Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 45: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

15/08/201720:15(Xem: 5342)
Bài 45: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

2 - DO NHÂN TU MÀ

     BIẾT QUẢ CHỨNG

- A Nan! Nay ông muốn cho Kiến, Văn, Giác, Tri khế hợp với tứ đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Như Lai, trước hết phải lọc bỏ cội gốc sanh tử, dựa theo tánh trong lặng chẳng sanh diệt của diệu tâm, để xoay các thứ sanh diệt hư vọng trở về bản giác. Được tánh chẳng sanh diệt của bản giác làm cái tâm nhân địa, rồi mới viên thành sự tu chứng của quả địa. Như lắng nước đục trong đồ đựng nước, để yên mãi chẳng lay động, đất cát tự chìm và nước trong hiện ra, ấy gọi là bắt đầu uốn dẹp được khách trần phiền não; gạn bùn hết sạch, chỉ còn nước trong, gọi là dứt hẳn căn bản vô minh, tướng minh thuần nhất thì tất cả biến hiện đều chẳng gây phiền não, và đều hợp với diệu đức trong sạch của Niết Bàn.

- GIẢI NGHĨA

     Đức Phật dạy: “Nay ông muốn cho Kiến, Văn, Giác, Tri khế hợp với tứ đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Như Lai, trước hết phải lọc bỏ cội gốc sanh tử, dựa theo tánh trong lặng chẳng sanh diệt của diệu tâm, để xoay các thứ sanh diệt hư vọng trở về bản giác”. Nghĩa là muốn cho sự thấy, nghe, tỉnh, biết (Kiến, Văn, Giác, Tri) hợp với Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh (Tứ Đức), thì phải gạn lọc nguồn gốc nguyên nhân của sinh tử; bằng cách dựa theo tính trong lặng không sinh không diệt của chân tâm, để xoay các thứ hư vọng sinh diệt trở về gốc biết (bản giác). Tức là phân biệt so sánh phán đoán theo trần cảnh, không để bị dính mắc dẫn dắt lôi kéo bởi trần cảnh (bội trần) vì trần cảnh là sinh diệt, mà để tâm niệm cư xử hành động theo sự thấy biết vô tư trong sáng (hơp giác). Khi mà tâm ta đã thuần nhiễn trái với trần cảnh sinh diệt, thong dong tự tại với tính biết (giác tính) trong sáng thì lúc đó sự thấy, nghe, tỉnh, biết (Kiến, Văn, Giác, Tri) hợp với Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh vậy.

     Ngài dạy tiếp: “Được tánh chẳng sanh diệt của bản giác làm cái tâm nhân địa, rồi mới viên thành sự tu chứng của quả địa”. Nghĩa là khi đó gốc biết (bản giác) chẳng còn sinh diệt theo trần cảnh nữa, sẽ dùng gốc biết này làm nhân tu hành (Nhân địa), sau khi tu hành nhu nhuyễn lâu dài, sẽ đạt qủa tu chứng một cách viên mãn (Qủa địa). Vì muốn thành qủa vô thượng, chẳng phải cầu xin mà được, mà chúng ta phải tu, nghĩa là phải làm sao cho các thói quen so đo phân biệt dính mắc ô nhiễm (trược) không còn tác oai tác quái nữa.

     Ngài cho ví dụ: “Như lắng nước đục trong đồ đựng nước, để yên mãi chẳng lay động, đất cát tự chìm và nước trong hiện ra, ấy gọi là bắt đầu uốn dẹp được khách trần phiền não; gạn bùn hết sạch, chỉ còn nước trong, gọi là dứt hẳn căn bản vô minh, tướng minh thuần nhất thì tất cả biến hiện đều chẳng gây ra phiền não, và đều hợp với diệu đức trong sạch của Niết Bàn”. Nghĩa là khi những trần cảnh đối với các căn, như hình sắc đẹp xấu, giọng nói tiếng ca hay dở, mùi thơm hôi, thức ăn đồ uống ngon không ngon, xúc chạm cảm giác trơn nhám nóng lạnh v.v…; tất cả những thứ này không còn lôi kéo dính mắc nữa, thì sẽ không bị đưa đến buồn khổ, đây là “uốn dẹp được khách trần phiền não”. Thí dụ khi thấy sắc đẹp, nếu không bị dính mắc sẽ không ham muốn có, không tìm đủ cách để cho có được, sẽ không gây phiền toái khổ đau; đây là “dứt căn bản vô minh”. Nếu Sáu Căn đều dứt hết dính mắc Sáu Trần thuần nhiễn rồi thì được “tướng minh thuần nhất”, khi tướng minh thuần nhất thìchẳng gây ra phiền não, và đều hợp với diệu đức trong sạch của Niết Bàn”.  Tịch tĩnh Niết Bàn, tức là Chân Tâm hiển hiện, giống như nuớc vẩn đục được ngừng sóng, không khuấy động, nước dần dần lắng trong sẽ nhìn rõ vật dưới đáy nước. Như thế, nếu xét kỹ cách hành xử là để hợp cái chân thật, thì phải nhắm vào cội gốc của phiền não để tuyệt dứt những cái mê vọng, khi mê vọng đã chẳng còn tức là chân vậy.

2. NGHĨA THỨ HAI: XÉT SỰ ĐIÊN

ĐẢO Ở CĂN HAY TRẦN ĐỂ MỞ NÚT

 

     Các ông nếu muốn phát tâm Bồ Đề nơi Bồ Tát Thừa, sanh lòng đại dũng mãnh, quyết định lìa bỏ các tướng hữu vi (1), nên suy xét kỹ cái cội gốc phiền não của nhuận (nhuần) nghiệp vô minh (2) và nhuận sanh vô minh (3) từ vô thỉ này là ai làm, ai chịu?

- A Nan! Người tu đạo Bồ Đề, nếu chẳng suy xét cội gốc phiền não, thì chẳng thể biết căn trần hư vọng đó điên đảo ở chỗ nào; chỗ còn chẳng biết thì làm sao uốn dẹp được nó, để chứng nhập quả vị của Như Lai?
- Cũng như người thế gian, khi muốn mở cái thắt kết, nếu chẳng thấy cái chỗ thắt kết thì làm sao biết mở? Nhưng chưa từng nghe nói hư không bị người ta phá hủy. Tại sao? Vì hư không chẳng hình tướng, chẳng thể thắt mở. Vậy thì hiện tiền lục căn của ông làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà, vọng thành sự thắt kết (4). Do sự thắt kết này nên thế giới chúng sanh tự sanh ràng buộc từ vô thỉ, chẳng thể ra khỏi thế gian vậy.

GIẢI NGHĨA

(1) Tướng hữu vi: Tất cả các ràng buộc dính mắc về Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới

(2) Nhuận nghiệp vô minh: Là nghiệp chồng chất gây đau khổ vô số từ những kiếp trước.

(3) Nhuận sinh vô minh: Là từ khi đầu thai, tình thức sinh khởi yêu ghét tăng mãi tạo buồn phiền.

(4) Thắt kết: Là các dính mắc ràng buộc tạo ra buồn phiền đau khổ.

    Đức Phật giảng nghĩa thứ hai rằng: “Các ông nếu muốn phát tâm Bồ Đề nơi Bồ Tát Thừa, sanh lòng đại dũng mãnh, quyết định lìa bỏ các tướng hữu vi, nên suy xét kỹ cái cội gốc phiền não của nhuận (nhuần) nghiệp vô minh và nhuận sanh vô minh từ vô thỉ này là ai làm, ai chịu?” Nghĩa là nếu muốn phát tâm Bồ Đề, phải khởi lòng cương quyết (đại dũng mãnh), quyết định chấm dứt các dính mắc chấp chặt khách trần (tướng hữu vi) làm của mình, gây nên biết bao nhiêu đau khổ, biến mình thành kẻ si mê từ bao đời (nhuận nghiệp vô minh). Lại phải suy xét kỹ cái nguyên nhân gây ra đau khổ (cội gốc phiền não) và những yêu ghét tạo ra vô số buồn phiền từ khi sinh ra cho đến ngày nay (nhuận sinh vô minh) vô cùng tai hại.

     Ngài giảng tiếp: “Người tu đạo Bồ Đề, nếu chẳng suy xét cội gốc phiền não, thì chẳng thể biết căn trần hư vọng đó điên đảo ở chỗ nào; chỗ còn chẳng biết thì làm sao uốn dẹp được nó, để chứng nhập quả vị của Như Lai?” Nghĩa là nếu không suy xét sự dính mắc thì chẳng thể dẹp bỏ được hậu qủa của nó là buồn phiền; thí dụ như nếu yêu thích sắc đẹp thì sẽ bị dính mắc vào sắc đẹp, bị sắc đẹp điều khiển, kết qủa là đi đến phiền toái. Muốn khỏi buồn phiền thì phải chấm dứt yêu thích, đó là điều cần phải biết để thực hành chấm dứt nguyên nhân của buồn phiền; thực hành được nhu nhuyễn thì sẽ chứng nhập qủa vị của bậc giác ngộ.

     Đức Phật dạy: “- Cũng như người thế gian, khi muốn mở cái thắt kết, nếu chẳng thấy cái chỗ thắt kết thì làm sao biết mở? Nhưng chưa từng nghe nói hư không bị người ta phá hủy. Tại sao? Vì hư không chẳng hình tướng, chẳng thể thắt mở. Vậy thì hiện tiền lục căn của ông làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà, vọng thành sự thắt kết. Do sự thắt kết này nên thế giới chúng sanh tự sanh ràng buộc từ vô thỉ, chẳng thể ra khỏi thế gian vậy”. Nghĩa là nếu chúng ta muốn giải tỏa buồn phiền (thắt kết) thì phải chặn đứng nguyên nhân gây ra buồn phiền, nếu chúng ta không biết nguyên nhân gây ra buồn phiền thì không thể nào làm hết đau khổ. Đó là ý nghĩa “khi muốn mở cái thắt nút nếu chẳng thấy chỗ thắt nút thì không thể mở gì được”.

     Tại sao Đức Phật nói “hư không bị phá hủy”? Hư không ở đây là biểu trưng của Giác Tâm, Tâm Phật, Phật tính “vô hình tướng”, nên Ngài ví như “hư không, chẳng thể thắt mở”. Nhưng chính Sáu Căn nhận giặc (khách trần) làm con (làm mình), không hề biết tới cái Phật tính như như bất động, từ đó tự coi là chủ quán xuyến đối phó với mọi tình huống, nên tạo ra những buồn phiền đau khổ, rồi bị nghiệp dẫn dắt trong sinh tử luân hồi; do đó Ngài nói:chúng sanh tự sinh ràng buộc từ vô thỉ, chẳng thể ra khỏi thế gian vậy

     Nếu không phát tâm tu, không quán chiếu tư duy thì mỗi căn như một cái nút càng ngày càng thắt thêm khiến cái nút càng to thêm, cho nên cuộc sống nhiều buồn phiền đau khổ ngày thêm chồng chất; Sáu căn của con người vốn chẳng có kết nên không có nút, nhưng vì sự dính mắc mà thành kết có nút. Hai thứ buồn phiền từ những kiếp trước và trong kiếp này vốn không có tự tính, nếu biết được không tự tính thì chẳng có kẻ làm, chẳng có kẻ chịu, ngay đó "không tịch", chẳng ai phiền não. Hàng Thanh văn cho là thật có phiền não cần phải phá trừ, là do chẳng biết căn trần là hư vọng chẳng thật; hàng Bồ Tát thì thẳng đến Vô Thượng Bồ Đề, chỉ cần xét kỹ nơi căn trần chẳng có kẻ làm, chẳng có kẻ chịu, thì căn bản vô minh tức thời tan rã.

3. TÌM MỘT CĂN ĐỂ

THÁO GỠ BUỘC RÀNG
 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]