Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

39. Vô Tác Tứ diệu đế

08/03/201109:59(Xem: 7803)
39. Vô Tác Tứ diệu đế

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN IV


Vô Tác Tứ diệu đế

Vô tác có nghĩa là vô tác giả hay vô tạo tác.

Tất cả những cái khổ trên thế gian nầy bắt đầu từ tam khổ cho đến bát khổ đã làm cho cuộc sống của con người trở thành thất điên bát đảo thật ra hoàn toàn không có ai là tác giả cả. Chúng ta biết sinh lão bệnh khổ, cầu bất đắc khổ…nhưng đố ai tìm ra được cái gốc của nó. Ngày nay khoa học có thể dùng thiên vọng kính để tìm thấy những hành tinh cách xa mấy ngàn năm ánh sáng hay dùng những kính siêu hiển vi để tìm thấy những con siêu vi khuẩn. Thế mà con người đành bó tay không cách nào dùng kính siêu hiển vi để tìm thấy được cái gốc khổ của con người. Vậy vô tác tức là vô ngã, có nghĩa là do nhân duyên mà thành. Vì do nhân duyên cho nên tất cả chỉ là huyễn hóa như hoa đóm trên không.

Vô tác giả cũng có ý nghĩa là không do ai làm nên cái đó hết. Như thế thì Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế trong vô tác tứ diệu đế là không có ai làm ra được nó. Đố ai tìm ra được cái gốc của bát khổ. Mặc dù không tìm được cái gốc của khổ đế tức là cái khổ thì vô hình vô tướng, thế mà khổ đế vẫn cứ tác động hoành hành làm con người điêu đứng bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp.

Khi đã biết nó là huyễn ảnh trong tâm thì con người phải vứt bỏ nó đi thì cái gốc khổ sẽ không còn nữa. Thí dụ như khi chúng ta gánh rất nặng trên đôi vai. Nặng nhọc là khổ. Bây giờ muốn hết khổ thì bỏ gánh nặng xuống. Do đó tất cả đều do con người chọn lựa. Nếu muốn thanh nhàn thì quăng cái gánh nặng xuống còn nếu giữ khư khư gánh nặng nầy thì phải chịu đau khổ dài dài. Đã biết nó là hư đóm trong hư không mà mình làm cho nó có thật thì phải gánh chịu khổ đau.

Nói tóm lại tam khổ, bát khổ thật sự không có cho dù có tìm kiếm cách mấy cũng không thấy nó. Vì thế nó không có bản chất và cũng không có ai làm ra cho nên khổ đế là vô tác. Mà khổ đế vô tác là quả còn tập đế là nhân. Quả vô tác thì nhân cũng vô tác. Vậy vô tác tứ diệu đế chính là vô vi, là thật tướng, là vô tướng của vạn pháp. Còn sinh diệt tứ diệu đế là hữu vi, là do duyên sanh của vạn pháp mà thành.

Về mặt tự tánh thanh tịnh Niết bàn tức là Diệt đế thì cũng không có ai làm ra nó cả. Vì không ai làm ra cái Niết bàn nầy nên Diệt đế là vô tác. Con người nếu diệt hết ý niệm sinh diệt thì cái vui tịch diệt hiện lên và đây chính là Niết bàn. Niết bàn nầy là tự nó có chớ không có ai làm ra nên được gọi là vô tác. Ngược lại nếu chưa hết phiền não khổ đau thì cho dù có trèo non lội suối cũng không có được Niết bàn.

Diệt đế là vô tác thì Đạo đế cũng là vô tác. Nói thế thì đạo đế cũng không có cái gì để sanh ra thì phương cách tu hành cũng không có. Nói một cách khác thì 37 phẩm trợ đạo là những liều thuốc dùng để trị bệnh khổ cho chúng sinh. Nay chúng sinh không có khổ thì thuốc đâu còn cần thiết nữa hay vô tác dụng. Tự tánh thanh tịnh bản nhiên vốn trong sáng thì cần gì phải lau chùi, chỉ cần biết quay về để sống với cái tự tánh nầy thì sẽ có Niết bàn ngay.

Thêm nữa 37 phẩm trợ đạo là dựa theo hữu vi pháp còn diệt đế Niết bàn vốn thanh tịnh vô vi thì cần gì phải tu luyện.

Vô tác tứ diệu đế là Viên giáo tức là giáo lý viên mãn hoàn toàn của Bồ tát. Khi tu theo vô tác tứ diệu đế thì Bồ tát cũng dựa theo 37 phẩm trợ đạo mà được gọi là phẩm trợ đạo của Viên giáo có nghĩa là Vô Thượng Phật pháp. Khi Bồ tát tu theo pháp môn nầy sẽ thấy Tứ diệu đế chỉ là huyễn ảnh trong tâm Bồ đề chớ không phải do ai tạo tác ra nó.

Có người thắc mắc là tại sao Đức Phật lại nói nhiều tứ diệu đế như thế?

Nên nhớ rằng tất cả bốn chân lý Tứ diệu đế ở trên là do Đức Thế Tôn thuyết giảng trong suốt 49 năm hoằng pháp của Ngài. Phật pháp thì cao thâm vì thế Đức Phật chỉ thuyết giảng dần dần dựa theo khả năng thấu hiểu và thu nhập của đệ tử mà thôi. Trong hai mươi năm đầu Phật chỉ nói về tục đế tức là pháp hữu vi và Đức Phật đã dùng 22 năm sau đó để thuyết giảng về trí tuệ Bát nhã tức là tính Không của nhân sinh vũ trụ.

Trong hai mươi năm đầu kể từ khi Đức Phật thành đạo thì Ngài chỉ thuyết giảng về sinh diệt tứ diệu đế. Đây là chân lý căn bản dựa theo pháp hữu vi tức là tất cả vạn pháp trên thế gian vũ trụ nầy mà ngũ quan có thể nhận biết được. Nhắc lại Đức Phật không phải là đấng sáng tạo ra nhân sinh vũ trụ mà Ngài là bậc khám phá ra định luật sinh tồn của nhân sinh vũ trụ đó là con đường tùy thuận chân lý. Tùy thuận theo chân lý thì con người sẽ sống rất an vui tự tại vì tất cả hiện sinh trong vũ trụ nầy đều sinh diệt vô thường vì chúng là vô ngã. Ngược lại thì con người sẽ sống trong phiền não khổ đau cũng như một người lội ngược dòng sông. Vì thế triết lý nầy là sống trong nhân thế mà không hề rời nhân thế. Biết thế gian là phiền não khổ đau nên Đức Phật dạy con đường thoát khổ để đạt đến cảnh tịch diệt an vui tự tại của Niết bàn. Muốn đạt đến cứu cánh nầy thì trong phần tập đế có Tham-Sân-Si mạn, nghi… chúng sinh chỉ cần cộng chữ Vô tức là Không vào thì Niết bàn hiện ra. Thí dụ chúng ta tham nên khổ bây giờ không tham thì sẽ hết khổ tức là Niết bàn. Ngày xưa có người chửi thì ta nổi điên bây giờ nếu có người chửi mà ta không nổi điên là có Niết bàn. Lúc trước thấy vật đẹp cao sang là đam mê thích thú bây giờ thì vật nào cũng vậy thôi nên không đam mê thì có Niết bàn.

Trong phần đạo đế thì Bát chánh đạo là con đường mầu nhiệm để giúp chúng sinh đoạn trừ mọi phiền não mà đạt được thánh quả. Bát chánh đạo thì gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Bát chánh đạo tự nó không giúp chúng sinh phát triển trí tuệ mà chỉ an định cho tâm mà thôi. Muốn phát triển trí tuệ thì chúng sinh phải cố gắng tu theo Lục độ. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Chính cái trí tuệ sau cùng nầy là ánh sáng của chân lý và cũng là con đường đi đến giải thoát giác ngộ.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]