QUA CÁI NHÌN LỤC PHƯƠNG
-------------
Là một trong những vị thầy, bậc đạo sư sống và hành động tốt về giáo lý của Đức Phật, ở miền Đông Tây Tạng, đó là Za Patrul Rinpoche, Ngài đã có lời phát biểu đến với chúng ta rằng : “ Chúng ta cần hiểu rằng: chúng ta đã có phước đức được sanh trong một thế giới nơi đã có một Đức Phật đến và dạy Pháp, và chúng ta đã gặp một vị thầy tâm linh và những giáo huấn của Ngài. Bấy giờ là lúc chúng ta phải dùng cuộc đời làm người quí báu nầy để tiến bộ trên con đường giải thoát.”
Đó là lời phát biểu, lời dạy quí báu của bậc thầy, bậc đạo sư giúp cho chúng ta tự tin, gần gũi và hiểu biết về Đức Phật và giáo lý của Ngài, mặc dù dòng thời gian đã trải qua trên hai ngàn năm trăm năm. Năm nay, đại lễ Vesak lần thứ 11, năm 2014- PL. 2558, lại một lần nữa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. VN. Đây là một trong những cơ hội giúp cho Tăng Ni Phật tử VN tự tìm về sự khởi động bổn nguyện đầu tiên khi Đức Phật hiện hóa đến hành tinh mà chúng ta đang có mặt. Không phải chỉ vì niềm tin tín ngưỡng, cầu xin khát vọng lòng tham của bản chất phàm phu, để chúng ta mới đến với Đức Phật hay Đạo Phật.
Nhân dịp nầy, chúng ta cùng hướng về đoạn Kinh Ưu Bà Di, để cùng cảm nhận tính cách vĩ đại bất tuyệt của Đức Phật hơn bao giờ hết, như :
“Thị Đông Phương giả, vị chư chúng sanh tác đạo sư cố” (nhìn về phương Đông, vì các chúng sanh, nên làm người dẫn đến tối thượng).
Phương Đông là phương mặt trời lên, mở đầu cho một ngày, khởi động ánh sáng và sự sống, sinh hóa cho muôn loài vạn vật. Nhưng với sự sanh trưởng bởi những chen lấn tham chấp đưa đến ác tri kiến, lấy ác tư duy phục vụ cho mọi sự sinh tồn, từ cá nhân đến tập thể, từ quan điểm ý thức nầy đến quan điểm ý thức khác, từ chủng loại nầy đến chủng loại khác.v.v… để rồi từ đó tạo thành nguồn lực tác động cạnh tranh và đấu tranh, đưa đến tàn hại, nhiệt não, khổ đau, đọa xứ…
Chính vì thấy rõ sự bất toàn ấy, mà bổn nguyện đầu tiên của Đức Phật hướng về Phương Đông, dùng những pháp an bình tối thượng để hướng dẫn chúng sanh, để thiết lập một nền móng giáo dục, nhất là đối với loài người đang làm chủ trên hành tinh cuộc sống, nhận biết rõ giá trị đạo đức tâm linh, thấy và biết, tôn trọng và bảo vệ môi trường sinh thái trong mọi lãnh vực, và sự bảo vệ ấy đưa đến tuyệt đỉnh, chính là ý niệm tỉnh giác của tâm hồn trong mỗi chúng ta. Sự lợi lạc ấy sẽ lan tỏa những ý vị hạnh phúc cho chúng sanh, chư thiên và loài người, tạo thêm những nhân tố phước đức, một trong những điềm lành khi Đức Phật xuất hiện, đó là :”khi Đức Phật xuất hiện, thì tất cả cây có hoa đều trổ hoa, tất cả loại cây có trái đều tự nhiên kết trái.” (kinh Ưu Bà Di). Đó chính là sự thành tựu pháp của bậc thánh thuyết, giúp cho số đông loài người được an lạc thân tâm.v.v… Đó là đạo lộ thứ nhất hay bước đi thứ nhất của Đức Phật.
“Thị Nam phương giả, vị chư chúng sanh tác lương phước điền cố.” ( nhìn về phương Nam, vì tất cả chúng sanh, mà hướng dẫn làm ruộng phước, quy giới, tu tập các thiện pháp).
Nếu phương Đông là phương kết tinh tụ hội bắt đầu cho mọi sự sống của vạn vật, và với nguyện lực cũa Đức Phật là bậc đạo sư để hướng dẫn cho một lối đi, một nền tảng cho sự sống ấy. Do đó, đối với Phương Nam, với nguyện lực của Đức Phật, là vì sự sống của chúng sanh cần phải có sự tăng trưởng mọi nguồn lực tốt đẹp, đem lại sự lành mạnh chung cho con người và muôn loài, tức là tạo tác duyên-phước lành. Vì sự tụ hội của con người càng đông nhiều, thì lực tác động thiện và bất thiện càng mạnh trong môi trường sống trong mỗi lúc, mọi nơi.v.v…
Cũng chính vì vậy, mà tinh thần Đại Bi và Đại Trí của bậc đạo sư khi xuất hiện vào đời, là cần phải chuyển hóa những nhân tố ác xấu trở nên thanh thiện, những nhân nghiệp đọa lạc tội lỗi trở nên bình an hạnh phúc và siêu thoát. Bởi vì :”Vô lượng chư Phật đã ra đời để làm lợi lạc chúng sanh. Nhưng do tội lỗi quá khứ mà ta không gặp được sự cứu độ của các Ngài.” (Shantideva).
Chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta một khi có mặt trong đời, không một ai muốn mình phải rơi vào hạ liệt, nghèo hèn và đau khổ. Thế nhưng, hạnh phúc chỉ đến với chúng ta bằng mọi hình thức của hành động tốt, tương thân tương ái là hành động tốt, biết bố thí tài vật và hiểu biết đúng đắn là hành động tốt, biết tôn trọng và tôn kính các bậc Thánh đức, Hiền nhân, là hành động tốt, biết hướng tâm hướng thượng trở về tu học và thực tập các pháp lành của bậc Thánh là hành động tốt.v.v…Đó là những nhu cầu cần thiết có được các công đức, và phước lành cho con người cho cả cõi đời hiện tại và mai sau, để tránh cho sự sống không bị lầm lạc, hổn loạn, mất nhân tính, đảo lộn trật tự, tạo kết nhiều ác xấu, não hại trong xã hội… Đây là nguyện lực trên đạo lộ bước thứ hai của Đức Phật.
“Thị Tây phương giả, vị chư chúng sanh dĩ tối hậu thân cố” (nhìn về phương tây, vì chúng sanh là thân sanh tử cuối cùng, cần được thanh lọc tâm ý, chấm dứt luân hồi.)
Vì muốn đem đạo giác ngộ giải thoát sanh tử khổ cho chúng sanh, Đức Phật mượn thân tứ đại giả hợp nầy, đến với cõi đời để thắp lên ánh sáng chơn lý cho chúng sanh được tỏ thông đạo lý. Do đó, bài pháp “Vô Ngã Tướng” Đức Phật đã thuyết minh về thế giới 5 uẩn và 5 thủ uẩn, nhằm giúp cho chúng sanh thấy rõ tiến trình sanh hóa và tiêu tàn của các pháp vạn vật và chúng sanh, với lời dạy tỉnh thức giữa cuộc sống trong cõi dục, ô nhiễm, tham động, đầy dẫy sự bon chen và đấu tranh, đưa đến tàn hại và hủy diệt do sự tối tăm của dục tham, dục sân và dục tưởng của chúng sanh, như : “Cười gì, hân hoan gì, khi đời mãi bị thiêu. Bị tối tăm bao trùm, Sao không tìm ngọn đèn ?”PC. 146.
Chúng ta càng nhận biết thêm lời dạy khác của Đức Phật, rằng : “Với những ai nói hay suy nghĩ chơn chánh như sau : ít oi là đời sống con người,nhỏ bé không đáng kể,, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với trí tuệ hãy giác ngộ ! Hãy làm điều lành ! Hãy sống phạm hạnh ! Với người đã sanh, không có bất tử….” (kinh Tăng Chi, chương 3).
Với chừng ấy lời dạy, chúng ta thấy Đức Phật đã giúp cho chúng sanh những gì…? Bậc đạo sư đã nhấn mạnh vào sự sống ngắn ngũi, bọt bèo của dòng đời, chỉ vì sự bận rộn, chật hẹp tâm tư, những tư duy cùn mụt, tạo tác khổ lụy quanh quẩn qua bao ngõ thế đời, nên không tận hưởng được cõi giới của bậc Hiền-Thánh. Qua cái nhìn khác, chúng ta thấy Phương Tây là phương mặt trời lặn, là cõi giới bình yên tịch lặng như như, sau khi đã thanh lọc tâm ý, chuyển dòng lực nghiệp để được tịnh hóa, vượt thoát tử sinh, với sức vi diệu mầu nhiệm ấy, nay đã trở thành pháp thân hiển bày muôn trùng pháp duyên và vô tận thời gian. Như vậy, chính vì mượn thân sanh tử để chuyển tải đạo giác ngộ giải thoát, đem đến chúng sanh chư thiên và loài người nguồn an lạc đích thực, và chấm dứt sự khổ đau. Đó là nguyện lực hay đạo lộ thứ ba của Đức Phật khi xuất hiện.
“Thị Bắc Phương giả, vị chư chúng sanh ngã đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (nhìn về phương Bắc, vì chúng sanh mà thị hiện ra cõi đời ngũ trược bằng thân người mà thành tựu quả Chánh Đẳng Chánh Giác, thuyết minh chơn lý thực tướng giải thoát cho chúng sanh).
Đức Phật hay chư Phật xuất hiện vào đời không ngoài mục đích giúp cho chúng sanh trở về nhận ra bản giác tự tánh vốn thanh tịnh xưa nay, và sự chiến thắng vô song, đó là tinh thần bất tuyệt của dòng dõi chư Phật ba đời, cũng phải bắt đầu từ sự kiên trì và nổ lực, đồng thời với tinh thần tỉnh thức chủ lực vẫn là “Không-Vô tướng-Vô tác.” Cái nhìn từ mọi sự vật hiện tượng…
Thế nhưng, đức Phật lại phải chỉ về phương Bắc mà thệ nguyện ; vì chúng sanh mà ra đời bằng chiếc thân 5 uẩn nầy, để thành tựu quả Phật và trình bày giáo pháp. Điều nầy giúp cho chúng ta cần quán chiếu rằng: đứng về hình thức của quả địa cầu, thì phương Bắc thường dày đặt bởi băng tuyết, giá lạnh, ảm đạm, trầm nặng u tối, khó có những sinh vật tăng trưởng.v.v… Cùng cách ấy, giống như một tâm hồn không bén rễ với các thiện sự và phát sinh lòng kính tin vào Tam Bảo. Hay nói một cách khác, chính là một thế giới ở phía Bắc của ngọn núi Tu di, một trong những cõi trời Dục giới, vì mãng lo thọ hưởng phước, đam mê bởi đời sống nhiều lạc thú thiên giới, để khi phước hết, thì bị đọa vào ba đường khổ, hay trở lại cõi người, mà không khởi tâm tu học pháp của các bậc Thánh, đôi khi chỉ biết dựa dẫm tín ngưỡng cầu nguyện suông bên ngoài, thì càng đánh mất đi năng lực trí tuệ, và sự kiên định nơi chính mình. Do đó, chỉ có bậc đại bi đại trí, minh triết viên mãn mới đủ năng lực chuyển hóa cho chúng sanh chư thiên và loài người nhờ công đức thù diệu từ nơi đức Phật khi vừa thị hiện, như : Khi Bồ tát sanh, thì người đi thuyền bị trôi được trở về. Vì Bồ tát đắc nhập Bát Chánh Đạo để dạy chúng sanh.” (kinh Ưu Bà Di). Đắc nhập Bát Thánh Đạo là đạo lộ duy nhứt của ba đời chư Phật, là con đường dẫn chúng sanh về cõi Phật giới thênh thang, chấm dứt sự trôi dạt xuôi theo dòng lạc thú cõi đời, như người bị trôi thuyền được về lại bến cũ.
Vì muốn đem lại lợi ích đích thực cho chúng sanh, nên Phật thi hiện có tu tập, có chứng đắc, và có du hóa, để lại pháp thân vi diệu muôn đời cho chúng sanh quá khứ và đến mai sau, ở lời dạy khác, Bồ tát Tịch Thiên dạy : “ Được gặp Phật xuất thế, được làm người có lòng tin Phật thích hợp để tu thiện hành, đấy là những điều kiện hiếm có, biết bao giờ ta mới được lại ?” (Nhập Bồ Tát Hạnh – 15). Như vậy là đạo lộ thứ tư mà đức Phật thị hiện vào đời.
“Thị Hạ phương giả, vị chư chúng sanh, dị dục hàng ma cố.” ( Nhìn về phương dưới, vì chúng sanh mà thị hiện hàng phục các loài ma…)
Hơn ai hết, từ các bậc Thánh Hiền, đức Phật là vị thầy tối tôn, là bậc có vô lượng công đức, có đầy đủ lục thông, với Phật trí Ngài thấy và biết rõ hành sự các loại chúng sanh phàm tâm hạ liệt từ trong cõi giới chư thiên và loài người. Và cũng hơn bao giờ hết, cuộc chiến đấu gay gắt nhứt, lại cũng xuất phát từ cái thiện và cái ác, cái chơn chánh và cái bất chánh.v.v… Có nhận nhận thức, rõ biết như thế, đức Phật giúp cho chúng ta tự đặt cho mình một sự quyết định minh triết, một hướng đi như pháp, là : “… Ai điều phục được tâm, thoát khỏi ma trói buộc” (Pc.37).
Nhìn về phương dưới, là nhìn vào tầng lớp thấp kém, phiền tạp, hổn độn của chúng sanh, những điều quấy nhiểu đàn áp và bất an, những điều khổ đau và đọa lạc, nó luôn diễn biến cuồng vọng của tâm hồn, quay cuồng theo ý tưởng ác quấy, nhằm tạo tác xung đột áp đặt vào nhau giữa chân thật và dối trá, giữa tham ác và hiền thiện, giữa biết ơn và vô ơn, giữa đức hạnh và gian tà.v.v…
Giáo dục và đạo đức luôn là nền tảng nhân bản chuẩn thằng của con người, nhưng bởi sự manh động do những quyền lợi ích kỷ và thế lực tôn quyền, thì đây chính là lực lượng của ma vương đang và đã bảo vệ thành trì của ma vương. Như vậy, Ma ; là những gì làm mất đi những tinh chất đạo đức và giáo dục, làm đảo lộn sự thăng bằng trật tự đạo lý đời sống con người trong xã hội. Ma, còn có nghĩa là đánh đổ đời sống đức hạnh. Các bậc Thánh Tổ cho rằng : “ Phật, đấng luôn nói lên sự thật, đã dạy rằng; tất cả những nỗi lo sợ cùng vô lượng thống khổ đều từ tâm mà sanh ra.” Do đó, với nguyện lực của Đức Phật thị hiện vào đời vì chúng sanh mà Ngài trình bày pháp để hàng phục ma nơi cõi đời và nơi chính mỗi tâm dục tham, phiền não và mê lầm của chúng sanh, để được cuộc sống an tịnh lạc, vượt thoát mọi trói buộc của lưới rập ma vương, dứt trừ tội nghiệp. Như vậy là bổn nguyện hay đạo lộ thứ 5 của Đức Phật thị hiện vào đời.
“Thị Thượng phương giả,vị chư chúng sanh quy y thiên nhơn cố” (Nhìn về phương trên, vì chúng sanh mà làm chỗ nượng tựa của trời người, hướng về Tam Bảo).
Đối với Đức Phật, không những là vị thầy tối tôn của các hàng trời người, Ngài còn là vị thầy siêu vượt trong hàng Tứ thánh, Bồ tát và Duyên giác. Và hơn thế nữa, trong những bậc đạo sư, giáo chủ, thị hiện vào đời tuyên thuyết khai mở con đường, thì con đường mà đức Phật trình bày luôn thắp sáng lộ trình nhân sanh và võ trụ, vì đó là chơn lý lẽ thực tự nhiên, sanh hóa và tiêu tàn của các pháp chúng sanh vạn vật, với chân trí chứng hiểu của Đức Phật, đã trở thành 10 đặc ân siêu hóa thù diệu cho chúng sanh.
Con đường (hay giáo pháp) của Đức Phật có hiệu năng hướng thượng, thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, chứng và trú vượt thời gian, vì đó là chân nghĩa pháp thanh tịnh, có năng lực giúp chúng sanh một khi thực hành sẽ được an lạc trú, chấm dứt sanh tử.Và đối với chúng Tăng, đệ tử của Đức Phật đã thành tựu Thánh hạnh, là nền tảng niềm tin tuyệt đối, bởi do có một đời sống nghiêm túc, trung thực với mọi hành sự, đoạn diệt pháp trần cấu, thành tựu những pháp hành, xứng đáng làm ruộng phước cho trời người.
Thế nhưng, qua cái nhìn khác, ngay ban đầu đức Phật đã lập nguyện sẽ là vị đạo sư hướng dẫn cho chúng sanh thấy và biết con đường vô thượng, sống một nếp sống hạnh phúc và chơn chánh, nhận ra được rằng các pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã, cũng như phân biệt rõ các cõi giới thấp kém, tội lỗi đưa đến khổ đau cho mình và cho người.v.v… Nhưng tựu trung qua những lời lập nguyện của Đức Phật hướng về 6 phương vẫn không ngoài tinh thần thuyết minh lý cơ bản Tứ Diệu Đề trong thế giới hằng hữu nầy. Và 6 phương ấy cũng chính là những hoạt dụng tâm thức của mỗi chúng ta đã và đang hiện hữu trong thế gian. Một khi con người có sự cần cầu hướng thượng, an ổn không còn bị các khổ ách do tu tập pháp của Đức Phật trình bày, do thánh đệ tử thực hành tu tập, và truyền thừa bất tận nguổn chân pháp, chân nghĩa ấy. Đây chính là sự trở về nương tựa nơi mỗi tâm hồn của chúng ta ngay trong hiện tại, bây giờ.
Thế giới con người hôn nay, không một quốc gia tiến bộ nào lại không chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tinh thần trở về một đời sống gieo đầy mầm Phật chất, để thật sự có ý thức, thể hiện quan điểm vì quyền sống và hạnh phúc của con người, vì môi trường và bảo vệ môi trường từ mọi lãnh vực sinh hoạt trong cộng đồng cuộc sống nhân loại, và trừ khử những sai lầm, ác quấy, phi đạo đức, phi giáo dục, phi nhân tính. Ngay trong pháp luật của tuyệt phần đa số những quốc gia trên thế giới, cũng không vượt khỏi 5 giới căn bản của đức Phật đã dạy cho người đệ tử tại gia, và cũng chính nội dung 5 giới nầy, đã thật sự giúp cho tự thân con người, gia đình, xã hội có một trật tự, lành mạnh và thuần thiện, là nguyên nhân đem lại an lạc và hạnh phúc lâu dài, không những cho cõi người mà còn cho các cõi trời và những cõi giới khác nữa ngay trong hiện tại và đến tận mai sau.
Nhân ngày đức Từ phụ thị hiện vào đời, và ngang qua tinh thần lập nguyện 6 phương của Đức Phật cách đây đã trên 2500 năm về trước, suy niệm và tu tập, phát huy và trưởng dưỡng nguồn năng lực giác ngộ nơi chính mình, thực hiện những điều thiện lành, để được siêu hóa trong dòng luân lạc quay cuồng của thế đời ác trược nầy. Xem đây là một hành động tích cực của những người con Phật chúng ta đồng kính mừng ngày Đản sinh của đức Từ phụ Bổn sư. Và Đức Phật vẫn hằng Đản sinh trong lòng cuộc đời.
An Giang, tháng tư 2014,mùa Phật Đản PL. 2558
MẶC PHƯƠNG TỬ