Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Phẩm Ðà La Ni

28/08/201100:23(Xem: 7929)
26. Phẩm Ðà La Ni

Phẩm Đà La Ni Thứ Hai Mươi Sáu

 

Sau khi phá trừ tướng ấm. Tâm đã trong sáng như gương. Ví như cảnh đến bóng hiện rõ ràng trong gương, nhưng cảnh dời đi gương chẳng lưu hình, cội gốc của sinh diệt đã phơi bày. Trí tuệ phát sinh nhận ra được sự sinh diệt của các pháp. Nhìn sự sự vật vật như ánh chớp giữ hư không, như huyễn như hóa. Chúng sinh nhận rõ các pháp như huyễn ấy mà vào đại định, phá trừ được “hành ấm”. Ở nơi thức thể lặng yêu ấy nhận ra cội gốc của hành ấm là “vọng tưởng u uẩn trong tính thể bình đẳng nhất như” nên diệt trừ cội nguồn sinh tử, tiến vào đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nhưng nếu chưa tỏ rõ chân lý ở nơi đây lại nhận lầm “vọng tưởng u uẩn nơi tính thể là viên thường thì sa vào tà kiến”.

Ví như hành giả xét cho cùng bản tính của tâm và cảnh không có nguyên nhân gì cả. Vì nương theo 800 công đức của nhãn căn mà thấy tám muôn kiếp, tất cả chúng sinh đều theo dòng nghiệp báo xoay vần, chết nơi này sinh nơi khác, luân hồi trong đó. Ngoài tám muôn kiếp mờ mịt không thấy gì nữa lại cho rằng sự sự vật vật trong mười phương ngoài tám muôn kiếp không do nguyên nhân nào mà tự có.

- Hoặc nhận thấy trong tám muôn kiếp người vẫn sinh người, chim vẫn sinh chim, các pháp cũng đều như thế. Ngoài tám muôn kiếp sự sự vật vật cũng đều như thế không có nhân duyên gì sinh khác cả.

- Hoặc khi “hành ấm” đã phơi bày, nhận được dòng sinh diệt luôn luôn tiếp tục lại chấp dòng sinh diệt vận hành ấy là tính viên thường nên thấy tất cả chúng sinh sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, xoay vần như thế không bao giờ dứt.

- Hoặc thấy chúng sinh do tứ đại hợp thành nên chúng sinh có sinh diệt mà tứ đại không sinh diệt, vọng chấp cho đó là thường.

- Hoặc mắc vào luận “càn loạn bất tử”, nghĩa là chấp “cũng có tức cũng không, trong cái cũng không không phải cũng có”, không dứt khoác gì cả.

Do hành ấm hiển bày liên tục không hề ngừng nghỉ, vọng chấp sa vào tà kiến, tự nhận đã chứng ngộ mắc vào tội đại vọng ngữ vừa hại mình hại người mà sa vào “địa ngục vô gián”.

Do vậy phẩm Đà la ni này được tuyên bày để phá trừ hành ấm. Nghĩa là phá trừ “vọng tưởng u uẩn liên tục vận hành để gây ra cội nguồn sinh tử”.

Vì Đà la ni là tổng trì, lấy “niệm giác bất tư nghì làm thể”. Do vậy, mà không còn sự vận hành liên tục của vọng tưởng u uẩn. Chính như thế ý niệm phân biệt, ý niệm suy lường đã thành “vô phân biệt niệm”. Vượt thoát “văn từ ngôn ngữ và nghĩa lý”. Chính như thế mà những lúc tướng vi diệu hiện hành vô trụ vô chấp mới giác hữu tình.

Nên vào đầu phẩm kinh, Ngài Dược Vương Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch rằng: Thế Tôn ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì được kinh Pháp Hoa hoặc đọc tụng thông lệ hoặc biên chép quyển kinh đặng bao nhiêu phước đức?”.

Với ý nghĩa “Dược Vương Bồ Tát” là biểu tượng, tượng trưng cho “pháp tướng vi diệu hiện hành” để điều phục chúng sinh, pháp tướng vi diệu ấy không còn trụ chấp nơi quả vị tu chứng như “Ngài Dược Vương từ chỗ ngồi đứng dậy”. Vì “từ chỗ ngồi đứng dậy” là ý chỉ thâm diệu về sự vượt thoát không còn trụ chấp nơi các pháp hiện hành.

Chính vì thế mới thể nhập được “tự tánh nhiệm mầu”. Và mới tùy thuận chúng sinh, là lấy đức tướng vi diệu trang nghiêm cho tự thân, nên gọi là “trịch áo bày vai hữu”, dung thông sự sự vật vật, nhận rõ “tâm vật nhất như không đồng không dị” nên hiện tướng “chắp tay”. Hướng về Đức Phật là hướng về “Như Lai”, hướng về “giác tánh”. Và cũng chỉ có “giác tánh” mới hiển bày được “pháp tướng vi diệu” hay có nghĩa là chỉ có Đức Thế Tôn mới trả lời câu hỏi do “Dượng Vương Bồ Tát” đã nêu.

Dượng Vương Bồ Tát đã nêu rằng: “Đối với kinh Pháp Hoa này, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào hay thọ trì, đọc tụng, biên chép quyển kinh đặng bao nhiêu phước đức?”.

Điều đó có nghĩa là: “Nếu chúng sinh nào hành trị Diệu Pháp thì được bao nhiêu phước đức?”.

Như thế đã nêu từ trước “Diệu Pháp Liên Hoa” là phương tiện vi diệu hiển bày “Tri kiến Phật”. Chúng sinh nào thọ trì kinh Pháp Hoa là sống xứng hợp với “Bản tâm thanh tịnh”. Chúng sinh đó thể nhập được “pháp giới tính nhiệm mầu”.

Vì thế, Đức Thế Tôn dạy rằng:

“Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đó với kinh này có thể thọ trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu đọc tụng giải nghĩa đúng như lời mà tu hành thời công đức rất nhiều”.

Với ý nghĩa, nếu chúng sinh nào liễu triệt được ý chí thâm diệu của Đức Thế Tôn đã tuyên bày “Diệu Pháp” mà thể nhập “tự tánh nhiệm mầu”, chúng sinh đó sẽ rõ thông các pháp nơi thể “vô cấu thức” mà hiện hành “pháp tướng vi diệu”để giác hữu tình, “pháp tướng vi diệu” ấy là “phương thuốc nhiệm mầu, là Dược Vương Bồ Tát diệu dụng tùy duyên không thể dùng suy lường mà suy lường được.

Tâm mật ấy không thể dùng văn tự ngôn ngữ, nghĩa lý mà giải được.

Tâm mật ấy nếu tuyên bày sẽ là một loại ngôn ngữ cô đọng, loại mật ngữ nghĩa lý không lường, nên không dùng cách gì để diễn đạt. Chính vì thế mà Dược Vương Bồ Tát đã tuyên bày sự tổng trì Diệu Pháp bằng loại mật ngữ, bằng “ký hiệu tối mật” không cần lý giải. Loại ngôn ngữ này nếu chúng sinh nào thể nhập “pháp giới tính nhiệm mầu” sẽ tương ứng với diệu nghĩa của nó. Mật ngữ Đà la ni này có công năng làm cho chúng sinh vượt thoát sự tương phân đối đãi hay thể nhập được “Tri kiến Phật”. Mật ngữ Đà la ni có công năng phá trừ sự vận hành u uẩn của thức.

Mật ngữ Đà la ni của Bồ Tát Dược Vương tuyên đọc là:

“An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ, chỉ lệ, già lê đệ, xa mế, xa lý đa vĩ chuyên đế, mục đế mục đa lý, ta lý, a vĩ ta lý, tang lý, ta lý xoa duệ, a xoa duệ, a kỳ nhị chuyên đế, xa lý, đà la ni, a lư dà bà ta ky dá tỳ xoa nhị, nễ tỳ thế, a tiện đa la nễ lý thế, a đàn đá ba lệ thâu địa, âu cứu lệ, mâu cứu lệ, a la lệ, ba la lệ, thủ ca sai, a tam ma tam lý, Phật đà tỳ kiết lợi điệt đế, đạt ma ba lợi sai đế, tăng già niết cù sa nễ, bà xá bà xá thâu địa, mạn đá lã, mạn đá lã xoa dạ đa, bưu lâu đá, bưu lâu đá kiêu xá lược, ác xoa lã, ác xoa dã đa đã, a bà lư, a ma nhã na đa dạ”.

Tâm mật này là do chúng sinh đã kiến tánh phá trừ được 62 kiến chấp (ngã kiến, đoạn kiến, thường kiến) do sự vận hành u uẩn của vọng thức kiến về sắc uẩn chấp:

1. Sắc là ta.

2. Lìa sắc là ta.

3. Ta nhỏ sắc lớn, Ta lớn sắc nhỏ.

4. Ta lớn sắc lớn, Ta nhỏ sắc nhỏ.

Thọ, thượng, hành, thức, cũng như thế.

Như vậy năm uẩn gồm có 20 kiến chấp, dùng cho ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai, được nhân lên là 60 kiến chấp. Cộng với đoạn kiến và thường kiến là đủ 62 kiến chấp.

Trong Quy Nguyên Trực Chỉ có nêu: “Trừ lục thập nhị kiến, tà ngụy vô sở dụng”.

Nên trong kinh đã nêu: “Đà la ni này là do 62 ức hằng hà sa các Đức Phật đã nói, nếu có kẻ xâm hủy Pháp sư chính là xây hủy các Đức Phật đó rồi”.

Nghĩa là nếu chúng sinh nào còn vọng động không phá trừ kiến chấp thì xem như xâm hủy đến “Phật tính” của mình vậy.

Lại nữa, nếu chúng sinh nào thọ trì kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” thì sẽ đạt thành “tam mật tương ưng”, thân mật, khẩu mật, ý mật. Do vậy mà sự vận hành u uẩn của vọng thức nảy sinh, những ác tưởng không còn chỗ hở nào để dấy khởi nữa.

Chính sự dõng mãnh tinh tấn lìa bỏ trói buộc nơi trần cảnh mà hiện hành đức tướng vi diệu để giác hữu tình, như đoạn kinh đã nêu:

“Ngài Dõng Thí Bồ Tát cũng vì người thọ trì kinh Pháp Hoa mà tuyên thuyết Đà la ni. Tâm mật Đà la ni này do sự tinh tấn vượt thoát nhiễm chấp làm cho chúng hữu tình giác ngộ, có công năng phá trừ sự vận hành u uẩn của vọng thức nảy sinh những tư tưởng xấu ác, mà kinh viện dẫn.

“Dạ xoa, La sát, hoặc Phú đơn na, hoặc Kiết giá... không thể nào rình tìm chỗ dở của Pháp sư để hại được”. Do vậy, Ngài Dõng Thí Bồ Tát đã thuyết chú như sau:

“Toa lệ, ma ha toa lệ, ức chỉ, mục chỉ, a lê, a la bà đệ niết đệ, niết lệ đa bà đệ, y trí nỉ, vi trí nỉ, chỉ tri nỉ, niết lệ tri nỉ, niết lệ tri bà để”.

Tâm mật Đà la ni này là do niệm giác bất tư nghị ở nơi thể bất động mà có, nên kinh đã nêu: “Thần chủ này của hằng sa các Đức Phật đã tuyên bày”.

Lại nữa, thọ trì kinh Pháp Hoa là thể nhập “pháp giới tính nhiệm mầu” luôn luôn vận hành những ý tưởng thuần thiện, có đủ khả năng tiêu hủy sự vận hành của ác tưởng để tự lợi và lợi tha khi “ứng cơ tiếp vật”. Giống như Tỳ Sa Môn Thiên vương hay Trì Quốc Thiên Vương thống lãnh chư quỷ thần mà hộ trợ cho nhân thiên vậy.

Sự thâm mật vi diệu vừa thâu nhiếp sự vận hành ác tưởng vừa làm cho những đức tướng thuần thiện hiện hành đối với những chúng sinh có căn thuần thiện hướng về “tự tánh nhiệm mầu” được thể hiện bằng mật ngữ Đà la ni mà Tỳ Sa Môn Thiên Vương và Trí Quốc Thiên Vương đã tuyên đọc:

“A lê, na lê, a na lư, na lý, câu na lý”. Hoặc:

“A dà nể, dà nể, cù lợi, càn đà lợi, chiên đà lợi, ma đẳng kỳ thường cầu lợi, phú lầu tá nỉ, ác đế”.

Mật chú này đều do “thọ trì kinh Pháp Hoa” mà có được. Nghĩa là do hành trí xứng hợp với lý tánh mà có được.

Lại nữa, thọ trì kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” sẽ được “lục căn thanh tịnh” nên ý tưởng “ái nhiễm” nếu dấy khởi sẽ được tiêu trừ. Sự thâu nhiếp ý tưởng “ái nhiễm” tâm sẽ an định, tổng trì. Nên đoạn kinh đã nêu : “Bấy giờ có những La sát nữ như Lam Bà, Tỳ Lam Bà, Khúc Xỉ, Hoa Xỉ, Hắc Xỉ, Đa Phát, Vô Yểm Túc, Trì Anh Lạc, Cao Đế, Đoạt Nhất Thiết Chúng Sinh Tinh Khí” đều tuyên thuyết tâm mật Đà la ni:

“Y đề, y đề vẫn, y đề lý, a đề lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, lâu hê, lâu hê, lâu hê, lâu hê, đa hê, đa hê, đa hê, đâu hê, nâu hê”.

Do vậy mới thấy rõ “Diệu Pháp Liên Hoa” là tạng bí yếu thâm mật của chư Phật. Chúng sinh nào thọ trì được thì “tự tánh nhiệm mầu thâm mật” có công năng phá trừ sự vận hành của ác tưởng. Sự phát trừ ấy giống như nhánh lá của loại cây A Lê cao vút ở xứ Ấn Độ, khi rơi xuống tới đất cành lá kia sẽ tan nát làm nhiều phần.

Thọ trì kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” có sức oai thần như thế. Mà phương tiện vi diệu hiển bày nơi phẩm kinh đã viện dẫn ở đoạn chúng La sát nữ tuyên đọc bài kệ sau:

Nếu chẳng thuận chú ta

Não loạn người nói pháp

Đầu vỡ làm bảy phần

Như nhánh cây A lê

Như tội giết cha mẹ

Cũng như họa ép dầu

Cân lường khi dối người

Tội Điều Đạt phá Tăng

Kẻ phạm pháp sư đây

Sẽ mắc họa như thế

Do thọ trì kinh Pháp Hoa mà chúng sinh sẽ ở nơi thể “Diệu trạm tổng trì” mà ứng cơ tiếp vật. Nghĩa là ở nơi thể an định, thường có tác dụng nhiệm mầu. Nhận pháp giới tính làm thân, nắm giữ sự diệu dụng của pháp giới tính. Vận dụng pháp giới tính mà tự giác, giác tha.

Chú là biểu hiện hoàn toàn thể, toàn dụng của tâm, của tự tánh. Do vậy, trì chú là giữ gìn sự thâm mật của “bản tâm”. Tâm là chú, là “tự tánh nhiệm mầu thanh tịnh”.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là pháp nhũ bao trùm cả pháp giới. Tùy theo chủ tánh của chúng sinh mà thể nhập “Diệu lý Pháp Hoa tam muội”.

Đạt thành sự thâm mật nơi tâm sẽ chiếu phá được “vọng tưởng hư minh” u uẩn liên tục dấy khởi. Ở nơi tâm mật ấy chỉ còn có “niệm giác bất tư nghị” làm thể tạo thành những phương thuốc nhiệm mầu hay “giác pháp” để tự lợi và lợi tha khắp cùng pháp giới.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]