Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới thiệu Kinh Đại Bát Niết Bàn (Bản Bắc)

07/02/201507:21(Xem: 13066)
Giới thiệu Kinh Đại Bát Niết Bàn (Bản Bắc)


Phat Niet Ban 6
GIỚI THIỆU

Kinh Đại Bát Niết Bàn (Bản Bắc)

HẠNH CƠ

 

Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-parinirvana-sutra), cũng được gọi tắt là Kinh Đại Niết Bàn, hoặc ngắn hơn là Kinh Niết Bàn, có 2 bản dịch tiêu biểu khác nhau, đại diện cho hai kinh hệ đại thừa và tiểu thừa:

1. Bản dịch của pháp sư Đàm Vô Sấm (Dharmaraksa, 385-433) ở triều đại Bắc-Lương (397-439), có tên là Đại Bát Niết Bàn Kinh, gồm 40 quyển, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 12, số 374, thuộc niết bàn đại thừa; và

2. Bản dịch của pháp sư Pháp Hiển (340?-?) ở triều đại Đông-Tấn (317-420), có tên là Đại Bát Niết Bàn Kinh, gồm 3 quyển, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 1, số 7, thuộc niết bàn tiểu thừa.

Tuy tên giống nhau, nhưng nội dung của hai bản dịch này hoàn toàn khác nhau. Trong khi bản dịch của pháp sư Đàm Vô Sấm rất dài, thuộc kinh hệ đại thừa, xiển dương các giáo nghĩa cao sâu rốt ráo, như “Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng thường trụ”, “tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”, “kẻ mất thiện căn cũng sẽ thành Phật”, v.v…, thì bản dịch của pháp sư Pháp Hiển rất ngắn, thuộc kinh hệ tiểu thừa, chỉ thuật lại những sự tình trước và sau khi đức Thế Tôn nhập diệt mà thôi.

Dĩ nhiên, trong hai kinh hệ Niết Bàn ấy, mỗi kinh hệ đều có nhiều bản dịch khác nữa, mà hai bản dịch trên chỉ được nêu ra làm tiêu biểu mà thôi. Phật Quang Đại Từ Điển cho biết: Theo sự ghi nhận của các tác phẩm “kinh lục” ở Trung-hoa, các bản Hán dịch của kinh Niết Bàn, trước sau có 15 bản như sau:

1. Hồ Bát Nê Hoàn Kinh, 2 quyển, ngài Chi Lâu Ca Sấm (147-? s. TL) dịch vào đời Hậu-Hán (25-220 s. TL).

2. Đại Bát Niết Bàn Kinh, 2 quyển, ngài An Pháp Hiền (?-?) dịch vào đời Tào-Ngụy (220-265).

3. Đại Bát Nê Hoàn Kinh, 2 quyển, ngài Chi Khiêm (?-?) dịch vào thời đại Tam-quốc (220-280).

4. Phật Thuyết Phương Đẳng Bát Nê Hoàn Kinh, 2 quyển, ngài Trúc Pháp Hộ (?-?) dịch vào thời Tây-Tấn (265-316).

5. Phật Bát Nê Hoàn Kinh, 2 quyển, ngài Bạch Pháp Tổ (?-?) dịch vào thời Tây-Tấn (265-316).

6. Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh, 6 quyển, ngài Pháp Hiển (340?-?) dịch vào thời Đông-Tấn (317-420).

7. Đại Bát Niết Bàn Kinh, 3 quyển, ngài Pháp Hiển dịch.

8. Bát Nê Hoàn Kinh, 2 quyển, mất tên người dịch.

9. Phật Di Giáo Kinh, 1 quyển, ngài Cưu Ma La Thập (344-413) dịch  vào thời Diêu-Tần (384-417).

10. Đại Bát Niết Bàn Kinh, 40 quyển, ngài Đàm Vô Sấm (385-433) dịch vào thời Bắc-Lương (397-439).

11. Bát Nê Hoàn Kinh, 20 quyển, ngài Trí Mãnh (?-?) dịch vào thời Lưu-Tống (429-479).

12. Bát Nê Hoàn Kinh, 1 quyển, mất tên người dịch.

13. Tứ Đồng Tử Tam Muội Kinh, 3 quyển, ngài Xà Na Quật Đa (523-605) dịch vào thời Tùy (581-618).

14. Đại Bát Niết Bàn Kinh Hậu Phần, 2 quyển, các ngài Nhã Na Bạt Đà La (?-?) và Hội Ninh (?-?) cùng dịch vào thời Đường (618-907).

15. Đại Bi Kinh, 5 quyển, ngài Na Liên Đề Da Xá (490-589) dịch vào thời Bắc-Tề (550-577).

Trong 15 bản dịch về kinh Niết Bàn trên đây, 5 bản dịch số 1, 2, 3, 11, 13 đã bị thất truyền, nay không còn; 3 bản dịch số 5, 7, 12 thuộc kinh hệ tiểu thừa; các bản còn lại đều thuộc kinh hệ đại thừa, trong đó, 3 bản dịch số 6, 10 14 là trọng yếu hơn cả.

Đặc biệt hơn hết trong số các bản dịch trên, bản Đại Bát Niết Bàn Kinh (có 13 phẩm) gồm 40 quyển do pháp sư Đàm Vô Sấm dịch (liệt kê số 10 ở trên) đã được các nhà học Phật xưa nay coi là bản kinh hoàn bị nhất. Bản này, sau khi dịch xong, đã được truyền bá xuống miền Giang-Nam, là lãnh địa của triều đại Lưu-Tống (420-479), được các ngài Tuệ Nghiêm (363-443), Tuệ Quán (?-?) và Tạ Linh Vận (385-433) đem đối chiếu với bản Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh do ngài Pháp Hiển dịch (6 quyển, liệt kê số 6 ở trên) và đang được lưu hành tại đây, tăng thêm số phẩm, sửa sang thành 25 phẩm, chia thành 36 quyển, được mọi người quen gọi là Nam Bản Đại Bát Niết Bàn Kinh (được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 12); – theo đó, bản dịch của ngài Đàm Vô Sấm thì được gọi là Bắc Bản Đại Bát Niết Bàn Kinh.

Dù là bản Bắc hay bản Nam, thì tựa đề chính thức của bộ kinh này vẫn là “Đại Bát Niết Bàn”. Trong tựa đề này, chữ “đại” là chữ Hán, dịch từ chữ Phạn “maha”, có nghĩa là trùm khắp; chữ “bát” là phiên âm từ chữ Phạn “pari”, có nghĩa là hoàn toàn, trọn vẹn – tức từ Hán-Việt gọi là “viên”; chữ “niết-bàn” hay “niết-bàn-na” là phiên âm từ chữ Phạn “nirvana”, có nghĩa là vắng lặng, đã dập tắt hết phiền não – tức từ Hán-Việt gọi là “tịch”, hay “tịch diệt”. Như vậy, tựa đề đầy đủ của bộ kinh này là “Ma Ha Bát Niết Bàn Na”, nhưng thông thường thì gọi ngắn hơn: “Đại Bát Niết Bàn”. Trong tựa đề này thì chữ “niết-bàn” mang ý nghĩa quan trọng hơn cả; toàn thể nội dung của bộ kinh đều xoay quanh chữ này, đều nhằm xiển dương ý nghĩa cột trụ này. Vì vậy, nhân đây, tưởng cũng nên nói rõ thêm về ý nghĩa của nó.

“Niết-bàn” là trạng thái tâm đã dập tắt mọi phiền não, hoàn toàn vắng lặng; bởi vậy, nó đồng nghĩa với các từ “giải thoát”, “trạch diệt”, “li phiền”. Nguyên lai, từ “niết-bàn” được dùng để chỉ cho trạng thái “lửa tắt” (hay “củi hết lửa tắt” – nghĩa là, con người khi thân xác và trí năng đều nguội lạnh thì tức là đã chết, giống như củi hết lửa tắt); về sau mới chuyển ra để dùng chỉ cho sự tận diệt lửa phiền não thiêu đốt và đạt tới trí tuệ siêu việt. Đó là cảnh giới giác ngộ, vượt thoát sinh tử, là mục đích thực tiễn tối hậu của Phật giáo. Như vậy, nguyên ý của từ “niết-bàn” là chỉ cho sự thành đạo của đức Thế Tôn, nhưng theo thói quen, nó thường được dùng để chỉ sự chết của Ngài (và các vị A-la-hán). Phật chết thì gọi là nhập niết bàn, nhập diệt, diệt độ, hay viên tịch. Gọi như vậy cũng không có gì mâu thuẫn, vì thật ra, “niết-bàn” có hai loại:

1) Hữu dư (y) niết bàn: tức là vô minh phiền não đã hoàn toàn đoạn diệt, chứng nhập đạo quả giải thoát giác ngộ trọn vẹn, nhưng vẫn còn nương vào nhục thể như là một phương tiện cụ thể, cần thiết và hữu hiệu để độ sinh; đó là trường hợp đức Phật trong thời gian từ lúc thành đạo cho đến trước giờ phút nhập diệt.

2) Vô dư (y) niết bàn: tức là khi cơ duyên hóa độ đã mãn, Phật lìa bỏ nhục thân tứ đại, nhập vào cảnh giới hoàn toàn vắng lặng của pháp thân thường trú, lìa hết mọi tướng sinh, tử, phiền não, bồ đề v.v...; đó là lúc Phật nhập diệt. Trạng thái niết-bàn của các vị thánh tăng cũng vậy.

Điều đó cho thấy, niết-bàn không phải là một cảnh giới tưởng tượng, một cõi vô hình ở một nơi huyền bí xa xăm nào đó, dành cho những người tu hành đắc đạo, sau khi chết sẽ sinh về đó để sống an vui vĩnh viễn. Niết-bàn là cảnh giới có thật, là trạng thái tâm linh của người khi đã đoạn sạch phiền não, dứt hết sinh tử, xa lìa mọi hành tướng, an trú trong thể tánh hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, vắng lặng. Trong đời sống hằng ngày, nếu một người dứt trừ được tâm tham lam, người đó liền có được cái trạng thái niết bàn nho nhỏ. Nếu dứt trừ được thêm tâm sân hận, trạng thái niết bàn liền lớn hơn một tí... Nếu tham sân si vắng mặt được một phút thì hành giả có niết bàn được một phút... Cứ thế, phiền não càng ít đi thì niết bàn càng lớn lên; phiền não vắng mặt càng thường xuyên thì niết bàn có mặt càng thường xuyên; phiền não vắng lặng hoàn toàn và vĩnh viễn thì niết bàn sẽ trọn vẹn và vĩnh cửu. Trạng thái niết bàn ấy ra sao, chỉ có người chứng nhập cảnh giới ấy mới biết được; không thể diễn tả bằng ngôn từ, không thể hình dung bằng suy tưởng, cũng không thể trao truyền hay chia sẻ cho nhau cùng hưởng.

 

*

 Phat Niet Ban 8

Đức Phật nói Kinh Đại Bát Niết Bàn, nhằm chỉ rõ cho chúng sinh thấy được cái cảnh giới nội tâm hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, vắng lặng đó; và không phải chỉ có thế, Ngài còn hướng dẫn bằng nhiều cách tu tập, khiến chúng sinh tự chứng nhập vào cảnh giới ấy vốn có sẵn trong chính bản thân mình.

Trong số các bản Hán dịch hiện còn về kinh Niết Bàn vừa nêu ở một đoạn trên, bản Đại Bát Niết Bàn Kinh (Bắc Bản, 40 quyển) do ngài Đàm Vô Sấm dịch là bản hoàn bị nhất, được lưu hành rộng rãi nhất từ trước đến nay. Xin nhắc lại, bản kinh này thuộc về kinh hệ niết bàn đại thừa, nội dung xiển dương các giáo nghĩa liễu nghĩa thượng thừa, như Như Lai thường trụ, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, kẻ nhất-xiển-đề cũng sẽ thành Phật, v.v…, bao gồm trong 13 phẩm: 1) Thọ Mạng; 2) Kim Cang Thân; 3) Danh Tự Công Đức; 4) Như Lai Tánh; 5) Nhất Thiết Đại Chúng Sở Vấn; 6) Hiện Bệnh; 7) Thánh Hạnh; 8) Phạm Hạnh; 9) Anh Nhi Hạnh; 10) Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương Bồ Tát; 11) Sư Tử Hống Bồ Tát; 12) Ca Diếp Bồ Tát; và 13) Kiều Trần Như.

Theo Phật Quang Đại Từ Điển, pháp sư Đàm Vô Sấm (Dharmaraksa, 385-433) đã dịch Kinh Đại Bát Niết Bàn này vào năm 421 tại kinh đô Cô-tàng của nước Bắc-Lương (397-439). Ngài vốn là người Trung-Ấn, xuất thân từ dòng Bà-la-môn. Lúc đầu ngài học giáo pháp tiểu thừa, giỏi cả ngũ minh, có tài giảng thuyết, ứng đối khéo léo. Về sau ngài gặp được một vị cao tăng, được trao cho Kinh Đại Bát Niết Bàn chép trên vỏ cây. Xem xong, ngài tự thấy hổ thẹn, bèn chuyển hướng chuyên học giáo pháp đại thừa. Năm 20 tuổi ngài đã tụng đến hơn 200 vạn câu kinh cả tiểu lẫn đại thừa. Ngài lại giỏi cả chú thuật, rất được vua kính trọng, lại được người đương thời xưng là Đại Chú sư. Sau, ngài đã mang bản Phạn văn của Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Bồ Tát Giới, Bồ Tát Giới Bản, v.v… sang nước Kế-tân, rồi sang nước Qui-tư; nhưng, những nơi này phần đông người ta học theo tiểu thừa, nên ngài lại tiến về hướng Đông, xuyên qua nước Thiện-thiện (tức huyện Thiện-thiện, tỉnh Tân-cương ngày nay), rồi vào Đôn-hoàng. Năm 412, Hà-tây vương Thư-cừ Mông Tốn (vua nước Bắc-Lương) đã nghinh đón ngài về ở Cô-tàng, tiếp đãi trọng hậu. Ngài ở đó học Hán ngữ 3 năm, rồi bắt đầu phiên dịch các bản kinh Phạn văn ra Hán văn, trong đó có bản Kinh Đại Bát Niết Bàn. Nhưng bản kinh Niết Bàn do ngài mang theo này mới chỉ là phần đầu (gồm có 5 phẩm), chưa đầy đủ, nên sau đó ngài sang nước Vu-điền, và đã tìm được phần còn thiếu của kinh này. Ngài trở về lại Cô-tàng và dịch tiếp, trước sau được 13 phẩm; nhưng vẫn còn thiếu phần chót. Cũng trong thời gian này, đáp ứng lời thỉnh cầu của chư tăng, trước sau ngài đã dịch các kinh luật khác như Phương Đẳng Đại Tập Kinh, Kim Quang Minh Kinh, Bi Hoa Kinh, Bồ Tát Địa Trì Kinh, Bồ Tát Giới Bản, v.v… – cả thảy 23 bộ còn ghi lại trong Tạng Đại Chánh.

Bấy giờ, vua Thái-vũ đế (424-452) nước Bắc-Ngụy (386-534), nghe tiếng ngài giỏi về chú thuật, bèn cho sứ giả đến nghinh thỉnh. Mông Tốn sợ ngài sẽ vì vua Bắc-Ngụy mà dùng chú thuật hại mình, nên nhân lúc ngài đi Tây-vức để tìm nốt phần cuối của Kinh Niết Bàn, ông đã cho thích khách hại ngài ở giữa đường. Lúc đó ngài mới được 49 tuổi.

Bản Đại Bát Niết Bàn Kinh do ngài dịch, người đời gọi là Bắc Bản Đại Bát Niết Bàn Kinh (gồm 40 quyển, hiện đang lưu hành). Sau khi dịch xong, bản kinh này đã được truyền xuống phương Nam, lãnh địa của triều đại Lưu-Tống (420-479). Tại đây, lúc đó đang có bản Đại Bát Nê Hoàn Kinh (6 quyển, do ngài Pháp Hiển dịch) lưu hành. Các ngài Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Tạ Linh Vận liền đem bản dịch của ngài Đàm Vô Sấm, đối chiếu với bản dịch của ngài Pháp Hiển, bổ sung, sửa sang, tăng thêm số phẩm thành 25 phẩm, chia ra 36 quyển, xưa nay vẫn gọi đó là Nam Bản Đại Bát Niết Bàn Kinh. Nói như thế là nhằm xác minh hai điều: 1) Điều thứ nhất, bản kinh được gọi là Nam Bản Đại Bát Niết Bàn, không phải là bản dịch của các ngài Tuệ Nghiêm v.v…, mà quí vị này chỉ đem hai bản dịch của hai ngài Pháp Hiển và Đàm Vô Sấm, đối chiếu, sửa sang, nhập chung lại, thêm số phẩm, chia quyển lại, v.v… để làm thành một bản kinh mới. Nói là “mới”, nhưng thực ra, nội dung của nó không khác gì bản dịch của ngài Đàm Vô Sấm; – vì bản dịch Đại Bát Nê Hoàn Kinh của ngài Pháp Hiển chỉ tương đương với 5 phẩm đầu của bản dịch Đại Bát Niết Bàn Kinh của ngài Đàm Vô Sấm mà thôi. 2) Điều thứ nhì, tuy hai ngài Đàm Vô Sấm và Pháp Hiển sống xấp xỉ cùng thời, nhưng bản dịch Đại Bát Nê Hoàn Kinh của ngài Pháp Hiển (ở phương Nam) đã ra đời trước bản dịch Đại Bát Niết Bàn Kinh của ngài Đàm Vô Sấm (ở phương Bắc); và cả hai ngài đều không hề biết công việc của nhau.

Theo sử liệu được ghi trong Phật Quang Đại Từ Điển, ngài Pháp Hiển (340?-418?) rời Trung-quốc lên đường sang Thiên-trúc vào năm 399; và ngài đã trở về lại Trung-quốc vào năm 414. Lúc đi thì ngài khởi hành tại Trường-an (lúc đó là kinh đô của nhà Hậu-Tần) ở miền Bắc Trung-quốc, theo đường bộ về hướng Tây, qua Đôn-hoàng, Vu-điền, v.v… để đến Ấn-độ. Lúc về thì ngài theo đường hàng hải đi từ Ấn-độ, qua Tích-lan, Nam-dương, và lên bờ ở miền Nam Trung-quốc (năm 414). Ngài đã không trở về miền Bắc, mà ở lại miền Nam, trú tại chùa Đạo-tràng ở Kiến-khang (tức Nam-kinh, lúc đó là kinh đô của vương triều Đông-Tấn). Tại đây ngài đã dịch ra Hán văn những bộ kinh, luật bằng Phạn văn do chính ngài mang về; – trong đó có 5 phẩm đầu của kinh Niết Bàn, mà ngài đã dịch với tựa đề là Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh. Ngài viên tịch năm nào thì không có tài liệu nào ghi chính xác; người ta chỉ biết là trong khoảng từ năm 418 đến năm 423 mà thôi. Như vậy, bản dịch Đại Bát Nê Hoàn Kinh của ngài được lưu hành ở Giang-Nam, trễ lắm cũng phải vào năm 423. – Nhà Đông-Tấn bị nhà Lưu-Tống tiêu diệt vào năm 420, từ đó, vùng Giang-Nam trở thành lãnh địa của nhà Lưu-Tống. Trong khi đó, cũng theo Phật Quang Đại Từ Điển, năm 412, ngài Đàm Vô Sấm được vua nước Bắc-Lương là Thư-cừ Mông Tốn mời về trú tại Cô-tàng. Tại đây, ngài phải mất thời gian tối thiểu là 3 năm để học Hán văn, sau đó mới bắt đầu dịch kinh. Đến năm 421, theo lời thỉnh cầu của vua Thư-cừ Mông Tốn, ngài mới dịch bộ Đại Bát Niết Bàn Kinh. Lần đầu ngài chỉ dịch có 5 phẩm đầu của bộ kinh do chính ngài mang theo (tương đương với bản dịch Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh của ngài Pháp Hiển ở Kiến-khang). Thấy bộ kinh còn thiếu, ngài bèn đi Vu-điền để tìm thêm được 8 phẩm kế, mang về dịch tiếp; cộng lại trước sau được 13 phẩm. Nhưng bộ kinh vẫn chưa đầy đủ, ngài bèn rời Cô-tàng một lần nữa, cốt trở về Thiên-trúc để tìm nốt phần chót của bộ kinh; nhưng giữa đường thì bị Thư-cừ Mong Tốn cho thích khách theo sát hại. Lúc đó là năm 433. Như vậy là, sớm lắm thì cũng phải sau năm này, bản dịch Đại Bát Niết Bàn Kinh của ngài Đàm Vô Sấm mới được lưu hành; trong lúc đó, chắc chắn là bản dịch Đại Bát Nê Hoàn Kinh của ngài Pháp Hiển đã được ra đời ở vùng Giang-Nam từ cả mươi năm trước.

Hiện nay, trong Tạng Đại Chánh, quyển 12, bản do ngài Pháp Hiển dịch được ghi số 376, mang tên là Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh (6 quyển); bản Bắc do ngài Đàm Vô Sấm dịch được ghi số 374, mang tên là Đại Bát Niết Bàn Kinh (40 quyển); và bản Nam do ngài Tuệ Nghiêm v.v... trùng tu, được ghi số 375, cũng mang tên Đại Bát Niết Bàn Kinh (36 quyển).

Như trên đã nói, tại Cô-tàng (kinh đô của nhà Bắc-Lương), ngài Đàm Vô Sấm đã dịch bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu dịch 5 phẩm đầu do chính Ngài mang theo; sau đó ngài sang Vu-điền tìm được 8 phẩm kế, mang về dịch tiếp, trước sau được 13 phẩm; nhưng vẫn còn thiếu phần chót. Vì vậy, ngài lại thân hành đi sang Thiên-trúc để tìm nốt phần chót ấy; nhưng trên đường đi, ngài đã bị vua nước Bắc-Lương là Thư-cừ Mông Tốn cho thích khách theo hãm hại. Thế là, bản dịch Kinh Đại Bát Niết Bàn của ngài phải bị lỡ dở. Đến khoảng năm 664 đời vua Đường Cao-tông (650-683), ngài Hội Ninh (?-?) theo đường hàng hải đi Thiên-trúc, giữa đường ghé lại Nam-dương, gặp ngài Nhã Na Bạt Đà La (?-?). Vị cao tăng này là người Nam Thiên-trúc, đã đến đây từ lâu và đang hành đạo tại đây. Có điều may mắn là khi đến Nam-dương, ngài có mang theo bản Phạn văn phần chót của Kinh Đại Bát Niết Bàn, cho nên, khi gặp ngài Hội Ninh từ Trung-quốc đến thì hai ngài liền cùng nhau dịch phần ấy ra Hán văn, đặt tựa đề là Đại Bát Niết Bàn Kinh Hậu Phần. Đến năm 676 thì bản dịch này được mang về kinh đô Trường-an, và được đa số giới Phật học coi đó chính là phần chót của bộ Đại Bát Niết Bàn Kinh của ngài Đàm Vô Sấm dịch.

Bản dịch Đại Bát Niết Bàn Kinh Hậu Phần này được chia làm 2 quyển (thượng và hạ), được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 12, số 377; gồm có 5 phẩm: 1) Phẩm đầu rất ngắn, chỉ là vài đoạn chót phụ thêm phẩm “Kiều Trần Như” (phẩm 13) của bộ Đại Bát Niết Bàn Kinh (Bản Bắc) mà ngài Đàm Vô Sấm dịch còn thiếu. – Vì thế, nó đã không được chính thức gọi là một phẩm; mà chỉ được coi là “nửa phẩm”; và cũng do đó, các vị học giả thường nói, bản kinh “hậu phần” này chỉ gồm có 4 phẩm rưỡi! 2) Phẩm Di Giáo; 3) Phẩm Ứng Tận Hoàn Nguyên; 4) Phẩm Cơ Cảm Trà Tì; 5) Phẩm Thánh Khu Khuếch Nhuận.

 

*

 

Kinh này ghi lại những lời dạy cuối cùng của đức Thế Tôn trước khi Ngài nhập niết bàn. Tất nhiên, với những lời dạy ấy, Ngài đã tổng kết và nhấn mạnh các giáo nghĩa cao sâu mầu nhiệm nhất –thường được gọi là giáo lí “liễu nghĩa thượng thừa”– mà Ngài đã nói rải rác trong các bộ kinh phương đẳng đại thừa trước đó. Đó là các pháp môn có công năng đưa người tu tập thẳng đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Tâm từ bi của Phật rộng lớn vô biên; công đức của Phật thật cao dầy, đâu có ngôn từ nào có thể dùng để diễn tả cho đầy đủ được! Công đức của Phật, đến như Bồ Tát Ca Diếp cũng chỉ nói được một lời xưng tán ngắn ngủi: “Bạch Thế Tôn! Công đức của Thế Tôn thật không thể nghĩ bàn!” (Kinh Đại Bát Niết Bàn - Phẩm “Danh Tự Công Đức”)

 

Nam Mô Phật Thường Trụ

Nam Mô Pháp Thường Trụ

Nam Mô Tăng Thường Trụ

Ý kiến bạn đọc
26/06/201708:59
Khách
Namo Adida phật. Kinh điển đại thừa đã khai trí chúng sanh để đạt giác ngộ, giải thoát khổ đau, thoát vòng sinh tử.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]