướt nhẹ nhàng, lanh lẹ trên bàn máy một cách tuyệt diệu như thế? Đặc biệt là thầy không hề nhìn vào hàng chữ mình đánh, nhưng lại không sai sót một dấu nào. Nếu có sai thầy ngừng tay và sửa lại liền. Chú tiểu Lâm có cảm tưởng như thầy còn có con mắt thứ ba nào đó đang nhìn vào bàn máy nên biết rõ tất cả. Chú quyết tâm tìm cho ra nguyên nhân nào đã dẫn đến sự thành công này. Do vậy, cứ mỗi lần thầy đánh máy chữ là chú tìm cách đến bên cạnh để xem. Một hôm, chú vừa mon men lại chỗ thầy làm việc, thầy có vẻ không bằng lòng và hỏi:

- Sao chú không học kinh, lại đây làm gì?

- Dạ, con xem thầy đánh máy.

- Chú nên nhớ, người lịch sự không bao giờ đứng ngó người khác làm việc như vậy.

Mặt chú hơi đỏ vì “quê”.

- Bạch thầy, không phải con tò mò về nội dung bài thầy đang đánh máy mà con muốn tìm hiểu về phương pháp đánh máy chữ của thầy.

- Biết vậy rồi. Dù sao tình ngay nhưng lý vẫn gian. Lần sau chú không nên hành động như thế. Nếu chú muốn học thì cứ nói, tôi sẽ dạy cho.

- Mô Phật, xin thầy hoan hỷ thứ lỗi và xin thầy chỉ dạy cho con học.

Thầy gật đầu đồng ý. Chú tiểu Lâm cáo từ và lẳng lặng đi ra. Tuy hơi “quê” khi bị thầy chỉnh nhưng dù sao chú cũng nhận ra khuyết điểm và coi đó là một bài học đáng nhớ.

Từ đó chú tiểu Lâm ngày đợi đêm mơ tính từng ngày một. Thế nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, đã hơn hai mươi ngày rồi mà thầy thư ký chưa đếm xỉa gì đến việc “cầu pháp” của mình. Đã vậy, mỗi lần gặp thầy chú định nhắc lại lời thầy hứa và xin chỉ dạy nhưng dịp may đã chẳng đến. Tuy nhiên, sự thờ ơ và im lặng của thầy vẫn không làm giảm sút ý chí cầu học và trái lại càng tăng thêm lòng kiên nhẫn của chú. Một hôm thầy đang ngồi làm việc, chú Lâm đến bên cạnh chắp tay thưa:

- A Di Đà Phật, bạch thầy.

Thầy ngó ngoái lại và hỏi:

- Có việc chi không chú?

- Hôm trước thầy hứa dạy con đánh máy chữ.

- À, à, thế hả! Vậy chiều nay tôi sẽ dạy.

- Bạch thầy, vào lúc mấy giờ ạ?

- Khoảng hai giờ chú sang đây.

Suốt buổi trưa hôm đó, chú tiểu Lâm không thể chợp mắt được. Hết nằm lại ngồi thấp thỏm chờ đợi, chốc chốc chú lại nhìn đồng hồ. Chú càng mong muốn cho thời gian ngắn lại bao nhiêu thì nó lại càng dài ra bấy nhiêu. Sốt ruột quá, mới hơn một giờ rưỡi chú đã đến trước phòng thầy thư ký ngồi chờ, nhưng mãi đến hai giờ rưỡi thầy mới mở cửa cho chú vào.

Lúc này, trước mặt chú trên bàn là chiếc máy đánh chữ, bên phải là tờ giấy mẫu với những chữ ưưư, ơơơ, ơươ... và một số chữ khác cũng sắp xếp theo kiểu tương tự. Thoạt tiên thầy nói sơ qua về cách sử dụng máy. Kế đến thầy hướng dẫn chú đặt 8 ngón tay trên 8 chữ nhất định ở hàng chữ thứ ba từ trên đếm xuống, còn hai ngón cái dùng vào việc nhấn cách khoảng giữa từ này với từ khác. Sau khi nắm rõ ngón nào đặt trên chữ nào rồi, thầy không cho chú nhìn vào máy nữa, trong lúc đánh chỉ nhìn vào tờ giấy mẫu. Sau khi đánh xong một hàng chú mới được phép nhìn những chữ đã đánh để kiểm tra lại xem đúng sai thế nào. Vì tay còn cứng vả lại chưa quen nên chú đánh hay bị lộn và nhảy chữ lung tung. Tuy nhiên chỉ mười lăm phút sau chú đã khá thuần và xin thầy học qua chữ mới. Thầy hỏi:

- Chú thuộc kỹ chưa?

- Bạch thầy thuộc kỹ rồi ạ.

- Bây giờ tôi kiểm tra lại nhé?

- Mô Phật.

- Nếu đúng thì tôi dạy chữ mới, còn sai thì chú tiếp tục tập cho đến khi nào thuộc thì thôi. Đồng ý chứ?

- Mô Phật.

Chú tiểu Lâm mặc dù đã tự tin nơi khả năng của mình, nhưng khi nghe thầy ra điều kiện như vậy cũng hơi hồi hộp. Trước khi dò, thầy hỏi lại:

- Chuẩn bị chưa?

- Bạch thầy rồi.

Vừa dứt lời thầy đọc thật nhanh:

- ươư cách ơươ cách ưươ cách ơơư cách ......

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tay chú Lâm vẫn quíu lại, đánh lộn xà ngầu lên. Xong một hàng thầy hỏi chú:

- Bây giờ tôi đọc lại cho chú dò xem có sai chỗ nào không?

Sau khi đọc xong, chú đáp:

- Bạch thầy có sai.

- Nhiều ít?

- Dạ khá nhiều.

Thầy mỉm cười:

- Vậy là chưa thuộc rồi. Tập lại đi thôi và chú nên nhớ là học làm sao từ chưa thuộc mặt chữ đến thuộc làu, đánh làm sao cho từ chậm đến thật nhanh.

Chú Lâm dạ rồi tiếp tục học. Đến lần thứ hai, thứ ba cũng vậy. Qua lần thứ tư chú mới nhuần nhuyễn thuộc làu. Học xong hai chữ ư, ơ, thầy nói:

- Thôi hôm nay học bấy nhiêu đủ rồi.

Chú Lâm ngước lên nhìn thầy có vẻ khẩn khoản:

- Xin thầy dạy con học thêm ít chữ nữa. Giờ này còn sớm lắm.

- Từ từ mà học. Ăn cái gì cũng phải cho nó có thời gian tiêu hóa nữa chứ. Coi chừng “dục tốc bất đạt” đấy.

Chú lưỡng lự chưa muốn rời khỏi bàn máy:

- Bạch thầy, học như vậy biết chừng nào con mới đánh được như thầy?

Thầy hơi nhếch môi cười. Tâm lý nôn nóng của chú Lâm chẳng khác gì thầy trước kia. Thích cái gì là muốn làm cho bằng được. Thầy nhắc nhở:

- Chú biết không, lúc trước tôi thấy người ta nói chuyện với người nước ngoài bằng tiếng Anh, tôi rất mê và ao ước nói được như vậy. Khi vào trường học, giáo sư dạy chậm quá, vì nôn nóng muốn nói được ngay nên tôi về nhà học thêm từ mà không để ý đến văn phạm. Đến khi học lên cao, chữ thuộc nhiều nhưng văn phạm mất căn bản. Thế là tôi nói sai bét hết. Quay trở lại học lớp thấp thì ngại, mà học tiếp lên cao thì không hiểu. Cuối cùng tôi đã phải bỏ ngang. Thế đó chú, việc học cũng chẳng khác việc tu hành đâu, vì tất cả pháp đều là Phật pháp. Muốn sáng tỏ một vấn đề gì phải chuyên chú và quán triệt nó một cách rốt ráo. Có được như vậy việc tu hay học của chúng ta mới đỡ vất vả và sự thành công sẽ vững chắc hơn.

Nghe thầy nói có lý, chú Lâm vui vẻ đứng dậy chắp tay xá chào lui ra. Từ đó mỗi buổi chú học khoảng một giờ và thuộc từ hai đến bốn chữ. Sau mỗi buổi học, những lúc rảnh rỗi chú gợi lại những chữ đã học và nhịp nhịp ngón tay như là mình đang ngồi đánh trước bàn máy. Do chuyên tâm như vậy, khoảng ba tháng sau chú đã đánh thông thạo không thua kém gì thầy.

Một hôm chú đang ngồi đánh máy một cách say mê. Những ngón tay thoăn thoắt lướt nhẹ trên bàn máy và tiếng đánh máy liên tục dòn như bắp rang. Chợt tiếng thầy thư ký vang lên khi bước vào phòng:

- Chu choa, hôm nay đánh máy khá quá!

Lúc đó chú Lâm rùng mình vì lời khen của thầy. Bây giờ chú mới nhận ra mình đã đạt đến trình độ khá cao. Thật xứng đáng với lòng kiên nhẫn học tập của chú. Có đôi lần đánh máy, chú thấy dường như thân tâm mình đã hòa cùng chiếc máy thành một dòng trôi chảy liên tục, lúc ấy ý thức không còn phân biệt như trước nữa. Chú đánh máy mà không còn thấy mình đánh máy. Từ bài học kinh nghiệm thực tế này, chú nghĩ đến pháp môn Tịnh độ trì danh hiệu Phật. Nếu mỗi ngày mình chịu khó huân tập chủng tử Phật danh, thì chắc chắn không bao lâu sẽ đạt đến nhất tâm bất loạn. Lúc ấy niệm đã thuần thục rồi thì khi niệm mà không thấy mình niệm, không niệm nhưng vẫn niệm. Chú mỉm cười sung sướng vì nhận ra được chân lý này và nói:

- Đúng là “Tất cả pháp đều là Phật pháp”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/10/2010(Xem: 3785)
Trong đời, tôi đã thấy mặt trăng lần nào chưa? Nhìn trăng, tôi nhìn cả đời. Nhưng thấy trăng, tôi không dám nói chắc. Khi tôi nhìn trăng trước mắt, tôi nghĩ đến trăng nửa khuya loáng thoáng trên tàu lá chuối sau vườn cũ. Tôi nghĩ đến đèn trung thu lúc nhỏ. Tôi nghĩ đến cái chõng tre giữa sân trên đó, ngày xưa, tôi nằm nhìn mây bay. Nhìn trăng, tôi không thấy trăng. Chỉ thấy lá chuối, chõng tre. Thấy cả tôi với trẻ con hàng xóm nô đùa. Có lần tôi trốn tìm với chúng nó, bị lộ, tôi nhảy bừa vào bụi tre, bất ngờ có đứa con gái đã ngồi sẵn trong đó. Tôi sợ hoảng, toan vọt ra thì nó kéo tay tôi lại, ấn vai tôi xuống, cười đồng lõa. Trong loáng thoáng của cây lá, tôi thấy hai cái răng cửa của nó sáng ngời ánh trăng. Bây giờ, nhìn trăng non, tôi thấy cái miệng và hai cái răng. Tựa như hai cái răng của nó phát ánh sáng và in hình miệng nó lên bầu trời.
16/10/2010(Xem: 3040)
Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em
16/10/2010(Xem: 2858)
Ngày xưa, vào hồi Tây Sơn khởi nghĩa, có một chàng trai người vùng Đồng Nai, có tài cả văn lẫn võ, đã vung gươm hưởng ứng sự bất bình của thiên hạ.
16/10/2010(Xem: 2709)
Ngày xửa... Ngày xưa... Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm...
15/10/2010(Xem: 3105)
Một danh tướng về già muốn tặng thanh kiếm báu của mình cho một tướng quân ở xa. Ông giao trọng trách đó cho một gia nhân, cũng là một tay kiếm xuất chúng. Cẩn thận như vậy, ông vẫn không yên lòng, nghĩ rằng kiếm sĩ này chưa chắc đã đủ chín chắn để giữ kiếm không bị cướp dọc đường. Thanh kiếm không những quý về chất thép mà còn quý vì chuôi kiếm có nạm vàng và ngọc vua ban.
13/10/2010(Xem: 2515)
Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn...
13/10/2010(Xem: 4089)
Vào Thứ Sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2010, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa Bình năm 2010 được trao cho Lưu Hiểu Ba. Lưu Hiểu Ba, sinh năm 1955 tại thủ phủ Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc, là nhà tranh đấu bất bạo động cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã từng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh trong biến cố Thiên An Môn năm 1989 và sau đó liên tục bị sách nhiễu, quản chế tại gia và tù tội. Ngày 8 tháng 12 năm 2008, ông đã bị bắt vì cùng một số nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Trung Quốc công bố Hiến Chương 2008 đòi xóa bỏ chế độ cai trị độc đảng để tiến tới một xã hội dân chủ cho Trung Quốc. Hiến Chương 2008 cho đến nay đã có hơn 8,500 người tham gia ký tên. Vì Hiến Chương 2008, Lưu Hiểu Ba đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 11 năm tù. Hiện ông vẫn còn ngồi tù ở Liễu Ninh, Trung Quốc.
11/10/2010(Xem: 3120)
Không ngờ tôi lại có được duyên lành đi chung với Thầy Trụ Trì Chùa Tâm Giác một đoạn đường khá xa. Tôi vẫn thường hay đến chùa, vãn hay gặp Thầy nhưng lúc nào Thầy cũng „Phật sự đa đoan“ nên tôi có rất ít thì giờ gần gũi và tiếp xúc với Thầy nhiều. Chuyến đi này thật hữu ích cho tôi vô cùng, tôi đã nghe và thấm nhuần được rất nhiều điều về Giáo lý Phật Đà - một niềm tin mà tôi luôn luôn tôn thờ và say mê khi vừa mới lớn cho đến tận bây giờ và cũng nhờ Thầy mà đoạn đường đi về 260 km không còn xa vời vợi nữa.
07/10/2010(Xem: 3250)
Hiện nay, truyền thuyết Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài được lưu truyền dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác như kể chuyện, ca dao, truyền kỳ, kịch, khúc nghệ, âm nhạc, v.v
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]