Sơ Lược Thân Thế và Sự Nghiệp hoằng pháp của Đức Phật Thích Ca
-------------------------------------------
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
Thái tử Siddhãrtha Gautama (Pãli) hay Siddhattha Gotama (Sanskrist) hoặc Sĩ-Đạt-Ta (Tất-Đạt-Đa) Cồ-Đàm, sau khi thành đạo được các Phật tử tôn kính xem Ngài là một bậc đạo sư vĩ đại, vì Ngài là người đã giác ngộ viên mãn, là người tự biết mình thực sự thoát khỏi vòng quay luân hồi sinh tử, là người hiểu rõ được nguyên tắc vận hành khách quan của hiện tượng thế gian. Sau đó truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người hữu duyên không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dạy họ phương pháp tu tập chấm dứt khổ đau phiền não trong cuộc sống thế gian, hầu kinh nghiệm được hạnh phúc tối thượng.
Chi tiết về cuộc đời, lúc còn là Thái Tử, cũng như tiến trình tu chứng và thành đạo cùng những lời dạy của Ngài trong 45 năm hoằng pháp đã được chúng đệ tử ghi nhớ và tổng hợp lại sau khi Ngài nhập diệt.
LÝ LỊCH
- Đản sanh: Đức Phật đản sanh vào năm 624 trước Công nguyên. Theo lý giải của Phật Giáo Nam Tông thì Đức Phật sanh ngày Rằm tháng Tư Âm lịch. Theo Phật Giáo Bắc Tông, Đức Phật sanh ngày mồng Tám tháng Tư. Ngài ra đời tại ven rừng ở Lâm-Tỳ-Ni, một địa danh nằm giữa hai tiểu quốc Sakyã và Koliya thuở bấy giờ. Đây là khu vực nằm giữa dãy Hi-mã-lạp-sơn và sông Hằng.
Ngài tên Sĩ-Đạt-Ta (Tất-Đạt-Đa), họ Cồ Đàm (Gautama/Gotama), thuộc dòng tộc Thích Ca (Sakya). Gốc dân da trắng Árya. Ngài là Thái tử nước Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavastu) xứ Trung Ấn Độ. Phụ hoàng là Tịnh Phạn Vương-Đầu-Đà-Na (Suddhodana), Mẫu hoàng là Maya. Lúc nhỏ Ngài có trí tuệ sáng suốt và tài năng phi thường. Tuy Ngài được sống trong thời kỳ thịnh trị của triều đại Sakya, nhưng khi lớn lên nhìn thấy nhân sinh thống khổ, thế cuộc vô thường, sinh, già, bệnh, chết, nên Ngài cương quyết xuất gia tu hành, tìm đường giải thoát cho mình và cho người, với ước mong đưa tất cả chúng sanh lên bờ giác ngộ.
- Thân phụ của Thái tử là Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana).
- Thân mẫu: Là Hoàng hậu Ma-ha-ma-da [Mãyãdevĩ (Skt), Mahãmãyãdevi (P)] băng hà sau khi hạ sinh Thái tử Sĩ-Đạt-Đa 7 ngày vào năm 624 trước Công nguyên.
- Di Mẫu: Vương phi Maha-Ba-xa-ba-đề (Mahã Pajapati Gotami) là dì ruột đã trực tiếp nuôi nấng dạy dỗ Thái tử kể từ khi Hoàng hậu Maya băng hà cho đến khi Thái tử Sĩ-Đạt-Ta trưởng thành. Vương phi có con trai với vua Tịnh Phạn là Hoàng tử Nanda, nhưng để toàn tâm toàn ý lo cho Thái tử Sĩ-Đạt-Ta, lệnh bà đã giao Hoàng tử Nanda cho các bảo mẫu trong cung nuôi dưỡng.
- 16 tuổi Thái tử Sĩ-Đạt-Ta thành hôn với Công chúa Da-Du-Đà-La [Yashodhara (P)] cùng tuổi với Thái tử vào năm 608 trước Tây lịch.
- 29 tuổi: Công chúa Da-Du-Đà-La hạ sanh một hoàng nam cho Thái tử Sĩ-Đạt-Ta. Đức Vua Tịnh Phạn đặt tên cho cháu nội là La-Hầu-La (Rahula).
XUẤT GIA CẦU ĐẠO
- Xuất gia: Cũng vào năm 29 tuổi, Thái tử Sĩ-Đạt-Ta quyết định rời cung điện bắt đầu cuộc sống lang thang khất sĩ, du phương cầu đạo để giải quyết bốn vấn đề lớn là sanh, già, bệnh, chết.
Ban đầu Ngài học thiền yoga với đạo sĩ Àlàra Kàlama đạt tới Vô Sở Hữu Xứ định, tuy được Thầy ấn chứng đạt đạo và mời cùng hướng dẫn đồ chúng, nhưng Ngài từ chối vì muốn tu học thêm. Sau đó Bồ-tát theo tu học với đạo sĩ Uddaka Ramàputta, trong thời gian ngắn Bồ-tát đạt tới tầng định thứ Tư, là tầng định cao nhất của thiền Yoga là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định. Ngài được đạo sĩ Uddaka ấn chứng và ngõ ý muốn giao đồ chúng cho Ngài trông coi. Vì nhận thấy các pháp này đã không đưa đến thượng trí và Niết Bàn nên Bồ-tát từ chối, xin phép ra đi.
Trên đường đi tìm pháp Ngài gặp năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như, và đã cùng các vị này tu pháp môn khổ hạnh. Thời đó người ta tin rằng nếu hành hạ thân xác càng nhiều thì càng mau đắc quả. Qua 6 năm dài cả hai pháp tu thiền Yoga và khổ hạnh cũng không đáp ứng nhu cầu thoát khỏi luân hồi sinh tử của Bồ-tát.
Bồ-tát lại rời bỏ pháp tu đì thân đì xác đã khiến Ngài suýt chết, nếu không được cô gái chăn cừu Sujata tình cờ đi ngang qua thấy Ngài ngất xỉu bên lề đường cúng dường bát sữa. Khi tỉnh dậy, Bồ-tát ngộ ra rằng sự hành hạ thân xác quá độ như Ngài đang làm là một sai lầm lớn. Ngài nghĩ đi tu là để giác ngộ tìm ra phương án giải thoát khỏi khổ đau, mà cái gì giác ngộ nếu không nói là cái Tâm? Tâm gá vào thân để tu tập, để quán chiếu, để kiến giải. Nếu cứ hành hạ thân xác đưa đến thân hoại mạng chung thì Tâm gá vào đâu để đạt được mục tiêu giác ngộ đây? Lúc bấy giờ ngài quyết định chọn đường trung đạo sống để nuôi thân. Đó là không quá lợi dưỡng cũng không quá khổ hạnh. Nhưng về pháp hành trì thì Ngài chưa biết phải tu pháp gì? Trong một buổi toạ thiền Bồ-tát nhớ lại khi còn nhỏ đã có lần theo phụ vương tham dự Lễ Hạ Điền. Lúc ấy Thái tử đã ngồi duới gốc cây hồng táo nhập định sâu, đạt sự phấn chấn hỷ lạc qua pháp Thở nhẹ nhàng tự nhiên. Sau khi thử tập lại, Bồ-tát thấy có kết quả như lúc còn nhỏ nên Ngài quyết định chọn pháp này để hành trì.
THÀNH ĐẠO
Sau 4 tuần lễ ngồi dưới cội Pipphala bên bờ sông Neranjara (Ni-Liên-Thiền) gần làng Uruvelã. Cây Pipphala là một loại cây cổ thụ to lớn có tàng cây toả rộng lá hình trái tim, ngày nay người ta gọi là cây Bồ-đề tức cây Giác ngộ vì Đức Phật đã giác ngộ dưới cội cây này.
Vào cuối canh ba, tháng Vesãkha, khi trăng vừa lặn và sao mai ló dạng, Bồ-tát Cồ Đàm chứng quả vị đại A-la-hán, chánh đẳng giác. Năm ấy Ngài vừa tròn 35 tuổi. Kinh kể lại rằng:
- Sau đêm chứng ngộ, 7 ngày đầu tiên, Đức Phật ngồi tại cây Giác ngộ để chứng nghiệm và thọ hưởng hạnh phúc giải thoát siêu thế, đồng thời quan sát lại pháp duyên khởi.
- 7 ngày thứ hai, Đức Phật đứng nhìn cội cây Giác ngộ, biểu hiện hạnh tri ân tàng cây xanh kia đã che sương đỡ nắng cho Ngài trong thời gian qua.
- 7 ngày thứ ba, do suốt nửa tháng thấy Đức Phật cứ ở mãi bên cội cây Bồ-đề, chư thiên hoài nghi không biết Ngài đã chứng ngộ chưa. Biết sự thắc mắc của chư thiên, nên Ngài vận dụng thần thông tạo một con đường bằng ngọc giữa hư không, rồi đi kinh hành qua lại trên đó.
- 7 ngày thứ tư, Đức Phật kiến tạo một ngôi nhà lầu bằng ngọc. Ngài ngồi trong ấy để chiêm nghiệm lại tất cả nội dung và chi tiết của sự chứng ngộ.
- 7 ngày thứ năm, Đức Phật đi qua hướng Đông của cội Bồ-đề, tọa thiền dưới cội cây đại thụ bên cạnh, hưởng hạnh phúc vô vi giải thoát.
- 7 ngày thứ sáu, Đức Phật đi qua hướng Đông của cội cây đại thụ, ngồi phía bên phải của cội cây khác tên là Muccalinda, thì bất chợt mưa đổ tầm tả. Có con rồng 7 đầu (sách khác ghi là con Mãng xà vương) thấy vậy, bò đến, nhẹ nhàng quấn quanh mình Đức Phật bảy vòng, rồi dùng 7 cái đầu của nó ráp lại thành một tàng lọng vĩ đại che mưa cho Đức Phật.
- 7 ngày thứ bảy, Đức Phật dời chân qua bên phải cội cây Muccalinda, ngồi dưới tàng cây Rãjãyatana, nhập "diệt thọ tưởng định", thọ tưởng biết mà tâm hoàn toàn yên lặng, để hưởng hạnh phúc siêu thế.
Sau 7 ngày, Đức Phật xả định. Bấy giờ có hai thương buôn người Miến Điện là Tapussa và Bhallika đến dâng Đức Phật bánh bột rang và mật ong (sattu và madhu). Thấy Đức Phật không có gì để thọ nhận. Tứ đại thiên vương tức khắc xuất hiện và dâng Ngài bốn chiếc bình bát bằng đá. Đức Phật thọ nhận, dùng thần thông nhập bốn bát thành một, rồi thọ nhận bánh cúng dường của hai thương buôn. Họ là hai cư sĩ đầu tiên quy y Nhị Bảo, và nhận 8 sợi tóc của Đức Phật, sau này còn thờ tại Đại Bảo tháp Shwedagoon, ở Rangoon, Myanmar.
Trong 49 ngày, sau khi thành đạo, Đức Phật chỉ thiền định không ăn uống. Ngài vừa thọ hưởng hạnh phúc siêu thế vừa quán chiếu lại pháp đã chứng ngộ. Ngài nhận thấy kinh nghiệm giác ngộ của Ngài là chỗ tĩnh lặng ngoài lời (atakkàvacara), nó rỗng rang mà sâu sắc, nên không thể dùng ngôn từ để truyền đạt. Ngài cũng nhận thấy con người thế gian nhiều tham dục, khát ái, sân si, nên họ khó chấp nhận con đường trầm mặc ngược chiều, để sớm thoát khỏi vòng kềm toả của vô minh, nên Ngài tiếp tục yên lặng toạ thiền, quán chiếu tâm chúng sinh dưới gốc cây Bồ-đề.
Cuối cùng, được sự thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati, với lòng thương yêu chúng sinh, Ngài chấm dứt sự yên lặng và quyết định chuyển Pháp luân, dựa vào căn cơ của chúng sinh thuyết pháp cứu độ. Từ đó Ngài có danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, với thập hiệu:
1) Như Lai / Tathàgata (Skt): Là bậc nương vào Chân Như (Như vậy) mà đến (Lai). "Người đến từ chỗ Như vậy". Khi nói về mình, Phật Thích Ca xưng là Như Lai.
2) Ứng Cúng / Arahant (Skt): Bậc xứng đáng thọ nhận sự cúng dường. Ứng cúng còn là một đức hiệu của bậc thánh A-La-Hán.
3) Chính Biến Tri: Bậc có khả năng hiểu biết (Tri) đúng đắn (Chánh) và cùng khắp (Biến) tất cả các Pháp.
4) Minh Hạnh Túc: Bậc trí tuệ và phước đức vẹn toàn. Minh là trí tuệ (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh). Hạnh là phước đức, tức các hạnh nghiệp đều toàn thiện, viên mãn. Túc nghĩa là đầy đủ vẹn toàn.
5) Thiện Thệ : Bậc "khéo léo vượt qua mọi chướng ngại và đi (hoằng pháp) một cách tốt đẹp", nghĩa là sau khi chứng đạo dùng Nhất thiết trí hoá độ chúng sanh, thực hành Bát chánh đạo, rồi an trú Niết Bàn.
6) Thế Gian Giải: Là bậc thấu hiểu và rõ biết (Giải) tất cả từ quá khứ, hiện tại đến vị lai (Thế) ở trong mười phương thế giới (Gian).
7) Vô Thượng Sĩ: Là bậc tối tôn tối thượng, không ai có thể hơn được.
8) Điều Ngự Trượng Phu: Là bậc có khả năng dùng các phương tiện thiện xảo để điều phục nhiếp hoá, dẫn đắt (Điều Ngự) người tu hành (Trượng Phu) khiến họ thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết Bàn.
9) Thiên Nhân Sư: Là "bậc thầy của cõi người và cõi trời"
10) Phật Thế Tôn: Bậc giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, thế gian tôn kính.
Từ thời điểm đó, Bồ-tát Cồ Đàm biết mình là Phật, là một bậc Giác ngộ, và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh một lần nào nữa.
HOẰNG PHÁP
Khi quyết định Chuyển Pháp Luân, hai người đầu tiên Đức Phật muốn độ là hai vị đạo sĩ Àlàra Kàlama và Uddaka Ràmaputta. Nhưng rất tiếc hai vị này đã qua đời. Những người kết tiếp Đức Phật muốn độ là năm anh em Kiều Trần Như, họ là những người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước kia. Bài kinh đầu tiên Ngài giảng là bài kinh Tứ Diệu Đế, sau đó là kinh Vô Ngã Tướng. Cả năm vị đều đắc quả A-La-Hán sau hai tuần lễ nghe Pháp.
Về mặt lý thuyết, ngoài Giáo lý Tứ Diệu Đế, Vô Ngã Tướng, nhận ra Tam Pháp Ấn của hiện tượng thế gian là Vô thường, Khổ (Xung đột), Vô ngã (không thực chất tánh). Đức Phật còn giảng dạy giáo lý Duyên Khởi Pháp Duyên Sinh, quy luật Nhân Quả. Tuỳ theo căn cơ của chúng sanh mà Ngài giảng những bài Pháp thuộc Tục đế Bát Nhã hay trừu tượng siêu vượt thuộc Chân đế Bát Nhã như Ba cửa giải thoát là Không môn, Vô nguyện môn, Vô tác môn hay Chân như, Huyễn v.v...
Những pháp Đức Phật hướng dẫn để chúng đệ tử thực hành gọi chung là Đạo đế. Đạo đế gồm có 37 phẩm, trong kinh gọi là 37 phẩm trợ đạo gồm:
- Tứ niệm xứ: 1) Thân niệm trụ. 2) Thọ niệm trụ. 3) Tâm niệm trụ. 4) Pháp niệm trụ.
- Tứ chánh cần: 1) Việc ác đã làm, phải chấm dứt ngay. 2) Việc ác chưa làm, nhất định không làm. 3) Điều thiện chưa làm hãy nên làm. 4) Đã làm việc thiện, tiếp tục tăng trưởng.
- Tứ thần túc hay Tứ Như Ý túc:
1) Dục thần túc: Dục ở đây có nghĩa là mong muốn hướng thượng. Thiền định phát khởi là nhờ vào sức mạnh của ý muốn mà đạt được thần thông. Muốn thành tựu pháp thiền định đang tu, trước hết phải thiết lập dục nguyện và nỗ lực thực hành mong đạt đến cứu cánh mà mình chọn như đạt các Thánh quả.
2) Tinh tấn thần túc: Thiền định phát khởi là nhờ vào sức tinh tấn nỗ lực tu tập. Nếu đã mong cầu ước muốn rồi, mà không có sự tinh tấn nỗ lực để hành trì tu tập thì ước muốn đó trở thành vô dụng, chỉ có trên lý thuyết. Tinh tấn ở đây không phải là sự hăng hái bồng bột nhất thời như ngọn lửa rơm bùng cháy rồi tắt, mà sự tinh tấn phải miên mật, lúc nào cũng thực tập không gián đoạn.
3) Tâm thần túc: Thiền định phát sinh nhờ sức mạnh của tâm. Tâm định tĩnh thì vọng tâm không khởi lên.
4) Quán thần túc: Nhờ nương vào sức mạnh của quán giúp định phát khởi.
- Ngũ Căn: Là nền tảng căn bản để phát sanh ra tất cả thiện pháp nên gọi là Ngũ Căn. Ngũ Căn gồm:
1) Tín Căn: Lòng tin tưởng thật vững chắc nhưng không mù quáng.
2) Tấn Căn: Một khi đã thực sự tin tưởng vào Pháp Phật thì dũng mãnh tinh tấn trên con đường tu tập bằng không sẽ chẳng đạt được gì, chỉ phí thời giờ mà thôi.
3) Niệm Căn: Niệm là ghi nhớ. Ghi nhớ điều gì? Đó là trì giới. Trì giới là một điều tối quan trọng cho việc thành công hay thất bại trên con đường tu đạo.
4) Định Căn: Tâm yên lặng vững chắc để chuyên chú vào chánh pháp mà dụng tâm tu tập.
5) Huệ Căn: Trí tuệ sáng suốt hiểu biết sự vật như thật.
- Ngũ Lực: Chính là năm thần lực của Ngũ Căn. Ngũ Căn ví như là năm ngón tay, còn Ngũ Lực là sức mạnh của năm ngón tay đó. Nếu không có sức mạnh thì năm ngón tay không thể làm được gì. Tóm lại, nhờ năm căn mà có năm sức mạnh duy trì sự liên tục đưa đến giải thoát. Ngũ lực gồm:
1) Tín Lực: Thần lực của đức tin hay là sức mạnh do lòng tin tưởng phát sinh.
2) Tấn Lực: Sức mạnh kiên cố để có thể san bằng mọi trở ngại. Sức mạnh này do Tấn Căn phát sinh.
3) Niệm Lực: Là thần lực của ghi nhớ, là sức mạnh bền vững của Niệm Căn.
4) Định Lực: Thần lực của sự tập trung tư tưởng, là sức mạnh vô song của Định Căn.
5) Huệ Lực: Thần lực của trí tuệ, là sức mạnh vô biên của Huệ Căn.
- Thất giác chi còn gọi là Thất Bồ Đề Phần:
1) Niệm giác chi: Nghĩa là niệm giải thoát còn gọi là niệm Bồ-đề. Niệm giải thoát có nghĩa là Chánh niệm trong Bát chánh đạo.
2) Trạch pháp giác chi: Chọn lựa pháp giải thoát.
3) Tinh tấn giác chi: Siêng năng tu tập Niệm Giác Chi và Trạch Pháp Giác Chi. Người siêng năng tu tập Tinh Tấn Giác Chi là người sống trong thiện pháp, ly dục ly ác pháp.
4) Hỷ giác chi: Nghĩa là sự vui trong giải thoát. Hỷ Giác Chi thuộc về tâm. Muốn tu tập Hỷ Giác Chi hành giả nhập vào Định Bất động.
5) Khinh an giác chi: Thuộc về thân, là trạng thái an lạc giải thoát của thân. Khi thể nhập Tâm Bất Động sanh ra Hỷ giác chi và Khinh An giác chi. Vậy Hỷ giác chi và Khinh An giác chi là kết quả của Định Bất động.
6) Định giác chi: Gồm bốn thánh định là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Khi tâm nhập vào bốn loại thiền định này là nhờ pháp hướng tâm có hiệu quả tịnh chỉ các hành trong tâm (ngôn hành, ý hành và thân hành). Lúc bấy giờ thân tâm thể nhập thành một (nhất như) có nghĩa là tâm định trên thân, thân định trên tâm tạo thành một định lực vững mạnh khiến cho tâm nhu nhuyến, thuần tịnh, định tỉnh, không cấu nhiễm, dễ sai khiến. Trong kinh gọi đó là trạng thái Tâm Tathà hay Tâm Như.
7) Xả giác chi: Tâm thanh thản không dính mắc, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, nghĩa là tịnh chỉ hơi thở hoàn toàn. Khi Xả giác chi được sung mãn thì tâm hành giả biết mình đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử một cách rõ ràng.
- Bát chánh đạo: 1) Chánh kiến. 2) Chánh tư duy. 3) Chánh ngữ. 4) Chánh nghiệp. 5) Chánh mạng. 6) Chánh tinh tấn. 7) Chánh niệm. 8) Chánh định. Tất cả 8 nhánh phát triển cùng lúc với nhau.
Tất cả các Pháp thực hành để đi tới thoát khổ giác ngộ giải thoát đều phải theo đúng con đường Phật dạy là: Giới-Định-Huệ. Trong Giới-Định-Huệ thì Giới là phần căn bản quan trọng. Nhờ Giới, tâm mới định. Tâm có định, huệ mới phát sanh. Huệ có phát sanh, thì mới trừ được vô minh phiền não. Vô minh phiền não có dứt, thì mới "minh tâm kiến tánh" và thành Phật. Giới có nhiều thứ: Có thứ cao, thứ thấp, có giới áp dụng cho hàng xuất gia, có giới áp dụng cho hàng tại gia.
Trong suốt thời gian 45 năm hoằng pháp. Có sách ghi là 49 năm. Đức Thế Tôn đã giảng dạy và độ rất nhiều đệ tử chứng quả A-La-Hán, nhưng sau cùng Ngài lại tuyên bố "Như Lai chưa từng nói lời nào". Ý nghĩa câu này có thể hiểu là: "Những gì Đức Phật giác ngộ vốn đã là Chân lý muôn thuở, tồn tại vĩnh cửu, không thể dùng lời nói để diễn tả mà phải tự mình tu tập hành trì và chứng đắc. Những lời dạy của Như Lai chỉ là phương tiện để giúp người tu hành đạt tới Chân lý đó mà thôi, cho nên đừng chấp lời nói của Như Lai là Chân lý. Khi đạt được Chân lý rồi phải buông bỏ phương tiện". Đã buông bỏ phương tiện (lời giảng) thì xem như Đức Phật chưa nói lời nào vậy!
NHẬP "NIẾT-BÀN"
Sống đến năm 80 tuổi, Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn. Lời dạy cuối cùng của Đức Phật là: "Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, biến hoại, hãy tinh tấn tu học (để giải thoát)."
Theo kinh Đại Bát-Niết Bàn thì Đức Phật nhập diệt tại thành phố Câu-Thi-Na (Kusinagara, Ấn Độ) thuộc bộ tộc Malla vào năm 544 trước Công nguyên. Trước đó sức khoẻ của Ngài đã trở nên rất yếu sau khi dùng bữa cúng dường tại nhà thí chủ Thuần-Đà (Cunda). Trong kinh kể lại rằng trong bữa ăn đó, thí chủ Thuần-Đà cúng dường lên Ngài một bát cháo nấm Chiên-đàn, thường gọi là nấm heo rừng, vì loại nấm này rất được giống heo rừng ưa thích. Đây là loại nấm độc mà chính thí chủ Thuần-Đà không biết. Riêng Đức Phật biết nhưng Ngài vẫn thọ dụng và ngăn cản không cho người khác dùng mà bảo hãy đem chôn nó đi. Tuy nhiên, không muốn về sau Tăng đoàn đổ lỗi và khiển trách Thuần-Đà cho nên Ngài đã nói với tôn giả Ananda rằng người thợ rèn này có tâm ý tối thượng, có phước báu rất lớn vì đã cúng dường bữa ăn cuối cùng cho Như Lai.
Trong thời gian trước khi nhập diệt, Đức Phật ân cần hỏi các Tỳ kheo có ai còn những điểm nào chưa sáng tỏ về giáo pháp của Ngài, nhất là những thắc mắc có thể đưa đến các kiến giải khác nhau về sau thì nên hỏi, Ngài sẽ giải đáp. Mọi người đều lặng thinh, không có những câu hỏi hay thắc mắc nào nêu lên lúc đó.
Bấy giờ nơi khu rừng Sãla cạnh phía Nam thành phố Câu-thi-na, nước Malla, màn đêm từ từ buông xuống, khung cảnh tĩnh mịch vây quanh. Ánh sáng từ vầng trăng mát lạnh soi rõ hình dáng Đức Thế Tôn nằm nghiêng phía bên phải, đầu hướng về phía Bắc, mặt hướng về phía Tây và từ từ nhập Niết Bàn, thông qua các mức thiền định. Các vị Tỳ Kheo trưởng lão cùng toạ thiền nhập định theo dõi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Những vị chưa làm chủ được tâm xúc cảm trong đó có Ngài Anan, nghẹn ngào khóc thương đấng Từ Phụ trong giây phút tử biệt sinh ly.
Theo truyền thuyết Pàli, Đức Phật diệt độ vào ngày Rằm tháng Tư, còn văn bản Phạn ngữ cho rằng ngày Rằm tháng Mười Một.
Đức Phật nhập Niết Bàn vào năm 544 trước Tây Lịch. Năm này được lấy làm lịch Phật Giáo (tức ngày giỗ của Đức Thế Tôn). Thí dụ như Tây lịch năm nay là 2018 thì Phật lịch là 2562 (544+2018=2562)
Tương truyền rằng trong buổi lễ trà tỳ kim thân Đức Phật có nhiều hiện tượng lạ xảy ra như: Hoa Mạn-Đà-La bay đầy trời do các chư thiên cúng dường, và người ta không thể thắp ngọn lửa thiêu kim thân Đức Phật, cho tới khi Ngài Ma-ha-Ca-Diếp là một trong mười vị đại đệ tử của Phật từ phương xa về kịp đãnh lễ Ngài lần cuối.
"XÁ-LỢI" PHẬT
Sau khi viên tịch, xá-lợi của Đức Phật được chia thành 8 phần cho đại diện các xứ sau đây:
- Xứ Magadha xây tháp thờ xá lợi Phật ở Rajagriha. - Xứ Vajji xây tháp thờ ở Vasali. - Xứ Sakya xây tháp thờ ở Vethadipa. - Xứ Malla nhận 2 phần xá-lợi, xây một tháp thờ ở thủ đô Pava và một tháp khác thờ ở Kusinaga. - Riêng vị Bà-la-môn Dona xin thỉnh cái chậu vàng dùng để chia xá-lợi, đem về khu vườn nhà mình xây tháp thờ. - Sứ giả xứ Moriya đến trễ, xin thỉnh phần tro còn lại về xây tháp thờ tại thủ đô Pipphalivana. Nhiều thế kỷ sau đó, vua Asoka đã tập hợp các xá-lợi, cho xây cất và tôn thờ trong 84,000 tháp.
Trước đây nhiều người không phải tín đồ Phật giáo đã không tin là có xá-lợi Phật, họ cho đó chỉ là huyền thoại. Mãi đến năm 1898, ông W.C. Peppé, người Pháp, tiến hành khảo cổ tại vùng Pĩprãvã, phía Nam nước Nepal, đã tìm thấy một cái hộp bằng đá, trong đó có chứa hai chiếc bình một lớn, một nhỏ có chứa những viên xá-lợi. Bình đá nhỏ dạng hình cầu, chia thành hai phần thượng và hạ. Nửa phần trên có hình tay cầm, khắc niên đại của vua Asoka và nội dung của nó như sau: "Đây là xá-lợi của Đức Phật. Phần xá-lợi này do bộ tộc Sãkya, nước Srãvastĩ phụng thờ". Chiếc bình đã chứng minh nội dung trong kinh Trường A-Hàm và rải rác ở những kinh khác về việc phân chia xá-lợi của Đức Phật thành 8 phần cho 8 quốc gia cổ tại Ấn Độ sau khi Ngài nhập Niết Bàn hoàn toàn là sự thật.
CÁC THÁNH TÍCH LIÊN HỆ ĐẾN CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT
Có 4 thánh tích liên quan đến cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
1) Bodh Gaya tiếng Việt là Bồ-Đề Đạo Tràng: Nơi Đức Phật thành đạo. Tại Bodh Gaya hiện nay vẫn còn cội Bồ-đề. Cội Bồ-đề đã là bóng mát che cho Đức Phật khi Ngài ngồi thiền cho tới khi thành đạo.
Một cành chiết từ cây Bồ-đề nguyên thuỷ, đã được vua Asoka gởi tặng cho vua Devanampiya Tissa (Thiên-Ái-Đế-Tu) tại Sri Lanka vào năm 247 trước Công nguyên. Công chúa con vua Asoka là Tỳ-kheo-ni Sanghamitta đã phụng mệnh Phụ Hoàng mang nhánh Bồ-đề này sang Sri Lanka, trồng ở Anuradhapura. Tại đây nó lớn mạnh thành một cây to. Sau này người Sri Lanka đã gọi cây Bồ đề này là "Sri-Maha Bohdi" nghĩa là "Cây Bồ-đề cát tường vĩ đại". Cho tới nay trải qua gần 2,300 năm, cây Bồ-đề vĩ đại này vẫn sống tươi tốt và được người Sri Lanka xem như Quốc bảo. Rất nhiều nhánh từ cây này được chiết và gởi trồng ở chùa chiền khắp nơi trên thế giới.
Riêng cây Bồ-đề nguyên thuỷ ở Bodh Gaya đã cùng chịu chung với số phận thăng trầm của lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ. Nhiều lần nó bị chặt đốt, thiêu huỷ, một phần do thiên tai vô thường tác động và phần khác do những người thù ghét đạo Phật muốn xoá tan sự hiện hữu của nó. Thế nhưng trải qua bao nguy khốn, dòng dõi hậu duệ của cây Bồ-đề vẫn không bị diệt mầm sống, nó vẫn tiếp tục bám trụ và đâm chồi nẩy lộc, đời sau nối tiếp đời trước gợi nhớ hình bóng Đức Thế Tôn đã từng ngồi dưới gốc cây toạ thiền cho đến khi thành đạo.
Cây Bồ-đề hiện nay ít nhất đã là đời thứ sáu của cây Bồ-đề nguyên thuỷ che mát cho Đức Phật. Mặc dù trải qua nhiều lần sinh diệt, nhưng vị trí cây Bồ-đề ngày nay so với gốc cây ban đầu vẫn không có sự thay đổi chuyển dịch, vẫn định vị như gốc cây Bồ-đề nguyên thuỷ.
Với lịch sử hiển hách này, có thể nói cây Bồ-đề như một biểu tượng cao cả cho những tín đồ Phật giáo đã truyền đời nhau suốt 2,600 năm bảo tồn Chánh pháp mà Phật Thích Ca đã để lại cho thế gian.
2) Kushinaga: Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Qua các khai quật, người ta đã tìm thấy được nhiều mảnh vỡ của các tượng Phật và các cột trụ mà vua Asoka đã xây dựng. Nơi này ngày nay là Kasia, thuộc về Deoria của bang Utta Pradesh.
3) Lumbini (Lâm-Tỳ-Ni): Nơi Phật đản sanh. Trước đây người ta không xác định được địa danh này, nhiều người cho đây chỉ là huyền thoại. Mãi đến ngày 01-12-1886, nhà khảo cổ người Đức là ông Alois A. Fuhrer mới tìm thấy cột tháp của vua Asoka xác nhận đây là nơi ra đời của Phật Thích Ca Mâu Ni.
4) Sarnath (Lộc Uyển): Gần Ba-la-nại, nơi Đức Phật giảng bài kinh đầu tiên là "Tứ Thánh Đế" và "Vô Ngã Tướng" để độ cho 5 anh em nhóm Kiều Trần Như, là bạn đồng tu khổ hạnh lúc trước với Ngài. Năm vị này đắc được quả A-la-hán sau hai tuần lễ nghe pháp. Giáo hội đã được thành lập với 5 vị Tỳ Kheo đầu tiên này. Kế đó Đức Phật thuyết giảng liên tục ba tháng cho 55 người Bà-La-Môn khác. Người đứng đầu là Da-Xá. 55 người này xin quy y theo Phật. Lúc bấy giờ Đức Phật có 60 đệ tử. 60 vị này đều đạt quả Thánh, được Đức Phật thọ ký cho đi truyền đạo khắp nơi. Hiện nay, di tích còn sót lại ở Vườn Lộc Uyển là tháp Dhamekh (nghĩa là chánh pháp) được xây vào triều đại Gupta thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.
Chia tay với các đệ tử, Đức Phật rời vườn Lộc Uyển đi về phía Nam, đến xứ Ưu-lầu-tần-loa và hàng phục một vị tổ sư rất có uy tín của đạo Thờ Lửa là Ngài Ma-Ha-Ca-Diếp cùng hai người em của ông. Ngài Ca-Diếp mang tất cả đồ đệ của mình là 1,250 vị xin quy y theo Phật.
KẾT TẬP KINH ĐIỂN
Những bài thuyết pháp của Đức Phật giảng dạy trong suốt 45 năm hoằng hoá đã không ghi lại bằng văn tự từ lúc Đức Phật đương thời cho đến mấy trăm năm sau khi Ngài nhập diệt. Không phải lúc đó Ấn Độ không có chữ viết, thật ra kinh Vệ Đà của Bà-La-Môn đã được ghi chép bằng Phạn ngữ từ trước thời Đức Phật.
Các đại đệ tử của Đức Phật như Ngài Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Đại-Ca -Diếp vốn thuộc dòng dõi Bà-La-Môn, người nào cũng văn hay chữ tốt. Còn những vương tử khác thuộc dòng dõi Sát-Đế-Lợi như Anada, A-Na-Luật, Nan-Đà, Ma-Ha-Nam v.v... đương nhiên những vị này làu thông chữ nghĩa Sanskrist, nhưng kinh điển đạo Phật chỉ truyền miệng chứ không ghi chép thành văn, đó là do ý của Đức Thế Tôn. Có một sự kiện trong Tạng Luật của nhiều bộ phái ghi lại như sau: "Bấy giờ có hai anh em Bà-La-Môn xin xuất gia theo Phật. Họ yêu cầu Ngài cho phép họ tụng, đọc những lời Ngài dạy theo kiểu tụng đọc kinh điển Vệ Đà mà họ đã quen đọc, họ cũng yêu cầu sử dụng tiếng Sanskrist và sắp xếp câu văn thế nào cho hoa mỹ như cách hành văn của Sankrist trong kinh điển ấy". Về lời yêu cầu này Đức Phật dạy rằng trong đạo, Ngài không cần văn chương hoa mỹ, chỉ cần nghĩa lý rõ ràng, lập luận chặt chẻ, lời văn giọng nói cần phải đơn giản thế nào cho người nghe hiểu được mình muốn nói gì. Nghĩa là Đức Phật không chấp thuận lời yêu cầu này. Có thể sự kiện trên đây là câu giải đáp vì sao kinh điển không được ghi chép trong thời gian Đức Phật còn hiện tiền.
- Kết tập kinh điển lần thứ nhất: Sau khi Đức Phật nhập diệt 3 tháng, Ngài Đại-Ca-Diếp triệu tập 500 vị A-La-Hán kết tập những lời Đức Phật dạy. Mục đích củng cố lại Kinh Tạng và Luật Tạng thành hệ thống dựa trên Phật ngôn, bảo tồn sự trong sạch Chánh pháp. Phần lớn do ngài Ca-Diếp nêu lên câu hỏi. Ngài Ananda trả lời những câu hỏi về Kinh, ngài Upãli trả lời những câu hỏi về Luật. Tất cả đều dùng tiếng Pãli, là ngôn ngữ phổ thông được xử dụng tại miền Tây Bắc Ấn trong giới cầm quyền, giới trí thức và giới bình dân thời bấy giờ. Kỳ kết tập lần thứ nhất chỉ họp tụng Luật tạng và Kinh tạng dưới hình thức vấn đáp hoặc thuật lại các nơi Đức Phật giảng Pháp chứ chưa ghi lại thành sách.
- Kết tập kinh điển lần thứ hai: Sau khi Đức Phật nhập diệt 100 năm, vào năm 383 (hoặc 382) trước Công nguyên, Trưởng lão Da-Xá (Yasas) triệu tập kết tập kinh điển lần thứ hai. Có 700 vị Trưởng lão thông suốt Kinh tạng và Luật tạng tham dự. Tưởng cũng xin nhắc lại, suốt thời gian 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, các đại đệ tử của Đức Phật hầu hết đều lần lượt qua đời, duy chỉ còn ngài Da Xá lúc bấy giờ đã được 165 tuổi.
Lý do đại hội là vì Ngài Da-Xá không chấp nhận chư tăng gốc dân Bạt-Kỳ (Vajji) thu nhận vàng bạc cúng dường của tín thí và cho rằng việc này là phạm tội, không thi hành đúng theo luật nghi do Phật thiết lập. Tỳ kheo gốc dân Bạt-Kỳ không chấp nhận sự buộc tội này, ngược lại kết tội Trưởng lão Da-Xá là phạm tội vu khống Tỳ kheo trước tín thí và trục xuất Trưởng lão Da-Xá ra khỏi Giáo Hội. Để cứu vãn tình hình Giới Luật bị vi phạm nghiêm trọng, Ngài Da-Xá đi khắp nơi vận động triệu tập đại hội Kết tập kỳ hai để chỉnh đốn Giới Luật. Kết quả Giới luật được củng cố trong nhóm Trưởng lão, nhưng lại đưa đến việc Giáo đoàn bị chia thành 2 bộ phái: Trưởng Lão Bộ quyết tâm bảo vệ truyền thống, đưa đến tinh thần bảo thủ và cổ hũ. Còn Đại Chúng Bộ quyết tâm canh tân, đưa đến tinh thần phóng khoáng và cấp tiến.
Hình thức đại hội là hỏi đáp về 10 điều phi pháp của nhóm Tăng Bạt-Kỳ vi phạm và họp tụng lại Kinh, Luật bằng tiếng Pãli, không có ghi lại thành văn.
- Kết tập lần thứ ba: 236 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, vào năm 250 trước Công nguyên, đại hội kéo dài 9 tháng dưới sự bảo trợ của vua A-Dục (Asoka). Thành phần tham dự 1,000 vị Trưởng lão thông suốt Tam Tạng. Chủ toạ theo Bắc Tông là Ngài U-Ba-Cúc-Đa (Upagipta), Chủ tọa theo Nam Tông là Ngài Mục Kiền Liên Đế Tu (Moggaliputta Tissa). Đại hội bầu Ngài Mục Kiền Liên Đế Tu làm Thượng thủ.
Lý do họp đại hội là nhằm thanh lọc tăng giả (false monks) ra khỏi hàng ngũ Giáo Hội, dẹp tan tà giáo, xây dựng chánh tín và thống nhất Kinh, Luật, Luận. Ngôn ngữ xử dụng là tiếng Pãli. Hình thức tụng đọc Kinh, Luật, Luận và được ghi chép thành sách phổ biến khắp nơi trên toàn Ấn Độ và các nước ngoài Ấn Độ, đặc biệt là Tích Lan (Sri-Lanka).
- Kết tập lần thứ tư: Sau khi Phật nhập diệt 500 năm, khoảng giữa và cuối thế kỷ thứ nhất, vua Ca-Nị-Sắc (Kaniska) vị vua theo Nhất Thiết Hữu Bộ bảo trợ. Có 500 vị Thánh tăng tham dự, đại biểu cho 18 bộ phái. Ngài Thế Hữu (trùng tên với Ngài Thế Hữu tác giả "Dị Bộ Tôn Luân Luận") trong vai trò Thượng thủ, Ngài Mã Minh trong vai trò Phó Thượng thủ với nhiệm vụ nhuận sắc văn chương các bộ Sớ giải. Ngoài ra còn có các bậc cao tăng, thông hiểu Tam Tạng như: Hiếp Tôn Giả, Pháp Cứu, Giác Thiên, Diệu Âm.
Nguyên do đại hội là để thống nhất giáo lý của Phật giáo. Nội dung ghi lại 100 ngàn câu kệ chú thích Kinh Tạng; 100 ngàn câu kệ giải thích Luật Tạng và 100 ngàn câu kệ giải thích Luận Tạng (A-Tỳ-Đạt-Ma/Abhidharma). Kết quả: Tam Tạng được ghi lại thành văn bằng tiếng Sanskrist. Trong kỳ kết tập này tất cả các Kinh, Luật, Luận đều được khắc vào bảng đồng, mất 12 năm mới hoàn thành.
Phật giáo Tích Lan không thừa nhận kỳ Kết Tập lần thứ tư này, bởi lẽ Trưởng Lão Bộ Tích Lan cũng tổ chức Kết Tập lần thứ tư ở Tích Lan vào khoảng năm 83 trước Công nguyên. Cuộc kết tập ở đây có 500 vị Tỳ Kheo tham dự dưới sự bảo trợ của quan Đại thần thuộc triều vua Vatta Gamani Abhaya. Tam Tạng Pãli (Nam Phạn) được ghi chép trên lá buông.
Khái quát về lịch sử truyền đạo của Đức Phật, chúng ta thấy rằng những bài pháp Đức Phật giảng dạy đã không được ghi chép lại trên văn bản mà chỉ truyền bằng miệng cho đến thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba sau khi Đức Phật nhập diệt 236 năm và lần thứ tư sau khi Đức Phật nhập diệt 500 năm.
TAM TẠNG KINH ĐIỂN
Gồm 3 tạng: Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng. Tạng có nghĩa là cái giỏ. Giỏ đựng Luật, giỏ đựng Kinh và giỏ đựng Luận.
1) Tạng Luật (Vynaya Pitaka): Là những giới luật mà Đức Phật chế ra cho các đệ tử để giúp họ răn chừa làm những điều dữ, tu tập các hạnh lành, trau dồi thân tâm thanh tịnh. Luật được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn con thuyền Giáo Hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử.
Phần lớn Tạng luật đề cập đến giới Luật và nghi lễ trong đời sống xuất gia của các vị Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Gần 20 năm sau khi thành đạo, Đức Phật không có ban hành giới luật nhất định nào để gọi là kiểm soát và ép buộc chư tăng ni khép mình vào kỹ cương. Về sau, mỗi khi có trường hợp lầm lỗi xảy ra trong Tăng chúng thì Ngài mới đặt ra những điều răn thích hợp. Tạng Luật gồm 5 quyển:
1) Parajika Pali (Tội nặng)
2) Pacittiya Pali (Tội nhẹ)
3) Mahavagga Pali (Phần lớn)
4) Cullavagga (Phần nhỏ)
5) Parivara Pali (Giới toát yếu)
2) Tạng kinh (Sutta Pitaka): Gồm những bài Pháp, những lời dạy của Đức Phật khi còn tại thế cho các bậc xuất gia và hàng cư sĩ, hướng dẫn họ cách hành trì chấm dứt phiền não và đạt đến quả Niết Bàn. Tạng kinh ghi lại nhiều quy tắc để chúng đệ tử theo đó mà thực hành. Những bài Pháp này, Đức Phật thuyết giảng ở nhiều trường hợp khác nhau cho nhiều người, căn cơ, trình độ và hoàn cảnh khác nhau (đối cơ thuyết pháp). Ngoài ra có một vài bài giảng của các vị đại đệ tử xuất sắc của Đức Phật được Ngài chấp nhận, cũng được ghi vào Tạng kinh. Đó là bài giảng của Ngài Xá-Lợi-Phất (Sariputta), Mục-Kiền-Liên (Moggallana) và Anan (Ananda). Tạng Kinh gồm 5 bộ:
1) Digha Nikaya, Trường A Hàm : Ghi lại những bài pháp dài.
2) Majjhima Nikaya, Trung A Hàm: Những bài pháp dài bậc trung.
3) Samyutta Nikaya: Những câu kinh tương tự nhau
4) Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm: Những bài pháp sắp xếp theo con số.
5) Khuddaka Nikaya, Tiểu A Hàm: Những câu kệ ngắn.
Riêng bộ Tiểu A Hàm chia làm 15 tập: 1) Những bài ngắn. 2) Kinh Pháp Cú, Con Đường Chân Lý. 3) Khúc ca hoan hỷ. 4) Những bài kinh bắt đầu bằng cụm từ "Phật dạy như thế này". 5) Những bài kinh sưu tập. 6) Câu chuyện những cảnh trời. 7) Câu chuyện cảnh giới ngạ quỷ. 8) Trưởng Lão Tàng Kệ. 9) Trưởng Lão Ni kệ. 10) Những câu chuyện tái sinh của Bồ tát, Túc Sanh Truyện hay Kinh Bổn Sanh. 11) Những bài trần thuật, Nghĩa thích. 12) Quyển sách đề cập đến kiến thức, Phân giải. 13) Đời sống của chư vị A-La-Hán. 14) Tiểu sử của Đức Phật. 15) Những phẩm hạnh.
3) Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka - Vi Diệu Pháp Tạng): Phần nhiều do các đệ tử Đức Phật làm ra để trình bày giảng giải rõ ràng nghĩa lý mầu nhiệm trong Kinh và Luật. Tạng luận hay Vi Diệu Pháp là tinh hoa của Phật Giáo, so với Tạng Kinh thì giản dị hơn. Tạng Luận gồm 7 bộ:
1) Dhammasanghani, Pháp Tụ, phân loại các Pháp.
2) Vibhanga, Phân Biệt, những tiết mục
3) Dhatukatha, Giới Thuyết, luận giải về các nguyên tố hay giới.
4) Puggala Pannatti, Nhơn Thi Thuyết: chỉ danh những cá tính.
5) Kathavathu, Thuyết Sự, những điểm tranh luận.
6) Yamaka, Song Đối, quyển sách về những cặp đôi.
7) Patthana, Phát Thú: quyển sách đề cập đến tương quan nhân quả.
TẠM KẾT
Từ hơn 2,600 năm trước, tại nước Ca-Tỳ-La-Vệ cổ xưa Ấn Độ, có một vị Thái tử ra đời. Vị Thái tử thông minh tài giỏi đó đã sống và lớn lên trong cung điện hưởng một đời vinh hoa phú quý, nhưng sớm tỉnh ngộ, từ chối chiếc ngai vàng đang chờ đợi, hy sinh rời xa gia đình vợ đẹp con thơ, đi tìm chân lý giác ngộ để tự cứu bản thân mình và chúng sanh thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Bằng vào lòng từ bi, bằng vào ý chí, Ngài vượt qua mọi trở ngại, tu hành trở thành một bậc đại giác ngộ.
Tính đến nay, Đức Phật đã nhập diệt 2,562 năm, nhưng Giáo Lý cao siêu mà Ngài đã dày công hoằng dương trong 45 năm dài vẫn còn lưu lại cho nhân thế. Ngài đã để lại cho thế gian một đại kho tàng văn hoá Phật giáo đồ sộ qua ba tạng: Kinh, Luật và Luận. Có thể nói đây là một kho tàng văn hoá vô giá, không phải nó chỉ có giá trị về mặt nội dung đa dạng, hấp dẫn với những hình ảnh được vẽ ra về Đức Phật và các môn đệ của Ngài qua năm tháng, mà nó còn mang tính nhân bản, triết học, đạo đức, chuyên môn, những sự kiện liên quan đến lịch sử, những lời giảng dạy hướng dẫn con người cách sống để thoát ra khỏi khổ đau, cách tu tập để trong sạch hoá thân tâm, nhằm đạt được sự giác ngộ giải thoát như Ngài.
Khi đọc hay nghe giảng lại những lời dạy của Ngài hoặc những câu chuyện kể lại trong Kinh nhằm mục đích giáo hoá cảnh tỉnh, hầu hết mọi người đều vô cùng cảm kích và tri ân một đấng toàn giác đã mang ánh sáng giác ngộ soi đường dẫn lối giúp cho chúng sanh thấy biết đường đi để thoát ra khỏi vùng vô minh tăm tối.
Trước khi tạm ngưng bài biên khảo nơi đây. Chúng con kính quy ngưỡng Đức Thích Ca, một đại sư tâm linh từ bi và trí tuệ. Chúng con kính tri ân và nguyện học hỏi hành trì theo hạnh từ bi và trí tuệ nơi Ngài. Nguyện cho tất cả mọi người khi tưởng nhớ đến Ngài đều phát tâm Bồ-đề, giữ vững chí tu học đi trên con đường Ngài đã đi để sớm đạt được mục tiêu tối thượng./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
THÍCH NỮ HẦNG NHƯ
(September 26-2018)
Tài liệu:
- "Xin góp Ý Một số chi tiết về Đức Phật lịch sử nơi trang Wikipedia Tiếng Việt" của Hoà Thượng Viên Minh (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) đăng trên https://thuvienhoasen.org/images/file../si-dat-ta.pdf
- Dựa theo giáo trình của HT Thích Thông Triệt giảng dạy các lớp Bát Nhã và Tâm Lý Học Phật Giáo (Thiền Tánh Không).
- "Phật học Phổ Thông", Cố Hoà Thượng Thích Thiện Hoa.
- Bản dịch Việt ngữ (1999): "Đức Phật và Phật Pháp", tác giả Phạm Kim Khánh.