Phật đản năm nay (2015-2639), tuy chủ trương của Giáo hội không tổ chức xe hoa, vì đang xây dựng Việt Nam Quốc Tự, hẳn nhiên phần lớn quần chúng không ai tán thành quyết định nầy, nhưng rồi cũng phải tuân hành.
Điều mà các năm trước được tổ chức theo truyền thống và có chỉ đạo của Giáo hội, ba miền đều thành kính tổ chức, nhất là qua 2 lần Vesak tổ chức tại Việt Nam, tinh thần quần chúng Phật tử khá phấn chấn. Năm nay, tuy thu hẹp mức tổ chức đón mừng Khánh đản, nhưng ba miền không vì thế mà kém khởi sắc, nhất là miền Trung, những Thành phố lớn như Thừa Thiên, Đà Nẵng đã trở thành một tập quán từ khi Hòa Thượng T. Tố Liên tham dự đại hội Phật giáo thế giới tại Srilanka vào năm 1951, lá cờ chính thức của Phật giáo biểu tượng Ngũ căn, Ngũ lực, biểu tượng ánh quang minh của chư Phật được rộng rãi phổ biến trên đất nước, cũng chính vì tinh thần bất khuất của toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo được biểu trưng qua lá cờ năm màu tung bay khắp nơi, Ngô Đình Diệm theo lệnh Ngô Đình Thục đã triệt hạ cờ Phật giáo qua công điện số 9195 ngày 06/5/1963, từ đó sanh ra cuộc đấu tranh gian khổ của Phật giáo để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và quyền bình đẳng tôn giáo. 1964, GHPGVNTN ra đời. Qua 11 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo đã đóng góp không nhỏ cho quê hương và đào tạo Tăng tài cho Phật giáo.
Sau 1975,lá cờ Phật giáo chỉ được treo trong các am tự viện, đạo ca của Lê Cao Phan cũng chưa được đưa vào Hiến chương, mãi đến 2005, đại hội Phật giáo nhiệm kỳ 5 mới chấp nhận đạo kỳ và đạo ca của PGVN.Từ đó, khắp nơi, cờ được tung bay, Trong các Thành thị, cờ chạy dọc hai bên đường, hai bên cầu và một số nơi được giăng ngang lộ trong phố với biểu ngữ “kính mừng Phật đản”. Đó là điều chưa đáng nói, những vùng sâu vùng xa dọc duyên hải tỉnh lẽ, trên cao nguyên đất đỏ sậm màu, và ngay cả trong một số buôn làng người sắc tộc, cờ ngũ sắc cũng khoe mình trong nắng sớm. Vùng quê nghèo khó như Bình Thuận, Ninh Thuận chạy dọc ra Quảng Nam, những lá cờ năm màu nhỏ nhoi cũng được treo bên vách nhà tole cũ kỹ. Các nhà hai bên lộ trang bày cả vườn Lâm Tỳ Ni. Vào sâu thôn xóm dân cư thưa thớt, nhiều căn chòi cũng hãnh diện đón mừng Phật đản với tấm tranh đản sanh dán trên vách lá, vài lá cờ cũng góp phần hưng phấn trong gió nắng khô khốc mùa hè Trung Việt.
Hàm Tân là huyện lỵ được hình thành do người dân miền Trung vào lập nghiệp, riêng xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, phần lớn là dân Do Linh-Quảng Trị vào khẩn hoang lập thành thôn ấp; tinh thần của người dân miền Trung được hun đúc trui rèn qua nhiều thời đại và thiên tai hang năm,nên tín ngưỡng cũng vì thế mà kiên cố bền vững. Cuộc sống rất nghèo, họ vẫn dành thời gian đến chùa công quả, niềm vui của họ ngoài giờ lao động chỉ có chùa chiền. Có những vùng không tu sĩ, họ tự lập chùa thờ Phật và cùng nhau tu tập. Trong Thành phố, một số nhà tín đồ Phật giáo không muốn treo cờ, dù được chùa khuyến khích, nhưng, các vùng hẻo lánh miền Trung, tự động người Phật tử tìm cờ mà treo, có những gia đình không đủ tiền mua cờ, họ xin những lá cờ cũ về để xác định mình dù tha phương lập nghiệp vẫn còn có niềm tin Tam Bảo.
Năm nay thiếu vắng xe hoa nhưng không vì thế mà không khí Khánh đản tẻ nhạt. Người dân vẫn đi chùa thâu đêm, các chùa đều có lễ đài trang trọng. Gia Đình Phật tử áo lam dù thuộc Truyền Thống hay Phân Ban vẫn là người con Phật, vẫn đón mừng Đản sanh bằng cả lòng thành. Quảng Hương Già Lam, trên 35 đơn vị của miền Quảng Đức và Gia Định cũng vân tập về quỳ dưới đất hướng về lễ đài lễ Phật. Các cựu huynh trưởng tổ chức mừng Khánh đản tại Pháp Vân-Tân Phú cũng trên 50 anh chị lớn tuổi, trong đó anh Ngô văn Chơn cấp Dũng, tổ kiểm GĐPTVN và anh Sang phó BHD GĐPTVN tham dự.
Sinh khí Phật đản 2639 diễn ra một cách nhẹ nhàng, tràn đầy lòng hân hoan và tôn kính.
Nếu gọi là sinh nhật, phải tính từ khi Thái tử thị hiện (624 trước Tây lịch, 2015 + 624 = 2639), cho dù Phật lịch kể từ khi Đức Thế tôn nhập diệt (544 trước Tây Lịch).Vì thế, thay vì 2559+80 năm khi Thái tử ra đời = 2639 có lẽ hợp lý hơn.
KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ KHÁNH ĐẢN 2639
MINH MẪN
03/6/2015- Phật đản 2639