Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Yêu Thương và Trách Nhiệm Thường Dân

01/04/201806:46(Xem: 3965)
Yêu Thương và Trách Nhiệm Thường Dân

duc dalai lama

YÊU THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM THƯỜNG DÂN
Nguyên tác: Compassion and Civic Responsibility
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Budapest 2010
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển

 

Thực tế, tôi rất vui mừng và cảm thấy vinh dự lớn để đón nhận giá trị này và cũng có cơ hội để nói với những thanh thiếu niên nam nữ. Tôi nghĩ tất cả trông rất rạng rở trong đôi mắt. Một học sinh rất sáng sủa cũng ở đây. (Chỉ vào đầu của ngài và đến một học sinh sói đầu) Tôi nghĩ hai chúng tôi đang tranh đua với nhau. (Cười) Xin lỗi nhe! Vậy thì những thanh thiếu niên này – các cháu là niềm hy vọng căn bản của chúng tôi. Tôi sinh năm 1935, ngay trước thế chiến thứ II; rồi thì chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, sự chia cắt Ấn Độ và nội chiến ở Trung Hoa. Những cuộc chiến tiếp tục cho đến bây giờ, ở châu Phi và Trung Đông.

 

Tôi nghĩ mỗi cuộc sống cá nhân là thân mến nhất của người ấy, nhưng vô giá trị đối với sự quý giá của đời sống. Bây giờ tôi gần bảy mươi ba tuổi và tôi đã quán sát thế kỷ vừa qua. Dĩ nhiên, có nhiều hoạt động lớn trong các lãnh vực khoa học và mọi thứ khác, nhưng thế kỷ vừa qua cũng đã trở thành thế kỷ của chiến tranh và bạo động. Tôi nghĩ những người đã kích hoạt sự bạo động này chắc chắn ở đó có một hy vọng hay viễn tượng . Mặc dù họ đã chọn một phương pháp bạo động, họ đã hy vọng mang đến những ngày tươi sáng hơn cho hành tinh này, hay, tối thiểu, đến những người quan tâm đến họ. Nhưng dường như rằng bạo động và chống bạo động là vòng tuần hoàn bất tận.

 

Vậy cho nên, các cháu, thế hệ mới của thế kỷ 21 – các cháu là hy vọng của chúng tôi. Các cháu sẽ xây dựng thế kỷ này như một thế kỷ như một thế kỷ của hòa bình và yên bình. Không còn tắm máu nữa. Tự thể thân yêu nhất của mỗi người sống một cách hạnh phúc. Mọi người đang nói, “Hòa bình, hòa bình” một nghìn lần, nhưng hòa bình không đến từ bầu trời. Tại sao? Bạo động và chiến tranh là những tạo tác của chúng ta, cho nên hòa bình tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta phải tạo nên một sự hòa bình trường cửu. Vậy thì thế hệ của tôi – những giáo sư, những hiệu trưởng chúng tôi, và những người khác thuộc thế kỷ hai mươi – và đã sẳn sàng nói lời giả biệt. (Vẩy những ngón tay) Bây giờ là lúc để bàn giao – tất cả sự hổn độn trên thế giới này – đến các cháu. Các cháu phải tìm ra những cách và phương tiện để hoạt động với vấn nạn này.

 

Trước hết, nhằm để tiến hành những cung cách và phương pháp hiệu quả để mang đến hòa bình, thì chúng ta cần ý chí để đối diện bất cứ xung đột nào mà không sử dụng bạo lực nhưng qua đối thoại, và tương tác mặt đối mặt. Tôi thường nói với mọi người rằng thế kỷ này nên là thế kỷ của đối thoại. Đối thoại là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Nếu chúng ta hy vọng cho một thế giới hòa bình không có bất cứ xung đột nào, như vậy là không thực tế. Tôi nghĩ cho đến khi mà con người chúng ta, với sự thông minh của chúng ta, có năng lực của những viễn tượng khác nhau, sẽ luôn luôn có những hy vọng khác nhau và những ý tưởng khác nhau. Cũng vậy với sự hâm nóng toàn cầu, những nguồn tài nguyên quan trọng giới hạn, và sự gia tăng dân số, đó là sự ràng buộc với những nhân tố cho sự xung đột. Cho nên hòa bình có nghĩa là chúng ta thách thức với những sự xung đột này mà không sử dụng sức mạnh mà qua những phương tiện hòa bình, qua đối thoại.

 

Bây giờ nhằm để tiến hành đối thoại, chúng ta cần ý chí và quyết tâm; và ở đây, quyết tâm cần căn cứ trên từ bi yêu thương. Điều đó có nghĩa là quý vị đơn giản cần tôn trọng những quyền lợi và quan tâm của người khác. Và tự động tránh việc làm tổn hại người khác. Để bảo đảm điều đó, chúng ta cần một trái tim của từ bi yêu thương. Thứ hai, chúng ta cần tuệ trí và một quan điểm toàn diện hơn về thực tại – một khung cảnh bao trùm tất cả. Vậy nên, mặc dù nó đến từ Phật giáo và triết lý của Đạo Phật, khái niệm liên hệ hổ tương là điều gì đó mà tôi cảm thấy có thể thích nghi với mọi người. Mọi thứ là liên hệ hổ tương.

 

Bây giờ, trong thế giới ngày nay, trong các vấn đề của kinh tế và những thứ khác, không chỉ những quốc gia riêng lẻ mà ngay cả các lục địa là liên hệ hổ tương. Dưới những hoàn cảnh như vậy, khó để cho một quốc gia hay một nhóm người nào là kẻ thù. Tất cả là một bộ phận của chính chúng ta. Do thế, phá hoại kẻ thù của ta hay hàng xóm của ta thật sự là phá hoại chính ta. Chăm sóc cái gọi là kẻ thù ta – những người có thể có các quan điểm khác nhau, thái độ khác nhau và có thể thái độ hơi tiêu cực với ta – cũng là một bộ phận của chính ta. Tương lai của ta lệ thuộc vào những người như vậy. Bây giờ, sử dụng bạo lực để đánh bại láng giềng là vô nghĩa. Thời xưa, đánh bại láng giềng của ta hay kẻ thù ta có nghĩa là chiến thắng cho ta. Nhưng ngày nay, nó có nghĩa là sự phá hoại hổ tương. Do vậy, khái niệm chiến tranh là lỗi thời.

 

Vậy nên, về một mặt, hãy cố gắng để làm mạnh lòng từ bi yêu thương đối với tất cả mọi hình thức của sự sống. Về mặt khác, trên căn bản của thuyết liên hệ hổ tương, hãy phát triển một quan điểm toàn diện. Hãy phối hợp hai thứ này và tôi nghĩ chúng ta có thể mang đến một nền hòa bình chân thành, trường cửu cho thế giới. Nếu một người đầy thù oán, sân hận, và sợ hãi, thế thì hòa bình đơn giản là lời nói đầu môi chót lưỡi. Nền hòa bình chân thật phải đến từ bên trong. Do vậy, nhằm để thành tựu một nền hòa bình chân thành hay hòa bình thế giới, trước hết chúng ta phải bắt đầu với tự chính cá nhân của chúng ta, trong tâm thức chúng ta, và trong thế giới cảm giác của chúng ta. Chúng ta phải tập trung cho sự tĩnh lặng và yên bình. Dĩ nhiên, những sự quấy rầy, thù oán, sân hận và quá nhiều nghi ngờ buộc phải xảy ra, nhưng những thứ này phải chỉ nên là ở trình độ bên ngoài. Sâu xa bên trong, chúng ta phải tôn trọng tất cả những hình thức của chúng sanh tri giác và biết rằng tương lai chúng ta tùy thuộc vào chúng. Hãy phối hợp hai thứ này và, sâu bên trong, quý vị có thể duy trì hòa bình và tĩnh lặng nội tại. Những cảm xúc tàn phá này hầu như không thể dừng lại, nhưng chúng không nên tăng sức mạnh. Với một tâm từ bi yêu thương và tuệ trí sâu sắc, thì chúng ta có thể duy trì hòa bình nội tại.

 

Vậy nên qua niềm hòa bình nội tại của một cá nhân, thì chúng ta có thể tạo nên một gia đình hòa bình, và rồi một cộng đồng hòa bình. Nếu cuối cùng chúng ta có thể tạo một cộng đồng loại ấy, thế thì những người trong các vai trò lãnh đạo – những chính trị gia, công chức, quân nhân hay bất cứ người nào trong cộng đồng – sẽ là khác biệt. Đó là cách để đem đến một thế giới hòa bình chân thật, hay một nền hòa bình trường cửu.

 

Miễn là nền giáo dục được quan tâm, quý vị là những người chuyên môn. Dĩ nhiên, đặc biệt, tất cả những giáo sư tuyệt diệu này được trang một cách đầy đủ như kiến thức hiện nay được biết đến. Tôi cảm thấy xấu hổ để nói chuyện trước những học giả lớn này. Tuy nhiên, nhân tố đã cho tôi một ít can đảm để bày tỏ ý tưởng của tôi là nền giáo dục hiện đại. Tôi có thể sai, nhưng đối với tôi dường như rằng nền giáo dục hiện đại một cách chính yếu tập trung trong việc phát triển ngoại tại hay vật chất. Tôi đồng ý rằng chúng ta không thể đổ lỗi cho việc đó, vì bây giờ cơ chế giáo dục một mình  chịu trách nhiệm chăm sóc cả nền giáo dục trí tuệ và đạo đức luân lý.

 

Như đạo đức luân lý được quan tâm, có những quan điểm khác nhau. Một quan điểm là đạo đức luân lý phải căn cứ trên niềm tin tôn giáo; một quan điểm khác là không nhất thiết như vậy. Đạo đức luân lý có thể là đạo đức thế tục và nên là phổ thông. Do vậy cho nên, với sự tôn trọng nghiêm túc, các giáo sư cũng như sinh viên, xin hãy chú ý một cách đầy đủ vào những giá trị nội tại, đặc biệt là lòng nhiệt tình. Đó là những gì tôi muốn chia sẻ với quý vị.

 

Những gì khác tôi muốn nói? – Tôi không biết. (Cười) Một ngày kia, tôi đã đề cập về điều gì đó mà tôi không muốn nghĩ là sai để nhắc lại. Nhằm để phát triển niềm hòa bình nội tại, quý vị cần một loại giải trừ quân bị bên trong. Như tôi đã đề cập trước đây, sự loại trừ hoàn toàn các cảm xúc phiền não là không thể. Nhưng chúng ta có thể làm yếu nó đi, vì vậy cảm xúc tiêu cực có thể xuất hiện, nhưng không thể làm phiền não, do bởi sức mạnh nội tại tích cực. Đó là điều mà tôi gọi là sự giải trừ quân bị bên trong.

 

Sân hận và thù oán có thể mang đến năng lực bổ sung. Một nhà khoa học nói với tôi rằng theo sinh lý học, khi sân hận phát triển, máu dồn vào bàn tay ta có nghĩa là sẳn sàng để đánh nhau. Tương tự thế, khi sợ hãi phát sinh, máu dồn xuống chân, điều đó bảo rằng chúng ta phải bỏ chạy. Đây là hai cảm xúc rất quan trọng cho sự sống còn và khi những cảm xúc này phát triển, những thay đổi sinh học xảy ra một cách phù hợp. Tôi nghĩ, ở một mức độ giới hạn, sân hận là tốt – cho việc tự vệ. Nhưng khi trưởng thành, đôi khi sân hận và thù oán lớn lên với chúng ta. Sự thông minh nhân bản của chúng ta, thay vì là sự mở rộng từ bi yêu thương, thì thù oán lại bành trướng. Điều đó là sai lạc.

 

Sự thông minh của chúng ta phải hổ trợ trong việc phát triển từ bi yêu thương, và không nên là việc sử dụng theo ý muốn của thù oán. Có điều gì đó người Phật tử gọi là thiền phân tích (quán) – đơn giản là phân tích và trù liệu tính chất của sân hận và thù oán. Sân hận và thù oán được cho là làm tổn hại người khác, nhưng trong thực tế, ngay khi sân hận và thù oán khởi lên, chúng lập tức tàn phá sự hòa bình của chính tâm thức chúng ta. Và trong tiến trình ấy chúng ta bị rối loạn sự ngủ nghỉ, sự tiêu hóa, sự ngon miệng và rồi cuối cùng, chúng ta trở thành yếu đuối thân thể. Như một kết quả của sự sân hận và thù oán liên tục, bộ phận tuyệt hảo nhất của não bộ chúng ta, vốn có thể phán xét, cũng bị giảm thiểu và yếu kém. Nếu quý vị ở trong một tình trạng bị giảm thiểu cả tinh thần và thể xác, nó sẽ làm lợi ích cho kẻ thù của quý vị.

 

Nếu chúng ta có một xung đột nào đó và liên tục cảm thấy sân hận đối với người thân cận, cuối cùng ta sẽ cảm thấy khổ sở. Khi ta khổ sở, có thể người thân cận của ta có một thời gian chiến thắng nào đó. Thay vì thế, ta phải duy trì sự tĩnh lặng. Nếu người thân cận phi lý với ta, thì thật cần thiết và thích đáng để đưa ra phản biện, nhưng không sân hận và thù oán. Hãy phân tích hoàn cảnh và thực hiện việc phản biện của ta với nụ cười. Như vậy hiệu quả hơn, có phải không? Vậy nên thù oán hầu như vô ích. Nếu quý vị nghĩ về những dòng này, quý vị sẽ nhận ra rằng thù oán là điều gì đó đáng để vất vào thùng rác.

 

Hơi giận hờn thì okay khi chúng ta còn trẻ - giống như những động vật khác – cho sự tự vệ tức thời. Nhưng như một người trưởng thành, chúng ta phải nghĩ thật cẩn thận – sân hận có ích lợi gì? Trái lại, có từ bi yêu thương. Bởi vì chúng ta là những người trưởng thành, với sự hổ trợ của trí thông minh, chúng ta có thể mở rộng lòng từ bi yêu thương giới hạn của chúng ta thành lòng bi mẫn vô hạn. Nếu lòng bi mẫn không thành kiến, nó cũng có thể vươn tới kẻ thù ta. Một khi năng lực tinh thần loại này đạt được, chúng ta chắc chắn có thể giữ gìn tâm thức hòa bình của chúng ta trong mọi lúc. Thậm chí khi chúng ta đối diện với một hoàn cảnh khó khăn nào đó, thì chúng ta sẽ vẫn có một tâm thức hòa bình. Sự giải trừ quân bị nội tại là vậy đó.

 

Qua cách đó, sự giải trừ quân bị bên ngoài sẽ dần dần đến. Như vậy cũng là cần thiết. Vi khái niệm chiến tranh đã lỗi thời, vũ khí bây giờ không còn hữu dụng nữa. Có lẽ một lực lượng nhỏ, giới hạn sẽ cần đến, khi vẫn luôn có một số những người độc ác nào đó. Một số quốc gia, tôi nhớ, không có quân đội. Ở những đất nước đó, một cách tương đối, kinh tế, giáo dục, và y tế thì tốt hơn nhiều, vì tất cả tài nguyên của đất nước được sử dụng cho những việc ấy; trong khi những quốc gia lân bang tài nguyên được sử dụng để mua vũ khí, đạn dược và lính đánh thuê. Cho nên chúng ta cầu nguyện cho một mục tiêu sau cùng của một thế giới phi quân sự. Dĩ nhiên điều đó không thể xảy ra qua một đêm.

 

Vì mục tiêu ấy, thì trước nhất, tôi nghĩ chúng ta phải kiểm soát lại việc buôn bán vũ khí. Một khôi nguyên Nobel hòa bình đã tiến hành một khởi đầu nào đó quan tâm đến điều này. Điều đó thật là kỳ diệu, rất tốt. Thật cũng đáng giá để khám phá khả năng của quân đội hợp nhất Franco-German. Hy vọng thay, ở lục địa châu Âu, tất cả những quốc gia thành viên của Liên Minh Âu Châu sẽ thành lập một quân đội chung – giống như đồng Euro, cuối cùng họ sẽ có một lực lượng quân sự thống nhất.

 

Những thứ này thật sự vượt ngoài vai trò của tôi, nhưng như một loại tự do ngôn luận và tư tưởng, thì tôi thường bày tỏ những thứ này. Tôi nghĩ thật là một ý tưởng tốt lành để có một ước mơ, rồi thì những sự thay đổi tích cực nào đó có thể xảy ra. Rồi, dần dần, sẽ có một quân đội ở cấp độ toàn cầu. Nếu điều gì đó như vậy xảy ra, tôi nghĩ nó sẽ vì điều tuyệt vời nhất. Cho nên tôi tận dụng cơ hội để chia sẻ một số ước mơ của tôi, cho một tương lai tươi sáng đầy sinh khí lâu dài cho những học sinh trẻ trung này. Xin hãy giữ những lời này trong tâm quý vị. Trước nhất, quý vị hãy là một người hòa bình hơn. Sau đó, mở rộng kinh nghiệm và quan điểm của quý vị - quan điểm đúng đắn và thái độ sáng suốt của quý vị. Như quăng một viên sỏi vào hồ nước, nó sẽ tạo ra một hiệu quả dao động lan tỏa.

 

Cảm ơn, đó là tất cả - cảm ơn.

 

HỎI VÀ ĐÁP

 

HỎI: Hành động của từ bi yêu thương đơn giản nhất nhưng có tác dụng nhất là gì?

 

ĐÁP: Đơn giản nhất? Hiệu quả nhất? Tôi không biết. Tôi nghĩ quý vị phải chú ý hơn đến thế giới nội tại của chúng ta. Đó có nghĩa là một thế giới của tâm lý, cảm xúc và tư tưởng. Mặc dù vào thời xưa những thứ này hiện hữu như một bộ phận của tôn giáo và triết lý, thường thường tôi phân chia chúng thành 3 con đường.

 

Trong Phật giáo, tôi phân chia chúng thành khoa học Phật giáo, triết học Phật giáo, và tín ngưỡng Phật giáo. Triết học Phật giáo, đến một mức độ nào đó, và chắc chắn tín ngưỡng Phật giáo, là chỉ dành cho Phật tử, và không có liên hệ gì với những người khác. Nhưng khoa học Phật giáo là điều gì ấy chung. Bây giờ ở phương Tây, các nhà khoa học đang làm việc với não bộ, thần kinh, và cảm xúc của con người đang bắt đầu quan tâm vào những thông tin chi tiết hơn từ truyền thống Ấn Độ cổ xưa. Cho nên, tôi nghĩ là nó hữu ích. Để có thêm những thông tin nào đó, trải nghiệm bởi chính ta. Đó là những gì tôi có thể nói – phần còn lại thì tôi không biết.

 

HỎI: Ngài có viễn tượng căn bản nào cho toàn thế giới, mà ngài cảm thấy có thể đạt được một cách thực tiển trong vài thập niên tới?

 

ĐÁP: Tôi nghĩ rằng trong chính thế kỷ này, nếu chúng ta nổ lực, một cách chính yếu qua giáo dục, thì tôi nghĩ một thế giới thân hữu hơn, hòa bình hơn, và yêu thương hơn có thể thành tựu. Một thế giới phi quân sự hóa – tôi không biết. Nhưng chắc chắn, tỉ lệ của xung đột sẽ giảm thiểu. Loại thế giới tốt đẹp hơn như thế là rất có thể, nói một cách thực tiển.

 

Oh, tôi muốn thêm một thứ nữa. Trong thế giới vật chất, một vấn nạn là khoảng cách giữa giàu và nghèo. Điều này là thật sự không chỉ ở cấp độ thế giới mà cũng ở mức độ quốc gia. Hãy nhìn vào USA, nơi những nhà tỉ phú đang gia tăng, nhưng bộ phận nghèo hơn của người nghèo vẫn tiếp tục nghèo. Tôi nghĩ Singapore có thể khá hơn – gần như một thị quốc, có phải không? Tôi nghĩ khoảng cách này có thể ít hơn ở đấy, tôi không biết. Bằng như khác hơn, ở Ấn Độ, bất hạnh thay như ở Trung Hoa cũng vậy, khoảng cách giữa nghèo và giàu đang gia tăng một cách nhanh chóng. Điều này không phải sai lầm một cách đạo đức, mà cũng là một nguồn gốc của rắc rối thực tế. Tôi nghĩ chúng ta nên bày tỏ vấn nạn này một cách nghiêm túc. Điều đó là rất quan trọng.

 

Đây là nơi mà vai trò của yêu thương trở thành quan trọng – gia đình hay xã hội giàu có hơn nên quan tâm nghiêm túc trong nhu cầu của khu vực nghèo hơn của thế giới. Trong một quốc gia cũng vậy, người giàu sang hơn bố thí giáo dục, y tế, kỷ năng, hay khí cụ cho người nghèo và không nên khinh rẻ họ; phải nên giúp đở họ có được sự tự tin.

 

Tôi không tin bất cứ người nào sinh ra thấp kém hay cao thượng. Xét cho cùng những sự phân chia này là sáng tạo của chúng ta. Có lần, khi ở Nam Phi, tôi đã viếng thăm một gia đình da đen, nơi một người trong gia đình là giáo viên. Và việc này chỉ mới sau khi thay đổi, với Nam Phi trở thành một quốc gia dân chủ. Cho nên tôi đã nói với gia đình, “Hiến pháp của quý vị đã thay đổi, mọi người bình đẳng, không  còn bất cứ sự phân chia chủng tộc hay những sự phân biệt chủng tộc – nhưng theo tinh thần và cảm xúc cần có thời gian để hòa hiệp.” Rồi tôi trình bày, “Bây giờ cộng đồng da đen phải lãnh nhận trách nhiệm trọn vẹn, và nhận thức nó qua giáo dục, huấn nghệ, và sự tự tin.” Và rồi người giáo viên đó đã nói với tôi, “Não bộ của chúng tôi yếu kém. Chúng tôi không thể sánh ngang với người da trắng.”

 

Ngay lúc ấy tôi cảm thấy rất buồn. Đó là nguồn gốc của vấn nạn bây giờ. Tôi nói với người ấy, “Hoàn toàn sai. Từ lúc sinh ra, não bộ của chúng ta giống nhau. Sự khác biệt trong màu da chi là bề ngoài. Một cách căn bản chúng ta là những con người giống nhau – cùng tiềm năng, cùng năng lực.” Tôi kể cho ông ta thí dụ về hoàn cảnh Tây Tạng. Tôi nói với ông ta rằng nếu mọi người có cùng cơ hội, thì chúng ta có thể chứng minh rằng chúng ta là giống nhau, chúng ta bình đẳng. Tôi đã bàn luận rất lâu với ông ta. Rồi thì cuối cùng, với những cái nhìn xa xăm, thầm thì với tôi, người ấy đã tự tin rằng chúng ta là giống nhau . Vào lúc ấy, tôi cảm thấy khuây khỏa vô vàn – tối thiểu thái độ tinh thần của một người bây giờ đã thay đổi!

 

HỎI: Làm sao chúng ta biểu lộ lòng yêu thương đến người nào đó đã tứng làm tổn thương đến người khác?

 

ĐÁP: Như tôi đã đề cập trước đây, lòng yêu thương định kiến và lòng yêu thương vô tư là hai thứ. Lòng yêu thương định kiến, một cách phổ thông là sản phẩm của sinh học. Nó đến với chúng ta từ lúc sinh ra. Rồi thì với sự giúp đở của trí thông minh và tri thức của chúng ta – một kiến thức về những hậu quả dài hạn và ngắn hạn – lòng yêu thương của chúng ta trở thành vô tư. Loại yêu thương không định kiến ấy sinh ra từ tuệ trí hay tri thức, có thể mở rộng đến kẻ thù ta. Có những lý do cho điều này. Người tạo ra tổn thương đến người khác thực hiện vì cảm xúc tiêu cực. Cho nên có một loại lý do để cảm nhận quan tâm đến người đó.

 

Rồi thì, dĩ nhiên, có hai thứ - về phía nạn nhân và về phía thủ phạm. Về lâu về dài, có lý do hơn để quan tâm cho thủ phạm, bởi vì, trước nhất, theo tôn giáo hữu thần, người ấy đang hành động chống lại mong ước Thượng Đế và sẽ phải đối diện với những hậu quả tiêu cực. Quan điểm của tôn giáo vô thần là thủ phạm gây tổn thương tích lũy nghiệp chướng tiêu cực, vì thế không chóng thì chầy, xét cho cùng người ấy phải đối diện với những hậu quả tiêu cực. Thế nên có lý do hơn để quan tâm cho thủ phạm. Về mặt khác, vì nạn nhân đã đau khổ rồi, theo quan điểm hữu thần, Thượng Đế bây giờ sẽ chăm sóc cho người ấy nhiều hơn và theo quan điểm vô thần, người ấy đã đóng lại một chương của nghiệp xấu cân bằng trong quá khứ. Điều này có lý không? Ngay cả theo quan điểm thế tục, người làm sai – thủ phạm gây tổn thương, kẻ sát nhân, kẻ trộm, kẻ lừa dối, ngược đãi tình dục – sẽ phải đối diện với những hậu quả của luật lệ. Cho nên có lý do để quan tâm đến người làm sai. Và trên căn bản ấy, ta mở rộng lòng yêu thương đến người làm sai.

 

HỎI: Ngài có xem môi trường là một loại phẩm vật quý cho người giàu, và chúng ta có thể làm gì để duy trì cân bằng giữa lòng yêu thương cho người khác và hành tinh của chúng ta?

 

ĐÁP: Vấn đề môi trường, đối với tôi, là một vấn đề mới và sự thấu hiểu mới. Khi chúng tôi ở Tây Tạng, khí hậu khô và nóng, dân số ít ỏi, tất cả các nguồn nước đều có thể uống – không có vấn đề gì. Cho nên chúng tôi không có ý kiến gì về nước ô nhiễm. Vì thế cuối cùng, như một kết quả của nhiều lần gặp gở với những nhà khoa học và chuyên môn về sinh quyển, tôi đã chú ý đây là một vấn đề rất nghiêm trọng như thế nào. Hành tinh này của sáu tỉ con người là ngôi nhà duy nhất cho sáu tỉ người ấy. Mặt trăng trong xinh đẹp trong màn đêm – có rất nhiều thơ ca về mặt trăng – nhưng nếu chúng ta đánh mất ngôi nhà của chúng ta và cố gắng để định cư trên mặt trăng, điều đó sẽ là vô vọng. Tôi nghĩ hành tinh xanh này là ngôi nhà duy nhất cho nhân loại và những sinh vật khác.

 

Tôi nghĩ sự hâm nóng địa cầu có thể là qua việc mặt trời và vị trí của hành tinh chúng ta với mặt trời – là ở ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Tôi nghĩ 5 tỉ năm trước đây, khi hành tinh này dần dần hình thành, hoàn cảnh không như thế. Do vậy, trong tương lai, sau vài tỉ năm nữa, mặt trời của chúng ta sẽ biến mất. Vì thế những thứ này là một câu hỏi khác. Nhưng với một phạm vi nào đó, qua sai sót của chúng ta, chúng ta đã tạo ra vấn đề lớn với sự hâm nóng địa cầu. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng hiện nay. Một nhân tố khác là sự chém giết là thứ mà tôi đề cập.

 

Nhưng sự suy thoái môi trường là vô hình. Không có nhiều sự chú ý, nó đang ảnh hưởng hơi thở của chúng ta, lá phổi của chúng ta, đôi mắt của chúng ta, là những thứ có thể chúng ta không chú ý cho đến khi quá trể. Do thế, điều này nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến vấn đề này. Vấn đề này không là một sự công bằng mà chúng ta chỉ có thể nói thôi – đây là một việc thực hành. Vì vậy, việc nghĩ về môi trường phải nên là một bộ phận của đời sống hàng ngày của chúng ta. Sự đóng góp bé nhỏ vớ vẩn của tôi đối với vấn đề đó, tôi nghĩ bây giờ là đã vài thập niên, là tôi chưa bao giờ dùng bồn tắm, chỉ vòi bông sen thôi. Ngay cả thế, tắm rửa mỗi ngày – một lần buổi sáng và một lần buổi tối là – là một sự xa xỉ lớn. Cho nên việc hành động có trách nhiệm đối với việc thiếu nước hay điện năng, tôi nghĩ nên là một phần của đời sống hàng ngày.

 

Việc quan tâm này có thể liên kết với yêu thương như thế nào? Trong trách nhiệm để bảo vệ hành tinh, nổ lực cá nhân có thể không có gì ấn tượng. Nhưng nếu một người thực hành sự quan tâm – và rồi mười người, một trăm người, một nghìn người – họ cuối cùng có thể làm nên một sự khác biệt. Do thế sự khởi đầu đến từ cá nhân. Tôi thường gọi điều này là một ý nghĩa của “trách nhiệm toàn cầu” – một cảm nhận cho sự cát tường của toàn nhân loại. Cho nên ở đây là sự nối kết với lòng yêu thương. Nó đến từ cả ý nghĩa của sự quan tâm cho người khác, và và một cảm nhận cho sự quan tâm đến chính mỗi cá nhân.

 

Thật sự, mỗi người trước tiên yêu thương chính mình. Điều này là rất thiết yếu. Cho nên, trước nhất chăm sóc tối đa cho chính mình; và rồi vì lợi ích của chính mình, hãy mở rộng tình yêu đến những người khác.

 

HỎI: Khi HIV tiếp tục tàn phá dân số Phi châu, ngài nghĩ chúng ta có thể làm gì để làm cho mọi người quan tâm đến nó cùng biểu lộ lòng yêu mến (từ ái) và thương cảm (bi mẫn) cần thiết để làm cho cơn dịch này biến đi?

 

ĐÁP: Dĩ nhiên, trước nhất, tôi nghĩ ở đó đã có một số nghiên cứu hoàn tất về HIV. Hàng triệu đô la đã được sử dụng. Tôi nghĩ là điều này nên tiếp tục, và tôi cũng hy vọng sẽ cho chúng ta một số kết quả nào đó. Bước tiếp theo của sự tỉnh thức là giáo dục. Có một số trường hợp HIV có thể lan truyền qua sự truyền máu; nhưng trong hầu hết mọi trường hợp thì qua tình dục, có phải thế không? Vậy thì có thể bao cao su nên sẳn sàng. (Cười) có thêm một điều nữa – tôi nghĩ cộng đồng không nên phủ nhận hay quay mặt với những bệnh nhân này.

 

HỎI: Một số người có xu hướng kém lòng từ bi yêu thương một cách tự nhiên. Có cách nào để trau dồi lòng từ bi yêu thương cho mọi người trong đời sống của họ không?

 

ĐÁP: Vào lúc khởi đầu của đời sống chúng ta – lúc sơ sanh – tôi không nghĩ có nhiều khác biệt. Nhưng sau khi sanh ra, từ ngay ngày đầu tiên và qua những tháng năm, những môi trường và điều kiện khác biệt biến chúng ta thành những loại người khác biệt. Đó là tại sao thật cực kỳ quan trọng để cung cấp đứa trẻ tình cảm tối đa từ cha mẹ; và cho phép bà mẹ - đặc biệt là bà mẹ - có nhiều thời gian hơn với đứa bé. Và thay vì bất cứ loại sửa nào khác, thì tôi cảm thấy sửa của chính bà mẹ là tốt nhất cho đứa bé.

 

Nhẫn nại cũng là một vấn đề thật sự quan trọng. Thời gian cũng là một nhân tố. Biến điều gì đó từ tốt sang xấu là rất dễ. Nhưng thay đổi điều gì đó từ xấu sang tốt phải cần một thời gian dài và cần nổ lực hơn, thế nên tự nhiên nó cũng cần nhẫn nại hơn. Vào một ngày nọ, trên máy bay từ Tokyo sang Seatlle, có một đôi vợ chồng với hai đứa con nhỏ. Lúc đầu, chúng dường như rất dễ thương. Tôi cho đứa bé trai một vài viên kẹo – tôi nghĩ một đứa là con trai, và đứa kia là con gái. Sau đó, cả đêm đứa lớn ngủ rất ngon lành; nhưng đứa nhỏ cứ khóc la, và xoay sở. Rồi thì cuối cùng người cha im lặng, rồi ngủ. Nhưng người mẹ dành trọn cả đêm chăm sóc đứa bé ấy. Vào lúc ấy tôi nghĩ, nếu là tôi, thì tôi có thể không kiên nhẫn trọn vẹn. Cảm ơn.

 

HỎI: Với tất cả bất mãn, tội ác, phân biệt chủng tộc, và thù hận, như những con người, chúng ta có thể làm gì để hòa nhập từ bi yêu thương, để tạo nên một sự khác biệt trong đời sống của người khác và xã hội của chúng ta?

 

ĐÁP: Giống như bất cứ vấn nạn nào khác, chúng ta cần những giải pháp dài hạn và những giải pháp ngắn hạn. Với những giải pháp dài hạn, như tôi đã đề cập rồi, chúng ta nên sử dụng giáo dục để thúc đẩy và làm cho mọi người nhận thức thấy các giá trị nội tại của họ. Đó là cách duy nhất về dài lâu. Một xã hội hòa bình không thể được mang đến bằng quy định, mệnh lệnh, hay bắt nạt – thế đó là khó khăn. Nó chỉ đến một cách chân thật nếu mọi cá nhân tự nguyện với năng lực của họ. Đó là tại sao chúng ta cần tỉnh thức về giá trị nội tại này.

 

Về mặt khác, với giải pháp ngắn hạn, tôi không biết. Tôi không có kinh nghiệm đặc biệt. Có lẽ  nó có thể được hoàn tất bằng việc thực hiện một sự nối kết hữu quan nào đó. Khi tôi viếng Bắc Ái Nhĩ Lan, tôi thấy những nạn nhân của xung đột từ hai nhóm tôn giáo. Tôi đã đến đấy hai hay ba lần. Một lần nọ, tôi được viếng thăm một nhóm nạn nhân. Khi tôi bước vào phòng đó, khuôn mặt mọi người căng thẳng và không cười, giống như sẳn sàng để chiến đấu. Không khí, ở cả hai phía đầy thù oán. Sau đó chúng toi ngồi xuống và nói chuyện. Lúc mới đầu, tôi lắng nghe kin nghiệm của họ. Tất cả đều là một loại kinh nghiệm rất khủng khiếp. Rồi thì, tôi cố gắng để làm cho không khí hơi lắng xuống bằng nụ mĩm cười, chia sẻ một vài câu nói đùa, những thứ như thế. Cuối cùng, họ đã làm tôi hơi ấm áp, và chúng tôi dần dần có một sự trao đổi rất nghiêm túc.

 

Khi tôi đến Bắc Ái Nhĩ Lan lần sau, sau một hay hai năm, tôi đã viếng những nạn nhân này lần thứ hai, và có một sự khác biệt lớn. Ngay từ lúc đầu,  mọi người đã  mĩm cười. Có một người đàn ông trong họ được diễn tả như một anh hung, tôi nghĩ ông khoảng mười ba hay mười bốn khi một viên đạn cao su bắn trúng ông (điểm giữa hai chân mày), lập tức ông mất thị lực. Dĩ nhiên, do bởi đau đớn, vào lúc ấy, cậu bé bất tỉnh. Khi tỉnh lại, ông ta đã bị  mù. Nhưng không có sân hận hay thù oán trong ông – chỉ hối tiếc rằng ông ta không còn có thể thấy khuôn mặt bà mẹ, ông đã nói tôi như thế. Như một kết quả, khi tôi gặp nhóm người này lần đầu tiên, người đàn ông mù vẫn tĩnh lặng và có một nụ cười mĩm trên khuôn mặt. Khi tôi gặp ông trong lần thứ hai, ông đã có một người vợ xinh đẹp và hai đứa con – hai đứa con gái rất dễ thương.

 

Cho nên thái độ tinh thần thật sự làm nên một khác biệt lớn trong đời sống các bạn. Những nạn nhân của cùng tai họa, một số mãi giữ sự sân hận và thù oán suốt cả cuộc đời họ, và những năm tháng của họ thì căng thẳng và khó khăn. Cậu bé này, ngay từ lúc khởi đầu, không sân hận hay thù oán. Do vậy, cuộc sống của ông ta – mặc dù không còn thấy được nữa – thì vẫn rất hạnh phúc ở đấy. Thế nên, có lẽ câu chuyện này, cùng sự chia sẻ và kể lại những câu chuyện như vậy, nếu nó là một khu vực thật sự rắc rối, thì tôi nghĩ thật đáng để mời người anh hung của tôi, tôi nghĩ thật là tuyệt vời, tôi nghĩ thế giới bên ngoài không biết gì nhiều về con người này. Vì vậy tôi nghĩ cái chính là tạo nên mối quan hệ bè bạn, đầu tiên là từ bên trong ra bên ngoài. Rồi dần dần sự cản trở đáng sợ giảm thiểu, và sau đó chúng ta có thể thực hiện những sự thảo luận nghiêm túc hơn, tôi cảm thấy như vậy. Tôi nghĩ với sự giảng giải tốt đẹp hơn, sự tỉnh thức tốt đẹp hơn, phối hợp tốt đẹp hơn,  thì những điều này sẽ dần dần thay đổi. Tôi nghĩ như thế đó.

 

HỎI: Từ bi yêu thương và trách nhiệm công dân là những từ ngữ với các sự diễn dịch bao quát và có nhiều ý nghĩa. Có một định nghĩa phổ quát hiệu quả đủ để nối kết con người, mặc cho những khác biệt về tôn giáo, thứ bậc, tuổi tác, và giới tính không?

 

ĐÁP: Tôi nghĩ trách nhiệm công dân có nghĩa là một cảm nhận trách nhiệm nào đó cho xã hội. Bản chất căn bản của con người là một tạo vật xã hội. Trước tiên hết, tôi không hiểu ý nghĩa chính xác của thuật ngữ Anh văn này – “civic responsibility – trách nhiệm công dân”. Như tôi đã đề cập, ngoại trừ chúng ta có cảm nhận của việc quan tâm hay chăm sóc cho sự cát tường của người khác, thì loại trách nhiệm ấy khó để có. Cho nên rõ ràng đây là sự nối kết này.

 

Bây giờ, từ bi yêu thương là ý nghĩa quan tâm cho sự khổ đau của người khác; tôi nghĩ phần đó là giống nhau đối với tất cả mọi truyền thống tôn giáo. Từ ái và bi mẫn tôi nghĩ là giống nhau. Nhưng rồi thì với khái niệm Thượng Đế, phía trí tuệ là khác. Như tôi đề cập trước đây, bây giờ có sáu tỉ con người, thì chúng ta phải tìm ra một phương pháp phổ thông vốn trên căn bản của cảm nhận chung, kinh nghiệm chung. Tình cảm giữa bà mẹ và con cái là phổ thông. Nó ngay cả chung với những động vật có vú mà đời sống của chúng lệ thuộc vào bà mẹ, chó và mèo. Chúng ta cũng giống như chúng thôi, cùng mô thức. Cho nên con người chúng ta, do bởi sự thông minh và bây giờ là những khám phá của khoa học, có thể có một tâm thức từ bi yêu thương hơn. Não bộ thể hiên chức năng tốt đẹp hơn, thì sức khỏe thân thể cũng tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ những thứ này là phổ quát. Do vậy hãy sử dụng những thứ này như căn bản của giải thích về tầm quan trọng của từ bi yêu thương. Như thế đó, tôi nghĩ, cung cách thế tục, điều đó là rất, rất quan trọng.

 

Cảm ơn.

 

Trích từ quyển The Big Book of Happiness

Ẩn Tâm Lộ

Sunday, January 21, 2018

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]