Đức Phật là một chúng sinh duy nhất, một nhà tư duy sâu sắc, một nhà diễn giả thuyết phục, một hành giả nhiệt tâm, một nhà cải cách thành công, một bậc đạo sư khoan dung và từ bi, và cũng là một nhà quản trị tài ba nhất trong lịch sử nhân loại. Điểm đáng chú ý nơi Đức Phật đó là sự thanh tịnh tuyệt đối và sự thánh thiện viên dung. Chính vì sự thanh tịnh và thánh thiện đó mà ngài được tôn xưng là "Bậc thánh thiện nhất trong những người thánh thiện". Ngài là hiện thân của những đức tính siêu tuyệt mà Ngài đã từng giảng dạy. Không khi nào Ngài biểu hiện sự kém cỏi về đức hạnh. Bất cứ ai khi được tiếp xúc với Ngài đều nhận thấy được sự vĩ đại của Ngài thể hiện qua cá tính tuyệt vời của một đấng từ tôn.
Ý chí, tuệ giác, lòng từ bi, tinh thần phụng sự quên mình, đời sống mẫu mực, những phương pháp truyền giáo toàn thiện và sự thành tựu tối hậu của Ngài đã cho chúng ta thấy rằng Ngài là một vị đạo sư vĩ đại nhất.
Đức Phật là nhà truyền giáo đầu tiên hoạt động tích cực nhất trong lịch sử nhân loại. Suốt 45 năm, Ngài đã đi từ nơi này sang nơi khác để hoằng dương chánh pháp cho giới bình dân lẫn trí thức. Cho đến những giây phút cuối đời, Ngài vẫn hóa độ quần sanh qua tấm gương cao cả và những lời cao quí của Ngài. Hàng đệ tử kiệt xuất của Ngài đã tiếp bước đấng Từ Phụ. Với đời sống thanh đạm, họ đã đến những vùng đất xa xôi để truyền thừa giáo pháp mà không mong cầu sụ đền đáp nào cả. "Hãy liên tục và kiên trì tinh tấn" là những lời di huấn tối hậu của Đức Phật. Sự giải thoát và thanh lọc không thể đạt được nếu thiếu sự tinh tấn của bản thân. Như vậy, Phật giáo không chủ trương cúng bái, khẩn cầu; mà thay vào đó thiền định là một pháp môn tu tập đưa đến tự chủ, thanh lọc vàgiác ngộ viên mãn. Sứ mệnh của Đức Phật là nhằm vào sự giải thoát chúng sanh khỏi nỗi khổ đau trói buộc bằng cách đoạn trừ cội gốc của khổ đau và chỉ dạy một con đường đưa đến chấm dứt sanh tử cho những ai mong muốn. Tuy nhiên đôi khi Đức Phật cũng thuyết giảng những bài kinh hướng đến sự tiến bộ vật chất. Cả hai sự tiến bộ vật chất và tinh thần đều cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia. Một yếu tố không thể tách biệt với những yếu tố khác, cũng thế không nên hi sinh sự tiến bộ tinh thần để thành đạt sự tiến bộ vật chất như chúng ta đã chứng kiến tại các quốc gia thiên về đời sống vật chất trên khắp thế giới. Pandit Nehru thường ca ngợi Đức Phật là một người con vĩ đại nhất của Ấn Độ. Tiến sĩ S.Radha Krishnan, một nhà lãnh đạo của Ấn Độ đồng thời là một nhà triết gia, đã thể hiện lòng tôn kính đối với Đức Phật như sau: "Nơi Đức Phật Cồ Đàm, ta nhận thấy một mẫu người tinh hoa toàn thiện của phương Đông. Ảnh hưởng của Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hi hữu, nó tỏa rộng và sâu sắc hơn ảnh hưởng của bất cứ vị giáo chủ nào trong lịch sử. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới. Ngài là kết tinh từ tinh hoa các bậc hiền trí, bởi vì xét về phương diện lý trí thuần tuý, chuẩn mực đạo đức và tuệ giác tâm linh, thì chắc chắn Ngài là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất trong lịch sử".
Trong tác phẩm: "The Tree Greatest Men in History", sử gia H.G.Well đã viết: "Nơi Đức Phật ta thấy rõ ràng là một con người giản dị, nhiệt tâm với đạo pháp, một mình phấn đấu cho ánh sáng tươi đẹp, một phẩm chất chói ngời, một con người thực thứ không phải nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyền thuyết hoang đường. Ngài đã mang lại một bức thông điệp cho toàn thể nhân loại. Nhiều tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi, tương đồng với bức thông điệp ấy. Ngài dạy rằng tất cả những đau khổ và bất mãn trong cuộc sống đều do lòng ích kỷ sanh ra. Trước khi một người có thể trở nên thanh tịnh, anh ta cần phải thay đổi lối sống cho riêng mình. Rồi từ đó anh ta vươn lên trở thành vĩ nhân. Bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Đức Phật đã kêu gọi con người hãy từ bỏ bản ngã của chính mình để sống một đời sống vị tha. Trong một vài chiều hướng, Đức Phật gần gũi với chúng ta hơn và cũng đáp ứng được những nhu cầu của chúng ta. Đối với tầm quan trọng của cá nhân trong tinh thần hi sinh và phục vụ, Ngài tỏ ra sáng suốt hơn đối với vấn đề trường tồn của kiếp người". Đức Phật thực sự là một con người, nhưng là một người phi thường bởi lẽ Ngài không phải bị sanh ra mà Ngài thị hiện nơi trần gian giả tạm. Ngài thấy được những khả năng tiềm ẩn cũng như sức mạnh sáng tạo của mọi người. Ngài không tự tôn mình là một đấng thần linh mà chỉ khuyên nhủ đệ tử của mình hãy noi gương Ngài mà tu tập vì Phật tánh luôn tìm ẩn trong mỗi người.
Đức Phật được các đệ tử tôn kính như là một bậc đạo sư có đức hạnh tối thượng, nhưng họ không thờ phụng Ngài như một vị thần linh để mong cầu những đặc ân về vật chất hay tinh thần. Ngài cũng không để cho các đệ tử nhiệt thành tôn sùng Ngài như một đấng thần linh. Tuy nhiên có một điểm đáng lưu tâm là không có một bậc đạo sư đức độ nào "phi thần linh như Đức Phật, nhưng không có ai thánh thiện như Đức Phật". Bertrand Russell, người được tặng giải Nôbel văn chương vào năm 1950 đã ca ngợi Đức Phật là "nhà vô thần kỳ vĩ nhất của mọi thời đại". Để tạo nên nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại, thì sự tỉnh thức thuần hậu về tôn giáo là một yếu tố hoàn toàn cần thiết trong thế giới mà nền đạo đức bị suy đồi trầm trọng như hiện nay. Điều quan trọng là không phải đức tin hời hợt vào giáo lý, tín điều hay sự quan sát cạn cợt đối với những nghi lễ truyền thống phục vụ cho quần chúng, mà chính là một đời sống hữu ích, thanh tịnh, chan chứa một tình thương dào dạt, hòa trong nguồn tuệ giác vô biên và lối hành xử cao đẹp dựa trên những nguyên tắc cao thượng mà các vị giáo chủ đã chỉ dạy. Giáo sư Joad cho rằng: "Vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, ở A? Độ và Trung Quốc đã xuất hiện ba vị đạo sư vĩ đại. Họ đã giúp nhân loại hiểu rằng việc thực hiện những gì đúng đắn mang lại lợi ích cho bản thân là vô cùng quan trọng, dù rằng có Thượng đế hay không. Trong ba vị đạo sư ấy, Đức Phật Cồ Đàm là vị thầy siêu tuyệt nhất". Đức Phật nhấn mạnh rằng đạo đức là một phương tiện quan trọng để đạt đến cứu cánh. Ngài khuyên chúng ta nên trau dồi chánh tư duy vô ngã, lòng từ và vô hại; tu tập chánh ngữ là từ bỏ lời dối trá, độc ác; thực hành chánh nghiệp là từ bỏ sự sát sanh, trộm cướp dù trực tiếp hay gián tiếp và từ bỏ tà hạnh; và chánh mạng là tạo ra tài sản của cải một cách hợp pháp, không bóc lột, đúng đạo lý. Tất cả những điều trên đều đặt trên nền tảng đạo đức. Đức Phật đã thuyết giảng bức thông điệp thấm nhuần luân lý đạo đức, chan chứa lòng từ bao la và tinh thần phụng sự vô ngã không chỉ cho các bậc vua chúa vương tử, các nhà quý tộc, triệu phú, mà còn giảng dạy cho những người hèn hạ, nghèo cùng, khốn khổ. Ngài mang lại sự bình đẳng cho mọi người và đề cao địa vị của con người. Ngài tuyên bố rằng con đường đưa đến sự thăng hoa tâm linh đang rộng mở cho tất cả mọi người, ai cũng như ai, cao sang hay thấp hèn, bậc đạo đức hay kẻ phạm tội, những ai đang cố gắng sống một cuộc sống thuần thiện, hoàn hảo.
Hàng ngày, Đức Phật thuyết pháp cho chư Tỳ kheo và các vị cư sĩ . Nhưng những gì Ngài dạy chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì mà Ngài biết . Một lần nọ, Ngài cầm một nắm lá trong tay, và nói rằng những gì Ngài dạy giống như lá trong tay, còn những gì Ngài biết giống như lá trong rừng. Ngài chỉ dạy những gì cần thiết giải thoát của chúng ta. Trong cuộc sống thường nhật, Ngài quan sát những người cần được giúp đỡ, Ngài giảng dạy và khích lệ các đệ tử thành tâm với Ngài, và Ngài giảng pháp cho chư Thiên, cho những người dân chất phác và giới trí thức bác học. Lời dạy của Ngài như sữa cho trẻ thơ, như thức ăn bổ dưỡng cho người lớn. Trước khi thuyết giảng, Ngài quan sát thính chúng như người đói cần ăn. Thức ăn cho thân cũng cần thiết như thức ăn cho tâm. Ngài chăm sóc người bệnh bằng chính đôi tay của mình và Ngài tuyên bố rằng: "Ai chăm sóc người bệnh cũng chính là chăm sóc Như Lai".
Đức Phật đã tạo nên một mô hình xã hội không có giai cấp bằng cách thiết lập Tăng đoàn cho những người muốn kế thừa sự nghiệp của Ngài, không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội, chỉ có sự phân định về giới phẩm như: Sa di, Tỳ kheo, Thượng tọa, Thượng tọa Trưởng lão và sự thành tựu thứ lớp chứng đắc bốn Thánh quả siêu thế. Các nguyên tắc của Tăng đoàn được hình thành cũng mang tính dân chủ. Liên hệ về điều này, Zetland đã nói: "Nhiều người rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng các cuộc hội nghị của người Phật tử tại A? độ cách đây hơn 2500 năm đã trở thành những mô hình căn bản mà ngày nay chúng ta thực thi tại nghị trường. Cũng thế, lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Phật đã thành lập giáo đoàn Tỳ kheo ni cho người phụ nữ, không phân biệt tầng lớp hay đẳng cấp xã hội. Ngài đã mang lại quyền bình đẳng cho người phụ nữ trong sự thăng tiến tâm linh".
Đức Phật cũng được xem là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại quyết tâm xoá bỏ chế độ nô lệ khi Ngài đưa ra quan niệm về tình thân ái cũng như chân giá trị của con người, Ngài kiên quyết chống lại các cuộc tế lễ đem những con vật xấu số ra cúng tế và Ngài luôn tỏa rộng lòng từ đến cho muôn loài. Một người Phật tử chân chính là người luôn mang lòng từ đến cho chúng sanh mà không hề có ý niệm phân biệt nào cả. Chính lòng từ là nền tảng tạo ra tình thân ái giữa các quốc gia và tôn giáo, từ đó phá vỡ tất cả những hàng rào chắn ngăn cản giữa quốc gia này và quốc gia khác, giữa tôn giáo này và tôn giáo khác. Nếu như những tín đồ thuộc các hệ thống tín ngưỡng khác nhau không thể cùng gắn bó trong tình huynh đệ chỉ vì họ theo các tôn giáo khác nhau, thì chắc chắn rằng những vị giaó chủ cao thượng của họ không làm tròn được sứ mạng thiêng liêng phục vụ cho sự nghiệp của nhân loại. Đức Phật là một người giàu lòng khoan dung. Thiếu khoan dung độ lượng là kẻ thù lớn nhất của tôn giáo. Do đó Đức Phật khuyên các đệ tử Ngài không nên sân hận, bất mãn hay sầu buồn khi người khác phỉ báng Ngài, giáo pháp của Ngài hay các Tỳ kheo, Ngài dạy rằng: "Nếu các con biểu lộ sự bất mãn thì không những các con đã tự tạo ra những nguy hiểm về sự mất mát tinh thần mà các con cũng không thể xét đoán những gì mà người ta nói là đúng hay là sai". Tiến sĩ Radha Krishnan nói rằng: "Đó là một tình cảm toàn giác cao thượng nhất suốt 2500 năm sau khi Đức Phật giác ngộ". Đức Phật không hề giảng dạy những giaó lý để người ta mù quáng tin theo, không yêu cầu con người phải chấp nhận những giáo điều, tín ngưỡng nếu chưa dùng lý trí để soi xét. Ngài không đặt ra lễ nghi mê tín để dẫn dắt người vào đạo, không bày ra sự sám hối hay tế lễ vô nghĩa để cầu sự thanh tịnh hóa. Đức Phật chỉ trình bày những chân lý đơn giản cho quần chúng và giảng dạy những triết lý thâm sâu cho giới trí thức. Ngài khuyên những người tìm cầu chân lý không nên tin vào quyền năng của một ai mà hãy thực nghiệm bằng trí tuệ và tự mình xem xét điều đó là đúng hay sai.
Suốt chặng đường 2500 năm ôn hoà của Phật giáo, không giọt máu nào đổ xuống vì sự truyền bá chánh pháp, không có sự cảm hoá bằng võ lực hay bất kỳ một phương tiện cưỡng bách nào khác. Đức Phật mãi là nhà truyền giáo đầu tiên và vĩ đại nhất đã từng sống trên thế gian này. Những lời dạy cao siêu của Ngài, đã được hoằng truyền rộng rãi và đang tỏa rộng trên khắp thế giới, hòa nhập vào tất cả quốc gia bởi những lời dạy ấy luôn mang tính lý luận chặt chẽ, khả năng hiện thực, tính hữu hiệu, bất bạo động, đầy khoan dung và luôn khế hợp với các nguyên lý vũ trụ. Phật giáo đã có những đóng góp to lớn cho sự tiến hoá của nhiều quốc gia tại châu Á. Thực ra, tất cả những quốc gia Phật giáo đang lớn mạnh từ chiếc nôi Phật giáo.
Có những quốc gia hưng thịnh rồi suy tàn. Có những đế quốc được xây dựng trên bạo lực và cường quyền đã trở nên thịnh vượng rồi cũng bị tan rã, nhưng vương quốc chánh pháp do Đức Phật lập ra bằng tình thương, lòng từ bi và tuệ giác vẫn đang phồn thịnh và sẽ tiếp tục thịnh vượng trên thế gian này.