- 1. Phẩm Tư Duy
- 2. Phẩm Tam Muội Hạnh
- 3. Phẩm Kiến Phật
- 4. Phẩm Chánh Tín
- 5. Phẩm Thọ Trì
- 6. Phẩm Quán Sát
- 7. Phẩm Giới Hạnh Ðầy Ðủ
- 8. Phẩm Hiền Hộ Xưng Tán Công Ðức
- 9. Phẩm Nhiêu Ích
- 10. Phẩm Ðầy Ðủ Năm Pháp
- 11. Phẩm Thọ Ký
- 12. Phẩm Thâm Sâu
- 13. Phẩm Mười Pháp Trong Tam Muội Hiện Tiền
- 14. Phẩm Công Đức Bất Cộng
- 15. Phẩm Tùy Hỷ Công Đức
- 16. Phẩm Giác Tỉnh
- 17. Phẩm Chúc Lũy
Đời nhà Tùy, Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa của xứ Ấn Độ, Hán dịch
Tỳ kheo Thích Hằng Đạt, Việt dịch
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Hiền Hộ:
-Này Hiền Hộ! Nếu có tỳ kheo mến thích tu tập tam muội này, trước hết phải suy tư kia vô tướng tưởng; suy tư rồi ngã mạn chẳng sanh.
Này Hiền Hộ! Đã trừ tâm ngạo mạn, ý thường an lạc, xa rời các tướng. Lúc ấy, phải vì người mà tuyên nói tam muội này, chẳng nên khởi tâm tranh đấu. Trong đó, sao gọi là tranh? Tức là khởi vọng tưởng phỉ báng, tức tranh chấp chửi mắng do chấp danh vọng rỗng không.
Này Hiền Hộ! Nhờ tỳ kheo đó y pháp vô tranh, nên hay tu tập, vì người tuyên thuyết tam muội này.
Này Hiền Hộ! Nếu người trai hiền gái thảo muốn tu học, và vì người mà giải thích tam muội này thì phải thành tựu đầy đủ mười pháp, rồi sau đó mới vì người khác mà giải thích. Mười pháp đó là gì?
1/ Người trai lành gái thảo trước hết phá ngã mạn, rồi khởi tâm cung kính.
2/ Biết ơn chẳng quên, tâm thường niệm nhớ báo ơn.
3/ Tâm không ỷ lại chấp trước, cũng không ganh tỵ.
4/ Đoạn trừ nghi ngờ và các chướng ngại.
5/ Tin sâu chẳng hoại, khẩn thiết niệm nhớ suy tư.
6/ Tinh tấn cầu kinh điển, hạnh không giãi đãi.
7/ Thường hành khất thực, chẳng nhận thỉnh riêng.
8/ Ít muốn biết đủ, điều phục các căn.
9/ Chánh tín vô sanh pháp nhẫn thâm sâu.
10/ Thường niệm nghĩ ai có tam muội này, thì khởi tâm cung kính vị thầy đó như chư Phật, rồi sau đó tu tập theo.
Này Hiền Hộ! Đó là người trai hiền gái thảo đầy đủ mười loại pháp bậc thượng. Phải nên tu tập tam muội này, cũng khiến người khác thọ trì đọc tụng. Hành giả như thế sẽ đắc được tám việc.
1/ Rốt ráo thanh tịnh: Đối với các giới cấm không có hủy phạm.
2/ Tri kiến thanh tịnh: Trí huệ hòa hợp, không cùng những việc khác tương ưng.
3/ Trí huệ thanh tịnh: Chẳng còn thọ các thân trong đời sau.
4/ Bố thí thanh tịnh: Chẳng mong muốn tất cả hạnh quả báo.
5/ Đa văn thanh tịnh: Nghe pháp rồi rốt ráo chẳng quên.
6/ Tinh tấn thanh tịnh: Trong mọi thời, thường cầu quả vị Phật Bồ Đề.
7/ Xa rời thanh tịnh: Không nhiễm trước tất cả danh lợi.
8/ Chẳng thối chuyển thanh tịnh: Sẽ chứng đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác không dao động.
Này Hiền Hộ! Đó là tám pháp mà các người trai lành gái thảo sẽ đắc được.
Lúc ấy, đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa trên nên thuyết kệ rằng:
“Người trí chẳng khởi tâm có tướngCũng nên trừ mạn và ngã tâm
Trong nhẫn nhục sâu không bám giữ
Họ hay sớm tuyên tam muội này
Trong Không, xưa nay diệt căn tranh
Niết Bàn vô tướng đại tịch định
Với Phật không ganh, chẳng chê Pháp
Họ hay sớm tuyên tam muội này
Bậc trí chẳng khởi ý ganh tỵ
Niệm Phật biết ơn và Pháp, Tăng
Nơi sanh hàng phục không dời đổi
Trì tam muội tịch tĩnh như thế
Chẳng có ganh ghét cũng không nghi
Suy tư thâm pháp tin chân thật
Tinh tấn chẳng lười, rời các dục
Họ hay đắc tam muội như thế
Thường hành pháp khất thực tỳ kheo
Bỏ thỉnh riêng, nói gì cầu tài!
Đoạn trừ cấu nhiễm chứng chân như
Họ hay đắc tam muội như thế
Ai hay có tam ma đề này
Ta sẽ lắng nghe, lưu bố rộng
Với thầy tổ xem như chư Phật
Họ hay đắc được tam muội này
Nếu ai tu hành tam muội này
Sẽ đủ công đức vượt thế gian
Họ hay sớm thọ tám loại pháp
Xưng chư Phật tâm tịnh vô cấu
Trì giới thanh tịnh không giới hạn
Tam muội Bồ Đề cùng thắng kiến
Họ hay thanh tịnh trong các cõi
Trụ nơi tích tụ diệu công đức
Trí huệ thanh tịnh chẳng thọ sanh
Bố thí rời cấu nhập vô vi
Đắc được đa văn chưa từng quên
Làm bậc trí có tạng công đức
Tinh tấn dũng mãnh đắc Bồ Đề
Danh lợi trong đời không tham nhiễm
Nếu các bậc trí khéo hành được
Họ nhập thiền vô thượng sâu diệu”.