Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhú Sen Hồng mùa Phật Đản

29/04/201419:22(Xem: 5377)
Nhú Sen Hồng mùa Phật Đản
lotus_1 

Xứ California bị hạn hán nặng nề. Người ta không sợ thiếu nước uống hay để tắm gội hàng ngày mà sợ không có đủ nước tưới cây cỏ quanh vườn. Thiên nhiên không có màu xanh cũng giống như dòng sông không có nước và một người về già bị bệnh lạc trí quên đi tình mẹ.

Giữa đợi chờ, bỗng đâu mưa ập đến. Mưa lớn, mưa nhỏ kéo nhau về cả tuần lễ. Màu xanh trỗi dậy. Người người hả hê mà vạn vật cũng chan hòa tươi mát lại.

Ao nước nhỏ và hòn non bộ sau vườn nhà tôi cũng theo mưa thay hình đổi dáng. Đá điểm chút rêu xanh. Hoa leo mùa xuân đơm thành nụ. Cái hồ nhỏ bằng chiếc giường nằm ngủ cho hòn non bộ lấp lánh mực nước cao đủ chiếu ánh mặt trời. Nếp sinh hoạt khô khan và lặng lẽ của một thế giới giả mà thật, thật mà giả sau trận mưa kéo dài cả tuần lễ có vẻ như đổi thịt thay da. Những ngọn núi giả nhìn có vẻ thật hơn khi có bóng cây xanh. Chiếc ao nhỏ cũng học đòi làm dáng dòng sông trôi khi đủ nước để gợn sóng lăn tăn theo gió. Ngày có bướm ong về và tiếng chim ríu rít đủ loại âm thanh không gây một cảm giác mạnh bằng tiếng ễnh ương ồm oàm và trần trụi át cả tiếng dế, tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm. Lạ quá. Mưa đã tạnh và khung cảnh thiên nhiên đã trở về nếp cũ nhưng tiếng ễnh ương từ chiếc ao non bộ sau vười nhà tôi càng rống to hơn từ lúc chạng vạng tối cho đến đêm khuya.

Nơi tôi đang ở nguyên ngày xưa là cánh đồng lúa. Hai mươi năm trước tôi đã từng lên vùng đồng ruộng Natomas nầy để bắt tôm càng (crawfish) nằm dính chùm từng đống sau vụ lúa mùa Hè. Một lần, tôi và mấy anh bạn bắt cả mấy “xô” tôm càng. Về nhà, bỏ vào thùng bắt lên bếp luộc. Bé Na mới mân mê bắt mấy con bỏ vào chén nước để nuôi, nay nhác thấy hàng nghìn con đang dãy dụa lạo xạo trong thùng vừa được đun lửa thì giãy nảy khóc tướng lên nói với bố: “Ba ơi, con thương crawfish. Ba đừng nấu tụi nó nữa. Tội!” Nghe Bé Na lên năm, ngước đôi mắt nai tơ tha thiết vẻ nguyện cầu, nói tới những con tôm càng là “tụi nó” như bạn bè thân ái, cái háo hức được ngồi nhậu lai rai với bạn bè quanh mâm tôm càng vừa luộc chín thơm phức trở thành nguội lạnh và có một vẻ gì hơi ang ác. Từ đó, tôi không còn trở lại cánh đồng crawfish nữa.

Bây giờ đồng lúa xưa đã thành phố thị. Đêm mưa nghe tiếng ễnh ương lại nhớ quê nhà mùa lụt.

Chỉ qua vài đêm, tiếng ễnh ương rống lên từ chặp tối làm tôi mất ngủ. Tôi cũng sợ hàng xóm phiền hà bị rầy rà giấc ngủ vì tiếng ễnh ương ù ập phát ra từ cái ao nhỏ của vườn sau nhà mình.

Sáng sớm hôm sau, tôi ra nhìn cái ao nhỏ dõi mắt tìm dấu vết con ễng ương to mồm, tốt bụng kêu hoài không ngán đó nhưng chỉ thấy lùm cây xanh và những cành hoa lưu niên nằm lặng lẽ trong sương mai. Cái ao nhỏ, tôi có thể tát cạn chẳng mấy khó khăn. Phải tìm cho ra con ễnh ương mà duổi nó đi hay bắt bỏ qua chỗ khác. Khi tôi cúi xuống để múc thùng nước đầu tiên, một nhú sen hồng còn chìm trong ao nước chợt hiện ra như có một nụ cười nào đó. Đã hơn mười năm qua, từ ngày đào sân làm ao non bộ, chưa năm nào tôi quên chậu sen hồng mùa Phật Đản. Chậu sen nhỏ vuông mỗi bề non hai gang tay do thầy Thiện Tâm cho giống và ươm mầm năm nào cũng trổ hoa trong mùa Phật Đản. Cứ gần cuối tháng Ba dương lịch hằng năm, từ sau làn nước trong mát dưới ao, mỗi sớm mai thức dậy tôi được nhìn nhú sen hồng ló lên dần. Cái nhú sen hồng ngây ngô như đôi mắt trong ngần của bé thơ ngước tìm dòng sữa mẹ làm tôi chùn tay. Múc nước khô để bắt cho được con ễnh ương có làm cho nhú sen hồng bị xâm hại hay không. Nghĩ vậy, tôi ngưng việc múc nước ra khỏi ao và tìm cách khác.

Tôi nhớ mùi khăng khắc của thuốc tẩy Colorox khi hòa vào nước và sức tẩy rửa rong rêu trong nước của bột giặt Tide mà ở Mỹ nhà nào cũng có sẵn để dùng hàng ngày. Thế là tôi mang ra một thau nước trong, hòa vào hai ly Colorox và hai muỗng đong Tide. Chờ đến chạng vạng, khi tiếng kêu ù ập của ễnh ương và ru rít của đàn ếch nhái lên cao điểm, tôi trút hết thau nước hòa thuốc xuống ao, rồi sấp lưng vào nhà. Tiếng kêu của ễnh ương và đàn ếch nhái côn trùng ngưng được một ít phút rồi tiếp tục kêu lại; tuy có yếu hơn nhưng vẫn nỉ non không dứt hẳn. Tôi tăng độ đậm đặc của Colorox và khuấy đều khắp ao nước. Tiếng kêu yếu dần rồi im bặt. Đêm im ắng đột ngột quá cũng làm tôi khó ngủ. Sáng sớm hôm sau, tôi bưng tách trà nóng ra vườn sau và tò mò xem chuyện gì đã xảy ra trong ao nhỏ. Cảm giác hớn hở đang nảy mầm trong tôi về việc dẹp tan được lũ ếch nhái côn trùng đêm đêm làm ồn ào náo nhiệt vườn sau nhà bỗng lắng xuống khi thoạt nhìn sự lặng lẽ trên mặt ao. Nước trong ao có thuốc giặt trong suốt hơn nhưng hình ảnh sự sống thoáng vẻ điêu tàn.

Mùi Colorox còn thoang thoảng thay cho mùi hoang dã của thiên nhiên.

Những con bướm, con ong và đàn muỗi mắt đuổi nhau trong sương sớm vắng bóng. Cây xanh leo đá, mấy cây bonsai trên hòn non bộ và đám lục bình, rong rêu có vẻ như ủ rủ buồn thiu. Và, mặt trời lên. Ôi chao! Cái dương dương đắc chí trong tôi tan tành, đông lạnh. Những con vật tôi thương và tôi ghét trong chiếc ao nhỏ không còn động đậy. Trong đám sinh vật vừa chết đêm qua nổi lều bều trên mặt nước có xác con ễnh ương chân dài lưng xanh, bụng đỏ. Cảm giác ân hận ray rứt chiếm ngự lòng tôi. Nỗi buồn thành một cơn ớn lạnh chạy dài trong xương sống. Chiến thắng thành thất bại ê chề. Tôi bỗng dưng thương đàn sinh vật vô danh, thương con ễnh ương và tiếng kêu đêm ồm ồm của nó. Tôi liên tưởng đến tình thương của Bé Na với đàn tôm càng crawfish. Sự sống đáng yêu như thiên nhiên vạn vật, trăng sao, trái đất, mặt trời có nhau cùng sống. Sự biến hoại bên nầy có tác dụng trực tiếp với cái chết bên kia. Sự yêu thương thật tình có khi chưa hẳn vì hình tướng đang có mặt mà có khi phát từ cái tâm tưởng nhớ, cảm thông.

Ba hôm sau thì đến lượt chậu sen chuẩn bị cho ngày Phật Đản mà tôi đã chăm sóc từ đầu năm bắt đầu ủ mặt. Nhú sen hồng tươi mát xinh xinh từ từ xám lại. Qua mấy ngày nữa thì queo quắt vô hồn.

Cảm giác buồn buồn, thất vọng biến thành lạnh nhạt, buông tay khiến tôi không còn hứng thú ra vườn sau để mắt tới hòn non bộ. Sang năm sau thì dáng sinh động một thời của cái ao và hòn non bộ biến thành lùm cây dại vì tôi không còn để tâm xén tỉa, chăm sóc.

Năm lại năm qua, mùa xuân Cali với nắng vàng và hoa nhắc tôi mùa Phật Đản đang về. Sớm hôm nay, cũng cầm ly nước trà trên tay, nhưng hơi run vì lạnh. Thiên nhiên vẫn thế nhưng tôi cảm thấy lạnh vì đã già đi. Thời gian giúp vạn vật tàn rụi và trỗi dậy không ngừng nhưng con người thì cứ ngỡ như cuộc đời là tấm vé một chiều ra đi không trở lại.

Chờ nắng lên cao, tôi chầm chậm vén tàng lá của lùm cây bao quanh hòn non bộ và suýt kêu lên vì vẻ đẹp tự nhiên gần như man dại của nó. Những cây bonsai vẫn sống nhưng không theo dáng uốn éo của bàn tay con người mà vút thẳng lên phía gió mát hướng Đông Nam và nắng ấm mặt trời. Rêu phủ dày như thảm nhung trên đá. Những hàng cây leo đan vào nhau vụng về mà tự tại. Nước trong ao và rong rêu, lá mục tự lắng vào nhau cho lớp nước bên trên trong ngần và phẳng lặng. Từ dưới nền rêu dày và lá mục, tôi mừng rỡ đến sững sờ vì nhú sen đang mọc lên tươi hồng và vạm vỡ hơn những năm tôi còn chăm sóc. Nhú sen hồng rực rỡ giữa toàn cảnh hân hoan của một mùa gặt thiện.

Trí óc như bừng sáng với ý nghĩ lần đầu mình thấy được thế giới xanh, an hòa và tĩnh lặng. Tôi lắng lòng nghe cảm xúc đang giao hòa với thiên nhiên và sự sống. Sự sống thật diệu kỳ. Nó sinh và diệt lặng lẽ; nó diễn biến sinh, già, bệnh, chết nhẹ nhàng, tự nhiên như mây trắng, nắng vàng cùng gió sương lồng lộng.

Tôi có cảm tưởng như đang được thấy ra sự thật trước mắt. Ôn Viên Quang, bổn sư chùa Châu Lâm của tôi ngày xưa thường nói: “Chánh niệm là trái tim của sự sống”. Nhưng mãi đến bây giờ tôi mới hiểu rằng, sự sống là sự thật. Tỉnh táo, tĩnh tâm giao hòa với sự sống quanh ta là đang sống trong chánh niệm.

Tôi nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ vọng về và mỉm cười đón nhận tiếng vọng từ trong chính mình ngõ ý: Chánh niệm trong chớp mắt nầy là thấy rõ và cảm nhận được sự sống của nhú sen hồng mùa Phật Đản đang lớn lên trong dòng sống quanh ta.
 

Sacramento, đầu mùa Phật Đản 2014

Trần Kiêm Đoàn

http://www.trankiemdoan.net

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2013(Xem: 3908)
Hoàng hậu Mahamaya sinh Siddhartha một cách rất dễ dàng. Trên con đường về quê ngoại để sinh nở, bà và đoàn tùy tùng dừng chân nghỉ ngơi ở vườn Lumbini.
27/05/2013(Xem: 5595)
Bài này tìm học rõ ngày sinh của đức Phật. Trên thế giới ngày nay có năm tôn giáo lớn: đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, đạo Ấn Độ, đạo Do Thái và đạo Phật. Hai tôn giáo có tính cách cục bộ là đạo Ấn Độ (Hinduism) và đạo Do Thái (Judaism). Đạo Ấn Độ vào đầu thiên niên kỷ Ba đếm 700 triệu tín đồ, tức là 13% dân số thế giới. Đạo Do Thái rất ít tín đồ, 18 triệu người trên dân số thế giới gần 7 tỉ, thế nhưng ảnh hưởng bao la trên lịch sử, chính trị và kinh tế thế giới.
25/05/2013(Xem: 7597)
Thật chẳng có gì mỉa mai hơn khi giới thiệu một vị thầy đã thấy rõ cái giả tướng, hư vọng của đời sống và truyền trao cho đời những giáo pháp từ đơn giản, dễ hiểu, lên đến những thâm sâu, uyên áo bằng những lời chỉ dạy có giải đáp rõ ràng, mà lại được giới thiệu, bắt đầu bằng một câu chuyện thần thoại, hoang đường, có đầu mà không có kết: Một hài nhi vừa mới ra đời đã vươn dạy, đi đứng quen thuộc, tuyên bố lời dị thường, rồi sau đó không lẽ lại rùng mình ngã trở lại vào vòng tay nâng đỡ của thường nhân? hay là gì khác (chẳng thấy kể ra)? hay chỉ tan vào hư ảo như lúc nó xuất hiện?
22/05/2013(Xem: 3608)
Đức Phật xuất hiện giữa cõi đời, không như những vị thần linh và không hề mặc khải cho ai và cũng không hề để cho ai mặc khải, mà Ngài xuất hiện giữa cõi đời với tư cách của một bậc Giác ngộ hoàn toàn, nội hàm đầy đủ hai chất liệu đại trí và đại bi, đến và đi duyên theo đại nguyện.
18/05/2013(Xem: 5986)
Trong kinh điển Pāli không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Phật đã từng biết đọc biết viết cả(26)của H.W. Schumann, là một luận điểm võ đoán, nếu không nói là chưa phản ánh đúng sự thật lịch sử. Gần mười năm trước, lần đầu tiên tiếp cận tác phẩm Đức Phật lịch sử(1)của H.W. Schumann qua bản dịch của cô Trần Phương Lan, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là sự kính phục về độ uyên bác của tác phẩm cũng như sự dấn thân khoa học của bản thân tác giả. Lời giới thiệu tác phẩm của HT.Thích Thiện Châu trong bản dịch tiếng Việt cũng đồng quan điểm này, khi ngài cho rằng: H.W. Schumann đã dày công nghiên cứu và xây dựng hình ảnh của Đấng Giác Ngộ như một người sống thật trong khung cảnh thật của Ấn Độ cổ đại, với những nhận xét khách quan của một học giả nghiên cứu có hệ thống rõ ràng theo phương pháp khoa học. Cái nhìn của học giả H.W. Schumann về Đức Phật có vẻ khác lạ với quan niệm về Đức Phật của Phật tử Việt Nam, nhưng đó chính là điều bổ ích làm tăng giá trị của quyển sách trong sự đóng góp vào
10/04/2013(Xem: 4666)
Chúng ta kỷ niệm đại lễ Phật Đản, tức là chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày ra đời của Đấng Thích Ca Mâu Ni, Đức từ phụ của chúng ta. Ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong cõi Diêm Phù Đề này có những ý nghĩa trọng đại và sâu xa như sau...
10/04/2013(Xem: 7343)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
08/04/2013(Xem: 7158)
Nói đến hạnh nhẫn nhục thì có lẽ không ai trên cõi đời này - nhất là giới giàu sang phú quý, thanh thế uy quyền- nhẫn nhục bằng đức Phật khi còn tại thế. Ngài nhẫn nhục chỉ vì mục đích tối thượng là tìm ra chánh đạo, giải thoát sanh tử cho mình và cho mọi người, mang lại thanh bình, an lạc cho chúng sanh. Nhẫn nhục ở đây không mang ý nghĩa ráng sức chịu đựng hay cố đấm ăn xôi nhằm đạt đến mục tiêu danh vọng của riêng mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567