Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ Bản II

02/04/201317:51(Xem: 14685)
Phụ Bản II
Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa Thâm

Phụ Bản II
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan
Nguồn: Hòa Thượng Thích Thắng Hoan


XUẤT XỨ VÀ LỊCH SỬ PHIÊN DỊCH:

I.- XUẤT XỨ:

Kinh Pháp Hoa là bộ kinh mà Phật tử ai cũng điều biết là chính kim khẩu của đức Phật Thích Ca thuyết minh khi Phật còn tại thế. Theo lịch sử Phật Giáo cho biết, đức Phật Thích Ca gần nhập Niết Bàn liền giảng bộ kinh này cùng với bộ kinh Đại Niết Bàn. Theo Tông Thiên Thai phân định, giáo lý của chính đức Phật Thích Ca thuyết pháp trong năm mươi năm độ sanh được chia thành năm thời:

1) Thời Hoa Nghiêm: (gồm 21 ngày)
Sau khi thành đạo nơi cội Bồ Đề, đức Phật Thích Ca giảng kinh Hoa Nghiêm bằng Thiền Định Thuyết Pháp trong 21 ngày để độ cho các vị Bồ Tát Đại Thừa Thánh Quả. Theo Tông Hoa Nghiêm, đức Phật giảng Kinh Hoa Nghiêm nhằm khai triển nguyên lý "Nhất Tâm Chân Như và Pháp Giới Duyên Khởi", nghĩa là Pháp Tánh của vạn hữu vũ trụ trùng trùng duyên khởi đều do nhất tâm của Chân Như sanh ra. Kinh Hoa Nghiêm chủ trương: "Pháp Tánh của tam giới đều do Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật (Đại Nhật Phật) biểu hiện qua hình thức trùng trùng duyên khởi".

2) Thời A Hàm: (gồm 12 năm)
Sau thời Hoa Nghiêm, đức Phật Thích Ca giảng Thời A Hàm bằng Đạo Tràng Thuyết Pháp. Trong mười hai năm đức Phật thiết lập và khai triển đạo lý Tứ Đế của pháp thế gian thuộc Tiểu Thừa nhằm thuyết minh nguyên lý Vô Ngã để đả phá bệnh Chấp Ngã của phàm phu và ngoại đạo. Cũng từ đây về sau, ngài luôn luôn giảng kinh bằng Đạo Tràng Thuyết pháp.

3) Thời Phương Đẳng: (gồm 8 năm)
Sau thời A Hàm, đức Phật Thích Ca trong 8 năm thường giảng những kinh thuộc Phương Đẳng, như Kinh Duy Ma, Kinh Tư Ích, Kinh Lăng Già v.v... đức Phật giảng các kinh này là khai triển tư tưởng Đại Thừa Bồ Tát có quan hệ với hàng Tiểu Thừa Thinh Văn Duyên Giác nhằm mục đích đưa hạng Tiểu Thừa lên bậc Đại Thừa.

4) Thời Bát Nhã: (gồm 22 năm)
Sau thời Phương Đẳng, đức Phật Thích Ca suốt 22 năm chuyên giảng các kinh thuộc Bát Nhã, nhằm khai triển trí tuệ Ba La Mật của Tạng Như Lai làm mục đích. Chỉ có Trí Tuệ Ba La Mật của Tạng Như Lai là có khả năng hóa giải mọi căn nguyên của vô minh nghiệp chướng từ vô lượng kiếp về trước và chứng ngộ được tri kiến của Phật. Trong mổi chúng sanh, Trí Tuệ Ba La Mật của Tạng Như Lai chính là chỉ cho Thức Tạng (Thức Alaya), vì nó là biến tướng của Tạng Như Lai. Trí Tuệ này không phải thứ Trí Tuệ Diệu Quán Sát của Ý Thức thuộc vọng tâm, vì thứ Trí Tuệ của Ý Thức chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp qua ảo giác. Về quan niệm vạn pháp, Bát Nhã chủ trương: "Pháp Tướng của tam giới là do vọng tâm duyên khởi" và lập trường của Bát Nhã là "Ngã Pháp đều không", đồng thời lấy Trí Tuệ Ba La Mật làm căn bản để đả phá ngã chấp và pháp chấp đưa vào nguyên lý Trung Không Diệu Hữu. Pháp hành của Bát Nhã lấy Lục Độ Ba La Mật làm chuẩn tu tập.

5) Thời Pháp Hoa và Niết Bàn: (gồm 8 năm)
Trong hai thời kinh này:

a* Thời Pháp Hoa:
Nơi thời Pháp Hoa, đức Phật Thích Ca trình bày mục đích sự ra đời của ngài là:
*.- Mở bày tri kiến của Phật,
*.- Chỉ bày tri kiến của Phật,
*.- Tỏ ngộ tri kiến của Phật,
*.- Chứng nhập tri kiến của Phật.

b* Thời Niết Bàn:
Nơi thời Niết Bàn, đức Phật trình bày trong lúc đức Phật nhập Niết diệt và ghi chép lại những lời dạy cuối cùng của ngài. Theo Kinh Đại Niết Bàn, nhục thân phương tiện của ngài mặc dù không còn, nhưng Pháp Thân thường trú của ngài thì bất diệt. Dẫu rằng ngài không còn hiện hữu trong thế gian, các đệ tử của ngài sau này phải lấy giới luật làm thầy. Giới luật của ngài còn nghiêm túc là đạo của ngài còn tồn tại trong thế gian.

Qua những lời phân loại giáo điển Phật Giáo của Tông Thiên Thai, Kinh Pháp Hoa là bộ kinh vô cùng trọng yếu thuộc Tối Thượng Thừa mà các bậc học giả uyên thâm đều tôn vinh, vì đó là tri kiến của Phật và nó hoàn toàn không phải là tri kiến của chúng sanh. Xuất xứ của Bộ kinh này là do chính đức Phật Thích Ca thuyết minh khi Phật gần nhập Niết Bàn.

II.- LỊCH SỬ PHIÊN DỊCH:

Đứng trên lập trường tu tập để được giác ngộ và giải thoát, sự hiểu biết về lịch sử phiên dịch, chúng ta nhận thấy không cần thiết, vì nó có tính cách kiến thức của thế gian mà không phải là thứ trí tuệ để giải quyết vấn đề sinh tử khổ đau của thân phận con người. Sự hiểu biết về lịch sử phiên dịch là chỉ có lợi ích cho các nhà khảo cứu mà nó hoàn toàn không có lợi ích cho các nhà tu tập. Hơn nữa sự hiểu biết nhiều về lịch sử phiên dịch là sự hiểu biết trên sách vở, trên văn kiên có tính cách trương mục của thư loại hơn mà nó không phải là sự hiểu biết về tư tưởng của bộ kinh nằm trong nội dung. Sự hiểu biết về tư tưởng nằm trong nội dung của bộ kinh thì mới cần thiết cho người tu học đạo giác ngộ và giải thoát, vì nó thuộc về loại tri thức mà nó không phải thuộc về loại kiến thức, nhưng dù sao đi nữa, để giúp cho các vị tu học rộng đường nghiên cứu, tôi xin biên soạn một phần nào lịch sử phiên dịch có quan hệ trực tiếp riêng biệt về chủ đề Kinh Pháp Hoa. Những vị nào biết thứ tiếng gì thì tìm tài liệu sách vở về ngôn ngữ đó để đọc cho biết thêm.

Trong những tài liệu khảo cứu về lịch sử phiên dịch, tài liệu sưu tầm của Thượng Tọa Thích Trí Quảng là đầy đủ và phong phú nhất hiện giờ về phương diện dữ kiện. Tài liệu của Thượng Tọa đã nói lên được tiến trình phiên dịch và phát triển về bộ Kinh Pháp Hoa. Tiện đây, tôi xin ghi lại toàn bộ theo như tài liệu được in trong quyển Lược Giải Kinh Pháp Hoa do Thượng Tọa Thích Trí Quảng sưu tầm ngõ hầu giúp cho quí học giả tiện việc nghiên cứu chủ đề lịch sử phiên dịch về bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Kinh Pháp Hoa có nhiều bản Phạn Văn như là Sadharma Pundarika Sutra, Saddharma Pundarika Samadhi, Saddharma Pundarika Sastra, Saddharma Pundarika Upadesa v.v... và cũng được nhiều người phiên dịch. Trong đây bộ kinh Pháp Hoa Phạn Văn Saddharma Pundarika Sutram được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đầu tiên đức Phật Thích Ca trao truyền bộ Kinh Pháp Hoa cho các đệ tử lưu truyền thừa sau khi ngài nhập Niết Bàn và bộ kinh này trải qua thời gian dài khoảng hơn hai ngàn năm lịch sử đã bị biến thái thành nhiều danh xưng khác nhau qua sự cảm nhận cũng như lý giải ý nghĩa trong kinh không giống nhau, nhưng có một điều, về phương diện học thuật, bộ Kinh Pháp Hoa phần nội dung chứa đựng những tư tưởng siêu phàm tạo sự thích thú cho các học giả khắp nơi trên thế giới.

Theo Lược Giải Kinh Pháp Hoa của Thượng Tọa Thích Trí Quảng, vào khoảng đầu thế kỷ 19, Công Sứ người Anh là ông Hamilton tìm thấy ở Népal một bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Phạn viết trên lá bối, thờ trong một hang đá, người ta quen gọi là Pháp Hoa Népal. Sau đó phái đoàn tồm người Nhật, người Anh, người Pháp, người Đức tìm thấy thêm 20 bản Pháp Hoa khác bằng Phạn Ngữ. Từ đó người Nhật phát động phong trào thành lập Hội Nghiên Cứu Kinh Pháp Hoa và hội này được người Anh bảo trợ. Hội này cử bốn phái đoàn gồm có người Nhật, người Anh, người Đức, người Nga đi sang vùng Trung Á tìm thêm những bộ Kinh Pháp Hoa khác. Kết quả, họ tìm được 6 bộ Kinh Pháp Hoa bằng Phạn Ngữ ở vùng Totan và một bộ kinh ở Kucha (quê hương của ngài Cưu Ma La Thập).

Đến năm 1932, một bộ Kinh Pháp Hoa cổ nhất được tìm thấy ở vùng Kashmira nối liền với Afganistan, được gọi là Pháp Hoa Gilgit. Bộ kinh này gồm hai phần ba bằng chữ Phạn và một phần ba bằng chữ Magadhi là loại chữ cổ nhất của nước Ma Kiệt Đà.

Tóm lại, tư tưởng của Kinh Pháp Hoa ảnh hưởng đến các giới trí thức Tây Phương có thể nói là vào khoảng đầu thế kỷ 19 và cũng từ đó các học giả Tây phương thi đua nghiên cứu bộ Kinh Pháp Hoa nói trên. Kết quả, bộ Kinh Pháp Hoa này về sau được các học giả đông tây phiên dịch ra nhiều thứ tiếng Giờ đây chúng ta lần lượt biết qua những bộ Kinh Pháp Hoa bằng những thứ tiếng sau đây:

1.- Tiếng Trung Hoa:

Trước hết những bộ Kinh Pháp Hoa được dịch ra tiếng Trung Hoa gồm có:
a) "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" gồm có 7 quyển, do ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) đời Diêu Tần dịch năm Hoằng Thủy thứ 4 (402 TL) (Theo Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kỷ).
* "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" cộng thêm "Phẩm Đề Bà Đạt Đa" thành 8 quyển cũng do ngài Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần dịch năm Hoằng Thủy thứ 8 (406 TL) (Theo Tam Tạng Ký Tập).
* "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" gồm 7 quyển được dịch tại Trường An vào mùa hạ, niên hiệu Hoằng Thủy thứ 8, không biết tên người dịch. Bản dịch này được gọi là Tân Dịch (Theo Tam Tạng Ký Tập).
* "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" không biết bao nhiêu quyển, được dịch vào năm Hoằng Thủy thứ 8, không biết tên người dịch, do ngài Pháp Hộ tu chỉnh tại thành Lạc Dương và ngài Tăng Hữu đề tựa (Theo Lịch Đại Tam Bảo Ký).
* "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" gồm 7 quyển, cũng do ngài Cưu Ma La Thập dịch tại vườn Tiêu Dao (Trường An) vào năm thứ 7 niên hiệu Hoằng Thủy đời Hậu Tần (Theo Chúng Kinh Mục Lục).

b) "Pháp Hoa Tam Muội Kinh" gồm 6 quyển, do ngài Chi Cương Lương Tiếp (Kalasivi) đời Ngô dịch năm 255 TL.

c) "Tất Đàm Phần Đà Lị Kinh" gồm 6 quyển, do ngài Pháp Hộ (Dharmaraksaq) đời Tần Thủy Hoàng dịch khoảng năm 256 TL.
* "Tất Đàm Phần Đà Lị Kinh" gồm có 6 quyển, do ngài Đàm Ma La Sát dịch vào niên hiệu Thái Thủy thứ nhất đời Tấn Vũ Đế (Theo Dịch Kinh Đồ Kỷ).

d) "Chính Pháp Hoa Kinh" gồm 10 quyển, cũng do ngài Pháp Hộ dịch năm 286 TL vào thời Tây Tấn (Theo Tam Tạng Ký Tập).
* "Chính Pháp Hoa Kinh" gồm 10 quyển, do các ngài Trương Sĩ Minh, Trương Trọng Chánh, Pháp Hiển, Đàm Thuyên cùng nhau dịch năm thứ 7 đời Thái Đường (Theo Lịch Đại Tam Bảo Ký).
* "Chính Pháp Hoa Kinh" gồm 10 quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch tại Trường An, niên hiệu Thái Khương đời Tây Tấn (Theo Đại Đường Nội Điển Lục).
* "Chính Pháp Hoa Kinh" gồm 10 quyển, do ngài Đàm Ma La Sát, người nước Nhục Chi, dịch tại Lạc Dương năm Thái Thủy Võ Đế đời Tây Tấn (Theo Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Ỷ).
* "Chính Pháp Hoa Kinh" cũng gọi là "Phương Đẳng Chánh Pháp Hoa Kinh" gồm 10 quyển, do các ngài Trương Sĩ Minh, Trương Trọng Chánh và Pháp Sư Nhiếp Thừa Viễn cùng nhau dịch vào năm Thái Khương thứ 7, ngày 10 tháng 8 (Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục).

e) "Phương Đẳng Pháp Hoa Kinh" gồm 5 quyển, do ngài Chi Đạo Căn dịch và Trúc Đạo Tổ sao lục vào năm 335 TL, niên hiệu Hàm Khương thứ nhất, đời Đông Tấn (Theo San Định Chúng Kinh Mục Lục).

h) "Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" gồm 7 quyển, do ngài Xà Na Hốt Đa (Jnànagupta) và ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) cùng nhau dịch ở năm đầu Nhân Thọ (601 TL) đời nhà Tùy.
Ngoài ra một số dịch bản khác vẫn được ghi lại trong Thư Mục Trung Quốc, nhưng không thấy lưư truyền. Trong những bản dịch vừa kể trên, bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập thì được phổ cập nhất và cũng được nhiều người thọ trì đến.

2.- Tiếng Tây Tạng:

Kinh Pháp Hoa được ra tiếng Tây Tạng vào khoảng thế kỷ thứ 8, khi bộ Ldan Dxarma được hoàn thành. Bộ kinh này vẫn còn tìm thấy trong những bộ Đại Tạng: Shar Thàn, Sde Dge, Bắc Kinh v.v...

3.- Tiếng Tây Hạ:

Bộ Kinh Pháp Hoa được dịch ra tiếng Tây Hạ vào thời Bắc Tống và ai chủ trì phiên dịch cũng như dịch vào thời kỳ nào không được biết, nhưng nguyên bản của Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Tây Hạ hiện còn giữ tại Đông Dương Văn Khố Nhật Bản.

4.- Tiếng Triều Tiên:

Theo Phật Giáo Sử Triều Tiên, năm 1463, vua Thế Tổ triều Lý đã ký một sắc lệnh cho dịch bộ Kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán ra tiếng bản xứ. Bộ kinh này được các triều đại kế tiếp hiệu đính lại và lưu truyền đến ngày nay.

5.- Tiếng Mãn Châu:

Kinh Pháp Hoa không được biết truyền sang Mãn Châu vào thời kỳ nào và công trình đó do ai chủ trương, nhưng Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mãn Châu đã được giữ trong Sở Nghiên Cứu Kinh Pháp Hoa của Nhật Bản và bộ kinh àny ngày nay hiện nằm trong bộ Ngự Dịch Đại Tạng Kinh của vua Càn Long đời Thanh. Nội dung của Bộ Kinh Pháp Hoa nói trên nói lên được xuất xứ của nó là dịch lại từ Bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh bằng chữ Hán của ngài Cưu Ma La Thập.

6.- Tiếng Mông Cổ:

Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mông Cổ cũng không biết rõ được dịch vào thời kỳ nào và công trình đó do ai chủ trương, nhưng bản kinh hiện đang lưu hành có thuyết cho là được dịch ra từ nơi bộ kinh bằng tiếng Tây Tạng hoặc có thuyết cho là được dịch ra bằng chữ Phạn, vì nội dung bản chữ Phạn này cách thức bố cục gần giống tiếng Tây Tạng không khác.

7.- Tiếng Đức và Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ:

Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ không biết được dịch vào thời kỳ nào và công trình đó do ai chủ trương, nhưng trong văn khố của Sở Nghiên Cưu Kinh Pháp Hoa Tokyo, một tác phẩm bằng tiếng đức dày 119 trang với nhan đề là "Ein Turkishi Ubersetzung des XXV Kapithsderchineschen Ausgabe Des Sadharma Pundarika Sutram". Tác phẩm này có phần nguyên bản bằng chữ Vigur (Thủy tổ dân Thổ Nhĩ Kỳ) và sau cùng là lời chú giải. Nội dung của tác phẩm này trình bày giống nhau với phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa. Tác phẩm nói trên hiện còn giữ tại Sở Nghiên Cứu Kinh Pháp Hoa Tokyo.

8.- Tiếng Anh:

Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Anh hiện có 4 bản dịch: The Lotus of the True Law, The Lotus Scripture, The Lotus of the Wonderful Law và The Lotus Sutra. Các học giả Tây phương phần nhiều hiểu biết tư tưởng Kinh Pháp Hoa qua bốn bản dịch nói trên.

a) The Lotus of the True Law:
Bộ kinh này gồm 27 phẩm, 442 trang được dịch từ bộ Phạn ngữ Népal, do học giả Kern dịch vào năm 1880. Bộ kinh nói trên thuộc tạng The Sacred Books of the East.
b) The Lotus Scripture Essence:
Bộ kinh này gồm 28 phẩm được dịch lược từ bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng chữ Hán do Lichard xuất bản năm 1900. Bộ kinh nói trên thuộc bộ The New Testament of High Buddhism.
c) The Lotus of the Wonderful Law:
Bộ kinh này gồm có 28 phẩm do hai học giả Soothill và Kato cùng nhau dịch thuật và xuất bản tại Luân Đôn vào năm 1930.
d) The Lotus Sutra:
Bộ kinh này gồm có 28 phẩm do Senchu Murano dịch từ bộ Diệu Pháp Liên Hoa của ngài Cưu Ma La Thập được Tông Nhật Liên xuất bản tại Nhật Bản vào năm 1974.

9.- Tiếng Pháp:

Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Pháp chỉ có một bộ duy nhất mang tên là Le Lotus de la Bonne Loi do Hàn Lâm Học Sĩ E. Burnouf được dịch từ bộ Phạn Ngữ Népal vào năm 1925 và còn lưu truyền đến ngày nay. Bộ kinh này được cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch ra tiếng Việt vào năm 1937 và cư sĩ Mai Thọ Truyền tĩnh lược trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa vào năm 1964.

10.- Tiếng Nhật Bản:

Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Nhật Bản thì có nhiều bản dịch, nhưng trong đó có 6 bản dịch được thông dụng nhất về học thuật và tín ngưỡng.
a) Phạn Hán Đối Chiếu Tân Dịch Pháp Hoa Kinh:
Bộ Kinh Pháp Hoa này do Hàn Lâm Đại Học Sĩ Nanjoo dịch ra Nhật Ngữ vào năm 1913. Lối dịch của Hàn Lâm Đại Học Sĩ Nanjoo bằng cách là so sánh giữa bộ Diệu Pháp Liên Hoa chữ Hán và Sadharma Pundarika Sutram.
b) Phạn Bản Hòa Dịch Pháp Hoa Kinh:
Bộ Kinh Pháp Hoa này do giáo sư Okakyo dịch từ nguyên bản chữ Hán vào năm 1923 và hiện có trong Phật Giáo Văn Khố.
c) Pháp Hoa Kinh:
Bộ Kinh Pháp Hoa này do hai giáo sư Sakamoto và Iwamoto cùng nhau dịch thuật và chú giải từ bản Phạn Ngữ Népal cùng với nguyên bản Cưu Ma La Thập.
d) Phạn Tạng Truyền Dịch Quốc Dịch Pháp Hoa Kinh:
Bộ Kinh Pháp Hoa này do giáo sư Kawaguchi so sánh hai bản tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng để dịch ra Nhật Ngữ.
e) Hòa Dịch Pháp Hoa Kinh:
Bộ Kinh Pháp Hoa này do giáo sư Yamagawa kê cứu các bản kinh chữ Hán để dịch ra Nhật Ngữ.
g) Hán Hòa Đối Chiếu Diệu Pháp Liên Hoa Kinh:
Bộ Kinh Pháp Hoa này là bộ kinh đã được giám định lại từ các bộ Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Nhật Bản đang lưu hành do giáo sư Shimachi cùng một số học giả khác so sánh và kê cứu.

11.- Tiếng Việt Nam:

Sự nghiệp phiên dịch kinh luận của người Việt Nam được phát triển rất sớm và rất mạnh vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai. Theo Lịch Đại Tam Bảo Ký, bộ Kinh Pháp Hoa Tam Muội đã được ngài Cương Lương Tiếp hợp tác với các học giả Việt Nam cùng nhau dịch ra chữ Hán tại Giao Châu vào năm 260 TL và trước đó ngài Khương Tăng Hội đã trích dịch phẩm Thí Dụ với tên là Phật Thuyết Tam Ca Dụ Kinh. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, quyển 1, trang 84, ngài Cương Lương Tiếp còn có tên khác nữa là Chi Cương Lương Tiếp, tiếng Phạn là Kàlasivi, dịch là Chánh Vô Úy. Ngài đã dịch Pháp Hoa Tam Muội (Saddharmasamadhi - sùtra) ở Giao Châu vào năm 225 hay 226.

Lịch sử dịch Kinh Pháp Hoa của người Việt Nam có thể chia làm ba thời kỳ khác nhau: thời kỳ chữ Hán, thời kỳ chữ Nôm và thời kỳ chữ Quốc Ngữ. Tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử được viết tại:

a) Thời kỳ chữ Hán:
Đạo tràng phiên dịch kinh điển Phật Giáo ở Giao Châu (Hà Nội) đã được thành lập sớm nhất vào thời Hậu Hán gọi là Trung Tâm Luy Lâu và theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, Trung Tâm này được thành hình là do các nhà sư Ấn Độ xây dựng. Tác phẩm đầu tiên bằng chữ Hán vào cuối thế kỷ thứ hai là Trung Tâm này và Trung Tâm này cũng là nơi đào tạo được một nhân tài đáng giá nhất đương thời và cũng là một nhà truyền giáo nổi tiếng ở Đông Ngô, đó chính là Khương Tăng Hội. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, Khương Tăng Hội, người nước Khương Cư, sanh trưởng tại Giao Châu. Cha mẹ của Khương Tăng Hội là một thương gia giàu có lập nghiệp tại Giao Châu, nhưng hai ông bà mất sớm, khi Khương Tăng Hội còn nhỏ (Điều này được ghi trong lời tựa của Kinh An Ban Thủ Ý), Khương Tăng Hội hợp tác các danh gia Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Á, Trung Đông v.v... chuyên nghiên cứu và phiên dịch kinh điển Phật Giáo từ chữ Phạn ra chữ Hán. Theo Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, vào cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba, Khương Tăng Hội cùng Mâu Tử cho lưu hành tại Giao Châu ít nhất là 15 bộ kinh.

Tại đạo tràng Giao Châu, một bộ Kinh Pháp Hoa gồm 6 quyển được dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào năm 256 TL và từ đó đạo tràng Giao Châu càng thêm sáng chói trên văn đàn Trung Quốc. Tiếp theo đó một số tu sĩ Việt Nam được Trung Quốc mời vào cộng đồng phiên dịch tại Trường An (theo tài liệu trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh).

b) Thời kỳ chữ Nôm:
Các nhà sư Việt Nam rất tinh thông Hán học và cũng rất giàu lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc. Với tinh thần độc lập tự chủ sẵn có, các nhà sư này muốn thoát ly ảnh hưởng văn hóa Bắc thuộc, liền sử dụng ký hiệu Quốc Âm để chuyển ngữ kinh Phật thành ra chữ Nôm. Hiện nay nhiều tài liệu Phật Giáo bằng ảnh hưởng Quốc Âm (chữ Nôm) vừa mới tìm thấy ở miền bắc Việt Nam được xem là những tác phẩm sớm nhất. Bộ Quốc Dịch Pháp Hoa Kinh bằng chữ Nôm hiện còn giữ tại Đông Dương Văn Khố Tokyo đã nói lên tinh thần sáng tạo và độc lập tự chủ của tiền nhân.

c) Thời kỳ Quốc Ngữ:
Sau khi nước Việt Nam bị lệ thuộc nước Pháp, nhằm đánh bại văn học chữ Hán và cũng nhằm dễ bề cai trị nước ta, giáo sĩ Ba La Lộc dùng tiếng Latin chế biến ra một thứ chữ mới gọi là tiếng Quốc Ngữ để truyền bá văn học nước Pháp, nhưng dân tộc Việt Nam ta sãn có tinh thần yêu nước cao độ, lợi dụng ký hiệu Latin của chữ Quốc Ngữ chuyển đổi thành một thứ chữ đặc biệt thần túy Việt Nam gọi là chữ Việt Ngữ để phát huy văn học nước nhà và đánh bại văn học pháp Quốc giành lại độc lập tự chủ.

Tại nước Việt Nam, người đầu tiên biên soạn thành bộ kinh Pháp Hoa bằng Việt Ngữ chính là cư sĩ Đoàn Trung Côn. Vào năm 1937, cư sĩ Đoàn Trung Còn dựa theo hai bản dịch của chữ Pháp và chữ Hán để biên soạn gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Mưiờ năm sau, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh căn cứ nơi Diệu Pháp Liên Hoa Kinh bằng chữ Hán của ngài Cưu Ma La Thập dịch ra Việt Ngữ để giúp cho các giới Phật tử tiện viện trì tụng và nghiên cứu.
Tóm lại Kinh Pháp Hoa là bộ kinh cao quý nhất và nội dung ghi lại giáo nghĩa cao thâm mầu nhiệm về tri kiến của Phật. Bộ kinh này xuất hiện sau cùng trong thời khóa hội thứ năm do chính đức Phật Thích Ca giảng cùng một thời với bộ kinh Đại Niết Bàn, khi ngài gần nhập diệt. Từ đó đến nay, bộ Kinh Pháp Hoa nói trên được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng và lưu truyền khắp nơi trên thế giới hơn 25 thế kỷ. Giáo nghĩa của bộ kinh quá mầu nhiệm, cho nên người nghiên cứu, vì trình độ cao thấp không đồng, do đó phiên dịch thành nhiều thể tài khác nhau và diễn giải tư tưởng không được nhất quán.

Riêng ở Việt Nam, người có công rất lớn trong lịch sử phiên dịch là Khương Tăng Hội và Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Khương Tăng Hội là người có công đầu trong lịch sử phiên dịch Hán Ngữ và cũng là người làm chấn động cả nước Trung Quốc một thời. Còn Hòa Thượng Thích Trí Tịnh là nhân vật đứng đầu trong lịch sử phiên dịch Việt Ngữ hiện đại. Hòa Thượng ngoài dịch kinh Pháp Hoa ra, còn dịch ra Việt Ngữ nhiều bộ kinh khác để phổ biến tư tưởng Phật Giáo khắp mọi tầng lớp trong dân gian. Hiện nay khắp trong nước cho đến các châu ở hải ngoại, các Tự Viện và các Phật tử Việt Nam đều biết danh hiệu của Hòa Thượng qua các kinh điển, đều thọ trì và nghiên cứu kinh của Hòa Thượng dịch, có thể nói cho đến ngày nay, lịch sử phiên dịch vẫn còn đang phát triển và mở rộng không ngừng qua các thể tài đáng giá của tư tưởng Phật Giáo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]