Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Tâm và Tánh

08/03/201109:59(Xem: 8351)
26. Tâm và Tánh

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN III

Tâm và Tánh

Thí dụ như khi ra biển chúng ta thấy mặt sóng nhấp nhô. Làn sóng trên đè làn sóng dưới tạo ra những tiếng gào thét của đại dương mà thường gọi là hải triều âm. Thấy sóng nước là thấy cái “Tướng” của nước và những làn sóng nhấp nhô là “Dụng” của nó. Dù có nổi trăm ngàn lượn sóng thì không một lượn sóng nào ngoài nước mà có. Nhưng tính nước ở dưới lòng đại dương thì yên tĩnh, trầm lặng là “Thể” của nước vậy.

Như thế tâm là “Tướng”, là hình dáng bên ngoài, là vọng tưởng, là do duyên hợp. Còn tánh là “Chân thể” của tâm, là cái có sẵn. Do đó nếu chạy theo tâm là chạy theo vọng tưởng. Còn sống với tánh là sống với chân thể, với cái thường biết của mình. Tham-Sân-Si, Thiện-Ác, Khổ-Lạc chính là “Dụng” của tâm. Vì thế ngay trong Tướng mà nhận ra Thể và ngay nơi Thể biết được Tướng để gọi cũng như ngay nơi sóng thấy được nước mà không cần bỏ sóng tìm nước.

Nói một cách khác là tâm Tham-Sân-Si, Thiện-Ác…chứa trong tâm của con người thì tánh thanh tịnh sáng suốt cũng nằm trong tâm của con người. Nhưng chúng ta nhận biết được cái tánh thanh tịnh của mình bằng cách loại bỏ tâm Tham-Sân-Si để trở về sống với cái”Thể” chân thật của mình thì được hoàn toàn an vui tự tại. Vậy sanh diệt là tướng và chơn như là thể. Nói thế có nghĩa là nếu con người dẹp hết vọng niệm sanh diệt mê lầm thì họ sẽ sống với cái tĩnh giác hằng có nơi mình tức là sống với ông Phật của chính mình. Vậy Phật chính là ở ngay trong tâm của mình vì thế cho dù chúng ta có lên non xuống bể mà không sống với cái tánh giác thì có tìm ra Phật được không?

Vì sự huyền diệu của Tánh nên ngay cả Lục Tổ Huệ Năng cũng thốt luôn năm cái không ngờ. Ngài nói:

“Không ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh, không ngờ tánh mình vốn không sanh diệt, không ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ, không ngờ tánh mình vốn không giao động và không ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp”.

Khi con người sống với tâm bình thường, không động, trong sạch và không có tranh giành hơn thua thì tâm không còn phiền não. Vì thế cái tâm bình thường nầy chính là tâm thanh tịnh thường có trong tất cả mọi người. Đó là cái không ngờ thứ nhất.

Con người vì chạy theo vọng niệm nên cuộc sống lúc nào cũng điên đảo mà tạo ra nghiệp. Tự tánh vốn thanh tịnh thì không khởi vọng niệm. Không khởi vọng niệm thì không gây nghiệp, mà không có nghiệp thì không sanh diệt tức là không có sanh tử luân hồi. Đó là cái không ngờ thứ hai.

Khi mới lọt lòng mẹ thì con nít bật khóc oa oa mà không cần ai dạy chúng. Sau đó chúng biết bò rồi biết đi cũng là tự biết chớ không phải đợi dạy mới biết. Đói chúng kêu la, buồn ngủ chúng lăn ra ngủ. Tất cả những cái biết có sẵn như thế thì gọi là tánh. Cái tánh nầy đã có sẵn từ khi còn bé cho đến bây giờ chớ đâu phải bây giờ mới có. Do đó mà Tổ mới nói tánh mình vốn tự đầy đủ là vậy. Đây là cái không ngờ thứ ba.

Vì chạy theo cuộc sống nên con người lúc nào cũng suy nghĩ. Suy nghĩ về mình, suy nghĩ về người, suy nghĩ về tinh thần cũng như suy nghĩ về vật chất. Càng suy nghĩ thì tâm càng dao động. Mà suy nghĩ là tâm chớ không phải tánh. Nhưng tự tánh vốn thường tịnh, không suy nghĩ, không giao động. Đó là cái không ngờ thứ tư.

Bản thể chân như tức là tự tánh thì thường hằng bất biến. Nhưng từ cái bất biến nầy mà duyên sanh ra vạn pháp. Tức là bất biến mà tùy duyên hay là Chơn không mà Diệu hữu có nghĩa là không có một cái gì mà sanh ra tất cả. Đó là cái không ngờ thứ năm.

Trong kinh A Hàm có câu chuyện như sau:

Một hôm có người ngoại đạo đến hỏi Đức Phật:

-Này Ngài Cù Đàm! Giáo lý của Ngài có Niết bàn không? Nếu có, thì có ai chứng được Niết bàn chưa?

-Giáo lý của ta có Niết bàn và có người đã chứng được Niết bàn.

-Vậy Ngài Cù Đàm chứng chưa?

-Ta đã chứng được.

-Nếu giáo lý của Ngài có Niết bàn và Ngài đã chứng Niết bàn. Vậy tất cả đệ tử Ngài có được Niết bàn hết chăng?

-Đệ tử của ta, có người chứng được Niết bàn, có người không chứng được Niết bàn.

-Giáo lý ngài có Niết bàn thì tại sao Ngài dạy đệ tử có người chứng, có người không chứng?

-Ở đây gần thành Vương Xá, vậy ông có biết thành Vương xá không?

-Dạ biết

-Ông có rành đường đến thành Vương Xá không?

-Dạ rành.

-Nếu có người hỏi đường để đến thành Vương xá. Ông chỉ dẫn tường tận mà người đó không đi tới là lỗi tại ai?

-Dĩ nhiên là lỗi tại người đi. Nếu người đó đi theo đúng như lời tôi chỉ thì chắc chắn sẽ tới.

Bây giờ Đức Phật mới kết luận rằng:

-Ta cũng vậy, giáo lý của ta có Niết bàn và ta cũng đã đạt Niết bàn. Nhưng ta dạy đệ tử nếu ai y theo lời ta dạy mà tu thì đạt tới Niết bàn, bằng không thì không đạt được. Vậy không có Niết bàn đâu phải là lỗi tại ta.

Cũng kinh A Hàm lại kể một câu chuyện như sau:

Có một người ngoại đạo tên Tu Nhàn Đề đến yết kiến Đức Phật để bài bác chủ trương xa lìa ngũ dục của Phật giáo. Sau khi Đức Phật dùng đạo lý giáo hóa thì ông tỉnh ngộ và bấy giờ Đức Phật mới nói cho ông nghe bài kệ:

Không bịnh lợi bậc nhất

Niết bàn vui bậc nhất.

Nghe xong ông bèn hỏi Phật rằng:

-Thế nào là Niết bàn vui bậc nhất?

Đức Phật không trả lời thẳng mà chỉ cho ông một thí dụ:

-Như người mù mắt từ thưở bé nghe người khác diễn tả những màu sắc xanh, đỏ , tím, vàng cũng không thể hình dung được. Sau đó có người thương xót trị lành đôi mắt. Khi mắt sáng người ấy thấy rõ ràng các màu sắc mà không cần ai diễn tả. Niết bàn thì cũng thế. Nếu ông chưa sáng được con mắt trí tuệ, dù ta có vì ông mà nói thì ông cũng chẳng có lợi ích gì. Ta có phương thuốc làm sáng con mắt trí tuệ của ông. Đó là :

Ø Gần gủi thiện tri thức

Ø Nghe pháp lành

Ø Nghe rồi suy nghĩ

Ø Suy nghĩ rồi tu chứng.

Tu chứng rồi chính ông sẽ biết rõ thế nào là cái vui đệ nhất của Niết bàn.

Con người vì bị mây Vô minh che khuất trăng Bát nhã nên không ngộ được tánh Bát nhã chơn không do đó chỉ khi nào phá tan mây vô minh thì trăng Bát nhã mới được sáng tỏ. Như vậy khi học kinh Bát nhã thì chúng ta phải soi chiếu Bát nhã để thấy được Thực tánh Bát nhã mà sống với cái tánh giác chân thật của mình để biến cuộc đời giả tạm không bền chắc nầy thành cảnh an vui tự tại. Nhưng muốn thấy được Thực tánh Bát nhã thì trước hết phải vận dụng trí Bát nhã để thấy thân như mộng huyễn và sáu trần cũng không thật. Từ đó mới ngộ tâm mình là tâm Phật và bản tánh là Pháp tánh. Vì thế “Phật tuy đã thành Phật, nhưng không thấy mình được thành Phật” nên Cổ nhân có làm bài kệ như sau:

Phật tức tâm hề tâm tức Phật

Tâm Phật tùng lai giai vọng vật

Nhược tri vô Phật phục vô tâm

Thỉ thị chơn như pháp thân Phật

Dịch là:

Phật tức tâm, tâm tức Phật

Tâm Phật cả hai đều không thật

Người ngộ không tâm và không Phật

Liền chứng Chơn như Pháp thân Phật

Thật vậy “tâm” và “Phật” chỉ là hai danh từ để gọi mà thôi chớ không có cái gì chân thật cả. Nếu chúng sinh diệt trừ các vô minh vọng chấp sẽ thấy tâm cũng không và Phật cũng không thì bấy giờ sẽ chứng được Pháp thân thanh tịnh vĩnh hằng bất biến của chư Phật. Để giúp chúng sinh thấu hiểu sâu xa về tuệ giác Bát nhã bằng cách nhìn thấu suốt cái Thể thay vì bằng cái Tướng nên chính Đức Phật đã nói thêm trong bài kệ sau:

Nếu thấy Ta bằng sắc tướng

Nghe Ta bằng âm thanh

Người nầy đi đường tà

Không thấy được Như Lai.

Một lần nữa chính Đức Phật dạy chúng sinh phải phá trừ Vô minh vọng chấp để đạt được trí tuệ Bát Nhã thì mới thật thấy và thật nghe được Phật. Trái lại, nếu còn vô minh vọng chấp có nghĩa là chấp có sắc tướng hay âm thanh của Phật thì không bao giờ thấy được Phật. Bởi thế nên Phật mới quở là “Người nầy đi đường tà” tức là vọng thì sẽ không bao giờ thấy được Như Lai. Như thế nếu từ cửa Bát nhã là cửa “Không” chúng ta bước vào trong nhà thì bây giờ mới thấy được tâm Phật của mình. Nếu sống với tâm Phật nầy là mở rộng cánh cửa giải thoát để chứng ngộ Niết bàn.

Nhưng đây là một thứ Niết bàn tự tánh thường vắng lặng mà thường sáng suốt. Nó vẫn thường bộc lộ sáng suốt nơi chư Phật mà vẫn thường sẵn có nơi mọi loài chúng sinh. Mà kinh gọi là Phật tánh, là Chơn tâm, là Như Lai tạng. Chính tự tánh Niết bàn nầy có đầy đủ bốn đức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. “Thường” nghĩa là không bị chi phối bởi tánh vô thường, khi nào cũng như khi nào, không lên bổng xuống trầm, không còn già trẻ, sống chết đổi thay. “Lạc” là không còn khổ não lo buồn, an vui tự tại. “Ngã” là được hoàn toàn tự chủ và không bị nội tâm hay ngoại cảnh chi phối. “Tịnh” là không còn ô nhiễm, luôn luôn thanh tịnh, trong sáng.

Vì tính cách quý trọng, cao cả tuyệt đối của bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh nên đây chính là Niết bàn cao quý tột đỉnh của đạo Phật mà được gọi là Vô thượng Niết bàn.

Giới là để răn cho chính mình; do đó, câu sám hối cũng là Giới”.

Không phải nói rằng:”Mỗi ngày tôi lạy Phật bao nhiêu lạy, niệm Phật bao nhiêu chuỗi” và cho như thế là đủ; phải biết đó là những nhân duyên thiết yếu, nhưng bạn phải biết tu trong những lúc còn lại”.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]