Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa Thâm
Phần Mở Đầu
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan
Nguồn: Hòa Thượng Thích Thắng Hoan
VÀI LỜI BỘC BẠCH
Kinh Pháp Hoa ai cũng biết là bộ Kinh Tối Thượng Thừa mà nó không phải Đại Thừa và cũng gọi là Phật Thừa, giáo nghĩa ẩn số vô cùng cao thâm mầu nhiệm, không ngoài mục đích triển khai tri kiến của Phật để chúng sanh tiến tu đạo nghiệp sớm được chứng quả vô thượng bồ đề. Bộ kinh này được lưu truyền sâu rộng trong nhân gian, được nhiều thọ trì đọc tụng, được nhiều dịch giả phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, và cũng được rất nhiều học giả nghiên cứu, chú thích, giảng giải, yếu giải v.v...
Mục đích của bộ kinh Pháp Hoa là nói lên ý nguyện sự ra đời của đức Phật nhằm khai thị cho chúng sanh ngộ nhập được tri kiến của Phật và nội dung bộ kinh gồm có 28 phẩm chia làm bốn phần: phần thứ nhất là phần mở bày (khai) tri kiến của Phật kể từ phẩm 1 cho đến phẩm 10, phần thứ hai là phần chỉ bày (thị) tri kiến của Phật đều nằm trọn vẹn trong phẩm 11, phần thứ ba là phần tỏ ngộ (ngộ) tri kiến của Phật, kể từ phẩm 12 cho đến phẩm 22 và phần thứ tư là phần chứng nhập (nhập) tri kiến của Phật, kể từ phẩm 23 phẩm cuối cùng của bộ kinh là phẩm 28.
Yếu chỉ của bô kinh là hình ảnh mà đức Phật muốn trình bày được gói gọn trong tinh thần của mỗi phẩm và tinh thần của mỗi phẩm được thể hiện trong đại ý của mỗi phẩm. Đại ý của mỗi phẩm nghĩa là tóm lược chính thuộc quan trọng trong mỗi phẩm mà đức Phật đã tỏ bày và đại ý ở đây không có nghĩa là phân tích chi ly tư tưởng trong mỗi phẩm với tính cách máy móc mà không phải ý chính của đức Phật muốn nói. Nên biết rằng kinh Pháp Hoa là bộ kinh dùng để tu tập hành trì mà nó không phải dùng để lý luận triết học, càng phân tích máy móc thì làm cho người tu học càng khó nắm vững yếu chỉ của bộ kinh.
Đã là tri kiến của Phật được ẩn số trong kinh Pháp Hoa, mỗi nhà nghiên cứu đều lãnh hội ở một lăng kính khác nhau và nhìn thấy ở một góc độ của Tối Thượng Thừa cho nên trình bày giáo nghĩa mầu nhiệm không được nhất quán mà yếu chỉ toàn diện của bộ kinh muốn diễn đạt. Cũng từ sự trình bày không được nhất quán đó, những người thọ trì và đọc tụng khó khăn trong sự lãnh hội và tạo ra rất nhiều nghi vấn trong lãnh vực đặt trọn niềm tin vào giá trị của bộ kinh.
Theo tinh thần Kinh Pháp Hoa, hành giả nhờ đức tin vào Kinh Pháp Hoa nên mới phát nguyện đọc tụng, nhờ hành trì nên mới chứng đắc tri kiến của Phật, vì lý do trên, kẻ tu tập trước hết phải có đức tin kiên cố vào Kinh Pháp Hoa và muốn có đức tin kiên cố vào Kinh Pháp Hoa, kẻ tu tập bằng mọi cách phải nắm cho được yếu chỉ của Phật được gói gọn trong Kinh Pháp Hoa thì sự tu tập của họ mới chóng viên thành đạo quả.
Tôi không phải giảng giải, không phải yếu giải, không phải lược giải, và cũng không phải chú thích hay toát yếu Kinh Pháp Hoa vì đã có nhiều người làm công tác đó rồi mà ở đây tôi chỉ trình bày yếu chỉ của Kinh Pháp Hoa qua mỗi phẩm không ngoài mục đích giúp cho người trì tụng nắm được bản ý của đức Phật muốn chỉ dạy cho chúng ta những gì và tu tập như thế nào để đạt được tri kiến của Phật. Trong 28 phẩm, tôi chỉ giải thích những điểm cốt yếu của mỗi phẩm và người trì tụng nếu như nắm được tinh thần từng phẩm một là tu tập đúng theo yếu chỉ của Phật trong Kinh Pháp Hoa. Yếu chỉ của Kinh Pháp Hoa mà đức Phật chỉ dạy là người tu tập phải chuyên cần thọ trì đến khi nào được phát huy được Vô Tác Diệu Lực nơi tâm trí của mình và nhờ Vô Tác Diệu Lực đó móc nối những tri kiến của Phật từ trong chân như trình diện cho mình thấy biết. Vô Tác Diệu Lực nơi Tâm Trí của mình không phải là Trí Lực nơi Ý Thức của mình. Trí lực nơi Ý Thức của mình thì thuộc về vọng tâm tác dụng và Vô Tác Diệu Lực nơi Tâm Trí của mình thì thuộc về chân tâm tác dụng. Trí lực của Ý Thức đối với các pháp hiện tướng bên ngoài chỉ hiểu biết gián tiếp năm trần qua ảo giác (Illusion) và cũng không thể hiểu biết trực tiếp đến hạt giống của các pháp nằm trong tâm thức Alaya thì làm sao hiểu biết được tri kiến của Phật trong chân như. Chỉ có Vô Tác Diệu Lực nơi tâm trí của mình mới có khả năng hiểu biết và móc nối trực tiếp đến những tri kiến của Phật nơi trong chân như. Ngưòi tu tập nương theo Kinh Pháp Hoa hành trì đến khi nào phát huy được Vô tác Diệu Lực nơi tâm trí của mình là có thể ngộ nhập được tri kiến của Phật.
Yếu chỉ của Kinh Pháp Hoa mà tôi trình bày sau đây cũng là một lối nhìn ở một góc độ khác trong việc xây dựng đức tin để giúp cho hành giả an tâm vững chí trên hành trình tu tập Kinh Pháp Hoa. Những lời văn trong Kinh Pháp Hoa của đức Phật thiết lập không khác nào ngón tay chỉ mặt trăng, chiếc thuyền qua bể khổ, công thức để tu tập mà nó không phải là mặt trăng, không phải là bến giác và cũng không phải là tri kiến của Phật, còn người tu tập giả sử không cần đến những lời văn trong Kinh Pháp Hoa thì làm sao ngộ nhập được tri kiến của Phật, trường hợp này chẳng khác chi hành giả trong khi tu tập mà không cần đến ngón tay thì làm sao thấy được mặt trăng, không cần đến chiếc thuyền thì làm sao đến được bờ giác. Đúng như trong các kinh, đức Phật thường nói: "Y kinh điển nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết", nghĩa là căn cứ theo lời kinh để giảng nghĩa thì nói oan ba đời Phật, còn như bỏ hẳn lời kinh một chữ mà giảng giải thì giống tà thuyết của đạo không khác. Người tu tập nếu như nắm được những ý chính tôi trình bày trong mỗi phẩm thì có thể khái niệm được một phần nào yếu chỉ của Phật trong Kinh Pháp Hoa.
Những ý chính trong mỗi phẩm của yếu chỉ Kinh Pháp Hoa mà tôi trình bày sau đây không ngoài mục đích hỗ trợ cho những đồng đạo đang trì tụng Kinh Pháp Hoa một cẩm nang đi đường, một bản đồ chỉ dẫn trên cuộc hành trình đi vào tri kiến của Phật, Mặc dù chưa đến bảo sở, cẩm nang đi đường này, bản đồ chỉ dẫn này cũng là hành trang vô cùng quan yếu cho các hành giả đang thọ trì Kinh Pháp Hoa được nhiều tư lương lợi lạc trên cuộc hành trình tiến tu đạo nghiệp.
Tôi hy vọng rằng những lời chỉ dẫn sau đây của mình không bị lạc lõng giữa rừng hoang.
Cẩn bút
Thích Thắng Hoan
Phật lịch 2544, ngày 30.01.2000
ĐỀ KINH:
1.- DIỆU:là mầu nhiệm không thể nghĩ bàn (Bất khả tư nghì).
2.- PHÁP:
là pháp môn để đạt đến sự giác ngộ cuối cùng (Ba la mật).
3.- DIỆU PHÁP:
là pháp môn mầu nhiệm của Phật tri kiến (Phật thấy biết), là Chân Tâm mầu nhiệm (Diệu Pháp) và cũng là Linh Giác căn bản (bản giác). Chân Tâm mầu nhiệm này là bản tánh chân thường, là bản thể bình đẳng của tất cả thánh nhân và phàm phu, của tất cả pháp giới. Phật và chúng sanh từ xưa đến nay đều đồng một thể tánh Chân Tâm mầu nhiệm này. Phật là người đã ngộ được thể tánh Chân Tâm mầu nhiệm và chúng sanh là người đã mê lầm thể tánh Chân Tâm mầu nhiệm. Chúng sanh ngộ được thể tánh Chân Tâm mầu nhiệm này thì thọ dụng được bốn đức Niết Bàn (Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh). Chúng sanh nào còn mê lầm thể tánh chân tâm mầu nhiệm này thì chạy theo vọng cảnh điên đảo nên bị sinh tử luân hồi.
4.- LIÊN HOA:
là thí dụ cho Diệu Pháp sanh nơi đất bùn ô uế mà chẳng bị nhiễm trước, chẳng hôi tanh mùi bùn. Chúng sanh nhờ thí dụ này mà ngộ được Chân Tâm mầu nhiệm. Theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Liên Hoa có ba thí dụ:
a/- Vì có sen nên có hoa,
b/- Hoa nở thì sen hiện,
c/- Hoa rụng thì sen thành.
Liên Hoa sở dĩ có ba thí dụ là vì Diệu Pháp khó giải thích, phải mượn thí dụ để cho dễ hiểu. Hoa sen là biểu tượng cho Nhân (gương sen) và Quả (hoa sen) phát sanh cùng một lúc, cũng như Diệu Pháp là thể hiện Huyền (phương tiện) và Thật (chân thật) đồng một bản thể. Vì thế đức Phật dùng Liên Hoa để thí dụ Huyền và Thật của Diệu Pháp. Ba thí dụ của Hoa Sen được giải thích như sau:
a/- VÌ CÓ SEN NÊN CÓ HOA: gồm hai thí dụ:
1) Dụ thứ nhất là vì Thật nói Huyền: Thật là pháp chân thật tức là Nhất Thừa và Huyền là pháp phương tiện tức là ba Thừa. Sen ở đây là dụ cho Thật và Hoa ở đây là dụ cho Huyền. Thí dụ này là biểu tượng đức Phật vì pháp chân thật của Nhứt Thừa mà thiết lập pháp Huyền (phương tiện) của ba Thừa. Cho nên Kinh Pháp Hoa nói rằng: "Mặc dù chỉ bày nhiều thứ đạo, nhưng kỳ thật không ngoài Phật Thừa). (Ba Thừa: Thinh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ Tát Thừa).
2) Dụ thứ hai là nơi từ nơi Bổn Môn hiển bày Tích Môn. Bổn Môn nghĩa là chỉ cho Pháp Thân căn bổn của đức Phật Thích Ca đã có từ vô thỉ, đã thành Phật từ lâu xa, cũng gọi là Cổ Phật. Tích Môn nghĩa là chỉ cho Hóa Thân của đức Phật Thích Ca sanh vào nước Ca Tỳ La Vệ có dấu tích lịch sử, cũng gọi là Tân Phật. Sen ở đây là dụ cho Bổn Môn (Cổ Phật) và Hoa ở đây là dụ cho Tích Môn (Tân Phật). Thí dụ này là biểu tượng Pháp Thân của đức Như Lai thuộc Bổn Môn đã thành Phật từ lâu xa, nhưng vì muốn độ chúng sanh nên mới sanh vào nơi nước Ca Tỳ La Vệ làm Hóa Thân thuộc Tích Môn. Cho nên Kinh Pháp Hoa nói rằng: "Đúng ra ta thật sự đã thành Phật từ lâu xa, chỉ vì giáo hóa chúng sanh mà nói rằng, ta mới xuất gia và chứng đặng Tam Bồ Đề. (Tam Bồ Đề là tiếng Phạn, nghĩa là chánh đạo).
b/- HOA SEN NỞ THÌ SEN HIỆN: cũng có hai thí dụ:
1)- Dụ thứ nhất là khai Huyền hiển Thật. Khai Huyền nghĩa là mở bày pháp phương tiện và Hiển Thật nghĩa là thể hiện pháp chân thật. Hoa nở ở đây là dụ cho Khai Huyền và Sen Hiện ở đây là dụ cho Hiển Thật. Thí dụ này là biểu tượng đức Như Lai huyền khai ba thừa để hiển bày pháp chân thật của Nhứt Thừa. Cho nên Kinh Pháp Hoa nói: "Khai phương tiện môn để chỉ bày tướng chân thật".
2)- Dụ thứ hai là khai Tích hiển Bổn: Khai Tích nghĩa là mở bày Hóa Thân thuộc Tân Phật và Hiển Bổn nghĩa là hiển bày Pháp Thân thuộc Cổ Phật. Hoa Nở ở đây là dụ cho khai mở Tích Môn và Sen Hiện ở đây là dụ cho hiển bày Bổn Môn. Thí dụ này là biểu tượng đức Như Lai khai mở dấu tích là ta hôm nay gần thành đạo quả để hiển bày ta vốn đã thành Phật từ lâu xa. Cho nên kinh Pháp Hoa nói: "Tất cả thế gian đều cho ta nay mới đắc đạo. Ta thật sự đã thành Phật từ vô lượng vô biên na do tha kiếp cho đến nay". (Na Do Tha là tiếng Phạn, nghĩa là vạn ức).
c/- HOA RỤNG THÌ SEN THÀNH: cũng có hai thí dụ:
1)- Dụ thứ nhất là bỏ Huyền lập Thật: Bỏ Huyền nghĩa là phế bỏ pháp phương tiện của ba Thừa và Lập Thật nghĩa là thiết lập pháp chân thật của Nhất Thừa. Hoa rụng ở đây là dụ cho bỏ Huyền và sen thành ở đây là dụ cho lập Thật. Thí dụ này là biểu tượng đức Như Lai phế bỏ pháp phương tiện của ba Thừa để kiến lập pháp chân thật của Nhứt Thừa. Cho nên kinh Pháp Hoa nói: "Đúng ra xả bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng".
2)- Dụ thứ hai là bỏ Tích lập Bổn: Bỏ Tích nghĩa là phế bỏ Tân Phật thuộc Hóa Thân và Lập Bổn nghĩa là thiết lập Cổ Phật thuộc Pháp Thân. Hoa Rụng ở đây là dụ cho bỏ Tích (Tân Phật) và sen thành ở đây là dụ cho lập Bổn (Cổ Phật). Thí dụ này là biểu tượng đức Như Lai phế bỏ dấu tích lịch sử cho rằng ta hôm nay gần thành đạo quả để thiết lập bản thể ta vốn đã thành Phật từ lâu xa. Cho nên kinh Pháp Hoa nói: "Các đức Như Lai, pháp đều như thế; vì độ chúng sanh, thật sự không hư".
Tóm lại Hoa sen biểu tượng cho nguyên lý nhân quả đồng thời. Hoa sen có hai phần:
a/- Cánh và Nhụy của hoa thì thuộc về Nhân.
b/- Gương và Hạt thì thuộc về Quả.
Một đóa sen gồm có cánh nhụy và gương hạt đều thể hiện cùng một lúc gọi là nhân quả đồng thời, nghĩa là Quả không ngoài Nhân và Nhân không ngoài Quả. Quả tức là Nhân và Nhân tức là Quả. Từ ý nghĩa này người tu Diệu Pháp là tạo nhân thì Thể Tánh Chân Tâm nhất định hiện bày là quả.
5.- DIỆU PHÁP LIÊN HOA:
nghĩa là Pháp Môn mầu nhiệm của Phật tri kiến mở bày (khai) để độ chúng sanh ở cõi ta Bà ác trược này. Pháp Môn mầu nhiệm của Phật tri kiến thật là khó hiểu, khó tin, khó hành trì và khó chứng đắc. Do đó, đức Phật vì lòng đại bi thương xót nên mới ra đời, dùng đủ phương tiện để độ chúng sanh và khiến cho chúng sanh chứng ngộ bằng cách thể nhập được Pháp Môn mầu nhiệm của Phật tri khiến. Đấy là lý do của Phật ra đời.
CHÚ Ý: Đức Phật Thích Ca cũng như các đức Phật khác đều có ba thân: Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Hóa Thân. Theo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú, quyển 9, phần hạ giải thích rằng: Đức Như Lai có ba thân:
1)- Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Như Lai: Tỳ Lô Giá Na, tiếng Phạn Vairocana, nghĩa là biến khắp tất cả xứ. Pháp Thân này tánh và tướng bản nhiên thường hằng bất biến, chân như bình đẳng bất diệt v.v... Pháp Thân và Quốc Độ thì vô ngại, biến khắp tất cả xứ sở.
2)- Báo Thân Lô Xá Na Như Lai: Lô Xá Na, tiếng Phạn Rocana, nghĩa là thanh tịnh viên mãn. Báo Thân này đã đoạn trừ diệt tận gốc rễ các hoặc và và trở nên hoàn toàn thanh tịnh, muôn đức đều viên mãn. Báo Thân này có hai: một là Tự Báo Thân hay Tự Thọ Dụng Thân và Tha Báo Thân hay Tha Thọ Dụng Thân. (Báo Thân gọi là Bổn Môn).
a)- Tự Báo Thân, nghĩa là thân này ở bên trong dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp tất cả chân pháp giới.
b)- Tha Báo Thân, nghĩa là thân này ở bên ngoài dùng ánh sáng của thân chiếu soi và ứng hiện khắp tất cả mọi căn cơ chúng sanh.
3)- Ứng Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Như Lai: Thích Ca Mâu Ni, tiếng Phạn Sàkyamuni, nghĩa là Năng Nhơn và Tịch Mặc. Năng Nhơn là chẳng an trụ nơi Niết Bàn, Tịch Mặc là chẳng trụ vào nơi sanh tử, tuỳ theo căn cơ của tất cả chúng sanh hóa hiện khắp nơi để thuyết pháp lợi sanh. Ứng Hóa Thân có hai loại: Ứng Thân và Hóa Thân. Ứng Thân nghĩa là Phật Thân ứng hiện để gia hộ chúng sanh và Hóa Thân là Phật Thân chuyển hóa sanh vào mọi loài chúng sanh để tùy duyên hóa độ.
6.- YẾU CHỈ CỦA PHẬT PHÁP:
Đức Phật muốn cho chúng sanh đều được thành Phật nên mới mở bày Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Theo ý của đức Phật, chúng sanh thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa muốn được thành quả phải thực hành đúng theo phương pháp chỉ dẫn sau đây:
a/- Hành giả muốn thành Phật thì phải hành trì đúng theo pháp môn phương tiện trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hành giả không nên chú trọng về sự kiến giải mà không chịu hành trì. Sự kiến giải không đem sự lợi lạc chút nào cho hành giả trên con đường tu tập đạo giác ngộ.
b/- Hành giả phải theo yếu chỉ của kinh và không nên dựa theo lời văn của kinh. Lời văn của kinh không phải là yếu chỉ của kinh. Lời văn của kinh chỉ là những lời khen ngợi, những lời kích động dụ dỗ, những thí dụ mở lối tri kiến qua ngôn ngữ giới hạn không phải Diệu Pháp. Hành giả nào chỉ dựa theo lời văn của kinh là hành theo sự mê tín dị đoan là đi nghịch lại với yếu chỉ của Phật trong kinh.
c/- Yếu chỉ của kinh là muốn hành giả phải phát huy Vô Tác Diệu Lực của Diệu Pháp để tẩy sạch vô minh phiền não và khiến cho sáu căn đều được thanh tịnh. Sau khi sáu căn được thanh tịnh, Pháp môn mầu nhiệm của Phật tri kiến mới có thể hiển lộ. Vô Tác Diệu Lực nghĩa là năng lực mầu nhiệm của Linh Giác Diệu Tâm tự động phát khởi. Vô Tác Diệu Lực của Diệu Pháp Liên Hoa cũng giống như Anh Văn Lực của những người thông thạo tiếng Anh và khiến họ nói tiếng Anh linh hoạt tự nhiên không chút để ý. Nhờ Vô Tác Diệu Lực của Diệu Pháp Liên Hoa, hành giả mới thấy được tri kiến của Phật để tu trì.
Gửi ý kiến của bạn