MINH TRIẾT VIỆT
NƠI RỪNG HƯƠNG MÂY TÍA
Tỳ-kheo GIỚI ĐỨC
Càng lên cao, sương mù càng dày đặc. Dường như đã lên đến gần trời rồi thì phải! Cái chỗ chót vót đỉnh Yên Tử mà hễ ai nói to hoặc đánh một tiếng chuông là trời đổ mưa? Hay là cái chỗ có cái am xưa của vị thiền sư thi sĩ tài hoa, Am kề hơi khí lạnh. Cửa mở tít tầng mây.[3] Rồi ở đây, ở kia - có rất nhiều nhánh, nhiều cụm, nhiều nụ lan thảo thấp thoáng trong sương? Và còn có biết bao nhiêu là tiếng chim nhẩn nha, tíu tít hồn nhiên giữa cô tịch? Ồ, đây đúng là tứ thơ Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian (Nguyễn Trung Ngạn) chăng? Trời đất sao mà thanh nhàn quá nhỉ? Chim thanh nhàn hay ông thiền sư thi sĩ tài hoa phất rủ áo mão trạng nguyên cùng chốn quan trường hệ lụy mà tìm cõi thanh nhàn? Rừng trúc nhiều chim ngủ. Quá nửa bạn nhàn tăng…[4]. Còn nữa, còn ở đâu nữa, nơi cái am Vân Yên hay Tử Tiêu mà một vị vua đã cảm khái tán thán, Này trăng, này gió, này người. Hợp thành tam tuyệt dưới trời là đây![5]
Thế rồi, gần hai mươi năm sau tôi mới trở lại. Tôi bần thần. Ngắm nhìn ngơ ngác. Yên Tử bây giờ đẹp quá! Ôi! biết bao nhiêu là công phu và tâm huyết! Tuy nhiên, có cái gì đó đã đổi khác hoặc có cái gì đó đã mất đi! Sừng sững những công trình xây dựng nhiều tài lực, lắm công của: Chùa viện tôn nghiêm, cáp treo tiện nghi, hiện đại lên tận chùa Đồng; nhiều lối đi thênh thang, nhiều quán nhà, cột đình sắc màu láng lẩy và sân vườn to rộng... Và cụm chùa Lân xưa - bây giờ là Trúc Lâm Yên tử - thì sao mà nguy nga và hoằng viễn quá! Nhưng như thế này thì tôi ngại rằng, không bao lâu nữa, ở đây cũng sẽ như chùa Hương! Không! Hy vọng là không phải thế! Hy vọng là các bậc thức giả và chư Tăng ở đây sẽ biết cách bảo vệ hồn thơ, hồn thiền và hồn của minh triết Việt! Hy vọng đừng có nhiều khói hương vàng mã, nhiều hòm công đức, nhiều dịch vụ thần linh, xin xăm, cúng sớ; nhiều dịch vụ ăn uống, nhiều nhãn mác rượu nội, rượu ngoại; nhiều đặc sản thú rừng, rao hàng, quảng cáo; nhiều tiền giấy bạc lẻ rải trắng đó đây, nhiều tiền đô-la âm phủ và roi rói phồn hoa, lấm lem bụi tục... !
Không nhớ ai đó đã nói rằng, thế giới đương đại đang bị tách lìa âm tố Da và Sein nơi chữ Dasein trong triết học Đức - để cho thực tại bản nguyên, hữu thể, tồn thể (Dasein) không còn là thực tại bản nguyên, hữu thể, tồn thể nữa! Thế gian - triết lý, khoa học vật lý, văn hóa, xã hội, nhân sinh, kinh tế thị trường... tất thảy đều đã ôm vật mà quên tâm cả chăng? Nói cách khác, cũng cùng lý tận tính, nhưng thiên hạ đã chạy theo vật lý mà mà bỏ quên đạo lý[6] chăng? Cái tinh thần siêu việt, thượng thừa, cái minh triết trong vắt, cao cả của hồn thiền, của minh triết Việt, nói theo Heidegger là đã bị vật thể hóa - nên nó mới huy hoàng mộng triệu như thế sao? Một ông vua từ bỏ ngai vàng lên non cao động vắng, sống đời bần hàn, Ăn rau trái, mặc áo sồi, coi nửa gian lều bằng nửa thiên cung;[7] và, Khuất tịch non cao. Náu mình sơn dã. Vượn mừng hủ hỉ. Làm bạn cùng ta;[8] rồi cái cảnh sống hằng ngày ở Yên Tử, Mặc cà-sa, nằm trướng giấy. Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương. Quên ngọc thực, bỏ hương giao. Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ[9] - thì đâu có tương hợp với những công trình vật chất quy mô tráng lệ, đâu có tương thích với cảnh ngựa xe như nước, áo quần như nêm như tiết thanh minh tảo mộ của Tố Như tiên sinh?
Tôi lại thở dài. Đúng là xã hội bây giờ nó vậy. Thời nào con người nấy. Tâm như vậy, cảnh như vậy. Ở đâu cũng thế cả thôi. Mình không thể hy vọng hão huyền là chúng sẽ khác đi. Phải trân trọng và cảm ơn mới phải. Cảm ơn những công trình hoành tráng, kiên cố, vững chắc của thời đại. Những giá trị văn hóa, lịch sử cần phải được trùng kiến, trùng tu, bảo vệ, gìn giữ! Tôi chỉ buồn cho mình thôi! Có lẽ là mình đã đầu thai nhầm thế kỷ (Vũ Hoàng Chương). Người ta đã nói đúng. Minh triết là cái tro xám, nguội lạnh; là cái già nua, nghèo nàn![10] Đi tìm những cái hồn, những cái thơ, cái thẩn giữa thời đại văn minh này - thì quả là tâm thần, đúng là thần kinh! Nó là những chuyện tẻ nhạt, ỉu sìu, cùn mòn, ngán ngẩm, nguội lạnh và lẩn thẩn...[11] như một số triết gia Tây phương đã nói. Bánh xe lịch sử không cưỡng cầu được. Tôi chỉ là người bơ ngơ, vô vị - đi mịt mờ, hoang liêu giữa thế giới đầy đặc sương mù với cảm thức không có trăng, không có sao; và vẫn mong rằng, ở nơi này và ở nơi kia, các giá trị minh triết đừng bị che khuất, bị giấu kín đằng sau mọi hiện tượng được gọi văn minh sổi, văn minh sượng, văn minh vội vã - là quý hóa lắm rồi! Nhân gian thì khả thứ nhưng núi non thiền thì không thể!
Ôi! Tôi nhớ làm sao là cái cảnh Vân Yên[12] thuở trước. Cái cảnh mà được tả là, Hồ sen trương tán lục. Suối trúc bấm đàn tranh. Ngự sử mai hai hàng chầu rập. Trượng phu tùng mấy khóm phò quanh... (Huyền Quang). Ai cũng biết, sen thanh khiết, trúc ruột rỗng, mai tiết khí và tùng là quân tử; vậy thì đây đâu phải là nơi cho bọn phàm phu tục tử như chúng tôi héo lánh đến! Hoặc, Chim gọi bạn, cắn hoa cúng Phật. Vượn bồng con, kề cửa nghe kinh.[13] Đúng là cõi Phật rồi!
Tôi cũng nhớ câu chuyện Thị Bích dựng chuyện tình vằng vặc trăng mai ánh nước làm cho Huyền Quang bị hàm oan. Nhưng trên đàn tế lễ hội Vô Già, Huyền Quang đã nhờ pháp lực mật niệm thần chú làm cho mọi thứ tạp vật (vàng bạc châu ngọc) trên pháp điện đều đã bị cuốn bay mất hết chỉ còn lại hương đăng và lục cúng[14]- mới lấy lại danh dự. Ồ, cái thuở ấy, vàng bạc châu ngọc được coi là tạp vật, kinh hãi quá!
Tôi đã quá lời. Tôi lại bàn chuyện ỉu sìu, ngán ngẩm, có phải thế không? Không! Tôi đang đi tìm cái hồn của minh triết! Cái hồn minh triết ấy là nội hàm của tất thảy cái gọi là vô vi, vô vị, bình đạm, vô tâm, vô niệm, vô ngã, vô ý, vô cố, vô tất,[15] vô niệm, vô thủ, vô xả, vô cấu , vô không, vô hữu...; là tập đại thành tư tưởng của Phật, Khổng, Lão; là chỗ tiếp thu toàn bộ thiền học Khương Tăng Hội, Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường; lại còn là nơi dung chứa toàn bộ Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, minh triết ẩn tàng của Trần Thánh Tông cùng tư tưởng thiền học và hồn thơ phóng khoáng, phiêu bồng của Tuệ Trung thượng sĩ - để tạo nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của thiền sư thi sĩ Trần Nhân Tông. Ông đã tiếp thu trọn vẹn cái biển học thời ấy, rồi quên nó đi hoặc tiêu hóa nó và biến nó thành máu huyết, hơi thở, thành thơ, thành thiền, thành đạo lý sống, thành chân lý sống cho cuộc đời hành động minh triết chẳng hữu, chẳng vô của mình.
Cuộc đời hành động.
Thuở nhỏ, Trần Nhân Tông có lẽ chưa thâm ngộ gì về Phật học nên sau này ông có nói, Tuổi thơ chưa hiểu có cùng không. Xuân đến, trăm hoa rộn cõi lòng. Dung sắc chúa xuân, chừ thấy rõ. Sàng thiền, nệm cỏ, ngắm tàn bông![16] Quả thật là kỳ lạ. Chưa hiểu gì về Phật mà đã trốn vào Yên Tử đòi đi tu? Rồi khi bị ép làm vua thì ông từ chối, muốn nhường ngôi lại cho em. Đối với người vợ mới cưới ông ta cũng rất lạnh lùng, lạt lẽo! Vậy, kiếp tu đã có sẵn tiền căn rồi. Là Kim Phật. Có hoa sen vàng to như bánh xe mọc nơi lỗ rốn! Rồi còn sứ mạng lịch sử nào đây với thanh gươm ngắn mà thần linh trao? Và quả đúng như vậy. 21 tuổi, mới lên ngôi được vài tháng thì vua đã phải đối phó với phái bộ của Hốt Tất Liệt là tên Sài Thung ngạo nghễ và xấc xược.
Vua đã vừa cương vừa nhu trong cách đối xử phải lẽ với sứ giả, đồng thời thảo những lá thư ngoại giao khéo léo để tránh cho đất nước khỏi nạn can qua. Quả là một đống công việc, nhà vua trẻ phải lao tâm tổn sức vì sự sống còn của Đại Việt.[17] Năm 1287, việc nước đang bề bộn, đang chuẩn bị cấp tập, ráo riết như dầu sôi lửa bỏng ở bên lưng[18] - thì Hoàng thái hậu mất. Vua kể lại rằng, từ lâu đã đội ơn dạy dỗ của Tuệ Trung thượng sĩ,[19] nhân lúc cư tang đau buồn bèn cho người mời ngài đến. Trong dịp này vua còn đủ tâm trí để học đạo, hỏi thiền. Thượng sĩ đã ân cần trao cho hai bộ ngữ lục bảo phải cố gắng nghiên cứu ngày đêm.[20] Vua ngờ vực quá - vì thấy đời sống của thượng sĩ rất phàm tục[21] nên đã tò mò dọ hỏi về việc tu hành. Và nhờ cuộc tiếp xúc, trao đổi này mà nhà vua dường như nắm được yếu chỉ tâm pháp của thiền Trúc Lâm tại núi Yên Tử - mà nghe đâu Tuệ Trung, cũng chính là Huệ Tuệ kế pháp truyền đăng, tục diệm[22] đời thứ năm.[23] Như vậy, chứng tỏ nhà vua vừa chăm lo việc nước, vừa đánh giặc vừa nghiên cứu Phật học.
Thật là lạ lùng. Nhà vua dường như làm mà không làm tương tợ vô vi nhi vô bất vi của Lão. Nhà vua dường như tùy công việc mà khởi tâm, là tùy duyên của Phật, lấy tâm của muôn dân (thiên hạ chi tâm) làm tâm của mình như Trúc Lâm quốc sư dạy bảo cho vua Trần Thái Tông, chứ không có ý riêng, không có nguyên tắc, không chủ trương quan niệm riêng; và cuối cùng là để cái tôi, cái bản ngã của mình ra ngoài - thì có khác gì vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã trong tứ tuyệt tứ của Khổng?[24] Vậy đó! Sau trận chiến thắng Nguyên Mông lần thứ hai, 1288,[25]đứng trước ngôi mộ của ông nội đã bị giặc đào phá, đức vua cảm khái: "Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá. Non sông nghìn thuở vững âu vàng" [26]- mà cảm thấy nhẹ nhõm, dường như thanh gươm ngắn của thần linh trao đã làm xong sứ mạng của nó!
Như thế là chàng trai thanh niên trải qua hai cuộc chiến kinh hoàng khi tuổi vừa mới 30! Thắng giặc đã khó khăn mà ổn định đất nước, xây dựng cơ đồ, tế thế an bang sau can qua đổ nát cũng không phải dễ dàng gì. Đức vua trẻ tuổi đã có một kế lược hậu chiến quy mô và hoàn bị[27] nên chỉ trong vòng 5 năm, dẫu trải qua hai trận mất mùa đói kém, người con trai tài hoa và trí dũng của chúng ta đã phát triển đất nước giàu đẹp từ đống đổ nát, điêu tàn của binh lửa. Công cuộc ngoại giao gìn giữ và bảo vệ hòa bình cũng đã đến hồi thắng lợi. Hốt Tất Liệt chết, mộng xâm lược Đại Việt cũng chết theo, Nguyên Thành Tổ lên ngôi gởi thư báo về việc bãi binh. Thế là nhân dân Đại Việt yên ổn làm ăn, bắt đầu của thời thái bình, thịnh trị.
LàmThái thượng hoàng và Hương Vân đầu-đà.
Khi đất nước đến hồi phát triển rực rỡ nhất, 1293, mới 35 tuổi, Trần Nhân Tông đã nhường ngôi, giao lại quyền bính cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Thật là một nghĩa cử cao cả và tốt đẹp, để lại bài học cho muôn đời sau là đừng có tham quyền cố vị! Dường như Trần Nhân Tông miễn cưỡng lên làm vua, nhưng khi làm vua là nhận lãnh một trách nhiệm với sơn hà xã tắc; làm vua là để lãnh đạo hai cuộc chiến tranh vệ quốc bất đắc dĩ (thanh gươm ngắn chứ không phải thanh gươm dài), không có chỗ để nghỉ ngơi trong suốt 14 năm tại vị (từ năm 1279 đến năm 1293). Như thế, rõ ràng là ngai vàng, danh vọng, quyền lực, phú quý, ngũ dục... chẳng hề động tâm đức vua ấy, đức Kim Phật ấy. Rồi, khi làm Thái thượng hoàng thì đã thật sự nghỉ ngơi chưa? Có, có chút ít nghỉ ngơi và để tâm nhiều hơn về việc học Phật, tu Phật.
Sử kể rằng, ông thường ngao du đây đó, yêu thích chốn sơn thủy thanh u. Đặc biệt là cảnh trong bài thơ Vũ Lâm tươi đẹp: Lòng khe vắt ngược bóng cầu hoa. Ngấn nước lung linh vệt nắng tà. Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ. Làn mây mơ mộng tiếng chuông xa... [28] Thật là kỳ lạ quá sức. Mới sau những trận ác chiến kinh hoàng, sau năm năm xây dựng đất nước, tâm của vị Thái thượng hoàng này lại cảm nhận được cái động cựa, cái sức sống thiên nhiên ngoại vật: Cái vệt nắng trên ngấn nước! Cái lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ; lại còn làn mây ẩm, làn mây ướt, nó mơ nó mộng tiếng chuông xa! Thật là tinh tế hết chỗ nói! Thi pháp nghệ thuật ấy cũng khá mới mẻ đấy chứ! Người ta nói, năm này, 1294, Thái thượng hoàng xuất gia ở Vũ Lâm. Thật ra, lúc này ngài mới tập sự xuất gia, tìm chỗ non thanh cảnh vắng để nghiên cứu thiền học mà thôi. Tại sao vậy? Tại vì cái chứng chỉ tập sự xuất gia nó nằm nơi bài thơ, nó giấu kín tâm sự ở đó! Chúng ta hãy xem nào! Chiếc cầu chạm vẽ nói lên thân thế hoàng gia của ngài. Cái thân thế ấy in ngược trên lòng khe như mộng, như ảo.
Tuổi đã thu rồi, xế chiều rồi, chỉ còn vệt nắng cuối cùng lấp lánh nơi ngấn nước ngoài rìa bờ khe. Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ. Sao lại nghìn non? Đứng ở điểm nào mà thấy cả nghìn non? Đây là tâm thấy chứ không phải mắt thấy. Nghìn non là vạn vật. Vạn vật đã âm thầm, lặng lẽ báo triệu sự vô thường, thu rồi, chiều rồi; ngô đồng nhất diệp lạc đã báo thu rồi - huống hồ cả nghìn non rơi lá đỏ? Còn chần chờ, lần lửa gì nữa? Gẫm lại việc nước còn nhiều việc chưa làm xong, còn nặng nề quá; chẳng khác gì đám mây kia, đẫm nước, ướt nước không nhẹ nhàng bốc cao lên được; chỉ có việc chấp nhận tại thế, nằm đây mà mơ mà mộng tiếng chuông chùa xa mà thôi! Như vậy, thơ chính là tiếng nói u tịch, kín đáo của lòng mình; tâm cảnh tương quan, duyên khởi - không có ở đâu rõ ràng hơn thế! Còn nữa, Thái thượng hoàng yêu mến Trần Đạo Tải nên sai bày dọn sơn hào hải vị đãi Tải, ngài ngồi bên, nói thơ... Sơn tăng giữ tịnh giới.
Cùng ngồi, không cùng ăn.[29] Nhà vua tự gọi mình là sơn tăng - có vẻ như câu nói giỡn chơi của một người vừa tập sự tu hành; nhưng cũng đã chứng tỏ một cốt cách nào đó của con người đã lựa chọn chí hướng xuất trần cho đời mình. Cũng trong năm này, 1294, ngài còn phải trở lại kinh đô để tiếp phái bộ của Trung Quốc; sau đó, thảo văn thư xin thỉnh Đại Tạng kinh với Nguyên Thành Tổ. Thấy phương Bắc tạm yên, ngài cầm quân đi đánh Ai Lao.[30] Việc chiến tranh là bất đắc dĩ nên lòng nhà vua đâu có vui, Lạnh lẽo đường xa mơ điện cũ. Rối ren sầu dấy thấm ly nồng...[31] Ngài lại còn sợ mai sau chuốc lấy lời chê như Hán Vũ đế là ông vua hiếu chiến; thế thì nam nhi ở trên đời lật đật, vội vã với việc chinh chiến là để mà làm gì? [32] Thế là đã rõ, nếu năm 1294 đã xuất gia rồi thì không thể cầm quân đi đánh giặc, không thể uống rượu và cũng không thể mơ cung điện cũ! Khi Ai Lao đã thuần phục, tháng 6 năm 1295, ngài trở về, sau đó xuất gia ở hành cung Vũ Lâm [33].
Một số tư liệu khác thì nói đến năm 1299, Thái thượng hoàng mới xuất gia, sau đó vào Yên Tử, dựng Chi Đề tinh xá, thọ trì 12 pháp đầu-đà, tự gọi là Hương Vân đầu-đà![34] Năm 1299 có lẽ đúng hơn năm 1295 - vì khi vị tỳ-khưu đã thọ trì 12 pháp đầu-đà thì họ nguyện giữ giới luật rất nghiêm túc, nếu không muốn nói là rất khắc khổ, rất thánh hạnh.[35] Tuy nhiên, ở đây, ta hãy bỏ qua những tồn nghi về năm tháng xuất gia, thầy truyền giới[36] vì nhiều sử liệu mâu thuẫn, phức tạp khó xác định chính xác. Có lẽ xuất gia rồi, Hương Vân đầu-đà dường như để tâm toàn bộ cho việc học đạo, hành đạo và dạy đạo - do mở pháp độ tăng, người học đến rất đông;[37] chỉ một lần ngài về kinh đô để nghiêm khắc chỉ dạy Trần Anh Tông trong một lần uống rượu say.[38] Năm 1301, Hương Vân đầu-đà cất bước nam du - có lẽ là tam y nhất bát - rời Yên Tử đến Bố Chính,[39] ngụ ở am Tri Kiến,[40] sau đó lần lượt bộ hành sang đất Chiêm.
Và có lẽ đây là sứ mệnh ngoại giao cuối cùng của ngài đối với đất nước: Tìm sự yên bình lâu dài cho biên giới phía Nam. Ngài đi, lần này, chẳng võng lọng, nghi trượng, chẳng áo mão cân đai, chẳng ngựa xe hầu đón - mà chỉ là một vị sư đầu trần chân đất, ngàn nhà một bát xin ăn, sá gì cô lẻ chiếc thân dặm ngoài,[41] tại kinh đô của đất Phật[42] để tìm sự bang giao hiếu hòa bền vững. Và nhờ vậy, mấy năm sau, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý để làm quà sinh lễ cưới Huyền Trân công chúa.
Vậy là tạm giải mã xong cái nốt ruồi bên vai trái gánh vác sơn hà xã tắc và thanh gươm ngắn thần linh trao để lãnh đạo hai cuộc chiến tranh tự vệ. Còn màu da vàng ròng như Kim Phật và đóa sen vàng to như bánh xe mọc nơi lỗ rốn là sao nhỉ? Đây có lẽ là giai đoạn lên làm Thái thượng hoàng để nhiều thì giờ hơn cho việc tu tập - và đặc biệt từ sau năm 1299 - lúc ngài thọ trì 12 pháp đầu-đà, tự xưng là Hương Vân đầu-đà, hoàn toàn để tâm cho việc tu hành và hoằng pháp độ sinh!
Về thơ.
Có lẽ Trần Nhân Tông làm thơ không nhiều. Chỉ có 32 bài và ba đoạn phiến[43] tìm kiếm được thì quả là không nhiều. Đọc hết số thơ ấy, ta thấy rằng, nếu loại trừ 5 bài thơ xã giao, thù tạc; loại trừ thêm 3 bài Tây chinh, Khuê oán, Với Văn Túc Vương; bỏ luôn cả 3 bài có hơi hám đế vương như Cây mai, Đêm 11 tháng 2, Ngày xuân thăm Chiêu Lăng; cũng bỏ luôn 1 bài kệ thị tịch (vì kệ, không phải thơ); cũng bỏ luôn 3 đoạn phiến - thì số còn lại mới chính thật là thơ, thơ có hồn thiền, hình tượng thiền, có tư tưởng thiền, súc tích, cô đọng. Tôi xúc cảm, tôi hứng thú loại này hơn.
Người ta nói rằng thơ văn ngài là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ. Ở đấy cũng thể hiện sự hòa hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa cung đình vừa bình dị, dân dã, có cả những kiến thức sách vở uyên bác với sự từng trải lịch lãm.[44] Bình như vậy quả là tuyệt; là quá trân trọng một nhà thơ lớn, một nhà nghệ sĩ lớn của dân tộc! Tuy nhiên, có ai ngờ rằng, nhận xét ấy vô tình đã hạ thấp giá trị minh triết và giá trị thiền học ẩn tàng trong ngôn ngữ nghệ thuật và hình tượng nghệ thuật của tác giả. Trong 32 bài thơ và 3 đoạn phiến - không cần kể số đã loại trừ - không có chỗ nào là cảm quan triết học cả, có chăng là cảm quan thiền học. Dĩ nhiên, có triết học, nhưng triết học ấy đã bị lặn chìm, mất dấu; lý trí phân tích, suy luận cũng vắng mặt. Cảm quan thế sự ư? Cũng không thấy.
Nó có thể có nỗi buồn (Đêm 11 tháng 2, Tây chinh), có thể thương xót người thiếu phụ (Khuê oán), có thể có những câu nói khách sáo, xã giao với sứ Tàu - nhưng nhất định không phải là chuyện được mất, hơn thua, thành bại, sang hèn, giàu nghèo... của thế sự, của người đời, việc đời! Lại nữa, ta phải hiểu rằng, sau khi cả ba phương Bắc, Tây, Nam gươm giáo lặng, Hương Vân đầu-đà trở lại Yên Tử với cảnh tiên, tâm Phật; đặc biệt khi tự xưng mình là Hương Vân đầu-đà rồi, sống đời một khất sĩ khổ hạnh rồi, thì dường như ngài không còn một chút dính mắc gì nơi trần thế nữa: Trói buộc gì đâu, tìm giải thoát? Không phàm, hà tất kiếm thần tiên? Vượn nhàn, ngựa mỏi, người thêm lão. Như cũ, am mây, một chõng thiền! Tiếp theo, Phải, trái, niệm rơi hoa buổi sớm. Lợi, danh lòng lạnh trận mưa đêm. Rụng hoa, tạnh hạt, non yên tĩnh.
Còn tiễn xuân tàn, một tiếng chim! [45] Thấy chưa? Ý niệm về chuyện phải trái nó rơi theo hoa buổi sớm rơi. Cái tâm về lợi danh nó lạnh ngắt giống như trận mưa lạnh ngắt đêm rồi! Và ngay chính cái rơi, cái lạnh ấy cũng không còn nữa, nó rụng, nó tạnh hết rồi, chỉ còn non yên tĩnh mà thôi. Cái non yên tĩnh ấy, các bậc thức giả có nghe không, có một tiếng chim vừa hót lên, nó đang tiễn xuân đấy! Thật là tuyệt! Kín đáo, ý vị, thi vị, thiền vị đến thế là cùng! Hoặc: Chim hót khoan thai khóm liễu hoa. Bóng thềm nhà vẽ mây chiều qua. Việc đời, khách đến thôi không hỏi. Cùng tựa lan can ngắm biếc xa.[46] Không những việc đời không buồn hỏi - mà cả trăm việc, ngàn việc cũng như thế: Muôn việc nước xuôi nước.
Trăm năm lòng hỏi lòng [47]. Người tu thiền chỉ nên quán việc đời, quán cảnh, quán muôn việc, quán pháp vô thường, vô ngã, trôi chảy, dịch hóa, dịch biến; quán tâm, nghe tâm, lắng nghe tâm, quán thế âm, tâm ngữ tâm mà thôi! Không có đâu hiển ngữ rạch ròi như hai câu thơ ấy - cho nên đừng nói cảm quan thế sự mà có tội! Người ta nói, sai một ly đi một dặm; nhưng ở đây chỉ một sợi tơ, sợi tóc là đã cách biệt muôn trùng! Còn lạc quan, yêu đời ư? Có thế chăng? Tôi đã đọc đi đọc lại hằng chục lần những chẳng thấy chỗ nào là lạc quan, yêu đời cả. Lạc quan, yêu đời là tốt ư? Nó có tốt hơn nhìn đúng chân tướng của sự vật, của muôn pháp không? Phật ôi! Có lạc thì phải có bi, có yêu thì phải có ghét! Đức Đại sĩ của chúng ta sao lại còn phải khòm lưng, cúi đầu trong cái tròng nhị nguyên khốn khổ, tầm thường và tục lụy ấy? Xin thưa, thơ ngài chẳng lạc quan mà cũng chẳng bi quan, đa phần là nói thực, thấy thực, nghe thực, nghĩ thực - thực cảnh, thực tâm - nhưng cái thực cảnh, thực tâm ấy đã được chắt lọc qua cảm xúc tinh tế của nghệ thuật, của thiền tâm! Ta hãy nghe một vài. Khói thu, lạnh lẽo mái chùa xưa.
Hiu quạnh, câu thuyền, chuông vẳng đưa. Nước sáng, non yên, âu trắng lượn. Mây nhàn, gió lặng, đỏ cây thưa! [48]Chúng ta để ý, ngoài cái thấy thực, nghe thực, chúng còn: Nước sáng, non yên, gió lặng, mây nhàn... thì sẽ hiểu được cái tâm, cái trí và dụng ý của tác giả. Ở đây, thi sĩ đã sử dụng tu từ mà nhẹ nhàng, trong vắt dường như không cần phải dụng công tu từ: Sáng là tuệ; yên, lặng là định; nhàn là tâm! Thế đấy, thực là thơ thiền thì không cần sử dụng ngôn ngữ kinh điển khô khan hoặc khái niệm trừu tượng của lý trí vọng thức đa sự! Bài khác: Đèn soi nửa cửa, sách đầy giường. Khí lạnh sân thu, rỏ giọt sương. Thức dậy, mơ hồ chày đập áo. Trên cành hoa mộc, ánh trăng vươn.[49] Hai câu đầu là thực, tả thực, một nét phác thảo chắt lọc cảnh. Câu ba là âm thanh ở xa vọng lại, đã đi vào tâm.
Câu bốn, nhờ tuệ, nhờ định mà chụp bắt ngay được cái tinh tế của thực tại hiện tiền: Trên cành hoa mộc, ánh trăng vừa lên! Tác giả không cần nói, đương xứ tức chân của kinh Đại niệm xứ hoặc kinh Hoa Nghiêm[50] mà vẫn chụp bắt được cái đang là, cái như thị! Có tuyệt cú mèo không chứ! Thêm một bài nữa. Xóm trước, làng sau tựa khói lồng. Bóng chiều nửa có, nửa dường không. Đi trong tiếng sáo, trâu về hết. Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.[51] Đây cũng là bài thơ tả thực, ngắm cảnh mà tả thực.
Thật khó mà biết được tác giả có gởi gắm, có gói ghém toàn bộ tư tưởng của bài kệ Hữu cú, vô cú[52] siêu tuyệt có, không, chẳng dính mắc có không trong câu 1, 2 hay chăng? Và nếu vậy thì nó là vọng âm thượng thừa tư tưởng ly tứ cú, tuyệt bách phi của Thiền tông để cắt đứt sắn bìm, cắt đứt tất cả huyền đàm hý luận của bọn thầy tu áo vá, đau não điên đầu; của bọn lập tông lập chỉ, đập ngói xoi rùa; của bọn tìm gươm khắc dấu mạn thuyền; của bọn chấp vào ngón tay mà quên mất mặt trăng; của bọn tra tra xét xét, phố chợ ồn ào...[53] để không còn cái xiềng xích nhị nguyên phân biệt bên này và bên kia, mê và giác, có và không, phiền não và bồ đề, sinh tử và niết-bàn...; và cũng có thể là tháo tung cả tám chữ [54] không còn nơi nào để bám víu nữa để tiêu diêu, để khoát hoạt và thong dong tự tại... Nhưng để nói được ý tưởng đó, tác giả đã lồng ghép, hòa tan tư tưởng thiền với hình tượng nghệ thuật: Đi trong tiếng sáo, trâu về hết! Ngưu quy tận! Hình ảnh bức tranh cuối cùng trong 10 bức tranh chăn trâu hiện ra trong tâm trí chúng ta: Trở lại cội nguồn, về với cội nguồn, vong ngã, vong pháp hoặc trở về với thực tại hiện tiền, Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng - cũng y như nhau, cùng một lập nghĩa!
Thế đó, thơ của ông vua thiền sư thi sĩ, đọc đâu tôi cũng thấy ý tưởng thiền được ẩn tàng, không lộ liễu. Duy nhất có một bài thơ nói về lòng vị tha. Mà không, nói vị tha thì không chuẩn xác, phải nói là tâm bi mới đúng - đó là bài Trúc nô minh: Tâm không đùa ngạo tuyết. Đốt cứng, dãi dầu sương. Mượn ngươi làm nô bộc. Lại ngại ngược tính thường! [55] Thật là bi mẫn tinh tế hết chỗ nói. Quý vị biết sao không, trúc nô, thanh nô, trúc phu nhân là tên gọi một loại gối tựa hoặc gối kê tay đan bằng sậy hay bằng trúc [56]. Nhà vua thi sĩ của chúng ta (Hương vân đầu-đà thì không được phép) khi sử dụng chúng vào mùa hè, luôn kề cận ở bên mình, lại chợt nhớ tới các hàng nô bộc (thời Trần còn nô lệ) ở xung quanh. Trong hàng ngũ nô tì ấy vẫn có những phẩm cách cao quý, vẫn có những anh hùng như Dã Tượng, Yết Kiêu - và chính bọn chúng lại giúp cho nước nhà khi hữu sự; là những người hứng chịu hòn tên, mũi đạn! Ngoài ý nghĩa đó ra, bài thơ còn là vọng âm của Phật ngôn: Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn!
Về phú.
Thơ thì chữ Hán - nhưng phú thì hoàn toàn sử dụng tiếng Nôm cho ai cũng hiểu được - là một bản tuyên ngôn phong phú, dị giản về đời sống thiền và tông chỉ của phái Trúc Lâm Yên Tử mà ngài đã là sơ tổ. Bài phú Cư trần lạc đạo (không kể Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca) là một tuyệt tác văn học và thiền học bằng văn Nôm sớm nhất ở nước ta. Nó có nhiều tiếng Việt cổ, nôm na, dân dã mà ngày nay đã mất hẳn. Có cấu trúc biền ngẫu, có âm vang, nhịp điệu, có cân bằng, niêm đối chỉnh chu. Có cách sử dụng danh từ, động từ tạo hiệu ứng, nhân hóa, ấn tượng mà ngày nay gọi là phép tu từ. Và ở đây, ta cũng không tìm thấy khẩu khí cung đình, đế vương! Ngoài ra, chính ở bài phú nầy mới chứng tỏ kiến thức bác lãm, kinh lịch, chứng tỏ một sức học thâm uyên của tác giả.
Trọn vẹn tư tưởng của bài phú này có thể tóm thâu là: Mọi việc trăm năm cõi thế, đời người, tử sinh không hỏi nữa; mọi ngõ ngách tư tưởng đã được tháo tung, mọi tham sân phiền não đã được giải quyết; và còn nhiều biên tế tư duy chập chờn đã được đèn tuệ soi tỏ; mọi thiền, mọi ngữ lục, mọi kinh điển đều đã bước qua; dứt tất thảy mối nghi, vằng vặc tâm, vằng vặc tuệ, vằng vặc giải thoát; và cuối cùng là để tâm hỷ xả, sống thung dung, an nhàn, tự tại giữa cuộc đời - đúng như tuyên ngôn trong Hội 1, mở đề: Mình ngồi thành thị. Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính. Nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Và rồi, dường như đọng lại, tụ lại nơi 4 câu kết, như là câu tuyên ngôn cuối cùng: Sống đời vui đạo hãy tùy duyên. Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền. Châu báu trong nhà, đừng kiếm nữa. Vô tâm ngắm cảnh, hỏi chi thiền! [57] Thật ra cũng chỉ đơn giản như vậy thôi, hãy tùy duyên mà sống. Đạo tự nhiên như hơi thở, tự nhiên như đói thì ăn, khát thì uống.
Hoặc, như một cặp đối xa xôi nào đó vừa hiện ra trong tâm trí: Đói ăn, khát uống, sờ ngay cửa! Nóng quạt, rét run, đá trúng sườn! Đạo là đó! Tự nhiên cùng với nhiên giới! [58] Thiền là đó! Thêm cái giác, cái biết, biết như thực! Cũng là vọng âm của thiền Vipassanā: Ăn biết ăn, đi biết đi, ngồi biết ngồi... Và rốt ráo nhất của nó là Thấy như thực thấy, nghe như thực nghe của kinh văn Nguyên Thủy.[59] Tinh yếu thiền giống nhau cả thảy. Cực Lạc, Tịnh Độ, Di Đà, Viên Giác, Kim Cương, Pháp Hoa, tính sáng, tính trong, tính giác, thực tại hiện tiền, bản lai diện mục, vô vị chân nhân, chân như, đàn không giây, sáo không lỗ, khúc vô sinh, thái bình ca... gì gì đó đều có sẵn trong lòng mình, là viên minh châu còn nằm trong manh áo của thân tứ đại rách rưới này! Đừng hỏi gì về thiền nữa, thiền là đó, thiền là vô tâm, thiền là để tâm hư, tâm không, tâm rỗng rang không chấp trước vọng cầu - lúc đối cảnh, lúc giao tiếp với thiên nhiên, ngoại vật, pháp trần... Thế rồi, chỉ còn hai chữ vô tâm lấp lánh, phát sáng.
Vô tâm này chắc hẳn không phải là vô tâm của Trần Thái Tông: Chớ bảo vô tâm là đạo vậy. Vô tâm còn cách những ngăn rào.[60] Đúng vậy, vô tâm của Trần Thái Tông là ý niệm vô tâm, chấp vào vô tâm hoặc vô tâm ấy là không có tâm, không có niệm... Thế là trệ không, dính vào không, kẹt không! Còn vô tâm của Hương Vân đầu-đà là không tính [61] là duyên khởi nên không của thiền quán Vipassanā; nó ở ngoài không có, nó sinh ra không có; là không của bên kia hữu cú, vô cú, của giải thoát, của mênh mông hề phương ngoại phương! [62] Nói khác, vô tâm của Trúc Lâm đại sĩ nó ôm trọn Tứ tuyệt tứ của Khổng, vô vi của Lão, vô tâm của Đạt Ma, vô niệm của Huệ Năng... Tức là ở trên phạm trù triết học; chính là tinh yếu, là cốt lõi, là minh triết của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của Điều Ngự Giác Hoàng Hương Vân đầu-đà!
Dẫn kết.
Người ta thường nói, thiền Trúc Lâm Yên tử là Thiền Việt Nam! Đây là dấu hiệu tốt, một ý thức độc lập, tự chủ muốn ly thoát cái bóng vĩ đại của đế quốc phương Bắc đã phủ trùm dân tộc ta thuộc mọi lãnh vực. Vua Trần Nhân Tông, Thái thượng hoàng và Hương Vân đầu-đà đã làm như vậy trong 3 giai đoạn đời người của mình.[63] Tuy nhiên, không có cái gọi là thiền Việt Nam! Yếu tính thiền, yếu chỉ thiền là kiến tánh, thấy rõ thực tánh, liễu ngộ thực tánh thì thiền Nguyên Thủy, thiền Đông Độ, hay Zen đều giống nhau.[64] Nếu nói là thiền mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt thì nghe ổn hơn. Nhưng điều ấy cũng chưa nói được gì - vì rằng, Phật giáo đến quốc độ nào đều mang bản sắc văn hóa bản địa của dân tộc ấy; ví dụ, Trung Quốc kết hợp Phật với Khổng, Lão; và sau khi thiền Đông Độ ra đời, sau Huệ Năng - thì thiền ấy, thấm đẫm chất Lão Trang, trở thành thiền phù hợp với khẩu vị, tầm vóc, tâm hồn, khái niệm, tư duy, cá tính... tức là bản sắc văn hóa của người Trung Quốc.
Nhật Bản thì kết hợp với văn hóa truyền thống và tín ngưỡng Thần đạo dân tộc - mà biến thành thiền Zen; rồi thiền Zen ấy thổi hồn cho kiếm đạo, thư đạo, hoa đạo, họa đạo, trà đạo... hợp với bản sắc đặc thù của con cháu Thái Dương thần nữ! Tây Tạng kết hợp với đạo Bon, tín ngưỡng thờ ma quỷ, huyền thuật, chú thuật Bà-la-môn mà trở thành Mật Tông với sự đầu thai, hóa kiếp, chuyển kiếp, hóa thân... rất riêng của họ! Ấy là sự thật trong lịch sử Phật giáo thế giới, không có gì là mới mẻ cả. Phải nói rằng, Trần Nhân Tông, sau khi tiếp thu trọn vẹn mọi nguồn, mọi tông phái thiền học đương thời, ngài vận dụng thêm tư tưởng nhập thế tích cực hơn để đáp ứng với tình thế đất nước; huy động toàn bộ nhân dân không kể đạo đời, tăng tục cùng đoàn kết chống ngoại xâm, xây dựng đất nước - thì khả dĩ hơn.
Tôi nói khả dĩ hơn, vì thật ra, cái vận dụng nhập thế tích cực, đạo đời, tăng tục không có biên ranh thì đã có từ thời Lý Thánh Tông với thiền Thảo Đường mà chính ông ta là sơ tổ của phái này; và gần nhất là các thiền sư cư sĩ như Ứng Thuận, như Tuệ Trung! Trần Nhân Tông chỉ là người tiếp lửa cho xu hướng Phật giáo nhập thế tích cực ấy! Chính điều quan trọng nhất, mấu chốt nhất, cốt tử nhất mà chưa ai đề cập là: Thiền nhập thế ấy, kết hợp phong phú, sinh động bởi một con người minh triết, một vị tỳ-khưu, một Hương Vân đầu-đà - mới trở nên một cái gì vĩ đại, là cái dấu ấn vàng son trong lịch sử dân tộc. Thiếu một trong hai sẽ trở nên vô hồn, chỉ là cái xác khô rỗng. Nó khập khễnh.
Nói cách khác, khái quát và dung hợp trọn vẹn hơn: Thiền nhập thế ấy được thổi hồn sống, được tiếp truyền năng lượng tâm linh bởi một vị vua trẻ tuổi từng là một vị anh hùng lãnh đạo hai cuộc chiến tranh tự vệ oanh liệt; một nhà chính trị, quân sự kiên cương nhưng thầm lặng; một nhà ngoại giao cứng mềm tùy nghi nhẫn xả; một người xây dựng đất nước có chiến lược, có tầm nhìn xa, trông rộng; lại là một nhà văn hóa cầm đuốc dẫn đạo tiên phuông phục hồi, duy trì và phát huy ngôn ngữ Việt Nôm; một thiền sư sơ tổ Trúc Lâm đại sĩ tầm vóc lớn lao; một nhà tu khổ hạnh tam y nhất bát du phương, một nhà thơ trong sáng và tịnh định hồn thiền; một nghệ sĩ cốt cách mai hoa cam lộ lưu phương [65] - mới chính thật là vô tiền, khoáng hậu! Trong lịch sử thế giới, ở đâu có sự tổng hợp, tương hòa, dung hợp kỳ diệu, tối đại thượng thừa như thế chứ? Không, không có! Và chưa hề có!
Nói tóm lại, dẫu tôi có nỗ lực giải mã một vài tứ thơ của Đại sĩ, ở đâu đó, cũng thản như đầu thượng trước đầu, cũng chỉ như tuyết thượng gia sương[66] mà thôi. Tôi đi tìm cái gì đó, một mùi thơm của đóa hoa minh triết 700 năm ư? Thiền sẽ nói, là đi tìm dấu chân trên cát, tượng mây giữa trời! Tất thảy đều vô vọng, bất lực như đang đối diện với hư vô và hố thẳm của ngôn từ! Cuộc đời này, trong lịch sử hoặc mọi cái đang xẩy ra, đang diễn ra trên thế giới, trong lòng trần gian - nó rối rắm, phức tạp lắm, tôi không hiểu, không biết gì đâu; tôi chỉ muốn nói đến một con người, một nhân cách thấm đẫm nhân văn mà hồn thiền và minh triết Việt không còn biên giới! Đại sĩ là vậy.
Con người Đại sĩ là vậy. Chúng ta cũng rất xót xa mà rằng, thời này, mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm thì có được mấy người, hay là đã hòa kỳ quang mà đồng kỳ trần[67]cả rồi? Hay hễ đói thì cứ ăn tự nhiên, hễ khát thì cứ uống tự nhiên như Trúc Lâm sơ tổ? Tuy nhiên, buồn buồn một chút vậy thôi, nếu ai cũng đại nguyện bồ-tát ngũ trược ác thế thệ tiên nhập[68] cả - thì tôi đâu có dám lạm bàn! Cái đó là cái nguyện của mỗi người. Ai cũng đang thò tay đi những quân cờ giữa trận đồ duyên khởi tại thế; nó đang tiếp diễn, liên tục, dịch hóa, không thể dừng lại được - dừng lại là vũ trụ vỡ thành bảy mảnh!
Tôi đi tìm lại chút hương nơi cõi non xanh mây tía ấy, nhưng tôi tìm trong thơ, theo cách thi giải chủ quan của mình! Và tôi biết, phương pháp thi giải thì dễ thơ thẩn, lẩn thẩn, cảm tính và mơ hồ sương khói lắm! Nhưng lạy Phật, hương thơm minh triết hơn 700 năm qua - tôi cảm nhận trong riêng tư, thầm lặng, cô tịch là nó vẫn còn đây - vẫn còn bát ngát, khinh phiêu, du viễn giữa trần gian, giữa muôn cùng cát bụi!
Và cuối cùng, bài thơ này thì tôi không thi giải được: Thế số nhất tức mặc. Thời tình lưỡng hải ngân. Ma cung hồn quản thậm. Phật quốc bất thắng xuân. Tôi không biết thế là gì, số là gì? Lại càng không biết thời là gì, lưỡng hải ngân là gì? Rõ là nơi những con chữ ấy còn ẩn tàng nhiều lớp nghĩa. Đúng hơn là còn bí hiểm! Xin các nhà nghiên cứu, các bậc thức giả, trí giả giải mã cho.
Tôi chỉ tạm dịch: Số đời hơi thở lặng. Tình đời đôi mắt trong. Cung ma vây chặt cả. Nước Phật xuân mênh mông!
Huyền Không Sơn Thượng, Huế
Am Mây Tía (Tử Vân Am)
Tiết mưa lũ - 2008
G. Đ.
[1]Nguyễn Trãi : Ủng môn sáo ngọc sâm thiên mẫu. Quải thạch châu sơ lạc bán không. (Xin ghi chú: Tất cả những thơ dịch trong bài viết này đều là của người chấp bút).
[2] Nguyễn Trãi : Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại. Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
[3] Huyền Quang: Am bức thanh tiêu lãnh. Môn khai vân thượng tằng.
[4] Huyền Quang: Trúc lâm đa túc điểu. Quá bán bạn nhàn tăng.
[5] Trần Anh Tông: Thử phong, thử nguyệt, thử dữ nhân. Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt!
[6] Cùng lý tận tính và cách vật trí tri - nói chung là tư tưởng của triết lý Đông phương. Người ta đã bàn cãi, tranh luận từ xưa đến nay, tốn rất nhiều giấy mực - nhưng chữ lý và vật ấy, ai đồng ý với ai chưa thì không rõ. Có nhà nghiên cứu đã nói rằng, Nhật Bản giải thích chữ lý ấy là vật lý nên họ tiến bộ về khoa học kỹ thuật; Trung Quốc hiểu chữ lý ấy là đạo lý, suốt mấy ngàn năm cứ chi hồ dã dã nên chậm tiến, lạc hậu, đói nghèo. Lão Tử cũng nói: Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ... Phù lễ giả trung tín chi bạc, nhi loạn vi thủ! (lễ là tất cả mọi hình thức, lễ nghi).
[7] Cư trần lạc đạo phú - hội 3
[8] Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca.
[9] Vịnh Vân Yên tự phú.
[10] Xem MTĐP&THTP của Francois Jullien - GS. Hoàng Ngọc Hiến và GS. Lê Hữu Khóa chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2004.
[11] Nt., sđd.
[12] Thế kỷ XV mới đổi thành Hoa Yên.
[13] Huyền Quang: Vịnh Vân Yên tự phú - Huyền Quang - Thơ văn Lý Trần.
[14] LSPGVN q.1 của Nguyễn Lang, trang 432.
[15] Xem MTĐP&THTP, Sđd ở trên.
[16] Niên thiếu hà tằng liễu sắc không. Nhất xuân, tâm tại bách hoa trung. Như kim khám phá đông hoàng diện. Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
[17] Mới 27 tuổi đầu, 1285, Trần Nhân Tông đã cùng cha lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc, mà nói theo các sử gia là rút lui có chiến lược. Nói thế thôi, chứ do quân địch mạnh quá, nó đánh cho quân ta tả tơi, mà chúng thì da ngựa bọc thây cũng không phải ít! Thế là, quân ta phải khôn khéo, thận trọng để bảo toàn lực lượng. Sau đó, nói theo thượng tướng Trần Nhật Duật là Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân Hồ... Thế rồi, cuộc chiến thắng khải hoàn trở lại Thăng Long, xây dựng lại hầu như toàn bộ kinh thành bị đổ nát. Tuy nhiên, chỉ ba năm sau, khi vết thương vừa lành, vừa phục hồi những công trình xây dựng, vừa mới ổn định đời sống kinh tế, an sinh xã hội - vua lại tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1288.
[18] Nghe tin Hốt Tất Liệt trả thù ghê gớm hơn với một đội quân thiện chiến 100 ngàn người. Lần này thì quân Nguyên đã từ Tây bắc, Đông bắc đánh xuống do Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích chỉ huy. Chưa thôi, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp lại chỉ huy cánh thủy quân từ biển, theo đường sông đánh vào.
[19] Hoàng thái hậu là em ruột của Tuệ Trung, là vợ của Trần Thánh Tông, mẹ vua Trần Nhân Tông.
[20] Là Tuyết Đậu và Dã Hiên.
[21] Là một cư sĩ, không những ăn thịt, uống rượu mà còn là một vị tướng quân lỗi lạc, đang sát cánh chung vai cầm quân với ông em là Trần Quốc Tuấn.
[22] Truyền đèn nối lửa.
[23] Lấy ý từ Trần Nhân Tông toàn tập của GS. Lê Mạnh Thát.
[24] Xem MTĐP&THTP- Sđd.
[25] Các trận Vạn Kiếp, Bach Đằng làm cho Thoát Hoan táng đởm kinh hồn chui vào ống đồng mà trốn chạy về nước, còn Ô Mã Nhi thì trở về trong hũ cốt tro!
[26] Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã. Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
[27] - Công bố đại xá cho cả nước, miễn giảm tô thuế, tạp dịch.
- Sử dụng chữ Hán và chữ Việt; và chính vua là người làm thơ Nôm để khuyến khích văn học. Đức vua rất có ý thức độc lập và tự chủ cả trong ngôn ngữ, văn tự.
- Thưởng thì phân minh, chừng mực; phạt thì bao dung, khoan thứ. Vua cha còn cho đốt hết tất cả giấy tờ của những người xin đầu hàng giặc - hầu trấn an mọi người cùng ra tay xây dựng đất nước.
- Tổ chức bộ máy hành chánh dân sự - đều là những quan văn hiểu biết pháp luật và có khă năng tổ chức đời sống cho dân. Bộ máy phải gọn nhẹ, năng động chứ không trở thành bộ máy cồng kềnh bòn rút máu mỡ của dân (Lê Mạnh Thát), hoặc quan nhiều thì dân chết (Ngô Thời Nhiệm).
- Khuyến khích phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công, công nghiệp dân sự, công nghiệp quân sự, thương mãi giao lưu các nơi, kể cả nước ngoài các loại hàng tiêu dùng rất phồn vinh.
- Xây dựng lại kinh thành Thăng Long, hạ tầng cơ sở cũng như cầu kỳ giao thông. Cung điện cũng được thiết kế, trùng kiến lại, hầu như toàn bộ cho có quy mô, tầm vóc, bề thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường.
- Phong thần cho 27 anh hùng liệt nữ, từ xưa đến nay, kể cả thần núi, thần sông, thần đất... để giáo dục cội nguồn và lòng yêu nước cho các thế hệ đi sau.
- Cho thả 9 nghìn tù binh về nước, đồng thời hằng loạt văn thư ngoại giao vừa cứng vừa mềm, liên tục cử sứ giả đi cống phương vật để xoa dịu cơn thịnh nộ của triều Nguyên.
[28] Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành. Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh. Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc. Thấp vân như mộng viễn chung thanh.
[29] Sơn tăng trì tịnh giới. Đồng tọa bất đồng san.
[30]Theo ĐVSKTT.
[31] Thê lương hành sắc thiêm cung mộng. Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi - (Tây chinh đạo trung).
[32] Nam nhi cấp cấp nhược vi tai! (trong bài thơ trên).
[33] Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
[34] Theo Thánh đăng ngữ lục.
[35] Đầu-đà, âm của chữ Dhutaṇga - nghĩa là pháp tiêu hủy, tẩy rửa phiền não. Theo Nam Tông thì có 13 pháp, gọi là đầu-đà bậc thượng - chúng gồm có:
1- Chỉ mặc y phấn tảo (vải dơ, bẩn thỉu người ta quăng bỏ nơi đống rác, nơi nghĩa địa (bó tử thi), lượm về, giặt sạch, tự may lấy). Nguyện suốt đời không mặc y tốt người ta dâng cúng.
2- Chỉ mặc 3 tấm y (y lót trong, y mặc ngoài và y đắp), có tấm thứ tư phải xả bỏ.
3- Chỉ giữ hạnh đi khất thực (xin ăn cao thượng), không nhận bất cứ ai mời thỉnh trai tăng.
4- Chỉ tuần tự đi khất thực từng nhà một, không được lựa chọn nhà này mà bỏ nhà kia.
5- Chỉ ngồi một chỗ mà thọ thực, một lần, đứng lên rồi là không được dùng bất kỳ thứ gì nữa.
6- Chỉ thọ thực ở trong bát, một bát, không được dùng ngoài bát hay bát thứ hai.
7- Không được dùng hậu thời (sau ngọ), khước từ tàn thực, khước từ mời mọc vật thực cúng dường sau đó.
8- Hạnh trú ở rừng - không được cư ngụ trong làng, thị trấn...
9- Ngụ dưới gốc cây, tàn cây - từ chối chỗ có che lợp hoặc liêu thất, tịnh xá.
10- Ngụ giữa khoảng trống, chỗ không có mái che, không có cả tàn cây, bóng cây.
11- Ngụ ở mộ địa, chỗ người ta chôn hay thiêu xác chết.
12- Chỗ tăng chỉ định đâu thì ở đó, không kén chọn.
13- Ngăn oai nghi nằm. Nguyện suốt đời chỉ đi, đứng, ngồi chứ không nằm. Theo Đại thừa nghĩa chương thì có 12: Phấn tảo y, thường tam y, thường khất thực, ngọ trai thực, nhất tọa thực, tiết lượng thực, không nhàn xứ, trủng gian tọa, thụ hạ tọa, lộ địa tọa, tùy tọa, thường tọa bất ngọa.
[36] Thọ giới tỳ-khưu từ thời Khương Tăng Hội phải có Tam sư, thất chứng. Nếu theo Nam tông thì phải có tối thiểu 1 hòa thượng, 2 luật sư và 2 tỳ-khưu - tức 5 vị - mới đủ số Tăng hội, đại diện Tăng. Tuệ Trung là cư sĩ, có thể truyền tâm pháp, yếu chỉ thiền cho vua chứ không có chức năng làm thầy thế độ.
[37] Theo thánh đăng ngữ lục.
[38] Theo ĐVSKTT.
[39] Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính là vùng đất thuộc Chiêm Thành mà Lý Thánh Tông đã có công sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, năm 1069 - tức tỉnh Quảng Bình và hai huyện Vĩnh Linh, Do Linh của tỉnh Quảng Trị ngày nay.
[40] Trích dẫn theo TNT Toàn tập của GS. LMT. Cái Am mà có tên là Tri Kiến (và nhiều chùa khác nữa) đủ chứng tỏ thuở đó chánh pháp rất hưng thịnh tại đất Chiêm Thành cũ (ý của người viết).
[41] Có lúc, ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía Nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành - (sđd, nt); còn câu thơ, chữ Hán: Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du... (đã quên xuất xứ).
[42] Trì bình khất thực là một trong 12 pháp đầu-đà. Đầu-đà là tàu âm của chữ Dhutaṅga - có nghĩa là những pháp tiêu hủy, tẩy trừ phiền não. Đây là pháp hành phổ thông của các xứ Phật giáo Nam phương như Tích Lan, Myanmar, Thái , Lào, Campuchia... Chính những nhà hành hương vĩ đại như Pháp Hiển, Huyền Tráng, Nghĩa Tịnh đều có ghé Champa để học thêm tiếng Phạn (không rõ Saṅskrit hay Pāḷi) - vì ở đây nhiều thế kỷ trước đã phát triển mạnh mẽ Phật giáo Nam phương- nghĩa là không ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc (Chămpa, gần Băng-la-đét, Ấn Độ và Chămpa, Chiêm Thành sau này, cùng một gốc).
[43] Theo TNT toàn tập của GS. LMT.
[44] Thơ văn Lý Trần II, tr. 452.
[45] Thùy phọc cánh tương cầu giải thoát. Bất phàm, hà tất mịch thần tiên. Viên nhàn, mã quyện, nhân ưng lão. Y cựu, vân trang nhất tháp thiền. Thị phi niệm trục, triêu hoa lạc. Danh lợi, tâm tùy dạ vũ hàn. Hoa tận, vũ tình, sơn tịch tịch. Nhất thanh đề điểu hựu xuân tan! (Sơn phòng mạn hứng).
[46] Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì. Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi. Khách lai bất vấn nhân gian sự. Cộng ỷ lan can khán thúy vi. (Xuân cảnh).
[47] Vạn sự thủy lưu thủy. Bách niên, tâm ngữ tâm... (Đăng Bảo đài sơn).
[48] Cổ tự thê lương thu ái ngại. Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ. Thủy minh, sơn tĩnh, bạch âu quá. Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ. (Lạng châu vãn cảnh).
[49] Bán song đăng ảnh mãn sàng thư. Lộ trích thu đình dạ khí hư. Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ. Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ (Nguyệt).
[50] Thiền tông cũng thường mượn câu này, để chỉ cái thực tại bản nguyên, trạng thái hiện hữu tự nhiên của các pháp; thiền Nguyên thủy (cả kinh tụng hằng ngày) có chữ đồng một nghĩa: Thực tại hiện tiền (Sandiṭṭhiko) - xem Thiền Phật giáo - Nguyên thủy và Phát triển, tr. 139-140 của Viên Minh, NXB Tôn giáo, năm 2007.
[51] Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên. Bán vô, bán hữu tịch dương biên. Mục đồng địch lý ngưu quy tận. Bạch lộ song song phi hạ điền (Thiên trường vãn vọng).
[52] xem Thơ văn Lý Trần, q. II, tr. 488.
[53] Như trên, sđd.
[54] Là tám chữ: Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc. Đây là bài kệ lấy trong kinh Niết-bàn. Tuệ Trung mượn làm câu cử trong bài tụng cổ. Hương Vân đầu-đà mượn trong bài Hữu cú, vô cú. Tám chữ này, xưa nay đều dịch là: Sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui! Tuy nhiên, theo Lý Việt Dũng, bản dịch chữ Hán như vậy là không được chính xác. Kinh Niết-bàn của Dīgha Nikāya cũng có câu như trong Hán tạng: "Uppajjtvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho" Phải được dịch là, Sinh rồi diệt (có sanh ắt có diệt), tịch diệt (sự vắng lặng của các hành, sự không tịch của các hành) mới là vui (cái vui của Niết-bàn, để khỏi hiểu lầm là một cái lạc phóng đại nào đó). Quả vậy, xưa nay đa phần hiểu lầm là để cái sinh diệt ấy diệt rồi mới có được cái lạc của Niết-bàn. Thật ra, ngay chính nơi thế giới sinh diệt mà thấy rõ thực tính - thì thực tính ấy đã là tịch diệt hiện tiền rồi! (Xem thêm Tuệ Trung thượng sĩ dịch giải của tác giả, NXB Cà Mau, năm 2003, tr. 218). Có người lại còn hiểu lầm một cách tai hại, nguy hiểm chết người, hủy diệt cả giáo pháp Phật: Chết đi là vào Niết-bàn nơi cực lạc! (Phật giáo Việt Nam, NXB Mặt Đất, năm 1974, tr. 200, của Nguyễn Đăng Thục).
[55] Ngạo tuyết tâm hư. Lăng sương tiết kính. Giả nhĩ vi nô. Khủng phi thiên tính (Trúc nô minh).
[56] Xem Thơ Văn Lý Trần q. II, tr. 485.
[57] Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
[58] Tự nhiên là đạo - tư tưởng của Lão.
[59] Thấy như thực thấy (diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati). Nghe như thực nghe (sute sutamattaṃ bhavissati) - xem thêm ghi chú 54.
[60]Nguyên văn cả 4 câu: Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý. Bạch vân xuất tụ bản vô tâm. Mạc vị vô tâm vân thị đạo. Vô tâm do cách nhất trùng quan.
[61] Là Suñyatā: Không tính; là không có thực thể, ngã tính; vì duyên khởi nên các pháp là không, là vô ngã. Nó ly thoát tất cả mọi ý niệm không, phạm trù không do thế gian, con người dính mắc, hiểu lầm. Đại lược như: không của tư, không của ý niệm, không của thức, không của tưởng, không bên trong, không bên ngoài, không cả trong ngoài, không không, pháp giới không... Tất cả chúng đều sai lầm. Thật ra, không tính mới là thực tính của các pháp, không tính đồng nghĩa với pháp tánh như thị, như chân (Yathābhūtādhammatā)- cũng đồng nghĩa với thập như thị của kinh Pháp hoa.
[62] Ý thơ của Tuệ Trung thượng sĩ.
[63] Xem thêm Trần Nhân Tông Toàn tập, Sđd.
[64] Kiến tánh là thấy rõ cái chân tánh, cái thực tánh (sabhāva) - xem thêm Thiền Phật giáo - Nguyên thủy và Phát triển của Viên Minh, NXB Tôn giáo, năm 2007.
[65] Cam lộ lưu phương - móc chảy mùi thơm (trong bài thơ Tảo mai).
[66] Nghĩa: Trên cái đầu, chồng thêm cái đầu - ý nói, ý niệm chồng thêm ý niệm thì che lấp cái chân thực. Câu sau, nghĩa: Thêm sương trên tuyết - tuyết đã che lấp mặt đất, che lấp cái thực địa mà còn phủ lên tuyết một lớp sương nữa. Cả hai câu đều cùnh một thiền ý.
[67] Tư tưởng của Lão Tử. Đa phần các nhà nghiên cứu dịch là: Hòa với ánh sáng, cùng với bụi bặm. Có người giải thích thêm: Đem cái ánh sáng của mình mà chiếu soi, hóa độ cõi bụi bặm, xua tan bụi bặm. Riêng Lý Việt Dũng thì nói với đại ý rằng: Hòa kỳ quang là che bớt ánh sáng, bỏ cái lý trí thông minh sắc bén, tách bạch đi. Đồng kỳ trần là trọn vẹn với từng bước đi, từng hơi thở... mà mỗi mỗi tự tính đều viên mãn chứ không lăng xăng hướng ngoại cầu huyền. Đấy mới chính là Huyền Đồng của Lão. (Xem thêm Tuệ Trung thượng sĩ dẫn giải ngữ lục của tác giả, NXB Cà Mau, 2003, tr. 514.
[68] Lời nguyện của ngài Ananda trong kinh chú Lăng Nghiêm. Nghĩa: Thệ nguyện là người đầu tiên đi vào cõi đời 5 trược ác uế. Trược là nhơ uế, cặn đục. 5 trược là: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược.
(Tập San NCPH Pháp Luân Số 8 - PL. 2552)
03-04-2009 08:23:46