Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 15: Kinh Dược Sư giải nghĩa

29/11/201506:03(Xem: 3944)
Bài 15: Kinh Dược Sư giải nghĩa



Kinh Duoc Su Giai Nghia
KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 31:

KHI NGHE DANH HIỆU PHẬT DƯỢC SƯ,

CHÍ TÂM THỌ TRÌ, ĐƯỢC LỢI ÍCH.

 

Phật lại bảo ông A Nan: "Những chúng hữu tình ấy nếu nghe danh hiệu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chí tâm thụ trì (1), không sanh lòng nghi hoặc mà đọa vào ác thú thì thật vô lý vậy”.

Này A Nan, đó là công hạnh rất sâu nhiệm (2) của Chư Phật, khó tin, khó hiểu mà nay ông lãnh thọ được thì biết rằng đó là nhờ oai lực (3) của Như Lai vậy.
Này A Nan, tất cả các hàng Thinh Văn, Độc Giác và các bậc Bồ Tát chưa lên đến bậc sơ địa (4) đều không thể tin hiểu đúng như sự thật, chỉ trừ những bậc “nh
ất sinh sở hệ (5) Bồ Tát” mới tin hiểu được mà thôi.

Này A Nan, thân người khó được, nhưng hết lòng tin kính tôn trọng ngôi Tam Bảo (6) còn khó hơn, huống chi nghe được danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại còn khó hơn nữa.

Này A Nan, Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai tu không biết bao nhiêu hạnh Bồ Tát, dùng không biết bao nhiêu phương tiện khéo léo, phát không biết bao nhiêu nguyện rộng lớn. Nếu ta nói ra trong một kiếp hay hơn một kiếp thì kiếp số có thể mau hết, chớ những hạnh nguyện và những phương tiện khéo léo của đức Phật ấy không thể nói cho hết được.

GIẢI NGHĨA:

 

(1)Chí tâm thụ trì: Thụ là nhận lấy để vâng chịu, Trì là nắm lấy để hành động. Thụ trì chữ Phạn: Udgrahaịa: Lãnh nhận vào tâm, ghi nhớ không quên, thệ nguyện giữ gìn, không trái phạm, thụ trì Kinh có nghĩa tiếp nhận, suy nghĩ nghĩa lý, ghi nhớ nghĩa lý lời dạy và thực hành; Chí tâm thụ trì là hết lòng ghi nhớ thực hành.

(2) Sâu nhiệm: Sâu xa nhiệm mầu.

(3) Oai lực: Là gia bị, gia hộ, là nhận được hộ trì của Phật.

(4) Bậc Bồ Tát chưa lên đến bậc sơ địa: Là hàng thọ trì Giới Bồ Tát, mới phát tâm Bồ-Đề và thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sinh, bố thí (dāna) không cầu phúc; khi chứng được tính Vô ngã (anātman) của tất cả các Pháp (dharma) thì sẽ đạt bậc Bồ Tát Sơ Địa tức là Bồ Tát bậc một.

(5) Nhất Sinh Sở Hệ: Cũng gọi Nhất Sinh Bổ Xứ, người sinh ra một lần cuối cùng ở nhân gian để thành Phật; gọi là Nhất Sinh Sở Hệ, nghĩa là vị Bồ tát này chỉ còn bị trói buộc (hệ) một đời này nữa trong thế giới mê muội, rồi sẽ thành Phật. Bổ Xứ là chỉ cho địa vị tối cao của Bồ Tát, tức là Bồ Tát Đẳng Giác.

(6) Tam Bảo: Là ba ngôi báu Phật Pháp Tăng. Vàng bạc châu báu không thể cứu chúng sinh ra khỏi khổ của sống già bệnh chết, còn Phật Pháp Tăng có đủ năng lực dẫn dắt con người ra khỏi khổ của sinh tử luân hồi, nên mới nói Phật Pháp Tăng là Tam Bảo là Ba Ngôi Qúy Báu.

 

     Đoạn Kinh Văn 31 trên, đại ý như lời Phật nói, nếu người nào tin và thụ trì đầy đủ, nghĩa là thay đổi lối sống, giữ giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, xa lià xấu xa, giữ tâm trong sạch thanh tịnh để tu hành, không sinh lòng nghi hoặc, mà khi chết bị đọa vào ác thú thì không thể xảy ra. Đức Phật cho biết sự khó tin khó hiểu như thế mà Tôn giả A Nan lãnh thọ được là do Ngài gia hộ đó; rồi Ngài cho biết tất cả Thanh Văn, Duyên Giác và hàng Bồ Tát chưa chứng Sơ Địa thì chưa tin và chưa hiểu đúng như thật, chỉ trừ hàng Đẳng Giác Bồ Tát mới hiểu như thật mà thôi.

 

     Tại sao lại khó tin khó hiểu? Bởi vì nếu nghe danh hiệu mà tin rằng sẽ hết khổ thì làm sao tin được, nhất là chỉ cần niệm danh hiệu mà được hết khổ thì thật là khó tin và khó hiểu nổi. Có biết đâu rằng việc tin là khởi đầu cần phải có, tiếp theo là phải hiểu cách hành trì đúng nghĩa mà Phật muốn chỉ, như vậy mới thực sự đưa tới hết khổ được, chứ không phải chỉ tin suông mà hết khổ được đâu, nên khó tin khó hiểu là ở chỗ đó.

 

     Đức Phật xác nhận: được làm người là khó, người tin Tam Bảo Phật Pháp Tăng còn khó hơn, nhưng được nghe danh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại khó hơn nữa. Đây là sự so sánh chuyện khó có thể có được, thì biết không phải là chuyện dễ mà được nghe danh hiệu của Đức Phật Dược Sư. Ý Phật nói khi nghe rồi chúng ta nên phát lòng tin vững chắc, không sinh lòng nghi hoặc. Nghe rồi thì phải tìm hiểu Giáo lý của Phật, khi hiểu giáo lý rồi thì phải thay đổi lối sống, phải tu hành, chớ hời hợt chểnh mảng, chớ coi thường mà mất sự lợi ích; thì đây mới thật sự là được nghe danh hiệu Ngài, bởi vậy Đức Thích Ca nói: “đó là công hạnh rất sâu nhiệm của Chư Phật, khó tin, khó hiểu” là ở điểm này.

 

      Ngài cho biết Phật Dược Sư Lưu Ly Quang tu vô lượng hạnh Bồ Tát, dùng vô lượng phương tiện khéo léo, phát vô lượng nguyện rộng lớn; Ngài không thể nào nói hết được dù nói cả kiếp cũng không hết, tại sao Đức Phật Thích Ca nói ra điều này với dụng ý gì? Ý Ngài muốn nói chúng ta là người được nghe danh Phật Dược Sư, chúng ta nên theo gương như Ngài tu hành, chứ nói đến phương tiện, hạnh nguyện của Ngài thì nói hoài cả kiếp cũng không thể hết được vậy.

 

KINH VĂN 32:

BỒ TÁT CỨU THOÁT TRÌNH BÀY CÓ KẺ

TẬT BỆNH HÔN MÊ BỊ GẶP DIÊM VƯƠNG

Lúc bấy giờ trong chúng hội có một vị Đại Bồ Tát tên là Cứu Thoát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén y để bày vai bên hữu, gối bên mặt quì sát đất cúi mình chắp tay bạch Phật rằng:" Bạch Đại đức Thế Tôn, đến thời kỳ tượng pháp có những chúng sanh bị nhiều hoạn nạn, khốn khổ, tật bịnh luôn luôn, thân hình gầy ốm, ăn uống không được, môi cổ khô rang, mắt thấy đen tối, tướng chết hiện ra (1), cha mẹ, bà con, bè bạn quen biết vây quanh khóc lóc. Thân người bịnh vẫn còn nằm đó mà đã thấy sứ giả (2) đến dẫn thần thức đem lại trước mặt Vua Diêm Ma Pháp Vương (3), rồi liền khi ấy vị Thần Câu Sanh (4) đem sổ ghi tội phước của người đó dâng lên Vua Diêm Ma.
Lúc ấy Vua phán hỏi rồi kê tính những tội phước của người kia đã làm mà xử đoán. Nếu trong lúc đó, những bà con quen biết, vì người bịnh ấy, qui y với Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và thỉnh chúng Tăng đọc tụng kinh nầy đốt đèn t
ầng (5), treo thần phang tục mạng năm sắc (6) thì hoặc liền trong lúc ấy, hoặc trải qua bảy ngày, hai mươi mốt ngày, ba mươi lăm ngày, bốn mươi chín ngày. Thần thức người kia được trở lại như vừa tỉnh giấc chiêm bao, tự mình nhớ biết những nghiệp lành, nghiệp dữ và sự quả báo đã thọ. Bởi chính đã rõ thấy nghiệp báo như vậy, nên dầu có gặp phải những tai nạn nguy hiểm đến tánh mạng cũng không dám tạo những nghiệp ác nữa; vậy nên những tịnh tính thiện nam tín nữ đều phải một lòng thọ trì danh hiệu và tùy sức mình cung kính cúng dường Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai".

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Tướng chết hiện ra: Do nghiệp lực mà người bệnh hiện ra tướng chết, tức là lúc nửa sống nửa chết, sống không biết gì cả chết chưa phải là chết, nghĩa là lúc hôn mê. Lúc ấy thấy đủ thứ cảnh lành dữ hiện ra, thấy sứ giả đến dẫn thần thức đem đến trước mặt Vua Diêm Vương, Vua Diêm Ma Pháp Vương phán hỏi rồi tính kể những tội phước của người kia đã làm mà xử đoán, vì vậy thần thức của mình chính là Thần Câu Sanh, lại chính là nhân chứng của mình.

(2) Sứ giả: Đây là Qủy sứ do Diêm Vương sai đến bắt dẫn người hấp hối có tội đến gặp Diêm Vương.

 

(3) Diêm Ma Pháp Vương: Chữ Phạn yama-ràja; gọi trọn âm là Diêm-Ma Vương hoặc Diêm-La, trong huyền thoại Phật Giáo, thì Diêm Vương là chúa tể của Địa Ngục (s: na-raka) có địa vị phân xử tội nhân. Diêm Vương thường phải chịu hình phạt bị đổ đồng sôi vào miệng vì cũng bị luật nhân quả chi phối nên vẫn phải chịu hình phạt; Diêm Vương là người phái cái chết đến cho con người, nhắc nhở họ đừng làm gì trái với đạo lí, là người chấp hành như pháp bình đẳng không phân biệt nên gọi là Diêm Ma Pháp Vương.

 

(4) Vị Thần Câu Sinh: Câu là cặp kè, in nhau, y như có vị thần sinh cùng một lượt khi một người sinh ra, vì vị thần này biết tất cả những việc đã làm. Theo duy thức học thì chính là nghiệp thức, thần thức, hay A Lại Đa Thức của mỗi người; thức này tiếp nhận huân tập và chấp trì chủng tử của nghiệp, thức này cất chứa tất cả chủng tử thiện ác đã huân tập nên gọi là Thần Câu Sanh.

 

 (5) Đốt đèn bảy tầng: Giống như cái tháp 7 tầng, mỗi tầng đều đốt đèn sang; đèn còn tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ giải thoát.

 

(6) Treo thần phang tục mạng năm sắc: Nghĩa là treo phướn bằng vải hay những dây sợi năm màu dài 49 gang tay, tục mạng là bản thức nối tiếp sự sống, năm sắc màu gồm:

1- Màu xanh nước biển tượng trưng cho niềm tin là Tín.

2- Màu vàng tượng trưng cho Tinh tấn tu hành.

3- Màu đỏ tượng trưng cho sự nhớ nghĩ tức là Niệm.

4- Màu trắng tượng trưng cho thanh tịnh, Định tâm.

5- Màu cam tượng trưng cho trí tuệ.

 

     Đoạn Kinh Văn 32 trên, Đại Bồ Tát Cứu Khổ diễn tả vào thời 1000 tới 2000 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn (Tượng Pháp), có những người bệnh hoạn khốn khổ trăm bề, lúc hôn mê sắp chết, người ấy thấy Qủy Sứ đến bắt dẫn đến gặp Diêm Vương và bị gạn hỏi hạch sách những tội đã phạm suốt trong đời người ấy, khiến cho người ấy rất kinh sợ. Nếu trong lúc đó, những người ruột thịt, hoặc bà con quen biết, vì người bịnh ấy, qui y với Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nghĩa là nếu những người vì người bệnh mà thay đổi lối sống, quy y Tam Bảo, sám hối giữ giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, xa lià xấu xa, ăn chay giữ thân tâm trong sạch thanh tịnh.

Rồi thỉnh mời Tăng chân tu lập giới đàn chủ lễ, tụng Kinh đọc Chú Đại Đà La Ni cho đến 49 ngày đêm, như vậy thì có thể thần thức người kia được trở lại như vừa tỉnh giấc chiêm bao, tự mình nhớ biết những nghiệp lành, nghiệp dữ và quả báo đã thọ. Bởi chính người ấy đã rõ thấy nghiệp báo như vậy, nên về sau dù người ấy có gặp phải những việc nguy hiểm cũng không dám tạo nghiệp ác nữa; vì vậy nên những thiện nam tín nữ đều phải một lòng thọ trì danh hiệu và tùy sức mình tu hành cung kính cúng dường Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì được lợi ích vô cùng.

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]