Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ra Mắt Thanh Văn Tạng Của Đại Tạng Kinh VN Tại Quận Cam và Công Trình Phiên Dịch Tam Tạng Kinh Điển Sang Tiếng Việt

22/03/202312:45(Xem: 2615)
Ra Mắt Thanh Văn Tạng Của Đại Tạng Kinh VN Tại Quận Cam và Công Trình Phiên Dịch Tam Tạng Kinh Điển Sang Tiếng Việt

thanh van tang (4)
Ra Mắt Thanh Văn Tạng Của Đại Tạng Kinh VN

Tại Quận Cam và Công Trình Phiên Dịch Tam Tạng Kinh Điển Sang Tiếng Việt

 

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

 

Sinh hoạt trong lãnh vực truyền thông tại Quận Cam bao lâu nay, tôi chưa bao giờ tham dự một buổi ra mắt kinh sách Phật Giáo mang ý nghĩa trọng đại đối với cộng đồng Phật Giáo Việt Nam như buổi ra mắt bộ Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam tại Nhà Hàng Brodard Chateau, Thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, Hoa Kỳ, vào chiều Chủ Nhật, ngày 19 tháng 3 năm 2023.

Sở dĩ tôi gọi sự kiện này mang ý nghĩa trọng đại vì đây không phải là buổi ra mắt Kinh sách thông thường như lâu nay, mà là buổi ra mắt 29 cuốn Kinh, Luật và Luận thuộc Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thực hiện và Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam nằm trong Hội Đồng Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vừa mới ấn hành trong tháng 3 năm 2023. Dù chưa phải là toàn bộ Thanh Văn Tạng mà chỉ là một phần nhỏ, đây là sự kiện xưa nay chưa từng diễn ra trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở đây và là thành quả sơ khởi của công trình phiên dịch để hoàn thành bộ Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt làm chuẩn mực cho sự tu học, nghiên cứu và góp phần vào việc phát triển văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, xã hội cho Phật Giáo và xã hội Việt Nam trong và ngoài nước.

 

Lễ Ra Mắt Thanh Văn Tạng Lần Đầu tại Quận Cam

 

Tầng lầu của Nhà Hàng Brodard Chateau dù không rộng lớn như một hội trường sinh hoạt quần chúng đông đảo, nhưng lại có không khí trang nghiêm và ấm cúng cho một buổi ra mắt Đại Tạng Kinh, với sự tham dự của khoảng 50 chư tôn đức Tăng, Ni và hơn 30 vị thức giả, cư sĩ và đại diện các cơ quan truyền thông báo chí Việt ngữ tại miền Nam California.

Sau mấy năm đại dịch Covid làm ngưng trệ mọi sinh hoạt tập trung, đây là lần đầu tiên có sự vân tập đông đảo chư Tăng, Ni và cư sĩ từ Việt Nam, Châu Âu, Canada và Hoa Kỳ về tham dự. Trong số chư Tôn Đức tham dự có Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan trên 96 tuổi (Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK, Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN, Chứng Minh Hội Đồng Hoằng Pháp), Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành trên 90 tuổi (Thượng Thủ GHPGVN Trên Thế Giới), Hòa Thượng Thích Trí Tuệ (Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội PGVN tại Hoa Kỳ), Hòa Thượng Thích Pháp Tánh (Viện Chủ Chùa Hoa Nghiêm, Santa Ana), Hòa Thượng Thích Minh Tuyên (Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK), Hòa Thượng Thích Minh Hồi (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Kiến Thiết GHPGVNTNHK), Hòa Thượng Thích Như Điển (Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Đức), Hòa Thượng Thích Thái Hòa (Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, VN), Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời), Hòa Thượng Thích Bổn Đạt (Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Canada), Hòa Thượng Thích Trường Phước (Cố Vấn Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp, Canada), Hòa Thượng Thích Nhựt Huệ (Thành Viên Hội Đồng Hoằng Pháp), Hòa Thượng Thích Tuệ Uy (Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục GHPGVNTNHK), v.v… Hòa Thượng Thích Nguyên Trí vì bệnh duyên nên không thể đến được, cũng như một số quý Hòa Thượng ở các nơi vì bận Phật sự nên đã không thể đến dự. Riêng Hòa Thượng Thích Bảo Lạc (Chứng Minh Hội Đồng Hoằng Pháp, Úc) dù không đến dự nhưng có gửi Thư Chúc Mừng và Thư đã được đọc trong buổi lễ. Ngoài ra còn có nhiều vị Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Trưởng, Ni Sư cũng đã có mặt để chứng kiến một sự kiện ý nghĩa. Trong giới thức giả và cư sĩ Phật tử thì có Giáo Sư và Nhà thơ Chân Văn Đỗ Quý Toàn, Nhà thơ, nhà báo và nhà nghiên cứu Phật học Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Tiến Sĩ Quảng Phước Huỳnh Tấn Lê (Chủ Tịch Tổng Hội Cư Sĩ PGVN Tại Hoa Kỳ kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Pháp Chế GHPGVNTNHK), Nhà văn Đồng Phúc Hoàng Mai Đạt (Chủ Bút Nhật Báo Viễn Đông), Nhà văn nhà báo Tâm Nhuận Phúc Doãn Hưng, Nhà báo Hòa Bình Lê (Chủ Nhiệm Việt Báo), Huynh Trưởng Cấp Dũng Tâm Hòa Lê Quang Dật, Huynh Trưởng Quang Ngộ Đào Duy Hữu (Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Tại Hoa Kỳ), Cư Sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo (Thành viên Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Thủ Quỹ Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh VN), Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang (Thành viên Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời), Cư sĩ Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ (Thư Ký Ban Báo Chí & Xuất Bản Hội Đồng Hoằng Pháp), Ký giả Kiều Mỹ Duyên, và các Ký giả Thanh Huy của Việt Báo, Ký giả Thanh Phong của Báo Viễn Đông, Ký giả Văn Lang của Báo Người Việt, Ký giả Phan Đại Nam của Đài Truyền Hình SBTN, Ký giả Đoàn Trọng của Đài Truyền Hình SET, v.v…

Trong lời Chào Mừng chư tôn đức Tăng, Ni và quan khách, đại diện Nhà Hàng Brodard, Cư sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo, Phó Ban Báo Chí & Xuất Bản HĐHP kiêm Thủ Quỹ Hội Ấn Hành ĐTKVN, đã giới thiệu chủ nhân Nhà Hàng Brodard là nữ Cư sĩ Quảng Nguyện, người đã phát tâm rộng lớn hỗ trợ tài chánh cho việc in Đại Tạng Kinh Việt Nam, mà cụ thể là ấn phí trong đợt đầu lần này in 29 cuốn thuộc Thanh Văn Tạng đã lên tới 253,000 mỹ kim, chưa tính cước phí chuyên chở lên tới khoảng 60,000 mỹ kim do Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh VN chi trả. Cư sĩ Tâm Quang đã bộc bạch:

 “Sau đó, con có thưa là sẽ ghi tên và pháp danh của chị vào các văn bản cũng như danh sách những vị ủng hộ công trình thì chị liền từ chối: “Không, đừng ghi tên chị, đừng ghi gì hết. Nhưng nếu ghi thì xin ghi là nhà hàng Brodard. Bởi vì chị quan niệm, những gì chị có được ngày hôm nay, cũng như tịnh tài mà chị phát tâm cúng dường in Đại Tạng Kinh, đều do tâm trí, công lao của chị và gia đình, của toàn thể nhân viên và đặc biệt là tất cả những thực khách ủng hộ nhà hàng Brodard. Chị muốn chia sẻ công đức này đến với tất cả những ai đã đóng góp để duy trì và phát triển hệ thống nhà hàng này.” Lòng thí chủ đã mở ra đến như thế; suy ra, tất cả những nhân viên và thực khách nào, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phục vụ và ủng hộ 3 nhà hàng Brodard Chateau, Bamboo Bistro và Brodard Restaurant, đều gián tiếp góp phần cúng dường cho việc in ấn Đại Tạng Kinh Việt Nam, và đều được thừa hưởng công đức!

“Nghe được những lời giãi bày của chị, con thật vô cùng xúc động.

“Xúc động vì thí chủ này từng chia sẻ là không hiểu nhiều về Phật Pháp, nhưng chính tâm nguyện và hành xử của chị đã nói lên được tinh thần tri ân của người con Phật là: nhớ ân chúng sinh, tức là nhớ ơn tất cả những nhân duyên tạo nên sự thành tựu cuộc sống của mình; và đồng thời không quên hồi hướng công đức đến tha nhân qua việc bố thí cúng dường, đặc biệt là cúng dường Pháp Bảo tối thượng. Đây có thể nói là bước chân đầu tiên của người con Phật trên lộ trình của bồ-đề nguyện, bồ-đề hành.”

Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, trong Diễn Văn Khai Mạc, đã nói lên tầm quan trọng của công cuộc phiên dịch Đại Tạng Kinh và kêu gọi chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử khắp nơi hỗ trợ bằng gia trì lực, trí lực, vật lực để có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả này. Một vài đoạn trong Diễn Văn Khai Mạc do Hòa Thượng đọc như sau:

 “Trong không khí đạo tràng trang nghiêm, vui tươi đầy tình đạo vị, đã nói lên tính nhuần nhuyễn, thuần thành của bốn chúng đệ tử Phật, trên con đường hoằng Pháp thượng cầu hạ hóa. Nói đến đây, tất cả chúng ta ai cũng biết Ôn chủ tịch, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ; Ôn cố vấn Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát, mà tất cả chúng ta, toàn ban phiên dịch nương tựa, y cứ cũng như thừa hành ý chỉ để thi hành nhiệm vụ, nhờ vậy mà công trình phiên dịch được trôi chảy tốt đẹp như hình ảnh ra mắt Đại Tạng Thanh Văn hôm nay. Tinh thần làm việc toàn ban: Phiên dịch, chuyết văn, sửa lỗi chính tả, layout. thiết kế một cách nhuần nhuyễn, tương kính, tương thuận… mỗi người một tay mà vỗ nên kêu trong ý vị thâm trầm phụng hiến. Sự phụng hiến này là một chất tố làm xúc tác qua hình ảnh của 18 vị Kỳ túc trong Hội đồng Phiên dịch năm 1973 mà Giáo Hội đã thỉnh cử để làm công việc dịch Đại Tạng Kinh cho Phật Giáo Việt Nam.

“Do vậy, mà ban phiên dịch rất hy vọng và kỳ vọng vào sự quan tâm, tiếp tay làm việc của cộng đồng chư Tôn Đức Tăng, Ni và sự hộ Pháp của toàn thể chư vị thiện nam tín nữ bốn chúng đệ tử Phật nhiệt thành, nhất tâm thừa tự như lời Phật dạy trong Trung bộ ba, kinh Thừa Tự Pháp, Dhammadayada sutta: “là đệ tử Phật ngày đêm luôn ghi nhớ, hãy thừa tự Phật Pháp mà không thừa tự tài vật.”

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Chứng Minh Hội Đồng Hoằng Pháp, Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN, dù năm nay đã hơn 96 tuổi, vẫn cố gắng thân lâm. Trong Đạo Từ mà Ngài đã đọc tại buổi lễ giới thiệu Thanh Văn Tạng, Trưởng Lão Hòa Thượng đã bày tỏ lòng tùy hỷ công đức của Ngài đối với công việc phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam:

“Bản thân tôi, rất tiếc vì tuổi cao sức yếu nên không thể đóng góp được gì trong công trình phiên dịch Tam Tạng Thánh Điển vô giá này, ngoài một tấm lòng tùy hỷ công đức và hỗ trợ tinh thần cho Phật sự trọng đại này.

“Tôi thiết nghĩ, với sự lãnh đạo tài đức của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và sự góp sức tận tụy của chư Tăng, Ni và Cư sĩ trong Hội Đồng Hoằng Pháp, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thì việc hoàn thành bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam là điều tất yếu sẽ đạt được.

“Điểm đặc biệt mà tôi biết là công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời được thực hiện trong chuẩn mực hàn lâm nghiêm túc, với sự đối chiếu các bản tiếng Nam Phạn, Bắc Phạn và Tây Tạng, cũng như phần chú thích công phu rất giá trị sánh ngang hàng với các bộ Đại Tạng Kinh có chuẩn mực quốc tế khác.

“Theo tôi nghĩ, một quốc gia như Việt Nam nếu có được nhiều công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh là một đại phước cho dân tộc. Không những thế, đó còn là một đại hạnh cho giới học Phật, giới nghiên cứu và các thế hệ tương lai để có nhiều tài liệu, nhiều văn bản, nhiều bản dịch ngõ hầu tra cứu, tham khảo và truy tìm thật nghĩa của Thánh Điển.”

Hòa Thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, đã trình bày khái quát về công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thực hiện. Trước hết, Hòa Thượng lượt qua một cách ngắn gọn lịch sử phiên dịch Kinh Điển từ Trung Hoa đến Nhật Bản và tới Việt Nam, với nhân vật kiệt xuất là ngài Huyền Trang đã dịch ròng rã 20 năm từ năm 645 đến năm 665. Hòa Thượng kể rằng cách nay 2 năm trong lúc Hòa Thượng Tuệ Sỹ đang điều trị bệnh tại Nhật Bản đã có gọi điện thoại thăm và trao đổi với Hòa Thượng về kế hoạch kết hợp chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ trong ngoài nước để hoằng dương Chánh pháp và phiên dịch Kinh điển sang tiếng Việt. Sau đó là mọi việc tiến hành hanh thông với việc thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp, rồi Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, và lớp học Phạn ngữ do Giáo sư Tiến Sĩ Trí Việt Đỗ Quốc Bảo phụ trách, cho đến nay đã dạy được 3 khóa. Hòa Thượng Như Điển cho biết Hòa Thượng Tuệ Sỹ hy vọng sẽ thành lập một Đại Học Phật Giáo để dạy tiếng Phạn và qua đó dịch Kinh Luật Luận trực tiếp từ chữ Phạn sang tiếng Việt. Hòa Thượng nhấn mạnh rằng chỉ có những người làm văn hóa mới để lại di sản lâu dài về sau. Hòa Thượng đã không quên bày tỏ lòng tri ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, GHPGVNTN, HĐHP và các Ban cũng như Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời.

Trong phần giới thiệu sơ lược 29 cuốn trong đợt đầu ấn hành Thanh Văn Tạng, Hòa Thượng Thích Thái Hòa, Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời đặc trách quốc nội ở Việt Nam, đã cho cử tọa biết sơ qua nhưng cũng khá đầy đủ về Kinh, Luật, Luận thuộc Thanh Văn Tạng. Hòa Thượng cho biết trong đợt đầu ấn hành Thanh Văn Tạng gồm 29 cuốn Kinh, Luật, Luận và Tổng Lục do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ biên soạn. Trong đó gồm có Kinh Trường A-hàm (2 cuốn), Kinh Trung A-hàm (4 cuốn), Kinh Tạp A-hàm (3 cuốn), và Kinh Tăng Nhất A-hàm (3 cuốn); Luật Tứ Phần (4 cuốn), Luật Tứ Phần Tăng Giới Bổn (1 cuốn); Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (3 cuốn), A-tỳ-đạt-ma Tập Dị Môn Túc Luận (1 cuốn), A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận (1 cuốn); và Tạp Bộ gồm Lục Độ Tập Kinh (1 cuốn) và Kinh Hiền Ngu (1 cuốn); và 5 cuốn Tổng Lục.

Cư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn, là một giáo sư dạy Đại Học tại Canada, là nhà thơ nổi tiếng từ trong nước trước năm 1975 và cũng là nhà bình luận thời sự những năm gần đây tại Hoa Kỳ, trong lời phát biểu đã nói lên cảm nghĩ của một người cư sĩ Phật tử đối với công cuộc phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam. Cư sĩ Chân Văn kể rằng ông đã đi chùa từ lúc còn bé nhưng chưa từng tiếp xúc với kho tàng Kinh điển bao la của Phật Giáo. Đến khi lớn lên đi học thì được biết Phật Giáo có kho tàng Kinh điển mà không có tôn giáo nào so sánh được. Rồi lúc học ở Đại Học đã từng học với quý Hòa Thượng và các Giáo Sư chia sẻ về giáo lý Phật Giáo, nhưng nhiều lắm là học được một số thuật ngữ Phật học như Bát-nhã Ba-la-mật, Đà-la-ni. Khi ra nước ngoài thì được tiếp xúc với các tài liệu nhưng chưa từng tiếp xúc với bộ Đại Tạng Kinh. Ông cho là rất may khi Phật Giáo Việt Nam bắt đầu công cuộc dịch Đại Tạng Kinh có tính chất hàn lâm. Ông nói việc này “Chúng ta đã đợi mấy ngàn năm.”

Hòa Thượng Thích Bổn Đạt (Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Canada) đã thay mặt Ban Tổ Chức thành kính tri ân chư tôn Trưởng Lão Hòa Thượng, chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Trưởng, Ni Sư đã hoan hỷ nhận lời mời của Ban Tổ Chức quang lâm tham dự. Hòa Thượng cũng đã gửi lời cảm ơn quý vị thức giả, cư sĩ, văn nghệ sĩ và các cơ quan truyền thông báo chí đến tham dự.

 

Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam

 

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp và Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, từ Việt Nam tham dự trực tiếp buổi giới thiệu Thanh Văn Tạng qua Zoom, đã thay mặt Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời bày tỏ lòng tri ân đến chư tôn Trưởng Lão Hòa Thượng, chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni, và quý thức giả, cư sĩ đã bằng nguyện lực, trí lực với hằng tâm hằng sản đã hỗ trợ cho công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam. Hòa Thượng cũng đã cho biết khái quát về công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh dựa vào Thánh giáo do kim khẩu của Đức Phật thuyết giảng được truyền bá từ hình thức khẩu truyền đến hình thức được ghi chép bằng văn tự qua các thời đại và quốc độ.

Hòa Thượng cũng đã giải thích vì sao gọi là Thanh Văn Tạng. Hòa Thượng nói rằng vì bộ Thanh Văn Tạng chứa đựng Giáo điển cơ bản trong 45 năm thuyết pháp của Đức Phật. Từ giáo nghĩa cơ bản này được hiểu và giải thích khác nhau nên dẫn đến thời kỳ Bộ Phái Phật Giáo. Rồi sau đó là thời kỳ phát triển Phật Giáo và Đại Thừa. Giống như từ rễ cây và thân cây mọc ra nhiều cành lá sum sê. Hòa Thượng nói Tam Tạng Kinh Điển qua hệ Bắc Truyền nằm trong 3 ngôn ngữ chính là tiếng Phạn (Sanskrit), chữ Hán và chữ Tây Tạng. Bốn bộ A-hàm bằng chữ Hán so với bốn bộ Nikaya bằng tiếng Pali thuộc Nam Truyền thì không có nhiều khác biệt. Hòa Thượng lưu ý rằng việc phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển từ xưa đến nay không thể nào có được sự nguyên thủy lời dạy của Đức Phật và sự chuẩn xác hoàn toàn do trải qua nhiều thế hệ khẩu truyền và do “khẩu âm và phương ngữ nên trong các truyền bản được nói là Phạn văn đã hàm chứa khá nhiều sai lạc. Điều này có thể thấy rõ qua sự so sánh các đoạn tương đương Pali, hay các dẫn chứng trong Đại Tỳ-bà-sa, Du-già Sư Địa. Thêm vào đó, các dịch giả hầu hết đều học Phật và học tiếng Sanskrit tại các nước Tây vực chứ không trực tiếp tại Ấn Độ như La-thập và Huyền Trang, nên trình độ ngôn ngữ Phạn có hạn chế.” (Trích từ bài Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam của Trí Siêu-Tuệ Sỹ được đăng trong tập Giới Thiệu Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản năm 2022 và có đăng trên trang www.hoangphap.org).

Chính vì vậy, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nói rằng không những việc phiên dịch mà ngay cả giới nghiên cứu và học Phật đều cần phải thông thạo hay ít nhất ở một trình độ tiêu chuẩn nào đó đối với Phạn ngữ để có thể hiểu được chuẩn xác. Đây cũng là lý do, Hòa Thượng cùng với Hội Đồng Hoằng Pháp tổ chức các khóa học tiếng Phạn do Giáo Sư Tiến Sỹ Phạn Ngữ tại Đại Học Đức là Cư sĩ Trí Việt Đỗ Quốc Bảo đã và đang đảm nhận. Chương trình dạy tiếng Phạn, theo Hòa Thượng cho biết sẽ kéo dài trong 5 năm để sau 5 năm các học viên có đủ trình độ tiếng Phạn có thể tham gia vào công tác phiên dịch của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng mà dự trù sẽ bắt đầu dịch Bồ Tát Tạng và sau đó là Mật Tạng.

Nhân việc này, Hòa Thượng cũng cho biết một tin rất đáng chú ý đối với cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Quận Cam, đó là việc Hòa Thượng dự định mời Thầy Kusho là vị Tăng sĩ gốc Việt tu học theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng có văn bằng cao nhất trong Phật Giáo Tây Tạng, tham gia vào việc dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam. Xin mở ngoặc ở đây một chút về Thầy Kusho. Theo Cư sĩ Nguyên Giác trong bài viết Thầy Kusho và Học Trình Phật Giáo Tây Tạng thì “Thầy Kusho sinh vào tháng 3/1986, có cơ duyên từ thơ ấu được ba mẹ đưa tới Chùa TD Ling, nơi theo truyền thống mũ vàng của Phật Giáo Tây Tạng tại thành phố Long Beach tại quận Los Angeles; Long Beach nằm giáp biên thành phố Westminster, thủ phủ Little Saigon của Quận Cam. Hiện nay, Thầy Kusho, tức là Thầy Kunchok Woser (Donald D Pham), là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được truyền thừa và đỗ văn bằng cao quý nhất trong lịch sử ngàn năm của Phật Giáo Tây Tạng. Để có thể có được học vị Lharampa cần phải có từ 23 đến 30 năm.”

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng đã giới thiệu công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam từ xưa nay. Hòa Thượng nhắc lại rằng tại Việt Nam hay cụ thể là tại Giao Châu vào thế kỷ thứ hai hay thứ nhất trước Tây Lịch đã lưu hành ít nhất 15 bộ Kinh. Rồi đến thế kỷ thứ 3 Tây Lịch ngài Khương Tăng Hội đã dịch Lục Độ Tập Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, v.v… “Nhưng do thiên tai lẫn dịch họa, bản kinh tiếng Việt đầu tiên hiện vẫn còn lại là một bản dịch vào thế kỷ 15, được biết dưới tên Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh, của Thiền Sư Viên Thái (1380-1440).” Cũng theo Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, thế kỷ 16 có bản dịch Quan Âm Chân Kinh hay Truyện Phật Bà Quan Âm. Rồi thế kỷ 17 thì có nhiều bản dịch và giải của Minh Châu Hương Hải, như Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, A-di-đà Kinh, Ma-ha-bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm Kinh. Thế kỷ 18 có các bản dịch Luật tạng, gồm Sa-di Quốc Âm Thập Giới của Như Trừng (1690-1780), Oai Nghi Diễn Âm của Như Thị (1680-1740?). Đến thế kỷ 19, chính xác là năm 1852 hay 1856, thì có bản dịch Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh của Pháp Liên. Và sau đó ngày càng xuất hiện nhiều bản dịch bằng tiếng Việt.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cho biết Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thực hiện dựa trên bản chữ Hán của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō) của Nhật Bản. Đại Chánh Tạng gồm 100 tập, được biên tập từ niên hiệu Đại Chánh (Taisho) thứ 11 (1922 Tây Lịch) và hoàn tất vào niên hiệu Chiêu Hòa (Showa) thứ 9 (1934 Tây Lịch). Theo Hòa Thượng cho biết, Đại Chánh Tạng gồm 3 phần chính: “Phần thứ nhất, gồm 32 tập, là các bản dịch Phạn Hán bao gồm Kinh, Luật, Luận, được thuyết bởi chính kim khẩu của Phật, hay được kết tập bởi các Thánh đệ tử, hoặc được trước tác bởi các Luận sư. Phần thứ hai, từ tập 33 đến tập 55, trước tác của Trung Hoa, bao gồm các sớ giải Kinh, Luật, Luận, và luận thuyết riêng biệt của các tông phái Phật Giáo Trung Hoa, các sử truyện, truyện ký, du ký, truyền kỳ; các bản Hán dịch thuộc ngoại giáo như Thắng luận, Số luận, Ba tư giáo, Thiên chúa giáo, các tập ngữ vựng Phạn Hán, giáo khoa Phạn Hán, các Kinh lục. Phần thứ ba, từ tập 56 đến 85, tập họp các trước tác của Nhật Bản, gồm các sớ giải Kinh, Luật, Luận, phần lớn căn cứ trên các bản sớ giải Trung Hoa mà giải nghĩa rộng thêm, và các luận thuyết của các tông phái tại Nhật Bản. Còn lại 12 tập sưu tập các đồ tượng, tranh ảnh, phần lớn là các đồ hình mạn-đà-la của Mật Tông. Ba tập cuối, tổng mục lục, liệt kê nội dung các bản Đại Tạng lưu hành.” (Trích từ bài Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam của Trí Siêu-Tuệ Sỹ, sđd. như trên)

Để kết thúc bài viết này, xin mượn lời của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Giới Thiệu Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam:

“Trong một không gian ấm cúng, đầy tình Đạo vị đông đảo quý ngài cùng quý liệt vị hiện diện đã tham dự và cầm trên tay Kinh Tạng Thinh Văn, là một niềm tự hào qua bao thời gian tích lũy công đức phụng sự để có được thành quả như ngày hôm nay, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao.” Một dòng sông không làm nên biển cả mà trăm sông, ngàn sông đồng đổ về đại hải để trở thành một đại dương nước mênh mông.”

Cầu nguyện công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời sớm được thành tựu viên mãn để cho Chánh Pháp cửu trụ nơi thế gian để làm lợi lạc cho tất cả hữu tình.

 

 

+++++

 
Dai Tang Kinh VN 01

Caption 1:
Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan (ngồi). Hàng đứng, từ phải, HT Thích Như Điển,
HT Thích Trí Tuệ, HT Thích Bổn Đạt, HT Thích Thái Hòa, HT Thích Nguyên Siêu, và TT Thích Hạnh Tuệ. (Photo: Thanh Huy)
 
Dai Tang Kinh VN 02
Caption 2:
Từ phải, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Trưởng Lão Hòa Thích Thắng Hoan đang ban Đạo Từ, HT Thích Nguyên Siêu. (Photo: hoangphap.org)
 
Dai Tang Kinh VN 03
Caption 3:
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đang phát biểu qua Zoom. (Photo: Thanh Huy)
 Dai Tang Kinh VN 04
Caption 4:
Từ phải, Cư Sĩ Quảng Nguyện, Chủ nhân Nhà Hàng Brodard, và nữ Cư sĩ Tâm Thanh Chiêu Hà. (Photo: Thanh Huy)
 
Dai Tang Kinh VN 05
Caption 5:
Từ phải, Huynh Trưởng Tâm Hòa Lê Quang Dật, Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải,
Cư sĩ Đồng Phúc Hoàng Mai Đạt, Cư sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Hưng. (Photo: Thanh Huy)
 
Dai Tang Kinh VN 06
Caption 6:
Từ phải, Cư Sĩ Quảng Phước Huỳnh Tấn Lê, Cư sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo, Cư sĩ Tâm Thanh Chiêu Hà, Cư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn, Huynh Trưởng Quang Ngộ Đào Duy Hữu, Huynh Trưởng Tâm Hòa Lê Quang Dật, Cư sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Hưng. (Photo: Thanh Huy)
 
Dai Tang Kinh VN 07
Caption 7:
Từ phải, TT Thích Hạnh Tuệ MC cho buổi lễ và Cư sĩ Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ phụ trách phần Zoom cho buổi lễ. (Photo: Thanh Huy)
 
Dai Tang Kinh VN 08
Caption 8:
29 tập của Thanh Văn Tạng được ấn hành đợt đầu và được giới thiệu trong buổi Lễ Giới Thiệu Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh VN.
(Photo: hoangphap.org)
 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]