Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường thuật nhanh buổi lễ “Giới Thiệu Thành Tựu Sơ Bộ Công Trình Phiên Dịch và Ấn Hành Đại Tạng Kinh VN” trên hệ thống Zoom.

19/07/202208:12(Xem: 5996)
Tường thuật nhanh buổi lễ “Giới Thiệu Thành Tựu Sơ Bộ Công Trình Phiên Dịch và Ấn Hành Đại Tạng Kinh VN” trên hệ thống Zoom.


dai tang kinh 2dai tang kinh vn (2)dai tang kinh vn (12)dai tang kinh (2)
Tường thuật nhanh buổi lễ “Giới Thiệu Thành Tựu Sơ Bộ Công Trình Phiên Dịch và Ấn Hành Đại Tạng Kinh VN” trên hệ thống Zoom.

Bài của Cư Sĩ Huệ Hương
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc






Được tổ chức vào 10:00 am (giờ VN) ngày 17/7/2022 nhằm Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (19/6 âm lịch năm Nhâm Dần)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính ngưỡng bạch Chư tôn Trưởng lão Hòa Thượng trong Hội Đồng Chứng Minh.

Kính ngưỡng bạch HT Cố vấn Chỉ đạo Hội Đồng Hoằng Pháp và HĐPDĐTK

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni trong nước và hải ngoại.

Kính thưa quý quan khách tham dự,

 

Cũng như bao người con Phật đã từng đọc tụng kinh điển ghi chép lại những lời dạy từ kim khẩu của Đức Thế Tôn và thường gặp trở ngại với các bản kinh Hán văn, thế cho nên khi nhận được thông báo từ văn phòng Chánh Thư Ký Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, cùng Hội Đồng Hoằng Pháp trên trang nhà Quảng Đức vài tuần trước khi các khoá lễ An Cư Kiết Đông diễn ra tại Úc Châu, với lời mời thật chân tình và đầy đạo vị rằng “sẽ góp phần bồi đắp cho hướng đi vững mạnh của PGVN trong tương lai, và lời nguyện cầu cho Chánh Pháp của Đức Thế Tôn cửu trụ thế gian để làm vơi bớt khổ đau trong ba cõi sáu đường”.

 

Con đã tự nguyện sẽ tham dự và chú tâm lắng nghe những lợi ích trong việc hoằng pháp độ sanh của Hội Đồng Hoằng Pháp (HĐHP), kể từ khi được hình thành với sự tán trợ của Viện Tăng Thống GHPGVNTN và sau hơn một năm hoạt động, nhất là trong địa hạt phiên dịch kinh từ Hán Tạng sang Việt ngữ.

 

Con thường thầm nguyện rằng để xứng đáng là một tín nữ trong bốn chúng đệ tử của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, dù vẫn chưa có điều kiện xuất gia và hoàn cảnh thuận lợi trong kiếp này, nên con chỉ biết dùng sở học của mình để chia sẻ cùng các đạo hữu trong phạm vi nội bộ đạo tràng.

 

Con vẫn biết có sự khác biệt giữa kiến thức và tri kiến vì kiến thức gồm những thông tin góp nhặt từ bên ngoài mà mình chưa thực sự trải nghiệm, trong khi tri kiến là sự thấy biết qua những trải nghiệm thực.

 

Con cũng biết có kiến thức nhiều nhưng không thể nghiệm được thì dễ trở thành sở tri chướng, nhưng ngược lại tri kiến nhiều lại được đức Phật gọi là đa văn, mà đa văn lại rất cần thiết cho sự giác ngộ vì đó chính là phần tướng dụng của trí tuệ gọi là hậu đắc trí, còn tánh biết là vô sư trí ( theo lời dạy của HT Viên Minh).

 

Vì thế cho nên việc hiểu rõ ràng ý nghĩa của Kinh Điển trong Đại Tạng Kinh bằng ngôn ngữ mẹ (Việt Ngữ) thật cực kỳ quan trọng do đó con rất hoan hỷ khi được biết:

Các Kinh, Luật và Luận thuộc Thanh Văn Tạng được thực hiện trong giai đoạn đầu đã được Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam in xong gồm:


Kinh Trường A-hàm (2 quyển) + 1 Tổng Lục

Kinh Trung A-hàm (4 quyển) + 1 Tổng Lục

Kinh Tạp A-hàm (3 quyển) + 1 Tổng Lục

Kinh Tăng Nhất A-hàm (3 quyển) + 1 Tổng Lục

Luật Tứ Phần (4 quyển) + 1 Tổng Lục, và

Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (5 quyển).

 

Và đó là lý do con kính hoan hỷ tường thuật lại những điều thật tuyệt vời đã được nghe trong buổi lễ hôm nay.

Tuy còn rất vụng về khi diễn đạt nhưng kính mong với thiện chí chia sẻ lại với các đạo hữu xa gần không phương tiện tham dự, kính mong Chư Tôn Thiền Đức, quý Tăng Ni và quý quan khách tham dự niệm tình tha thứ cho những khiếm khuyết không được đầy đủ như ý nguyện .

Kính trân trọng,

 

Và hôm nay 17/7/2022 tại Melbourne, với tư cách một Phật Tử nhiệt tâm tín thành, con đã được Zoom mở cửa, cho vào tham dự như thông báo đã mời.

 

Trước khi buổi lễ bắt đầu, trong khi chờ đợi quý Hòa Thượng và quý quan khách sẽ có lời phát biểu cảm tưởng được hiện diện đầy đủ, TT. Thích Nguyên Tạng người điều hợp chương trình đã nhờ đạo hữu Tâm Thường Định cho quay lại clip video 18 vị Tôn túc thành viên trong hội đồng phiên dịch Tam Tạng từ 1973. Đó là:

 

1- HT Thích Trí Tịnh (1917-2014)

2-HT Thích Trí Quang (1923-2019)

3- HT Thích Minh Châu (1918-2012)

4-HT Thích Nhật Liên (1923- 2010)

5 -HT Thích Đức Nhuận (1924-2001)

6- HT Thích Quảng Độ (1928-2020)

7-HT Thích Thiện Siêu (1921-2001)

8-HT Thích Huyền Vi (1926-2005)

9-HT Thích Trí Thành (1921-1999)

10-HT Thích Huệ Hưng (1917-1990)

11- HT Thích Trung Quán (1918-2003)

12-HT Thích Đức Tâm (1928-1988)

13-HT Thích Thuyền Ấn (1927-2010)

14-HT Thích Trí Nghiêm (1917-2003)

15-HT Thích Thiền Tâm (1926-1992)

16–HT Thích Thanh Từ (1929- )

17-HT Thích Bửu Huệ (1914-1991)

18-HT Thích Tuệ Sỹ (1943- )

 

Và chương trình bắt đầu đúng 1:00 Am của Melbourne và con số người tham dự đã lên đến 165 người.

 

TT Thích Nguyên Tạng đã bắt đầu buổi lễ với lời cung kính chào đón:

Chư Tôn Đức Hòa Thượng Trưởng Lão chứng minh

Chư Hòa Thượng Trưởng Lão trong ban Cố vấn Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Kinh,

Hòa Thượng Cố vấn chỉ đạo HĐHP và HĐPDKT,

Quý chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni,

Cùng quý vị thân hào nhân sĩ, thiện nam tín nữ đã hoan hỷ về tham dự buổi lễ quan trọng này.

 

Sau khi kính mời mọi người chắp tay niệm Phật cầu gia bị và một phút mặc niệm để tưởng nhớ bậc truyền giáo trong Lịch đại Tổ Sư đã lăn chuyển bánh xe pháp trên thế gian này, TT Điều hợp viên Thích Nguyên Tạng đã giới thiệu chương trình buổi lễ bằng bốn câu thơ:

 

Hân hoan chào đón Đại Tạng Kinh

Phật Việt từ đây đã xương minh

Tứ chúng đồng tu lời Phật dạy

Lời vàng tỏ rõ ý chánh minh.
(thơ của PT Thanh Phi)

 

Qua lời giới thiệu chúng con được biết quý Trưởng Lão Hòa Thượng về chứng minh buổi lễ hôm nay gồm có:

-Trưởng Lão HT Thích Huyền Tôn (Mebourne, Australia)

-Trưởng Lão HT Thích Thắng Hoan (California/ USA)

-Trưởng Lão HT Thích Bảo Lạc (Sydney/ Australia)

-Trưởng Lão HT Thích Tuệ Sỹ, Chứng minh, Cố vấn chỉ đạo và Chủ tịch HĐPD
-HT Thích Như Điển (từ Khoá tu học Âu Châu tại chùa Khánh Anh / Pháp)

-HT Thích Nguyên Siêu (California/ USA)

-HT Thích Bổn Đạt (Ottawa/ Canada)

-HT Thích Minh Tâm (Chùa Phật Ân/ Long Thành - VN nơi HT Tuệ Sỹ cùng an cư).

-Giáo Sư Tiến sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát, diễn giả (VN)

Và GS Nguyễn Xuân Thu, khách mời phát biểu (Melbourne- Australia).

 

Chương trình nghị sự như sau:

 

1/ Niệm Phật, giới thiệu chư Tôn Đức, quan khách tham dự và thông qua chương trình

(TT Thích Nguyên Tạng điều hợp chương trình)

2/ Hòa Thượng Chánh Thư Ký Thích Như Điển tuyên bố khai mạc.

3/ Thuyết trình 1: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ:

“Công trình Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam”.

4/ Phát biểu 1: Cư sĩ Trí Việt Đỗ Quốc Bảo, về lớp đào tạo Phạn ngữ

5/ Thuyết trình 2: Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát trình bày về

“Phật Điển Việt Nam” (những Tạng Kinh của PGVN).

6/ Phát biểu 2: Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, về công tác chuyết văn & xuất bản.

7/ Thuyết trình 3: Hòa Thượng Phó Thư Ký Thích Nguyên Siêu: “Tổng kết thành quả của hai Hội Đồng trong 6 tháng qua “.

8/ Cảm tưởng 1: Cư sĩ Nguyên Hạnh – Nhã Ca Trần Thị Thu Vân.

9/ Thuyết trình 4: Cư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn: “Cảm niệm về Công trình Phiên dịch ĐTKVN “.

10/ Cảm tưởng 2: Huynh trưởng cấp Dũng Quảng Giải Huỳnh Kim Hóa.

11/ Một vài phát biểu/câu hỏi khác của quan khách hay tham dự viên (nếu còn thời gian, TT Nguyên Tạng mời).

12/ Đạo từ của đại diện thành viên Hội Đồng Chứng Minh, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc.

13/ Hòa Thượng Phó Thư Ký Thích Thái Hòa tổng kết và tuyên bố bế mạc.

14/ Chụp hình lưu niệm.

  

Vào giờ này trên màn ảnh đã có hơn 190 người vào dự, đúng như chương trình giới thiệu, HT Thích Như Điển (Chánh Thư Ký Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời và Hội Đồng Hoằng Pháp) đã đọc bài văn khai mạc thật súc tích và đầy đủ chi tiết từ dòng chảy 1973 đến ngày thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Đại Tạng Kinh từ tháng 12/2021, Ngài rất uyên bác khi trình bày chỉ trong 15 phút.

 Đúng như cụm từ “Bất Khả Tư Nghì” mà Ngài đã dùng trong bài diễn văn, do đó chúng con với những điều đã nghe và rất nao nức mong chờ ngày Bộ Đại Tạng Kinh Phật Việt đã được hiệu đính đúng tiêu chuẩn Hàn lâm  quốc tế và có tầm vóc sánh ngang hàng trên thế giới..

 

Chúng con cũng ngưỡng mộ và tán dương ban Phiên dịch đã dùng hết tâm lực để hoàn thành sơ bộ được những gì mà Hòa Thượng Cố vấn đã ôm ấp, hầu tiếp nối việc làm của 18 vị Tôn túc từ 1973 mà nay chỉ còn lại một mình Ngài (HT Tuệ Sỹ).

 

Trong niềm vui và tự hào của những người con của đấng siêu việt Thích Ca Mâu Ni, chúng con được biết chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi, ban Phiên dịch đã chính thức ra mắt Bộ Thanh Văn Tạng gồm các Kinh, Luật và Luận trong giai đoạn đầu và đã được Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam in xong gần 30 bộ (Xem đoạn trên).

 

Chúng con rất ngưỡng mộ đức độ cao cả của Ngài Chánh Thư ký đã cố gắng thực hiện hoài bão của Ngài Cố vấn và chỉ đạo Hội Đồng Hoằng Pháp, cùng Ban Phiên Dịch Đại Tạng Kinh trong việc đem lại lợi ích cho bất cứ Phật Tử không phân biệt tông phái, hệ phái miễn là hiểu rõ được lời dạy đức Phật và ứng dụng vào đời sống thực tại để giúp ích cho xã hội và thế hệ trẻ về sau.

 

 Kính đa tạ và tri ân quý Ngài, phải chăng chúng con đã được tái sinh từ một cõi trời nào đó và có lẽ cũng chung một pháp hội nào trong ngàn kiếp lâu xa.  

 

Tiếp theo chương trình để giới thiệu HT Cố Vấn chỉ đạo HĐHP (Thích Tuệ Sỹ), TT điều hợp chương trình đã giới thiệu tóm tắt hành trạng và sự nghiệp hoằng pháp của một Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, một dịch giả, một nhà văn, nhà thơ, nhà khảo luận với nhiều ngôn ngữ thông thạo.... tiếng Pali, Sanskrit,  Hán, Nhật, Đức, Anh, Pháp v.v...

 

Trên màn ảnh đã có 255 người tham dự và có lẽ thời gian quy định không thể nào làm ngưng được dòng suối pháp nhủ, mà Ngài muốn ban tặng cho thính chúng về lịch sử mà kinh điển lưu truyền và được phiên dịch từ những nhà truyền giáo Ấn Độ sang Trung Hoa, từ thuở ban sơ thời Ngô Tôn Quyền đến Hán, Ngụy, Lưỡng Tấn, Nam Triều và những đại họa vào thời Chung Vũ Đế (hậu bán thế kỷ thứ 6)

 

Con rất ngưỡng mộ khi thấy Ngài kính lễ quý HT Trưỡng Lão chứng minh như HT. Thích Huyền Tôn, HT.Thích Thắng Hoan và đặc biệt quan tâm đến sự hiện diện của HT.Thích Bảo Lạc vì Phật sự nên đã vắng mặt trong Đại hội trước. Và nhất là lời tán dương uy đức của một Tăng già hòa hợp cùng tất cả đệ tử Phật có mặt giờ  phút này.

 

Hòa Thượng cố vấn chỉ đạo HĐHP & Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch & Ấn Hành Đại Tạng Kinh VN Thích Tuệ Sỹ đã đặc biệt giải thích từ ngữ Thanh Văn Tạng rất ít nghe nói đến từ trước, nhưng thật ra chỉ có nghĩa là “người nghe”, vì thuở ấy người Bà la môn giáo cho rằng Kinh Vệ Đà là thánh giáo ẩn tàng trong vũ trụ, chỉ có những bậc tiên nhân mới có thể biết và do đó họ cấm ghi chép lại mà chỉ truyền khẩu, và Ngài cũng nhấn mạnh đến Thanh Văn cũng chẳng phân biệt gì đến tiểu thừa hay đại thừa, thật ra chỉ là tên gọi những đệ tử Phật đang quỳ dưới chân Đức Thế Tôn để nghe các lời giảng từ kim khẩu Ngài mà thôi. Đây là lần đầu tiên trong đời tu học con được nghe và vô cùng phấn khởi về một Đạo Phật minh triết.

 

Con cũng học hỏi được thêm về sự hình thành chữ viết trên giấy từ lúc sơ khai là thẻ tre (thanh bản) tuy khó lưu truyền, rồi khắc trên đá (thạch sơn phong) và cuối cùng dùng những giẻ rách từ những tấm vải nghiền nát thành bột và chế tạo biến thành giấy.



thanh van tang (1)thanh van tang (5)thanh van tang (6)thanh van tang (7)thanh van tang (23)thanh van tang (35)thanh van tang (36)thanh van tang (37)thanh van tang (38)thanh van tang (39)thanh van tang (40)thanh van tang (41)thanh van tang (42)thanh van tang (43)thanh van tang (44)thanh van tang (45)thanh van tang (46)thanh van tang (47)thanh van tang (48)thanh van tang (49)thanh van tang (50)thanh van tang (51)thanh van tang (52)thanh van tang (53)thanh van tang (54)thanh van tang (55)thanh van tang (56)thanh van tang (57)thanh van tang (58)thanh van tang (59)thanh van tang (60)thanh van tang (61)thanh van tang (62)thanh van tang (63)thanh van tang (64)thanh van tang (65)thanh van tang (66)thanh van tang (67)thanh van tang (68)thanh van tang (69)thanh van tang (70)thanh van tang (71)thanh van tang (72)thanh van tang (73)thanh van tang (74)thanh van tang (75)thanh van tang (76)
 

Điều chính yếu vì sao có công trình phiên dịch đã được Hòa Thượng giải thật khúc chiết, Ngài tán dương sự quyến rũ của Phật giáo khi xâm nhập vào Trung Hoa dù bấy giờ đạo Khổng và đạo Lão đang thịnh hành, thế nên khi nghe có nhà truyền giáo nào từ Ấn sang là nhà vua liền cho người phiên dịch hầu không thất truyền nhưng vì lúc bấy giờ người thông hiểu Phạn ngữ chưa có nhiều nên thường dịch sai và mãi đến khi Ngài Huyền Trang trở về từ Tây Vực mới phát triển và chính xác hơn.

 

Như đã nói trên, nguồn pháp bảo của HT Cố Vấn cứ tiếp tục tuôn chảy dù thời gian quy định đã vượt xa, nhưng không ai muốn Ngài dừng lại vì đây chỉ là những tiếng đàn dạo mở đầu và điều chính yếu để hiểu sự thành lập Thanh Văn Tạng, và cuối cùng mới được HT đã kết thúc vì sao có Thanh Văn Tạng, nhưng HT cũng không quên ban cho thính chúng nhiều chi tiết lịch sử ly kỳ, bắt nguồn từ dân tộc Liêu ở biên cương Trung Quốc rất yêu chuộng Phật Giáo, nên nhà vua chia thuế mình cho các Tăng sĩ và tiếp đến nhà Kim, Khắc Đan, Cao Ly dần đến nhà Thanh …

 

Hội chúng được biết thêm về nữ Cư sĩ Thôi Pháp Trân đã chặt cánh tay để kêu gọi ủng hộ việc in kinh và đến nhà Thanh được biết có: Khai Bảo Tạng, Triệu Thành Bản và Thiết Đăng Tạng thống nhất.

 

Và HT cho rằng sở dĩ Đại Tạng Kinh được bắt đầu từ Thanh Văn Tạng là đi đúng theo lịch sử đã phát triển từ Kinh A Hàm , kế đến Bát Nhã và sau cùng Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, do đó tất cả giáo lý cơ bản đều nằm trong Kinh A Hàm, riêng luật luận thì sau này mới có do sự phân chia các tông phái như Thượng Tọa bộ với A Tỳ Đàm và các bộ phái khác có thêm Du Già luận hay Trung Quán luận.

 

Vì bài viết có giới hạn tuy con đã ghi chép đầy đủ, nhưng con xin đúc kết những điều kiện chính yếu của công trình phiên dịch hầu thính chúng dễ theo dõi tiếp theo phần trình bày cho Giáo Sư Trí Việt Đổ Quốc Bảo.

Đó là:

1-Phải biết tiếng Phạn

2-Nắm vững giáo lý của A Tỳ Đàm

3-Trình độ nghiên cứu (ngang hàng tiến sĩ)

4- Kiến thức về ngôn ngữ, người chuyết văn cần phải thông thạo và hiểu giáo điển.

 

TT điều hợp viên đã cảm ơn Ôn dù quá giờ ấn định, nhưng rất hữu ích và hội chúng rất hoan hỷ, nhìn lên màn ảnh số người tham dự đã hơn 259 người.

 

Tiếp tục chương trình Giáo Sư Trí Việt Đỗ Quốc Bảo đã tường trình về thành quả của khóa học sơ cấp sắp kết thúc với 28 học viên và sẽ tiếp tục học khóa trung cấp. Ngoài ra Giáo Sư cũng cho biết cho biết hiện Giáo Sư đang có lớp học cao cấp gồm 6 học viên và cùng đang dịch tác phẩm Nhập Bồ Đề Hạnh gồm 931 câu kệ, hy vọng cuối năm sau có thể ra mắt tác phẩm này. Giáo sư cho biết cho khóa học sắp tới vừa được niêm yết để chiêu  sinh và sẽ bắt đầu vào tháng 10 năm nay.

 

Phần kế tiếp cũng rất sôi động và phấn khích sau khi TT Nguyên Tạng giới thiệu diễn giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát một nghiên cứu gia, một sử gia, một Thiền Sư và đã từng làm Phó viện nghiên cứu Đại Học Vạn Hạnh đã cùng ôn Minh Châu xuất bản Phật Điển VN và đã ấn tống lại Bộ Đại Việt Sử Lược có từ thời Lê văn Hưu.

 

Đúng thật vậy với kiến thức uyên bác, Ngài Lê Mạnh Thát đã kể lại những bộ sách đã in về các tác giả đánh giá văn học từ thế kỷ thứ hai.

 

Ngoài ra còn có những tác phẩm được kể như Toàn tập về Chân Nguyên, về Ôn Minh Châu, Ôn Quy Thiện, về Ôn Pháp Chuyên Diệu Nghiêm nhờ đã đến tham khảo tủ kinh sách của Chùa Bảo Quốc và Tường Vân (nơi lưu giữ nhiều nhất).

Chúng con rất ngạc nhiên khi Ngài đã hội đủ các dữ kiện để xác nhận Mâu Tự là người VN chứ không phải là người Trung Hoa và là tác giả đầu tiên của Phật Giáo VN vì Ngài đã dịch chuẩn xác tiếng Phạn hơn Ngài Khương Tăng Hội và chắc chắn với 3 bộ Lịch Sử Phật Giáo VN đã chỉnh sửa và hiệu đính sẽ xuất bản một ngày gần đây hậu bối am rành Phạn ngữ sẽ rõ.

 

Thính chúng cũng được nghe cảm tưởng của học giả Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, người đã từng tham học tại Cao Đẳng Quảng Hương Già Lam và viết rất nhiều bài giá trị cho Tập san Chân Nguyên (khi GS Phạm Công Thiện còn làm chủ bút) và hiện nay cộng tác cho Việt Báo và là thành viên trong ban chứng nghĩa và chuyết văn của HĐHP.

 

Cư sĩ Tâm Huy đã tri ân HT Tuệ Sỹ và GS Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã tin tưởng giao phó trách nhiệm là thành viên trong ban chứng nghĩa và chuyết văn gồm HT Thích Thiện Quang, TT Thích Nguyên Tạng, Cư sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo, và ngoài ra có sự hỗ trợ của TT Thích Như Tú, TT Thích Nhuận Thịnh và Sư Cô Thích Nữ Thông Tánh (VN); và cư sĩ cho rằng mình có đại phước duyên được đọc hàng ngàn trang kinh sách, luật luận đã được các Đại sư chú giải và thêm vào đó đã được HT Tuệ Sỹ chú thích chỗ nào sai và dẫn chứng.

 

Con đã thầm chúc mừng quý vị trong ban chứng nghĩa và chuyết văn thật có đại phước duyên, hẳn quý vị đã từng thọ sanh nơi cõi trời Quang Âm Thiên vậy.

 

TT điều hợp viên đã cảm ơn Cư Sĩ Tâm Huy, Cư Sĩ Tâm Quang, Cư Sĩ Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và Cư Sĩ Thanh Phi đã giúp đỡ rất nhiều trong ban chuyết văn; sau đó kính thỉnh phần thuyết trình của HT Phó Thư Ký HĐHP Thích Nguyên Siêu (Viện chủ Chùa Phật Đà và chùa  Pháp Vương tại San Diego).

 

 Hòa Thượng tổng kết thành quả từ ngày vận động thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Đại Tạng Kinh qua những bức tâm thơ của HT Cố vấn và chỉ đạo Thích Tuệ Sỹ và đã có những thành quả sơ bộ cũng nhờ tất cả tấm lòng từ bi và dốc lòng vì đạo hy sinh của HT Chánh Thư ký Thích Như Điển và các ban ngành nhân sự đã tô bồi kiến thức văn học.

 

Tất cả những thành quả đã giới thiệu trước từ 8/2021 đến 5/2022 đã được HT Nguyên Siêu báo cáo và tổng hợp đầy đủ, trong đó đã nói lên 6 điểm chính về bản báo cáo tổng hợp này như sau:

1- Về thành phần nhân sự của các ban ngành trong Hội đồng hoằng pháp và hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh

2- Sự diều hành chặt chẽ.

3- Tâm thành tương kính lẫn nhau trong sự điều hợp

4- Phát tâm cúng dường từ các nhà hảo tâm (Tiền Canada: 177, 657 đô  ; tiền Mỹ: 47,270 đô; tiền Úc: 7,000 đô và Tiền Âu Châu: 48,700 Euro)

5-Ấn hành đều đặn và không lo ngại lắm về chi phí

6- Đền ơn được Lịch Đại Tổ Sư và tiền nhân đã hết lòng phụng sự và cống hiến cho Phật Pháp.

 

Sau cùng HT đã mượn lời của Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát mong cho Bộ Đại Tạng Kinh này sẽ đạt đúng tiêu chuẩn Hàn Lâm quốc tế như vậy mới đáp đền ân đức vậy và xứng đáng con hơn cha là nhà có phước. Kính tán thán thay.

 

Thời gian buổi lễ đã kéo dài đến hơn hai giờ đồng hồ rồi, nhưng khi nghe Nữ văn sĩ Nguyên Hạnh Nhã Ca Trần thị Thu Vân (nổi tiếng qua tác phẩm Vành Khăn Sô Cho Huế trong số 36 tác phẩm đã ấn hành từ 1960-1975) phát biểu cảm tưởng, phải nói rằng mọi người đều lắng đọng tâm tư và xúc động khi nghe Cô kể về thời gian được gia nhập Gia đình Phật tử với Ôn Tường Vân (Đức Tăng Thống HT Thích Tịnh Khiết) và Cô là đệ tử của HT Thích Trí Thủ,

 

Cô đã kể lại hành trạng của đức Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ, và nguyện vọng duy nhất của Ôn Trí Thủ là làm sao có được bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam. Câu lời hứa của HT Cố Vấn Thích Tuệ Sỹ trước giờ lâm chung khiến bao người phải suy nghĩ đến tương lai của Phật Giáo VN “Ôn đi rồi con hứa sẽ gánh vác, nhưng đến khi con ra đi thì ai sẽ là người tiếp nối đây?”

 

Đáng lý ra nhà văn Đỗ Quý Toàn cũng sẽ phát biểu cảm tưởng nhưng vào giờ cuối không thấy Ông xuất hiện, nên tiếp theo là Huynh Trưởng Quảng Giải Huỳnh Kim Hóa phát biểu cảm tưởng, đã cho rằng: “việc ấn tống Đại Tạng Kinh là một công trình đồ sộ không thể nghĩ bàn và đây là một Phật Sự cần tiếp nối nhiều năm trải dài lịch sử vậy.”

 

TT điều hợp viên Thích Nguyên Tạng có cung thỉnh HT Thích Minh Tâm tự Khinh An. HT là Viện chủ chùa Phật Ân tại Long Thành (VN) nơi HT Tuệ Sỹ đang an cư kiết hạ nhưng Ngài cũng không xuất hiện lúc này, có lẽ ngài đang chuẩn bị cúng quá đường trưa tại Trường Hạ.

 

Tiếp theo là HT Thích Thiện Quang, do vắng mặt thời gian lâu nên tuy có tên trong thành phần ban chứng nghĩa chuyết văn, nhưng Ngài chưa đóng góp được gì nhiều nên rất hoan hỷ khi thấy tất cả thành viên trong ban đã tích cực lo liệu mọi bề.

Ngài cũng không quên tán dương HT Cố Vấn Thích Tuệ Sỹ đã thắp sáng lại hướng đi Phật Giáo mà nhiều lúc ta tưởng chừng như đã ngủ quên. Và Ngài đã tán dương công đức tất cả các ban ngành.

 

Để trả lời câu hỏi của HT Thích Thiện Quang, TT Nguyên Tạng đã mời Huynh trưởng Tâm Thường Định (Trưởng ban Ấn tống và phát hành) cho xem những bản kinh. Theo đó có cả thảy 26 quyển trung bình dầy 400-800 trang sẽ in bên Đài Loan để phát tặng đến quý tự viện. Nhưng hiện thời nếu muốn order thì có thể đặt mua trên Amazon hoặc theo dõi trên link các trang mạng của Giáo hội.

 

Và tiếp theo Giáo Sư lão thành đã 87 tuổi Nguyễn Xuân Thu phát biểu  rằng, Ông rất vui mừng khi nhìn thấy bộ Đại Tạng Kinh được thành tựu và rất trân trọng trước thành quả sơ bộ này. Giáo Sư kính chúc Ban phiên dịch tiếp tục ấn hành và hoàn tất Bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam một ngày không xa lắm.

 

Và sau đó là lời đạo từ của HT Thích Bảo Lạc, TT Thích Nguyên Tạng đã giới thiệu hành trạng cùng tiểu sử của Ngài thật chi tiết vì lẽ Ngài từng là Hội Chủ của GHPGVNTNHN tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan.

 
Trước  HT Thích Tuệ Sỹ và hội chúng, HT Thích Bảo Lạc đã nói lên sự tán đồng của mình từ thuở ban sơ, HT cho rằng đây là một việc hết sức quan trọng để làm gạch nối cho thế hệ kế thừa và Ngài nhấn mạnh thời gian dù có hai ba chục năm nữa, miễn là làm sao chúng ta đã đem hết nhiệt huyết và thành tâm đóng góp và phụng sự Phật pháp đó là điều hiếm có rồi.

 

 Hòa Thượng cũng sách tấn hàng cư sĩ những ai đã về hưu hay có thì giờ nhàn rỗi nên đọc hàng ngàn trang kinh để không luống những tháng ngày vô vị.

 

Hòa thượng đã tán dương và ủng hộ HT Thích Tuệ Sỹ và Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát cùng ban Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh bài thơ do Ngài sáng tác như sau:

 

Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh

Chúng đức danh Tăng cộng hiệp thành

Nung đúc anh tài dâng phụng hiến

Truyền trì mạng mạch bậc hiền minh.

Kế thừa đạo nghiệp trao phú chúc

Nét bút chưa nhòa trong lặng thinh

Thắt chặt đạo tình luôn thấm đượm

Hoàn thành Việt Phật Đại Tạng Kinh.

 

 

Và cuối cùng là phần đúc kết hết thành quả do HT Thích Thái Hòa, Viện chủ chùa Phước Duyên tại Huế và là Phó Thư ký ban Phiên dịch trình bày và sau đó sẽ tuyên bố bế mạc buổi lễ. Thì ra Ngài đã lắng lòng theo dõi từng lời diễn văn ngay từ phút đầu đến phút cuối và đúc kết từng ý chính của mỗi lời phát biểu, nhưng Ngài nhấn mạnh đến Thanh Văn Tạng chính là cốt lõi tinh yếu truyền thừa từ Đức Phật, là nền tảng có chuẩn mực để phát triển và nghiên cứu học hỏi Phật Pháp.

 

 Hòa Thượng cũng khuyến khích tìm đọc quyển Mâu Tự Khảo Luận, một tác phẩm thuần Phật Giáo Việt Nam.

 

Và buổi lễ được tuyên bố bế mạc lúc 4 giờ 09 phút, giờ Melbourne sau khi TT.Nguyên Tạng đã diễn đọc lại bài thơ tán dương Đại Tạng Kinh của HT Bảo Lạc.

 

Lời kết:

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

 

Con kính trích đoạn một đoạn kinh để tán dương ân đức của quý Hoà Thượng trong ban Hội đồng Hoằng pháp và Hội đồng Phiên dịch đại tạng kinh như sau

 

Đức Phật dạy:  “Trong tôn giáo của ta, ngôn ngữ tinh tế hoa mỹ là không cần thiết. Tất cả những gì ta muốn là ý nghĩa và lý luận phải đúng. Các ông phải thuyết pháp theo cách phát âm mà dân chúng hiểu được. Vì vậy, điều đúng đắn là sử dụng ngôn ngữ tùy theo xứ sở mình thuyết pháp.”

 Theo tinh thần nầy của đức Phật thì người Việt Nam cần phải được nghe giảng pháp và học kinh Phật bằng tiếng Việt thì mới mong việc hoằng pháp dễ thành công được. 

 

Con cũng kính dâng bài thơ chúc mừng đến quý thành viên trong ban phiên dịch qua bài họa của con với bài thơ của HT Bảo Lạc để Tán dương thành tựu sơ bộ Việt Phật Đại Tạng Kinh.

 

Thành tựu sơ bộ phiên dịch kinh

Đại Tạng Thanh Văn đã ấn hành

Nhiều Luật, Luận từ lâu hiếm quý

Chữ Việt thay … Hán Đại Tạng Kinh

Chánh pháp Thế Tôn được phó chúc

Khích lệ Phật Tử dưỡng tâm linh

Truyền bá dễ dàng trong đại chúng

Tán dương tinh tấn hạnh nghiêm minh

.

Nam Mô A Di Đà Phật,
Huệ Hương

(Tường thuật nhanh từ Melbourne ngày 18/7/2022)

 

 

Ý kiến bạn đọc
19/07/202223:39
Khách
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 🙏con cầu nguyện cho Quý Ngài cùng tất cả các Quý Đạo Hữu và Nhất là 2 Cô Cư Sĩ Huệ Hương và Diệu Danh cũng là ngòi bút 🖊 tài giỏi , đa tài thật nhiều sức khỏe và bình an và tràn đầy năng lượng tốt để phụng sự Cho Phật Giáo giúp đỡ Quý Thầy Hoằng Vương Chánh Pháp để được PG trường tồn 🙏Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát 🙏Nam Mô Long Thiên Hộ Pháp thuờng gia hộ 🙏🙏🙏😍🌹🌷🪷
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]