- Tinh thần và mục tiêu giáo dục giới luật Phật giáo
Cách đây hơn 2.550 năm, khi sự nghiệp một đời giáo hóa xong xuôi, sắp nhập Niết Bàn, đức Phật đã thiết .tha dặn dò hàng đệ tử rằng: “Này các Tỷ khưu, sau khi Ta diệt độ, các vị cần phải tôn trọng kính ngưỡng Ba-la-đề-mộc-xoa (giới luật), như kẻ mù tối được sáng mắt, kẻ nghèo hèn được vàng ngọc. Phải biết Giới Luật là bậc Thầy cao cả của các vị, dù Ta ở đời cũng không khác gì Giới Luật ấy.”(Kinh Di Giáo)
Tinh thần và mục tiêu giáo dục giới luật Phật giáo là nguyên lý cơ bản trong Phật giáo. Tinh thần giáo dục giới luật Phật giáo có thể chia làm tinh thần căn bản và tinh thần thực tiễn. Mục tiêu giáo dục giới luật Phật giáo chia làm 4 mục tiêu, đó là lợi ích giải thoát của cá nhân, sự đoàn kết hòa hợp của tập thể Tăng già, dấu hiệu để sinh khởi tín tâm, và mục tiêu phổ quát làm cho chánh Pháp trường tồn.
Trong thực tế, tinh thần và mục tiêu giáo dục giới luật Phật giáo có một mối quan hệ mật thiết và bất khả phân, nhưng để phân biệt rõ hơn nên chia làm hai mục cho dễ trình bày.
- Tinh thần giáo dục giới luật Phật giáo
Tinh thần giáo dục giới luật Phật giáo có thể chia làm hai phạm trù “tinh thần giáo dục căn bản” và “tinh thần giáo dục thực tiễn”. Cũng có thể gọi Tinh thần giáo dục giới luật Phật giáo là tinh thần giáo dục tổng thể của Phật giáo. Trong nhiều kinh điển Phật giáo nói đến bài kệ của Bảy vị Phật: “
“Chư ác mạc tác” bao hàm hết thảy những điều ngăn cấm trong giới luật Phật giáo; “chúng thiện phụng hành” là những điều thiện phải làm của “thập thiện nghiệp đạo” cho đến “nhiêu ích hữu tình”, bao hàm cả “nhiêu ích hữu tình giới” trong “Tam tụ tịnh giới” của Bồ tát. Đây là việc chỉ ác hành thiện của người tu học về thân và khẩu nghiệp, biểu hiện của hành vi, thuộc về tánh giới. “Tự tịnh kỳ ý” nghĩa là căn bản giới của Phật giáo, thâu nhiếp cả Tam vô lậu học (giới, định, huệ), biểu giới cũng xuất phát từ ý nghiệp mà có.
Nếu nhận thức được điều này thì tinh thần giáo dục giới luật Phật giáo nằm ở trong bài kệ này là chuẩn xác. Còn những giới luật về sau là cụ thể hóa và chi tiết hóa dựa trên tinh thần giáo dục căn bản này.
Tinh thần giáo dục thực tiễn của giới luật Phật giáo là cụ thể hóa tinh thần giáo dục căn bản mà có. Tinh thần giáo dục thực tiễn giới luật Phật giáo biểu hiện ở nhiều phương diện, bao gồm cả tầm quan trọng của sự thọ giới, trì giới, sám hối phạm giới…
- Mục tiêu giáo dục giới luật Phật giáo
Mục tiêu giáo dục giới luật Phật giáo nghĩa là nói đến mục đích của việc chế giới của đức Phật, và lợi ích của việc hành trì giới luật.
- Vì lợi ích giải thoát của cá nhân
Đạo Tuyên luật sư có dạy: “Giới đức nan tư, quan siêu chúng tượng; vi ngũ thừa chi quỹ đạo, thật Tam bảo chi từ hàng; y giáo kiến tư định huệ chi công mạc đẳng.” Mục đích của việc chế giới trong Phật giáo là nhấn mạnh tinh thần giáo dục giải thoát tự thân của Bảy chúng chúng của đức Phật, tức diệt trừ các sự trói buộc phiền não vô minh. Trong 10 điều lợi ích việc chế giới của Quảng Luận nói về thanh tịnh và nội chứng chính là sự giải thoát tâm linh cá nhân của người tu học.
- Vì sự đoàn kết hòa hợp của tập thể Tăng già
Giới luật là quy phạm đạo đức của Tăng già, đặc biệt các “kiền độ” trong các bộ luật Phật giáo đều mang tính định chế. Muốn "nhiếp chúng” thì phải có những quy phạm như vậy mới làm cho “Tăng an lạc trú”, “Tăng hòa hợp”, nhờ vậy mà đoàn thể Tăng già mới ổn định và duy trì.
Tăng già có hòa hợp thì mọi Phật sự mới thành tựu và sự tu học càng được phát triển tốt đẹp, là môi trường thuận lợi cho việc tu học của cá nhân và tổ chức Tăng già. Tăng già đoàn kết là thể hiện nội lực sung mãn và thành tựu của tổ chức, đồng thời là nơi nương tựa cho quần chúng và Phật tử tu tập.
Giới luật nếu được gìn giữ thì tăng già sẽ vững mạnh và công việc hoằng Pháp độ sanh có nhiều sự thuận lợi. Công việc Phật sự của Tăng già sẽ viên mãn tốt đẹp.
- Là dấu hiệu để sinh khởi tín tâm
Là một tôn giáo, Phật giáo lấy việc hành trì giới luật làm niềm tin phấn đấu cho chính mình và chỗ dựa cho tín đồ Phật tử; thành bại được mất của Tăng già cũng chính là việc hành trì giới luật của từng cá nhân trong Tăng già. Cho nên gọi “giới đức trọng như địa” và sự nghiêm trì giới luật của người Phật tử bất kể tại gia hay xuất gia của đức Phật đều là dấu hiệu để sinh khởi tín tâm cho chính mình và cho người khác. Nhờ vào sự giữ giới và trì giới mà sinh khởi những tác dụng tín tâm cho mình và cho người, tạo được nhiều phước điền và người hành trì giới luật là người chiến thắng được mọi người cảm phục, cho nên nói “đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh” chính là nghĩa này.
- Mục tiêu phổ quát làm cho chánh Pháp trường tồn
Hàng Bảy chúng đệ tử của đức Phật nghiêm trì giới luật, nhờ vậy mà Tăng già bảo trì yên ổn hòa hợp; nhờ sức hành trì giới luật mà phát sinh hấp lực lớn mạnh, tạo một hiệu ứng mạnh mẽ làm cho Chánh Pháp được trường tồn và xương minh hay còn gọi là “phạm hạnh cửu trụ”, Phật giáo nhờ đó mà truyền bá rộng rãi, đây là một trong những cách hoằng Pháp hữu hiệu nhất và lí tưởng nhất.
Phật giáo đã trải qua hơn 2550 năm, qua bao thăng trầm, nhưng đến đâu đều được mọi người ngưỡng mộ chính là nhờ vào mục tiêu thống nhiếp và phổ quát, làm cho người tiếp xúc phát khởi tín tâm, ai ai cũng có thể hành trì, không phân biệt tôn giáo, văn hóa và tư tưởng. Phật giáo đã trường tồn trong quá khứ, rạng rỡ khắp năm châu bốn bể, cũng chính là nhờ vào sự hành trì giới luật của Bảy chúng đệ tử. Điều này đã trở thành hiện thực chứ không phải lý tưởng suông. Đây chính là mục tiêu thống nhiếp và phổ quát của Phật giáo.
Ngoài ra, việc chế giới của đức Phật còn có nhiều mục đích khác nhằm kiện toàn đoàn thể xuất gia, gồm 10 ý nghĩa sau thể hiện toàn bộ nội dung của mục tiêu giáo dục:
Nhiếp thủ ư tăng: Người xuất gia học đạo, khi đăng đàn thọ cụ túc giới sẽ được công nhận vào địa vị chúng trung tôn, chính thức gia nhập Tăng đoàn trở thành một trong ba ngôi báu (Tam bảo) sống thanh tịnh hòa hợp như nước hòa với sữa. Người thọ trì giới pháp sẽ được sự bảo hộ chặt chẽ của Tăng thân. Như vậy giới pháp của Phật tạo cho người xuất gia thọ giới được đứng trong môi trường an ổn. Một Tỳ kheo giữ 250 giới hoặc Tỳ kheo ni giữ 348 giới là để bảo trì sự tồn tại lớn mạnh của Tăng đoàn, nên gọi là “Nhiếp thủ ư Tăng”.
Linh Tăng hoan hỷ: Người giữ giới thanh tịnh thì hương giới thơm hẳn hơn các loài hoa bay ngược chiều gió, và hương của người trì giới bay vào trong Tăng chúng làm ai cũng thấy dễ chịu. Ngược lại, người hủy phạm Thánh giới, tuy chúng Tăng không khinh miệt nhưng không thể làm cho Tăng đoàn hoan hỷ được. Hoan hỷ cho tinh thần giới luật thanh tịnh là có sự tiến bộ trong vấn đề tu trì cho tự thân và cho thanh danh ấy, chứ không phải là một sự hoan hỷ vì thấy nhau làm những điều sai trái. Bởi thế, nên khi thọ giới, hàng tu sĩ chúng ta phải giữ gìn giới luật như người đi trong đêm tối tha thiết cần đuốc, nếu ai giữ được chừng nào thì được công đức lớn lao chừng ấy. Cho nên gọi “Linh Tăng hoan hỷ”.
Linh Tăng an lạc: Người xuất gia học đạo cất bước đến chân trời cao rộng phải lìa xa thân thuộc họ hàng, lấy trời mây sóng nước làm nhà, chọn người lý tưởng làm ruột thịt, hễ khi thấy vị Tỳ kheo bị ba món độc hành hạ quấy nhiễu thì tăng thân cũng đau lòng. Nếu vi phạm thì cũng như những người lính bị chặt đứt đầu, đoạn luôn cả tính mạng (phạm Ba-la-di). Nên Tăng đoàn phải sống theo giới pháp thanh tịnh, lấy Giới luật làm kỷ cương, thống nhiếp được an ổn. Vì vậy Thánh giới không những có sự lợi ích làm cho Tăng an ổn lợi lạc, mà còn coi đó là “Linh Tăng an lạc”.
Linh vị tín giả tín: Một Tỳ kheo như pháp, sống đời sống phạm hạnh có tuệ giới như đức Phật là hình ảnh đoan nghiêm chánh hạnh, có thể thay thế Ngài tuyên dương chánh pháp và trở thành một hình tượng mẫu mực để cho những chúng sanh đang bị lạc lầm trong đêm tối nương vào ngọn đuốc ấy để dẫn họ tới con đường sáng và trở về nhà. Vậy con thuyền phải vững chắc, người lái thuyền phải khỏe mạnh và rõ đường đi mới trở về bến giác được, như thế gọi là “Linh vị tín giả tín”.
Dĩ tín giả linh tăng trưởng: Giới luật là hàng rào ngăn chặn những phiền não như thân,khẩu, ý nếu ba nghiệp này thanh tịnh thì sẽ sống với trạng thái định, có thể nói định là hình thức nước trong, vì các thứ bụi phiền não được lắng xuống, nếu nước đã trong thì ánh sáng hiện ra rõ nét. Nhờ vậy mới phát tuệ, nhờ giới mà có định, nhờ định mà có tuệ. Chính vì thế những người đã gieo hạt giống chánh tín vào ruộng phước chúng tăng, thì càng tin rằng sẽ có đầy đủ chất màu mỡ để hạt giống nẩy mầm phát triển và tin rằng hàng Tăng bảo là hình ảnh sống động, có thể thay thế đức Phật lèo lái con thuyền trí tuệ thoát khỏi dòng sanh tử về bến giác an vui. Vì vậy chúng Tăng nghiêm trì giới luật đạt đến giải thoát chừng nào, thì người học hạnh xuất gia càng tin tưởng phấn đấu viễn ly dục lạc chừng ấy, cho nên gọi là “Dĩ tín giả linh tăng trưởng”.
Linh tàm quý giả đắc an lạc: Người giữ giới luật nghiêm ngặt thì khi họ lỡ phạm vào một điều nhỏ nhặt, họ cũng rất lo sợ. Ví như một người ôm phao qua sông sâu chợt có người đến xin phao, trong một phút vội vàng họ đã cho người kia và sau đó suy nghĩ lại thì thấy hối tiếc vô cùng, vì sợ rằng không có phao thì khó hy vọng qua được bờ bên kia. Đây cũng là tinh thần những người biết tàm quý nếu lỡ để ba nghiệp manh nha khuấy động, và họ kịp thời ra sức dùng Giới luật câu thúc lại do đó không còn sợ hãi, dứt hết phiền não, phấn chấn tinh thần và năng lực tịnh giới đã an tâm cho họ. Do đó, Tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp, nên gọi là “Linh tàm quý giả đắc an lạc”.
Đoạn lậu hoặc hiện tại: Sở dĩ chúng ta còn dày đặc phiền não là bởi do sáu căn gặp phải sáu trần làm cho phiền não nhiễm ô như thế gọi là lậu hoặc, những thứ ấy khiến cho chúng sanh bị mê mờ mãi trong tam giới không lối thoát ra được. Vì vậy, giới luật cảnh báo rằng tính chất của cái đẹp ấy như hầm lửa dữ, cũng như cỏ khô cần phải tránh xa lửa càng nhiều càng tốt. Do vậy, bản thân thanh tịnh được bảo tồn nghiêm chánh và giới luật luôn luôn tích cực ngăn chặn không cho lậu hoặc bộc phát, để rồi phải tạo thành nghiệp dữ nối dài thêm con đường sanh tử, nên gọi là “Đoạn lậu hoặc hiện tại”.
Đoạn vị lai hữu lậu: Nếu như hạt giống phiền não đã nẩy mầm trong tâm, năng lực giải thoát của giới luật chỉ trong thời gian ngắn sẽ bị thứ cỏ dại khởi mọc lan tràn và người làm vườn muốn cho cây thêm trái ngọt không bị cỏ dại lấn hại cạnh tranh thì cần phải đào xới gốc rễ của nó trong mảnh đất tâm không, không còn dấu tích cỏ dại phiền não. Từ nhận thức ấy, hành giả đã đoạn trừ được lậu hoặc bằng năng lực của tịnh giới, nghiệp cũ dứt đi, nghiệp mới không tạo nữa, đó gọi là “Đoạn vị lai hữu lậu”.
Linh chánh pháp cửu trụ: Đức Phật đã trao lại vận mệnh Phật pháp cho hàng Tăng bảo và kèm theo lời di chúc: Phải tôn trọng và giữ gìn giới luật, vì chỉ có giới luật mới có đủ năng lực bảo trì giáo hội Tăng đoàn trong cả ba cõi, lúc đó Phật giáo không còn sợ quân ma đánh cướp. Vì thế, lợi ích của việc giữ tịnh giới là tối quan trọng thiết thực cho hành giả nhằm đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi. Thế nên gọi là “Linh chánh pháp cửu trụ”.
II. Lợi ích giáo dục giới luật Phật giáo
- Giáo dục đạo đức xã hội
Giới luật căn bản của Phật giáo (Ngũ giới) áp dụng vào đời sống hàng ngày sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đời sống sinh hoạt tâm linh cá nhân và ổn định kết cấu và trật tự xã hội, hài hòa và phát triển bền vững sinh tồn của nhân loại. Giới luật Phật giáo còn có đầy đủ tính phổ biến rộng rãi và quy phạm đạo đức cho mọi mọi trong mọi giai tầng xã hội. Giữ gìn và hành trì giới luật Phật giáo thúc đẩy việc bảo vệ hoàn cảnh môi trường và sinh tồn của con người và phát triển kinh nghiệm sống hữu ích, nâng cao tính cộng đồng tập thể và ổn định xã hội. Chính vì thế, giới luật Phật giáo không chỉ hạn hẹp trong phạm vi tu sĩ Phật giáo hay tín đồ Phật giáo mà còn là quy phạm đạo đức xã hội tính, phổ cập với mọi người trên toàn thế giới, không ngăn ngại tôn giáo, quan điểm chính trị và triết học.
Thực hành giới luật Phật giáo (Thập thiện giới) là việc rèn luyên nhân cách đạo đức qua 3 hành vi của thân khẩu ý, làm các việc thiện và hạn trừ các việc ác, hay nói đúng hơn là làm tốt, nói lời tốt và suy nghĩ điều tốt. Đây là một việc làm tích lũy được nhiều công đức mang tính xã hội phổ biến, tạo điều kiện giúp cho các nhân và xã hội hoàn thiện tốt đẹp.
Giới Bồ tát là một là một quá trình rèn luyện nhân cách đạo đức cá nhân của một người tu tập hướng đến quả vị giải thoát; đồng thời là nguyên tắc đạo đức không tách rời với nhân quần xã hội (Tứ nhiếp, Lục độ). Bố thí: là san sẻ cho người khó khăn, người hiểu biết bày vẻ cho người chưa biết, đây là việc giáo hóa về đạo đức, do đó tập thể và cá nhân cùng nhau hỗ trợ, làm cho đời sống sinh hoạt tập thể hướng thượng viên mãn. Ái ngữ:cùng nhau nói lời hòa nhã làm cho tập thể xã hội, cộng đồng có nền móng sinh hoạt dung hòa. Lợi hành: nghĩ và làm việc chung, có nghĩa là phục vụ xã hội. Đồng sự: cá nhân hòa nhập vào tập thể, nghĩa là dựa vào nguyên tắc sinh hoạt của tập thể và hoạt động của tập thể, đây là một biểu hiện tập thể có sức mạnh và sức mạnh của tập thể. Bốn nhiếp pháp thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả nhất, có một đặc thù sung mãn cho việc bảo vệ sinh tồn của xã hội và khắc phục tình huống khó khăn của xã hội, làm hài hòa cuộc sống quan hệ giữa người với người, và giữa người với môi trường sống, hòa giải các mâu thuẩn con người và xã hội, ổn định xã hội loạn lạc.
Lục độ cũng là một trong những tinh thần giới luật của Phật giáo. Chúng sanh luân hồi là do chúng sanh ấy suy đồi đạo đức. Tu Lục độ vạn hạnh là chuyển hóa suy đồi đạo đức tiến đến giải thoát, tạo cho xã hội hoàn thiện đạo đức. Bố thí trì giới nhẫn nhục là chuẩn tắc đạo đức của Phật giáo Đại thừa, là nguyên tắc sống của người Phật tử tại gia và xuất gia trong đời sống cộng đồng xã hội; tinh tấn, thiền định và trí huệ là phương pháp thực tiễn tu hành của Phật giáo, là nguyên tắc tu dưỡng đạo đức của Phật giáo.
Giới luật Phật giáo cũng không ngoài tinh thần từ bi và trí huệ; bi và trí là hai nền tảng cơ bản và tinh túy của tiến trình tu tập trong Phật giáo. Một mặt là thực tiễn dẹp trừ ích kỉ, phục vụ xã hội; một mặt là nhìn nhận hiểu biết thông suốt thực tướng của nhân sinh và vũ trụ, để giúp mọi người và chính mình đạt đến cảnh giới tâm linh cao cả, lợi đạo ích đời.
Giới luật Phật giáo là những nguyên tắc đạo đức thể hiện ở chính con người, tư tưởng phục vụ xã hội cộng đồng, thích ứng với sự sinh tồn và phát triển căn bản và thiết thực của con người; để thiết lập một xã hội đạo đức hoàn thiện và phát triển ổn định bền vững về cả vật chất và lí tưởng của con người.
- Phát huy lòng từ bi
Bản chất của Phật giáo là bình đẳng thương yêu tất cả mọi chúng sinh, và mong muốn cứu họ ra khỏi biển khổ trầm luân sanh tử. Tôn trọng sự sống, tha thứ và cứu giúp kẻ khác là trách nhiệm của hàng đệ tử đấng Giác ngộ, đó là ý nghĩa của câu “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra nhiều sự xung đột, sự sát sanh đối với động vật đến lúc báo động, chiến tranh vẫn diễn ra trên một số quốc gia, việc áp dụng và tuyên truyền rộng rãi giới luật Phật giáo cho xã hội là rất cần thiết. Người thực hành giới luật phát huy lòng từ bi, không những thương tưởng chỉ con người mà còn phổ cập đến cả muôn loài qua giới "không sát sinh", bằng cả tâm giới đó là không giết, không bảo giết và thấy vật bị giết mà vui, mới thể hiện trọn vẹn lòng từ bi đối với vạn loại sinh linh. Lòng từ bi còn đối với cả sự sống của cỏ cây hoa lá, thân thiện môi trường.
Giữ giới và thực hành theo giới luật là một phương pháp giáo dục tích cực nhất trong mọi thời đại, nhằm cải thiện đời sống khắt nghiệt của sự xung đột tư tưởng, chủ nghĩa quốc gia và bè phái. Trong cuộc sống đời thường việc giữ giới còn mang nhiều ý nghĩa khác trong việc bảo vệ môi trường, cải tạo điều kiện sống, và lương thực cho những nước khó khăn. Hạn chế ăn thức ăn động vật là góp phần bảo vệ sinh thái, ăn chay vừa thể hiện lòng từ bi đối với chúng sanh, không tạo ác nghiệp mà còn giúp con người sống lương thiện, xã hội càng ổn định hòa bình.
- Thực hiện nếp sống thanh cao
Tăng sĩ phải tuân thủ những giới luật, sống thiểu dục tri túc. Tóm lại, người xuất gia còn phải tuân thủ phương châm "Tam thường bất túc", nghĩa là ba sự ăn, mặc và ngủ không được quá thừa thãi, sung túc. Nói như thế không có nghĩa là đạo Phật chủ trương trở về cuộc sống lạc hậu. Phật giáo không bao giờ phủ nhận những giá trị của các phương tiện văn minh vật chất, nhưng đối với một người tu học thì không thể hưởng thụ thái quá, làm tăng trưởng xấu ác.
Trước nhu cầu văn minh vật chất ồ ạt, đời sống cải thiện, thức ăn vật mặc sang trọng, thế nhưng đây là điều đáng lo ngại. Của cải vật chất được làm ra cũng phải sử dụng đến nguồn khai thác, đến một ngày nào đó nguồn khai thác thiếu hụt, thiên nhiên bị tàn phá, đất dai thu hẹp và hoang hóa, thì lúc đó thiên tai, đói kém lại diễn ra. Vì vậy, sống theo tinh thần giới luật là cuộc sống tiếc kiệm, mà trong nhà chùa gọi là tích phước.
Sống biết tích phước thì kiếp sau khỏi bị đói kém nghèo khổ, sống hoang phí sẽ bị quả báo cùng cực. Xã hội văn mình, vật chất dồi dào, người Phật tử cũng phải cần tích phước, tiếc kiệm, nhất là đối với những vấn đề về năng lượng và nguồn trử lượng. Nếu sống hoang phí hưởng thụ là trái với đạo đức Phật giáo, hoặc sống khổ hạnh ép xác cũng trái với đạo đức Phật giáo, cần phải tránh xa hai cực đoan này mới có thể thành tựu được tuệ giác. Gìn giữ giới luật cũng là thực hành Pháp trung đạo, vừa kiểm thúc thiện căn, vừa tăng trưởng huệ căn; sống theo giới luật cũng là tích góp phước đức, cũng gia tăng phước huệ.
- Ngăn ngừa tội lỗi quá khứ, hiện tại và tương lai
Đối với Phật giáo, thời gian mở rộng cả 3 thời quá khứ, hiện tại và tương lại. Nhờ vào thực hành giới luật mà người tu học thấy được tội lỗi quá khứ và tu chỉnh hành vi hiện tại và kết quả của tương lai. Đó là tổng hợp của nội lực tu tập, nhất là đối với tuổi trẻ. Trong Toàn Tập Tâm Như Trí Thủ cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ đã dạy rõ, một người hành trì giới luật có thể chuyển nghiệp bất thiện quá khứ để có một cuộc sống hiện tại an lạc, nhờ hiện tại tích lũy được nhân tốt đẹp mà tương lai sẽ được quả báo tốt đẹp và tiến gần đến với mục đích giải thoát.
Vậy giới luật vượt không gian và thời gian, ai cũng có thể làm được, không phân biệt quốc gia, chức tước và tuổi tác. Giới luật Phật giáo thành tựu ở tất cả mọi hoàn cảnh. Ai thực hành được bao nhiêu thì giải thoát được bấy nhiêu. Hành trì giới luật là một chuỗi nhân quả xuyên suốt ba đời, nhân của thiện căn phước đức, quả thành tựu tuệ giác.
IV. Thực trạng của việc hành trì giới luật hiện nay
Tinh thần giáo dục giới luật Phật giáo đã mang lại một sức mạnh chuẩn mực nhân cách đạo đức cá nhân và tập thể. Góp phần mang lại một xã hội an ninh trong đó tài sản mọi người được đảm bảo, hạn chế những cảnh cướp của giết người. Góp phần bảo vệ môi trường bằng phương tiện ăn chay, không sát sinh. Mang đến cho con người một nền giáo dục nhân bản và trí tuệ, góp phần tạo ra những con người toàn diện không lệch lạc về mặt nhận thức để có những hành vi gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Không lấy của không cho sẽ giúp cho xã hội ổn định về mặt trộm cướp, an toàn tính mạng và đảm bảo tài sản cho con người và xã hội, tránh được sự tham ô hối lộ, chiếm đoạt tài sản chung. Không dâm dục và tà dâm sẽ đảm bảo hạnh phúc cho cá nhân và gia đình của cộng đồng xã hội. Không dùng chất gây sưa nghiện là bảo đảm được sự tỉnh táo, tránh được nhưng tai họa do say nghiện gây ra, góp phần xây dựng sự trong sạch và tốt đẹp cho xã hội…
Trong thời gian gần đây, việc thảo luận và tọa đàm nhiều về vấn đề giới luật ở Giáo hội Phật giáo Việt nam tại Thừa Thiên Huế là nhằm thúc đẩy vai trò hành trì giới luật đối với
Điều cần thiết nhất là trong trú xứ phải có một Luật viện Phật giáo chuyên hành trì và nghiên cứu về giới luật. Đây là cơ sở đào tạo và ứng dụng giới luật vào đời sống chuyên tu và xã hội. Có như vậy tổ chức Tăng già mới được vững mạnh và kiện toàn, tác dụng ảnh hưởng không nhỏ đối với nhu cầu thiết thực về giáo dục đạo đức xã hội.
Chúng ta đừng để sự việc đã rồi, mà phải ngăn ngừa từ khi khởi ý niệm xấu ác. Mỗi cá nhân tự đánh giá lại chính bản thân mình, và quyết liệt với cái xấu ác là tội lỗi. Có như thế việc hành trì giới luật mới có một tác dụng giáo dục thật sự trong đời sống của người tu sỹ và cho nhu cầu đạo đức của xã hội.
Việc thọ giới cho người xuất gia cầu Pháp cũng cần được kiểm hạch khắc khe, mới mong thúc đẩy người tu học cố gắng và nổ lực. Sau khi thọ giới rồi cần phải gìn giữ cẩn thận để tăng trưởng định lực và tuệ giác. Giới luật là nền tảng cơ bản của người xuất gia thì không có cớ gì để lơi lõng và thiếu hành trì.
Hy vọng qua những lần thảo luận, qua sự gạn đục khơi trong, chúng ta nghiêm chỉnh soi lại mình và đánh giá đúng thực trạng giáo dục Phật giáo để đem lại sự tiến bộ và thăng hoa giá trị tâm linh, xây dựng cộng đồng Tăng sỹ ngày càng vững mạnh hơn. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển và ảnh hưởng của tinh thần và mục tiêu giáo dục giới luật Phật giáo vào trong xã hội, đem lại sự hòa bình và ổn định xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.
HT Thích Khế Chơn.