Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 62: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

06/12/201720:46(Xem: 4762)
Bài 62: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

5. NHƯỢC ĐIỂM CỦA 7 ĐẠI:

23- Nếu quán theo tánh Địa,
Ngăn ngại chẳng thông suốt,
Hữu vi chẳng phải thánh,
Làm sao được viên thông?
24- Nếu quán theo tánh Thủy,
Niệm tưởng chẳng chân thật,
Giác quán chẳng như như,
Làm sao được viên thông?
25- Nếu quán theo tánh hỏa,
Có chán chẳng phải chân, (giải thoát)
Chẳng thích hợp sơ cơ,
Làm sao được viên thông?
26- Nếu quán theo tánh Phong,
Động tịch là đối đãi,
Chẳng phải vô thượng giác,
Làm sao được viên thông?
27- Nếu quán theo tánh Không,
Ngoan không chẳng phải giác,

Chẳng giác nghịch Bồ Đề,
Làm sao được viên thông?
28- Nếu quán theo tánh Thức,
Sanh diệt chẳng thường trụ,
Trạm nhiên vẫn hư vọng,
Làm sao được viên thông?
29- Các hạnh là vô thường,
Tánh niệm vốn sanh diệt,
Nhân với quả khác nhau,
Làm sao được viên thông?

 

GIẢI NGHĨA:

 

      Đoạn thứ năm, kệ nói nhược điểm của Bảy Đại như sau:

23- Nếu quán theo tánh Địa,

Ngăn ngại chẳng thông suốt,
Hữu vi chẳng phải thánh,
Làm sao được viên thông?
      Tính Đất là ngăn ngại, quán tính của Đất thì thấy không thông suốt; do đó Đất là pháp tạo tác (hữu vi), chẳng phải không sinh diệt, do đó khó chứng viên thông.

24- Nếu quán theo tánh Thủy,

Niệm tưởng chẳng chân thật,
Giác quán chẳng như như,

Làm sao được viên thông?
      Tính Nước cần vận dụng quán trí, nếu có niệm tưởng thì không chân thật, nên quán biết (giác quán) Nước chẳng được đúng như bản lai (như như), do đó khó chứng viên thông.

25- Nếu quán theo tánh hỏa,
Có chân chẳng phải chân,
Chẳng thích hợp sơ cơ,
Làm sao được viên thông?
      Tính Lửa với nỗi khổ của dâm tâm, quán Lửa để trừ lửa dâm nội tâm, đó chỉ là người chán cái khổ, chưa phải là xa lià giải thoát (chân); do đó quán Lửa khó chứng viên thông.

26- Nếu quán theo tánh Phong, 

Động tịch là đối đãi,

Chẳng phải vô thượng giác,
Làm sao được viên thông?
      Gió thường động tịnh không dứt, nếu quán cái tính của Gió thì thấy nó chỉ là pháp đối đãi; khi pháp còn là tương đối thì chẳng thể tiến tới chỗ biết tột cùng (vô thượng giác), do đó khó mà chứng viên thông.

27- Nếu quán theo tánh Không,
Ngoan không chẳng phải giác,
Chẳng giác nghịch Bồ Đề,
Làm sao được viên thông?
      Không thì trống rỗng chẳng có gì, do đó quán cái tính của Không đại thì thấy đồng như vô tri vô giác; do vô tri vô giác trái với bồ đề nên khó chứng viên thông.

28- Nếu quán theo tánh Thức,
Sanh diệt chẳng thường trụ,
Trạm nhiên vẫn hư vọng,
Làm sao được viên thông?
      Thức thì sinh diệt không thường, nếu quán cái tính của Thức, chỉ là quán sự phân biệt sinh diệt hư vọng, dù Thức có lặng yên (trạm nhiên) vẫn là hư vọng, do đó khó có thể chứng viên thông.

29- Các hạnh là vô thường,
Tánh niệm vốn sanh diệt,
Nhân với quả khác nhau,
Làm sao được viên thông?

      Kiến là xem thấy, Thấy biểu hiện qua nhìn ngắm tưởng niệm vốn sinh diệt (vô thường), sinh diệt chẳng thể có quả chân thường, nên tất cả các hành đều vô thường, do đó khó chứng viên thông.

 

NHẬN XÉT về Sáu Trần, Năm

Căn, Sáu Thức và Bảy Đại:

 

      Chúng ta đã thấy 25 vị đại đệ tử Phật và Bồ Tát đều tu chứng viên thông dựa trên cơ sở Trần, Căn, Thức, Đại. Qua cái nhìn của bậc đại trí Bồ Tát Văn Thù phân tích rõ chỗ khuyết điểm của từng cách tu. Nhìn trên bản thể thì Trần, Căn, Thức, Đại vốn đều là biểu hiện từ Như Lai tạng, Tự tướng của chúng cái nào cũng là Bồ đề Niết Bàn; tuy nhiên, đứng trên phương diện hiện tượng mà nhìn thì mỗi thứ mỗi khác nhau. Sự tác động qua lại của Căn Trần Thức không đồng, công dụng biểu hiện có hơn kém từ sự phản vọng quy chân.

      Nói một cách khác, Bồ Tát Văn Thù "phê phán nhược điểm" của các cách tu này là đứng trên phương diện so sánh để chọn lấy cách tu có nhiều ưu điểm nhất; nếu đứng trên phương diện "chân đế" thì sẽ không có vấn đề hơn kém, tuy nhiên cái có thể trở ngại, không thích hợp với người này lại thuận lợi cho một người khác. Do đó, vấn đề ưu khuyết của Trần, Căn, Thức, Đại vẫn là sự thật có trở ngại trên đường tu chứng viên thông.     

 

2). ƯU ĐIỂM CỦA NHĨ CĂN:

1. GIỚI THIỆU QUÁN THẾ ÂM:

 

30- Nay con bạch Thế Tôn,
Phật hiện cõi Ta Bà,
Giáo thể ở cõi này,
Âm văn trong sạch nhất,
31- Muốn đắc Tam Ma địa,
Nên từ Văn mà vào,
Lành thay Quán Thế Âm,
Lìa khổ được giải thoát,
32- Trải qua hằng sa kiếp,
Vào vô số cõi Phật,

Dùng sức đại tự tại,
Thí chúng sanh vô úy,
33- Diệu âm (1) Quán Thế Âm,
Phạm âm (2) hải triều âm (3),
Cứu thế đều an lành,
Xuất thế được thường trụ.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Diệu Âm: Diệu là tinh khéo, chiếu sáng, nhiệm mầu; Âm là tiếng, Âm có âm hưởng, âm ba, âm thanh đều là đối tượng của nhĩ căn. Diệu âm là thứ tiếng có khuynh hướng làm cho tiến lên giải thoát giác ngộ như: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính niệm và chính định, được liệt vào tiếng mầu nhiệm thù diệu, là diệu âm đó.

(2) Phạm-âm: Giọng nói của Phạm thiên (Phạm âm thanh), Phạn ngữ: brahma-svara. Có năm đặc tính:

1- Âm thanh chính trực, (đúng như thật, không dối trá).

2- Âm thanh hòa nhã, (êm dịu, ai nghe cũng vui vẻ).

3- Âm thanh trong trẻo, (không lanh lảnh, cũng không quá trầm).

4- Âm thanh sâu xa đầy đủ, (ý nghĩa cao siêu nghe sinh tâm kính yêu).

5- Âm thanh vang lớn cùng khắp, (chỗ nào cũng nghe thấy).

(3) Hải-triều-âm: Là âm thanh vang vang khắp nơi nơi như sóng biển ầm ầm vang rền khắp chốn, ý nói khi đạt Hải Triều Âm thì tiếng nói sẽ vang xa tận cùng của mười phương.

 

     Đoạn một giới thiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù trình Phật rằng ở cõi Ta Bà này thích hợp với tai nghe, người muốn thiền quán được thành tựu tự tại (Tam Ma Đề) phải nhập tính nghe (Văn) để lià buồn phiền, được giải thoát. Bồ Tát Quán Thế Âm từ vô lượng kiếp vào vô lượng cõi Phật thí cho chúng sinh sự không sợ hãi (vô úy); phương pháp tu hành của Quán Thế Âm là xoay cái nghe nghe tự tính (phản văn văn tự tính). Khi giải thoát rồi thì dùng Diệu âm, Phạm âm, Hải triều âm giúp cho chúng sinh an lành và tiến đến giải thoát.

 

2. NÊU ƯU ĐIỂM CỦA NHĨ CĂN:

 

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]