Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

50_Linh Thứu Sơn (Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng)

03/04/202223:29(Xem: 9407)
50_Linh Thứu Sơn (Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng)


Linh Thứu Sơn


 

Bài pháp thoại giải thich câu kệ 51 trong nghi thức đảnh lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão HT Thich Trí Thủ biên soạn và thọ trì được TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng livestream ngày 11/8/2020 giữa mùa đại dịch Covid-19

 

 

Thế gian ly sanh diệt. Do như hư không hoa

 Trí bất đắc hữu vô.

Nhi hưng đại bi tâm..

HÒA: Nhất tâm đảnh lễ Linh Sơn hội thượng vô lượng thánh hiền. (1 lạy)

 

Vạn hữu ở thế gian. Như hoa đốm hư không, Không hề có sinh, diệt.

 Trong trí tuệ chân thật, Không có hữu và vô.

 Với trí tuệ như thế, Mà phát tâm đại bi.

HÒA: Một lòng kính lạy vô lượng Thánh Hiền trên pháp hội Linh-sơn. (1 lạy)

 

 

 

Kính bạch Giảng Sư,

 

 Từ lâu con đã được học rằng: “Nếu một vị Giảng Sư nào giúp mình qua một bài pháp thoại giúp ta nhận rõ lại thân tâm hơn, có niềm tin tịnh tín bất thối vào Phật, Pháp, Tăng hơn,  giúp ta biết điều chỉnh nhận thức hành vi mình để nhận rõ Tuệ quán chính là đây hầu loại bỏ tham vọng sở hữu kiến thức, sở đắc thì cứ nghe mãi cho đến khi đạt giác ngộ”.

 

Phải chăng đó chính là yếu tố đã sách tấn con mỗi khi trình pháp, con đã nghe đi nghe lại bài pháp thoại thật nhiều lần và riêng sau bài pháp thoại Linh Thứu Sơn này đã giúp con thấy ra được nguyên lý sẵn có từ hơn 2500 năm về trước mà Đức Thế Tôn đã giảng bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại nơi linh thiêng nhất (mà năm 2009 con đã có dịp hành hương) .Ôi trân quý thay, sự lợi ích của việc nghe pháp.

 

Dù trước đó con chưa hề biết đến nghi thức đảnh lễ này do Đức Trưởng Lão đã biên soạn nhưng đã được Sư Phụ chỉ dạy một lần như sau: “Mọi suy nghĩ, phiền não vọng tưởng đều sinh diệt như hoa đốm giữa hư không. Nếu bận tâm với hoa đốm thì sẽ quên hư không, còn nếu biết hư không, chẳng có gì để bám trụ được thì:

MẶC TÌNH HOA ĐỐM

TÂM NHƯ...mỉm nụ cười

(HT Viên Minh)

 

Và huyền diệu thay con đã thật hoan hỷ khi Giảng Sư  bắt đầu bài giảng và cho biết bốn câu kệ này đã được HT Thích Trí Thủ trích ra từ kinh Lăng Già và đã được Đức Thế Tôn thuyết giảng tại Lăng-già (Lanka).

Lanka là tên núi.  Núi nằm tại biển Nam là chỗ ở của Dạ-xoa. Bởi vua Dạ-xoa thỉnh Phật thuyết pháp trên núi này, nên lấy tên núi đặt tên kinh.

Giảng Sư cũng cho biết thêm “Núi này cao vót nhìn xuống biển cả, chung quanh không lối vào. Người được thần thông mới có thể lên được, để tiêu biểu pháp môn tâm địa, người không tu không chứng mới hay lên được. Nhìn xuống biển cả, để tiêu biểu biển tâm thanh tịnh, do gió cảnh thổi, nên sóng thức nổi dậy. Người đạt được ngoại cảnh vốn không thì biển tâm tự vắng lặng. Tâm cảnh đều lặng thì việc gì cũng sáng tỏ, ví như biển cả lặng gió thì mặt trời mặt trăng và vạn vật hiện hình rõ ràng. Kinh này Phật vì hàng Bồ-tát căn cơ đã thuần thục, liền nói chủng tử nghiệp thức là Như Lai tang, Phật Tánh Chân Như .

 

Con vì căn cơ thấp chưa rõ được liễu nghĩa của Ý kinh thì với sự uyên thâm quảng bác qua bài viết ‘Ngắm Trăng Lăng Già” đã được GS chỉ rõ như sau:

 

1-Phật Tánh, Chân Như giống như ánh trăng tròn ngày rằm.

2-Ánh Trăng soi chiếu vào bầu trời tăm tối đang bị mây mờ che phủ thì Trí Tuệ mới khởi phát được và ta có cơ hội tiến về giải thoát.

Như vậy lìa thế gian để đạt tới chỗ không sinh không diệt giống như hoa đốm giữa hư không “ Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”

3- Chân thật trí của người đạt rốt ráo không có Hư Vô, không có Sanh Diệt thì đi tìm làm gì vì đó là Viên Giác Diệu Tâm, Bát Nhã Ba la mật.

 

Cho nên Đức Hòa Thượng đã khuyên chúng ta để mà liễu đạt được điều mà chúng ta không hề với tới được thì nên phát khởi Đại Bi Tâm vì sao vậy?

 

Vì nếu không có Thật Trí thì sẽ không thấy được sự sanh tử luân hồi này, sự sanh tử khổ đau trong cuộc đời này chính là thể tánh của Niết Bàn mà Đại Bi Tâm lại tiêu biểu cho thể tánh ấy.

Cũng theo GS Đại Bi Tâm bao hàm TỪ và BI:

-         Từ đem lai cho chúng sanh sự an vui “Năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc”

-         Bi lại là nhổ sạch gốc rễ khổ đau “Năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ”

Và vai trò của Chư vị Bồ Tát là phải luôn luôn an trú trong bài kệ này để luôn luôn hưng khởi Đại Bi Tâm trong công cuộc giáo hóa.

 

Điểm đặc biệt cốt tủy mà bài pháp thoại đặc biệt muốn giới thiệu với thính chúng lại là câu đảnh kễ của Đức Trưởng Lão về hai chữ Linh Sơn.

“ NHẤT TÂM ĐẢNH LỄ LINH SƠN HỘI THƯỢNG VÔ LƯỢNG THÁNH HIỀN”.

Vì mục đích Ngài muốn kẻ hậu học cần nên gieo duyên với Chư Bồ Tát, Thánh Hiền có mặt trong các pháp hội mà đức Phật đã thuyết giảng trên Linh Thứu Sơn.

 

Linh Thứu sơn theo tiếng Pāli là (Gijjhakuta) hay có nghĩa là ngọn núi kền kền (Vulture’s Peak), trên đỉnh núi có tảng đá mang hình dạng đầu con kền kền là loài chim rất phổ biến ở Ấn Độ. Từ trên đỉnh núi này, chúng ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành Vương Xá, những rặng núi chạy dài bao bọc xung quanh, các đồng ruộng mênh mông bát ngát, các làng mạc và những phố xá nằm rải rác quanh đồi núi.

Theo truyền thuyết của kinh Đại thừa, tại núi này Đức Phật đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharmapundarika Sutta), là bộ kinh quan trọng của Đại thừa Phật giáo - kim chỉ nam của hành giả Pháp Hoa tông. Cho nên vào đầu kinh chúng ta thấy câu xướng lễ: "Nam mô Linh Sơn hội thượng Phật Bồ tát", chính là nói đến pháp hội Tam thừa quy nhất tại núi Linh Thứu, Đức Phật khuyến hóa hàng Thánh giả Tam thừa (Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát), nên hướng về Nhất thừa (Phật thừa). Trong kinh này, Đức Phật khẳng định Phật tính bình đẳng trong tất cả chúng sinh, không phân biệt nam nữ, quý tiện vì ai cũng có Phật tánh và sẽ thành Phật, thông qua lời tuyên ngôn của Phật: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

 

Và  tinh thần Linh Sơn Pháp Hội cũng là ý nguyện của Bậc Long Tượng HT Thích Huyền Vi (1926-2005) đã sáng lập nên Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn thế giới và phát triển hơn 20 chi nhánh khắp nơi trên các châu Á, Âu, Mỹ, Úc  và ngay cả trên châu Phi.

 

Nếu kể về tiểu sử Ngài hẳn  cần vài trang để viết cũng không hết nhưng trong khuôn khổ bài trình pháp này, kính xin được ghi lại những gì mà Giảng Sư TT Thích  Nguyên Tạng đã có dịp lưu trú 10 năm (khi theo học tại Đại Học Vạn hạnh và Chùa Vĩnh Nghiêm) trong gian phòng làm việc của HT Thích Huyền Vi tại chùa Pháp Vân / Gia Định thuộc tp Saigon ngày trước và nhờ đó nguồn pháp bảo đã thấm sâu trong mạng mạch huyết quản của Giảng Sư.

 

Kính xin được tóm tắt vài hàng yếu lược nhất từ lúc Ngài sang Ấn Độ (1961-1967) và đã lên chiêm bái Linh Thứu Sơn.

Ngày 02.02.1961, Ngài lên đường du học tại Viện Đại học Nalanda, Ấn Độ. Sau khi học xong chương trình Cử nhân Anh văn, Ngài học văn bằng cổ ngữ Acharta. Những năm kế tiếp, Ngài trình Luận văn M.A. với đề tài "The four Abhidhammic Reals" (Tứ Chân Thật Pháp). Rồi ba năm sau, Ngài trình Luận án Tiến-sĩ (Ph.D) với đề tài "The life and work of Sariputra Thera" (Cuộc đời và sự nghiệp của Tôn giả Xá Lợi Phất).

 

Giảng Sư có nhắc đến bài pháp thoại Con Đường Phải Đi được Ngài thuyết giảng tại chùa Xá lợi trong thập niên 1973-74 nói về hành trình giáo hóa của Đức Phật từ khi thành đạo xuyên suốt 45 năm, Ngài đã đi bộ qua lại từ trên con đường từ thành Vương Xá đến núi Linh Thứu mà chúng ta đọc được qua lời kể của HT Huyền Vi...kính trích đoạn

Khi tụng niệm câu Nam Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát, một luồng gì lạnh buốt phát ra từ đỉnh đầu rồi tỏa khắp châu thân làm cho chúng tôi khoan khoái nhẹ nhàng. Tiếp đến là hai hàng nước mắt tuôn trào không ngăn chặn được. Bây giờ nhớ lại mới nhận ra là lúc ấy bỗng nhiên một cảm giác hân hoan tràn ngập tâm hồn vì tự thấy mình như được nghe pháp trong hội Linh sơn, nhưng rồi sự tủi buồn tiếp đến vì không được thấy Phật và các vị Thánh hiền đâu nữa.

Lễ Phật xong chúng tôi cùng lùi ra ngồi trên tảng đá lớn nhìn xuống cảnh vật chung quanh. Càng nhìn càng nhớ lại tất cả công hạnh tu hành, độ sanh cuả Đức Phật. Và chúng tôi hiểu rõ vì sao Đức Phật lựa chỗ này làm nơi thường trú: hoàn cảnh và địa thế không phải là tất cả thì một phần nào có thể làm cho tâm tư con người trở nên thế này hay thế khác. Có lên cao mới thấy rộng, nó vượt ra ngoài những gì thấp kém, ở nơi thoáng đại hùng vĩ nảy sanh ra được tư tưởng cao siêu huyền diệu.

 

Nhưng tôi vẫn luôn nhớ bài thơ Khuyến Tu của Ngài nhất trong tâm tưởng khi những năm về trước sưu tầm các MP3 về giáo lý căn bản như Tứ Diệu Đế, Thập nhị Nhân Duyên v.v...

Chớ bỏ trôi qua uổng tháng ngày,  

Tu hành gắng lấy, để cầm tay,  

Bến mê lánh khỏi trăm phần khó,  

Cửa Pháp nương nhờ lắm chuyện may!  

Nợ trước bốn ơn, lo gắng trả,  

Thân sau ba cõi, nguyện đừng vay,  

Vô thường niệm niệm xin ghi nhớ,  

Chớ bỏ trôi qua uổng tháng ngày!"

 

Cũng liên quan đến Linh Thứu sơn dường như ký ức của Giảng Sư đã in rõ những lần hướng dẫn đạo tràng Quảng Đức hành hương đến chốn linh thiêng này trong những năm 2006, 2008, 2011, 2016 và câu chuyện về Ngài Pháp Hiền (?-626) đệ nhị Tổ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã vượt qua bao nhiêu gian khổ để đến được Linh Thứu Sơn được Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải ghi lại như sau “Tiếp tục đi về hướng Đông Nam thêm 15 dặm, họ đến núi Linh Thứu, nơi Đức Phật đã giảng nhiều bài Pháp quan trọng. Pháp Hiển đã mang hương hoa đèn dầu và lên đến đỉnh núi nhờ sự hướng đạo của hai tu sĩ địa phương. Tại đấy Ngài  chưa kịp đốt dèn thì ánh lứa bổng cháy bừng (chứng tỏ nơi đây luôn có Chư Thiên) sau đó Ngài  đốt hương, thắp đèn, dâng hoa, lễ bái Thánh địa. Khi đứng tại chỗ mà ngày xưa đức Như Lai đã từng sống, Pháp Hiển không sao ngăn được cảm xúc và ngài đã bật khóc, tự than đã sinh quá muộn màng, không được chiêm ngưỡng thân sắc vàng của Phật và lắng nghe Ngài thuyết giảng kinh Lăng Nghiêm tại nơi này. Rồi Pháp Hiển tụng kinh Lăng Nghiêm ở đấy ngay trước hang động, và trải qua đêm trên đỉnh núi Linh Thứu. [Cao Tăng Truyện còn kể câu chuyện Pháp Hiển đã gặp ngài Đại Ca-diếp, vị đại đệ tử khổ hạnh đệ nhất của Đức Phật. Mẫu chuyện này dường như phù hợp với truyền thuyết cho răng Ma-ha Ca-diếp vàn còn sống trong một khe núi Linh Thứu.

Và 200 năm sau Pháp Sư Huyền Trang đã chiêm bái Linh Thứu Sơn và khi tụng xong Bộ kinh Pháp Hoa, Ngài đã khóc òa:

 

Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ

Áo não thương thay đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai Kim Pháp Thân”

 

“Thời Phật đang tại thế, Chúng con còn trầm luân

Nay được sinh làm người Thì Phật đã diệt độ

Buồn thay cho thân phận nhiều nghiệp chướng
Không thể chiêm ngưỡng thân vàng Đức Như Lai”

 

Và đặc biêt bài thơ của TT Thích như Giải đã cảm tác về núi LinhThứu vào năm 2018 sau lần hành hương chiêm bái.

 

NÚI LINH THỨU – Cảm tác

 

Núi Linh Thứu dốc vờn quanh

Lòng nghe man mác hương xanh đất trời 

Pháp âm vi diệu tuyệt vời 

Trong từng chiếc lá nhẹ vơi trược phiền

 

Đường lên đỉnh dốc núi thiêng 

Mà sao vui thoát nhân duyên lạ kỳ 

Dõi theo hơi thở bước đi 

Hương âm từng nhịp thầm thì thong dong

 

Nữa chừng lưng dốc lòng vòng 

Một ngôi am nhỏ thanh trong núi đồi 

Nơi Ba Tư Nặc nghỉ hơi 

Khi lên bái kiến nghe thời pháp âm

 

Hai phần dốc núi âm thầm 

Một hang đá nhỏ ngầm ngầm phong rêu 

Ô kìa chim lượn thú kêu 

Tí ta tí tách nhịp kêu nước Thần

 

Là nơi Ca Diếp trú thân 

Tọa thiền điều tức phong vân thuần hòa 

Hoa vàng quyện với mù sa

Ánh quang lặng chiếu ca sa tịch trầm

 

Khí thiêng mãi vọng pháp âm 

Đón đoàn chiêm bái âm thầm phiêu nhiên 

Một cửa động thoát trược phiền 

Tịch u sừng sững khí thiêng tuyệt vời

 

Ngài Xá Lợi trí sáng ngời 

Luôn ngồi trầm mặc nhẹ khơi đạo mầu 

Cận kề như sát cạnh nhau 

Tựa vách đá hướng ngàn lau lách nhìn

 

Ngài Mục Liên sạch vô minh

Thần thông hiển lộ tâm tình nhẹ tơn 

Lên trên đỉnh núi chập chờn 

Hình con chim Thứu như vờn vờn bay

 

Khí lành tỏa khắp trước sau 

Khoan khoái kỳ lạ một màu viên dung 

Nền hướng thất giữa vô cùng 

Pháp âm thường chuyển một vùng khí thiêng

 

Pháp hoa Bảo tích Nhân duyên 

Đại Bát nhã mãi triền miên nơi này 

Con về lạy tạ ân Thầy 

Lạy khắp trời đất tràn đầy trí bi

 

Tri ân muôn dặm lối đi

Tri ân cuộc sống vô nghì hư hao 

Thánh cảnh đẹp tợ ca dao 

Linh thiêng như không nơi nào linh hơn

 

Tri ân cả kẻ gieo hờn 

Tri ân luôn những nguồn cơn nỗi niềm 

Sắc không đau đáu trong tim 

Bao giờ hoát ngộ như chim Thứu này

 

Con về lạy tạ cỏ cây 

Lạy luôn đất đá nơi này kết duyên

 

11/2018

Thích Như Giải

 


Lời kết

 

Kính bạch Giảng Sư, con không biết bài pháp thoại đã kéo dài bao nhiêu phút nhưng chắc phải gần hai giờ đồng hồ vì dòng pháp đang tuôn chảy rất vi diệu khi  toàn bộ kinh Pháp Hoa 28 phẩm đã được GS tóm tắt đại ý từng mỗi thí dụ trong 7 thí dụ mà tất cả người học kinh này phải hiểu cho được, và nương theo đó mà tu tập đó là: (1- Hỏa trạch dụ, 2-Cùng tử dụ, 3-Dược thảo dụ, 4-Hóa thành dụ, 5-Ý châu dụ, 6- Đảnh châu dụ, 7-Y tử dụ).

 

Thêm vào đó Ngài đã truyền tải  lại Lời Phật thọ ký cho tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật với danh hiệu Phổ Minh Như Lai (trong phẩm Ngũ Bá đệ tử thọ ký vì “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”.)

 

Con cũng không thể nào tưởng tượng những sự kiện từ năm nào đã in hằn trong tâm trí Ngài khi được nghe vào năm 1990 TT Viện chủ Thích Tâm Phương đã có dịp hành hương Linh Thứu Sơn với Sư Ông Làng Mai, HT Thích Nhất Hạnh mà cũng tại Linh Thứu Sơn TT. Thích Tâm Phương đã cạo tóc cho Sư Bà Chân Không một trợ thủ đắc lực nhất của HT. Nhất Hạnh.

Và GS đã đọc bài thơ cho chúng đệ tử  được nghe bài thơ Sư Ông Làng Mai sáng tác vào dịp ấy để  chúng đệ tử suy ngẫm vì nó cao siêu quá.

 

Người Hành Khất Năm Xưa

 

Người Hành Khất Năm Xưa

Vẫn còn trên Linh Thứu Sơn

Thản nhiên ngồi nhìn mặt trời huy hoàng đang lặn

Gotama ô hay

Ai bảo rằng Ưu Bát Đa La triệu năm mới có một lần nở

Tiếng hải triều kia…

Có chiếc tai nào chịu lắng nghe mà lại không nghe !!!!

 

Kính bạch Giảng Sư,  có thể nói bài pháp thoại súc tích quá, sâu sắc quá khiến người nghe tưởng tượng ra mình đang được một bậc giác giả từ trên cao dùng đôi tay nâng đỡ kéo lôi ra những vọng tưởng u mê còn ẩn sâu  trong tâm linh. (Như tượng hình của chữ HỌC trong Hán ngữ),

 

Kính tri ân Giảng Sư và kính chúc Ngài pháp thể khinh an và trong tương lai cìn được tiếp tục nghe những bài pháp thoại thật tuyệt diệu như thế.

 

Kính trân trọng.

 

Ôi! dư âm bài pháp thoại sao mãi lắng đọng,

Niềm tịnh tín khiến bản thân phong phú lên

Nội tâm trống rỗng ngày nào...pháp nhủ chen thêm

Được dung nạp, bồi dưỡng từ ngôi nhà Tam Bảo

 

Kính tri ân Giảng sư...trân quý phúc duyên tuyệt hảo

Thắm mãi câu..

“Muốn có trí tuệ chân thật...phải khởi đại bi tâm”

Nguyện xuyên suốt quảng đời còn lại ..như thật, như chân

Cố gắng, kiên định và vững tin minh triết Phật

 

Lại nguyện giữ tinh thần Linh Sơn Pháp Hội ...

....từ  bậc Long Tượng (HT Thích huyền Vi)

Đi theo con đường ...45 năm Phật đã kinh qua

Sẽ  ...phản bổn quy chân, khi vô ngã vị tha

Vì giáo pháp Như Lai  đã được truyền tải lại.

Kính niệm ơn ...quý danh tăng cự phách, anh tài!!

 

Chí Tâm đảnh lễ vô lượng Thánh Hiền trên Linh Sơn Hội

 

Huệ Hương kính trình pháp

 

  

 

 

 

 


***
 
Mục lục: 108 bài kệ lễ Tam Bảo
cong duc le Phat-thich nguyen tang
***

Mục lục 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa

to su long tho
***


Trở về mục lục bài giảng của TT Nguyên Tạng
youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]