Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật với phương pháp tu tập

08/04/201316:35(Xem: 6708)
Đức Phật với phương pháp tu tập



ĐỨC PHẬT

VỚI PHƯƠNG PHÁP TU TẬP


Thích Phước Sơn

--- o0o ---

Nhằm hướng dẫn đệ tử tu tập đạt được hiệu quả tốt nhất, Đức Phật đã linh động vận dụng trí tuệ trình bày bằng những ví dụ vừa thực tế, vừa sống động, mang tính hấp dẫn và đầy tính khả thi. Sau đây, soạn giả xin giới thiệu một số ví dụ để độc giả nào tha thiết tìm hiểu giáo lý thâm diệu và phương pháp thiện xảo của Đức Đạo Sư có thể dễ dàng tham khảo và đem ra áp dụng.

1. Thanh lọc tâm như thợ vàng lọc vàng

Này các Tỷ kheo, có những tạp chất xen lẫn trong vàng như bụi, cát, đá, sạn; người thợ lọc vàng đem vàng đổ vào trong cái máng, rồi dội nước vào, dạu qua dạu lại, rửa đi rửa lại. Làm như vậy xong, lúc bấy giờ vàng còn lại các tạp chất nhỏ hơn, như cát đá sạn mịn, rồi người thợ lọc vàng rửa đi rửa lại thêm nữa. Bây giờ, vàng còn dính chút ít cát mịn và bụi đen, rồi người thợ lọc vàng rửa lần cuối cho hoàn toàn hết các tạp chất, chỉ còn lại vàng khoáng.

Rồi người thợ vàng bỏ thỏi vàng ấy vào trong cái lò, thụt ống bễ, thụt nhiều lần cho đến khi vàng bắt đầu chảy, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò. Thế rồi, người ấy tiếp tục thụt ống bễ, nhưng vàng ấy chưa đạt được tinh chất, anh ta lại tiếp tục thụt ống bễ cho đến khi miếng vàng trở nên nhu nhuyến, chói sáng, không bị bể vụn, mềm dẻo dễ sử dụng. Giờ đây, nếu muốn làm thành kiềng vàng, hoa tai, vòng xuyến hay chiếc nhẫn, người thợ kim hoàn có thể dùng thỏi vàng ấy chế tạo những vật trang điểm mà mình mong muốn.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, khi tu tập tăng thượng tâm, nếu các kiết sử thô tạp như thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành còn tồn tại, Tỷ kheo phải nỗ lực tư duy, tìm cách loại bỏ, gột sạch, dứt tuyệt, không cho sinh khởi trở lại. Khi làm như vậy xong, Tỷ kheo tiếp tục tu tập tăng thượng tâm; nếu các kiết sử bậc trung như dục tầm, sân tầm và hại tầm còn tồn tại, phải nỗ lực nhiều hơn nữa loại bỏ, dứt tuyệt, không cho chúng sinh khởi trở lại. Khi làm như vậy hoàn tất, Tỷ kheo lại tiếp tục tu tập tăng thượng tâm, nếu thấy các kiết sử vi tế như ý tưởng về gia tộc, về quốc độ, về danh dự còn tồn tại, phải tiếp tục nỗ lực diệt trì chúng, không cho chúng sinh khởi. Khi tâm đã nhu nhuyến dễ sử dụng, nếu muốn đạt được các pháp thần thông, như thần túc thông, thiên nhĩ thông v.v... Tỷ kheo có khả năng thành tựu các pháp thần thông ấy”. (Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3 pháp, phẩm Hạt muối, kẻ lọc vàng, tr.459-61).

2. Tu tập như huấn luyện con ngựa

Tôn giả Bhaddali thiếu nghị lực chế ngự tự thân, thường bị các dục vọng sai khiến. Để giáo hóa tôn giả về phương pháp điều phục nội tâm, Đức Phật trình bày về cách thức huấn luyện con ngựa:

- Này Bhaddali, ví như một người huấn luyện ngựa thiện nghệ, khi nhận được một con ngựa tốt, hiền thiện, trước hết phải huấn luyện con ngựa ấy cho quen với dây cương. Trong khi huấn luyện, nếu nó vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự, vì trước đây chưa được huấn luyện, huấn luyện viên cứ tiếp tục tập luyện, dần dần con ngựa sẽ làm quen với dây cương. Thế rồi, huấn luyện viên lại huấn luyện ngựa làm quen với yên ngựa. Khi huấn luyện, ngựa sẽ vùng vẫy, kháng cự, nhưng huấn luyện viên kiên trì tập luyện, dần dần ngựa sẽ quen với yên ngựa. Giờ đây, người huấn luyện lại tập luyện con ngựa diễu hành, đi vòng quanh, đi bằng đầu móng chân, chạy nước đại, phi hết tốc lực, hí vang v.v... Khi con ngựa đã luyện tập thuần thục các động tác trên, huấn luyện viên lại tập ngựa làm quen với các vật trang sức như lục lạc, vòng hoa, châu ngọc v.v... Này Bhaddali, khi con ngựa đã được tập luyện thành thạo các việc kể trên, nó trở thành một tuấn mã, lương mã, một bảo vật của quốc vương. Cũng vậy, này Bhaddali, một Tỷ kheo thành tựu các đức tính thù thắng sẽ trở thành bậc đáng tôn kính, đáng trọng vọng, đáng lễ bái, cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời. Này Bhaddali, khi Tỷ kheo thành tựu Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh trí và Chánh giải thoát sẽ trở thành bậc đáng tôn kính, đáng trọng vọng, đáng lễ bái, cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời. (Kinh Trung Bộ III, kinh Bhaddli 65, tr. 231-34)

3. Tu đúng phương pháp như lên dây đàn

Một thuở nọ Đức Thế Tôn an trú tại núi Linh Thứu, gần thành Vương Xá, còn Tôn giả Sona ở rừng Sita cách Vương Xá không xa. Vì thiếu chánh niệm để phiền não chi phối, Sona muốn trở lại đời sống thế tục, làm các công đức, hưởng thụ hạnh phúc như một người bình thường. Với tha tâm thông, Thế Tôn biết tâm niệm của người đệ tử, liền vận dụng thần túc đến trước Sana, hỏi thầy về những suy nghĩ vừa rồi. Sona thú thực mình có suy nghĩ như vậy. Phật liền hỏi thầy về phương pháp chơi đàn Tỳ bà - vốn là sở trườg của Sona - để khích lệ tôn giả tiếp tục tinh tấn:

- Này Sona, ông nghĩ thế nào, khi các dây đàn Tỳ bà quá căng thẳng có phát âm đúng thanh điệu không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Khi dây đàn quá chùn, âm thanh có êm dịu không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Vậy khi vặn dây đàn không căng, không chùn, vừa đúng mức trung bình, âm thanh có êm ta không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy này Sona, khi tâm trí quá căng thẳng thì phát sinh dao động; khi tâm trí quá thụ động thì đưa đến biếng nhác. Do vậy, ông cần phải vận dụng tâm trí quân bình, không quá căng thẳng, cũng không quá thụ động thì sự tu tập mới đạt được tiến bộ.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Sau khi vâng lời Thế Tôn chỉ giáo, tôn giả Sona sống độc cư, an tịnh, không phóng dật, nỗ lực một cách quân bình, nhờ vậy đã chứng đạt mục đích mà các thiện gia nam tử xuất gia kỳ vọng: Vô thượng cứu cánh phạm hạnh, và an trú trong hiện tại. (Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, chương 6 pháp, Đại phẩm VI, (I) Sona, tr.155-58).

4. Tu phạm hạnh như người cày ruộng

Một hôm, vào buổi sáng, Thế Tôn khoác y, cầm bát, đi khất thực ngang qua nông trường của Bà la môn Bhàradvaja. Trông thấy Thế Tôn, Bà la môn nói:

- Này Sa môn, tôi cày và gieo lúa. Sau khi cày và gieo lúa, tôi sử dụng sản phẩm đã thu hoạch. Vậy, Sa môn có cày và gieo lúa, sau khi cày và gieo lúa, sử dụng sản phẩm đã thu hoạch không?

- Này Bà la môn, Ta cũng có cày và gieo lúa; sau khi cày và gieo lúa, Ta sử dụng sản phẩm đã thu hoạch.

- Nhưng tôi đâu có thấy cái ách, bắp cày, lưỡi cày, chiếc roi và các con bò của tôn giả Gotama mặc dù tôn giả nói: “Ta cũng có cày và gieo lúa, sau khicày và gieo lúa, ta sử dụng sản phẩm đã thu hoạch?”.

Rồi Thế Tôn dùng kệ trả lời Bà la môn:

Lòng tin là hạt giống,

Khổ hạnh là trận mưa

Trí tuệ đối với ta,

Là cày và cái ác

Tàm quí là bắp cày,

Ý căn là dây buộc.

Chánh niệm là lưỡi cày

Thân, khẩu được hộ trì,

Ta nhổ lên tà vạy,

Chứng đạt chân giải thoát.

... Như vậy cày ruộng này,

Đưa đến quả bất tử.

(Tương Ưng Bộ kinh tập I, chương VII, II. phẩm Cư sĩ, 1. Cày ruộng, tr.213)

5. Hộ trì các căn như rùa sợ chó sói

Đức Thế Tôn nói với các Tỷ kheo: “Này các Tỷ kheo, vào buổi chiều một bữa nọ, con rùa và con chó sói cùng đi tìm mồi. Rùa trông thấy chó sói từ đàng xa, liền thụt 4 chân và cổ vào trong mai, nằm im lặng, bất động. Từ đàng xa, chó sói trông thấy rùa, liền đi đến gần bên, suy nghĩ: “Khi con rùa này thò ra bộ phận nào, ta sẽ chụp lấy, bẻ gãy, rồi xơi tái”. Thế nhưng, con rùa không thò ra bộ phận nào cả; chó sói không tìm được cơ hội, nên chán ngán bỏ đi.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ác ma thường xuyên ở trong tư thế rình rập các ngươi với suy nghĩ: “Rất có thể ta sẽ nắm được cơ hội do sự thiếu cảnh giác của các Tỷ kheo, đối với đôi mắt... cái lưỡi... ý căn của họ”.

Do đó, các ngươi phải luôn luôn tỉnh táo hộ trì các căn: Khi mắt thấy sắc đẹp, không nên đắm trước toàn bộ hay các chi tiết. Nếu thấy những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được hộ trì, khiến tham ái, ưu bi, các ác hạnh sinh khởi, hãy chế ngự nguyên nhân ấy, nỗ lực hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... Mũi ngửi hương... Lưỡi nếm vị... Thân cảm xúc... Ý nhận thức các pháp, không nên đắm trước toàn bộ hay các chi tiết. Nếu thấy những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác hạnh sinh khởi, hãy chế ngự nguyên nhân ấy, nỗ lực hộ trì ý căn.

Này các Tỷ kheo, khi nào các ngươi sống hộ trì các căn thì ác ma sẽ không nắm được cơ hội, chán ngán các ngươi rồi bỏ đi cũng như con chó sói đối với con rùa như vậy”. (Tương Ưng Bộ kinh, tập IV, phần 4, phẩm 4: Rắn độc, đoạn III: con rùa, tr.184).

6. Cây khô mới lấy được lửa

Một hôm, Đức Thế Tôn gặp Aggivessana, đệ tử của phái Ni Kiền Tử, Ngài thuyết giảng cho ông về cách lấy lửa từ trong cây:

- Này Aggivessana, ví như có một khúc cây đầy nhựa sống, đặt trong nước ẩm ướt, rồi một người cầm dụng cụ lấy lửa đến khúc cây ấy, suy nghĩ: “Ta sẽ kéo lửa, làm cho sức nóng xuất hiện”. Vậy, anh ta có thể dùng dụng cụ kéo lửa cọ xát khúc cây ấy cho sức nóng xuất hiện được không?

- Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy ẩm ướt, nên anh ta có hì hục kéo cách mấy lửa cũng không thể xuất hiện.

- Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn, Bà la môn nào sống không xả ly, không đoạn trừ các dục của thân và tâm, như dục tham, dục hôn ám, dục khát ái, dục nhiệt não, thì không thể tự nhiên chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Và nếu như thình lình cảm thọ những cảm giác đau nhói khốc liệt thì họ cũng không thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác.

Này Aggivessana, ví như một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt lên khỏi nước, đặt trên đất khô, rồi người kia cầm dụng cụ đến cọ xát làm cho lửa xuất hiện được không?

- Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy đẫm ướt, nên người ấy chỉ chuốc lấy mệt mỏi và bực bội mà thôi.

- Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn, Bà la môn nào không xả ly các dục về thân và tâm thì không thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác.

Này Aggivessana, ví như có một khúc cây khô, không có nhựa, được vớt khỏi nước, đặt trên đất khô, rồi một người cầm dụng cụ lấy lửa đến, suy nghĩ: “Ta sẽ lấy lửa, ánh lửa sẽ hiện ra”. Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể làm cho lửa xuất hiện được không?

- Thưa được, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy khô, không có nhựa, lại được vớt lên khỏi nước, đặt trên đất khô.

- Cũng vậy, này Aggivessana, những tôn giả Sa môn, Bà la môn nào sống xả ly các dục về thân và tâm, đã đoạn tuyệt khát ái..., thì có thể tự nhiên chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác; hoặc thình lình cảm thọ những cảm giác đau nhói, sẽ chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác. (Trung Bộ kinh, tập 1, kinh 36: Saccaka, tr.528-31).

7. Người tu như khúc gỗ trôi theo dòng nước

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn trú tại Kosambi, trên bờ sông Hằng, trông thấy một khúc gỗ trôi theo dòng nước, liền nói với các Tỷ kheo:

- Này các Tỷ kheo, nếu khúc gỗ ấy không tấp vào bờ bên này, không tấp vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên cồn cát, không bị con người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị cuốn vào nước xoáy, không bị mục nát bên trong, thì nó sẽ hướng về biển, xuôi về biển, trôi nhập vào trong biển. Vì cớ sao? Vì dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi về biển, trôi nhập vào trong biển.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, nếu các ngươi không tấp vào bờ bên này..., các ngươi sẽ hướng về Niết bàn, xuôi về Niết bàn, trôi nhập vào Niết bàn.

- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giải thích ý nghĩa các ví dụ mà Thế Tôn vừa nêu.

- Này các Tỷ kheo, bờ bên này đồng nghĩa với 6 nội xứ bờ bên kia đồng nghĩa với 6 ngoại xứ; bị chìm giữa dòng đồng nghĩa với hỷ tham bị mắc cạn trên cồn cát đồng nghĩa với ngã mạn bị cuốn vào nước xoáy đồng nghĩa với 5 dục công đức bị con người nhặt lấy nghĩa là sống quan hệ mật thiết với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau khổ khi họ đau khổ, tự trói mình vào công việc mà họ phải làm.

Bị phi nhân nhặt lấy nghĩa là sống phạm hạnh với hy vọng: “Với giới luật, khổ hạnh, phạm hạnh này, ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một Phạm Thiên”.

Bị mục nát bên trong nghĩa là thọ tà giới, theo ác pháp, sống bất tịnh, có những hành vi đáng ngờ vực, có những hành động mờ ám được che đậy; không phải Sa môn nhưng hiện tướng Sa môn, không phải phạm hạnh nhưng hiện tướng phạm hạnh, nội tâm hủ bại, chứa đầy dục vọng như đống rác bẩn.

Này các Tỷ kheo, đó là ý nghĩa những ví dụ mà Ta đã nêu trên. (Tương Ưng Bộ kinh, tập IV, phẩm 4, đoạn 4: khúc gỗ, tr.185-7).

Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu 7 ví dụ về phương pháp tu tập mà Đức Phật đã bi mẫn giảng dạy cho các đệ tử xuất gia. Nhân mùa Phật Đản, chúng ta có thể cố gắng tìm hiểu và giới thiệu cho người khác cùng hiểu những lời dạy vừa vui tươi, vừa thâm thúy của bậc Đạo Sư; rồi vận dụng vào trong đời sống hằng ngày, hầu hoàn thiện chính mình và hoàn thiện người khác; thiết nghĩ, đó cũng là một trong những cử chỉ cúng dường rất ý nghĩa nhân ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ.

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/05/2023(Xem: 127517)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
18/08/2021(Xem: 10496)
LỜI GIỚI THIỆU Trong Hán Tạng, kinh Đại Bát Niết Bàn do Ngài Đàm Vô Sấm dịch với thời Bắc Lương (thế kỷ thứ 5) có ghi lại lời dạy cuối cùng của Đức Phật với các đệ tử: „… Sau khi ta nhập Niết Bàn, đại chúng phải tinh tấn tu hành sớm ra khỏi ba cõi, chớ có giải đãi, phóng dật tán tâm…“ (Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm 26)
10/11/2020(Xem: 7363)
Kính Mừng Lễ Vía Đức Phật Dược Sư Ngày 30-09 Âm Lịch (Dược Sư Như Lai, Đại Y Vương Phật) Kính lạy Đức Phật Dược Sư Bi mẫn, Cả năm rồi, đại dịch xuất hiện thần kỳ Thế giới phong tỏa, thân quyến chia ly Nguyên nhân đến từ đâu hiện còn ẩn khuất?
30/04/2020(Xem: 4799)
Chúng ta đi giữa đất trời thiên niên thế kỷ thứ ba, nghe đâu đây suối nguồn róc rách chảy từ trái tim Phật với nụ cười vô biên không giới hạn thời gian và không gian. Từng tia nắng reo vui lấp lánh niềm tin MỘT THẾ GIỚI - MỘT HY VỌNG của nhân loại đang hướng tới để yêu thương tràn đầy bước lên thềm thế kỷ 21, thật ấm áp tình người trên trái đất nầy.
29/04/2020(Xem: 4435)
Xưa nay trên lịch sử loài người, chưa có nhà cách mạng nào đại tài như Đức Phật Thích Ca. Ngài đã thành công vẻ vang trên đường cách mạng bản thân, cách mạng xã hội và cách mạng tư tưởng để giải phóng con người thoát ách nô lệ của Bà La Môn thống trị. Đường lối và phương thức cách mạng của Ngài không giống những nhà cách mạng khác, có thể nói đi trước thời đại và cũng là tiên phong cho những phong trào cách mạng về sau. Sự cách mạng của Ngài khởi điểm tại Ấn Độ, khởi đầu bằng sự thành đạo nơi gốc Bồ đề, sau bốn mươi chín ngày nhập định, tìm ra lối thoát và lẽ sống cho chúng sanh.
13/03/2020(Xem: 17809)
Quyển "The Buddha and His Teachings" (Đức Phật và Phật Pháp) được ấn hành tại Sài gòn năm 1964 nhờ sự phát tâm bố thí của liệt vị Phật tử Việt Nam. Đạo hữu Phạm Kim Khánh, pháp danh Sunanda, đã dày công phiên dịch thiên khái luận nhỏ bé này ra tiếng mẹ đẻ với mục đích đáp lại phần nào lòng mong ước của những ai muốn hiểu Đức Phật và giáo lý của Ngài. Công đức này được hàng Phật tử Việt Nam ghi nhận. Trong hiện tình, nước Việt Nam không mấy được yên ổn. Bao nhiêu người đang đau khổ, về vật chất cũng như tinh thần. Không khí căng thẳng này quả không thích hợp với việc làm có tánh cách tinh thần và đạo đức
29/09/2018(Xem: 8806)
Thái tử Siddhãrtha Gautama (Pãli) hay Siddhattha Gotama (Sanskrist) hoặc Sĩ-Đạt-Ta (Tất-Đạt-Đa) Cồ-Đàm, sau khi thành đạo được các Phật tử tôn kính xem Ngài là một bậc đạo sư vĩ đại, vì Ngài là người đã giác ngộ viên mãn, là người tự biết mình thực sự thoát khỏi vòng quay luân hồi sinh tử, là người hiểu rõ được nguyên tắc vận hành khách quan của hiện tượng thế gian. Sau đó truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người hữu duyên không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dạy họ phương pháp tu tập chấm dứt khổ đau phiền não trong cuộc sống thế gian, hầu kinh nghiệm được hạnh phúc tối thượng.
07/09/2018(Xem: 6778)
Theo truyền thống Đại thừa, một ngàn vị Phật sẽ giáng thế trong thời kiếp may mắn này là điển hình của Hóa thân tối thượng (mchog-gi sprul-sku, thể dạng của các hóa thân tối thượng). Mỗi một vị Phật trong một ngàn vị Phật đã thành tựu giác ngộ từ lâu. Khi một vị Phật thị hiện trong thời kiếp này thì mỗi vị sẽ đồng thời hóa thân ở Nam Thiệm Bộ Châu (Southern Continent) trong mỗi một tỷ hệ thống thế giới trong vũ trụ của chúng ta, đồng thời thực hiện mười hai công hạnh giác ngộ (mdzad-pa bcu-gnyid) của một vị Phật ở nơi đó.
07/01/2015(Xem: 15378)
Để trả lời nghi vấn của một số độc gỉa TVHS về một bức tranh đen trắng vẽ Đức Phật Thích Ca khi Ngài còn tại thế (khoảng năm 41 tuổi) do một đệ tử của Ngài là Phú Lâu Na (Purna) vẽ, chúng tôi đã liên lạc với tác giả quyển sách Mùi Hương Trầm , GSTS. Nguyễn Tường Bách, người đã đề cập đến bức tranh vẽ này trong quyển sách của ông. Tác gỉa đã gửi cho chúng tôi bài đề ngày 16-1-2003 trả lời ông Vương Như Dương Chuyết Lão, người cũng có thắc mắc tương tự.
01/07/2013(Xem: 2474)
.... Năm mươi năm Ngài thuyết pháp đề huề Độ vô lượng hằng sa người giải thoát Vượt bể khổ để sang bờ an lạc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567