Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Diễn Văn Đại Lễ Mừng Chu Niên 32 Năm (1990-2022) Khai Sơn Tu Viện Quảng Đức

14/05/202412:42(Xem: 910)
Diễn Văn Đại Lễ Mừng Chu Niên 32 Năm (1990-2022) Khai Sơn Tu Viện Quảng Đức


day 8-le chu nien 32 nam (101)
day 8-le chu nien 32 nam (99)


Diễn Văn Đại Lễ
Mừng Chu Niên 32 Năm (1990-2022)
Khai Sơn Tu Viện Quảng Đức


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Tây Thiên Đông Độ, Việt Nam Truyền Giáo, Truyền Giới, Lịch Đại Tổ Sư

Nam Mô Việt Nam Bồ Tát Vị Pháp Thiêu Thân thượng Quảng hạ Đức Đại Lão Hòa Thượng Tôn Sư.

 

Kính bạch hiện tiền Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni,

 

Trong không khí trang nghiêm tình hòa quyện

Bóng Tăng Già Thích Tử hội về đây 

Quảng Đức nơi Hiệp Kỵ đã an bày 

Hàng tứ chúng hân hoan ngày đoàn tụ.

Trong không khí ấm áp của tiết trời đầu xuân Úc Đại Lợi, thay mặt Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại UĐL-TTL và đạo tràng Tu Viện Quảng Đức, chúng con xin đê đầu đảnh lễ cung nghinh và chào mừng Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý Phật tử cư sĩ đến từ bốn Châu Lục trên thế giới về dự lễ hôm nay.

Kính bạch Quý Ngài,

Kính thưa quý vị,

 

Sau khi Đức Thế Tôn thành tựu đạo quả, ánh sáng giác ngộ của Ngài đã chiếu khắp mọi nơi, hàng vạn người dân Ấn, từ sỹ, nông, công, thương, mọi tầng lớp của xã hội, đều thừa hưởng được kết quả giác ngộ của Ngài. Đến cuối đời của Ngài, Chánh Pháp đã có mặt ở khắp Ấn Độ và lan tỏa đến các quốc gia láng giềng. Từ hạ lưu của sông Hằng đi về phía đông, phía nam tới bờ sông Caodaveri, phía tây tới bờ biển Ả-rập, phía bắc tới khu vực Thaiysiro, đâu đâu cũng có sự ảnh hưởng của giáo lý Phật Đà, và người dân nơi ấy sống trong sự hòa bình và hạnh phúc. Trong triều đại của Hoàng Đế Asoka, Phật giáo đã bắt đầu truyền bá sang các vùng biên giới của đại lục, đông tới Miến Điện, nam tới Tích Lan, tây đến Xyri, Ai Cập…

 

Phật giáo Nam Truyền (Theravada) từ miền Nam Ấn độ, được truyền sang Tích Lan, rồi từ Tích Lan truyền qua Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào…. PG tại các quốc gia này tụng Kinh bằng ngôn ngữ Pali. Phật Giáo Bắc Truyền (Mahayana), từ miền Bắc Ấn vượt qua dãy núi Hindu và sông Amua ở miền Trung Afghanistan, rồi vượt qua cao nguyên Pamia, vào Tân Cương Trung quốc, từ đó đến Hà Tây, Trường An và Lạc Dương. Tiếp đó PG từ Trung Hoa truyền đến các nước lân cận như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Ngay khi được truyền vào, từ đầu thế kỷ thứ 2 Tây Lịch, Đạo Phật đã nhanh chóng thích nghi với lối sống của người dân Việt và trong quá trình hình thành và phát triển trên đất nước này, Đạo Phật đã không gặp bất cứ một trở ngại nào trong việc hòa nhập vào mọi giai tầng của xã hội Việt Nam. Đạo Phật đã thấm vào nền văn minh Việt Nam tự nhiên và dễ dàng như nước thấm vào đất. Đạo Phật đã lan tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm trên lãnh thổ Việt Nam và đã có một chỗ đứng nhất định từ cung đình cho đến làng xã Việt Nam, nên Ca Dao VN có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt". Hay nhà thơ Nguyễn Bính từng tự hào khi bộc bạch:

“Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Chuông hôm, gió sớm, trăng Rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi”.

Đạo lý nhân quả của Phật giáo cũng đã ăn sâu vào lối sống, nếp nghĩ của người dân Việt và đã trở thành những giá trị tinh thần vô giá cho người con dân xứ Việt.

Ai ơi cố gắng làm lành
Kiếp này không hưởng để dành kiếp sau
”.

Hay:

"Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con".

Sau khúc quanh lịch 1975, PGVN được truyền bá sang các nước quốc gia Bắc Mỹ, Âu Châu, nơi có người Việt định cư, riêng tại Úc Châu, từ năm 1980, PGVN có mặt tại xứ sở này để làm chỗ nương tựa tâm linh cho cộng đồng người Việt. Hơn 40 năm qua, Phật Giáo Việt Nam đang từng bước hòa nhập và phát triển tại Úc, sự ra đời  của những ngôi chùa Việt với mái ngói uốn cong mang dáng dấp Á Châu cổ kính trên xứ sở này là một hình ảnh đẹp, một sự đóng góp thiết thực, bất khả phân ly của cộng đồng người Việt vào di sản đa văn hóa, đa sắc tộc của Úc Đại Lợi. Thật đúng là:

"Chùa là văn hóa quê hương,

Là nơi thể hiện tình thương giống nòi".

Tu Viện Quảng Đức của chúng con được Hòa Thượng Viện Chủ Thích Tâm Phương khai sơn từ tháng 6 năm 1990, là một trong 70 ngôi chùa Việt Nam trên toàn liên bang Úc Đại Lợi đã ra đời để làm chỗ nương tâm linh của cộng đồng Phật tử Việt Nam và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa để đóng góp vào sự giàu mạnh, an bình, thịnh trị của xứ sở đa văn hóa này.

 

Kính bạch Quý Ngài,

Kính thưa quý vị,

Trong giờ phút thiêng liêng của Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, Về Nguồn kỳ 12 và cũng là Lễ Hoàn Nguyện Chu Niên 32 năm của Đạo Tràng Tu Viện Quảng Đức, chúng con thành kính đảnh lễ niệm ơn và tán dương công đức của Chư Tôn Thiền Đức Tăng Già, dù Phật sự đa đoan nơi bổn tự và Giáo Hội, nhưng quý Ngài vẫn hoan hỷ chấn tích quang lâm về chứng minh đại lễ này, đặc biệt chúng con thành kính tưởng niệm và tri ơn nhị vị Hòa Thượng Thích Minh Tâm, lãnh đạo PGVN tại Âu Châu, viên tịch năm 2013 và  Hòa Thượng Thích Như Huệ, lãnh đạo PGVN tại Úc, viên tịch vào năm 2016, nhị vị cố Hòa Thượng đã có công kêu gọi và hình thành tổ chức Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại để giúp chư Tăng Ni ở khắp các Châu lục, không phân biệt Giáo Hội, Tông môn, Pháp phái… cùng nhau quy tụ về một nơi để tưởng niệm công hạnh truyền trì mạng mạch của lịch đại Tổ Sư, ôn tụng Giới bản và “Bảy pháp bất thoái” mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy từ 26 thế kỷ trước, đồng thời cũng là dịp để học hỏi những hạnh nguyện xả thân vì Đạo của chư vị Tổ Đức tiền bối, ngõ hầu xây dựng hành trang cho cá nhân, sống trọn vẹn với hạnh nguyện xuất gia, thực thi Bồ tát đạo, có như vậy mới có thể giúp làm lớn mạnh tập thể của Tăng Đoàn.

Kính bạch Quý Ngài,

Kính thưa quý vị,

 

 Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư rất cần thiết cho đoàn thể Tăng già hôm nay, trong đó tinh thần “Tăng già hòa hợp” là mục tiêu của tất cả những người con Phật còn ưu tư thao thức với tiền đồ đạo pháp, bởi vì lục hòa là linh hồn, là sức mạnh, là dưỡng chất để nuôi sống Tăng già. Kỳ thực sự hòa hợp hay tinh thần lục hòa không đơn thuần là những phương thức ứng xử trong đời sống mà đó chính là hoa trái của việc thành tựu Giới-Định-Tuệ mà Thế Tôn từng nhắc nhở chúng đệ tử trong Tiểu Bộ I rằng “Này các Tỷ kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài người. Thế nào là một pháp? Đó là sự hòa hợp chúng Tăng”. Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, Ngày Về Nguồn của Tăng Ni VN Hải Ngoại hôm nay chính là thể hiện là nỗ lực trang nghiêm bản thể Tăng già mà tất cả chúng ta đều hướng về.

 

Trong Kinh Di Giáo, Đức Thế Tôn đã dạy rằng “Này các Thầy Tỳ kheo, hãy thường nhất tâm, nỗ lực cần cầu tuệ giác, giải thoát. Toàn thể vũ trụ, dầu pháp biến động hay pháp bất động, đều là trạng thái bất an và tan rã.”

Quả thật vậy, đời sống nhân loại hiện nay đầy biến động, khủng hoảng và bất an vì thiên tai và nhân họa. Với những bước phát triển vũ bão của thời đại kỹ thuật số, giúp cho con người thám hiểm nhiều bí mật ở trên không, ở dưới nước và trên đất bằng, đem lại không ít những thành tựu khoa học, phục vụ cho đời sống của nhân loại trong thế kỷ 21 này, nhưng con người kỳ thực vẫn vô vọng trước những đòi hỏi và tìm kiếm niềm hạnh phúc an lạc thật sự của nhân sinh. Hay nói khác hơn là con người ta vẫn bị khuất phục vô vọng và bó tay trước các loại bệnh ung thư, tim mạch, HIV Aids, con người vẫn đau khổ trước những loại bệnh stress, căng thẳng ở sở làm, xung đột tình cảm giữa các mối quan hệ xã hội, cha mẹ, anh em, chồng vợ, con cái; con người vẫn không hết khổ đau phiền não với những chuyện vặt hằng ngày như ăn, mặc, ở… tất cả những điều này Đức Phật đã nói trong Kinh Tăng Chi Bộ rằng “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa”.   Phương thức duy nhất để giải thoát khỏi những khổ đau và triền phược cho mình và đồng loại trong đời sống bất an đó, chính là con đường chuyển hóa nghiệp lực.

 

Trong bối cảnh xã hội như vậy, vai trò và trách nhiệm của hàng Tăng sĩ thật vô cùng quan trọng và cần thiết. Mỗi thành viên của Tăng đoàn phải là những dũng sĩ tiên phong trong cuộc chiến đối đầu quyết liệt với vô minh, cuồng tín và bất an của cộng đồng xã hội. Muốn làm được như vậy, Tăng đoàn, trước hết phải là đoàn thể thanh tịnh và hòa hợp, để từ đó hoạch định những quyết sách cần thiết, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu hộ quốc và an dân của thời đại.

Kính bạch Quý Ngài,

Kính thưa quý vị,

 

Quảng Đức Tự, ngôi Chùa thiêng, Phật hiện anh linh nơi xứ lạ

Vững Đạo Tâm, tu Chánh Pháp, Đạo vàng giải thoát cõi tâm linh

Tâm Từ Tỏa Khắp, Rời Quê Hương,  Dốc Cả Tín Tâm, Xây Nền Chánh Pháp.

Phương Thảo Thơm Xa, Nơi Úc Quốc Trút Dâng Chí Nguyện, Phụng Sự Nhân Sinh.

Hôm nay cũng là dịp đánh dấu một chặng đường 32 năm khai sơn và xây dựng Tu Viện Quảng Đức, những gì có được tại ngôi Già lam này là kết quả của chí nguyện, hoài bão, gian lao khổ nhọc của Hòa Thượng Viện Chủ Thích Tâm Phương cùng chúng đệ tử tại Đạo Tràng Quảng Đức này trong hơn 30 năm qua. Như lời của cố HT Thích Minh Tâm từng nói “ Xây chùa ở Phương Tây, gian khổ và khó khăn cũng giống như trồng sen trên tuyết”. Quả thật, không bút mực nào diễn tả cho đủ một chặng đường 32 năm gian nan, khổ nhọc trộn lẫn mồ hôi và nước mắt của những người con Phật tại đạo tràng Tu Viện Quảng Đức, đã đồng cam cộng khổ với chúng con, chúng tôi để hoàn thành công trình xây dựng ngôi Tam Bảo, ngôi Từ Đường chung cho cộng đồng Phật tử tại quốc gia này.

Chúng con, chúng tôi xin chân thành tri ân và tán thán công đức tất cả Phật tử gần xa đã hết lòng ủng hộ, cúng dường tài công vật lực trong trong ba thập niên qua để xây dựng và phát triển Tu Viện Quảng Đức cho đến tận hôm nay. Xin nguyện cầu hồng ân Chư Phật gia hộ cho những người con Phật luôn được an lành, Bồ đề nguyện mãn và tiếp tục là những Phật tử trung kiên trong công cuộc hộ trì và hoằng dương chánh Pháp trên xứ sở này.

 

Nam Mô Tây Thiên, Đông Việt,Việt Nam Phật Giáo Quá Khứ Chư Vị Truyền Giáo, Truyền Giới, Khai Sơn Trùng Hưng Phật Pháp Lịch Đại Tôn Sư, Tác Đại Chứng Minh. 

                

 Phó Ban Tổ Chức

Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức
    Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]